Tập 1- L

Lụt hồ thuỷ
Từ bờ sông nước trong xanh như mặt hồ, nhẹ nhàng bò vào sân và dừng lại ngang tam cấp gạch.
Bà ngoại tôi đã già, tóc bạc như bông gòn vừa nở trắng ló ra ngoài chiếc khăn choàng hầu nhiễu phủ kín tai màu huyết dụ. Bà vén tà áo dài lụa màu đen cho khỏi vướng, co chân ngồi lên ghế, bỗng nhiên giọng bà sang sảng:
- Bầy trẻ ra dọn tiếp đồ gấp! Kê ván rồi thì ba bốn đứa hè nhau lên các bục gỗ... nước ào vô rồi...
Nước tràn nhanh vô nhà, đã cao gần thước tây, lách tách vỗ vào vách mang theo những lá khô, rắc rều và củi mục. Chị Bốn Nhữ, thầy má tôi và cậu Nhứt, quần áo xắn gọn, lội bì bõm trong nhà.
Cậu Nhứt đẩy một chiếc thúng chai dùng làm xuồng, nước đã lên ngang bụng, cậu khó nhọc đặt lên chiếc phản rộng, đầy hơn tấc - nơi tôi ngồi co rúm vừa vui vừa ợ nước lụt - mấy cái sóng chén, vài chiếc hoả lò và nồi niêu đầy ắp cơm cùng thức ăn đã nấu sẵn.
Chị Bốn Nhữ cõng tôi từ phản sang mấy cà tăng lúa gần đó, và dặn:
- Ngồi đây chơi, để chỗ phản cho chị dọn cơm cho bà ăn. Không được lội nước. Nó trôi ra biển chết luôn đó nghe. Lát nữa, chị đem cơm cho mà ăn.
Ngồi đây là chỗ mấy cà tăng lúa kê trên chiếc sạp đất cao nện kỹ đã mấy đời, tôi nhìn rõ thấy má tôi và cậu Nhứt lúi húi múc nước mắm từ thùng con chuyển sang thùng mẹ. Má tôi quần vén lên quá gối, áo dài đen quấn quanh lưng rất gọn, trán lấm tấm mồ hôi, còn cậu Nhứt tôi thì mặc quần xà lỏn, đánh trần, đầu quấn một chiếc khăn bông trắng nhớp nhúa, bự như khăn của mấy ông lái ghe bàu ngoài Vạn Gò Bồi.
Những ngày không lụt lội, nắng ấm, cậu Nhứt không mấy khi ở nhà, cậu đi chơi quanh làng. Tôi thấy cậu mặc áo vải quyến (chúc bâu) trắng, cổ đứng, tà áo hơi dài gần chấm gối, xẻ nách cao không may túi, giặt ủi hồ lơ sang trọng như mấy ông giáo làng, quần lãnh bưởi màu đen, loại hàng đắt tiền và một sợi dây lưng lụa, màu xanh lục lòng thòng quá đầu gối, mỗi khi cậu bước, hai múi dây lưng màu phất phơ trông rất đẹp, như kép hát bội trên sân khấu tuồng...
Cậu chải tóc vuốt, không đường rẽ, và trên đầu gần ót cài một chiếc lược nhôm sáng loáng, khiến chiếc trán dô, cao; cao thăm thẳm... Cậu không làm gì, chỉ đi chơi đánh bài kiệu, rồi về nằm ngủ trên chiếc tràng kỷ gỗ lim chạm xà cừ trước bàn thờ ông ngoại tôi, lơ mơ ngâm những bài thơ trong các tạp chí Nam Phong, Hữu Thanh... Khi trời nóng bức, cậu vén quần lên đến bẹn và hát theo giọng trọ trẹ Huế, một khúc hát Nam ai xưa cũ mà lúc đó, còn nhỏ tôi chưa hiểu gì, nghe buồn thảm đến nẫu ruột:
“Nước non ngàn dặm ra đi! Mối tình chi! Mượn màu son phấn, đền nợ Ô Ly.”.
Tôi rất sợ cậu tuy cậu không bao giờ đánh tôi. Thỉnh thoảng cậu đi chơi về còn mang nửa chai rượu “sông nguội” - như nước ngọt giải khát bây giờ, nhưng thơm ngon hơn nhiều - và gõ lên đầu trọc của tôi một cái cốp - nghiêm nghị bảo: Uống!
Rồi bây giờ lũ lụt, tôi thấy cậu đánh trần chèo thúng đem cơm cho tôi, tôi vừa sợ vừa thương cậu.
Chiều sụp xuống rất nhanh. Bà ngoại lẩm bẩm một mình chậm chạp đưa chén trà tàu “con nai” lên miệng, hương thơm nhẹ toả khắp nhà. Bà ngoảnh ra sau nhà nói:
- Con Bốn Nhữ nhớ hong cho khô cái áo đen tao giặt hồi sáng, đem lên cho thằng Bàng (1) nó bận kẻo lạnh. “Ổng” ngủ lạnh đêm nay tội nghiệp.
Xẩm tối, ngọn đèn dầu phộng le lói trên giường ngủ của bà ngoại. Cả nhà chuẩn bị bữa cơm chiều...
Hồi trưa cậu Nhứt, bây giờ đến lượt chị Bốn Nhữ chèo thúng đến vựa lúa, dịu dàng bảo tôi:
- Cơm đây em. Áo đây em - Và má... cho em một cái bánh xèo ngọt.
Bữa cơm ngon lắm. Mực ống muối chiên dầu phộng. Và cái bánh xèo ngọt, thơm như bánh thuẩn của bà Huỳnh bán ngoài phố chợ.
Cơm xong rồi, trời tối mịt. Tôi trải áo ra, nằm cạnh hai bồ lúa cao to như hai trái núi đất. Tôi nghe những hồi mõ thúc giục, ồn ã... Ông Tịch mõ làng mới xẩm tối đã dõng dạc nổi lên ba hồi mõ để căn dặn bà con đề phòng lụt lớn...
Tôi bỗng nhớ thằng Mo con ông, và thương nó vì chiều chiều lúc tan chợ tôi thường bắt gặp nó cùng em trai tôi mò vào chợ lượm cá tôm rơi rớt, đem về nướng ăn. Tôi cũng đã có lần tranh với em tôi một con tôm nướng.
Tôi quay mặt áp sát vào chiếc bánh xèo ngọt mà má tôi cho, khóc sướt mướt, và linh cảm rằng. Cuộc đời thằng em trai tôi sau này sẽ ra thân gió bụi...
Cậu Nhứt ngồi trong thúng chai, lờ mờ một ánh đèn hoa kỳ từ ngoài sân chèo vào nhà, lễ phép thưa với bà tôi:
- Thưa mẹ, trời vẫn không mưa hột nào. Theo bác mõ Tịch, thì có lẽ nước đứng cho tới canh ba giờ Tý, rồi rút...
Chú thích:
(1) Tên của Xuân Diệu hồi nhỏ
Giấc ngủ
Cơm nước xong, ngọn đèn hột vịt leo lét ở gian nhà ngoài, gió vù vù từ bụi tre trước nhà vọng lại, mùa đông đã đến.
Hai anh em tôi ngồi học bài trên chiếc bàn ăn cơm đã được lau chùi sạch sẽ. Em tôi co rúm người lại, vừa run, vừa đọc: Quy dit (thằng Qui nói) “C’est un livre” (Cái này là quyển sách). Đọc được vài lần, nó bỗng ngủ gục, rồi nằm lăn ra chiếc ghế dài ngồi học, ngủ khì.
Tôi thương em nên đi lấy chiếc chiếu dài đắp cho nó. Tôi làm bài xong, vác chiếc ghế dài bên này bàn ghép lại. Một chỗ ngủ êm ấm cho hai anh em. Tôi ôm nó cho đỡ lạnh và kéo chiếu đắp chung. Gió càng dữ dội. Bờ tre trước nhà kêu lắc cắc...
Một lát thì tôi cũng ngủ vùi với em, không biết gì hơn nữa. Hơi ấm của hai đứa nhỏ truyền cho nhau... gần sáng, nó bỗng la ú ớ:
- Anh ơi, anh đừng đi xuống Qui Nhơn nghe anh. Ở nhà chơi với em, dạy em học. Em có đồng xu cột trong giây lưng rút đây nè. Rồi em mua chuối nấu ở quán chị Hai ngò cho anh ăn...
Và rồi tôi cũng mộng thấy mình đang nằm trong ghe xuống Qui Nhơn học. Tôi đi đò trưa. Thằng em chạy bộ theo. Ghe căng buồm chạy xuôi dòng. Còn nó thì đuổi theo ghe. Trên bờ, nó vừa la, vừa khóc:
- Anh cho em theo với! Mấy ông đò ơi, làm ơn làm phước trả anh tôi lại cho tôi. Tội lắm mấy ông ơi!
Tôi cảm thấy nỗi khổ của em tôi, nó còn nhỏ mà đã xa má, xa anh, nó bơ vơ côi cút giữa cảnh đời - mà gia đình này (thầy mẹ tôi) không phải của nó... Tôi tỉnh dậy, trở mình, không ngủ được. Tôi lau nước mắt, nghĩ thầm:
- Anh phải đi học em ơi, để sau này lớn lên, nuôi má, nuôi em...
Đám tang chú Cự
Khi thảo xong, tôi lẩm nhầm đọc lại:
Cự Gravement malade prêter ông Hảo dix piastres venir immédiatement(1).
Thầy tôi hối đi ngay vì chuyện rất gấp. Tôi cầm nón chụp lên đầu, cái nón nỉ màu da cam đã bèo nhèo, khiến tôi quay đầu sửa lại cho ngay ngắn. Phía sau nhà, anh Hai Bảnh, một người theo đạo Giòng, tay đang cầm một cuốn kinh đạo Thiên Chúa, cúi sát đầu giường chứ Cự nằm, ê a đọc to từng chữ một:
-... Maria, xin mẹ đứng cứu cho Phao lồ, Phao lồ là kẻ có tội lỗi, xin mẹ lòng lành tha tội cho Phao Lồ. Xin Phêrô cầm chìa khoá mở cửa thiên đàng cho Phao lồ đặng vào...
Tôi đứng thừ người: Quái! Chú Cự đi đạo hồi nào?
Chú Cự có họ với nhà tôi. Ban đầu gặp chú ở Qui Nhơn (lúc đó tôi đã học lớp nhì lớn), chú chỉ là một thằng nhỏ đen đủi, đầu trọc, chân gầy, cao lỏng khỏng., mình mặc một bộ đồi màu nâu đã cũ, áo cụt tới rốn... nụ cười rất dễ thương. Chú về Gò Bồi ở với thầy tôi, làm việc vặt trong nhà và giữa em Như tôi.
Thấy chú có một bộ đồ nâu mặc trong mình, suốt tuần không giặt. Tôi thưa thầy mẹ nhường bớtl cho chú quần áo vải trắng hơi chật và đã cũ của tôi, chú Cự không muốn nhận bộ đồ của tôi trao. Chú nói:
- Choa(2) không quen mặc cái này.
Chú Cự lao động tốt, bửa củi khỏe. Tôi giơ cái rựa lên nện mạnh vài cái đã phồng tay; còn chú, chú cứ từ từ làm, chẳng bao lâu đống củi đã bửa xong, chú sắp hành thành đống ngay ngắn. Vừa làm việc, chú vừa chạy vào nhà trong, đẩy võng đưa em Như ngủ, kèm theo câu hát dặm:
Chàng ơi, chàng ngồi lại
Cho thiếp dặn vài câu
Kẻo lòng thiếp lo âu
Cứ bàng hoàng trong dạ
Cứ nhớ hoài trong dạ,
Thiếp cứ thường buồn bã
Vì xem thấy trò đời
Nhiều việc thật buồn cười
Nào bất công, áp bức
Nỗi căm hờn áp bức...
Qua mấy câu hát dặm này, tôi bỗng nghĩ đến chú Đệ, cậu Tốn... các chú, cậu này đang bị đày ở Ban Mê Thuột, Lao Bảo, nghe đồn các chú cậu theo Xô-viết Nghệ Tĩnh... chú Cự thường nói chuyện với tôi về nhà thờ họ Ngô. Hằng năm, tôi và các em tôi đều được chia phần, sau khi cúng ở nhà thờ, dù vắng mặt.
Ở quê nhà nạn đói kénm, hạn hán mất mùa thường xảy ra, lại thêm sưu cao thuế nặng, có người uất quá, phát điên. Chú Cự méo miệng lại: Loạn! Loạn!...
Ông Hảo - bố chú Cự - đến Gò Bồi, còn kịp đưa đám tang chú Cự. Đó là một ông đồ nho già, khắc khổ, lùn thấp, mặc một áo dài đoạn đã bạc màu... Má hóp, răng đã rụng vài cái ở hàm trên, ông thở dài nói với thầy tôi:
- Sự vong như sự tồn.
Rồi ông cúi xuống, giấu hai hàng nước mắt tuôn tràn trên vạt áo trước ngực... Đám tang chú Cự ra đi vào lúc trời chạng vạng tối. Con đường làng ra nghĩa địa quanh co, chật hẹp. Bụi tre ào ào lá rụng. Ánh đuốc chập chờn dẫn lối. Sau lưng chiếc quan tài, tiếng cầu kinh rào rào liên hồi như suối chảy...
Ông Hảo đi trước đoàn người cầu kinh, sát quan tài chú Cự, lưng khòm khòm, cúi xuống, tay ông bíu chặt lấy nắp quan tài lạnh giá... Đêm đen chìm sâu trong ánh đuốc. Tôi đi sau cùng và thầm nghĩ rằng: Đám tang chú Cự không nên làm như vậy. Tại sao?
Chú thích:
(1) Cự đau nặng, cho ông Hảo mượn mười đồng, vào gấp
(2) Tôi
Anh em tôi và lễ chánh chung (14 Juillet)
Thôi đúng rồi. Nó trốn xuống Qui Nhơn coi lễ Chánh chung (14 Juillet). Mười một giờ, cả nhà chuẩn bị ăn cơm trưa, nhưng nó thì vắng mặt. Thầy tôi tay đập bàn, mặt cau lại có vẻ tức giận. Mẹ tôi thì nói “đồ mất dạy, con hoang”. Cả nhà quyết định tôi phải đi Qui Nhơn ngay để dẫn em tôi về.
Đúng là nói đi coi “lễ chánh chung” thật. Nó đang ngồi trong nhà dì Đồng Hoà tôi. Dì tôi thấy tôi, mừng rỡ, sai người nhà di mua mì cho ăn. Dì tôi dặn tôi “đừng đánh đập nó tội nghiệp”. Nó ở với bà Tú Thọ, khổ quá, nên nó khao khát tự do, mẹ ghẻ con chồng mà. Dù vợ lớn, hay vợ nhỏ cũng vậy. Không phải con mình đâu có thương. Thằng nhỏ (chỉ em tôi) gầy ốm và ăn mặc như ăn mày. “Tao mua cho nó một bộ quần áo mới, ngày mai đi xem lễ mới được bận”.
Ăn mì xong, tôi dắt em tôi ra sau nhà dì Đồng Hoà hỏi nó: “Sao em to gan vậy? Em về sẽ bị treo lên àn nhà, đòn nứt đít”. Nó cúi đầu như chịu tội, một lát nó nói: “Em đi luôn. Không về Gò Bồi nữa”. Tôi lại khuyên bảo nó: “Em đừng bỏ đi mà tội nghiệp anh. Anh nhớ em. Vả lại, đi... Thì khổ lắm em à”.
Thú thật, tôi không thích lễ chánh chung (14 Juiller) chút nào. Của riêng người Pháp. Những trò chơi vô bổ, vô luân. Ví dụ: đập ấm; một hàng ấm treo trên xà ngang, có hai cây tre chống giữa sân vận động, trong mỗi ấm bỏ một con gà con hoặc ấm không chỉ toàn nước... bịt mắt, trẻ emc ầm gậy huơ lên mò mẫm tới chỗ ấm treo, đập trật hoài, mọi người vỗ tay cười. Liếm chảo: bỏ xu và hào vào một cái chảo lọ lem, ai muốn có tiền tới hụp vào cái chảo đó... Trèo cột, mỗi cây cột bôi mỡ và lọ nghẹ (nhọ nồi), trên đầu cây cột là một cái tàn vòng tròn có treo các thứ: dù, xấp vải, hộp bánh, cái khăn lông... không ai lấy được món gì, vì cột quá trơn, trèo lên nửa cột bị tuột xuống, vậy là “bọn nó” vẫy tay cười.
Thầy bói bắt heo: người lớn bị bịt mắt thật chặt, vài con heo con nằm trong một cái nong rộng, heo chạy vòng tròn, khó bắt lắm. Rồi thằng cò Tây hốt trong túi áo bành tôi ra một nắm xu và đồng hào vung ra tứ phía, người lớn và trẻ con xô nhau chụp giựt, đấm đá nhau đến tóe máu mũi.
Đếm đến, đấu võ đài. Treo một giải thưởng năm đồng, ai hạ được Tư Đừng thủ đài, thì lãnh thưởng. Không ai dám đấu với anh ta. Hôm sau lại treo thêm giải hai mươi đồng nữa. Người đông nghẹt bao vây lấy vũ đài hồi hộp chờ đợi. Bỗng có một thanh niên tên là Vĩnh T. vẹt đám đông, giơ tay xin đấu với Tư Đừng 6 hiệp. Đồng bào hiếu kỳ nhìn kỹ anh thanh niên. Khoảng hai mươi tuổi. Khỏe mạnh nhưng hơi lùn, tóc húi ngắn. Anh Vĩnh T. bước lên vũ đài. Những tràng vỗ tay hoan hô vang dậy cả khu phố.
Xin nói qua ông Tư Đừng. Ông chỉ là một người dân chài ở xóm biển, 40 tuổi, khỏe mạnh, nát rượu và liều lĩnh bạt mạng, chứ ông đâu biết võ nghệ gì.
Vĩnh T. Đã lên đài nhiều lần (poids mousse). Đánh võ tự do khá, báo có đăng. Lần đầu tiên, anh từ Huế vào Qui Nhơn. Tiếng cồng gõ.
Hiệp đầu, chỉ múa vài đường theo biểu diễn đẹp mắt. Hiệp hai, Tư Đừng nhào vô đá cú diện tiền, bị Vĩnh T. bắt chân xô ra ngã nhào. Đội đối thủ đứng dậy, anh bồi thêm một cú đấm thôi sơn vào quai hàm; Tư Đừng chới với thụt lùi, rồi bất thần đá tiếp một cú nữa. Vĩnh T. lách mình, thưởng một cú nốc ao... Tư Đừng bị đo ván. Tiếng vỗ tay, la ó, hoan hô liên hồi.
Hết trận đấu, tôi dắt em tôi về nhà dì Đồng Hoà. Dọc đường, tôi hỏi nó có thích đấu võ không? Nó nói coi đấu võ hay quá. Riêng tôi, tôi ghét các trò đấu đá này. Ai lại đi hoan hô cổ vũ cho hai người đánh nhau, treo giải thưởng, như vậy là dã man.
Xong lễ, thằng em tôi không chịu về. Nó lạy dì tôi nuôi nó, để nó quét nhà, lau tủ, rửa chén, v. v... dì tôi năn nỉ nó: “Con hãy về nhà với anh con, cố gắng chịu khổ và học hành. Học giỏi thì ai cũng thương. Rồi từ đó mẹ lớn không hành hạ đánh đập con nữa.... Dì tôi gói cho nó bộ quần áo may sẵn mà dì tôi đã mua cho nó hôm mặc đi xem lễ, một gói bánh xuân thu, và cho thêm hai hào bạc. Dì tôi rơi nước mắt... khi hai anh em chào dì để về nhà.
Hai anh em tôi đi bộ. Tới chợ chiều An Nhơn, trời đã đứng bóng. Hai anh em ngồi xuống gốc cây bàng, mở gói bánh ăn thật no. Tôi thấy nó cầm miếng bánh Xuân thu nhơi nhơi, bèn hỏi: “Em ngán à?”. Nó nói: “Ở nhà dì ăn cơm thịt nhiều quá. Còn no, không muốn ăn”. Tôi bỗng nhớ những ngày ở Gò Bồi, nhà thầy mẹ, nó ăn đói. Vì nó ăn quá chậm. Bữa cơm, nó ăn mới một chén thì trong rá cơm đã hết. Nó đứng gần tôi, tôi bỏ cho nó một trái cà vào chén, rồi lấy chân khều nó như ra hiệu phải ăn nhanh kẻo hết cơm. Nhưng nó vẫn ăn chậm. Nhiều bữa tôi ăn theo kịp các anh lớn (vì thầy mẹ tôi nuôi cháu trai rất đông, các anh ấy vừa được thầy tôi dạy học và giúp mẹ tôi làm hàng xáo) rồi đứng đợi em ăn hết, xới bớt cho em nửa chén cơm. Tôi suy luận ra rằng: Nếu được no ấm, ăn học đàng hoàng, thằng em tôi đã đổi khác. Nó không như bây giờ. Nó còn nhỏ quá, bảy tuổi mà phải xa má tôi, nó nhớ...
Bỗng nhiên, tôi lấy vạt áo lau miệng cho em và hỏi em có muốn ngủ không, sao đôi mắt em lờ đờ vậy?
Qua khỏi gò thị đã tới bến đò Kim Trì, nhà thầy mẹ tôi nằm trước mặt sông. Thằng em tôi mặt buồn xo, nó vừa đi vừa ngủ gục. Tôi bảo nó nắm tay anh vừa đi vừa ngủ, hay là vào điếm canh bên đường hai anh em nằm ngủ một giấc, rồi hãy xuống đò về nhà. Nhưng lúc bước xuống đò, ghe vừa rời khỏi bến Kim Trì chừng 5 thước, thằng em tôi sợ “về nhà” quá, nó nhảy ùm xuống sông. Người ta cứu nó lên. Tôi nắm chặt tay nó vì sợ nó nhảy xuống sông lần nữa. Có nhiều người trên đò biết nỗi khổ của anh em tôi, ai cũng rưng rưng nước mắt. Chị Phương chống đò, người đào hát cải lương, người bạn thân quý của tôi ôm nó vào lòng nựng nịu:
- Thôi, em ở với chị, chị nuôi...