Phần III

Trường trợn trừng nói:
- Tìm thằng ấy khó đấy nhưng mày cần tìm nó để làm gì? Chính nó cũng đang tìm mày để bắt giao cho Nhật, mày biết chứ?
- Biết... Vì thế tao mới cần biết những nơi nó thường hay lui tới sau khi ở Sở Hiến binh về... Nó có chơi bời cô đầu, nhà thổ, cờ bạc thuốc sái gì không?
- Phuym... Ken cờ...(17) Nó nghiện oặt, ngày nào chẳng phải ken cờ... Nhất định là nó thậm thụt ở mấy tiệm ro ro ấy thôi...
- Thôi được hẵng biết thế... Bây giờ mày đem cho tao cái cặp quần áo về nhà mày, giữ cẩn thận hộ tao. Khoảng trưa nay, tao sẽ đến lấy...
Sáng hôm ấy, Văn dậy muộn, người đau ê ẩm như bị dần từng đốt xương, giống như ngày đi mỏ phải làm quần quật từ sáng sớm đến tối mịt. Thể xác thì như vậy nhưng tinh thần lại nhẹ nhàng như không. Chẳng còn gì phải băn khoăn lo lắng nữa. Lần này nhiệm vụ đoàn thể giao cho Văn có mỗi việc: tìm ra và trừ khử tên cho săn ấy để cứu vãn cho phong trào của Hải Phòng. Có thế thôi, nhưng với Văn thì đâu phải chuyện nhẹ nhàng bởi vì bàn tay của Văn là bàn tay cầm đàn và cầm bút vẽ đâu phải quen cầm súng dù là súng ngắn. Nhưng bây giờ Văn là chàng trai mà trai thời loạn. Nhớ đến câu Lưu Hữu Phước vừa viết: “Vứt bút nghiên lên đường tranh đấu...”. Bây giờ không còn “Buồn tàn thu”, không còn là “Suối mơ” và “anh Trương Chi với nàng con gái con quan tể tướng” nữa... Những người chết trong nạn đói vùa qua, nạn đói khủng khiếp nhất trong lịch sử nước ta, những người đã chết và những người đang sống ngắc ngoải kêu gọi Văn... Những ngày nằm ở Hà Nội chính Văn đã đề nghị với đoàn thể: phải khử nó đi để chặt mọi mối liên hệ của bọn Nhật, bịt tai và bịt mắt chúng. Anh Khang bảo: Đồng ý và giao cho Văn
Tám giờ sáng, Trường được nhắn, mò đến. Cái thằng bạn tốt nhưng ba hoa này phải thú nhận là từ ngày ban bè bị bắt nhiều quá, Trường không dám hoạt động gì hết, nằm im và chờ Văn ở Hà Nội về.
Văn hỏi:
- Mày vào đây có nhìn thấy một thằng đeo kính đen, mặt rỗ, đội mũ Bảo Đại lảng vảng ngoài ấy không?
- Tao không để ý nhưng chắc là có.
- Lúc nãy tao ra sân thử súng thấy nó lấp ló bên kia tường. Nó đã biết tao về nhà, mày ạ.
- Chết, làm thế nào bây giờ? - Trường run giọng hỏi.
- Không sao mày cứ đem cái cặp của tao về trước, tao sẽ kéo nó đi chỗ khác.
- Nhỡ nó đi hai thằng?
- Đừng có hoảng chúng nó theo tao là chính còn mày chúng nó không để ý đâu.
- Thôi vậy, mà để tao ra trước mày ngồi đây một lát hãy đi.
Vẫn trang phục cũ, vẫn chiếc xe đạp công-pho cổ lỗ, Văn đeo thêm cặp kính đen của anh Mạnh rồi phóng xe ra đường. Chừng hơn một trăm mét Văn ngoái cổ nhìn lại thấy ngay cái mũ Bảo Đại bám theo. Nó mặc chiếc áo sơ mi ngắn tay quần kaki vàng, trên khuôn mặt xám xịt có thêm cặp kính râm.
Văn đạp xe thong thả ra phố Cầu Đất rồi rẽ về Hàng Kênh. Tên chỉ điểm vẫn giữ cái khoảng cách như cũ. Văn đạp nhanh, nó cũng đạp nhanh. Văn đi thẳng xuống Quán Bà Mau rồi về lối Cầu Rào. Được một quãng Văn đột ngột vòng trở lại. Thằng bám theo vội tụt xuống loay hoay sửa xích xe, chờ cho Văn đi được một đoạn nó lại nhảy lên đạp theo.
Văn rẽ sang phố Tám Gian, phía sau tên mật thám vẫn theo lẵng nhẵng ý như nó là cái bóng của Văn. Văn lộn về Ngã Sáu rồi dừng lại trước cửa nhà băng Năm Sao. Tự dưng trong lòng Văn giận sôi lên vì cái tên chó săn mất giống kia. Tiên sư nó, tại sao nó dám bám theo mình mãi thế. Tình hình lúc này đâu còn như mấy năm về trước thằng Nhật quỵ đến nơi rồi, thằng thày nó còn đang sắp chết nữa là cái thứ nó? Văn quay ngoắt lại nhìn thẳng vào tên chỉ điểm cũng đang dừng xe cách Văn không xa. Nó cũng đang ngó chăm chằm vào Văn. Đã thế Văn tháo kính ra, nhét vào túi. Tên kia cũng làm đúng như thế. Văn nhìn rõ đôi mắt hấp háy của nó với cái mặt đầy những nốt sẹo của mụn đậu mùa...
Văn nhảy lên xe, nhằm thẳng nó phóng tới, một tay giữ ghi-dông, một tay đặt trên khẩu súng giắt ở cạp quần. Sắc mặt Văn lúc ấy chắc là dữ lắm đã làm cho thằng kia sợ hãi thật sự. Nó quay xe đạp vèo đi Văn vẫn không tha, Văn bám theo sát nó, có thể nhìn cái lưng áo lót, đẫm mồ hôi của nó. Tấm lưng ấy giá là của thằng Phin thì Văn sẽ rút súng và nã vào đấy cả băng đạn còn lại... Tên chó săn gò lưng đạp miết. Tới ngã năm, nó đâm thẳng ra bãi Sáu Kho, mất hút trong những kiện hàng ngổn ngang...
Văn vòng xe lại, đạp luồn về phía ga rồi đâm sang đường Cát Dài. Văn ngoái cổ lại, chẳng còn tên nào bám theo. Thằng ban nãy chắc là sợ đến vãi đái chẳng còn lòng dạ nào để thực thi công vụ nữa...
Văn vào đường Cát Cụt, qua cầu Carông đến nhà Viễn(18). Đã nghe tiếng Chánh đang hát: “Thiên tiên... chúng em xin dâng hai chàng trái...”. Tiếng đàn băng-giôvê rất tròn đệm theo. Trong nhà Viễn đang luyện giọng cho em trai. Chánh có giọng hát khá tốt, giọng mũi ấm và sâu rất mê những bài hát của Văn. Chú bé mươi lăm tuổi thông thuộc mọi ngóc ngách của thành phố y như chú biết hết mọi ngóc ngách của những nhân vật đặc biệt đang ở đây. Nên khi Văn hỏi về con người ấy thì Chánh nói ngay:
- Em biết chứ... Trưa nào có chẳng đến phuym ở cái tiệm ro phố Hàng Cháo.. Nó đi cái xe đạp lùn tịt giống xe của anh, nhưng sơn đen sì, xe Nhật thải cho mà...
- Liệu trưa nay nó có đến đấy không?
- Chắc chắn là đến... Cứ khoảng từ mười một rưỡi đổ đi là nó đạp xe đến hút, à không, muộn chút nữa. Nó còn ăn cơm xong mới mò đi... Mười hai giờ, hết còi nhà hát là nó đạp xe đến tiệm hút. Anh Văn cứ ngồi đây, em đạp xe đi trước, nếu nó đến em đạp về báo cho anh biết...
Chánh đi rồi, còn hai người ngồi lại. Viễn hỏi Văn về tình hình trên Hà Nói và nói tuần này Viễn sẽ sang bên Đông Triều liên lạc với anh em bên ấy. Đông Triều bây giờ có phong trào cao lắm, xã nào cũng có du kích, có tự vệ. Bao nhiêu súng ống của anh em Thuỷ Nguyên, Núi Đèo lấy được của Nhật đều chờ sang bên ấy. Lính Nhật đóng ở Quảng Yên, ở Núi Đèo mấy lần kéo sang bị đánh phải rút về. Đông Triều bây giờ là chiến khu Việt Minh rồi - Đệ tứ chiến khu. Anh em Hải Phòng anh nào bị lộ đều chạy sang Đông Triều. Tất cả đều nhìn về Đông Triều...
Văn vừa nói chuyện vừa nhìn quanh căn phòng của Viên. Trên tường treo mấy chiếc mũ vải vành rộng của hướng đạo sinh, mấy chiếc gậy cắm trại và tấm ảnh Ba đen Pôven lồng kính. Viễn say mê hướng đạo sinh từ nhỏ, ngày còn là sói con nhưng đám hướng đạo sinh của Viễn cũng khác, họ đa số là con nhà nghèo tuy họ cũng cố may sắm quần áo, mũ mãng với gậy và lều bạt và cái huy hiệu hoa Bách Hợp nhưng không giống đám hướng đạo sinh con cái nhà giầu của Bạch Thái Tòng. Những hoạt động của đám Viễn nhằm vào các trường học rồi tổ chức cắm trại bên Phù Liễn, hay bên Rế, diễn kịch cho bà con nông dân xem. Họ không hát bài tây, lúc nào cũng “Ngọn cờ lau” cũng “Hội nghị Diên Hồng”, cũng “Phi Khanh - Nguyễn”. Năm ngoái, Văn đã cùng đi với Viễn đến dạy hát cho mấy trường cũng trên danh nghĩa hướng đạo sinh của Viễn. Suốt ba tháng hè, hai người đi hết trường này sang trường khác và những bài hát của Văn nhờ đó được phổ biến rất xa tuy chưa được phép in hẳn hoi. Những bài hành khúc yêu nước của Văn hay của Hoàng Quý, người nhạc sĩ tài hoa của Hải Phòng, của Đỗ Nhuận vượt ranh giới của đất Cảng, sang bên Kiến An, lên Hải Dương rồi qua con sông Hồng lên tận Hà Nội. Lúc bấy giờ, những người du kích ở chiến khu Cao-Bắc-Lạng đã hát những bài ấy cùng với những bài ca cách mạng khác...