Tập 1- J

Xuân Diệu kể (1)
Đoạn hồi ký sau đây là do anh Xuân Diệu kể cho anh Hoàng Trung Thông nghe, có ghi vào băng ghi âm. Tôi đã viết lại cho gọn lời và mạch lạc.
(Huy Cận)
Tôi (Xuân Diệu) sinh ra năm Thìn, năm 1916. Má tôi bảo tôi sinh ra năm thìn, tháng thìn, ngày thìn; nhờ anh tra lịch tìm giùm cho tôi ngày sinh chính xác của tôi. Má tôi là người Bình Định, con của một nhà làm nước mắm. Ông ngoại tôi thường đi Phan Thiết, có ghe bàu riêng, làm nước mắm trở nên khá giả, và mua được chức bà hộ. Tôi là cháu ngoại một ông bà làm nước mắm ở vạn Gò Bồi, nơi làm nước mắm nổi tiếng. Tuổi nhỏ của tôi sống trong không khí của trại làm nước mắm; tôi và má tôi ở với ông bà ngoại. Cha tôi là cụ Ngô Xuân Thọ, quê làng Trão Nha, huyện Can Lộc, thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Cha tôi đỗ tú tài Hán học hai lần, gọi là ông Tú kẹp. Ông đi vào Bình Định dạy học rồi lấy má tôi ở đó. Má tôi đã có một đời chồng, nhưng lâu không có con nên bố mẹ chồng bắt buộc phải xa rời chồng. Cha tôi có đức tính của một ông đồ Nghệ nghĩa là học rất cần cù, học sâu, học hết sách vở. Cha tôi vốn là học chữ Nho nhưng lúc ấy đã thay sang tân học. Cha tôi vược đèo Ngang, đi vô Bình Định tìm thầy học tiếng Pháp, và mua tự vị về để học tiếng Pháp. Cuối cùng cha tôi cũng đã đổ bằng tiểu học (prime) và về sau thì làm hương sư, lương mỗi tháng mười lăm, mười sáu đồng gì đó. Đến khi cha tôi đã 45 tuổi thì tôi bị bệnh thương hàn rất nặng, may mà nhờ một ông lang chữa cho tôi khỏi bệnh. Từ đó cha tôi quyết tâm học thuốc bắc. Và cha tôi khi đã học thì học rất cần cù, rất kỹ. Chính tôi, năm, lúc ra Huế thi vấn đáp đíp-lôm (bằng thành chung), đã mua bộ Hải Thượng Lãn Ông (sách thuốc) ở phố Gia Hội, của Hoa Kiều bán, đến về cho cha tôi. Cha tôi ngồi ghi những bài thuốc và những phương thuốc thành thơ 7 chữ (thất ngôn bát cú chữ Hán). Thế rồi cha tôi trở thành ông thầy thuốc khá nhất của vùng Qui Nhơn và sau này ở Hà Tĩnh nữa. Tôi nhắc lại điều đó để nói lên đức tính cần cù của cha tôi. Tôi không ngờ rằng càng về già tôi càng giống cha tôi cái tính đổ Nghệ đó.
Cha tôi họ Ngô, trong dòng họ Ngô có cụ Ngô Đức Kế, và xa hơn nữa là Ngô Cảnh Hoàn, họ Ngô ở tại núi Nghèn cách đèo Ngang mấy chục cây số. Khi tôi lên khoảng hai tuổi thì bà vợ của cha tôi (tức là bà vợ cả) ở ngoài Hà Tĩnh vào và sinh ra đứa em tôi tên là Thuần. Đứa em tôi thua tôi hai tuổi nhưng tôi phải gọi nó bằng anh, đó là theo tục lệ phong kiến ngoài Bắc, chứ ở trong Nam thì đứa nào nhiều tuổi hơn làm anh thôi. Cho nên lúc nhỏ, một mặt tôi phải xa má tôi, vì thầy tôi không ở với má tôi nữa, mà ở với bà vợ lớn; mặt khác tôi phải gọi thằng em tôi bằng anh, nó thường doạ tôi “để tao vào mách với mẹ” và nó vu oan cho tôi nhiều lần trước bà vợ lớn của thầy tôi, đôi khi nó còn đánh tôi cho nên tôi rất sợ. Tôi vừa rất nhớ má tôi, vừa bị thằng em ăn hiếp. Tuổi nhỏ tôi đau đớn như vậy, cho nên cả đời tôi, cứ nhớ đến tuổi nhỏ là nhớ má, không nguôi đau xót.
Thầy tôi đi dạy học cũng nghèo thôi. Cho nên tôi phải đi chợ là lẽ dĩ nhiên. Nhưng ngày xưa con trai mà phải xách rổ đi chợ là một điều thật chướng, thật là ngượng. Nhất là khi mình đi chợ về mà gặp học trò trường công thì xấu hổ. Học trò trường công là con các ông hương, ông lý, lại có cả học trò con gái; gặp họ thì tôi cứ nép sát vào bụi, cứ muốn chui hẳn vào bụi. Những điều đó tác động vào tôi, và trên một cơ sở một cái thiên bẩm, cha mẹ sinh ra thế nào đó, nó làm cho tôi có lòng thương người. Cũng như thằng em tôi nó đánh tôi, nó làm cho tôi suốt đời đứng về phía những người bị áp bức. Thế rồi từ Gò Bồi tôi đi xuống Qui Nhơn thi vào lớp nhì đệ nhị niên. Khi học trường Qui Nhơn thì tôi ở nhà với chú tôi là ông Ngô Soa, lúc đó làm thư ký ở sở thương chánh. Nếu về sau tôi viết hồi ký tôi sẽ có nhiều điều nói về mấy năm ở nhà ông chú, nó có tác động đến việc làm thơ của tôi. Mấy lúc này tôi cũng hay nhớ đến ông chú. Mỗi ngày tuổi thêm già, tôi càng thấy những kỷ niệm tuổi nhỏ là thấm thía. Từ nhà quê mà đi xuống một thành phố như thành phố Qui Nhơn có thể nói là một sự nhảy vọt trrong sự phát triển của người tôi, của trí tuệ và tình cảm nữa. Được về thành phố, con người được giải phóng hơn, được tiếp xúc nhiều hơn với xã hội, và có thể nói mức sống được cao hơn và cuộc sống của mình gần với thế giới hiện đại hơn, mà tình cảm cũng được phát triển phong phú. Tất cả điều đó cũng làm cho tôi gần với chủ nghĩa lãng mạn, vì nghĩ cho cùng chủ nghĩa lãng mạn cũng khớp với thời kỳ chủ nghĩa tư bản phát triển, và các thành phố phát triển. Chủ nghĩa lãng mạn còn đặt vấn đề cá nhân (individu). Chính sự tôi xuống Qui Nhơn nó làm cho individu của tôi có ý thức hơn và phát triển.
Trở lại tuổi nhỏ của tôi ở Gò Bồi. So với hồi ký của Nguyên Hồng, thì tôi kể về tuổi nhỏ của tôi còn ít quá. Em tôi, Tịnh Hà (tức là Ngô Xuân Sanh), nó có viết một tập lấy tên là “Gió cuốn bụi đời”, kể cuộc đời đi hoang của nó. Trong tập ấy có rất nhiều cảnh xã hội cũ, rất nhiều sự kiện về con người thời đó. Rất nhiều mảng xem rất bổ ích. Tôi nhắc tập văn hồi ký của em tôi vì tuổi nhỏ của nó cũng một phần phản ánh tuổi nhỏ của tôi. Tuổi nhỏ của tôi phải sống xa má nên rất buồn. Bây giờ xem lại những ảnh chụp khi tôi học lớp nhì trường Qui Nhơn, tôi thấy mặt người dưới thời Pháp thuộc rất buồn; mặt người nào như cũng có cái gì uất ức, bố tôi cũng thế, chú tôi cũng thế. Tôi quá hiền, bị thằng em con bà cả ăn hiếp, ai thấy tôi cũng thương. Khi tôi học ban thành ở trường trung học Qui Nhơn, tôi được học bổng; nhà tôi ở gần phố Jules Ferry (nay là đường Lê Hồng Phong) nên thỉnh thoảng về nhà cũng gần. Tôi vào ký túc xá thì những người dọn bạn thầy tôi cũng hiền là họ rất thương tôi. Cái hiền đó lại là một cái vốn của tôi. Nếu như tôi đanh đá thì có lẽ tôi không phải là tôi nữa. Nhân đây suy nghĩ về hồi ký;: nước mình như một thửa ruộng bắt đầu cầy; không ai, hay ít ai chịu viết hồi ký trong khi ở các nước Âu Tây người ta đào sâu từng li từng tí vào các kỷ niệm. Các nhà văn ở nước mình ít ai kể lại tỉ mỉ về mình, cũng như thể người ăn mía mới nhai dập dập đã nhả bã. Sống qua loa đại khái, chưa hút hết nước mía đã vứt bã rồi. Trở lại kỷ niệm của tôi. Tuổi nhỏ, tôi rất thương má. Trong tập hồi ký của Tịnh Hà, nó viết rất cụ thể và rất sâu. Tôi rất thương chị Bốn của tôi. Khi tiếp quản Plây-cu (1975) tôi có viết bài thơ “Về thăm chị Bốn”, chị Bốn Nhữ. Chị là con của bà dì, tức là chị má tôi. Bà dì chết để lại chị Ba và chị Bốn. Chị Bốn ở với bà ngoại tôi cùng tôi khi còn nhỏ. Chị rất thương tôi và tôi còn nhớ kỷ niệm sâu sắc, chị chia ngọt xẻ bùi với tôi từng tí một. Tôi nhớ khoảng năm 1939 tôi có đến nhà anh Nguyễn Xuân Khoát ở phố Richaud (phố Quán Sứ bây giờ) hồi đó có trò vui là bói bài tây. Anh Huy Cận chia ra mấy con bài và anh Khoát bói cho Huy Cận. Anh Khoát lại bói chi anh Xuân Diệu thì nói rằng tôi thường được phụ nữ bảo trợ, hay là phò trợ. Thật vậy, mỗi khi tôi gặp một người phụ nữ nào mà tôi muốn nịnh đầm thì tôi nói trước đây anh Khoát có bói bài cho tôi là tôi được phụ nữ bảo trợ. Chị Bốn Nhữ là một người bảo trợ cho tôi khi nhỏ. Tôi thương chị lắm. Khi chị Bốn xuống Qui Nhơn để giúp dì Mười, thì tôi tưởng là chị bỏ tôi mà đi. Chị đã xuống đò rồi thì tôi đứng trên bờ tôi khóc: “Chị Bốn ơi, chị đi lấy chồng, chị bỏ em”. Tôi nghĩ rằng mỗi con người có nhiệm vụ phải đào sâu vào kỷ niệm của mình, vào quá khứ tình cảm của mình để làm giàu thêm cái vốn nhân đạo trong mỗi con cháu chúng ta. Vừa rồi tôi đến nói chuyện thơ ở trường Hoàn Kiếm, chị hiệu phó nói với tôi: “Bây giờ học sinh trường tôi nó không vui và nó cũng không buồn nữa”. Cái đó thật là nguy, cái gì đã làm khô cạn tình cảm của các cháu, tiêu diệt nội tâm, của các cháu? Chính nhà văn kể lại tuổi thơ ấu của mình sẽ làm cho các em thiếu niên có tâm hồn, nuôi dưỡng tình cảm. Tôi nhớ ngày mà tôi ở Văn Quang, nơi thầy tôi làm hương sự, trở về Gò Bồi thăm bà ngoại thì tôi thấy chị Bốn tôi ngồi may áo gối, áo dài. Chị tôi đột (tức là đường may theo tà áo) rất đẹp. Những mảnh vải may áo gối của chị tôi xanh xanh đỏ đỏ, kết những mảnh hàng, mảnh nhiễu... Nó gợi lên một cái gì thật phong phú. Chi may áo gối theo kiểu Nam Trung Bộ, kết những mụn vải rất nhỏ một cách rất công phu và nghệ thuật. Qua đời chị Bốn tôi thấy đời người phụ nữ ngày xưa khổ quá. Trong truyện “Cái hoả lò” (Trong tập “Phấn thông vàng”) tôi có viết là tôi thấy bà tôi lấy cán chổi đót đánh vào chị Bốn. Tôi thấy chị Bốn vừa xoa người vừa nói: “Tội quá, tội quá bà ơi!”. Tôi còn nhớ cùng với chị Bốn có mợ Thông. Tôi có làm bài thơ về mợ Thông nhưng còn dở dang, lại còn có vợ Nhứt, tức là vợ của cậu Nhứt tôi. Mợ chết rồi, chị Bốn ngồi kể lại trong một bầu không khí rất cổ sơ. Tôi còn nhỏ, ngồi nghe không hiểu sao cả, thì hoá ra mợ Nhứt của tôi bị xuất huyết não mà chết. Lúc đó tôi không hiểu được. Mợ không nói được thì chị bảo là mợ á khẩu. Chị Bốn kể rằng mợ Nhứt nằm mệt, trong lúc cậu Nhứt đang ăn cơm với khách. Mợ mới ra bới một bát cơm ăn. Cậu rất thương mợ, nhưng cậu cho như thế là thiếu lễ giáo và là suồng sã vì phụ nữ ngày xưa bị coi khinh cơ mà. Rồi cậu la mợ, từ đó mợ bị nặng thêm, rồi bị á khẩu, rồi chết. Chị Bốn kể rằng mợ Giáo ở Plây-cu sau này bị chết vì đẻ. Chị Bốn cho biết có lần mợ Giáo đi ra vườn thấy có cây chuối có bắp chuối ở trong, thế rồi cây chuối chết, bắp chưa kịp trổ ra buồng. Mợ Giáo nhìn thấy cây như vậy cho là điềm báo hiệu mợ sắp chết và phải đưa cái thai ra.
Tôi thấy những kỷ niệm như thế là một thế giới rất phong phú, nếu mình kể cho con em mình nghe thì tâm hồn của chúng được giàu thêm. Chúng sẽ căm thù sự lạc hậu, nghèo khổ... Chúng ta chớ làm lòng người khô cạn, coi những tình cảm thường là tình cảm nhỏ. Có những cuộc đời bình thường mà vĩ đại, nhưng cũng phải nói thêm: bình thường và sâu sắc nữa chứ. Nhắc tới thời thơ ấu của tôi, tôi thấy một lỗ hổng trong sự giáo dục của chúng ta ngày nay. Làm cho người ta giàu tình cảm nhân từ, nhân đạo cũng là một nhiệm vụ lớn của giáo dục chứ. Tôi hơi tiếc là tôi hầu hư không bỏ thì giờ vào việc viết hồi ký để nhớ lại cái thế giới rất phong phú của tuổi nhỏ, vì con người từ 7, 8 tuổi đến 20 tuổi là ở trong thời kỳ phong phú nhất của tình cảm. Tôi nghĩ rằng chúng ta xây dựng con người mới không chỉ xây dựng bằng tư tưởng, mà còn phải xây dựng bằng nội tâm nữa. Chính nội tâm mới đẻ ra tình cảm, mà tình cảm mới làm hậu thuẫn cho tư tưởng.
Hồi nhỏ tôi có may mắn ở với má tôi làm nước mắm ở Gò Bồi. Lớn lên chút nữa tôi lai theo thầy tôi đến làng Văn Quang xa Gò Bồi độ 10, 15 cây số. Hồi đó tôi học lớp tư, tôi sống trong không khí nông thôn. Nông thôn đã làm giàu tôi. Lớn lên tôi đi Qui Nhơn. Ngẫu nhiên mà cuộc đời đã phủ lên tâm hồn tôi từng lớp, từng lớp phù sa khác nhau. Trong một bài thơ tôi có nói về những người chết. Bài thơ đã hoàn thành trước cách mạng tháng Tám nhưng chưa hề đăng báo, ý nói những người chết đáng được ta nhớ đến họ. Ta có thiệt thòi gì đâu mà thỉnh thoảng không nhớ đến họ. Trong bài thơ đó có hai câu:
“Đêm đông trường gió xoay chuyển Gò cao
Và bóng tối làm run cây khủng khiếp”
Hai câu thơ này gợi cái không khí nông thôn ở Văn Quang: Cách nhà tôi không xa có một cái gò người ta chôn nhiều người chết ở đó. Có những cây gai có trái như con mắt mèo mà người ta gọi là cây mắt mèo, tất cả gợi lên một không khí hoang vu...
“Vàng tươi thược dược cánh hơi xoà”
vì cánh to nên mới xoà được, nếu là thược dược bé thì không thể xoà được. Có bồn hoa lài ở cạnh cái giếng nhà ông Chín Cưỡng tạo cho tôi một cái mê ly. Lúc đó tôi khoảng 14, 15 tuổi; đêm trăng cái bồn hoa lài hiện lên như một cảnh kỳ ảo. Người ta đã đào một cái hố để lấy nước giếng ra tưới đều cho hoa lài, mỗi lần tưới có pha thêm nước cống. Vì cái vườn ở sau nhà tôi nên tôi cứ ngắm đi ngắm lại không chán. Có thể nói tôi chung chạ với từng đoá hoa một, và hoa vào trong thơ tôi:
“Vàng tươi thược dược cánh hơi xoà
Ửng rạng phù dung nghiêng mặt hoa”
Trong vườn ông Chín Cưỡng không có phù dung, nhưng về sau đến vùng Thanh Hoá tôi đã thấy cây phù dung rất đẹp vì nó đẹp dần dần. Ban sáng phù dung phơn phớt hồng, hồng nhưng chỉ là trắng, thế rồi càng về trưa nó càng hồng, đến buổi chiều thì nó tím lại, gần như tím tái lại để nó rụng. Cho nên tôi mới nói “ửng rạng phù dung nghiêng mặt hoa”. Hoa ở miền Bắc gọi là hoa huệ thì ở Bình Định, Qui Nhơn gọi là hoa lan, cho nên trong thơ tôi có câu “Nhánh búp làm cho lan choáng ngợp” là vì cành huệ nó dài, hoa đứng trên một cành dài, tôi thấy nó choáng ngợp về không gian., về sau tôi muốn cho thơ của tôi người cả ba kỳ đều hiểu, tôi đã chữa lại câu thơ thành “Nhánh búp làm cho bông huệ ngợp”. Miền Bắc trồng hoa huệ dễ, chứ trong Nam trong chậu cảnh mà có nhành hoa huệ là quý lắm. Lại có câu “Lòng trinh giữ lại nửa bông trà”. Ở vườn ông Chín Cưỡng không có bông trà, nhưng trước cách mạng tháng Tám, anh Ngô Nhật Quang, bạn cũ của tôi, hồi đó là giám đốc nhà in Xuân Thu có hoa trà, thứ hoa cà chưa thoái hoá. Anh Quang chăm sóc tỉ mỉ chậu hoa trà của anh, và đến khi hoa nở anh mời tôi đến xem hoa, nhờ đó tôi mới có câu “Lòng trinh giữ lại nửa bông trà”. Tôi ở Qui Nhơn khoảng 5 năm trời, từ lúc thành phố còn chưa phát triển, cho nên những kỷ niệm ở đó in sâu vào tâm trí tôi. Sau khi giải phóng miền Nam tôi có bài “Tâm sự với Qui Nhơn” vì tôi nhớ lại tuổi thiếu niên của tôi gắn với thành phố.
“Qui Nhơn nhà cũ cạnh chùa Bà”
Đúng là nhà cũ của thầy tôi ở cạnh chùa Bà. Đêm đến thì thuyền cá mới về, thậm chí đến 9, 10 giờ đêm vẫn có người đi rao cá bán. Những người đi qua nhà tôi nói ghé vào: “Bà tú Thọ có mua cá không?”. Thế là mẹ tôi ra mua cá thu và nhất là cá bánh đường. Con cá bánh đường to bằng cánh tay người lớn, hồi đó chỉ một xu một con vì là loại cá bình dân. Nhưng cá này rán lên chấm với nước mắm ớt tỏi thì ngon tuyệt.
“Lanh lảnh nghe rao cá bánh đường”
Những chi tiết của cuộc sống đậm đà như vậy, tôi cho vào thơ tôi còn ít quá. Những sự việc mới chỉ là cái màng rất mỏng ở ngoài cái sự sống đó mà thôi. Tuy nhiên nếu không có bạn bè nhắc nhở thì tôi đã vứt cái màng đó đi, không phân tích nữa và như vậy sẽ là rất uổng. Hàng ngàn triệu người trên trái đất sống nhưng nói chung họ chỉ mới sống một cách “giai cấp tự tại”, chứ không phải “giai cấp tự giác”. Trong trường hợp đó người ta sống như một tế bào, một đơn vị của sự sống mà thôi. Chính nhờ có văn học nghệ thuật mà con người mới sống lâu, mới sống hết mình. Nhân đây tôi mơ61i thấy tôi nợ nhiều quá, nợ với đời tôi. Tôi chưa khai thác đời tôi, mà nhiệm vụ của tôi là phải khai thác bởi vì tôi chỉ sống có một lần. Tôi sống cho tôi, tôi còn sống cho người khác nữa. Tôi biết rằng có nhiều người khác không có sẵn sàng một công cụ phân tích để phân tích đời của họ.
Tôi kể hơi dài, vì cứ đi sâu vào xúc cảm. Qui Nhơn có một cái lợi thế, là có biển, có vai trò của biển. Biển Qui Nhơn có dãy núi ở phía Diêu Trì, đi xuống, phía bên kia ở ngoài khơi có cù lao xanh. Lại có núi Phương Mai. Tôi còn nhớ hồi tôi học đệ tứ niên thầy Đoàn Nồng ở Huế vô dạy thì thầy có sáng kiến thuê hai chiếc thuyền dẫn mấy lớp học trò đi sang thăm cảnh núi Phương Mai. Hoàng hôn xuống, chúng tôi vẫn ở trên núi nhìn xuống biển, nhìn về thành phố Qui Nhơn rất đẹp, mãi 9, 10 giờ sau khi tiếp quản Thủ Đô, thầy Đoàn Nồng làm hiệu trưởng trường Bưởi (tức là trường bảo hộ ngày xưa, tức là trường Chu Văn An bây giờ). Thầy Đoàn Nồng có mời tôi đến nói chuyện với học sinh ở trường. Trong khi thầy giới thiệu tôi thì thầy có nhắc đến một điều mà chính tôi cũng quên: “Xuân Diệu có một cái xúc cảm rất là khác, rất là lạ. Có một chiều hoàng hôn xuống, sao bắt đầu mọc, thầy trò đang đi chơi ở núi Phương Mai, thầy có hỏi học sinh tại sao lại mọc đông dần, nó như ẩn như hiện, như thế có thể so sánh với gì nhỉ. Có một người học trò bảo: “Tôi có cảm tưởng như đít nồi rang ấy, vì nồi rang rang xong đít còn nóng, đặt úp xuống thì có những chấm đỏ li ti hiện lên như sao mọc trên trời đầu hôm”. Người học trò ấy là Xuân Diệu, và lúc đó thầy đã bảo “Anh học trò này có một cái năng khiếu lạ”. Nếu tôi viết hồi ký thì tôi còn cảm ơn thầy Trần Cảnh Hảo là thầy đã rất trọng quốc văn cho tôi. Thầy có sáng kiến là đáng lẽ đến giờ đọc thuộc lòng thì giao cho cả lớp làm một bài văn cho nhanh với những đầu đề thầy nghĩ ra tại trận. Chẳng hạn thầy bảo hãy làm một bài thơ mừng thầy giáo cũ lên tuổi thọ, hoặc làm một bài thơ “Đêm khuya một sách một đèn”. Đầu đề nên thơ biết bao. Tôi làm bài đó bằng thơ lục bát, bài kết thúc rồi mà vẫn còn hứng. Tôi làm luôn một bài Từ khúc điệu “nhất tiên mai”. Năm 1934 có trận bão làm nhiều người chết thì thầy Hảo lại ra đầu đề làm bài văn tế dân bị lụt ở Nam Trung Bộ. Về đầu đề này ông Thi Hán tức là cụ Phan Bội Châu có làm một bài. Thầy Hảo lại giao cho lớp đệ tứ đầu đề làm một bài phú “Ăn nên vóc, học nên hay”. Lúc đó tôi học đệ tam, nhưng tôi gà cho anh Phan Chi Khánh làm bài phú ấy. Về bài văn tế nạn dân bị lụt tôi còn nhớ đôi câu đối trong thân bài:
“Lòng xót thương mong đợi ba kỳ
Đã đành phận ủi an cùng chín suối”.
Về sau thầy Hảo có viết một bài tiểu luận, nghiên cứu về cái giá trị mà thầy gọi là các cái khuôn, tức là các khuôn âm thanh của tiếng Việt, như: ong, uông, ang, v. v... Tôi tiếc là không có bài đó trong tài liệu nghiên cứu của tôi, nếu có chắc là tôi sẽ rút được nhiều cái hay trong đó. Tôi cũng rất nhớ thầy Hoàng (thầy Hoàng về sau chết vì bệnh thương hàn), thầy Hoàng đã đọc thơ Musset cho cả lớp nghe và đặc biệt là thầy đọc và diễn giải bài “Đêm tháng 5”, đoạn con chim bồ nông mổ tim của nó ra cho bày con nó ăn. Những bài diễn giảng như thế tác động mạnh vào tâm trí tôi. Qui Nhơn có biển, nhìn rộng ra chân trời, nhưng dưới thời Pháp thuộc nó lại bị bưng bít. Hồi đó chưa lâu tôi hầu như chưa biết gì về các danh nhân Bình Định. Cũng chỉ nghe nói đến cụ Thượng Đào, cụ Đào Tấn, chứ không biết gì về tuồng. Tôi không hề biết đến những văn tài của đất Bình Định, không biết Bình Định là một tỉnh có truyền thống văn hoá phong phú. Ở tại Bình Định tôi đã dự đám xô giàn và từ đó tôi đã biết tìm đọc “Văn chiêu hồn” của Nguyễn Du.
Song song với ảnh hưởng của văn chương là ảnh hưởng âm nhạc đối với tôi. Ca cải lương đã tăng chất trữ tình cho thơ tôi. Nó giúp cho chủ nghĩa lãng mạn ở trong thơ tôi được phát triển, được mạnh. Xét cho kỹ chủ nghĩa lãng mạn đã vào trong âm nhạc (trong ca cải lương) trước khi xâm nhập vào văn chương. Do đòi hỏi của cả một xã hội, ca nhạc hồi đó không thể tự bằng lòng với các điệu ca ngoài Bắc, hay các điệu ca Huế nữa. Nhạc lúc đó, đặc biệt ở Nam Bộ đòi một cái gì hợp với chủ nghĩa lãng mạn là điệu rung cảm của giai cấp tư sản và nhất là của tiểu tư sản thành thị. Luồng nhạc mới ấy không phải là của nông dân, hay của hương lý nữa. Luồng cảm xúc mới đi vào âm nhạc, và đó là sự phôi thai, sự nảy nở dần dần của hát cải lương. Chẳng hạn cũng là điệu Hành vân nhưng hành vân trong ca Huế có tích cách chững chạc, đĩnh đạc. Khi chuyển sang hành vân Nam kỳ thì nó tăng chất trữ tình. Thế rồi những điệu lý con sáo, lý sang sông, lý ngựa ô là vốn ở Huế nhưng vào tay các thầy đờn Nam kỳ (ở đất Vĩnh Chi, đất chợ Giữa, ở đất Mỹ Tho màngười ta gọi đùa là Hôluýt của Nam Bộ) thì các điệu hát ấy mượt mà hơn, óng ả hơn, và chứa đựng nhiều chất trữ tình nảy sinh cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Quá trình ấy của âm nhạc rất điển hình, rất đáng được chúng ta trân trọng nghiên cứu...
Ở Mỹ Tho có rạp hát của thầy Năm Tú, khi tôi làm tham tá nhà đoan ở Mỹ Tho thì rạp hát của thầy Năm Tú vẫn còn; những đĩa hát đầu tiên tôi được nghe hồi còn nhỏ là những đĩa ghi các bài hát của ban hát của thầy Năm Tú. Mở đầu đĩa hát có ghi câu “Đây là ban hát của thầy Năm Tú ở Mỹ Tho hát vài câu phô-nô nghe chơi”.
Ở rạp hát này đã sản sinh ra cô Năm Phỉ, cô Phùng Há, sau nảy là cô Bảy Nam, em cô Năm Phỉ, rồi cô Mười Chuyển, đều ở Mỹ Tho. Từ năm 1932, cải lương từ Nam Kỳ đi ra Trung kỳ và Bắc kỳ. Có người ở Qui Nhơn cũng lập gánh hát cải lương. Khi tôi ở Gò Bồi có một cái chợ nhỏ, chợ nông thôn. Khi gánh hát cải lương ở Qui Nhơn lên, nó đem đến không khí thành thị, một không khí phóng khoáng, và dường như nó đem đến một cái gì văn minh, một sức phát triển mới. Vì tôi nghĩ trong chủ nghĩa lãng mạn có một sức phát triển. Một đứa trẻ con đến tuổi dậy thì là có chủ nghĩa lãng mạn trong nó. Thuở ấy tôi mê hát cải lương. Khi tôi mới 13 tuổi, gánh hát của thầy Năm Của ở Qui Nhơn lên; hồi ấy theo lối phong kiến còn gọi là kép hát, đào hát (thậm chí kép còn gọi là thằng, đào là con). Anh kép là anh Sọ, mà cô đào là cô Thoả. Anh Sọ, cô Thoả là những người đào kép có tài lúc đó, họ hát những điệu hành vân, vọng cổ hay lắm (lúc đó vọng cổ mới có 4 nhịp thôi). Các điệu hát ấy truyền đến trường thầy tôi cách chợ có một cây số rưỡi. Thế rồi tôi nhớ điệu hát đầu tiên, nó rất trữ tình. Về sau này chị Ái Liên cũng học lại điệu hát từ lúc nó mới phôi thai là: “Vào ong ra bướm, xin đừng phụ nghĩa tào khang; Vào ra đứng trông tin bạn, ngày mỏi mòn như đá vọng phu. Tôi cũng tập hát bài “Vọng cổ hoài lang”. Khi tôi về Qui Nhơn có một cậu học sinh tên là Đức (mà ở nhà gôi là thằng chó). Đức xấu người, nhưng rất có duyên, kế thừa được cái duyên của mẹ là bà Thủ Thính. Bà Thính có một trại nước mắm như bà ngoại tôi. Thường các ghe bầu ở trong Phan Thiết ra muốn bán mắm phải nhờ người ngồi bán. Bà Thủ Thính được nhiều ghe bầu nhờ chuyên bán mắm, vì bà rất có duyên, và cửa hàng mắm của bà rất đắt khách. Sự ăn nói linh hoạt của bà truyền sang cho anh Đức và anh Đức trở thành hát cải lương rất hay. Thế là anh Đức được anh kép Sọ dạy cho bài “Tứ đại oán”. Tôi cũng học thuộc lòng bài ấy, vì nó rất trữ tình. Có thể nói một phần tính lãng mạn trong thơ tôi đã rút từ hồn của cải lương. Lúc đó cái cá nhân (individu) mới nhú ra. Nó mang cái phấn chấn, cái hào hứng phát triển, đồng thời nó cũng mang cái u sầu. Nó cũng mang nỗi mê ly, đây là nỗi mê ly của chủ nghĩa lãng mạn. Vấn đề là mình làm sao lái sự mê ly đó về phía tích cực. Nếu như thanh niên không có tâm hồn lãng mạn thì lấy ai mà đi bộ đội. Chính họ lãng mạn theo một nghĩa nào đó thì họ mới chịu hy sinh. Nếu nàng Kiều không lãng mạn thì nàng Kiều mặc kệ chuyện gia đình chứ không chịu bán mình cuộc cha. Trước khi cải lương ra đời, trong những bài ca Huế cũng đã đề cập đề tài nhớ người yêu. Chẳng hạn trong điệu Nam bình có câu “Gối loan trằn trọc năm canh, mối dầu đoanh”. Còn trong ca cải lương thì cũng diễn tả tình cảm cá nhân (individu), nhưng nó réo rắt hơn, vì nó có cái buồn mô-đéc. Nếu như anh Trần Văn Khê mà nói về những điệu hát cải lương, nhất là những điệu gốc lúc nó mới phôi thai thì anh sẽ giúp ta hiểu sâu thêm giá trị luồng nhạc dân tộc này. Riêng đối với tôi, luồng nhạc cải lương đã làm phong phú thêm cái hồn lãng mạn trong thơ tôi. Rồi tôi thuộc những điệu “trường tương tư”, “khóc hoàng thiên”, điệu “xằng xê”, điệu “xằng sừ líu”. Bài hát để lại ấn tượng sâu nhất trong tôi là bài “Tứ đại oán”. Nhân nói đến âm nhạc, trong quyển Bút ký văn xuôi mà Liên Xô in xuất bản tại An-ma A-ta người ta có chú thích rằng “Thơ Xuân Diệu rất nhiều âm sắc”.
Khi tôi học ở trường trung học Qui Nhơn, tôi gần thành một anh đào hát của toàn trường. Bọn bạn học khi nào đói âm nhạc cứ gọi Xuân Diệu đến hát, và tôi hát cả cải lương, cả ca Huế, ngâm sa mạc và hát cả những bài hát Tây nữa. Tôi khám phá ra rằng có một mảng lãng mạn rất phong phú và rất phức tạp là lãng mạn trong ca Huế, nhất là trong các điệu có nguồn gốc Chiêm Thành. Chính bài thơ “Nguyệt cầm” tôi đã viết được là nhờ tôi yêu ca Huế và hiểu được cái hồn của ca Huế. Hơi thơ réo rắt như xé lòng là tôi lấy ở hơi ca vọng cổ, ở điệu trường tương tư, chứ không phải ở ca Huế như mấy câu của bài “Dối trá”.
Nói chi vậy tiếng buồn ghê gớm ấy
Để lòng tôi sung sướng muốn tiêu tan
Tất cả tôi run rẩy tựa cây đàn
Nghe thỏ thẻ chính điều tôi giấu kỹ.
Còn những bài như “Buồn trăng” và “Nguyệt cầm” là tôi lấy cái đọng lại của một thứ lãng mạn “cao cấp”. Nó là giai đoạn tích luỹ, đọng lại, như đám mây đọng lại trước cơn mưa. Nhạc Nam ai Nam bình là mây tụ lại, mà nhạc cải lương là mưa xuống rồi. Đến lúc ra Huế, sống giữa cảnh sông nước, và như có cả ánh trăng. Tôi thấy nhạc Huế có cái gì mê ly, lạ lùng lắm. Tôi thấy một số nhà thơ trẻ của ta, có thể là rất mới nhưng ít biết vốn của cha ông, nên khi học tập Mai-a-cốp-xki thì phần lớn là học cái phần diễn thuyết, cái khía cạnh diễn thuyết của Mai-a (mà học cũng chưa đến nơi) chứ chưa học sâu tinh thần cốt lõi của thơ Mai-a. Tôi bảo đảm rằng cái mê ly trong tâm hồn con người mà ta nắm được cái tinh chất và diễn tả nó thì còn tiếp tục làm mê ly thế hệ này đến thế hệ khác. Tôi cũng rất mê điệu sa mạc. Hồi ở Qui Nhơn, chưa được ra Bắc bao giờ, tôi đã mê ngâm sa mạc. Mà những người dân ở Trung kỳ và Nam kỳ đều mê điệu sa mạc đến nỗi anh Năm Châu lên sân khấu cải lương cũng ngâm sa mạc cơ mà. Khi tôi nghe một đĩa hát nào có thoảng vài câu sa mạc là người tôi như mê, như lịm đi...
Xuân Diệu kể (2)
Những trang hồi ký tiếp theo đây nói về tuổi nhỏ Xuân Diệu, vẫn ghi theo lời anh Diệu kể vài lần cho em là Tịnh Hà và mấy người bạn nghe. Anh Tịnh Hà (tức là Ngô Xuân Sanh, em ruột anh Xuân Diệu) đã ghi chép những trang này, phục hiện tốt lời anh Diệu kể. Tôi có viết lại cho gọn lời văn và mạch lạc
(Huy Cận)