Tập 2- I

Valéry và Gide ở Huế
Những năm 1935-1936 ở Huế có một “phong trào” một thời thượng thì đúng hơn, xem thơ Valéry và đọc các sách, truyện của Gide. Valéry lúc đó được coi là nhà thơ siêu việt của văn học hiện đại Pháp; còn Gide thì lúc đó được xem là nhà văn độc đáo, đang có chiều hướng tiến bộ, xích gần lại với phong trào cộng sản nhất là sau khi Gide cho xuất bản quyển “Những thức ăn trần gian mới” (Les Nouvelles Nourritures), mà một phần lớn đã trích đăng trong báo Marianne, là tờ báo có xu hướng cộng sản. Việc đọc sách của hai tác giả này trở thành thời thượng đến nỗi một anh bạn học lớp tôi anh Phan D. viết thư cho Gide, tâm sự với Gide về những nỗi băn khoăn của mình trước cuộc sống, và được Gide trả lời bằng một bức thư ngắn gọn trong đó Gide tỏ sự đồng cảm với một tâm hồn băn khoăn ở xứ Đông Dương xa xôi. Lại có một bác sĩ người Pháp ở bệnh viện Huế là bác sĩ Tribouillet cho xuất bản liền hai quyển sách nghiên cứu về Valéry và Gide. Bác sĩ đã diễn thuyết về nhà thơ và nhà văn này, được giới trí thức Huế rất hoan nghênh, mặc dù có khi thính giả cũng không hiểu hết bác sĩ phân tích những gì trong thơ Valéry và trong văn Gide. Trước mỗi buổi diễn thuyết, nhà bác sĩ nghiên cứu văn học giới thiệu cho mỗi người xem hai bức ảnh lớn mà Valéry và Gide đã gởi tặng ông, với những lời đề tặng rất trân trọng khích lệ. Bác sĩ lúc đó trạc ngoại tứ tuần, khỏe mạnh đẹp theo kiểu một người trí thức quen suy nghĩ. Bác sĩ là “bác sĩ riêng” của Nam Phương hoàng hậu, và mỗi tuần bác sĩ vào hoàng thành để thăm sức khỏe của bà Hoàng. Người ta kể nhiều chuyện về những buổi thăm sức khỏe hoàng hậu của bác sĩ, vì nó kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Nhưng hoàng hậu đủ khôn ngoan để không gây ra tăm tiếng; đã có một bà hoàng hậu trước kia đã có con với quan khâm sứ. Dầu sao thì bác sĩ cũng gây được cảm tình với giới trí thức, học sinh ở Huế, và cũng có góp phần làm cho thành phố Huế có vẻ là một thành phố “trí tuệ” không thua gì Hà Nội hay Sài Gòn. Nói về thời thượng tôi nhớ anh Hoài Thanh lúc đó cũng đã dịch một bài văn dài Gide nói về văn học nghệ thuật đăng dày cả hai trang báo Tràng An. Tất nhiên anh dịch đăng mấy trang này của Gide vì lẽ nó rất phù hợp với quan điểm nghệ thuật của anh trong cuộc bút chiến sôi nổi “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh”. Lời văn dịch của anh khá hay; chắc rằng anh đã gởi cái rung động của anh vào mạch văn vốn đã xúc động của Gide.
Làm quen với Hoài Thanh Như trên kia đã nói, sau khi xem bài của Hoài Thanh viết về Thế Lữ, tôi có cảm bình với tác giả bài phê bình, vì tôi đoán hiểu ở anh một tâm hồn tế nhị có rung cảm, và có phần nào đồng điệu với những nhà thơ mới lúc bấy giờ. Tôi liền viết một bài nói về
Thế Lữ, Huy Thông, Nguyễn Nhược Pháp, bài bình luận văn học theo lối ấn tượng, và tôi gởi cho anh Hoài Thanh. Thế rồi tờ báo Tràng An tuần liền đó đăng bài của tôi với một lời giới thiệu ngắn khích lệ.
Tôi lại gởi tiếp một bài bình luận quyển Tiếng suối reo của Khái Hưng. Bài ấy cũng được đăng liền. Tiếp đó tôi không gởi những bài bình luận nữa mà gởi vài bài thơ mà tứ thơ là những ước vọng, những hoài bão của một thanh niên trước cuộc đời. Hai bài thơ này cũng được đăng trong hai số báo. Tất cả các bài bình luận và thơ, tôi đều ký tên Hán Quỳ, tức là lấy chữ Huy Cận sắp xếp lại. Cho đến đó, tôi vẫn chưa gặp anh Hoài Thanh. Mùa hè 1936, tôi lại viết mấy bài bình luận văn chương gửi đăng báo Sông Hương do Phan Khôi làm chủ nhiệm, và do Hoài Thanh làm biên tập. Lúc bấy giờ anh Sanh và anh Tám báo tôi nên đến thăm toà báo và hỏi tiền nhuận bút. Tôi và Xuân Sanh một buổi chiều đến thăm toà soạn Sông Hương, ở phố nào tôi quên mất (hình như ở phố Gia Hội). Anh Hoài Thanh tiếp và nói chuyện với chúng tôi rất niềm nở, rất hợp “gu” chúng tôi với những suy nghĩ về triển vọng phát triển của văn học nước nhà.
Nhưng khi chúng tôi nói với những lời rào đón quanh co nêu vấn đề nhuận bút thì anh cho biết là rất tiếc, báo rất nghèo, phải có sự ủng hộ mạnh mẽ của người đọc và của cả người viết thì báo mới có thể tiếp tục ra đời. Tóm lại báo đăng những bài của tôi như là những bài lai cảo. Tôi và Xuân Sanh trở về tay không nhưng câu chuyện văn chương ở toà soạn cũng làm chúng tôi nức lòng. Đó là mối duyên văn đầu tiên giữa tôi và anh Hoài Thanh. Về sau này, trong kháng chiến chống Pháp, cũng như trong những năm chống Mỹ cứu nước có nhiều điểm tôi chưa thống nhất với anh Hoài Thanh về cách nhận định văn học nghệ thuật, về cách nhận định phong trào thơ văn của ta về chức năng, nhiệm vụ của văn nghệ, của người văn nghệ sĩ. Nhưng không phải vì vậy mà tôi quên cái êm ái, cái thân tình của buổi đầu gặp gỡ. Với lại bên cạnh những quan điểm, những cách suy nghĩ của anh mà tôi không đồng tình, anh cũng có những suy nghĩ mà tôi tán thưởng sâu sắc, như khi anh nói về tấm lòng của Nguyễn Du đối với vận mệnh của con người hoặc khi anh nói “Có một nền văn hoá Việt Nam”.
Khi tôi đang thực tập kỹ sư ở đồn điền canh nông trên tỉnh Tuyên Quang (1941) thì tôi nhận được quyển Thi nhân Việt Nam (trong đó bài anh viết về tôi rất đằm thắm, thiết tha, sâu sắc biểu hiện một sự đồng cảm từ đáy lòng). Nhận được sách, tôi đã thắp một nén hương để đọc, vì có cái câu của Nguyễn Du anh để ở đầu trang sách làm tiêu đề Của tin gọi một chút này làm ghi. Tôi đồng cảm sâu sắc với anh trong lòng tin đó, tin ở tiền đồ của tiếng Việt, tin ở tiền đồ của nền văn học, của nền văn hoá nước nhà. Tên khai sinh của anh là Nguyễn Đức Nguyên, nhưng anh lại đặt tên văn học của mình là Hoài Thanh, chắc là với cái nghĩa nhớ tiếng, nhớ tiếng mẹ đẻ là nỗi niềm chung của chúng tôi lúc đó.
Những bài thơ dịch của Song Nam Nguyễn Văn Thuộc
Trở lại một chút về những năm học tiểu học, tôi đã làm quen với thơ lãng mạn Pháp qua những bản dịch của Nguyễn Văn Thuộc đăng ở báo Thành chung (Huế). Nguyễn Văn Thuộc dịch nhiều thơ của Lamáctin phần nhiều dịch theo điệu song thất lục bát, lời thơ trôi chảy, mà nhiều đoạn như là phóng tác, đọc lên nghe réo rắt, có âm hưởng của câu thơ Việt Nam. Tôi nhớ nhất là bài Tình hận đầu tiên bắt đầu bằng những câu sau đây:
Biển Sở Giang sóng cồn xanh biếc
Khách nhàn du ai biết chăng ai
Một non một nước một trời
Kia kìa trên bến mộ người cửu nguyên
Cây cam mọc một bên mộ chí
Đã một vừng ghi để ngàn thu
Qua chơi, hỏi khách giang hồ
Vạch vùng lau sẽ thấy mồ hồng nhan
Tuổi hai tám suối vàng sao vội
Khách xem bia khôn nỗi thờ than
Than hoa chưa nở đã tàn...
Ai run rủi cho ta tới đó
Để lòng này nhớ chỗ năm xưa
Giấc chiêm bao khéo hững hờ
Người xưa cảnh cũ bây giờ là đâu
Trong mây nước hạt châu tầm tã
Nỗi bi ai khôn tả nên lời...
Những bài dịch như thế được lưu truyền trong các thầy giáo và đám học sinh, gần như là những bài sáng tác Về sau này tôi tìm hiểu Nguyễn Văn Thuộc là ai và ông có để lại một sáng tác nào không, hoặc một tập thơ dịch đã xuất bản nào không, nhưng tôi chỉ được biết ông là một ông tham tá công chính, làm việc đâu ở phía Nam Trung bộ, về sau sống ở đâu và mất lúc nào cũng không ai biết.
Quả thật, ở nước ta có truyền thống dịch hay dịch hay những bài thơ hay, truyền thống đó bắt đầu từ bà Đoàn Thị Điểm dịch Chinh phụ ngâm của ông Đặng Trần Côn, và từ ông Phan Huy Vịnh dịch Tì bà hành của Bạch Cư Dị. Có một bài dịch nữa mà tòi cũng cho là đạt, là bài thơ tình của Arvers do Khái Hưng dịch, chắc nhiều người còn thuộc, nhưng tôi cũng xin ghi lại đây:
Lòng ta chôn một khối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thu
Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu
Mà người gieo thảm cơ hầu không hay
Hỡi ơi người đó ta đây
Mà ta thui thủi đêm ngày chiếc thân
Dẫu ta đi trọn đường trần
Chuyện riêng dám dễ một lần hé môi
Người thì ngọc nói hoa cười
Nhìn ta như thể nhìn người không quen
Đường đời lặng lẽ bước tiên
Ngờ đâu chân đạp lên trên khôi tình
Một niềm tiết liệt đoan trinh
Xem thơ nào biết có mình ở trong.
Gạn gùng lòng sẽ hỏi lòng:
“người đâu tả ở mấy dòng thơ đây”.
Nhân đây, tôi cũng xin nhắc một điều, mà anh Xuân Diệu và tôi thường hay trao đổi với nhau. Trong hàng trăm, hàng nghìn bài thơ thất ngôn bát cú đăng trong báo Nam phong, phần lớn là bài dở, cũ mòn mòn lời, mòn tứ, nhưng thỉnh thoảng cũng có đôi bài thơ dịch hay. Có lẽ các nhà nghiên cứu văn học rồi cũng phải để công tìm kiếm, cứu vớt những chút hay ấy khỏi bị mai một trong mớ bụi của thời gian. Chẳng hạn như bài sau đây mà tôi còn nhớ 6 câu:
Thầy lý làng ta khăn mỏ rìu
Vườn trồng đầy ngô chưa thật nghèo
Chim vì thóc vãi quanh thềm đậu
Tre đón người quen trước ngõ reo
... ba thước lũ
... một ao bèo
Trúc xanh, cát trắng, vừng trăng nhạt
Tiễn khách bên sông ngán cảnh chiều
Nhân nói chuyện dịch thơ, tôi cũng nhớ lần đầu tiên đọc bài thơ ngụ ngôn Con ve và con kiến của La Phongten do Nguyễn Văn Vĩnh dịch, bài dịch hay đến nỗi có thể tường là nguyên tác của ông Vĩnh. Sau đó tôi đọc lại La Phongten trong nguyên tác tiếng Pháp so sánh nguyên văn và bán dịch mới càng thấy tính sáng tạo của bản dịch, và càng thấy cái thần của tiếng Việt ta, và tôi cứ nghĩ nếu La Phongten sinh ra là người Việt Nam thì chắc ông ta làm thơ ngụ ngôn bằng tiếng Việt cũng hay bằng thơ tiếng Pháp của ông, và biết đâu lại không có phần lý thú hơn. Ông Nguyễn Văn Vĩnh cũng đã dịch Ba người ngự lâm pháo thủ của A. Dumas rất đạt; bởi có nhiều đoạn ông dùng lối phóng tác, giúp cho người đọc dễ cảm thụ cái hay của câu chuyện. Tôi nhắc nhiều câu chuyện dịch văn dịch thơ vì tuổi nhỏ của tôi đã được hưởng nhiều bài dịch hay... Dịch hay là một sự tái tạo, một sự giao cảm.
Tìm gặp Thế Lữ ở hội chợ Huế
Gần Tết năm 1934, ở Huế có mở hội chợ gần Viện dân biểu, bên bờ sông Hương. Có một tin làm cho chúng tôi náo nức, là nhà thơ Thế Lữ sẽ vào thăm hội chợ. Lúc bấy giờ chúng tôi đã đọc các bài thơ của Thế Lữ đăng trên báo Phong hoá, và lúc đó tập Mấy vần thơ của Thế Lữ cũng vừa mới phát hành. Một bạn đọc lớp tôi đã đặt mua được một bản Mấy vần thơ giấy đẹp (giấy De Rives), giấy trắng, xốp rất đẹp. Quyển Mấy vần thơ là quyền đầu tiên trong loại sách mỹ thuật của nhà xuất bản Đời Nay, do kỹ sư ấn loát Đỗ Văn trình bày, và do hoạ sĩ Trần Bình Lộc minh hoạ.
Xuân Sanh và tôi suốt cả một buổi chiều đi đi lại lại trong hội chợ cốt để gặp cho được Thế Lữ, để chào anh, để nói với anh vài lời, tỏ lòng hâm mộ của chúng tôi Không khí hội chợ gần Tết rất phơi phới, có cái gì như xui lòng người ta rạo rực, nghĩ đến những tình duyên đẹp, những cuộc hội ngộ đằm thắm. Rồi xế chiều Thế Lữ đi vào hội chợ, đi theo có vài người bạn.
Thế Lữ lúc đó còn trẻ lắm, nhưng như anh đã nói trong một bài thơ, Nỗi gian truân trên bước đường đời đã làm cho nét mặt anh có một vẻ trầm tư xa hơn cái tuổi của anh. Bọn tôi ngắm anh từ đôi mắt nhìn thắng mà vẫn mơ mộng, đến hai bàn tay thon như bàn tay của các cụ đồ ngày xưa, đến dáng đi rất nhẹ của anh với thân hình mảnh dẻ, dáng đi nh!!!7898_29.htm!!! Đã xem 63317 lần.

Đánh máy: Nguyễn Học
Nguồn: Nguyễn Học
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 9 tháng 7 năm 2006

Truyện HỒI KÝ SONG ĐÔI ---~~~cungtacgia~~~---
--!!tach_noi_dung!!--

Đánh máy: Nguyễn Học
Nguồn: Nguyễn Học
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 9 tháng 7 năm 2006

--!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!--