Thảm hoạ đồng rúp

Mùa hè năm 1998 nước Nga phải trải qua một tai hoạ tài chính nặng nề. Xin nhận xét ngay là thảm hoạ này không chỉ xảy ra ở nước chúng ta, mà đã còn xảy ra ở các nước khác với nền kinh tế khác, lịch sử và cả tâm tính cũng khác.
Hiện tượng này đối với chúng ta là mới mẻ. Đã nhiều năm chúng ta bị cách bức với thế giới văn minh bởi bức tường quá cao và chúng ta không hề chuẩn bị sẵn sàng cho việc này.
Liệu chúng ta có tránh được tai hoạ này không? Khó có thể tránh được. Trong những ngày trước cuộc khủng hoảng tháng 8 đó đã có rất nhiều lời khuyên, tư vấn của các nhà phân tích, chủ ngân hàng, các nhà báo và các nhà kinh tế... Nhưng tại sao Chính phủ của ta lại không nghe những lời khuyên đó?
Tôi nghĩ rằng nguyên nhân của nó nằm ở gốc rễ cái tâm lý Nga: chúng ta đã nhiều lần nói đến tai hoạ kinh tế ghê gớm, nói đến đồng rúp sẽ có ngày mất giá, rồi chúng ta nói quá nhiều đến nỗi thường xuyên cảm thấy lo sợ. Song nền kinh tế toàn cầu những ngày này của chúng ta không thể đợi đến những quyết định chống khủng hoảng bằng tháng, bằng tuần. Đám cháy trên thị trường chứng khoản có thể bùng lên trong chốc lát, sau một tiếng và có thể lây lan khắp thế giới.
Nguyên nhân quan trọng thứ hai: Mặc dù tất cả đều nói đến nền kinh tế thị trường, nhưng chúng ta còn chưa hoàn toàn quen thuộc với việc nước ta cũng nằm trong thế giới văn minh kinh tế, nằm trong thị trường thế giới. Chúng ta không ý thức được rằng chúng ta cũng phụ thuộc vào thị trường chứng khoán thế giới, vào tình hình tài chính thế giới.
Hơn nữa, chính toàn cầu hoá kinh tế thế giới trước khi xảy ra khủng hoảng là một bóng ma nào đó, một hiện tượng trừu tượng đã giáng một đòn vào nước Nga, đánh vào các thành phố lớn nhỏ, các làng mạc suốt cả năm 1998.
Ngay từ khi mới bắt tay vào công việc, Chính phủ Kirienko đã soạn thảo chương trình chống khủng hoảng. Dưới sự lãnh đạo của Sergei Vladilenovich cuối cùng thì cũng đưa ra được những luật kinh tế, xây dựng một chương trình kinh tế vĩ mô (những chương trình của Chính phủ Kirienko đều được các Chính phủ tiếp theo áp dụng cho đến bây giờ). Nhưng tại hoạ ở chỗ: sau những chương trình tương lai dài hạn đó, những nhà kinh tế trẻ đã bỏ qua tai hoạ đang diễn ra! Họ đặt nền móng cho ngôi nhà, nhưng lại quên mất mái nhà! Đúng là một hiện tượng nghịch lý: Một Chính phủ thông minh nhất về mặt kinh tế như Chính phủ Nga lại thông qua một quyết định không thông minh nhất, sai lầm nhất: Chính phủ này đã tuyên bố sẽ không thanh toán các khoản nợ trong nước.
Nhưng nếu ta để ý, thì ở đây không thấy có điều gì nghịch lý.
Vẻ bên ngoài thì thấy rất đơn giản. Những nhà đầu tư phương Tây tuy không vội vã, nhưng rút dần vốn đầu tư ra khỏi thị trường nước Nga “có vấn đề” này. Thu nhập trên thị trường trái phiếu ngắn hạn quốc gia tăng lên. Ngay từ đầu năm 1998 các chuyên gia đã nhận xét rằng thị trường trái phiếu của Nhà nước đã không hoạt động cho Nhà nước, mà cho bản thân nó. Không phải Chính phủ sử dụng thị trường này để bổ sung cho Ngân sách Nhà nước, mà chính những người tham gia thị trường này đã lợi dụng, rút các nguồn dự trữ tài chính. Ngân hàng Trung ương lúc đó chiếm ba mươi lăm phần trăm thị trường trái phiếu ngắn hạn quốc gia đã mua tất cả số trái phiếu mới, còn Chính phủ lấy số tiền có được thanh toán cho số trái phiếu ngắn hạn quốc gia cũ. Sau khi có được tiền mặt, những người nắm trái phiếu (chủ yếu là các ngân hàng kinh doanh) mang ra thị trường ngoại tệ mua đô la. Như vậy là họ tạo áp lực đối với tỷ giá đồng rúp. Để giữ tỷ giá đồng rúp (xin nhắc lại là “hành lang” tỷ giá này được ấn định trong thời gian khá lâu giữa đồng rúp và đồng đô la), Ngân hàng trung ương đã phải xuất dự trữ vàng ngoại tệ của mình. Chỉ tính riêng tháng giêng năm 1998, Ngân hàng Trung ương đã xuất ra gần ba tỷ đô la. Chỉ có như vậy mới duy trì được “hành lang” tỷ giá. Cơ chế cỗ máy khủng hoảng năm 1998 diễn ra như thế đó. Nó chỉ dừng lại khi không còn nhiên liệu: tức là Nhà nước không còn tiền rúp để thanh toán trái phiếu cũ, còn Ngân hàng trung ương không ngoại tệ để duy trì tỷ giá ngoại tệ.
Ngay từ cuối năm 1997, khi phát biểu tại cuộc họp của Chính phủ, tôi đã nhấn mạnh: “Các anh đều giải thích do cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Tất nhiên cơn chấn động tài chính không bỏ qua nước Nga. Nó không xuất phát từ Matxcơva. Nhưng lại có một nguyên nhân khác - ngân sách Nhà nước đang trong tình trạng trôi nổi. Ta hãy “tiên trách kỷ hậu trách nhân”.
Đúng, thực tế tình hình khó khăn của thị trường tài chính và còn tình hình khác nữa thật kinh khủng - thu thuế để bổ sung cho Ngân sách Nhà nước. Cả tháng giêng năm 1998, Ngân sách Nhà nước mới được thu được gần sáu tỷ rúp từ thu thuế, tức là ít hơn hai lần so với chỉ tiêu ngân sách. Bất cứ một khoản tín dụng quốc tế nào, bất cứ một khoản thu nhập nào cũng đều nhanh chóng tan biến trong cái lỗ hổng ngân sách. Tất cả chỉ để thanh toán tiền lương cũng không đủ.
Thu nhập trên thị trường trái phiếu ngắn hạn trong tháng 2 không quá dưới bốn mươi phần trăm. Nhưng trong ngân sách chỉ đạt con số hai mươi phần trăm. Như vậy lỗ hổng trong ngân sách theo số liệu chính thức là năm mươi tỷ rúp, nhưng trên thực tế lên đến chín mươi tỷ.
Áp lực đối với thị trường tài chính tiếp tục diễn ra. Các tổ chức tài chính quốc tế tuyên bố sẽ xem xét lại uy tín tài chính của Nga theo hướng giảm đi. Những nhà đầu tư nước ngoài và chủ ngân hàng nội địa tỏ ra thận trọng, không tin vào thị trường trái phiếu của Nga nữa.
Cuối tháng 5 lại diễn ra một làn sóng khủng hoảng tài chính nữa. Giá dầu lửa trên thị trường thế giới tiếp tục giảm. Những cuộc bán đấu giá bị phá vỡ. Những thiệt hại gây ra cả đối với ngành đường sắt, một số lượng lớn tiền phải chi cho trả lương để dập tắt các cuộc đình công của thợ mỏ.
Vào đúng thời điểm đó thị trường tài chính của Indonesia bùng lên. Đối với những nhà đầu tư mua trái phiếu của chúng ta là một tin xấu.
Không thể để kéo dài như vậy được. Bởi vì chỉ tính riêng những nhà đầu tư nước ngoài đã chiếm trái phiếu quốc gia giá trị lên đến hai mươi tỷ đô la. Nếu như những nhà đầu tư nước ngoài đồng loạt rút khỏi Nga, bán trái phiếu của mình, thì đồng rúp mất giá hoàn toàn. Ngân hàng Trung ương dường như phải ngay lập tức bỏ thị trường trái phiếu ngắn hạn quốc gia này. Nhưng theo quán tính Ngân hàng Trung ương vẫn cố duy trì, hy vọng vào Chính phủ.
Ngay từ đầu năm 1998, tôi đã nói rằng mặc dù chúng ta đã qua khỏi giai đoạn một của cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng điều hoàn toàn rõ là hệ thống phòng ngừa những cơn đột biến của chúng ta đã quá lạc hậu và không có khả năng.
Chính phủ Kirienko vừa mới thiết lập được quan hệ với Ngân hàng Trung ương, vừa mới học được cách chỉ huy cơ chế này. Thế mà đã quá sợ phá giá đồng rúp?
Biện pháp duy nhất có thể cứu vãn chúng ta (thả nổi trước khi diễn ra khủng hoảng) mùa hè năm 1998 đã bị Kirienko, Dubynin và những người khác bác bỏ một cách xốc nổi. Tại sao vậy?
Nguyên nhân chủ yếu: Khi mới triển khai hoạt động của mình, Chính phủ Kirienko đã rất sợ phá giá đồng rúp vì lo ngại về mặt tâm lý và chính trị. Những chủ ngân hàng lớn, Duma và những thống đốc, những nhà công nghiệp và công đoàn - đó là những nhân vật trên sân khấu tài chính và chính trị - không chấp nhận những người mới, một Chính phủ kỹ trị của “các nhà kinh tế trẻ”. Duma phong toả các dự án luật, công đoàn tổ chức những cuộc đình công lớn của những thợ mỏ như một cuộc chiến tranh thợ mỏ, phong toả các tuyến đường vận chuyển Siberi, các thống dốc thì đưa ra Hội đồng Liên bang những nghị quyết khắt khe và khó chịu. Trong bối cảnh chính trị như vậy, việc Chính phủ đưa ra quyết định phá giá đồng rúp là không thể chấp nhận được và là một hành động rất mạo hiểm...
Tôi hiểu được tâm trạng mà Kirienko lâm vào trong những ngày mùa hè năm 1998. Anh ta cố tỏ ra bình tình, ngoan ngoãn, cố cách ly với đội hình kinh tế tự do cũ của Chubais, Gaidar. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, thì sách lược xử sự như vậy là hoàn toàn đúng đắn. Để khởi đầu, Thủ tướng cần vượt qua được những chướng ngại vật và quen với quyền lực. Nhưng mặt khác, Sergei Vladilenovich cũng nhận thức được rằng cuộc khủng hoảng tài chính khủng khiếp đang kéo màn đen bao phú đất nước. Kirienko cần phải được giới chủ ngân hàng lớn, giới thượng lưu tài chính ủng hộ. Nhưng đáng tiếc giới này quay lưng lại: họ chưa tin Thủ tướng mới.
Tôi thấy rõ bức tranh đó: khi ở nhà máy điện nguyên tử có sự cố thì lúc đó không còn cần đến tri thức hàn lâm, mà là cần đến người có nhiều kinh nghiệm công tác “bấm nút”. Nhưng Chính phủ này đã không tìm ra được biện pháp “bấm nút!”...
Đồng thời lại diễn ra một lúc mấy cuộc khủng hoảng nữa bao vây Chính phủ Kirienko.
Có thể bây giờ còn ít người nhớ đến “cuộc chiến tranh đường ray” nổi tiếng mùa hè năm 1998, nhưng Sergei và cả tôi nữa nhớ lại đợt sóng này của những người thợ mỏ đình công vẫn còn rùng mình.
Mùa hè năm 1998 một đợt chống đối gay gắt của thợ mỏ Kuzbas lại bùng lên chống Chính phủ. Mấy tháng liên họ không được nhận lương. Họ ra khỏi hầm lò, ban lãnh dạo khu mỏ lần nào cũng hứa sẽ thanh toán món nợ lương. Nhưng cuối cùng vẫn là đánh lừa họ. Khối thuốc bất bình tiếp diễn đến mùa hè khi chuẩn bị đến đến kỳ nghỉ, trẻ em nghỉ hè để lấy lại sức, nhưng túi tiền của các gia đình vẫn trống rỗng.
Cái nghịch lý chính là ở chỗ những hầm lò này đã từ lâu không còn thuộc khu vực kinh tế Nhà nước. Những xí nghiệp này đã được cổ phần hoá, đôi khi đã mấy lần thay đổi chủ sở hữu, nhưng thợ mỏ không muốn nói chuyện với các ông chủ mới hay những quan chức lãnh đạo địa phương vì họ không thể xoay chuyển được tình hình. Họ vẫn cho rằng người có lỗi chính gây nên sự đau khổ, tai hoạ của họ đang ở đâu đó rất xa, ở Matxcơva. Là các Bộ, là Chính phủ.
Trước đây cũng đã từng có các cuộc đình công của thợ mỏ. Cải cách trong ngành khai thác than diễn ra chật vật, cần phải có những nỗ lực lớn để đóng cửa những hầm mỏ không có triển vọng, làm ăn thua lỗ. Thông thường là không có ý chí chính trị, cũng không có tiền để cho những cuộc cải tạo như vậy. Than được thợ mỏ khai thác từ dưới hầm sâu không có lãi, nên người tiêu dùng không có đủ khả năng thanh toán những khoản tiền để cho hầm mỏ hoạt động bình thường.
Chính vì vậy, cứ đến gần thời điểm căng thẳng ở các khu vực khai thác than, Chính phủ trước đây đã quen ứng phó. Thường Thủ tướng Chính phủ đến mùa xuân triệu tập các tỉnh trưởng, lãnh đạo ngành khai thác than, những người lãnh đạo công đoàn ngành. Chính phủ cấp một khoản tín dụng cho thợ mỏ, ghi khoản nợ của họ và mỗi lần như vậy đều có thể làm dịu được tình hình căng thẳng. Nhưng lần này Kirienko vừa mới được bổ nhiệm và được Duma thông qua đã bỏ qua mối nguy hiểm đang đến gần.
Tình đoàn kết của thợ mỏ là có một không hai. Hết khu vực này lại tiếp đến khu vực kia. Chỉ cần vài ngày làn sóng bãi công của thợ mỏ đã bao trùm khắp các khu vực khai thác than của đất nước.
Thế còn chưa hết. Những thợ mỏ đình công còn phong toả các tuyến đường sắt. Sự chống đối đã nâng lên một mức khác cao hơn.
Các chuyến tàu không chạy được. Liên lạc giữa các vùng bị cắt đứt. Các xí nghiệp bị thiệt hại nặng, do không có nguyên vật liệu Mọi người không thể đi nghỉ được. Hàng hoá không đến được người tiêu dùng. Làn sóng bất bình trong xã hội tăng lên. Một đất nước rộng lớn như nước ta mà đường sắt không hoạt động thì chẳng khác nào bị mất điện. Điều đó giống như một hành động tội phạm. Đã có những tiếng nói cất lên đòi hỏi bắt giam, bỏ tù, cho các đơn vị đặc nhiệm đến giải tán. Nhưng tôi không muốn tạo ra một vụ bê bối không hay điều tra hình sự đối với những người đang bế tắc cùng đường dẫn đến xung đột với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Trong tình huống tai hoạ đó, Chính phủ đã bắt đầu đàm phán với những thợ mỏ.
Cần phải nói rằng những người lãnh đạo thợ mỏ đã đánh giá tình hình rất nhanh. Họ hiểu rằng trong điều kiện cuộc khủng hoảng đang diễn ra hành động của họ có thể gây ra tiếng vang chính trị lớn giống như họ đã từng kêu gọi ủng hộ tôi năm 1990. Lúc đó họ đưa ra khẩu hiệu: Gorbachov hãy từ chức, đưa Yeltsin lên làm Tổng thống! Mười năm trước những thợ mỏ đã hy vọng rất nhiều vào sở hữu tư nhân, rằng chỉ có như vậy thì các hầm mỏ mới có thể được hiện đại hoá và thậm chí có thể thu được lợi nhuận. Tôi đã hứa với họ hỗ trợ cho những cuộc cải cách này.
Nhưng ở đây chúng ta đã không tính đến một yếu tố, ngành khai thác than đã quá lạc hậu, ít lợi nhuận và nếu hy vọng vào một điều kỳ diệu kinh tế nào đó thì thật ấu trĩ... Sự chống đối của thợ mỏ cứ thế tiếp diễn suốt những năm này.
Nhưng năm 1998 thợ mỏ không chỉ sử dụng những khẩu hiệu kinh tế quen thuộc - thanh toán những khoản nợ lương v.v... Lần đầu tiên trong suốt bao năm với một trật tự, thống nhất, họ đưa ra một chương trình chính trị quy mô lớn. Đả đảo Chính phủ! Yeltsin từ chức!
Cuộc đối đầu khó khăn đó tiếp diễn suốt ba tháng. Những cuộc phong toả của thợ mỏ còn diễn ra ở Matxcơva, ngay ở Nhà Chính phủ Nga, trên cầu Gorbatưi, họ gõ mũ, tuyên bố tuyệt thực, thu hút các phóng viên. Dần dần những cuộc bãi công của thợ mỏ trở thành một lý do cung cấp thông tin mạnh mẽ để tấn công Chính phủ: những nghị sĩ và ca sĩ cũng đến cầu Gorbatưi tham gia với họ, những đại diện của các chính đảng và phong trào chính trị gặp gỡ họ. Xì-căng-đan sắp bùng nổ!
Cũng phải nói rằng những người Matxcơva phản ứng với cuộc phong toả của thợ mỏ theo những cách khác nhau. Những ca sĩ nhạc nhẹ và những chính khách lợi dụng việc đến cầu Gorbatưi để quảng cáo cho chính mình. Những phụ nữ đứng tuổi Matxcơva thì cho họ ăn uống, mời họ về nhà chơi. Quang cảnh xung quanh những thợ mỏ bãi công bình thản đến mức dường như không ai muốn ủng hộ sự phản đối của họ. Nhưng đứng đằng sau những thợ mỏ ngồi rồi trên cầu Gorbatưi đang có một lực lượng hết sức hùng hậu: những khu vực mỏ bất mãn đã bắt đầu một “cuộc chiến tranh đường ray” với Chính phủ.
Phó thủ tướng Oleg Sysuev phụ trách các vấn đề xã hội đã chạy đôn đáo hết khu mỏ này đến khu mỏ khác, hầu như không kịp liếc nhìn những thoả thuận mà tay mình ký, miễn là thoả thuận được. Một trong những tài liệu mà anh ta ký tôi thật thú vị khi phát hiện có điểm nói rằng Chính phủ nhất trí với việc để Yeltsin từ chức.
Tất nhiên về mặt pháp lý thì văn bản này vô nghĩa, nhưng tôi đã đề nghị lưu giữ văn bản đó như một giá trị lịch sử. Song, đồng thời có một điều hoàn toàn rõ: Chính phủ đang trong tình trạng không thể hoạt động được.
Những hành động chống đối của thợ mỏ kích thích các nhà hoạt động chính trị trẻ cho thấy một điều là sau khi Kirienko và Nemtsov từ chức ngay lập tức họ đến gặp các thợ mỏ và hân hoan cùng uống vốt-ca với họ, kỷ niệm việc ra đi của họ. Một điều rõ nữa là giờ đây khi cuộc nổi dậy của thợ mỏ đã dần dần lắng dịu, sau khi trở thành mục tiêu tấn công của thợ mỏ, thì Thủ tướng đã chiến thắng không phải không có sự tham gia trực tiếp của họ. Sự thật thì điều đó không hề giải quyết được các vấn đề, không đem lại sự bình yên ở các khu vực mỏ.
Nhưng, những chuyến tàu ở Siberi dù sao cũng đã chạy được.
Trong khi đó tình hình trên thị trường tài chính đã có cải thiện. Cực chẳng đã, Bộ Tài chính phải đình chỉ việc phát hành trái phiếu mới và bắt đầu thanh toán những trái phiếu cũ từ ngân sách thu nhập hàng ngày, tức là lấy từ các khoản của người hưu trí, bác sĩ, giáo viên. Thế là ngay lập tức các khoản nợ đối với những người hưởng lương ngân sách tăng lên khủng khiếp. Nhưng không có lối thoát nào hết. Ngân hàng Trung ương và Chính phủ buộc phải áp dụng những biện pháp cứng rắn. Boris Fedorov được bổ nhiệm lên làm lãnh đạo Cơ quan thuế Nhà nước, sau khi hứa rằng sẽ giải quyết dứt điểm được vấn đề nợ.
Trong lúc đó Kirienko đã tổ chức cuộc gặp các nhà kinh doanh hàng đầu của Nga tại khu nhà nghỉ của Chính phủ “Volynski”, gần nhà nghỉ của Stalin cũ, không cho giới báo chí biết. Kirienko buộc phải gần như từ bỏ chủ trương của mình: không quan hệ với giới đầu sỏ tài phiệt, không để phụ thuộc vào họ.
Kirienko nói thẳng rằng anh ta cần sự hỗ trợ của họ. Anh ta không còn tiềm năng chính trị để thay đổi tình hình. Tại cuộc gặp này đã quyết định thành lập kiểu Hội đồng kinh tế trực thuộc Chính phủ bao gồm tất cả các đại diện của những ngân hàng và công ty lớn. Những nhà doanh nghiệp đã đánh giá Chính phủ khá sâu sắc: Chính phủ quá yếu. Chính phủ này không thể trông chờ vào sự giúp đỡ của phương Tây. Ai ở trên thế giới này lại muốn nói chuyện với một Phó thủ tướng ít tiếng tăm Khrischenko, với những thành viên trẻ tuổi của Chính phủ Kirienko? Đã có ý kiến tạm thời điều động Chubais sang để giúp Chính phủ. Những người tham gia cuộc gặp ở “Volynski” được bắt đầu từ bốn giờ chiều, đến tám giờ thì thoả thuận được về việc đưa Chubais sang Chính phủ, còn đến chín giờ tối, thì sắc lệnh đã được nằm trên bàn làm việc của tôi. Điều đó cho thấy tình thế đang trong tình huống nước sôi lửa bỏng.
Chubais mới bị cách chức khỏi Chính phủ lại được triệu hồi trở lại. Ngay tối hôm đó, tôi đã ký sắc lệnh này.
Chubais được bổ nhiệm làm đặc phái viên của Chính phủ Nga trong các cuộc hội đàm với các tổ chức tài chính quốc tế với chức Phó thủ tướng. Đây còn là một thoả hiệp nữa của Kirienko, bởi vì ngay từ đầu anh ta chỉ muốn dựa vào đội hình kinh tế trẻ, không muốn tiếp xúc với trường phái kinh tế của Gaidar.
Trong các cuộc hội đàm, Chubais nhanh chóng đạt được khoản vay tín dụng lớn của IMF (sáu trong số mười tỷ đã hứa được cấp ngay trong tháng 7). Lúc đầu thu nhập của trái phiếu tín dụng Nhà nước ngắn hạn đã giảm đột ngột. Nhưng tính hình vẫn còn đang đe doạ nguy hiểm, bất cứ một thông qua quyết định nào chậm trễ về thời gian, bất cứ một sự thiếu phối hợp đồng bộ nào đều có thể dẫn đến thị trường của chúng ta tan rã hoàn toàn. Nếu như nhận được tín dụng trước hai tháng... Nếu như Ngân hàng Trung ương chuyển sang cho đồng rúp “trôi nổi”... Nếu như các tổ chức quốc tế không tuyên bố tình trạng tài chính của chúng ta giảm sút... Bây giờ đưa ra những giả định như vậy thì quá dễ dàng. Còn lúc đó thì sao?
Than ôi, nếu như phát hiện được như thế thì tình hình đã muộn rồi. Thị trường sẽ không con tin tưởng ở những hành động mâu thuẫn của ngân hàng Trung ương và Chính phủ.
Khoản tín dụng chỉ trong vòng có mấy tuần đã tan biến: Các ngân hàng đã nhanh chóng mua đô la với tốc độ chưa từng có, đến nỗi muốn giữ được tỷ giá đồng rúp bắt buộc phải can thiệp thô bạo vào thị trường chứng khoán. Ngân hàng Trung ương vừa tung đô la ra, thì ngay lập tức đã tan biến hết cả. Tất cả những người tham gia thị trường đều tung trái phiếu ra. Toàn bộ sự kiện này ai cũng đã biết. Nhưng tôi muốn nêu ra một lần nữa để muốn hiểu một điều: Tôi đã mắc sai lầm khi nào và ở đâu?
Có lẽ sai lầm của tôi là ở chủ trương hồi tháng 5 tháng 6: “Không cản trở và không can thiệp”. Tôi đã quen tin tưởng những người cùng làm việc với tôi. Nhưng cả Dubynin, Thống đốc Ngân hàng Trung ương, cả Kirienko đều không kiểm soát được tình hình.
Điều đó đối với dân thường, khủng hoảng tiền tệ cũng giống như tuyết rơi giữa mùa hè nóng bỏng, còn những nhà tài chính thì hiểu rõ đám cháy đang bùng lên ở thị trường tài chính của Tokyo như thế nào, đồng nội tệ của các nước Đông Nam Á bị mất giá, lao đao ra sao và những người Hồng Công nhảy qua cửa sổ những nhà cao tầng chọc trời như thế nào. Cuộc hoảng loạn tài chính đã lây lan ra khắp thị trường chứng khoán trên khắp thế giới từ lâu.
Một Chính phủ đã mất thế chủ động hành động trong bối cảnh náo loạn tìm kiếm những phương án giải quyết. Chính phủ đó cứ chạy theo sau tình hình, còn tình hình thì cứ tiến triển về phía trước nhanh hơn và xa hơn. Kirienko đã sẵn sàng trao đổi với tất cả, lắng nghe ý kiến của mọi người, tìm lối thoát vào thời điểm hoảng loạn tài chính đã lan đến tất cả các ngân hàng. Hệ thần kinh có vẻ kiên định của anh ta căng thẳng đã lên cao độ.
Nhưng điều kỳ diệu đã chẳng diễn ra.
Ngày 18 tháng 8. Ngân hàng trung ương Nga quyết định giảm bớt khối lượng bán ngoại tệ cho các ngân hàng Nga.
Ngày 13 tháng 8. Diễn ra cuộc trao đổi ý kiến qua điện thoại của các Thứ trưởng Tài chính các nước G-7. Họ thảo luận vấn đề về khả năng phá giá đồng rúp.
Ngày 13 - 15 tháng 8. Thế giới tài chính phản ứng về việc thị trường quỹ tiền tệ của Nga sụp đổ. Ngày 17 tháng 8. Chính phủ tuyên bố về việc không áp dụng “hành lang tiền tệ” và đình chỉ việc thanh toán các khoản nợ trong nước.
Ngày 21 tháng 8,. Duma Quốc gia thông qua Nghị quyết kêu gọi Tổng thống từ chức. Có 248 nghị sĩ biểu quyết tán thành. Đây là bình luận của Seleznev: “Mọi sự phá sản đều được bắt đầu từ Tổng thống, nên ông ta cần tự nguyện từ chức”.
Đầu tháng 8, Chubais, Gaidar, Khrischenco, Dubynin, Arsenenko bơ phờ, hai tuần liền không ra khỏi buồng làm việc của Thủ tướng để chuẩn bị “phương án cuối cùng và có tính quyết định” cho những hành động chống khủng hoảng, một kế hoạch khẩn cấp.
Ngày 16 tháng 8, Chubais, Kirienko và Yumasev đến Zavidovo gặp tôi.
Chubais và Kirienko giải thích rằng tình hình nước sôi lửa bỏng, cần phải cứu vãn. Ngay lập tức phải phá giá đồng rúp, tạm thời chưa thanh toán trái phiếu Nhà nước ngắn hạn - đó là những biện pháp hàng đầu. Kirienko định giải thích chi tiết, nhưng tôi ngăn lại. Dù không có chi tiết, tôi cũng đã hiểu là Chính phủ và tất cả chúng ta đều là con tin của tình hình. Không còn con đường lựa chọn nào khác: Chính phủ phải làm tất cả. Tôi không muốn lo lắng của tôi truyền sang họ. Biết đâu có thể bằng nỗ lực tuyệt vọng nào đó lại cứu vãn được tình hình, lại giữ được tỷ giá đồng rúp ở mức chấp nhận được.
- Các anh hãy hành động di - Tôi ra lệnh - Hãy áp dụng ngay những biện pháp khẩn cấp.
Nhưng hoá ra những quyết định ngày 17 tháng 8 sau này mới biết là những tính toán kinh tế sai lầm. Các nhà lịch sử kinh tế không thể tìm thấy được một tiền lệ nào trong quyết định của Chính phủ Nga: không thanh toán những khoản nợ trong nước. “Đội hình những người theo chủ nghị vị tiền tệ” của Nhà Trắng đã quá sợ lạm phát không kiểm soát nổi, đến mức sợ tăng công xuất máy in trái phiếu khi thị trường trái phiếu ngắn hạn đòi hỏi. Nhưng biện pháp trì hoãn thanh toán nợ đối với những người mua trái phiếu trong nước, cũng như những người mua trái phiếu nước ngoài nó còn là cú giáng mạnh hơn, ghê gớm hơn là tốc độ hoạt động của các máy in trái phiếu. Việc chính thức hạ tỷ giá không thể cứu vãn được tình hình.
Những người mua cổ phiếu đổ xô vào các Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng Trung ương để vay lại dụng, nhưng Ngân hàng Trung ương lại đóng cửa... Quan sát cuộc khủng hoảng toàn cầu, chúng ta lại không nhận thấy ở chính mình còn dang trong khủng hoảng ghê gớm hơn - tỷ giá đồng rúp hạ thấp đến hai lần, sau đó xuống ba lần.
Sau ngày 17 tháng 8, tôi quyết định cách chức Dubynin. Tôi cho rằng việc làm này là rất tự nhiên, nếu một khi người đứng đầu Ngân hàng của đất nước để cho tỷ giá đồng nội tệ bị sụp đổ, thì phải bị cách chức
Theo yêu cầu của tôi, Chánh Văn phòng Tổng thống Valentin Yumasev đã mời Dubynin đến Kremli. Tôi đề nghị anh ta viết đơn xin từ chức.
Cũng trong ngày hôm đó tất cả những thành viên tham gia cuộc họp ở “Volynski” lại cấp tốc gặp nhau. Đó là những chủ ngân hàng lớn. Thông qua Yumasev họ chuyển yêu cầu đến tôi: không nên cách chức Thống đốc Ngân hàng Trung ương Dubynin. Bởi chính hiện nay Ngân hàng Trung ương đang áp dụng những biện pháp để cứu vãn những những ngân hàng lớn nhất của Nhà nước khỏi bị phá sản, chính anh ta là người đang kiềm chế sự. sụt giá của đồng rúp. Để không gây ra hoảng loạn trên thị trường tài chính, cần phải để Dubynin lại.
Sau khi suy nghĩ, tôi đã huỷ bỏ quyết định của mình. Nếu như tất cả các ngân hàng lớn đều đóng cửa trong một lúc, khủng hoảng sẽ lan ra đường phố và không còn có cách gì để cứu vãn được tình hình.
Có điều rất lạ không một ai đề nghị tôi bảo vệ Chính phủ. Vào đúng những ngày đó cố vấn kinh tế của tôi, Alexandr Livshis đề nghị xin từ chức. Đó là người duy nhất tự xin từ chức. Mặc dù anh ta chính là người có lỗi ít nhất trong cuộc khủng hoảng này. Những tháng gần đây anh thường xuyên viết những báo cáo về tình hình kinh tế ảm đạm gửi cho Tổng thống.
Trong đơn xin từ chức Alexandr Yacolevich đề nghị tôi thứ lôi cho việc anh không giữ được cho đất nước khỏi rơi vào tình trạng khủng hoảng.
Ngày 21 tháng 8, Valentin Yumasev và Sergei Kirienko gặp nhau. Valentin kể lại rằng anh ta đi đón Kirienko ngoài sân bay, sau một chuyến đi theo kế hoạch nào đó của Kirienko. Họ ngồi trong gian Chính phủ trống vắng. Một cuộc nói chuyện khó khăn và khá lâu. Sergei Kirienko thổ lộ: “Tự tôi thấy, tôi đã giục giã Tổng thống. Mỗi hành động của chúng tôi lại làm cho ông đau lòng. Tôi đã làm tất cả những gì có thể làm được. Nhưng, đáng tiếc là chúng tôi đã không kiểm soát, giữ vững được tình hình”.
“Hành lang tiền tệ” bị phá vỡ chỉ trong hai ngày, các ngân hàng chỉ nghĩ đến tự cứu lấy mình... Chính những ngày này khủng hoảng liên quan trực tiếp đến những người gửi tiền. Họ hiểu rằng cần phải cứu lấy tiền của họ. Đoàn người xếp hàng trước các ngân hàng và quỹ tiết kiệm ngày càng dài ra, đông hơn, họ muốn rút tiền của mình ra! Thôi, thế là hết! Đã diễn ra một cuộc hoảng loạn kinh khủng nhất đối với đất nước.
Khi Chính phủ đã quyết định được quan hệ với Ngân hàng Trung ương, thì điều đó không ai biết ngoài những chuyên gia, những nhà điều khiển thị trường chứng khoán và chủ nhà băng. Và thế là cuộc khủng hoảng lan ra đường phố. Lây lan đến từng người.
Nói thật lòng: thật là kinh khủng khi quan sát đất nước, khi tai hoạ tài chính chỉ còn một hay hai ngày nữa. Mọi người theo thói quen đi nghỉ những ngày hè, tắm nắng, xem bóng đá, ra nhà nghỉ ngoại ô. Trong khi đó bóng đen khủng hoảng đang treo trên đầu mỗi gia đình. Bởi vì tiền lương mọi người đều nhận ở ngân hàng. Quỹ tiết kiệm cũng để trong ngân hàng. Những xí nghiệp, nơi họ làm việc không thể hoạt động được nếu thiếu tín dụng của ngân hàng.
Đó là những bài học nặng nề của khủng hoảng...
Chúng ta hội nhập vào nền kinh tế thế giới như những chú học trò. Còn “giáo viên” thì kiên quyết trừng phạt chúng ta vì những điểm kém hai, ba. Hàng triệu người Nga lần đầu tiên đứng trước một thực tiễn khắc nghiệt này.
Chắc chắn, những cải thiện sau này và ổn định trong tương lai không thể bù đắp cho mất mát về tâm lý: giá cả hàng tiêu dùng hồi mùa thu lên đến chóng mặt, cắt giảm biên chế và mất việc làm, nợ lương cả ở những xí nghiệp có tiếng tăm, khủng hoảng thanh toán.
Suốt cả tuần sau ngày 17 tháng 8, tôi cứ cố hiểu: Tại sao Kirienko lại rơi vào tình trạng không được ai ủng hộ? Tại sao giới thượng lưu tài chính và chính trị lại quay mặt đi với anh ta? Sergei Vladilenovich đã cảm thấy điều đó ngay từ đầu mùa hè và đã tích cực vận động, trao đổi với Yuri Masliukov, Evgeni Primakov, muốn thuyết phục họ lên giữ chức Phó thủ tướng để cho Chính phủ có sức nặng, ổn định hơn. Nhưng vẫn không đủ thời gian. Nói chung, tôi tin chắc rằng nếu như Chính phủ của Kirienko có khoảng thời gian dự trữ độ nửa năm nữa chắc chắn ở Nga mọi việc đã chuyển theo một hướng khác. Nhưng khủng hoảng đã làm thay đổi toàn bộ kế hoạch của họ thật khắc nghiệt và mau lẹ
Chính trong những ngày nặng nề đó đối với đất nước tiềm năng của Chính phủ sẽ được kiểm nghiệm, tức là độ bền vững, độ tin cậy, khả năng kiên quyết và sáng tạo của Chính phu. Chính trong thời điểm đó, thời điểm khủng hoảng nếu không có một nhận vật chính trị cứng rắn điều chỉnh toàn bộ tai hoạ này, thì không thể làm được gì cả. Đất nước của chúng ta như thế đó.
Ngày 23 tháng 8, Chủ nhật. Tôi mời Kirienko đến gặp.
Thật là kỳ cục cả hai chúng tôi đều cảm thấy nhẹ nhõm.
Kirienko cám ơn tôi đã tạo điều kiện cho anh ta làm việc, làm được điều gì đó... Anh im lặng, không tìm được câu gì để nói nữa. Có cảm giác như Sergei Vladilenovich đã trút được gánh nặng khỏi đôi vai.
Cảm giác dễ chịu ở tôi lại kỳ cục, mang tính hai mặt. Một mặt, tôi rất tiếc cho việc những con người mà tôi đã từng đặt bao hy vọng phải ra di. Mặt khác, cũng bây giờ tôi mới phát hiện ra tôi đã mất bao công sức, căng thẳng về mặt tâm lý và thể lực để bao che cho họ trong những tháng gần đây để tránh búa rìu của dư luận. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn nhà báo, tôi đã từng tuyên bố. “Không hề có lạm phát nào hết?”. Nhớ lại chuyện này thật nặng nề biết bao. Tôi đã từng tin là có thể giữ cho đất nước khỏi lâm vào khủng hoảng, tôi từng tin vì tôi thấy đội hình trẻ này hoạt động như thế nào, năng động ra sao. Chúng ta đã không để cho đất nước trong tháng 5 và tháng 6 rơi vào hoảng loạn và đồng rúp đã đứng vững. Tôi vẫn nghĩ là lần này cũng có thể giữ vững được tình hình. Nhưng đáng tiếc, chúng ta đã không giữ vững được!
Ngày 21 tháng 8, tôi quyết định tham dự cuộc tập trận của hải quân của Hạm đội biển Bắc. Tôi đứng trên chiếc tàu sân bay nguyên tử mang tên “Pietr Đại dế”. Tôi không muốn huỷ bỏ, thay đổi kế hoạch hay trì hoãn để không tạo cho mọi người ấn tượng hoảng loạn không cần thiết, nhất là lại lần đến mũi đất này. Ngoài ra, cần phải thể hiện sức mạnh của quốc gia, mà quốc gia đó cẫn phải trở nên hùng mạnh kể cả trong những ngày đen tối này. Những chiếc tàu khổng lồ, biển, những chiếc máy bay lượn sàn sạt trên mặt biển - tất cả những thứ đó đã làm cho lòng tôi dịu đi, yên tâm hơn.
Tôi nhớ, những chiếc tàu chiến đã làm cho tôi ngưỡng mộ. Đó là những chiếc tàu màu xám, lạnh lùng, bắn không thủng. Trong tôi bất giác suy nghĩ: tất cả nỗ lực của chúng ta được tập trung vào những vỏ tàu khô khan, không xuyên thủng này. Vỏ tàu - đó là nền kinh tế của chúng ta với những mối quan hệ đặc biệt, với một khu vực riêng biệt, với những quy định và luật lệ riêng.
Những vỏ tàu bằng thép đó đã đáp ứng những kỳ vọng, ý tưởng của chúng ta. Có cảm tưởng rằng thật khó có thể xuyên thủng nó. Nếu ai không tin cứ thử xem, có được không? Nhưng dù sao nhân dàn ta còn hiểu hơn chúng ta nghĩ. Không ai đổ toàn bộ tội lỗi lên đầu Kirienko vì tình hình khủng hoảng. Không có những cơn tức giận đối với Kirienko. Kể cả từ phía những nhà kinh doanh thiệt hại nhất. Những con người tỉnh táo bao giờ cũng hiểu: khi sóng thần xảy ra, khó có thể tránh được thiệt hại.