Chương 8

Hatsumono không phải là người duy nhất tức tôi thôi, ngày hôm sau Mẹ ra lệnh cắt khẩu phần cá khô của tất cả gia nhân trong nhà vì tội để cho bồ của Hatsumono vào nhà. Tôi nghĩ nếu tôi không ăn cắp phần ăn của gia nhân, thì chắc họ không tức tôi, riêng phần Bí Ngô, khi cô ta nghe Mẹ ra lệnh như thế, cô ta khóc ròng. Thú thật mà nói, tôi không khó chịu khi thấy mọi người đều tức giận tôi, cũng như không đau khổ khi phải mang thêm nợ cái ghim hoa mà tôi không bao giờ thấy. Cuộc sống khó khăn chỉ làm cho quyết tâm chạy trốn của tôi mạnh thêm.
Tôi nghĩ Mẹ không tin tôi lấy cái ghim cài ở dây lưng nhưng bà sẽ mua cái ghim khác tính vào tiền nợ của tôi để làm vừa lòng Hatsumono. Thế nhưng bà biết tôi ra ngoài là có phép, vì chị Yoko đã xác nhận điều này. Khi tôi nghe Mẹ ra lệnh khóa cửa trước để tôi khỏi ra ngoài, tôi cảm thấy cuộc đời tôi thế là hỏng bét. Làm sao tôi thoát ra khỏi nhà cho được? Chìa khóa do bà Dì giữ và ba ta đeo nơi cổ khi đi ngủ. Còn việc ngồi bên cửa ban đêm giao cho Bí Ngô, khi nào Hatsumono về nhà thì Bí Ngô đánh thức bà Dì dậy để mở cửa.
Hằng đêm khi đi nằm ngủ tôi suy nghĩ kế hoạch nhưng mãi cho đến thứ hai, tức là còn một đêm nữa đến ngày hẹn với Satsu để cùng nhau chạy trốn, tôi vẫn chưa nghĩ ra cách nào để thoát ra khỏi nhà. Tôi quá nản đến nỗi bỏ bê công việc trong nhà, các gia nhân la mắng tôi chùi sàn nhà không sạch, quét hành lang không xong. Cả buổi chiều thứ hai, tôi giả vờ ngồi nhổ cỏ ở ngoài sân, thực ra tôi chỉ ngồi để suy nghĩ tìm cách trốn thóat. Rồi một gia nhân sai tôi chùi sàn gỗ trong phòng gia nhân, nơi Yoko đang ngồi bên chiếc bàn điện thọai, và nhờ thế mà có chuyện đặc sắc xảy ra. Tôi vắt cái giẻ nhúng nước lên sàn nhà, nhưng thay vì nước chảy ra cửa như tôi tưởng, nước lại chảy ngược vào phòng.
- Chị Yoko nhìn kìa - tôi nói - nước chảy ngược lên đồi.
Dĩ nhiên nước không chảy lên đồi. Tôi tưởng nó như thế thôi. Tôi quá kinh ngạc khi nghĩ thế, cho nên tôi vắt thêm nước và nhìn nó chảy vào trong góc. Tôi không biết tại sao nó xảy ra như thế, nhưng tôi chắc nó sẽ chảy ra thang lầu, lên tầng hai, rồi theo cái thang bắt lên cửa trập, lên mái nhà bên cạnh cái thùng hứng nước mưa.
Mái nhà! Tôi bàng hoàng khi nghĩ đến mái nhà, tôi quên hết mọi việc chung quanh; và khi điện thọai reo, tôi hoảng hốt la lên. Tôi không biết khi lên mái nhà tôi sẽ làm gì, nhưng tôi nghĩ tôi sẽ tìm được cách leo xuống đường và đến chỗ hẹn với chị Satsu.
Tối hôm sau, khi đi ngủ, tôi giả vờ ngáp lấy ngáp để và thả mình lên nệm như bao gạo. Mọi người chắc nghĩ tôi sẽ ngủ khì trong nháy mắt, nhưng thật ra tôi phải cố hết sức để khỏi ngủ. Tôi nằm im hình dung khuôn mặt của bố tôi khi thấy tôi hiện ra nơi ngưỡng cửa, và cả mẹ tôi nữa. Nhưng hễ nghĩ đến mẹ là nước mắt tôi chảy ra.
Cuối cùng các gia nhân nằm xuống nệm bên cạnh tôi còn Bí Ngô ngồi vào vị trí đợi Hatsumono. Tôi nghe tiếng Bà Ngoại tụng kinh, và cánh cửa hé mở tôi tình cờ thấy bà đang thay áo ngủ. Tôi kinh hoàng khi thấy thân hình bà vì chỗ nào cũng nhão nhọet, xệ xuống. Tôi không biết bà đang nghĩ gì, và phân vân không biết bà ta có bước vào đời như tôi không. Nếu có thì chẳng có gì khác biệt giữa bà và một bé gái cứng đầu như tôi. Con người khi gặp nhiều gian khổ thường thay đổi tính tình. Tôi nhớ rất rõ có một lần ở Yoroido, một đứa con trai xô tôi nhào vào một bụi gai ở bên hồ. Trong lúc vạch lối để chui ra, tôi đã nổi điên cắn vào thân cây. Nếu một vài phút đau khổ đã làm tôi tức tối đến thế thì thử hỏi sống nhiều năm sẽ ra sao?
Nếu tôi không quyết định chạy trốn, tôi sẽ sống trong cảnh kinh hòang khổ đau đang chờ tôi ở Gion. Chắc chắn sự khổ đau sẽ đẩy số phận tôi giống như số phận của Bà Ngoại. Nhưng tôi hy vọng khi nghĩ đến ngày mai tôi có thể quên hết những kỷ niệm ở Gion. Tôi đã biết cách leo lên mái nhà, cũng như tôi sẽ biết cách leo xuống đường. Bây giờ tôi chỉ cầu may trong bóng tối. Ngay cả khi tôi tụt xuống được mà không bị thương tích gì, thì việc đó chỉ là việc bắt đầu đi vào chốn gian nan. Tuy nhiên cuộc sống ở Gion phải vật lộn bao nhiêu thì cuộc sống sau khi chạy trốn cũng là cảnh vật lộn gay gắt bấy nhiêu. Thế giới này quá độc ác, làm sao tôi vượt qua được? Tôi nằm trên nệm lòng lo buồn một hồi, tự hỏi không biết tôi có đủ nghị lực để làm việc này không, nhưng Satsu đang đợi tôi, chị ấy biết cách hành động.
Một lát sau Bà Ngọai ngủ yên trong phòng. Các gia nhân đã ngáy khò. Tôi giả vờ trở mình sang một bên để xem Bí Ngô đang làm gì, cô ta quỳ trên nền nhà không xa chỗ tôi nằm là mấy. Tôi không thấy rõ mặt cô ta nhưng tôi có cảm giác là cô ta đang ngủ gục. Tôi đã có ý định đợi cho cô ta ngủ thật say, nhưng tôi không muốn mất thêm thì giờ nữa, vả lại Hatsumono có thể trở về bất cứ khi nào. Tôi nhẹ nhàng ngồi dậy, bụng nghĩ nếu ai thấy tôi ngồi dậy, tôi sẽ đến nhà cầu rồi trở về ngay. Nhưng không ai để ý đến tôi cả. Cái áo dài tôi sẽ mặc vào sáng mai được xếp để trên nền nhà gần đấy. Tôi lấy cái áo rồi đi đến chân cầu thang.
Đến phòng của Mẹ, tôi đứng lại lắng nghe một lát. Bà thường không ngáy khi ngủ cho nên tôi không biết chắc bà đã ngủ chưa, ngoại trừ bà nói chuyện điện thọai hay gây ra tiếng động gì đấy. Thực ra phòng bà không hòan toàn im lặng vì con chó Taku của bà thở khò khè khi ngủ. Nghe càng lâu tôi càng thấy tiếng thở khò khè của nó như giống như tiếng ai đang gọi tên tôi “Chiyo! Chiyo!” Khi tôi chưa biết chắc Mẹ đã ngủ, tôi không muốn lẻn ra khỏi nhà, cho nên tôi định đẩy cửa nhìn vào thử. Nếu bà thức, tôi sẽ nói tôi nghe có người gọi tôi. Giống Bà Ngoại, Mẹ ngủ để đèn sáng trên bàn cho nên khi tôi mở cửa cái rắc và nhìn vào, tôi thấy hai gót chân nứt nẻ của bà thò ra ngoài chăn. Con Taku nằm giữa hai chân bà, cái ngực nhô lên xẹp xuống, phát ra tiếng khò khè như tiếng gọi tên tôi.
Tôi đóng cửa lại rồi đứng thay áo ở trong hành lang có cầu thang. Vật duy nhất mà tôi quên là đôi giày - tôi quyết phải mang đôi giày theo khi chạy trốn, điều này cho anh biết tôi đã thay đổi ra sao từ mùa hè. Nếu Bí Ngô không quỳ ở hành lang trước, chắc tôi đã đi lấy đôi giày gỗ dùng để đi trên hành lang đất. Thay vào đó tôi đã lấy đôi dép dùng đi vào nhà vệ sinh trên lầu. Đối dép có chất lượng rất tồi. chỉ có một quai da nằm trên để giữ chân cho chặt. Điều bất tiện là đôi dép quá to, nhưng tôi chẳng còn đôi nào khác mà chọn.
Sau khi đóng sập cửa lại một cách lặng lẽ, tôi nhét cái áo ngủ dưới thùng hứng nước mưa, rồi cố đứng dạng chân trên con lươn mái nhà, tôi cảm thấy sợ, tiếng người nói ở dưới đường có vẻ như từ một nơi rất xa. Nhưng tôi không có thời gian để lo sợ vì bất cứ lúc nào cũng có thể có một chị giúp việc hay thậm chí bà Dì hay Mẹ, nhảy qua cửa trập để tìm tôi. Tôi nắm đôi dép trên tay để chúng khỏi rớt rồi đi theo trên con lươn, việc đi trên mái nhà thật khó khăn chứ không phải như tôi tưởng. Ngói trên con lươn rất dày, những lớp ngói gối lên nhau nên đi rất tiện nhưng tôi phải đi rất chậm vì ngói va vào nhau kêu lắc cắc. Tiếng kêu vang xa tận các mái nhà bên cạnh.
Tôi phải đi mất nhiều phút mới tới được phía bên kia của mái nhà kỹ nữ của chúng tôi. Mái nhà bên cạnh thấp hơn mái nhà của chúng tôi một bậc. Tôi leo xuống mái nhà ấy, dừng lại một lát để tìm lối xuống đường; mặc dù trăng sáng, tôi chỉ thấy bóng tối vây quanh. Mái nhà quá cao và quá xuôi, tôi không thể tính đến chuyện tuột xuống. Tôi không biết mái nhà bên cạnh có dễ tuột xuống hay không, tôi bắt đầu hoảng sợ. Nhưng tôi cứ tiếp tục đi từ mái nhà này sang mái nhà khác cho đến lúc tôi trông thấy một cái sân lộ thiên. Nếu tôi đi đến được ống xối, tôi có thể tuột theo ống xối để đến một chỗ mà tôi nghĩ là nhà tắm. Từ trên mái nhà tắm, tôi có thể trèo xuống sân một cách dễ dàng.
Tôi không muốn rơi xuống giữa sân nhà người ta một chút nào hết. Tôi biết chắc đây là sân của một nhà kỹ nữ, tất cả nhà trong khu này đều là nhà dạy kỹ nữ. Có khả năng trước cửa nhà này có người ngồi đợi nàng geisha đi về, và họ sẽ thộp cổ tôi vì tôi là kẻ trốn chạy. Và nếu cổng nhà họ cũng khóa như cổng nhà tôi thì sao? Nếu có lối thoát nào khác thì không đời nào tôi chọn đường xuống sân nhà này.
Tôi ngồi trên con lươn một hồi lâu để nghe động tịnh gì dưới sân hay không. Tôi chỉ nghe tiếng cười nói ngoài đường mà thôi. Tôi không biết khi tuột xuống sân, tôi sẽ gặp cái gì trong đấy, nhưng tôi nghĩ tôi phải đi nhanh cho rồi kẻo người trong nhà tôi phát hiện ra việc tôi bỏ trốn. Nếu tôi lo sợ cho hành động của tôi có hại đến tương lai của tôi, thì chắc tôi còn đủ thì giờ men theo con lươn đi trở lui, về lại nhà kỹ nữ của tôi vẫn còn kịp. Nhưng tôi không có ý định quay lui. Khi ấy tôi là đứa bé quyết chọn con đường phiêu lưu mạo hiểm.
Tôi bước chân xuống mái nhà, người đung đưa trên mái nghiêng, hai tay níu vào con lươn, tôi hỏang sợ nhận ra rằng mái nhà qúa nghiêng chứ không như tôi tưởng. Tôi cố bước lui thật nhanh, nhưng không được. Hai tay tôi bận nắm hai chiếc dép nên không bấu chặt vào con lươn được, chỉ dùng khuỷu tay để kẹp nó thôi. Tôi thấy tôi đang lâm nguy vì tôi không thể leo trở lại lên con lươn được nữa. Đúng lúc ấy tôi thấy mình trượt dài trên mái nhà, không làm sao trì lại được. Mới đầu tôi còn trượt chầm chậm, và tôi hy vọng xuống tận dưới mái nhà tôi sẽ gặp chái nhà uốn cong lên chặn tôi lại. Nhưng khi trượt chân, một tấm ngói bị chân tôi hất ra, chạy trên mái nhà lanh canh rồi rớt xuống sân vỡ toang phát ra tiếng kêu to. Rồi một chiếc dép văng ra khỏi tay tôi, lăn qua mặt tôi. Tôi nghe chiếc dép rơi xuống sân đánh bạch một tiếng, và rồi tôi nghe nhiều tiếng đáng sợ hơn, tiếng chân người chạy trên hành lang ra sân!
Nhiều lần tôi đã nhìn những con ruồi đậu trên tường hay trên trần nhà như thể chúng đậu trên mặt đất bằng phẳng. Tôi không biết chúng đậu được là vì chân chúng có hấp khẩu hay là vì chúng nhẹ, nhưng khi tôi nghe tiếng chân người ở dưới, là tôi nghĩ đến việc bám chặt vào mái ngói như con ruồi và tôi phải làm ngay tức khắc. Nếu không, chỉ trong vài giây nữa thôi là tôi sẽ nằm một đống dưới sân liền. Tôi cố bấu mấy ngón chân, ấn mạnh hai cùi tay và đầu gối vào mái ngói. Trong lúc cố gắn làm thế, tôi đã phạm một sai lầm đáng tiếc là thả nốt chiếc dép kia cho rơi xuống để ấn mạnh hai lòng bàn tay trên mái nhà. Lòng bàn tay tôi chắc ướt mèm mồ hôi, cho nên khi tôi ấn chúng xuống, tôi lại càng trượt nhanh hơn nữa. Tôi thấy mình trượt vo vo, rồi thình lình mái nhà không còn dưới bụng tôi nữa.
Bỗng tôi không nghe gì nữa mà cảm thấy tất cả đều im lặng đến rợn người. Khi tôi rơi xuống, tôi còn kịp mường tượng trong óc cảnh một phụ nữ bước ra ngòai sân, nhìn xuống viên ngói vỡ nát rồi nhìn lên mái nhà, đúng lúc thấy tôi từ trên trời rơi xuống ngay đầu bà, nhưng dĩ nhiên những điều tôi nghĩ đã không xảy ra. Khi rơi xuống, tôi quay tròn rồi rơi nghiêng xuống đất. Tôi có cảm giác là tôi đưa tay lên che đầu, nhưng tôi rơi xuống quá mạnh đến nỗi choáng váng đầu óc. Tôi không biết là người đàn bà đang đứng ở đâu, thậm chí không biết bà ta có đứng ở trong sân khi tôi rơi xuống không. Nhưng chắc bà ta đã thấy tôi từ trên mái nhà lăn xuống, vì khi tôi nằm choáng váng trên mặt đất, tôi nghe bà ta nói:
- Trời ơi! Trời mưa con gái!
Ôi, tôi muốn vùng dậy chạy trốn nhưng không được. Một bên người tôi đau nhừ. Dần dần tôi biết có hai người đàn bà đang quỳ bên tôi. Một người cứ nói lui nói tới cái gì đấy, nhưng tôi không hiểu được. Họ nói chuyện với nhau rồi bê tôi khỏi mặt sân rêu và để tôi ngồi trên hành lang gỗ. Tôi chỉ nhớ một phần câu chuyện của họ:
- Thưa bà, tôi đã nói rồi, nó rơi từ trên mái nhà xuống.
- Tại sao nó mang dép dùng trong nhà vệ sinh theo? Có phải mày lên đó để đi vệ sinh không bé con? Mày có nghe tao nói không? Thật là nguy hiểm. May mà mày không tan xác khi rơi xuống như thế này.
- Chắc nó có nghe, nói đi bé con!
Nhưng tôi không nói được gì hết, tôi chỉ nghĩ đến việc bây giờ chắc Satsu đang đợi tôi ở chỗ đợi đối diện với nhà hát Minamiza, và chắc không bao giờ tôi có mặt ở đấy được.
Người ta bảo người giúp việc đi gõ cửa từng nhà để hỏi nhà nào nuôi tôi, tôi khi tôi nằm một đống, bàng hoàng ngơ ngác. Tôi khóc ấm ức trong lòng, ôm một cánh tay, vì nó đau kinh khủng, rồi bỗng thình lình tôi bị lôi đứng lên và bị tát vào mặt:
- Đồ điên! Con điên! – tiếng nói đay nghiến và tôi thấy bà Dì đứng trước mặt tôi, vẻ tức giận, rồi bà kéo tôi ra khỏi nhà kỹ nữ, đi về nhà chúng tôi. Khi đến nhà, bà đẩy tôi đứng tựa vào cửa gỗ rồi tát tôi nữa.
- Mày biết mày đã làm gì không? – bà ta hỏi nhưng tôi không đáp – Mày nghĩ gì thế? Đấy mày tự hủy hoại mày đời mày vì những chuyện ngu ngốc! Đồ điên! Con điên!
Tôi không ngờ bà Dì lại giận dữ đến như thế. Bà ta lôi tôi vào sân, đẩy tôi nằm sấp trên hành lang ván. Tôi khóc ròng vì tôi biết việc gì sắp xảy ra rồi. Nhưng lân này thay vì đánh tôi lấy lệ như lần trước, bà Dì xối nước lên áo tôi để cây roi đánh vào đau hơn, rồi bà ra sức đánh tôi thật mạnh đến nỗi tôi muốn hụt hơi. Khi đánh xong, bà ném roi xuống đất và lật ngửa tôi ra, bà nói lớn:
- Bây giờ thì mày không bao giờ thành geisha được nữa. Tao đã dặn mày đừng làm như thế này rồi! Và bây giờ thì tao hay người nào cũng không thể làm gì giúp mày được.
Tôi không nghe những lời bà nói thêm nữa, vì những tiếng la thảm thiết của Bí Ngô đã vang lên ở đàng kia hành lang. Bà Ngoại đang đánh Bí Ngô vì tội không canh chừng tôi.
Thì ra tôi bị gãy cánh tay khi rơi xuống trong sân nhà ấy. Sáng hôm sau, bác sĩ đến đưa tôi đi bệnh viện gần đấy. Khi tôi được đưa về nhà với cánh tay băng bột thì trời đã xế chiều. Tôi đang đau nhức, nhưng Mẹ gọi tôi đến phòng bà ngay. Bà nhìn tôi một hồi lâu, một tay vỗ vỗ con chó Taku, một tay cầm ống vố trên miệng. Cuối cùng bà ta hỏi:
- Mày có biết tao đã trả cho mày bao nhiêu không?
- Không, thưa bà – tôi đáp – Nhưng chắc bà sẽ nói bà đã trả nhiều hơn giá trị của tôi.
Tôi biết trả lời như thế này là hỗn. Tôi nghĩ thế nào Mẹ cũng tát tôi vì tội nói hỗn, nhưng tôi đã lo quá dáng. Tôi cảm thấy đời tôi sẽ không bao giờ gặp được điều may mắn. Mẹ nghiến răng ho vài tiếng, nhưng đấy là kiểu cười lạ đời của bà.
- Mày nói đúng! – bà nói – Đáng ra mày chỉ đáng giá nửa yen thôi. Đấy, tao cứ tưởng mày thông minh, nhưng té ra mày ngu đần không biết cái gì hết.
Bà ta hút thuốc một lát rồi tiếp:
- Tao đã trả 75 yen để mua mày. Rồi mày làm hỏng cái áo kimono, ăn cắp ghim hoa, rồi bây giờ làm gãy tay khiến tao phải chi tiền thuốc men bác sĩ, số tiền này tao sẽ cộng vào số nợ của mày. Cộng thêm tiền ăn tiền học nữa, và sáng nay tao nghe bà chủ ở đàng nhà Tatsuyo ở quận Miyagawa-cho, cho biết con chị mày đã chạy trốn. Bà ấy chưa trả hết nợ cho tao. Tao cộng thêm số tiền này vào nợ của mày, nhưng tao nghĩ việc này có nghĩa lý gì không, mày đã biết tiền nợ của mày quá nhiều không làm sao trả được.
Thế là chị Satsu đã trốn được. Cả ngày tôi cứ phân vân thắc mắc, và bây giờ tôi đã có câu trả lời. Tôi muốn mừng cho chị ấy, nhưng không thể được.
- Tao cứ nghĩ mày sẽ trả lại cho tao sau mười lăm năm làm geisha – bà ta nói tiếp – nếu mày thành công được trong nghề này. Nhưng ai dám đầu tư đồng nào nữa vào một đứa chạy trốn?
Tôi không biết trả lời ra sao, cho nên tôi nói với Mẹ là tôi rất ân hận. Nãy giờ bà nói với tôi rất tử tế, nhưng khi nghe tôi xin lỗi, bà ta liền để ống vố lên bàn, bạnh hàm xai ra - tôi nghĩ vì tức giận – khiến cho tôi có cảm giác bà giống con thú sắp vồ mồi.
- Mày mà ân hận à? Tao là đồ điên mới đầu tư quá nhiều vào mày ngay từ ngày đầu như thế. Có lẽ mày là con giúp việc đắt giá nhất ở Gion! Nếu tao bán xương mày được để lấy lại vốn thì tao róc xương mày ra ngay bây giờ!
Nói xong bà bảo tôi ra khỏi phòng rồi bỏ ống vố vào miệng lại.
Khi ra khỏi phòng bà ta, môi tôi run lên, nhưng tôi cố giữ bình tĩnh, vì Hatsumono đang đứng trên chỗ đầu cầu thang. Ông Bekku đang đợi để buộc giải thắt lưng cho cô ta tôi khi bà Dì đang đứng trước mặt Hatsumono, cầm cái khăn nhỏ trong tay, nhìn vào mặt cô ta.
- Rồi, bị vấy dơ hết rồi – bà Dì nói – Tôi không làm thêm được nữa. Cô cứ khóc cho đủ rồi trang điểm lại từ đầu.
Tôi hiểu ngay lý do tại sao Hatsumono khóc. Anh bồ của cô ta không gặp cô ta, bây giờ cô bị cấm không được đem ông ta đến đây. Tôi biết chuyện này từ sáng hôm kia và tôi biết chắc Hatsumono sẽ đổ lỗi hết chuyện này lên đầu tôi. Tôi cố đi nhanh xuống thang lầu trước khi cô ta kịp thấy tôi, nhưng quá trễ rồi. Cô ta giật cái khăn trên tay bà Dì, ra dấu gọi tôi đến. Tôi không muốn đến, nhưng làm sao không nghe lời cô ta cho được!
- Cô không có việc gì với Chiyo hết – bà Dì nói với cô ta – Vào phòng mà trang điểm đi.
Hatsumono không đáp, mà kéo tôi vào phòng cô ta rồi đóng cửa lại. Cô ta nói với tôi:
- Tao đã bỏ công nhiều ngày để tìm cách làm hại đời mày, nhưng bây giờ mày chạy trốn, thế là mày đã làm việc ấy thay tao! Tao vui mừng khôn xiết! Tao cứ đợi đến lúc tao làm cho được việc ấy.
Thật là quá thô bạo đối với tôi, nhưng tôi vẫn cúi chào Hatsumono rồi đẩy cửa đi ra mà không đáp lại. Cô ta có thể đánh tôi vì hành động này, nhưng cô ta chỉ đi theo tôi ra ngoài và nói tiếp:
- Nếu mày thắc mắc không biết số phận con ở suốt đời sẽ ra sao, thì mày nên hỏi bà Dì cho biết! Mày và bà ấy bây giờ giống như hai đầu mút của một sợi dây. Bà ấy bị gãy xương hông, còn mày gãy xương tay. Có lẽ có ngày trông mày như một người đàn ông, y như bà Dì vậy!
- Thôi, thôi Hatsumono – Bà Dì nói – Hãy tỏ ra có lòng thương xót chúng tôi một chút chứ.
Nhớ lại thời tôi chừng năm sáu tuổi, thời không bao giờ tôi dám nghĩ đến Kyoto, tôi có quen một đứa con trai trong làng tên Noboru. Tôi thấy cậu ấy dễ thương, nhưng cậu ta mở miệng nói cái gì, tất cả bọn trẻ đều không thèm chú ý. Cho nên Noboru thường ngồi bệt xuống đất mà khóc. Những tháng tiếp sau ngày trốn thoát thất bại của tôi, tôi thấy cuộc sống của tôi cũng giống như Noboru vậy, vì chẳng ai trong nhà thèm nói gì với tôi hết ngòai việc ra lệnh cho tôi làm việc. Bà Mẹ thường xem tôi như khói thuốc của bà, vì bà có nhiều việc quan trọng để lo nghĩ. Nhưng bây giờ tất cả gia nhân trong nhà, cả bà đầu bếp và Bà Ngọai, đều làm như thế.
Suốt cả mùa đông lạnh như cắt năm ấy tôi cứ phân vân không biết Satsu ra sao, mẹ và bố tôi ra sao. Đêm nào khi nằm ngủ tôi cũng đau đớn lo âu, tôi cảm thấy lòng trống vắng như thể thế giới này chỉ là một gian phòng khổng lồ vắng bóng người. Để an ủi mình, tôi nhắm mắt tưởng tượng tôi đang đi trên con đường bên chân núi đá ven biển ở Yoroido. Tôi nhớ con đường này rất rõ và tôi hình dung ra trước mắt cảnh tôi đang thong dong về nhà trên con đường ấy như thể tôi và Satsu đã trốn thóat được. Tôi tưởng tượng ra cảnh tôi nắm tay chị Satsu đi về phía ngôi nhà ngà say – nhưng sự thật trước đây chưa bao giờ tôi muốn nắm tay Satsu lần nào- lòng nghĩ đến chuyện chúng tôi sẽ được sống sum họp với bố mẹ thêm một thời gian nữa. Tôi chưa bao giờ dám tưởng tượng ra việc về lại nhà tôi, có lẽ vì tôi sợ sẽ chứng kiến cảnh thực tế xảy ra tại đấy, nhưng dù sao thì việc tưởng tượng đi trên con đường về nhà cũng làm cho tôi an ủi được phần nào. Rồi thỉnh thỏang tôi nghe tiếng ho của một gia nhân nằm gần bên tôi, hay tiếng càu nhàu của Bà Ngọai theo gió thỏang tới, và chính lúc ấy, mùi nước biển ở quê nhà tan biến đi mất, đất lổm chổm trên đường dưới chân tôi hóa thành vải trải nệm, và tôi thấy mình trơ trọi một mình nơi đất khách quê người.
Khi mùa xuân đến, hoa anh đào nở rộ khắp công viên Maruyama, và không ai ở Kyoto muốn nói đến chuyện gì khác hết. Hatsumono bận rộn hơn thường khi lúc ban ngày, vì cô ta đi tham dự các buổi tiệc thưởng hoa. Cứ mỗi buổi chiều thấy cô ta chuẩn bị đi dự tiệc là tôi ghen tị. Tôi đã bắt đầu hết hy vọng về chuyện một đêm thức dậy thì thấy Satsu lẻn vào nhà kỹ nữ của tôi để cứu tôi, hay là hết hy vọng có ngày tôi sẽ được tin tức của gia đình tôi ở Yoroido. Rồi một buổi sáng khi Mẹ và Dì sửa sọan cho Bà Ngọai đi du xuân, tôi xuống thang lầu bỗng một gói hàng để trên nền nhà ở hàng lang phía trước nhà. Đấy là cái hộp dài bằng cánh tay tôi, gói trong giấy dày và buộc bằng gai bện. Tôi nghĩ đây không phải là công việc của tôi, nhưng vì quanh đấy không có ai, nên tôi đến đọc tên và địa chỉ viết thật lớn trên mặt gói hàng. Tên và địa chỉ như thế này:
Sakamoto Chiyo
Tại Nita kayodo
Gion Tominaga-cho
Thành phố Kyoto, quận Kyoto
Tôi qúa kinh ngạc đến nỗi tôi đứng sững một hồi lâu, tay bịt miệng và tôi nghĩ mắt tôi khi ấy chắc trợn tròn như hai cái tách trà. Dưới mấy con tem là địa chỉ của người gởi, người gởi là ông Tanaka. Tôi không biết trong gói có cái gì, nhưng nhìn tên ông Tanaka trên bao, chắc anh cho là quá vô lý, nhưng thật tình khi ấy tôi hy vọng rằng có lẽ ông ta nhận ra việc gởi tôi đến đây là một lỗi lậm và bây giờ ông gởi đến cho tôi cái gì đấy để tôi dùng nó mà mua lại tự do ra khỏi nhà kỹ nữ. Tôi không tưởng tượng được cái gói như thế này lại có thể giúp một cô gái thoát khỏi cảnh nô lệ, tôi gặp cảnh đau buồn nên cứ tưởng tượng ra thế thôi. Nhưng thật tình tôi tin rằng khi cái gói này được mở ra, cuộc đời tôi cũng được đổi thay.
Tôi đang tính xem phải làm gì thì bà Dì trên lầu đi xuống, bà đẩy tôi ra xa cái gói hàng, mặc dù tên tôi ghi trên đó. Tôi muốn mở cái gói ra ngay, nhưng bà sai tôi đi lấy dao để cắt dây thừng và thủng thỉnh tháo dây buộc cái gói ra. Dưới giấy gói là một lớp vải bao quanh được khâu lại bằng chỉ khâu lưới đánh cá. Một chiếc phong bì ghi tên tôi được khâu vào một góc bao. Bà Dì cắt chiếc phong bì ra rồi xé lớp vải bọc để lộ ra một cái hộp gỗ sơn đen. Tôi rất nôn nóng muốn biết có gì trong cái hộp nhưng khi bà Dì và tôi mở nắp hộp ra, tôi bỗng cảm thấy nặng nề khó chịu. Vì trong hộp, nằm giữa lớp vải trắng xếp nếp là những chiếc thẻ bài vị tên người chết mà tôi đã thấy để trên bàn thờ ở ngôi nhà ngà say của chúng tôi. Có hai thẻ, mà trước đây tôi chưa thấy, trông mới hơn những thẻ khác và có pháp danh mới lạ viết trên đó mà tôi không hiểu nghĩa. Tôi lo sợ không biết tại sao ông Tanaka gởi cái thư này đến cho tôi.
Bỗng bà Dì để cái hộp có những chiếc bài vị xếp ngay ngắn trong đó lên nền nhà. Bà lấy bức thư trong phong bì ra đọc. Tôi đứng yên chờ đọi, lòng lo sợ không dám nghĩ đến cái gì hết. Cuối cùng bà Dì thở dài, nắm tay tôi dẫn vào phòng khách. Khi tôi quỳ xuống nơi bàn, hai tay tôi run lên trên hai đùi chân, có lẽ vì tôi cố gắng để giữ trí óc khỏi nghĩ đến những điều khủng khiếp. Có lẽ đây là dấu hiệu hy vọng khi thấy ông Tanaka gởi những tấm bài vị đến cho tôi. Phải chăng gia đình tôi sẽ chuyển đến ở tại Kyoto, và chúng tôi sẽ mua cái bàn thờ mới để sắp các bài vị lên mà thờ? Hay có lẽ Sasu yêu cầu người ta gởi các bài vị này đến cho tôi vì chị ấy sắp trở về? Và rồi tiếng bà Dì cắt đứt dòng suy tưởng của tôi:
- Chiyo, ta đọc cho cháu nghe bức thư do một người đàn ông tên là Tanaka viết – bà nói bằng giọng trầm trầm, chậm rãi. Tôi như muốn hụt hơi khi thấy bà trải tờ giấy trên mặt bàn.
Chiyo thân mến,
Hai mùa đã trôi qua kể từ ngày cô rời khỏi Yoroido và chẳng bao lâu nữa cây cối sẽ đâm chồi nảy lộc, đâm hoa kết trái. Cảnh hoa nở hoa tàn nhắc cho chúng ta biết rồi ra ai trong chúng ta cũng phải chết.
Là người xuất thân trong cảnh mồ côi, kẻ hèn này rất đau xót khi báo cho cô biết một tin rất buồn. Sau tuần sau ngày cô ra đi để sống cuộc đời mới ở Kyoto, nỗi đau đớn của người mẹ đáng kính của cô đã đến chỗ chấm dứt, và chỉ vài tuần sau, người cha đáng kính của cô cũng từ giã cõi đời này. Kẻ hèn này hết sức đau xót trước sự mất mát này của cô và hy vọng cô an tâm vững tin rằng thi hài của song thân cô đều được an táng hẳn hoi tại nghĩa trang làng. Lễ cầu siêu cho hai người đã được tổ chức tại đền Hoko-ji ở Senzuru, thêm vào đó các bà ở Yoroido đã tụng kinh cầu nguyện cho họ. Kẻ hèn này tin chắc cả hai bố mẹ cô được lên cõi cực lạc.
Việc học tập của người geisha mới vào nghề rất gian khổ. Tuy nhiên, kẻ hèn này rất mến mộ những ai chịu đựng gian khổ để trở thành những nhà nghệ sĩ vĩ đại. Cách đây mấy năm tôi có đến thăm Gion, tôi được hân hạnh xem những màn múa xuân và sau đó đi dự tiệc ở phòng trà, cảnh diễn ra còn để trong lòng tôi ấn tượng sâu sắc. Cô Chiyo, tôi cảm thấy rất sung sướng khi thấy cô có được chỗ đứng bình an trong cuộc đời này, và mong sao cô thoát khỏi cảnh khổ đau trong những năm bấp bênh bất định. Kẻ hèn này đã sống khá lâu để chứng kiến được hai thế hệ trẻ con trưởng thành, kinh nghiệm cho thấy rằng hiếm khi loại chim bình thường mà sinh ra được giống thiên nga. Con thiên nga nào ỷ lại sống trong tổ của cha mẹ đều sẽ bị tiêu vong, cho nên kẻ nào có sắc có tài đểu phải khổ công luyện tập mới tìm được con đường vinh quang trên cõi đời này.
Chị cô, Satsu, đã về Yoroido vào cuối mùa thu vừa qua, nhưng cô ấy đã bỏ đi biệt tích với con trai ông Sugi. Ông Sugi rất mong mỏi thấy lại đứa con thân yêu trong lúc ông còn sống, cho nên ông ta yêu cầu cô vui lòng báo cho ông ta biết ngay, nếu cô có tin tức gì về chị cô.
Thân ái chào cô,
Tanaka Ichiro.
Trước khi bà Dì đọc xong bức thư nước mắt đã chảy ra trên mặt tôi đầm đìa như nước phụt ra trên ấm nước sôi. Dĩ nhiên khi nghe tin bố mẹ mất ai mà không đau đớn. Nhưng khi nghĩ đến chuyện cả bố lẫn mẹ đều qua đời để lại tôi một mình, vì khi biết chị tôi cũng đã biến mất…tôi liền cảm thấy mình như chiếc bình vỡ không đứng vững được. Tôi lại còn như bị lạc lõng trong căn phòng này nữa.
Chắc anh cho tôi quá thơ ngây vì tôi cứ mãi hy vọng mẹ tôi vẫn còn sống suốt nhiều tháng trời. Nhưng thực ra tôi không mấy hy vọng. Tôi hy vọng là vì tôi muốn có cái gì đấy để bám vào mà sống. Bà Dì rất tốt với tôi trong khi tôi cố chịu đựng nhiều đau khổ. Bà ta cứ nói mãi với tôi:
- Ráng lên, Chiyo, ráng lên. Sống trong cuộc đời này, chúng ta ai cũng phải cố ráng hết.
Khi tôi đã bình tĩnh có thể nói lại được, tôi yêu cầu bà ta hãy để các bài vị ấy nơi nào tôi không thấy, và nhờ bà cúng bái giúp – vì công việc này sẽ làm cho tôi đau khổ thêm. Nhưng bà từ chối, bà nói rằng quay lưng lại với tổ tiên như thế thật đáng xấu hổ. Bà giúp tôi để các bài vị trên cái kệ gần chân cầu thang lầu, ở đấy tôi có thể cầu nguyện vào mỗi sáng. Bà nói:
- Cháu Chiyo, cháu đừng quên tổ tiên. Họ là những gì còn lại thuộc thời thơ ấu của cháu.