Lại vào viện

Ngày 11 tháng 10 năm 1998, tôi đi thăm Uzbekistan và Cazastan.
Ngay từ đầu giờ chiều hôm trước tôi đã bị sốt, nhiệt độ tăng đến 40 độ, đến sáng hôm sau đã hạ sốt nhưng rõ ràng là sức khoẻ không thật tốt. Các bác sĩ chuẩn đoán: bị viêm phế quản. Họ tiêm kháng sinh cho tôi.
Naina và Tania cứ nài nỉ tôi đừng đi. Nhưng một lần nữa tôi không nghe lời vợ con và các bác sĩ. Không thể hoãn chuyến thăm, nhất là lại vào phút chót. Nếu tôi đã cảm thấy là cần, thì như các vận động viên thường nói dẫu có phải nghiến răng lại vẫn cứ phải đi.
Từ những phút đầu tiên, khi máy bay còn chưa đáp xuống sân bay Tashkent, tôi đã cảm thấy trong người mỗi lúc một khó chịu hơn. Tôi vượt qua được sự yếu ớt thể xác chỉ bằng sức mạnh của ý chí và tinh thần.
Ở đây tôi nhất thiết phải cám ơn Tổng thống Uzbekistan Karimov: Tôi không biết chuyến đi sẽ kết thúc thế nào nếu không có sự cảm thông sâu sắc và am hiểu tình hình của ông ta. Tôi nhớ rằng trong lễ đón trọng thể, ngay trên đường trải thảm đỏ, trước đội cận vệ danh dự, trước biết bao ống kính truyền hình, tự nhiên mọi thứ quay cuồng trước mắt tôi.
Choáng đầu, chóng mặt. Chả đúng lúc một tí nào. Nhưng may sao, Islam Karimov xuất hiện ngay bên cạnh, đỡ tôi và một thoáng sau tôi đã tỉnh lại.
Tiếp tục dùng kháng sinh liều cao để giảm sốt. Tôi vẫn cảm thấy khó thở, lại mệt. bỏng rát trong lồng ngực, thế giới như tròng trành không trọng lượng. Tuy vậy, từ Tashkent tôi vẫn bay về Alma-Ata, tại đó đã ấn định chuyến đi thăm thứ hai của tôi, gặp Nursultan Nazarbaev. Vì tôi bị ốm nên chương trình chuyến thăm được rút ngắn lại. Sau đó, dưới sự giám sát chặt chẽ của các bác sĩ tôi trở về Matxcơva.
Thư ký báo chí mới của tôi, Dmitri Yakushkin, tuyên bố với các nhà báo: Cả tuần này Tổng thống sẽ ở Gorki, các bác sĩ khuyên ông nên tĩnh dưỡng.
Ngày 14 tháng 10, bất chấp lời khuyên của thày thuốc, tôi rời giường bệnh và đến Kremli. Sự xuất hiện của tôi đã gây bất ngờ hoàn toàn cho báo chí, Duma và Hội đồng Liên bang. Ngày 14 và 15 tháng 10, tôi tiến hành một số cuộc gặp quan trọng: Các cuộc gặp đã được sắp xếp vào lịch công tác. Nhưng mọi người đều biết Tổng thống đang nằm trên giường bệnh. Kế hoạch lịch công tác tuần ngày đã được huỷ bỏ. Chỉ trong vòng hai giờ đồng hồ các trợ lý của tôi đã triệu tập tất cả những người được mời từ trước đến gặp Tổng thống tại Kremli.
Sau này tôi mới hiểu mình không lầm. Về ý nghĩa chính trị, mỗi hành động của tôi trong những ngày này hoá ra có tác dụng. Chính vào ngày 14 tháng 10 đó Hội đồng Liên bang thảo luận Nghị quyết “Về kết quả hành động phản kháng toàn Nga”. Trong văn bản có những ngôn từ như “một ngày B. Yeltsin còn giữ cương vị Tổng thống thì còn tạo ra sự đe doạ chế độ Nhà nước của nước Nga”. Cũng chính trong Nghị quyết này có yêu cầu Tổng thống “từ chức tự nguyện và không trì hoãn”. Chỉ còn thiếu mười một phiếu nữa là quyết định của các thủ lĩnh địa phương được thông qua...
Đầu tháng 11, các đại biểu Duma đã đưa ra xem xét dự án luật “về kết luận y tế về tình trạng sức khoẻ của Tổng thống Liên bang Nga“.
Chỉ còn thiếu năm phiếu nữa là luật được thông qua.
Bắt tôi phải từ chức vì lý do sức khoẻ là mơ ước từ lâu của những người cộng sản, suýt nữa đã được thực hiện theo luật định.
Để hiểu điều gì tạo nên “sự căng thẳng mùa thu” của các đại biểu Duma Quốc gia, của một bộ phận thượng nghị sĩ cánh tả cần trở lại một đôi chút thời điểm phê chuẩn Thủ tướng mới, Evgeni Maximovich Primakov. Thoạt đầu các nhóm phái thuộc cánh tả hân hoan: “Chúng ta đã có thể xây dựng một Chính phủ dân tín”. Nhưng đám mây ảo tưởng chính trị đã tan biến rất nhanh. Các đại biểu Duma hiểu rằng một lần nữa họ lại không đạt được ước muốn xé rách Hiến pháp, hạn chế quyền lực Tổng thống của tôi. Hơn nữa, sự tồn tại trong Chính phủ một “phe cánh đỏ” (các Phó thủ tướng Masliukov và Kulic là người của Đảng cộng sản Liên bang Nga), một thái độ thông cảm đầy đủ của chính Primakov với những người cộng sản đã loại bỏ khả năng thao tác của họ. Họ không thể công khai chỉ trích hay yêu cầu giải tán Chính phủ. Cần phải có một cái van xả khác nào đấy để xả áp lực chính trị. Sau khi dự luật về kiểm tra y tế bắt buộc đối với sức khoẻ của tôi có sự chứng kiến của họ không được thông qua, họ cấp tốc đi tìm một lý do khác để tiếp tục gây căng thẳng các quan hệ.
Ngày thứ tư, mùng 4 tháng 11, tướng về hưu Albert Macasov tại buổi mít tinh cạnh Đài truyền hình Oxtankino đã hứa “sẽ tống sang thế giới bên kia chục tên Do Thái hút máu người”. Đây chính là cái cớ để cho tất cả các sự kiện tiếp theo xảy ra. Buổi chiều hôm đó tất cả những đại biểu tỉnh táo trong Duma đã đòi lên án, buộc tội Makashov vì chủ nghĩa bài Do Thái. Người ta lên án, thoả thuận mãi rồi soạn thảo một Nghị quyết rất mềm mỏng, gần như dịu dàng “Về việc không chấp nhận những hành vi và phát ngôn làm phức tạp quan hệ giữa các dân tộc trong Liên bang Nga”. Nhưng rồi Nghị quyết cũng không được thông qua. Lô gích của đa số đỏ là: Nếu chính sách kinh tế của Yeltsin dẫn đến “diệt chủng dân tộc Nga” thì việc kêu gọi triệt hạ dân Do Thái là... có thể được! Kể ra tâm can của vị tướng này đang dằn vặt lắm! Còn lên án ông ta nỗi gì bây giờ?
Thật xấu hổ. Kinh tởm. Đúng, tất nhiên, chủ nghĩa bài Do Thái đã từng tồn tại dưới chính quyền Xô-viết, hơn nữa lại công khai, ở quy mô quốc gia dưới chiêu bài “đấu tranh chống chủ nghĩa Xion và chủ nghĩa đế quốc”, nhưng sự lô mãng, công khai đến nhường ấy, và lại còn từ một diễn đàn cấp cao, thì chưa ai dám cho phép mình được thể hiện.
Chủ nghĩa bài Do Thái - cũng như bất kỳ một hình thức phân biệt chủng tộc nào - thật là điều độc ác ghê tởm. Nhưng nói rằng nó có cội rễ nào đó sâu sắc trong xã hội ta, trong nhân dân ta thì tôi không thể tin được. Cuộc sống bình yên hơn, sung túc hơn, ổn định hơn thì tất cả mọi người dần dần sẽ quên đi vấn đề này.
Ngày hôm sau tôi tuyên bố chính thức: “Bất kỳ một mưu toan nào nhằm vào mục đích nhục mạ tình cảm dân tộc, hạn chế, ngăn cản các quyền của công dân vì dấu hiệu sắc tộc sẽ bị xử lý theo Hiến pháp và Pháp luật của Liên bang Nga”.
Nhưng Tổng công tố “sấm sét” của chúng ta chẳng hiểu sao lại luống ca luống cuống. Theo đề nghị của Bộ Tư pháp, Tổng Công tố cũng phải tiến hành kiểm tra những phát ngôn bài Do Thái theo những chuẩn mực luật pháp. Nhưng... Thật bất tiện khi phải thẩm vấn một con người đáng kính, một Nghị sĩ Quốc hội. Tổng công tố đứng đầu là Scuratov, không tìm thấy trong phát ngôn của Macasov yếu tố cấu thành tội phạm và đã đình chỉ vụ án.
Victor Iliukhin, Nghị sĩ Duma - đảng viên cộng sản đã tuyên bố rằng trong giới thân cận Tổng thống có quá nhiều người “gốc Do Thái”, và đề nghị thông qua một Nghị quyết của Duma... về vấn đề này. Nước Nga có hẳn một tỉnh - vùng Krasnodar - nơi đây việc chửi rủa bọn Do Thái và bọn “Xionit” trở thành mốt và tất cả mọi người đều làm việc này, từ các đại diện của những đảng cánh hữu đến những người cộng sản cuồng nhiệt, từ lãnh đạo Văn phòng Tổng thống địa phương đến vị thống đốc. Đài truyền hình Krasnodar lại cổ vũ cho các phát ngôn kiểu này. Bí thư Thành uỷ Đảng cộng sản Liên bang Nga Thành phố Matxcơva Kuvaev hùng hồn tuyên bố. Dẫu Macasov có phát ngôn không đúng “nhưng chúng tôi đoàn kết với ông ấy”. Tại các cuộc mít tinh, Genadi Ziuganov bao giờ cũng kề vai cùng Macasov. Còn tướng Macasov như được lên dây cót tại khắp các cuộc gặp, các chuyến đi tới mọi miền đất nước cứ luôn mồm rêu rao “âm mưu Do Thái... âm mưu Do Thái...”.
Toa tàu đã chuyển bánh, không thể nào dừng lại được. Đến cuối tháng 2 ở Novochercasy, khi phát biểu trước những người Cô-dắc, vị tướng này đã tuyên bố. “Tất cả những gì vì lợi ích nhân dân đều là hợp pháp. Quần chúng luôn luôn đúng. Chúng ta sẽ là những người bài Do Thái và chúng ta phải chiến thắng”.
Dư luận xã hội đã phản ứng rất gay gắt. Gaidar gọi Macasov là “tên chống Do Thái mang tính thú vật” và vì Đảng cộng sản đoàn kết với Macasov, nên có thể bị coi là một đảng Quốc xã. Hiện nay chúng ta có quyền... đặt lại vấn đề về cấm Đảng cộng sản hoạt động.
Tất cả các báo đều đầy bài viết về Macasov, tranh biếm hoạ, đả kích Macasov. Ông ta trở thành một hình tượng quen thuộc. Tính chất bệnh hoạn trong “thế giới quan” của ông ta đến mức nhiều người đã phải thốt lên: Thôi đủ rồi, viết về ông ta quá đủ rồi, hãy quên cái vị tướng về hưu này đi.
Nhưng, cái tính chất nước đôi của tình hình là ở chỗ phản ứng chính thức của chính quyền hầu như không có gì, ngoài một tuyên bố của tôi. Bộ Tư pháp không tìm ra cơ sở pháp lý để cấm Đảng cộng sản hoạt động với tư cách là một đảng có hành vi phản Hiến pháp. Vụ án Macasov bị ỉm đi ở Viện Công tố. Primakov thì uỷ quyền cho một cái bộ khiêm tốn là Bộ các vấn đề dân tộc bày tỏ quan điểm chính thức của Chính phủ. Còn bản thân Primakov thì chống việc cấm Đảng cộng sản hoạt động: “ Tôi có thái độ hét sức tiêu cực đối với việc này”.
Cũng chính mùa thu đó, ngày 20 tháng 11 năm 1998, tại S. Peterburg xảy ra một thảm kịch - vụ giết hại bà Galina Vasilievna Starovoitova. Tin này làm tim tôi thắt lại: Galina Vasilievna nhiều năm trên chính trường là mẫu mực của sự đúng đắn nhân đạo, trung thành với các lý tưởng của chúng ta. Starovoitova không hề cản trở hoặc quấy phá ai, bà là một người lý tưởng trong chính trị. Vậy ai đã giết bà ấy? Bọn cuồng tín cháng? Bệnh điên cuồng cộng sản cuối năm 1998 đầu năm 1999 bùng lên đến mức trong các vụ án mạng có sự tham gia của các phần tử quá khích, cực đoan tả khuynh là hoàn toàn có thể. Điều đó tạo nên không khí lo âu, thiếu tin tưởng, ai đó còn sợ hãi, khiếp đảm.
Tôi đã chú ý theo dõi và giờ đây, nhiều tháng đã qua đi, tôi vẫn tiếp tục theo dõi quá trình điều tra. Trên bàn làm việc của tôi còn có một báo cáo đề ngày 4 tháng 7 năm 2000. Hiện nay cuộc điều tra đang tiến hành theo ba hướng giả thiết chính. Tất nhiên tôi sẽ không làm cái việc phán xét khả năng nào sẽ dẫn đến phát hiện được bọn tội phạm. Hy vọng rằng bọn tội phạm sẽ bị bắt và bị trừng trị.
Các sự kiện diễn ra rất nhanh. Những người cộng sản rõ ràng đã rắp tâm gây tình hình căng thẳng.
Muốn giải tán Đảng cộng sản ư? Xin cứ việc! Khi đó hãy xem “mèo nào cắn mỉu nào”, - đó là những gì phơi bày rõ ràng trong các tuyên bố cuối mùa thu của họ.
Họ đã không nói đùa.
Những lời kêu gọi tính sổ với giới thân cận của Yeltsin ngày càng vang lên rõ ràng, dứt khoát hơn. Giữa tháng 12 diễn ra cuộc họp của Uỷ ban Duma về bất tín nhiệm Tổng thống.
Trong chương trình nghị sự điểm thứ năm là “tội diệt chủng dân tộc Nga”. Lại thấy rêu rao những cụm từ “âm mưu Do Thái”, phản bội quyền lợi của nước Nga, ảnh hưởng của các cơ quan đặc biệt phương Tây đối với Yeltsin. Người báo cáo là đại biểu Victor Iliukhin.
Tổng Công tố từ chối đưa ra đánh giá pháp lý những phát ngôn của Iliukhin.
Trong những ngày cuối tháng 11, Valentin Yumasev đến gặp tôi và thám dò thái độ của tôi thế nào đối với ý tưởng “anh ta xin từ chức, còn Bordiuza thay thế anh ta và kiêm chức Thư ký Hội đồng an ninh”.
Lô gíc của quyết định này chắc là phải có! Đúng là việc bổ nhiệm Primakov làm Thủ tướng là một thắng lợi chiến thuật, tạo khả năng để chuẩn bị những hành động khác, song dù sao thì về mặt chính trị, trong con mắt của xã hội đây lại là một bàn thua đậm của Tổng thống. Tình hình tháng 10 và tháng 11 chứng tỏ rằng phe đối lập sẵn sàng chuẩn bị một cuộc tấn công mới cho tới mức hạn chế các quyền hạn hợp hiến của tôi và các vị thống đốc, tỉnh trưởng có thể trong một mức độ nhất định sẽ ủng hộ phe đối lập. Trong bối cảnh đó, chính quyền của Tổng thống cần phải biểu dương, ít nhất là ở mức độ biểu dương lực lượng bề ngoài. Thật dễ dàng đập bàn đập ghế trên bục diễn thuyết ở Duma, đòi lão Yeltsin đáng nguyền rủa về vườn, huy động hàng đoàn người biểu tình mang cờ đỏ ra các quảng trường khi Yeltsin nằm trong bệnh viện. Nhưng sẽ rất khó làm việc đó hơn khi bên cạnh Tổng thống xuất hiện một nhân vật là Thượng tướng đồng thời giữ hai chức vụ quan trọng nhất là Chánh Vàn phòng Tổng thống và Thư ký Hội đồng an ninh.
Vào thời của Chubais và Yumasev thì Văn phòng Tổng thống thuần tuý là một đội hình trí tuệ nằm trong bóng tối chính trị (có điều, cho đến nay tôi vẫn cho rằng quan điểm đó là đúng). Nhưng lúc này, vào thời điểm căng thẳng thì nước cờ “hoán tượng” rõ ràng là có lợi cho cơ quan này.
Nhưng tôi đã dành mọt tuần để suy nghĩ. Có một cái gì đó làm tôi chưa thật vừa lòng lắm đối với cái ý tưởng này. Ít lâu sau tôi mới hiểu “cái gì đó” chính là những mối nghi ngờ về bản thân Bordiuza. Viên tướng trẻ này mới đây không lâu được bổ nhiệm làm Giám đốc Cơ quan Biên phòng thay Andrei Nicolaiev xin từ chức. Sau đó anh ta được giao lãnh đạo Hội đồng an ninh, cũng vừa mới bắt đầu thích nghi với cương vị mới. Mới làm việc ở Kremli vẻn vẹn ba tháng trời đã định sắp sửa làm bước đại nhảy vọt trên đường công danh.
Yumasev năn nỉ thuyết phục tôi: “Cần thay bức tranh” cho Văn phòng Tổng thống. Bordiuza là một quân nhân thực sự trí tuệ, về thế giới quan thì gần với thế hệ trẻ của chính khách hơn là giới tướng lĩnh. Anh ta đã giao ước trước là ban đầu sẽ trao đổi với Yumasev, còn sau đó... xét sau.
- Tôi sẽ không đi đâu hết, Boris Nicolaevich, tôi sẽ luôn luôn ở bên ngài cùng với Bordiuza - Yumasev khẳng định.
Tất cả các biện pháp tác động hậu trường của vị cựu và tân Chánh Văn phòng Tổng thống đều không mấy thuyết phục. Nhưng tôi đã đồng ý, không phải do tác động của Yumasev mà hoàn toàn do một nguyên nhân khác.
Ngay từ bấy giờ tôi đã cảm thấy trong xã hội đang nổi lên nhu cầu về chất lượng mới của Nhà nước, về một cái cốt thép nào đấy có thể củng cố toàn bộ cấu trúc chính trị của một chính quyền. Nhu cầu về một con người có tri thức. có phong cách dân chủ, biết suy nghĩ theo cách mới cứng rắn theo lối nhà binh.
Một năm sau, một con người như thế thực sự đã xuất hiện - đó là Putin.
Nhưng đó là chuyện một năm sau. Còn bây giờ, tôi thật sự nuối tiếc phải đồng ý cho Yumasev từ nhiệm. Valentin đã không lừa dối tôi. Sau khi từ chức, anh ta luôn luôn ở bên tôi, vẫn tiếp tục giúp đỡ tôi như trước đây. Ngay như giờ đây, sau khi tôi đã từ chức. tôi vẫn cùng anh ta thân thiết, cùng nhau làm việc và viết ra cuốn sách này.
Ngày 5 tháng 12, Valentin Yumasev mang đến khu nhà nghỉ Gorki-9 mấy dự thảo. xin chữ ký: Đó là sắc lệnh về việc miễn nhiệm cho anh ta, sắc lệnh về việc Thư ký Hội đồng an ninh kiêm chức Chánh Văn phòng Tổng thống và sắc lệnh bãi nhiệm một số trợ lý của Yumasev.
Ngày 7 tháng 12, vào ba giờ chiều, tôi đến Kremli ký các sắc lệnh trên. Như vậy là trên cương vị người đứng đầu Văn phòng Tổng thống của riêng thống từ nay xuất hiện một vị tướng tuổi bốn mươi, cựu Giám đốc Cơ quan Biên phòng Liên bang, đương kim Thư ký Hội đồng an ninh Liên bang Nga, một sĩ quan chuyên nghiệp. Nicolai Nicolaevich Bordiuza.
Khoảng một tháng sau, tôi cho gọi Yumasev và bảo:
- Này Valentin, anh chắc là ta không mắc sai lầm đấy chứ? Tôi cảm thấy thiếu cái gì đó ở Bordiuza”.
Yumasev kinh ngạc. Bề ngoài mọi chuyện hình như êm xuôi cả Bordiuza đã cố gắng hết sức mình, cố gắng trở thành một người chỉ huy. Nhưng ngay từ đầu tôi đã thấy, có một cái gì đó không ổn đối với anh ta.
Sau này tôi mới biết điều gì xảy ra với Bordiuza. Vốn là một sĩ quan có đường binh nghiệp chói lọi trong hệ thống quân sự, anh ta hiểu biết không nhiều về cấu trúc của đời sống chính trị hiện đại, không nắm bắt được những sắc thái kinh tế của nó, không thấy được những dòng chảy ngầm dưới mặt nước. Tất cả công việc của người đứng đầu Cơ quan Văn phòng Tổng thống, theo quan điểm của anh ta đều phi lô gích, không thể chế hoá và lạ lùng. Rồi anh ta... lúng túng, hoang mang.
Trong con người Bordiuza bắt đầu có một cái gì đó giống như sự phân tâm, chia đôi tính cách, sự căng thẳng nội tâm làm anh ta thấy ngột ngạt. Có lẽ tôi đã nhận thấy chính cái gò bó này trong hành động của anh ta.
Trong cuộc sống thường có chuyện như thế. Đấy là tôi biết theo kinh nghiệm bản thân. Một con người khoẻ mạnh, cường tráng, đầy nghị lực khi lâm vào hoàn cảnh không thích hợp, như người ta nói “không phải sở trường của mình”, chịu đựng những cơn stress thường xuyên, cũng có thể lăn ra ốm. Chỉ một thời gian ngắn đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo Văn phòng Tổng thống, viên tướng trẻ Biên phòng bỗng cảm thấy có vấn đề ở tim.
Người duy nhất Bordiuza cảm thấy thoải mái trong quan hệ hoá ra lại là Evgeni Maximovich Primakov. Phương pháp tư duy của Primakov và cách thức ông ta tạo ra một khung cảnh siêu bí mật quanh mình được Nicolai Nicolaevich tiếp nhận một cách vô điều kiện. Đến khi quan hệ của tôi với Thủ tướng trở nên phức tạp, Bordiuza đã không chịu đựng nổi.
Toàn bộ hệ thống chính trị mới của nước Nga hậu Xô-viết được gây dựng thật lâu dài và gian khổ. Chúng ta đã gạt bỏ hết bọn người tai to mặt lớn, đã bẻ gãy giáo mác. Có lúc, để duy trì sự đứng đắn của cơ cấu này, xã hội đã phải trả một cái giá rất đắt như đã xảy ra vào năm 1993.
Ở đây có thể nhớ lại không chỉ tháng 10 năm 1993. Có thể nhớ lại cả người đứng đầu Xô-viết Tối cao Khasbutalov, người đã tích cực làm cho Hiến pháp lỏng lẻo và vô hiệu. Có thể nhớ lại cuộc trưng cầu dân ý về thể chế Tổng thống hay Nghị viện, nghĩa là quyết định nước Nga theo chế độ Cộng hoà Tổng thống hay Cộng hoà nghị viện. Có thể nhở lại bao nhiêu cuộc bỏ phiếu ở Duma đòi tôi từ chức hoặc cách chức tôi và các cuộc khủng hoảng ở Chính phủ.
Sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 1996, tôi hiểu rõ ràng dứt khoát là cần thay đổi vai trò của Văn phòng Tổng thống. Nếu như sau năm 1991 tôi xem nó như một bộ máy điều hành là chính tựa như một cấp kiểm tra nào đó thì sau năm 1996 nó bắt đầu có vai trò một bộ máy tham mưu trí tuệ. Công việc của nhóm phân tích vẫn tiếp tục, chỉ có điều giờ đây nó không phải nghiên cứu các ý tưởng vận động tranh cử, mà tập trung xây dựng các học thuyết, quan điểm phát triển đất nước.
Tất nhiên hai quan điểm này từ trước bầu cử năm 1996 đã đấu tranh với nhau trong hành lang Điện Kremli. Yuri Pertov, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Sverdlov Đảng cộng sản Liên Xô được tôi mời về làm việc với tư cách một nhà tổ chức có kinh nghiệm, có nhiệm vụ kiểm soát toàn bộ đội quân các quan chức Nhà nước.
Sau đó đến lượt Sergei Philatov vào Điện Kremli. Dư luận xã hội thì coi đây là một con người có ảnh hưởng, tiếng nói có trọng lượng, một người dân chủ tự giác, một trí thức. Than ôi, về tư chất một con người, Philatov không phải là một nhà chính trị giỏi, cũng không phải là một nhà phân tích thông tuệ. Anh ta đã biến Văn phòng Tổng thống thành một loại Viện nghiên cữu khoa học về các vấn đề dân chủ ở nước Nga. Đã viết ra hàng núi các báo cáo, đề xuất và quan điểm. Nhưng hầu như những thứ ấy chẳng bao giờ gắn với cuộc sống hiện thực.
Vai trò chính trong việc nghiên cứu xây dựng chiến lược chính trị thuộc về một nhóm các trợ lý của Tổng thống, đứng đầu là trợ lý thứ nhất của tôi: Victor Iliusin. Chính anh ta về thực chất đã thực hiện chức năng của người đứng đầu Văn phòng Tổng thống, đã xây dựng một bộ tham mưu trí tuệ, năng động có sức làm việc ở Điện Kremli. Chỉ cần nhắc đến một điều cũng đủ thấy là chính thời gian đó đã xuất hiện trong các văn phòng này những bộ óc thông minh như Satarov, Baturin, Krasnov, Livshis và những người khác.
Đồng thời qua hàng tháng, hàng năm vai trò chính trị của Cơ quan an ninh Tổng thống và người bảo vệ chính của tôi là Alexandr Korzakov lại tăng lên. Korzakov đã khục khặc dữ dội với tất cả những ai không chấp nhận ảnh hưởng của anh ta, tất cả những ai anh ta cho là thuộc phe khác. Anh ta can thiệp vào công việc của Ban Thư ký của Tổng thống, đưa, nhận tài liệu bất chấp thủ tục đã quy định rõ ràng, xung đột với cả Philatov và Iliusin, định thông qua Phó thủ tướng Oleg Soskovets gây ảnh hưởng đến kinh tế của đất nước. Về Korzakov tôi đã đề cập ở một chương khác, nhưng ở đây, một lần nữa tôi nói luôn tôi nhận hết mọi trách nhiệm về sự thăng tiến khác thường và sự đổ nhào hợp quy luật của anh ta, đó là một sai lầm của tôi mà sau này chính tôi đã phải trả giá.
Thống đốc Krasnodar, Nicolai Egorov được mời về làm người đứng đầu Văn phòng Tổng thống năm 1995 với nhiệm vụ chủ yếu là phụ trách vấn đề lập lại hoà bình ở Chesnia. Nhưng nhiệm vụ này cuối cùng lại là một người hoàn toàn khác đảm nhận - tướng Lebed.
Sau bầu cử năm 1996, tất cả đều thấy là thời của Korzakov và người của anh ta đã qua rồi. Và ở Điện Kremli không cần có hai hay ba “thủ lĩnh không chính thức”, mà nói bằng ngôn ngữ chính trị khô khan thì không cần có hai hay ba trung tâm quyền lực. Với việc bổ nhiệm Chubais làm Chánh Văn phòng Tổng thống, công việc của cơ quan này mang tính chất hoàn toàn khác. Một mặt, đó là hệ thống quản lý ngành dọc rõ ràng với một kỷ luật chặt chẽ trong nội bộ tập thể. Mặt khác, đó là một đội ngũ trẻ trung, mạnh mẽ về trí tuệ, những con người của một thế hệ hoàn toàn khác, với những cách nhìn khác đối với cuộc sống và các quá trình đang diễn ra trong nước. Không bị ràng buộc bởi những lề thói cũ, họ say sưa lao vào xây dựng học thuyết và quan điểm của một nước Nga mới, hiện đại.
Từ thời điểm này, Văn phòng Tổng thống dự thảo các đạo luật chiến lược quan trọng nhất, xây dựng các phương án cho Bộ luật thuế và Bộ luật đất đai, quan điểm về cải cách hệ thống Nhà nước, cải cách cơ cấu Nhà nước và nhiều vấn đề khác. Cũng chính thời gian này, Văn phòng Tổng thống đã có quan điểm hoàn toàn khác về thông điệp Liên bang của Tổng thống gửi Quốc hội - dưới thời Chubais, Yumasev và sau này là Volosin, tham gia xây dựng văn bản quan trọng định hướng cơ bản cho phát triển đất nước trong năm tới. Không chỉ có một số quan chức hay những nhà tri thức riêng lẻ mà tất cả những lực lượng ưu tú nhất, các bộ, ban, ngành và hàng loạt viện nghiên cứu đã được huy động vào công việc này. Văn phòng Tổng thống trở thành một bộ tham mưu đích thực đưa ra những ý tưởng, những quan điểm quan trọng nhất, chiến lược phát triển và sách lược chính trị.
Mùa hè và mùa thu năm 1999, Văn phòng Tổng thống dưới sự chỉ đạo của Alexandr Volosin đã thể hiện tiềm lực trí tuệ và toàn bộ tiềm năng cực kỳ mạnh mẽ của mình. Toàn bộ năng lực trí tuệ, tất cả kinh nghiệm chính trị tích luỹ được những năm qua đã được huy động vào khoảnh khắc đầy kịch tính này. Thắng lợi vang dội - đó là thuật ngữ chính xác mà Volosin cùng đội hình của mình giành được trong cuộc bầu cử Duma tháng 12 năm 1999 là hoàn toàn bất ngờ đối với các đối thủ chính trị của anh ta.
Nhưng đằng sau thắng lợi này là một công việc lâu dài, hết sức tinh vi, chính xác, tỉ mỉ và sắc sảo nhằm phân tích thường xuyên tình hình hiện tại của đất nước, vạch ra các cơ chế tác động lên dư luận xã hội, lên giới thượng lưu chính trị ở trung ương và địa phương v.v...
Công việc, mà sau này các đối thủ chính trị của tôi gọi là sự tác động của Gia Đình - đúng thế, gia đình viết chữ hoa - đối với Tổng thống, thực chất bao gồm: các cuộc gặp của tôi với Chánh Văn phòng Tổng thống, với các trợ lý của anh ta, với các cố vấn, thảo luận những đề xuất do họ chuẩn bị và cuối cùng Tổng thống cho kết luận và ra quyết định. Tiếp theo, sau khi đã có quyết định là triển khai triệt để, vô điều kiện.
Mấy năm gần đây tôi đã làm việc theo lược đồ này. Mặc dù ban đầu người ta có gọi Chubais là “nhiếp chính”, sau này gọi Yumasev và Volosin là các thành viên của gia đình, thì bản chất những lời èo xèo, phàn nàn vẫn không thay đổi. Có vẻ như sau lưng Tổng thống có ai đó đang lặng lẽ ngấm ngầm hoạt động.
Tôi xác nhận. Quả thật, sau lưng tôi có một đội hình khổng lồ, vững chắc, đoàn kết. Còn nếu có ai đó thích cái thuật ngữ “Gia Đình” hơn thì có thể nói thế này: các thành viên của gia đình tôi gồm có Chubais và Volosin, Yumasev và Dzohan Pollyeva, Sergei Yastrzemski và Viacheslav Surkov, Ruslan Orekhov và Igor Shabdurasulov, Mikhail Kommisar và Alexandr Oslon và Mikhail Lesin, Yuri Zapol, Ksenia Polomariova và Konstantin Ernst, Oleg Dobrodeev và Sergei Zverev (hiện còn làm việc trong Văn phòng Tổng thống) và Igor Malashenko (những năm đầu sau bầu cử 1996), Alexei Gromov và Olec Sysuev, Sergei Prikhodko và Dmitri Yacushkin, Andrei Shtorkh và nhiều, nhiều người khác (tôi không muốn làm độc giả phải mệt mỏi vì bảng thống kê danh sách), những người đã tham gia soạn thảo những quyết định quan trọng nhất đối với vận mệnh đất nước. Có ai đó có thể thích tôi, ai đó không, nhưng tôi không biết: Những người này đều có cái đầu làm việc tuyệt vời, đưa ra những ý tưởng quan trọng. có giá trị. Họ đã làm việc với Tổng thống và làm việc vì đất nước.
Văn phòng Tổng thống của Tổng thống - đó là cái tôi có thể tự hào và đội hình của tôi có thể tự hào.
Tuy nhiên, đã đến lúc trở lại với những sự kiện cuối năm 1998 đầu năm 1999.
Tôi hoàn toàn không nghi ngờ rằng cuộc khủng hoảng có liên quan đến sự sa sút sức khoẻ của tôi và với những hành động hung hăng ở Duma. của Macasov và Iliukhin thay Yumasev là nước cờ chiến thuật chính xác. Nhưng việc tiếp theo là gì? Mùa hè năm 1999 cứ nghiệt ngã tới dần hạn chót cho việc tìm một nhà chính trị đặng có thể đưa nước Nga đi theo con đường dân chủ sau bầu cử Tổng thống 2000.
Trong khi đó cơ hội của Primakov chiếm ghế Tổng thống cứ tăng dần lên. Chính những đại biểu cộng sản trong Duma là những người đầu tiên nói điều này. Bởi vì các chỉ số tín nhiệm qua thăm dò xã hội học của các ứng cử viên có khả năng khác như: Lebed, Yavlinski, Luzkov lúc đó thấp hơn nhiều và ngang với Primakov chỉ có Ziuganov nên báo chí cũng bắt đầu nhìn nhận phương án này một cách nghiêm túc. Một số thì viết về việc này như sự tụt hậu hoàn toàn, sự phục thù cộng sản, quay trở lại mô hình cuộc sống Xô-viết, một số khác coi đây là một sự lựa chọn không thể tránh khỏi của xã hội. Điều đó cũng dễ hiểu. Bất kỳ một Thủ tướng chống khủng hoảng nào cũng đều có một cơ sở chính trị rộng khắp xuất hiện hoàn toàn tự nhiên, hợp quy luật. “ổn định kiểu Primakov” vẫn như trước đây không rõ lắm trong kinh tế, không dễ nhận thấy trong cuộc sống của những người bình thường, đã trở thành ngọn cờ chính trị của phe đối lập.
Tôi đoán rằng chắc các kế hoạch của Thủ tướng Primakov có thể thay đổi. Sẽ xuất hiện những ham muốn, ban đầu còn có thể dè dặt, thận trọng, nhưng sẽ rõ ràng hơn - trở thành Tổng thống. Tất nhiên tôi chờ đợi Evgeni Maximovich sẽ là người trước tiên nói với tôi về điều này.
Nhưng Primakov vẫn hoàn toàn bình thản. Tôi còn nhớ, mấy lần ông đã bảo tôi “Chúng ta sẽ cùng nhau rút lui về nghỉ ngơi vào năm 2000, Boris Nicolaevich, chúng ta sẽ cùng nhau đi câu cá”. Vẻ ngoài chúng tôi vẫn tiếp tục giữ nguyên cách cư xử như trước: Cùng nhau làm việc, tiếp tục thảo luận những vấn đề kinh tế trước mắt, cùng tìm ứng cử viên cho chức vụ Tổng thống tương lai. Tôi xem xét những người thân cận Primakov, Stepasin? Bộ trưởng Ngoại giao Ivanov? Ai?
Nhưng Primakov không quan tâm đến những người đó. Họ không thuộc loại người cần tìm, toàn thợ bổ cúi, có uy tín gì trong xã hội đâu - ông ta nói. Ở đây cần có một người thuộc kiểu khác
Các phụ tá của tôi nhiều lần phát hiện với tôi những mâu thuẫn trong lời lẽ của Primakov, nào là ông ta miễn cưỡng ra sao khi nói về tình hình chính trị sắp tới, nào là ông ta để lộ các kế hoạch của mình. Tất nhiên, đây có thể là thói quen tích luỹ qua những năm hoạt động trong nghề tình báo và ngoại giao. Rất muốn tin như vậy.
Ngay từ tháng Giêng, tháng Hai, trong Văn phòng Tổng thống đã diễn ra các cuộc tranh cãi sôi nổi, quyết liệt xem liệu Primakov có tham gia tranh cử Tổng thống không?
Đúng, Primakov có khả năng tập hợp quanh mình cái bộ phận của giới thượng lưu chính trị tiếp tục mơ tưởng về cuộc phục thù chính trị, về cuộc trở lại với các trật tự cũ: Không chỉ là những người cộng sản, mặc dù họ cũng mong như vậy. Đó còn là “đội quân thứ năm” của những người cộng sản trong các cơ quan đặc biệt, một bộ phận các lãnh tụ địa phương, các thống đốc tỉnh trưởng thưởng được coi là “những nhà kinh tế rắn rỏi”.
Đối với các tầng lớp rộng rãi dân chúng nước Nga, Primakov là một hình tượng của hy vọng. Ông ta hứa mang lại trật tự, ổn định, không có bất cứ thay đổi và cải cách nào, cái mà xã hội từ sau khủng hoảng mùa thu năm 1998 đã chỉ xem là sự đe doạ và tiêu cực
Tôi bắt đầu cảm thấy tất cả sự nguy hiểm của tình thế đang hình thành. Tôi hiểu rằng một Primakov gần gũi, chan hoà theo tình người đang rất khách quan, gần như ngoài ý nguyện của mình, trở thành một sự lựa chọn có hay không rất nặng về chính trị thách đố đường lối của tôi, kế hoạch phát triển đất nước của tôi.
Trong cuộc đời tôi, có một tình tiết rất nhỏ, gần như không để ý thấy. Thằng cháu ngoại Boria cố gắng giải thích cho tôi nghe một nguyên tắc hoạt động của chương trình vi tính nào đó. Tôi nghe cháu nói rất lâu và bỗng hiểu: thì ra cũng không đơn giản chút nào.
Tôi nhìn lên bộ điều khiển nhấp nháy và nghĩ: tôi nhất thiết, đơn thuần là nhất thiết phải làm cho được để trong thiên niên kỷ thứ ba những người lãnh đạo nước Nga phải là lớp người có đầu óc khác. Hãy mặc cho Tổng thống mới cứ vạch vòi tất cả lỗi lầm của tôi, những thất bại, đổ vỡ trong các cải cách của chúng ta. Nhưng miễn là ông ta phải là người kiến tạo. Đúng, tuổi trẻ không phải là liều thuốc chữa bách bệnh. Ngay trong những người lứa tuổi bốn mươi cũng có người thuộc diện tài, cực quyền. Có thể ngồi sau máy tính và cảm thấy mình lạc hậu như người vượn. Nhưng sự thể không phải ở đó. Người thay tôi cần bước vào khoảng không gian tinh thần khác. Cần suy nghĩ bằng các phạm trù khác hợp lý hơn thế hệ những nhà chính trị đã đi qua giai đoạn sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản và những cuộc khủng hoảng chính trị của nước Nga mới. Cũng như chơi trò chơi điện tử phức tạp hơn, Tổng thống mới cần không phải là “tiêu diệt kẻ thừ”, không phải là vượt những chướng ngại vật, mà là xây dựng nền văn minh của mình. Để làm được điều này người lãnh đạo mới cần hiểu rõ ngôn ngữ của nền văn minh toàn thế giới, của cái thế giới mới mà mọi người, trong số đó có những đứa cháu chắt của tôi sẽ sống.