Tập 2

Xin bạn đọc chú ý: Những sự việc tình cảm trong hồi ký phần lớn thuật lại theo thứ tự thời gian đã sống. Song có những trường hợp thuật lại theo thứ tự của dòng hồi tưởng, khớp với lô-gíc của trí nhớ. Hồi ký viết năm 1986.
Tháng 10-1927, tôi đã lên học lớp tư trường Dị Long được một tháng, thì một buổi chiều trời hơi mưa và gió lạnh, có người vào lớp cho tôi biết là có người nhà bà ngoại tôi ở dưới Hạ lên, muốn gặp tôi ngay. Tôi ra thì gặp cố Chắt Lượng người họ rất thân với mẹ tôi. Cố cho biết mợ Vân tôi (cậu Vân là em trai mẹ tôi) sắp vào Thừa Thiên, và muốn đem tôi đi, cho tôi vào ăn học trong đó. Tin đột ngột này làm tôi bỡ ngỡ, nhưng tôi cũng khấp khởi mừng thầm được đi, nhất là được bảo đảm ăn học, vì nhà tôi nghèo lắm nếu tôi cứ tiếp tục học ở Dị Long thì chắc cũng chỉ đến lớp nhất, lấy cái bằng tiểu học rồi là về nhà... Tôi xin phép thầy nói là về nhà có việc trở vào chào bác Nhỡn, rồi tôi cùng cố Chắt Lượng đi nhanh về nhà tôi ở xã Ân Phú. Mấy hôm ở Dị Long và Ân Phú mưa ít, nhưng ở nguồn mưa to nước lũ đang đổ về. Từ xóm dưới làng tôi đi ngược về xóm nhà tôi nước đã lấp xấp ngang bắp chân. Tôi về đến nhà thì thầy mẹ tôi cũng đã biết tin do bà ngoại nhắn lên vài tiếng đồng hồ trước. Thế là cả nhà cấp tốc chuẩn bị cho tôi đi vào ngày hôm sau. Nói là chuẩn bị, sự thực thì chỉ gói vài cái quần áo, mấy quyển sách học và vài quyển vở. Trưa hôm sau, trời còn hơi mưa, tôi đứng nơi thềm nhà nhìn những giọt mưa từ mái tranh rỏ xuống rãnh sân nhà buồn đứt ruột. Tôi lại đi thờ thẫn quanh nhà một lần nữa, nhìn vườn rau còi, nhìn cây mít cà, nhìn đõ ong mà chậu nước dưới chân giá đã mốc meo, nhìn cây quế bên nhà long thần bị trâu cọ mình vào hơi nghiêng... Nhìn tất cả cảnh vật quen thân mà lòng tôi não ruột. Chú Cu tôi biết tôi sắp đi, cũng chạy sang đưa cho mẹ tôi mấy quan tiền, gọi là tiền đi đường cho cháu. Tôi đi chào bà con ở gần nhà nhất, và hơi xế trưa mẹ tôi dắt tôi đi bộ xuống xóm dưới, gọi là xóm Boóng. Ở bến xóm Boóng sẽ có dượng Nuôi Ty đem đò đón để đưa mẹ con tôi về bến bà ngoại ở làng Tùng Ảnh. Từ xóm nhà tôi đến bến xóm Boóng nước lụt đã lên cao hơn hôm trước, mẹ con phải bì bõm lội từng chặng dài, có nơi lút đến ngực tôi. Mẹ tôi phải đi rất thong thả, vì đường có bùn trơn ở dưới, và phải dò từng bước sợ tụt xuống hố, và tay phải dắt tôi từng bước một. Nước lụt thì lạnh, mà mẹ con tôi đều không có áo ấm, khi có gió lạnh thổi tôi run cầm cập. Mẹ tôi chỉ cắn răng lại và bảo tôi “Cố gắng lên con, về nhà bà ngoại sẽ ngồi bếp ấm”, “Cố gắng mà đi, may mà học nên người quay lại về nhà thì khổ lắm, và xấu hổ lắm.... Cứ như vậy hai mẹ con trườn từng bước cho đến bến xóm Boóng, lúc đó trời đã xế chiều, sông tạnh vắng. Dọc đường có gặp một vài người quen ở xóm dưới, họ đều hỏi: “Mẹ con đi đâu mà vất vả thế, sao không chờ cho nước rút hẳn hãy đi.... Mẹ tôi chỉ cười qua quít và đáp: “Về thăm bà ngoại...; mẹ tôi không muốn cho ai biết là tôi được đi học xa. Ra đến bến thì thấy dượng Nuôi Ty (chồng o Biên, con gái nuôi của ông bà nội tôi) chờ sẵn, đò buộc vào một gốc sung ở bến. Hai mẹ con lên đò, dượng Nuôi Ty một mình chèo đò xuôi.
Nước sông dường như đã chững lại, lụt bắt đầu rút nhưng cảnh sông nước mênh mông với những củi rều trôi giạt lềnh bềnh làm cho tôi đang buồn xa nhà lại bùi ngùi thêm. Mẹ tôi thì chỉ nóng ruột, mong sao cho mau đến bến bà ngoại, là bến Đình, dưới chân đê, quá đồn Linh Cảm chừng cây số rưỡi. Lúc đò qua đồn Linh Cảm, ở dưới bến là ngã ba Tam Soa (ngã ba sông, một nhánh đi về Hương Sơn, một nhánh đi về quê tôi) tôi lại càng nhớ nhà, ứa nước mắt, vì bao nhiêu lần tôi đã theo mẹ tôi về thăm bà ngoại, ghé bến Tam Soa này lúc đi cũng như lúc về. Mẹ tôi lại giục dượng Nuôi Ty chèo thẳng về bến Đình...
Về sau, trong một bài thơ, tôi có nhớ cảnh ngã ba sông Tam Soa mà viết mấy câu sau đây:
Tới ngã ba sông nước bốn bề
Nửa chiều gà lạ gáy bên đê
Làng xa lặng lẽ sau tre trúc
Bến cũ thuyền em sắp ghé về...
Đò cặp bến Đình, thì mẹ con vội vàng chạy vào nhà bà ngoại, bên cạnh một cái đền thờ gọi là “nhà thánh”. Bà tôi mừng quá, vì bà đang lo mẹ con không về kịp thì mợ Vân đi mà không đem tôi đi được. Mợ Vân nói: “Hai vợ chồng tôi hiếm hoi (lúc đó mợ đã đẻ mấy lần sinh mà không nuôi được), anh chị lại túng bấn, nên tôi có bàn với bà là nói anh chị cho thằng cháu (tức là tôi) vào với chúng tôi, cháu sẽ ăn học cho đến đỗ Prime rồi sau sẽ tính.... Mẹ tôi sung sướng cảm ơn cậu mợ và ứa nước mắt... Sau đó, bà ngoại tôi ngồi bên bếp nói riêng với mẹ tôi: “Tội nghiệp nó hiếm hoi, tao cũng bàn mãi với nó để vợ chồng nó nhận cho thằng cháu vào ăn học... Thế là mẹ cũng yên lòng, vì mẹ thấy số kiếp con lận đận quá”, nói xong bà ngoại cũng ứa nước mắt. Lúc đó cậu giáo (là con trưởng của bà ngoại) đi vào thấy mẹ con tôi thì cậu nghiêm nét mặt hỏi: “Xuống làm chi đó?”. Mỗi lúc tôi gặp cậu, tôi cứ sờ sợ, vì tôi có cảm giác cậu không thương mẹ tôi lắm, và mẹ tôi hễ gặp cậu thì cũng né né, nhất là lần này sợ cậu phản đối việc mợ Vân đem tôi đi cho ăn học... Nhưng cậu hỏi qua thế thôi, vì hình như bà ngoại cũng đã nói qua với cậu việc này, và cậu cũng đã đồng tình, không có cớ gì để ngăn trở... Thế là qua phút hồi hộp của mẹ tôi. Tối hôm ấy tôi ngồi bên bếp của bà ngoại thấy thật ấm lòng. Bà ngoại thương mọi người con đều nhau, nhưng dường như thương mẹ tôi nhiều hơn một chút, vì gia cảnh nhà tôi nhiều chuyện buồn, vì mẹ tôi khổ trăm bề, mà bà ngoại cũng chưa có cách gì cứu giúp mẹ tôi. Về sau lớn lên, học ở Huế, học ở Hà Nội, mỗi kỳ nghỉ hè về quê, bao giờ tôi cũng ghé thăm bà ngoại trước. Dù tôi đã lớn, bà vẫn xem tôi như trẻ nhỏ, cho tôi ăn từng bát cơm nếp, từng củ khoai lang, khoai giong, từng bát lạc luộc... Khi về già, người bà nhỏ chắt lại cũng như bà nội tôi, nhìn bà tôi thương lắm.
Người bà nhỏ lại, nhưng giọng bà nói vẫn vang, vẫn rõ lời, vẫn ung dung thư thái. Lòng bà rộng lượng hải hà, thương người, ít giận ai lâu. Mẹ tôi cứ vừa đến cửa nhà bà là oà ra khóc, khóc vì tủi phận; mỗi lần thế bà lại phải an ủi, dỗ dành mẹ tôi. Đêm hôm ấy mẹ tôi mợ Vân và bà tôi ngồi nói chuyện với nhau lâu, câu chuyện xoay quanh việc cậu mợ Vân nuôi tôi ăn học.
Mợ Vân lúc đó khoảng 26, 27 tuổi, người mảnh dẻ răng nhuộm đen, bít khăn nhung đen, tóc bỏ đuôi gà bận áo dài lụa đen... Nét mặt mợ không nghiêm nhưng cũng không tươi cười, mợ nói chuyện thong thả, lời rành mạch. Mợ chỉ mong thằng cháu (tức là tôi) ngoan chăm học. “Trước là giúp anh chị, sau cũng là đỡ buồn cảnh nhà tôi hiếm hoi. Và cũng vui lòng mẹ (chỉ bà ngoại tôi)”. Thái độ và lời nói của mợ cũng làm tôi yên tâm. Lúc đó tôi mới 8 tuổi, nhưng tôi đã có nhiều cảm giác về tình đời, tình người. Mợ chỉ dặn dò tôi: “Đi đường phải cho ngoan, phải đi theo sát mợ kẻo mà lạc. Muốn chi thì hỏi mợ, còn phải đi nhiều chặng đường, có đoạn đi xe hơi, có đoạn đi tàu hoả”.
Hôm sau hai mợ cháu tôi đi xuống Vinh, ghé nhà cậu Dương là em trai mẹ tôi, cũng làm giáo học ở Vinh. Ở Vinh một hôm, tôi chỉ ở nhà cậu Dương không đi đâu, chỉ sợ lạc thì mất đi học. Lúc bấy giờ tôi vẫn nhớ nhà nhưng lại háo hức sớm đi vào Quảng Điền (Thừa Thiên) để học trường mới. Ở nhà cậu Dương được một hôm thì mợ Vân và tôi mua vé xe hơi của hãng Phạm Văn Phi đi từ Vinh vào đến bến đò Long Đại ở Quảng Bình. Lần đầu tiên được ngồi xe hơi, tôi thích quá nghe xe nổ máy, tôi xin mợ cho đổi chỗ ngồi sát cửa xe để xem cảnh bên đường. Lúc bấy giờ, mặc dù khá đông khách đi xe, chỗ ngồi trong xe vẫn tương đối rộng, không chen chúc lắm, xe chạy tốc độ vừa phải cho nên đi đường khá thoải mái, và là một cái thú đối với tôi. Tôi thấy hai người trẻ tuổi, một nam một nữ, ngồi gần nhau nói chuyện thủ thỉ, có vẻ rất thân mật thì tôi nói nhỏ với mợ tôi “Mợ ơi, chắc là hai người thương nhau (yêu nhau) lắm!”. Mợ tôi nghiêm nét mặt: “Mặc kệ người ta? Ngồi im, những đoạn xe lắc thì tay nắm chặt vào cửa cho khỏi ngã.... Xe đi qua đèo Ngang có đừng lại một lúc. Mọi người xuống xe, người thì ăn cơm, người thì đứng ngắm cảnh, tôi và mợ tôi ăn cơm nắm với cá nục nướng...
Tôi vừa ăn cơm, vừa nhìn cảnh; cây cối thì tôi quen rồi, cũng giống gần như cây cối ở núi Mồng Ga quê nhà. Nhưng một điều hết sức lạ lùng đối với tôi là biển mênh mông ở dưới chân đèo. Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với biển, vừa choáng ngợp trước sự bát ngát không bờ của biển, vừa cảm thấy có cái gì thu hút tôi từ mặt nước xa khơi. Nắng ngả chiều, gió se lạnh những bụi cây thấp trên đèo rạt theo gió làm tôi nhớ đến những buổi chiều cuối năm chăn trâu trên núi...
Lúc bấy giờ tôi chưa biết bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan nhưng nhìn xuống chân đèo, thấy một khóm nhà trong nắng chiều vàng yếu tôi cũng cảm thấy buồn man mác... Nghỉ xong một lúc, xe hơi lại tiếp tục xuống đèo rồi đi thẳng đến bến Long Đại (cũng gọi là bến Hàu, tức là bến đò sông Nhật Lệ). Lúc bấy giờ đường xe lứa từ trong Nam đi ra, mới đến bến Hàu. Ở ngoài Vinh đi vào bằng xe hơi, qua bến Hàu bằng phà và đáp xe lửa từ bến Hàu đi vào Nam. Mợ cháu tôi qua phà trời gần tối, nước sông Gianh nổi sóng khá to sóng vỗ vào mạn phà tung tóe lên, tôi ướt cả người. Mợ tôi nắm chặt tay tôi, cứ sợ tôi ngã xuống nước. Từ bé tôi chỉ mới quen với con sông La (cũng gọi là sông Thâm) hẹp và hiền ở quê tôi, nay lần đầu tiên tôi tiếp xúc với một con sông lớn, sóng to, lại vào lúc hoàng hôn trong chuyến đi xa nhà... tất cả những điều đó làm cho tôi bàng hoàng và rợn ngợp.
Nhưng mặt khác lòng ham biết cái lạ, tính tò mò trước những cảnh mới cũng làm cho tôi nguôi bớt nỗi bàng hoàng... Qua bến phà Long Đại, mọi người tấp nập lên xe lửa (vé đã mua từ ở Vinh) đã đỗ sẵn chờ khách. Bậc lên toa xe lửa cao quá đối với tôi, mợ tôi phải nhờ một người hành khách kéo tôi lên và mợ tôi theo sau. Tôi nhìn dưới bánh xe lửa thấy đường đổ đá trắng và xám, như là còn mới, tôi rất ngạc nhiên...
Trước đây, có một lần tôi theo bà nội sang ga Phụng Công để xem bắc đường xe lửa tôi cũng đã trầm trồ như thế. Bước lên toa xe lửa, lại là một sự khám phá mới đối với tôi. Mái toa xe cao người có thể đi lại trong toa chứ không như trong xe hơi...
Xe lửa chạy qua Quảng Bình, vào đất Quảng Trị đường sắt sát cạnh những đụn cát trắng tinh rất đẹp nhưng cây cối lơ thơ và cằn cỗi... Xe vào đất Thừa Thiên thì cây cỏ xanh mượt hơn nhiều, ruộng đồng cũng tươi mát. Tôi nhìn hai bên đường thấy các bà, các chị ở dưới cánh đồng bận quần như đàn ông chứ không phải vận váy như ở quê tôi, đó là một điều ngạc nhiên đối với tôi lúc đó. Dọc đường, ở các ga đã có những người vùng Quảng Trị, Thừa Thiên lên xe, giọng nói nhẹ hẳn đi, không như giọng nói Hà Tĩnh quê tôi trầm và nặng. Lần đầu tiên tiếp xúc với tiếng Huế, với giọng Huế, tôi có cảm giác lâng lâng, êm ái mà lại thấm thía. Về sau, sống ở Huế mười năm trong cái tuổi lớn lên, từ 10 đến 20 tuổi (1929-1939) tôi càng cảm nhận và thấu hiểu cái giọng Huế nhẹ nhàng và ấm sâu thân tình và ân tình, cái giọng dường như lướt trên mặt nước, mà lại sâu thẳm trong lòng sông. Sau này tôi có viết tặng một người bạn gái quê ở Huế một bài thơ, chủ yếu là ca ngợi cái giọng Huế của bạn:
Giọng em vang vọng trời quê Huế
Nhẹ thoảng xanh veo mà xốn xang
Nồng cháy như mồi thống núi Ngự
Giọng em nửa thực nửa mơ màng.
Chỉ một lần nghe đủ nhớ đời
Huống chi anh được đón bao lời
Bâng khuâng em nói trong chiều lạnh
Ngơ ngẩn lòng ta Huế Huế ơi...
Trở lại tuổi nhỏ của tôi. Đến ga Văn Xá (thuộc huyện Quảng Điền), thì cậu tôi và anh Đông (người loong toong của trường) ra đón. Từ ga Văn Xá về huyện lỵ Quảng Điền, nơi cậu tôi làm hiệu trưởng trường tiểu học, cậu tôi và anh Đông đi xe đạp, mợ tôi và tôi ngồi xe kéo, mà anh Đông đã thuê trước.
Nhà cậu tôi là một ngôi nhà gianh ở giữa cánh đồng bên cạnh một con đường huyện đắp cao. Xung quanh nhà trồng hàng rào cây trà, trước nhà có sân đất khá rộng. Nhà cậu tôi bị mất trộm nhiều lần, nên cậu mợ đã mua hàng trăm bó củi chất ba phía nhà như là một thành trì kiên cố. Nhưng lần sau cùng thì kẻ trộm lại đào ngạch từ sân vào... Cậu mợ tôi có một cái rương (tức là cái hòm) khá to đựng tất cả áo quần và vật quí. Trong nhà có một số học sinh ở trọ để học lớp nhì, lớp nhất (tôi nhớ là bốn, năm người) thì cậu tôi chia phiên các học sinh thức canh gác với ngọn đèn Hoa Kỳ, phòng kẻ trộm. Tôi cũng được chia phiên gác, và các anh học sinh lớn tuổi cho tôi gác giờ đầu hôm, hoặc giờ gần sáng... Từ đó nhà cậu tôi không bị mất trộm nữa. Cũng do bị mất trộm nhiều lần mà cậu mợ tôi có được thói quen rất cẩn thận về khoá và chìa khoá. Cậu tôi có một xâu chìa khoá, khoá hòm khoá cửa nhà. Lại còn bao nhiêu chìa khoá của các tủ nhà trường và các cửa nhà trường. Từ đó tôi cũng kế thừa được của cậu mợ tôi tính cẩn thận về khoá và chìa khoá. Anh Xuân Diệu lúc còn sống ở cùng nhà với tôi lại hay để mất chìa khoá, tôi la anh ấy, vì cứ phải đi làm lại chìa khoá cho anh. Có hôm anh Diệu bảo tôi: “Nếu có thể khoá được cái đời, thì chắc Cận cũng khoá nốt!”. Cậu tôi làm giấy tờ cho tôi vào học lớp tư trường Quảng Điền. Cậu phải làm lại giấy khai sinh cho tôi, tôi chỉ biết chắc là sinh năm 1919, còn ngày tháng thì tôi không biết. Cậu tôi suy nghĩ một lúc rồi ghi: Cù Huy Cận sinh ngày 31 tháng 5 năm 1919 tại xã Ân Phú, huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh.
Về sau tôi hỏi mẹ tôi về ngày sinh, thì mẹ tôi nói là tôi sinh vào ngày 30 tết, không biết là tết trước hay tết sau tháng 5-1919. Dầu sao thì bây giờ tôi cũng đã có tuổi xê xích dăm bảy tháng trong khoảng thời gian vô tận cũng không có vấn đề gì lắm...
Tôi vào học lớp tư được thầy tôi là thầy Lưu Thành Công, người quê Quảng Trị, xếp cho tôi ngồi bàn đầu cùng với bốn bạn gái, trong đó có ba chị em ruột là cô
Tư, cô Năm, cô Sáu, con ông Cả Hối, một nhà giàu ở huyện Quảng Điền. Ba chị em cùng học một lớp với tôi thấy tôi hiền lành ngồi ở giữa, mà lại học giỏi các bạn gái rất mến tôi và hay cho tôi ăn kẹo. Trời rét lạnh các bạn còn mang quế gặm từng chút cho ấm và tôi cũng được chia phần quế. Ba cô có người chị là chị Ba đã học trường Đồng Khánh Huế, và đã có vài bài văn đăng ở tạp chí Thần chung. Tôi nghe nói đến chị Ba viết văn, có bài đăng báo, tôi rất lấy làm cảm phục. Bạn ngồi đầu bàn là bạn Toàn, mặt hơi rỗ, rất nhanh nhẹn, và hay nói đùa rất có duyên. Lớp học không rộng lắm tôi ngồi bàn đầu là rất gần bảng đen và gần bàn của thầy, muốn nghịch cũng không dám nghịch, nhưng vẫn có thể bày cho các bạn gái làm những bài toán khó. Dường như thầy cũng cho đó là một việc có ích, một thứ “phụ đạo”, nên thầy cũng không la mắng gì. Nhưng thi học kỳ thì thầy rất nghiêm, không cho học sinh “cóp” nhau. Tháng nào tôi cũng đứng đầu lớp (hiện nay tôi còn giữ được những giấy khen hàng tháng của trường Quảng Điền) nên thầy rất thương. Năm tôi đậu kỹ sư canh nông (1942), tôi có tìm thăm thầy, nhưng lúc đó thày Lưu Thành Công đã đổi đi trường khác, có người nói là thầy đã về hưu, tôi không gặp được. Sau đó tôi nhờ anh bạn học cũ gởi một thư cho thầy, thầy có nhận được và trả lời cho tôi, cảm động về tình nghĩa thầy trò của người học sinh cũ. Sân trường tôi học khá rộng lớn, có nhiều cây hoa đại, hè về hoa nở thơm phức. Giờ ra chơi, chúng tôi tranh nhau nhặt hoa bỏ túi vào lớp hoa thơm, có lúc chúng tôi như là say hương. Các bạn gái tôi thì cài hoa lên tóc, và gói hoa vào những mùi xoa vải mỏng cho vào cặp. Đến ngày kết thúc năm học, thầy trò các lớp xây dựng một cái bục cao vừa dài vừa rộng để làm lễ phát phần thưởng chúng tôi lại lấy từng chùm hoa đại kết cho lễ đài phát phần thường. Năm ấy tôi được phần thưởng nhất lớp, được một chồng sách cao toàn là sách học các lớp trên bằng tiếng Pháp: sách mẹo tiếng Pháp, lịch sử nước Pháp, sách địa lý Đông Dương, sách toán, sách tập đọc Di vòng quanh nước Pháp, sách Quốc văn giáo khoa thư do Trần Trọng Kim soạn, sách sử ký cũng do Trần Trọng Kim biên soạn, có cả quyển sách Năm đoá hoa của Jean Marquet (giới thiệu năm xứ của Đông Dương: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Ai Lao và Cao Miên)... Mùi thơm của giấy, của mực in, của bìa sách để lại ấn tượng sâu sắc trong bọn trẻ chúng tôi nhất là sau lần nhận thưởng ấy tôi lại phải rời Quảng Điền theo cậu tôi về Huế để học tại Huế. Ở Quảng Điền, cách trường khoảng 2 cây số có chùa làng Hạ Lang rất đẹp, chủ nhật tôi thường rủ các bạn đi chơi chùa. Chùa thấp, nhưng còn vững chãi, và được trông nom, quét dọn rất sạch sẽ. Trước cửa chùa có nhiều bông trang (tức là hoa mẫu đơn) “Bông trang tròn trăm chùm dâng Phật”. Phía sau chùa tôi lại gặp những cây hoa mộc, mà mùi hương rất quen thuộc với tôi mùi hương mê man, khía vào mũi và có thề nói khía vào tâm hồn không thể nào phai nhạt được. Khi ở nhà, tôi đã ham đi chơi ở chùa Bổn, bây giờ tôi cũng thích đến chơi ở chùa Hạ Lang. Lớn lên, mỗi lúc có dịp đi thăm cảnh chùa, tôi vẫn thấy có cái gì quyến luyến, cảnh yên tĩnh và như “thoát tục” của các ngôi chùa vẫn có sức hấp dẫn riêng đối với tôi. Sau này đi thăm chùa Tây Phương năm 1940 cùng anh Nguyễn Đỗ Cung và nhiều bạn khác, về nhà tôi cứ vương vấn mãi với hình ảnh các vị La Hán ngồi trong hậu tử trong một ánh sáng mờ mờ, đã hết thế kỷ này sang thế kỷ khác. Tôi ghi trong vở nháp thơ: “Các vị La Hán, đau khổ của cha ông”. Tứ thơ đẩy ra từ đó nhưng trong 20 năm trời bài thơ không thành hình. Đến năm 1960, lúc tôi theo học lớp cao cấp ở trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, tôi lại đi thăm chùa Tây Phương về đêm đó, gần tết 1961, tôi viết liền một mạch bài thơ Các vị La Hán chùa Tây Phương. Có thể nói bài thơ đã nảy mầm ở chùa Bổn quê nhà, ở chùa Hạ Lang ngày tôi còn nhỏ. Hình ảnh các vị La Hán đã theo đuổi tôi từ những ngày thơ bé, nó đã vào trong “bộ nhớ” tiềm thức của tôi vậy.
Các vị La Hán chùa Tây Phương
Tôi đến thăm về lòng vấn vương
Há phải chăng đây là xứ Phật
Mà sao ai nấy mặt đau thương.
Hoàng hôn thế kỷ phủ bao la
Sờ soạng cha ông tìm lối ra
Có phải thế mà trên mặt tượng
Nửa như khói ám, nửa sương tà.
Các vị La Hán chùa Tây Phương
Hôm nay xã hội đã lên đường
Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại
Xua bóng hoàng hôn, tản khói sương...
Đó là nói về cảnh chùa. Nay xin nói về cảnh nhà cậu mợ tôi. Cậu mợ hiếm hoi, mợ đẻ mấy lần không nuôi được. Mợ đành phải tìm cho cậu một nàng hầu con một gia đình nông dân ở làng Thanh Thuỷ, huyện Hương Thuỷ. Nàng hầu gọi là dì Em, vừa là vợ hai của cậu nhưng cũng vừa là người ở trong nhà. Dì Em người khoẻ mạnh, làm quần quật suốt ngày, nấu cơm, bửa củi giặt quần áo, nuôi gà vịt... Cậu tôi rất thương dì Em, vì nhiều lẽ, nhưng cũng phải “né” mợ tôi. Tất nhiên là mợ cũng muốn cho dì Em có con, nhất là có được con trai thì quí lắm. Nhưng cuộc đời nó oái oăm hơn tôi tưởng.
Có lần đêm cậu vào ngủ với dì, chắc là đã được sự đồng tình của mợ, nhưng sáng hôm sau nét mặt của mợ giận dỗi, chúng tôi tuy còn nhỏ, nhưng cũng hiểu được thứ tình cảm phức tạp này. Thế rồi không nói không rằng, mợ lùa dì Em vào trong cái phòng chật chứa củi và mợ cầm một thanh củi đánh dì Em túi bụi. Dì Em không dám chống lại, chỉ lùi dần vào cuối phòng, tay xoa vào chỗ bị đánh, vừa khóc vừa nói, mà cũng không dám nói to: “Đau quá mợ ơi, đau quá mợ ơi!”. Sau một chặp, xem chừng mợ cũng đã hả giận, mợ vứt thanh củi xuống đất và đi ra. Dì Em lại hối hả đi nấu cơm, giặt quần áo trong lúc đó thì ông cậu ở trên trường, đang dạy lớp nhất. Mà nếu cậu ở nhà, thì cậu cũng chả làm gì được càng can thiệp thì càng chết dì Em. Dì Em rất tốt đối với tôi giặt áo quần cho tôi rất tươm tất, và cho tôi ăn no. Bên cạnh hàng rào có cây mắm nêm, dì thường hái những quả mắm nêm chín cho tôi. Tôi chỉ có một cái áo dài bằng vải dù đen mặc từ lớp tư cho đến lớp nhì, lúc lớp tư thì áo dài gần mắt cá, lên lớp nhì thì áo đến đầu gối là vừa. Dì Em cứ vài ba chủ nhật một lần bắt tôi cởi áo dài ra cho dì giặt vì “có giặt sạch thì áo mới bền, áo còn phải bận mấy năm nữa, nghe chưa?”. Đến bây giờ dì đã già, mỗi lần tôi đến thăm dì vẫn nhắc cái áo dài dù đen của tôi mà đã biết bao lần dì mỏi tay xát giặt rất kỹ...
Đến lúc về Huế, dì sinh được đứa con trai đầu lòng, cậu mợ rất mừng, và mợ từ đó cũng nể dì hơn một chút. Cậu con trai đầu này lớn lên học mau tiến bộ và nay đã trở thành một bác sĩ giỏi. Người con của dì biết chăm sóc chu đáo cả hai bà, và bà mợ tôi rất quí cậu ta, còn có phần quí hơn con đẻ của mình nữa.
Ở trong nhà cậu tôi, cũng có nhiều lúc vui. Chẳng hạn, khi cậu tôi đi ga Văn Xá nhận về một hòm hàng hoá từ bên Pháp gửi sang. Đó là một ít hàng hoá dùng hàng ngày mà cậu tôi đã gởi mua của hãng Saint Etienne gồm: cái cốc thuỷ tinh, cái bút máy, hộp bánh bích qui, mấy con dao, cái dao nhíp mấy hộp sữa bột, mấy hộp sữa đặc, cái kéo cắt vải cả cái mở nút chai nữa... Lúc cậu tôi mở cái thùng hàng ra, cả nhà xúm chung quanh như là dự một lễ khai mạc náo nức... Từ thùng gỗ dán xông lên mùi thơm của phoi bào vàng rực, mùi thơm của mấy quyển sách nữa, kể cả quyển sách chào hàng dày như một quyển tự vị, in màu, bìa rất đẹp... Các cốc thuỷ tinh thì cậu tôi xếp vào tủ rất cẩn thận, trước khi cho cốc vào tủ cậu còn lấy ngón tay thấm nước vuốt trên miệng cốc để nghe vang lên tiếng vo vo của thuỷ tinh... Chúng tôi đứng xung quanh cứ trầm trồ. Và hồi hộp, chúng tôi chờ đợi lúc mợ mở hộp bánh bích qui mùi thơm phức, và chúng tôi được mỗi đứa một chiếc giòn thơm.