Xử lý văn bản

Mỗi khi bước vào phòng làm việc, chỉ cần vài bước, tôi đã đứng ngay sau bàn làm việc.
Chiếc bàn làm việc này quen thuộc đối với tôi như lòng bàn tay, giống như những vần thơ mà tôi đã thông thuộc lòng ngay từ thuở nhỏ.
Trên bàn làm việc là những chiếc cặp công tác. Đó là những chiếc cặp màu đỏ, trắng, xanh. Những chiếc cặp đó đã được đặt theo quy định có từ lâu rồi. Nếu như thay đổi vị trí của những chiếc cặp đó hay đặt không đúng vị trí là trong tôi diễn ra cái gì đó, mà tôi không thể diễn đạt chính xác được. Hay ít nhất là tôi có một sự lo lắng khó tả.
Những vấn đề quan trọng nhất được đặt trong chiếc cặp đỏ. Đó là những văn bản buộc tôi phải đọc ngay.
Hoặc là ký.
Một xấp văn bản mỏng những quyết định của tôi, buộc phải giải quyết ngay, không trì hoãn.
Chiếc cặp đỏ nằm ở trung tâm ngay trước mặt tôi hơi lệch về bên phải chút ít. Trước hết đó là nhũng sắc lệnh. Những giác thư gửi lên các cơ quan chính thức (chẳng hạn như Hội đồng Liên bang hay là Duma). Sắc lệnh ra khỏi cặp đó tức là bổ nhiệm hay cách chức. Khi sắc lệnh đó chưa ra khỏi cặp tức là quyết định chưa được thông qua. Đôi khi có hẳn một số người trông chờ ở những sắc lệnh này. Dù muốn hay không muốn thì nội dung của những sắc lệnh này trong chiếc cặp đỏ ngay ngày hôm sau sẽ được đưa lên chương trình thời sự. Có thể là chương trình trong nước, mà cũng có thể là chương trmh quốc tế.
Nhưng công việc của tôi đâu chỉ có bổ nhiệm hay cách chức. Cũng không phải chỉ có những phát biểu công khai hay là các chuyến đi Trong chương này tôi muốn đề cập đến khía cạnh thứ hai, rất sôi động, vô hình của công tác này.
Đáng tiếc là tôi chưa trở lại với chiếc cặp đỏ. Nhưng có một điều tôi biết chính xác: những gì nằm trong chiếc cặp đỏ hôm nay, thì ngày mai sẽ trở thành kết quả, là cái mốc, là sự kiện chủ yếu. Nếu như trong chiếc cặp đỏ có một quyết định nào đó khó hiểu, chưa được suy nghĩ kỹ lưỡng, có nghĩa là có điều gì đó trong cơ chế chưa hoàn chỉnh. Cơ chế thông qua quyết định.
Có điều gì đó chưa ổn.
Sau chiếc cặp đỏ là những chiếc cặp trắng.
Trong những chiếc cặp này là đời sống của một quốc gia. Quốc gia chính là cỗ máy với chế độ quản lý, với động cơ và những bộ phận hoạt động của mình.
Cứ theo nội dung có trong những chiếc cặp trắng là có thể hiểu cỗ máy đó hoạt động như thế nào. Động cơ của cỗ máy đó có những tiếng động lạ hay không. Những bánh răng của động cơ có bị trục trặc gì không.
Trong những chiếc cặp đó là những văn bản của các Bộ, Ngành khác nhau xin ý kiến chỉ đạo. Đó không phải là những quyết định, những chỉ thị của tôi, cũng không phải trách nhiệm chính của tôi. Sau mỗi dòng chữ là những mối quan hệ chằng chịt của bộ máy quản lý Nhà nước. Những báo cáo mật hay những đề nghị của Chính phủ, những báo cáo của Bộ Quốc phòng hay Cơ quan an ninh Liên bang, chi tiêu tài chính cho những chương trình của Nhà nước - ở đây có rất nhiều vấn đề liên quan tin tức chính trị. Nhưng chính từ những tài liệu văn bản của những chiếc cặp trắng này mà đôi khi dư luận bỏ qua lại là cuộc sống hiện thực của quốc gia rộng lớn này.
Trong mỗi văn bản đó là quyết định của tôi, là mệnh lệnh của tôi.
Còn lại là những chiếc cặp xanh. Thông thường đó là những luật. Những luật điều chính đời sống của các công dân.
Chữ ký của Tổng thống tức là trở thành chuẩn mực cho tất cả các công dân. Những chuẩn mực đó sẽ được thực hiện cho nhiều năm. Có thể là hàng chục năm. Những chuẩn mực này sẽ áp dụng vào thực tế hay là phủ quyết?
Khi quyết định về những vấn đề trong văn bản của chiếc cặp xanh, tôi phải huy động hết khả năng, kinh nghiệm đường đời của mình. Đôi khi nó còn khó hơn khi đưa ra một quyết định chính trị hay nhân sự nào đó.
Vận mệnh trước chiếc cặp xanh như thế đó.
Ngày 22 tháng 7 năm 1997, tôi ký Lời kêu gọi nhân dân Nga nhân việc Hội đồng Liên bang không thông qua Luật, Liên bang “Về tự do tín ngưỡng và tổ chức tôn giáo”.
Tôi viết trong Lời kêu gọi: “Đây là một quyết định rất khó khăn. Luật này được 370 nghị sĩ của Duma, Nhà thờ Chính thống giáo và hàng chục tổ chức tôn giáo ủng hộ”.
Chuyện về luật này như sau. Sau khi Liên Xô sụp đổ một làn sóng những nhà truyền giáo từ khắp các nước trên thế giới kéo đến nước Nga. Trong số họ có những người thông thái, xứng đáng, nhưng cũng cỏ những kẻ buôn thần bán thánh, cũng có những kẻ chỉ muốn thu phục được tâm hồn của những chàng trai, cô gái trẻ. Các giáo phái tôn giáo chiếm giữ các gian phòng trống rỗng của các cung văn hoá và nhà hát. Những nhà truyền giáo tuyển chọn những người hâm mộ nhiệt tình trong số sinh viên, học sinh, đôi khi các giáo phái cực quyền trở thành nguyên nhân của những bi kịch thảm thiết: dân tình bỏ nhà bỏ cửa, công việc, học hành, trẻ em bỏ cha mẹ đi lang thang, phiêu bạt. Đó là thiệt hại lớn cho sự phát triển tinh thần và tâm lý của họ. Tôi đã được biết chi tiết về những trường hợp như vậy.
Tôi biết là Nhà thờ Chính thống đã khiếu nại lên Chính phủ, dẫn ra những trường hợp bán tội phạm hay hoàn toàn tội phạm và đặt vấn đề về việc hạn chế bằng những quy định của luật pháp về tự do tín ngưỡng.
Luật được Duma thông qua đã có những hạn chế nghiêm ngặt đối với việc xuất hiện những tổ chức tôn giáo mới. Thực tế là những hạn chế đó là cấm những tà giáo mới nảy sinh ở Nga. Sau khi Luật được thông qua, xã hội bùng lên một cuộc tranh luận gay gắt. Tầng lớp trí thức, những đảng phái cánh hữu, tự do đòi Tổng thống huỷ bỏ Luật này vì mâu thuẫn với chuẩn mực cơ bản của quyền tự do tín ngưỡng. Giáo hoàng Vatican, Tổng thống Clinton, những nhà lãnh đạo của các tôn giáo trên thế giới, Quốc hội hầu hết các nước và cuối cùng là những trợ lý của tôi đề nghị phủ quyết Luật do Duma thông qua.
Mặt khác, Giáo chủ Alexi Đệ Nhị lại viết cho tôi: “Luật phân biệt hoàn toàn công bằng những tổ chức tôn giáo về số lượng tín đồ và thời gian họ đã tồn tại. Nó tạo ra những tiền đề cần thiết để ngăn chặn cá nhân và xã hội tránh hoạt động tà giáo và đội lốt truyền giáo gây thiệt hại về tinh thần và sức khoẻ của con người, cho bản sắc dân tộc của chúng ta, sự ổn định và xã hội công dân ở Nga”.
Đó là quan điểm của nhà thờ chúng ta.
Đó là một vấn hết hết sức tế nhị và phức tạp về tự do của con người. Đúng, lợi dụng tự do vào việc xấu xa thì thật dễ dàng. Nhiều thập niên dân chúng bị cưỡng ép không có tự do tín ngưỡng, còn bây giờ hàng ngàn, hàng chục ngàn những đứa trẻ mới sinh không hiểu được truyền thống của đất nước mình, không phân biệt được các tôn giáo, lao vào một khoảng không hư vô để cứu mình.
Nhà thờ Chính thống lên tiếng: lợi dụng sự ngây thơ, dốt nát của họ trong các vấn đề tôn giáo nhưng những nhà truyền giáo nơi khác đến đây là không thể chấp nhận được. Cần phải ngăn chặn kiểu khai thác vô tội vạ sự cả tin của người Nga. Nhà thờ có đúng không? Đúng, hoàn toàn đúng. Nhưng Hiến pháp Nga, đó không phải là văn bản chỉ mang tính hình thức. Nội dung của Hiến pháp phản ánh một cách sâu sắc mối quan hệ giữa con người và xã hội. Nhà nước có quyền can thiệp và áp đặt họ phải tin vào cái gì, đi theo tín ngưỡng nào không? Không, không thể được. Nhưng như vậy chúng ta định biến công dân của chúng ta thành cái gì đây? Biến những công dân của chúng ta thành những chú lừa dễ sai khiến được chăng?
Quyền của thiểu số cũng được nêu rõ ràng trong Hiến pháp. Có quyền không nhất trí, có quyền được đối lập, quyền được bày tỏ ý kiến cá nhân. Và trong đó có cả quyền được không giống ai. Dù cho trong cả nước chỉ có vài ngàn người theo đạo Cơ đốc. Nhưng nếu có một luật mới gây cản trở hoạt động tín ngưỡng của họ, thì tôi không bao giờ ký ban hành luật đó. Tôi nhớ quá rõ dưới thời Xô-viết các giáo phái bị theo dõi chặt chẽ như thế nào, người đi hành lễ vào nhà thờ khó khăn như thế nào, còn nhà cầu nguyện đã trở thành mục tiêu theo dõi của KGB. Phải chăng chúng ta lại tiếp tục làm như vậy sao? Không. không bao giờ!
Tôi phải hành động ra sao? Nếu tôi ký luật này, cả thế giới văn minh sẽ quay lưng lại với chúng ta và chúng ta lại rơi vào tình trạng bị cô lập chính trị. Nếu không ký, thì điều đó như một đòn giáng mạnh vào Nhà thờ Chính thống Nga. vào những tổ chức tôn giáo truyền thống Nga còn nghèo nàn. Các tổ chức tôn giáo phương Tây có hàng tỷ đô la ngay lập tức sẽ nhảy vào nước ta trên cơ sở hợp pháp và bóp chết họ.
Tôi đã tìm ra giải pháp, nó cân bằng cả hai. Đúng, tôi không ký luật này. Nhưng đồng thời với việc không ký, tôi sửa đổi nội dung của luật đó. Sửa đổi của tôi phản ánh nội dung của Nhà thờ Nga và các tổ chức tôn giáo truyền thống - những tổ chức đội lốt tôn giáo và đội lốt truyền giáo không được đầu độc tinh thần của con người.
Tôi không ký luật như ý kiến của Hội đồng Liên bang đã quyết định. Tôi trình lên Hội đồng Liên bang và Duma Quốc gia những đề nghị của tôi tiếp tục hoàn chỉnh luật này. Dù là Hồi giáo, Phật giáo, Do Thái giáo và những tổ chức tôn giáo truyền thống khác và những đại diện của những nhà thờ thế giới khác nhau nhất cần có chỗ dựa vững chắc trong luật, một sự đảm bảo chắc chắn của Nhà nước.
Sau đó luật này được thông qua có sự sửa đổi của Tổng thống.
Giai thoại lịch sử đó được kết thúc vào mùa hè năm 1997. Chiếc cặp xanh với những văn bản đề nghị ân xá - đó là một công việc rất khó khăn đối với tôi. Quyết định vấn đề về cái sống và cái chết thế nào đây? Làm sao để chỉ cần một nét chữ là quyết định số phận của con người mà nói đứng ra chỉ có Thượng đế mới biết? Uỷ ban ân xá trực thuộc Tổng thống Nga dưới sự lãnh đạo của nhà văn nổi tiếng Anatoli Pristavkin mỗi tuần họp một lần. Về từng trường hợp, các chuyên gia, tư pháp, tâm lý đều đưa ra lập luận của mình. Sau đó kết luận của Uỷ ban sẽ được trình lên trên bàn làm việc của tôi.
Đó là những văn bản ghê sợ, làm cho tâm hồn tê dại. Đôi khì do tính chất khô khan, nhạt nhẽo, nếu chỉ lạnh lùng liệt kê thì lại càng khủng khiếp hơn.
Công dân B., sinh năm 1971, có mẹ, trước đây đã có tiền án... Mức án tử hình do sử dụng súng liên thanh bắn chết trung uý P., tổ trưởng tổ tuần tra và làm bị thương nặng tuần tra viên D.
Tôi rất nhớ trường hợp này. Một người lính bắn chết thủ trưởng của mình. Một thanh niên còn trẻ. Đúng, mắc tội đã làm mất mạng sống của một sĩ quan, có thể còn là cha, là trụ cột của một gia đình. Nhưng có ai biết chuyện đó xảy ra trong hoàn cảnh nào, tâm lý của anh ta ra sao? Không vượt qua được thử thách? Hay điên khùng? Hay là tâm thần bất ổn? Tôi đồng ý với những lập luận của Uỷ ban - giảm nhẹ hình phạt. Hơn nữa, ta lại không có những điều khoản cho việc ân xá đó, nhưng anh ta vẫn phải chịu mức hình phạt là mười lăm năm tù giam.
Công dân M., sinh năm 1973, độc thân, trước đây đã có tiền án, mức án tử hình do cưỡng dâm và giết hại một cô gái và tội cưỡng dâm ba cô gái trẻ vị thành niên.
Tôi suy nghĩ rất nhiều. Dường như không thể để cho tên súc sinh này tồn tại trên đời nữa. Nhưng Uỷ ban cũng đưa ra những lý lẽ. Tội tử hình được giảm xuống còn hai mươi lăm năm tù giam. Sau này xác minh lại thì anh ta không phải là người gây ra tội cưỡng dâm và giết người đó. Hành vi cưỡng dâm và giết người lại phát hiện ra qua một vụ tội phạm khác khi công dân K. nhận tội. Còn công dân M. chịu hình phạt mười lăm năm tù do mắc tội khác.
Hoạt động tư pháp không thể bị hạn chế. Đúng, tôi cho rằng cưỡng dâm trẻ em thì phải chịu hình phạt nặng, Tuy vậy, mấy năm trước do áp lực của Hội đồng châu Âu, chúng ta đã không thi hành hình phạt tử hình. Rất nhiều người đã phản đối biện pháp này. Bởi vì những tội ác tày trời, ghê tởm như vậy không thể không bị trừng trị. Vì những lý do dễ hiểu những nhà điều tra và tư pháp, những kiểm sát viên và dư luận xã hội kiên quyết không thương xót đối với những kẻ cuồng tín, những tên tội phạm có hành động như vậy, bởi vì hành động của họ đã gây bao cảnh thương xót, tàn nhẫn.
Nếu chỉ dựa vào ý kiến của các chuyên gia, vào kết luận của các chuyên viên cũng không được. Còn phải dựa vào lương tâm, lý trí của chính mình. Có thể những đêm mất ngủ, những đêm lo âu, buồn bã mà tôi phải trải qua cũng có lý do từ chiếc cặp xanh này chăng?
Thật khó khăn, nặng nề. Tôi tự nhủ mình có khi sự sám hối cũng có thể giúp cho họ. Nhưng đôi lúc dường như tay tôi cứ muốn với lấy bút: không thể ân xá.
Mỗi người đều phải chịu trách nhiệm trước hành vi của mình. Mỗi người đều như thế.
Nhưng cũng có thể một người bị đứng trước lưỡi hái của tử thần nhưng không phải do hành vi của họ gây ra. Đúng, có thể là một người ghê gớm, kinh khủng. Nhưng lại không gây ra hành vi giết người! Đối với tôi, đấy còn là một sự minh chứng cho việc hệ thống tư pháp cần phải hoàn thiện như thế nào. Hình phạt tử hình thật nặng nề, khó khăn như thế nào! Nếu như mắc sai lầm, thì lương tâm của chúng ta không thể sửa chữa được, bởi đó là cuộc sống.
Còn một loại cặp nữa - trong đó là những tài liệu hoàn toàn khác, một mảng công việc khác hẳn. Những đề xuất khen thưởng của năm 1997.
Đây là những tài liệu mà tôi thích nhất... Tưởng chừng trong công việc chẳng cần phải suy nghĩ. Tại sao lại yêu thích nhất? Điều đó rất quan trọng, bởi vì qua đó có thể biết được ở nước ta có những người sống như thế nào.
Tôi tình cờ giở vài trang tài liệu. Nhà văn Victor Astafev - Huân chương “Vì công lao phục vụ Tổ quốc hạng hai”. (Huân chương vì công lao phục vụ Tổ quốc hạng nhất - thành tích quốc gia tách ra thành một bản riêng). Nhà văn sống ở làng Ovsianca - Krasnoiarsk, xây dựng được một thư viện lớn. Đúng là một Lev Tolstoi hiện đại. Sự so sánh đó thấy thoả mãn làm sao.
Viện sĩ Basov. Một trong những người sáng tạo ra tia laze. Giải thưởng Nobel. Chuyện thần thoại trong khoa học của chúng ta! Huân chương “Vì công lao phục vụ Tổ quốc” hạng hai.
Nhà thiết kế Kalashnikov. Mikhail Timofeevich, người chế tạo ra súng trường tự động độc nhất vô nhị của Nga đã được tặng thưởng Huân chương Andrei Pervozvanyi.
Tưởng chừng mọi việc thật giản đơn - tặng thưởng. Có cải gì phức tạp đâu - chỉ cần lấy bút ra ký là xong. Nhưng...
Tôi cho rằng trong bất cứ một công việc nào, thậm chí nhẹ nhàng nhất cũng đều có lý do để đưa đến một quyết định bất ngờ. Chẳng hạn như giai thoại với phim “Mặt trời trắng trên sa mạc” được giải thưởng quốc gia. Gần đến ngày kỷ niệm hai mươi lăm năm phim này được dàn dựng. Nhưng những người làm phim cho rằng nếu như đất nước và ban lãnh đạo Nhà nước không đảnh giá đúng giá trị của phim này kịp thời, thì đã muộn rồi. Tặng giải thưởng cho phim này chẳng còn có ý nghĩa gì nữa.
Nhưng tôi kiên quyết làm ngược lại. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự đúng đắn của mình. Nếu như một bộ phim được nhân dân yêu thích như vậy mà không nhận được giải thưởng quốc gia, thì sinh ra giải thưởng quốc gia để làm gì? Đã có lúc phim này không nhận được giải thưởng chỉ vì thể hiện thái độ “nhẹ dạ” đối với một đề tài cách mạng. Còn bây giở thì sao? Có lẽ đây là một trường hợp hiếm có, khi tôi tự nhủ: thật may là tôi làm Tổng thống.
Tôi đã ký sắc lệnh bổ sung. Trao giải thưởng cho bộ phim “Mặt trời trắng trên sa mạc”. Những người được giải thưởng quốc gia năm 1997, bao gồm đạo diễn Vladimir Motyl, các diên viên Anatoli Kuznetsov, Spartac Mishulin và những người làm phim khác đã xây dựng lên bộ phim tuyệt vời này.
Tôi hài lòng biết bao khi bắt tay Vladimir Yakovlevich Motyl tại Đại sảnh Georgi của Kremli. Tôi không thấy hổ thẹn vì đất nước. Ngược lại, tôi thấy tự hào biết bao.
Quả thật, cũng có những phần thưởng khác thường.
Alexandr Isaevich Solzenitsyn, một nhà văn vĩ đại Nga đã từng bị trục xuất khỏi đất nước trong những năm 70 và trở về Tổ quốc mới đây, nay đã gần tám mươi tuổi. Ngày sinh của nhà văn được xã hội Nga tổ chức rầm rộ. Tôi quá hiểu là cuộc sống của Solzenitsyn từng trải là một chiến tích thực thụ và nước Nga cần phải tặng cho nhà văn này phần thưởng cao quý nhất - giải thưởng Andrei Pervozvanyi. Trong khi đó linh cảm mách bảo tôi rằng với Alexandr Isaevich mọi việc không hề đơn giản như vậy. Ông ta đã quen đứng ở phía đối lập. Mặc dù ông đã trở về Tổ quốc, nhưng ông vẫn thận trọng và rất hay chỉ trích tất cả những gì diễn ra trên đất nước.
Trên bàn làm việc của tôi còn có báo cáo của các cố vấn phụ trách vấn đề văn hoá. Trong báo cáo họ cho biết nếu được trao phần thưởng thì Alexandr Solzenitsyn có lẽ sẽ từ chối.
Tôi nhớ, lúc đó tôi rất thất vọng.
Không biết làm gì đây?
Dường như cần phải thưởng cho nhà văn là điều chẳng có gì phải nghi ngờ. Nhưng nếu như ông ta từ chối thì tình huống diễn ra sẽ rất không hay. Những người được nhận huân chương hay sẽ được nhận huân chương sẽ cảm thấy thế nào đây? Nếu như biết chính xác là ông sẽ từ chối, thì cần phải tạo ra chuyện om xòm, ầm ĩ như một sự kiện xã hội chăng? Một khi nếu Alexandr Isaevich hoàn toàn không muốn nhận huân chương thì có thể không thưởng cho ông ta nữa chàng?
Nhưng trong tôi dường như có ai đó mách bảo: Không, như thế là không đúng, không công bằng. Đúng, hiện giờ nhà văn rất cứng nhắc, nhiều sự kiện thực tiễn xung quanh được ông ghi nhận bằng cảm tình, bằng nỗi bực dọc. Đó là cá tính của ông ta. Nhưng chính cái cá tính đó đã giúp ông trải qua được mọi sự bất công, mọi nỗi vất vả của cuộc sống! Có thể năm tháng sẽ qua đi và ông sẽ có cách nhìn nhận khác và đánh giá tấm huân chương khác đi chăng?
Tôi quyết định ký sắc lệnh tặng Alexandr Isaevich Huân chương Andrei Pervozvanyi. Cùng với sắc lệnh, tôi viết một bức thư tay gửi cho ông, trong đó nói rằng phần thưởng này không phải cá nhân tôi tặng cho ông, mà là của nhân dân, của tất cả các công dân Nga biết ơn ông.
Tôi rất tin là thời gian qua đi và Alexandr Isaevich sẽ thay đổi thái độ của mình. Nhưng thậm chí điều đó không diễn ra đi nữa, thì tôi vẫn tin rằng mình hành động hoàn toàn đúng đắn.
Trở lại với chiếc cặp đỏ.
Có phải tất cả những tài liệu quan trọng nhất đều nằm trong chiếc cặp này không? Chuyện gì sẽ xảy ra sau khi những tài liệu trong chiếc cặp này được ký?
Valeri Semenchenko, Trưởng phòng văn thư của Tổng thống thông thường đều kè kè trên tay những tài liệu có dấu “Đặc biệt quan trọng”, “Tối mật” hoặc “Mật”. Những ký hiệu như vậy đối với anh ta có nghĩa là tay trao tay. Semenchenko bước vào, trên tay cầm chiếc cặp. báo cáo nội dung và tôi chăm chú dọc. Nếu cần tôi sẽ ký. (Vấn đề ở chỗ là những tài liệu này không thể để công khai trên bàn, kể cả trên bàn làm việc của tôi, của Tổng thống). Sau đó Semenchenko sang phòng văn thư và giao cho giao liên chuyển cho các địa chỉ, trước đó anh đã thông báo sơ bộ qua đường liên lạc nội bộ. Thông thường đó là những báo cáo của tình báo, báo cáo về các loại vũ khí mới, tình hình căng thẳng xuất hiện liên quan hoạt động đối ngoại của Nhà nước.
Valeri Semenchenko cùng làm việc với tôi khi còn ở Thành uỷ Matxcơva. Cũng tại đây anh ta bị sa thải vì thân quen với Bí thư Thành uỷ bị thất sủng. Như vậy là anh ta gặp tai hoạ cũng do tôi. Năm 1990, tôi gọi Valeri Pavlovich dọn hết đống tài liệu và thư từ của Xô-viết tối cao cộng sản Nga để lại.
Chính anh là người cuối buổi làm việc đặt vào chiếc cặp của tôi, của Tổng thống những tài liệu, cho vào két sắt và đóng dấu mật của mình. Chính anh là người cảnh giác theo dõi tất cả những tài liệu nằm trên bàn của tôi. Bất cứ một bút phê nào của tôi hay nghị quyết đều được nhanh chóng chuyển để địa chỉ cần đến. Công việc đó đã diễn ra đến chục năm rồi. Semenchenko - một con người cẩn thận, ngăn nắp và tin cậy. Anh cũng là một người rất tận tâm.
Sau khi những tài liệu trong chiếc cặp đỏ đã được xử lý, tôi chuyển sang nghiên cứu những tài liệu trong những chiếc cặp trắng và xanh, thì Semenchenko rút lui.
Tôi cho gọi Trưởng phòng lễ tân của Kremli Vladimir Nicolaevich Shevchenko.
Chúng tôi thảo luận lịch làm việc trong ngày của tôi.
Thứ tư, ngày 3 tháng 9.
Mười giờ. Ghi âm phát biểu trên Đài truyền thanh.
Mười giờ bốn mươi lăm phút. Lễ tiễn Tổng thống Cộng hoà Liên bang Đức R. Hertsog.
Mười một giờ ba mươi lăm phút. Điện đàm với Tổng thống Leonid Kuchma.
Mười một giờ bốn mươi lăm phút. Trợ lý về các vấn đề pháp lý Krasnov.
Mười hai giờ. Bộ trưởng Nội vụ Stepasin.
Mười ba giờ. Thư ký Hội đồng an ninh Kokoshin.
Mười lăm giờ. Lễ khánh thành Quảng trường trước Nhà thờ Đấng cứu thế Jesus.
Mười chín giờ. Lễ khánh thành Nhà hát Opera mới mang tên Boris Pokrovski.
Lịch làm việc bao giờ cũng được chuẩn bị trước một tháng, một tháng rưỡi. Bất cứ một sự xê dịch dù chỉ là năm phút, tôi đều không chấp nhận. Cũng không phải do tôi không chịu được sự chậm trễ, mà tôi còn không chịu được khi người ta đợi tôi.
Thói quen đó đã ăn sâu trong tôi suốt cuộc đời rồi. Ngoài ra, tôi còn hình dung ra người ta sẽ hồi hộp như thế nào khi chuẩn bị cho cuộc gặp.
Tôi nhớ không ít lần các con gái tôi đã cố kiểm tra cảm giác thời gian của tôi. “Ba ơi, mấy giờ rồi?” - Chúng đột ngột hỏi tôi Và bao giờ tôi cũng trả lời chính xác đến từng phút, không cần phải nhìn đồng hồ. “Làm sao mà ba biết được?” - Chúng ngạc nhiên. Bản thân tôi cũng không biết tại sao... Đơn giản là tôi cảm thấy như thế.
Còn ở đây, ở Kremli cảm giác thời gian tất nhiên cũng giúp ích cho tôi rất nhiều. Nhưng Vladimir Nicolaevich Shevchenko bao giờ cũng nhắc nhở nếu tôi để quá thời gian, đánh tín hiệu là tôi đã kéo dài quá thời gian quy định. Đúng là một cái đồng hồ sống.
Tất nhiên phạm vi chức năng của Vladimir Nicolaevich còn nhiều nữa. Ngay từ năm 1991, anh ta là người chuyên giúp tôi gỡ những mối rối rắm của cái thủ tục lễ tân, một trợ lý trung thành trong tất cả các cuộc gặp chính thức. Anh ta luôn đi cạnh tôi, trong đầu lưu giữ hàng trăm, hàng ngàn chi tiết tưởng chừng rất nhỏ nhặt như các nhà ngoại giao chuyên nghiệp vẫn thường nói.
Trong “bộ sưu tập” của anh ta có đến chín mươi tám chuyến thăm chính thức và không chính thức, làm việc của Tổng thống.
Không phải một lầu, hai lần anh ta đã không ngần ngại can thiệp vào cuộc nói chuyện của tôi với Clinton, Chirac và với những người đứng đầu các quốc gia khác và nhắc tôi rằng hoạt động tiếp theo chỉ còn vài phút! Chúng tôi thật kính nể sự kiên nhẫn của anh ta. Tất cả những năm tháng anh ta cùng đi với tôi chưa bao giờ anh ta làm tôi phật ý. Đúng là một con người có một không hai, nhạy cảm, có lòng vị tha và cực kỳ cẩn thận đến huyền thoại.
Những tài liệu đã được ký.
Lịch trình làm việc đã được thống nhất.
Trước những cuộc gặp gỡ và điện đàm bao giờ tôi cũng đọc báo, tạp chí, phụ trương của báo chí và kết quả những cuộc trưng cầu dân ý. Nếu như không có công việc này, thì tôi không thể bắt tay vào việc được.
Ngày 26 tháng 9 năm 1997.
Quỹ chính trị đã gửi cho tôi tổng hợp báo chí Nga, cả báo chí Matxcơva, trong đó có cả báo diện tử, lẫn báo chí địa phương.
Chỉ gồm mấy trang giấy.
“Tổng thống thừa nhận rằng một nền kinh tế mạnh - đó là thị trường cộng với một Nhà nước mạnh” (“Báo Độc lập”). “Nhà nước không thể chịu đựng được áp lực của giới kinh doanh” (“Điện tín Nga”). “Yeltsin nói về bình minh của thị trường tự do” (“Kinh doanh”).
Tôi lướt qua những tiêu đề để biết những xu hướng chính trong tuần. Còn những người dân bình thường thì suy nghĩ gì? Những người rất bình thường?
Ngày 11 và 12 tháng 10 năm 1997.
Quỹ “Dư luận xã hội” tiến hành những cuộc thăm dò thưởng xuyên.
“Xin ông (bà) cho biết cá nhân ông (bà) định đưa nhà chính trị nào ra ứng cử chức Tổng thống?”
Bắt đầu từ tháng 8 uy tín của Ziuganov tăng lên được hai điểm, từ mười lăm điểm lên mười bảy điểm. Còn uy tín của Lebed hạ mất hai điểm: Bây giờ chỉ còn có chín điểm.
Có khá nhiều câu hỏi thú vị. Chẳng hạn:
“Nếu Duma thông qua quyết định bất tín nhiệm Chính phủ Chemomyrdin, ông (bà) có thái độ như thế nào về vấn đề này?”
Ba mươi lăm phần trăm ủng hộ, mười sáu phần trăm trung gian, hai mươi lăm phần trăm phản đối. Còn khó trả lời là hai mươi ta phần trăm. Có rất nhiều người do dự, không quyết định. Như vậy là còn một lực lượng dự trữ trong cuộc đấu tranh giành sự tín nhiệm.
Còn dưới đây là một cuộc thăm dò dư luận không mang tính chính trị, nhưng rất thú vị. Chẳng hạn:
“Ông (bà) thường làm gì sau khi làm việc?”.
Sáu mươi lăm phần trăm xem vô tuyến truyền hình. Làm công việc gia đình - năm mươi bảy phần trăm. Đọc báo và tạp chí - ba mươi phần trăm. Chơi thể thao - năm phần trăm.
Cả nước ta với những thói quen và ưa thích chỉ cần thông qua trưng cầu dân ý đơn giản là có thể biết được. Đúng là có những điều để mà suy nghĩ.
Tôi đánh dấu bên lề để mình tự suy nghĩ, ghi nhớ trong đầu. Nhưng đã đến lúc cần phải đi ghi âm bài phát biểu trên Đài truyền thanh. Ngay từ năm 1996, tuần nào tôi cũng làm việc này. Đã từng có những việc đáng lo ngại - chẳng hạn: Thay đổi Chính phủ. Cũng có những sự kiện bình thường và vui vẻ - chẳng hạn như ngày mồng 8 tháng 3.
Thí dụ như nói về tầng lớp trung lưu. Đây là chủ đề thực sự nhạy cảm. Tầng lớp trung lưu - có hay không trong xã hội chúng ta? Ai hình thành tầng lớp đó, bao gồm những tầng lớp nào của xã hội? Tầng lớp này có trải qua được cuộc khủng hoảng kinh tế hay không? Liệu tầng lớp này có thật sự trở thành chỗ dựa xã hội cho Tổng thống hay không và những nhà xã hội học nói gì về tầng lớp này? Tôi đã từng nhận xét về tầng lớp này như sau: “Hiện nay những công dân của chúng ta tự quyết định - sống theo kiểu cũ với đồng lương khiêm tốn hay là mạnh dạn - mở ra một công việc nhỏ của chính mình, một xưởng sửa chữa ô tô, một cửa hiệu chụp ảnh, một công ty sửa chữa nhà ở. một nhà trẻ tư nhân. Tất nhiên sẽ khó khăn. Cần phải đăng ký xí nghiệp của mình, tìm kiếm những nguồn nguyên liệu và đơn đặt hàng. Cạnh tranh giành khách hàng và cọ xát với những đối thủ cạnh tranh. Nhưng rất nhiều người đi từ con số không đã đạt được những kết quả đáng mừng. Họ đã tìm được chỗ đứng trong cái cuộc sống phức tạp, nhưng rất thú vị này. Họ đáng được kính trọng”.
Đúng, một đề tài nghiêm túc. Nhưng kiểm lại tất cả những bài phát biểu đó khi đã qua một thời gian thì tôi thấy có khá nhiều điều tôi không nói đúng như vậy. Tôi đã tích cực ủng hộ những nhà doanh nghiệp tư nhân. Tôi đã nghiêm khắc yêu cầu các quan chức không được gây phiền nhiễu họ, để cho họ tự do hành động, tự do thở. Và cũng đừng có bực tức cho đó là “chuyện nhỏ”. Lẽ dĩ nhiên đó là một công việc có tầm quy mô toàn quốc.
Shevchenko lại đến gặp tôi. “Thưa Boris Nicolaevich - Hội đồng an ninh” - Anh ta nhắc tôi. Điều đó có nghĩa là tất cả các thành viên của Hội đồng an ninh đã tề tựu đầy đủ trong phòng họp. Tôi phải có mặt và khai mạc. Chủ đề hôm nay là học thuyết phòng thủ của nước Nga.
Tôi mang theo chiếc cặp “Hội nghị”.
Tôi cỏ năm phút để đi dọc cái hành lang dài hun hút của Điện Kremli. Năm phút để suy nghĩ. Để nhớ lại toàn bộ những vấn đề, những thông tin mà tôi đã nghiên cứu trước. Chúng ta cần một quân đội thế nào? Một quân đội sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh thế giới mới với những tên lửa chiến lược, vũ khí trả đũa, những đầu đạn hạt nhân hay không? Hay là những nguồn dự trữ và phương tiện cần phải tập trung vào lực lượng phản ứng nhanh mà chúng ta có quá ít và không được huấn luyện tốt? Những bài học cay đắng ở Chesnia đã buộc chúng ta phải suy nghĩ. Nhưng học thuyết quân sự được thông qua quá lâu, đã không còn hợp với thực tiễn hiện nay. Tôi đứng dậy. Đây, đây là điểm liên lạc với các loại cặp trên chiếc bàn làm việc của Tổng thống, một chiếc bàn nặng nề và lặng lẽ.
Còn tôi là cỗ máy thông qua những quyết định. Thế đấy, có lần đã có ai đó gọi tôi như vậy. Rất chính xác nữa là khác. Nhưng cỗ máy này phải biết suy nghĩ và cảm giác, phải biết nhìn nhận thế giới từ mọi góc độ trong mối quan hệ đan xen. Đó phải là một cỗ máy sống. Nếu không thì cô máy đó chẳng đáng một đồng xu.
Tôi vẫn sải bước trong cái hành lang dài hun hút đó. Bên cạnh tôi là Shevchenko. Còn viên sĩ quan tuỳ tùng thì lặng lẽ bước theo sau. Trước mắt tôi hiện lên những ô chữ. Số liệu.
Những đề xuất. Tôi nhận thức và hình dung hiện giờ có rất nhiều điều phụ thuộc vào những số liệu đó.
Có ai đó đã tiếng nói đùa về đề tài “Tổng thống xử lý các văn bản”. Đó là câu nói đùa. Chỉ nói đùa thôi.
Trong chương này tôi cố gắng kể lại đôi chút thực chất công việc diễn ra như thế nào.