Tập 1 -N

Hè ở Kim Trì
Tôi về tới Gò Bồi thì nghe tin thầy tôi đã được mời qua dạy ba tháng hè ở Kim Trì. Ông Nghè Hân mời thầy tôi dạy các con ông học tiểu học ở Qui Nhơn về, và bọn trẻ con quanh làng.
Tôi ôm má hôn vào vai má, má rưng rưng nhìn tôi, bóp nắn tay tôi coi những ngày học Qui Nhơn, tôi có ốm đi không. Tôi cúi xuống mân mê túi áo, rồi đưa cho má đồng bạc giấy mới còn hôi mùi mực in mà chú tôi đã thưởng cho tôi ở Qui Nhơn trong dịp nghỉ hè. Má cầm tiền, má chảy nước mắt và nói: “Con hiếu thảo quá. Nhờ trời, lớn lên con sẽ nên người... Má giữ đây cho con, hôm nào con xuống (giã) Qui Nhơn học thì lấy để cần mua sách vở gì...
Tôi về nhà thầy chào mẹ lớn, rồi đi qua Kim Trì ngay. Nhà ông Nghè Hân nguy nga rộng lớn, một tầng nhưng chứa có nhiều gian. Gian phòng tiếp khách của ông riêng biệt, rộng như một phòng họp, có tràng kỷ, bàn ghế gỗ tốt chạm xà cừ, một bộ phản gỗ láng bóng chiều dày hai tấc ta. Tường treo nhiều liễn đối, trướng thêu và đồng hồ quả lắc vào loại đắt tiền. Lúc đó vào khoảng hai giờ chiều. Ánh nắng vàng đậm giữa một vùng rộng lớn. Trước khi vào sân nhà ông Nghè Hân tôi không dám bước vào, mà đứng ngắm cái hàng rào duối xén thẳng băng... Tôi nghĩ rằng mình vào đây, ăn mặc phải sạch sẽ, và nhất là phải lễ phép.
Thầy tôi ngồi dạy trong một phòng rộng lớn, và bàn ghế thẳng tắp, có lẽ ông Nghè Hân cho khuân về từ ngôi trường làng. Thoạt đầu thấy tôi thầy tôi hạ mục kỉnh, và giới thiệu với ông Nghè Hân: “Thằng con trai lớn của tôi học ở Qui Nhơn về nghỉ hè”.
Ông ngoảnh nhìn tôi, gương mặc trầm tĩnh:
- Chào cậu. Cậu học giỏi nổi tiếng. Mừng cho cậu.
Tôi ngượng và cũng có vẻ sợ nữa. Tôi rón rén ngồi bên mép ghế của một cậu học trò nhỏ đang chăm chú làm bài. Thì ra ông Nghè Hân xuống phụ với thầy tôi thử sức học trò để phân chia theo lớp. Tôi ngồi im, lắng nghe: Thi toán và mấy câu địa lý.
Đề thi của toán:
“Một bầy chim sẻ 45, bắn trúng ăn ba, trật chung năm. Hỏi trúng mấy lần, trật mấy lần?”.
Đề thi địa lý:
“Tại sao học trò phải học địa lý? Trò hãy kể một nước trên thế giới mà trò biết, bất cứ nước nào?”.
Thời hạn: Toán ½ giờ - Địa lý ½ giờ.
Đúng một giờ 15 phút, được thu bài giải đáp.
- Toán, đa phần trật, vì toán để mẹo, duy chỉ có một học trò lớp baytrường Tổng em Thìn đáp số: trúng 10 trật 3.
- Về đề thứ 2: có một trò tên Điệp, con ông thợ mộc bến Kim Trì, trả lời một câu rất ngộ: “Em nghe nói trên thế giới, có nước Nga vì nước này hiện nay mọi người sanh ra đều bình đẳng, không bị ức hiếp, ai cũng có công ăn việc làm...
Tôi lạnh xương sống khi nghe thầy tôi đọc bài em Điệp. Ông Nghè Hân thì mặt mày tái mét. Ông nhìn thầy tôi dò xét, thầy tôi chỉ mỉm cười và im lặng...
Ông Nghè Hân, tôi nghe nói ông không đậu tú tài Hán học, trước kia, ông chỉ làm xã trưởng Kim Trì nhờ có tiền bạc... nên ông mua chức hàn lâm (nghè).
Lối suy nghĩ và hành động của ông đặc biệt phong kiến, tôi đã trông thấy ông đánh thằng Hải con út của ông chỉ vì nó đã đánh bạc, xúc trộm mấy giạ lúa bán. Ông cho hai thằng đè hai phía đầu và chân, nghĩa là bắt nó nằm sấp không cựa quậy được, rồi cho thằng thằng anh trai lớn vác roi mây nện, cây roi mây này là mây gốc, đàng đầu có những chai cục đặc sệt, trẻ con nhìn vào khiếp vía!
Thằng Hớn, con trai lớn thương em, đánh nhẹ, ông ngồi nóng mặt, cáu, đuổi cả ba đứa đi, một mình ông với thằng Hải ở lại, ông bắt thằng Hải quỳ và quất lia lịa, cấm thằng này chạy, rồi nó đau quá đổi chỗ, ông thét lên: “Qùi, tao bảo quì, không thì chết!”. Thằng Hải sợ quá, sợ ông hơn sợ cọp, nó phải quì chịu đòn cho đến khi máu chảy lênh láng trên nền gạch...
Lần nữa là cô Chín. Cô Chín kêu ông bằng cậu ruột. Cha cô mất sớm, cô ở với mẹ. Nhà cô buôn bán lớn, cô ăn cắp vàng và tiền bạc đi theo trai, bị mẹ bắt được, giao cho ông xử giúp.
Hồi mới qua Kim Trì, tôi ăn bữa cơm đầu đàng hoàng lắm, bỗng nghe thấy rục rịch một sợi dây xích kéo lê trên mặt sân nhà bếp, tôi quay ra thì thấy một cô gái khá đẹp, tóc bị cắt trụi lem nhem và bềnh bệch những vết đen như dầu hắc, tôi chẳng hiểu mô tê gì, rất lấy làm thương xót, sau mới hiểu là cô bị ông Nghè Hân xiềng, cạo trọc đầu, nhốt trong nhà để củi...
Tại trường Văn Quang
Chị Nho Văn
Tại sao khi nói đến trường Văn Quang, tôi lại nhớ chị Nho Văn tôi trước. Vì, chị Nho Văn là một người quê mùa chân chất, rất tốt, tình yêu thương của chị đối với tôi không bao giờ tôi quên được, dù bao lâu năm tôi vẫn nhớ và kính yêu chị như một người mẹ Việt nam muôn thuở.
Chị Nho Văn là vợ của anh Nho Văn nhà tôi. Anh là con của bác tôi, gia đình họ Ngô, đậu tiểu học về đi dạy, sau đó ở quê nhà mất mùa hạn hán, kiếm bát cơm ăn với nhút là rất khó. Anh thương vợ, bỏ vào Nam tìm kế sinh nhai định bụng rằng sau khi làm ăn có tiền sẽ về quê đưa vợ vào sum họp. Tôi gặp anh qua một buổi chiều hè oi ả, anh dáng người chân chất hiền lành, chân đi giày bata, tay cầm một cây quạt xếp, giống hình vẽ chàng Kim Trọng trong tập Thuý Kiều truyện của Nguyễn Du. Anh nhìn tôi cười và rất quý mến tôi, bởi anh biết tôi đã đậu Primaire. Anh cho tôi biết là anh ghé thăm chú thím vài hôm, rồi đi thẳng Sài gòn, có người bà con nhắn là sẽ có một chân thư ký ở một hãng tư Khánh Hội, lương đủ sống.
Biết thế, song lúc đó tôi còn nhỏ không hiểu rõ ý nghĩa cuộc sống là thế nào, im lặng, chỉ nghe anh nói...
Rồi thì tháng ngày qua, một buổi khi trời nhá nhaem tối, tôi gặp một chị phụ nữ bận váy, tới hỏi tôi có phải đây là nhà ông Hàn Ngô Xuân Thọ không? Tôi đáp: “Phải”. Rồi mẹ tôi ra đón chị. Tôi mới biết đó là chị Nho Văn, chị vào Nam tìm chồng. mẹ tôi tiếp đón chị không niềm nở cho lắm, và chị ở lại gia đình tôi từ đó.
Sáng, chị dậy quét dọn nhà cửa, nấu nước pha trà, trưa thổi cơm cho một lũ lóc nhóc trên mười đứa ngoài thầy mẹ tôi, còn một số các em ở trọ ăn cơm tháng và là học trò của thầy tôi.
Sau khi thầy tôi đổi lên Văn Quang làm hương sư trường làng, chị Nho Văn cũng gánh nồi niêu, chén bát đi theo. Tôi chỉ nhớ mỗi bữa cơm chỉ có một rá cơm đầy, trộn bắp hoặc khoai, một tô mắm kho và một mớ rau chuối xắt nhỏ bỏ trên mâm. Tội nghiệp chị Nho Văn, bữa nào tụi nhóc ăn dư, thì chị chỉ ăn vào chỗ cơm và mắm thừa đó. Chị chăm sóc tôi và em tôi, giặt giũ quần áo và tắm rửa sau một ngày học tập, chơi đùa lấm láp...
Rồi mùa đông tới. Mưa xối xả tràn ngập ruộng đồng, đi lại khó khăn. Cơm nước thổi nấu khói mờ mắt vì củi ướt...
Chị Nho Văn không sợ mẹ tôi, nhưng chị né tránh một người đàn bà ăn to nói lớn, rạch ròi, không sợ mếch lòng người. Lắm lúc rỗi việc, hoặc đem chén bát ra rửa ở cầu ao sau trường làng, chị hay ngó về phía làng xa trong sương chiều ảm đạm... Tưởng nhớ quê hương của mình, và có lẽ chị nhớ chồng: anh Nho Văn...
Một buổi trưa, sau khi cơm nước xong, mùa đông không ánh mặt trời, tôi xách gáo ra bờ ao rửa mặt. Từ bếp xuống cầu ao đường xô dốc, tôi đi thế nào mà trượt ngã xuống ao, không kìm lại được. Lúc tôi trôi giữa lòng ao nước ngập chảy xiết, thằng em tôi đứng trên bờ nhìn thấy, nó khóc ré lên và la làng xóm: “Ôi làng xóm ơi, cứu anh tôi với, ơi bà con làng xóm ơi, anh tôi chết trôi rồi!.... Và nó chạy băng xuống dốc, trượt chân ngả, nhưng nó nắm được bụi cỏ và ôm cứng lấy và cứ la: “Ôi làng xóm ơi, cứu anh tôi chết trôi, ôi làng nước ôi...
Lúc đó có một già chăn vịt ghìm xuống chận đầu nước chảy và kéo tôi lên bờ. Tôi thất hồn, run lập cập. Ông bảo tôi ngồi lên xuồng và chở tôi về bến cầu ao sau trường. Thằng em tôi nó mừng quá, ôm chầm lấy tôi, nó run lập cập: - Anh còn sống là được rồi!
Tôi bỗng thấy chị Nho Văn cầm trên tay một bộ quần áo bà ba vải đen và đến thay quần áo cho tôi. Chị dặn. Chị dặn: “Ngồi đây chơi một lúc đã. Hai bác đang la dữ lắm!”.
Và lúc đó tôi đi ngang qua nhà dưới để lên lớp học, tôi nghe mẹ lớn tôi nói: “Sao không chết rấp đi cho rồi! Không lý bắt tao nuôi báo cô mãi!....
Chị Nhiễm
Văn Quang là nơi tá túc nương tựa của tôi những năm lên bảy lên mười, tình yêu thương giữa bà con cô bác trong vùng đượm tình gia đình máu thịt.
Những trưa hè oi bức tôi lội qua những con mương nhỏ, những đường làng quanh co, quạnh vắng để đi tìm xoài. Tôi nhớ chị Nhiễm, học trò lớp tư của thầy tôi, cứ trưa đứng bóng là chị ra đứng dưới bóng cây xoài trường chỉ, tay cầm sẵn một cái khèo nèo rất dài thậm thượt để chọn cho tôi những quả xoài tượng chín cây mà tôi rất ưa thích.
Tôi nhớ bà má Năm (mẹ anh Châu, Châu học cùng lớp với tôi) chú ý khi tôi đi qua nhà thì gọi vào, lúc cho khúc khoai mì nấu, tảng đường đen, hoặc khúc mía róc... Bà cười, ôm tôi vào lòng, hôn lên tóc tôi và khen tôi học giỏi quá, tướng này sau làm quan...
Ông Cửu Chân, ba anh Châu, thầy tướng số có nhiều sách chữ nho, nói: “Thằng này tướng ngũ đoản, sau sẽ có sự nghiệp lớn”...
Tôi không hiểu ông nói như vậy là ngụ ý gì?
Ôi cái trường Văn Quang nhỏ bé ơi, các bạn học trò chân chất hiền lành của tôi ơi, các bạn là những người bạn nhỏ rất dễ thương và ai cũng chăm lo học hành; ngày lễ tết thầy tôi, cha mẹ học trò không quên cho ông Trúc, phu trường, vài chén nếp, vài chục bánh tránh hoặc cân đường, vì ông là cố nông không ruộng đất, sống nhờ bốn đồng bạc lương mỗi tháng để nuôi con. Thằng Long, con ông mới 5 tuổi, cũng vào học lớp năm, nó thường ở trần vào lớp, mũi dãi lòng thòng, thầy tôi thường bắt tôi đi rửa mặt cho nó, và hỏi tôi có cái áo nào chật, mặc không vừa thì cho nó... Trưa nào đi chơi về, tôi cũng ghé vào nhà nó cho nó mấy trái sim hái được ngoài gò, nó mừng cười hi hí để lộ mấy cái răng sún... Ôi thằng Long, nhớ lại cảnh hẩm hiu của cha nó, vì mẹ nó chết khi nó mới lọt lòng, nhiều hôm vào nhà ông Trúc gặp cha con đang ngồi ăn cơm khoai chỉ có đĩa muối ớt... nhắc đến tôi chỉ muốn khóc...
Trước trường, một cái sân rộng, hai cây kẹo đã nhiều tuổi, đứng vững, trái lá xum xuê những ổ chim lòng thòng như những quả mướp lớn. Tiếng chim ca suốt ngày, hấp dẫn tuổi thơ, chim làm tổ rất nhanh và rất đẹp, chắc, bàn tay người vụng về khó lòng làm được.
Ông phu trường cấm học trò không được bắt chim, không được lấy trứng chim, hoặc khèo một cái ổ chim dày làm banh để đá. Mấy trò biết không, động ổ, nó kéo đàn đi hết thì sân trường buồn lắm...
Sau ngày giải phóng (1975) tôi có ghé thăm làng Văn Quang. Ngôi trường không còn nữa. Và người thì lạ hoắc. Tôi đứng dựa lưng vào gốc bàng trước chợ, nghỉ mệt. Rất may là anh Thại con chánh Ba còn nhớ tôi, anh làm Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, đem xe Honđa chở tôi đi thăm bà con trong vùng. Đến nhà chị Nhiễm, nghe con gái nói có khách, chị ùa ra, và khi biết tôi đến thăm chị mừng quá, giữ tôi và anh Thại ở lại ăn cơm cho bằng được. Chị cho ăn một bữa cá rô kho với lá nghệ, cá trê chiên dầm nước mắm xoài tượng, chấm với bông giờ, một thứ hoa tím mọc hoang hai bên bờ mương. Tôi bỗng nhớ những ngày xa xưa, tôi đi theo anh Châu đặt lờ, lờ đặt những chỗ ruộng sũng, nước xối, vài tiếng đồng hồ sau quay lại cá rô và cá trê đầy lờ.
Bữa cơm lạ miệng và rất ngon.
Chị Nhiễm hỏi thăm thầy mẹ tôi, thằng em trao tôi, rồi chị nhìn tôi một chặp: “Ông Xuân Diệu nổi tiếng về thơ văn cả nước ai cũng biết. Vậy là ông đi theo cụ Hồ suốt ba mươi năm”. Chị cười buồn, như nhớ lại một kỷ niệm gì...
- Ờ, ờ, cái cây xoài ở nhà tôi bên Văn Quang vẫn còn. Vẫn như vậy. Trái sai lắm. Ông có muốn ăn xoài tượng chín cây không? Đây là nhà chồng tôi, tôi đã được ba cháu. Đứa lớn 25 tuổi, thợ sửa xe Honđa, đứa kế 24 tuổi, đi theo Giải phóng, hắn có gởi thư về, hiện bận công tác xa chưa về thăm nhà được, còn đứa út con gái còn đi học, mười bốn tuổi, nó đi lấy xoài cho ông kìa...
Tôi nhìn ra cửa. Cháu bé gái đội trên đầu một rổ xoài tượng vàng ươm rất ngon. Tôi xin kiếu và rất cảm ơn chị Nhiễm đã cho ăn cơm và cho xoài.
Anh Thại dẫn tôi dạo loanh quanh làng... Trời! Cái bàu sau trường Văn Quang vẫn còn đó, hồi nhỏ mình thấy bờ bến này qua bờ bến kia rất xa, bây giờ nước chỉ tới đầu gối, vén quần lên lội vài bước là hết.
Qui Nhơn
Tuổi nhỏ, lúc lên 10, lần đầu xuống Qui nhơn, tôi ở nhà chú tôi. Ở phố Năm Căn nằm dựa mé sông, gần bót cảnh sát thành phố.
Chú tôi làm công chức nhà Đoan, nhà nghèo chẳng có gì, ngoài bộ bàn ghế ăn cơm và vài cái giường nằm ngủ, một chiếc tủ gỗ nhỏ đựng quần áo và giấy tờ làm việc của chú tôi.
Phố vắng. Xa xa có vài mái nhà tranh, chen chúc hèn mọn bên cạnh nhà thờ Thiên chúa giáo to lớn, đồ sộ, với con đường me dài rộng. Tuổi nhỏ nhìn thấy những hàng me nằm dọc hai bên đường, trĩu quả, tôi vô cùng thích thú. Chao ôi! Cứ mỗi trưa chú tôi ngả lưng nằm nghỉ, là tôi chạy ra con đường me. Vô số là quả me dốt chín rụng! Ban đầu gặp một vài quả chín rụng thì mừng bóc vỏ ăn liền, nhưng sau đó, qua một cơn gió bấc, vô số me chín thi nhau rớt lộp độp trên mặt đường dường như có ai ngồi trên cây thảy xuống.
Hai bọc áo bà ba đầy ứ, và cũng ngán me rồi, tôi lững thững về nhà - đem chia cho những đứa trẻ cùng xóm Năm Căm trạc tuổi tôi.
Trời vừa xẩm tối, một ông cụ già vác thang tựa vào cột đèn gỗ không cao lắm, tôi thấy ông đổ dầu vào ngọn đèn đường đoạn ông lấy diêm châm lửa cho đèn sáng lên. Cả dãy phố không tên đường, đều được ông thắp sáng như vậy.
Suốt ngày, không thấy xe hơi. Thỉnh thoảng một chiếc xe kéo ì ạch đi qua, vài ông lính cảnh sát đạp xe về Sở làm.
Ở thành phố Qui Nhơn, con đường Gia Long là lớn nhất. Các cửa hàng buôn lớn và nhỏ cùng tiệm ăn phần lớn là của người Hoa Kiều. Tiệm buôn lớn nhất thành phố lúc bấy giờ là tiệm Toàn Phát, xuất nhập cảng, rồi đến Đồng Nguyên, Thái Hưng...
Mấy ông chủ hiệu này đều nghiện thuốc phiện, tôi nghe người ta nói những người nghiện đa mưu túc trí, một đồng thành năm thành mười rồi cứ thế mà nhân lên... và trở nên giàu có.
Thành phố Qui Nhơn có 4 bang Hoa Kiều là Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam, Phúc Kiến. Bang nào cũng có nhà hội quán và chùa thờ, chùa thờ lớn nhất chung của bốn bang là chùa Bà, nằm day mặt sông. Cứ hàng năm cúng tế lớn kéo dài hàng tuần, và đúng rằng tháng bảy thì cúng cô hồn, xô dàn đông vui, nhộn nhịp.
Người Hoa Kiều sống đoàn kết. Trong bang, ai làm ăn túng thiếu, họ vui lòng cho vay mượn làm vốn liếng mua bán, giúp đỡ nhau những cơn nguy ngặt.
Ngày 14 Juillet (lễ Chánh chung) múa lân, rước đèn dài hàng cây số, ban tổ chức người Hoa cho người mang theo dọc đường nước uống, và thuốc lá hút...
Ngày tuổi nhỏ, nghe tiếng trống múa lân sao ma vui thế, lòng trẻ háo hức muốn lên cao, lên cao, bay lên...
Cho đến năm mười bốn tuổi, tôi lại xuống Qui Nhơn lần nữa, lần này ở lại học luôn. Tôi học lớp nhì lớn (Moyen 2è année) và ở nhà chú tôi. Tôi học giỏi đến nỗi chú tôi tháng nào cũng vỗ đầu xoa tóc tôi và cho tôi đồng hào đôi (20 xu). Sau năm học lớp nhì lớn, chuẩn bị lên lớp nhất, học bạ ghi: Prix d’excellence. Bon élève, regrettable qu’il bégaie(1).
Chú tôi xem học bạ xong, rồi cười ngất. Con đứng đầu lớp như vậy là tốt. Còn cà lăm thì sửa được, dễ ợt. Chú bày cho, khi nói chuyện với bạn hay bất cứ ai, thủ sẵn một chiếc kẹo, ngậm trong miệng, cứ tự nhiên nói chậm đừng hấp tấp nói mau, lâu sẽ quen dần và hết.
Chú thím tôi hết lời khen tặng. Rồi chú tôi nhìn thím tôi nói nhỏ gì đó, một lát thím tôi lấy một đồng bạc mới nguyên nhét vào túi tôi: “Con giữ lấy để nghỉ hè về thăm nhà, chú thím thưởng cho con đó”.
Chú tôi cho phép tôi đi rong phố, dạo biển... Một tuần lễ. Rồi về quê cho thầy mẹ tôi mừng.
Tôi ghé thăm dì Đồng Hoà tôi ở Phố Gia Long trước khi về Gò Bồi. Dì tôi giới thiệu tôi với cô Hồng Loan, con gái út ông Bang Đồng Nguyên. Cô Hồng Loan học trường Đồng Khanh và cũng đương độ nghỉ hè. Cô đẹp bởi khuôn mặt trái xoan thanh tú không son phấn. Cô khép nép chào tôi và nói toàn tiếng Pháp, một thứ tiếng Pháp sành sõi, đúng giọng đúng văn phạm. Dì tôi mời cô ăn cơm với dì cháu tôi. Cô nhận lời. Bữa cơm toàn đồ chiên xào và lạp xưởng ăn chẳng hết.
Tôi dạo quanh thành phố, trừ mấy nhà Tây cao tầng và biệt thự của ông thầu khoán T.S.T là đẹp nhất, còn thì vào loại thường bậc trung.
Chiều nào tôi cũng đi chơi biển. Biển Qui Nhơn đẹp và sạch sẽ. Hai bên đường biển, hai hàng thông cao vi vút gió. Gần nhà dây thép, cuối đường biển có một cây bàng đã nhiều tuổi, cao lớn, trái rụng đầy gốc, nhiều trái còn nguyên màu vàng đượm, da láng rất ngon, song tôi nghĩ mình đã lớn nên không dám lượm ăn...
Cầu tàu là chỗ Tây đầm tắm, không ai dám lại gần. Họ mặc đồ tắm đủ màu, rồi từng người ra cuối miếng ván gỗ, chụm hai tay lên cao đâm đầu xuống biển lặn, hụp. Phía trên, xa vài trăm thước là bãi tắm của công, tư chức, của học sinh, người rách rưới bần hèn không bao giờ thấy mặt ở đó. Tôi có cảm giác buồn buồn vì sự cách biệt của con người, giàu có và nghèo nàn.
Hết hè, tôi trở lại trường. Thầy mẹ tôi không ở Gò Bồi nữa, đã đem cả gia đình xuống Qui Nhơn.
Tôi đã hết nói cà lăm, vì làm theo lời chú tôi dạy...
Tôi đã học gần xong lớp nhất rồi, mà thằng em trai tôi chưa đi học. Nó phải ở nhà gánh nước, rửa chén, dọn dẹp nhà cửa, vì mẹ lớn tôi nấu cơm tháng cho học trò ăn và ở luôn tại nhà.
Đi học về bỏ sách vở ra, cởi áo dài, tôi phải phụ em tôi lau chén bát, xới cơm, và bưng mâm lên nhà hầu học trò...
Tối lại, mỗi khi rảnh rang ôn bài vở, nhìn thấy em tôi, tôi rất thương. Nó sợ mẹ lớn đánh đòn, nên nó phải chăm lo làm việc... Nó gánh nước rất khỏe. Làm việc cả ngày không nghỉ tay, nên tối đến, nó đã vác chiếu vào bếp nằm ngủ.
Các thầy dạy tôi là những giáo sư dạy giờ. Cứ xem thời khoá biểu, tiếng trống thay giờ là một giáo sư khác đến. Tôi sợ nhất là giờ toán hình học của thầy L. A..., lai rai lại bị điểm xấu. Thầy L. A thường chú ý trò nào kém toán nhất thì chiếu cố, nên bọn nhãi chúng tôi rất sợ thầy.
Hãy biết rằng anh lúc ở trường
Rất tồi toán pháp, khá văn chương.
Chàng trai đi học nghe chim giảng
Không thuộc bài đâu, ấy sự thường.
Bên cạnh nhà dì Đồng Hoà tôi có một tiệm vàng hiệu B. T. phố nhỏ thôi, nhưng sâu hun hút, có bàn ping-pong tập trung các thanh niên ăn chơi như con trai ông T. S. T., tay thầu khoán giàu có số một Qui Nhơn, có biệt thự gần bờ biển với vườn xoài, nhãn xum xuê trái, có xe hơi nhà, bọn tay sai vô ra nườm nượp, và mấy cậu học trò con nhà giàu ra Hà nội họ nghỉ hè về đứa nào cũng mặc tây đúng mốt, giày màu, đội mũ Fléchet, đi ngoài đường trên tay mỗi đứa cầm một hộp thuốc lá Tây. Thằng L. Tán chị Hồng Loan, cháu gái dì tôi, bị chị nẹt vì khinh nó dốt: Ra Hà nội nó chơi, ăn diện, đi nhảy nhót, chẳng học hành gì.
Câu chuyện thú vị dưới đây là do tôi được nghe anh X., bạn học cũ của L. nói lại: “Hôm đó bọn mình một tốp năm đứa đi nhảy về, giữa đường gặp mưa, bọn mình tạt vào bar Chí Thành uống nước. Bọn mình đang uống cà phê hút thuốc, thì bên cạnh đó một ông trung niên, người thấp, chắc, đầu hói, mặc ka ki vàng, nhưng túi áo trên có lòng thòng sợi dây đồng hồ vàng, ông đang dùng bữa cơm tối: bít-tết, xa-lát với rượu chát trắng...
Ông này thì mình còn lạ gì: Tham tá Toàn, kỹ sư cầu cống, hiện làm ở Sở Lục lộ. Ông ăn uống chậm chạp, không thèm nhìn bọn mình. Bỗng ông ngoắt tay gọi người phu xe kéo mà ông thuê giờ vào ngồi bên cạnh. Người phu xe kéo tưởng ông trả tiền xe, không dám ngồi. Ông đứng dậy ấn hai vai anh phu xe ngồi xuống, đoạn kêu bồi: - Một phần ăn như thế này nữa và bánh mì, cho thêm một cái ly. Anh kéo xe nhìn vào bộ áo dơ bẩn của mình với đôi dép vỏ xe đầy đất bụi, cứ nhổm người, không dám ăn uống tự nhiên. Ông rót rượu vang vào cốc, cụng ly với anh phu xe, cười:
- Ông xuất thân là giới bình dân mà, (ông giơ đôi chân mang giày ba ta cũ lên) ông thông cảm với các cháu. Ông rất mến nghề kéo xe vất vả của cháu. Do hoàn cảnh cả. Ông lại chúa ghét bọn công tử mà ăn bám vào cha mẹ, bọn nó dốt, học hành chẳng ra gì, mỗi thằng sắm được bộ cánh điện thì vì muốn le với đào, bọn nó đổi áo cho nhau. Còn giày thì nó sám giày tốt “peau de daim”. Nhưng thật ra đi chơi về, sợ chuột cắn, nó bỏ trong bao trêo lên vách... Bọn nó có cái “mã” ngoài, bên trong chẳng có gì. Còn ông thì mặc xuềnh xoàng, ka ki vàng, giày ba ta... Để tiện xê dịch, nằm đâu ngủ cũng được, có rách thì may bộ khác... cũng chẳng sao... Mấy thằng kia biết tay kỹ sư xỏ bọn mình, nên lặng lẽ chuồn.
Đi rồi chúng còn nghe anh phu xe kéo, biết có say rượu không, phá lên cười một tràng dài và chửi đổng: Mẹ kiếp!...
Lớp đệ nhất thành chung, tôi được học bổng ở ký túc xá, ăn và ở luôn trong trường. Chiều thứ bảy hôm đó, người phu xe trường đưa cho tôi bức thư, chị Hồng Loan dặn: “Anh ra ghé dì Đồng Hoà, tôi cần gặp anh để chia tay”.
Sáng chủ nhật, tôi từ ký túc xá đi thẳng về nhà dì tôi; tới nơi tôi thấy cô Hồng Loan đã bày sẵn bánh ngọt, cà phê và ngồi chờ... Cô vồn vã bắt tay tôi và cho tôi biết rằng: Cô sắp từ giã Qui Nhơn để đi Hồng Kông theo lệnh của ông Bang Đồng Nguyên, bố cô. Tôi nhớ đêm hôm đó trăng mười sáu... “Trăng rất trăng là trăng của tình duyên”.
Thật ra hai chúng tôi không có hứa hẹn một câu gì, mà cả hai đều thoáng buồn như đã có một lời nguyện ước. Cô Hồng Loan hơn tôi những ba tuổi, người con gái Tàu có đôi mắt xếch rất đẹp...
Chú thích:
(1) Giải thưởng loại ưu, tiếc rằng nói cà lăm