Tập 2- R

Bài diễn thuyết đầu tiên của Xuân Diệu
Đó là buổi diễn thuyết về “Thanh niên với quốc văn” tại hội trường của Đại học Đông Dương vào hồi tháng 3-1944. Hoài bão của chúng tôi đối với tiền đồ của tiếng Việt Nam đã được diễn tả nhiều lần trên báo Ngày nay và trong những bài thơ. Nhưng để nói tập trung cái hoài bão đó, cái nỗi niềm đó thì anh Diệu đã bàn với Tổng hội sinh viên làm cuộc diễn thuyết nói lên trách nhiệm của các thế hệ thanh niên đối với tiền đồ của tiếng nước nhà, đối với công cuộc xây dựng nền văn hoá dân tộc.
Trước ngày diễn thuyết, anh đọc đi đọc lại rất kỹ bài của mình, lấy bút chì đỏ gạch dưới những câu, những chữ cần nhấn mạnh, chẳng khác nào như một diễn viên sân khấu nghiên cứu đài từ của mình trước giờ diễn xuất.
Tối hôm đó tại hội trường lớn của trường Đại học, hội trường theo bậc thang, chật ních những sinh viên và một số khách mời. Trong đám khách mời có các giáo sư đã học, và một số bạn quen của chúng tôi. Anh Hoàng Xuân Hãn tối ấy cùng đến dự, và ngồi ở ghế hàng đầu có nói chuyện hồi lâu với anh Diệu trước khi anh Diệu bắt đầu nói chuyện. Không khí khá náo nức, vì cái tinh thần yêu tiếng Việt, trau dồi cho tiếng Việt cũng đã được gây lên trên báo chí, qua sách vở của Tự lực văn đoàn và của nhiều nhà xuất bản khác, qua phong trào truyền bá quốc ngữ. Nhưng lần này sự náo nức lại được tăng lên bởi lẽ diễn giả là một nhà thơ mới nổi tiếng được thanh niên rất yêu mến. Cũng nhắc thêm: ở diễn đàn này, về sau anh Nguyễn Đình Thi cũng nói chuyện về tinh thần chống phong kiến, tinh thần dân chủ trong ca dao Việt Nam. Anh Xuân Diệu bước lên diễn đàn được một tràng vỗ tay của hội trường chào đón làm cho anh vốn đã dễ hồi hộp càng hồi hộp thêm, nhưng đó là điều cổ vũ anh, làm anh vững tâm đọc bài diễn văn của mình. Anh mở đầu: “Chưa khi nào tôi nói trước đông người. Lần này nói với các bạn, đó là lần thứ nhất của tôi. Tôi không muốn mang cái vẻ dễ thành ra khôi hài của một nhà diễn thuyết. Đây chỉ là một cuộc trò chuyện nó có vẻ một câu chuyện tâm tình. Tâm tình với quốc văn, tâm tình của chúng ta đôi với quốc văn.
Sinh viên với quốc văn? Sinh viên Việt Nam với quốc văn Việt Nam! Biết bao nhiêu điều các bạn có thể tự tình kể lể với cái hồn của nước ta đọng trong quốc ngữ! Chúng ta tâm sự với tiếng nói của mẹ Việt Nam, chúng ta nghe rõ trong lòng ta lời nói của mẹ Việt Nam. Vậy tôi chắc các bạn cùng cảm thông với tôi trong cái nỗi niềm dạt dào khi nghĩ đến Mẹ”.
Xong rồi anh nói đến thái độ hờ hững của một số thanh niên đối với tiếng nước nhà, nói đến việc dạy quốc văn không được tốt trong một số trường học, nói đến tác dụng của tiếng mẹ đẻ trong sự nghiệp, giành độc lập và bảo vệ độc lập. Anh cũng có nhắc đến câu của Alphonse Daudet trong cái truyện ngắn Buổi học cuối cùng: “Một dân tộc nào mà cũng còn giữ được tiếng của mình, thì dân tộc ấy cũng như giữ được cái chìa khoá để tự giải phóng cho mình”. Sau đó anh nói trách nhiệm của sinh viên thanh niên là phải trau dồi tiếng mẹ đẻ, dùng tiếng mẹ đẻ làm công cụ phát triển văn hoá, văn minh của nước nhà. Anh lại khuyến khích sinh viên đi vào nghiên cứu vốn văn học dân tộc, vì không có tiếng nào hơn là tiếng nước ta để biểu hiện trung thành và sâu sắc tư tưởng và tình cảm của con người chúng ta. Anh cũng khuyến khích công việc dịch thuật để làm giàu thêm cho kho sách của nhân dân.
Anh còn phác hoạ ra một chương trình gồm 6 điểm để củng cố địa vị của quốc văn trong đời sống của quốc dân: một là phải chống những tật xấu trong tinh thần Á Đông, hai là phải chống lại những tật xấu của riêng người Việt Nam. Ba là phải chuộng sự thật; bốn là phải chuộng sự lành mạnh; năm là chuộng sự sáng sủa; sáu là chuộng sáng tác, đẩy mạnh tinh thần sáng tạo. Đoạn kết anh nói: “Tôi xin tóm tắt lại cùng anh em bằng một tình cảnh. Này một đứa bé Việt Nam lọt lòng ra đời. Tiếng mẹ nó ru bao bọc lấy nó, mơn trớn, vuốt ve. Dần dần đứa bé nghe lọt tai rồi ngày ngày được ẵm bồng trong câu ru Nam Việt. Tâm linh nó tự nhiên thấm nhuần tiếng mẹ đẻ, nghe lời ru, nó hết khóc, nó mỉm cười Nó nằm trong nôi, mà cũng là nằm trong lòng mẹ, mà cũng nằm trong tiếng nước nhà:
Nằm trong tiếng nói yêu thương,
Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời.
Sơ sinh lòng mẹ đưa nôi:
Hồn thiêng đất nước cũng ngồi bên con.
Mấy câu thơ ấy của một thi sĩ bạn tôi (Huy Cận) thật đã tả cái cảnh yêu thương chẳng những của lòng mẹ mà còn cái lòng đất nước. “Hồn thiêng đất nước cũng ngồi bên con.... Anh lại thêm: “Anh em đừng ngại rằng quốc văn ta nghèo nàn, kém cỏi, không đủ món ăn cho anh em. Không đủ, anh em cũng cứ xem rồi thì khen lao hay chỉ trích, hay chế nhạo cũng được; nhưng miễn sao anh em đừng hừng hờ. Anh em làm cái bổn phận ủng hộ, bổn phận dễ nhất của anh em. Còn nhà chúng ta nghèo, chúng ta chớ ngại. Nhà nghèo mà anh em ta biết chịu thương chịu khó, biết cố gắng, biết hy sinh thì chẳng mấy chốc mà cái nhà văn Việt Nam, từ vách đất mái tranh, sẽ hoá nên lâu đài cung điện. Thưa anh em, văn học Việt Nam đang mong mỏi ở mỗi chúng ta”.
Buổi diễn thuyết thành công mỹ mãn, lúc ra về mọi người tìm bắt tay diễn giả và cũng nói lên cái lòng hoài bão chung đối với tiếng nước nhà... Lúc cuốn Thanh niên với quốc văn xuất bản ở nhà “Thời đại”, anh Diệu đề tặng tôi “Diệu tặng Cận bài diễn thuyết đầu tiên của Diệu; sắp sẵn những cuộc “chu du nói chuyện” của ta về sau. Sở dĩ anh đề như vậy là vì cả hai chúng tôi lúc đó có cái mộng là đi diễn thuyết khắp nước để cổ vũ công cuộc xây dựng nền văn học và nền văn hoá nước nhà.
Mộng này về sau anh Diệu đã thực hiện một cách đầy đủ bằng hàng trăm (gần đến 1000) cuộc bình thơ, nói chuyện thơ của anh. Tôi cũng làm được mức nào bằng những cuộc nói chuyện của tôi về văn hoá, văn nghệ về sự trau dồi bản sắc văn hoá dân tộc, về việc xây dựng các vùng văn hoá đẹp và bền trong cả nước.
Xuân Diệu viết về “Hàng bia Văn Miếu”
Cùng một lúc với việc chúng tôi trau dồi tiếng Việt làm thơ viết văn bằng tiếng Việt, với lòng yêu tiếng nước nhà một cách thiết tha, da diết thì cũng có dăm ba người trong đám trí thức ti toe viết tiếng Pháp, hòng xây dựng sự nghiệp văn chương bằng tiếng Pháp. Đối với chúng tôi lúc đó, việc chạy đòi làm thơ văn bằng tiếng Pháp là một tinh thần nô lệ, hướng theo cái uy thế của “mẫu quốc”. Chúng tôi không những cười cái trò ấy mà còn căm phẫn nữa. Thái độ căm giận ấy anh Diệu đã tỏ rõ trong bài Hàng bia Văn Miếu. Ở giữa bài có đoạn anh viết:
“Một chiều kia tôi đã nhận bài học của hàng bia Văn Miếu. Tôi xin kể lại bài học ấy cùng mọi người. Thái học sinh nghĩa là gì? Nghĩa là những cậu học sinh giỏi giang, ở trên cả các học sinh khác, những người “học trò” tốt vậy, nghĩa là thuở Hán học, các học sinh ấy khéo thuộc lòng, khéo ăn cắp sách, khéo nấu nướng những món văn sách, kinh nghĩa, nấu giả Đường, giả Tống cũng như người ta nấu giả cầy, và dọn lên cho các quan trường thưởng thức. Các thái học sinh đã làm việc rất hữu công cho thân mình họ, bởi cái lẽ hiệu nghiệm nhất là họ đã làm việc không công cho tiếng nước Tàu... nào có ra gì bác Nguyễn Du, nếu bất hạnh Nguyễn Du không đỗ đạt....
Đoạn kết thúc anh viết:
“Tôi buồn cười trông thấy sự ngây ngô của đời trước, tưởng rằng đậu ông nghè là có đại công với văn học, với tổ quốc, vội xây đài kỷ niệm... Người Việt Nam đời nay đã bỏ cái “công danh Tàu” đời trước: và cái “công danh Tây” đời này người Việt Nam đời sau sẽ để vào góc nào? Chắc sẽ có một Văn Miếu thứ hai, hai hàng bia đá khắc ghi tên những ông nghè, ông thạc, và rêu tha hồ bám, cỏ tha hồ che”. (bài đăng ở báo Ngày nay năm 1938).
Giọng mỉa mai của anh đối với các bậc khoa cừ ngày xưa cũng có chỗ chưa thật thoả đáng, nhưng cái ý chính của anh là mỉa mai các vị văn sĩ viết tiếng Tây, và cái ý đồ bảo vệ tiếng mẹ đẻ, bảo vệ văn học và văn hoá dân tộc là hoàn toàn chính đáng, mà vì vậy bài báo ra đã được đám thanh niên rất hưởng ứng.
Xuân Diệu công phu học vốn cổ thơ văn dân tộc
Trong các di cảo của anh có cả một quyển vở dày trong đó anh chép các bài thơ, bài từ, bài phú hay (chép từ thời anh còn học tiểu học và trung học ở Qui Nhơn, từ năm 1930-1933. Chẳng hạn về thơ ngụ ngôn anh đã chép nhiều bài theo ngụ ngôn bát cú như bài Dạ hoài của Phạm Tuấn Tài:
Đêm năm tay vắt trán,
Thân thế nghĩ mà dơ!
Đội đức dường non bể,
Đền ơn chửa tóc tơ.
Giá hèn bầu bạn rẻ,
Xu ít chị em lờ!
Tủi phận hờn duyên chán,
Châm đèn dậy viết thơ.
Anh lại cũng chép những bài hát nói thấy dăng trên các báo như bài Kỷ niệm vua Hùng Vuông của Trần Duyệt, bài Nhà nho với nhà trò than thân của Huyền Mặc Đạo Nhân... Anh lại công phu chua chữ Hán bằng mực đỏ dưới những câu đối trong các bài hát nói. Anh công phu chép hàng chục bài hát nói như vậy.
Thể thơ song thất lục bát anh cũng chép nhiều bài như Đêm buồn tự thuật của Vũ Như Châu hay bài Trường hận ca diễn âm (nguyên văn của Bạch Cư Dị, bài diễn âm này không biết của ai, không phải bài dịch của Tản Đà). Anh lại còn chép nhiều từ khúc, theo các điệu từ khúc của Tàu và của ta ngày xưa, như điệu “Nhất tiễn mai”, điệu “Trường tương tư”, điệu “Lâm Giáng tiến”, điệu “Cán khê sa”, điệu “Khoa phong lạc”, điệu “Thái xuân hoa”, điệu “Vân thê”, điệu “Giá cô thiên”, điệu “Nga mi dương”, điệu “Như mộng lệnh”, điệu “Xuân quang hảo”, điệu “Đổ bộ thiềm”, điệu “Mộc lan hoa” điệu “Nguyễn lang qui”, điệu “Bắc giang mai lệnh” điệu “Nhất chi thất”, v.v... Cái điều mà ta gọi là làm chủ vốn cổ văn học nghệ thuật nước nhà thì Xuân Diệu đã công phu chuẩn bị cho mình từ bé, để sau này thật sự anh làm chủ cái vốn quí của cha ông khi anh trân trọng nghiên cứu “các nhà thơ cổ điển Việt Nam”...
Dự định ra tạp chí Tao phùng tạp chí văn học và triết học
Từ lúc tôi học ban thành chung, nhất là từ khi tôi học ban tú tài tôi rất ham mê triết học, song song với cái say mê văn chương. Tôi đọc sách đều cả hai loại: triết lý và văn thơ. Đến năm tôi học năm thứ ba ban tú tài tôi Càng say sưa nghiền ngẫm triết học, và những sách tôi đọc ngoài chương trình triết học của nhà trường là rất nhiều. Thầy giáo tôi về triết học là ông Nguyễn Huy Bảo đã ghi trong học bạ của tôi “Cù Huy Cận có một cảm quan nhạy bén và sâu về triết lý”. Lúc tôi thi tốt nghiệp ban tú tài, giáo sư triết học người Pháp Hertrich (ở Hà Nội vào Huế chấm thi) cũng cho tôi điểm cao nhất cả về bài viết và bài vấn đáp. Và giáo sư này cũng khuyên tôi nên sang Pháp học môn triết học để lấy bằng thạc sĩ về triết học, lời khuyên ấy là gãi đúng chỗ ngứa của tôi. Tôi cũng đã làm đơn xin học bổng để đi học theo hướng gợi ý của giáo sư Hertrich và của thầy Nguyễn Huy Bảo. Nhưng ngày 1-9-1939 chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, không biết đơn xin học bổng của tôi có được chấp nhận không, nhưng tôi quyết định ở lại nhà, vì cảm thấy rằng sẽ có những biến cố lớn xảy ra với đất nước. Rồi tôi đi dạy ở trường Chính hoá (Vinh), rồi vào học Trường cao đẳng Nông lâm ở Hà Nội, học nông lâm là cốt để có một nghề tay trái, khỏi phải bán văn thơ nuôi thân. Và cái mộng vừa làm thơ, vừa tìm tòi nghiên cứu về triết học vẫn đeo đuổi tôi mài. Và đầu năm 1942, lúc tôi đã tham gia hoạt động cách mạng, tôi vẫn nghiền ngẫm trong tâm trí cái dự kiến ra tạp chí triết học kiêm văn chương.
Tôi gặp nhà thơ Vũ Đình Liên, lúc đó vừa dạy tư, vừa làm tham tá nhà đoan, hai anh em tâm sự và trao đổi những ý đồ văn chương với nhau, rất tâm đắc. Tôi bàn với anh Liên sẽ cho ra tờ tạp chí lấy tên là “Tao phùng” tạp chí văn chương kiêm triết học, mà chủ nhiệm kiêm chủ bút là tôi và quản lý trị sự là anh Liên phụ trách.
Hiện nay tôi vẫn còn giữ cái “ma két” của tờ tạp chí ấy vẽ bằng mực xanh trên một tờ giấy không trắng lắm và nay thì đã ố vàng. Trong tạp chí này chưa để tên Xuân Diệu vì anh Diệu lúc đó còn làm tham tá nhà đoan ở Mỹ Tho. Tôi có viết thư cho anh Diệu biết dự định của tôi thì anh Diệu tán thành và nói: “Diệu sẽ góp phần văn thơ là chính, còn phần triết học thì đó là miếng đất và cái thú riêng của Cận”, nói câu ấy với một mỉm cười kín đáo. Cái mộng tạp chí triết học kiêm văn thơ của tôi chỉ còn là một kỷ niệm, vì ở đời có phải bất cứ dự định nào, bất cứ mơ ước nào cũng thành được sự thật cả đâu. Vừa rồi tôi gặp lại anh Vũ Đình Liên có nhắc câu chuyện tạp chí “Tao phùng” này, thì hai anh em cùng cười, nhưng không phải là cái cười chua chát, cay đắng nhớ đến một sự thất bại của đời mình, vì chúng tôi, vì tôi nghĩ rằng mộng triết học kiêm văn chương không thể hiện bằng tờ tạp chí, nhưng vẫn thực hiện trong cuộc đời, trong sự sống của mình trong những cảm nghĩ và suy nghĩ hàng ngày của mình.
Có thể nói vui rằng hằng ngày tôi vẫn cho ra tạp chí “Tao phùng” trong cuộc sống và trong hoạt động văn học, nghệ thuật của tôi. Chắc các bạn đọc có thể thông cảm điều này. Định lấy cái tên “Tao phùng” là vì nhớ đến câu “Nghìn năm một hội tao phùng” của Vũ Lượng trong bài Văn tế trận vong tướng sĩ nổi tiếng.
Một cô người Pháp cực kỳ mê thơ Xuân Diệu
Cô ấy là Louise Koger, bố là người Pháp, mẹ cũng là người Pháp, chứ không phải là đầm lai. Không biết cô học tiếng Việt trong trường hợp nào, mà nói tiếng Việt rất sõi, giọng đặc là giọng người Hà Nội. Cô học văn khoa tại Paris, và yêu một anh trạng sư Việt kiều.
Hai người nói chuyện với nhau toàn bằng tiếng Việt và cô tỏ tình với người yêu toàn mượn lời thơ của Xuân Diệu để nói thay lòng mình. Và trong câu chuyện hàng ngày cô cũng vẫn dùng những câu thơ của Xuân Diệu để nói chuyện với người yêu, ví dụ hai người đi dạo ngoài phố mà cô Louise muốn giục người yêu của mình đi mau thì cô đọc lên câu thơ “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ!”. Cũng có lần hai người đi chơi ở Angiêri gặp tuần Ramađăng (là một tuần lễ của Hồi giáo, trong tuần đó người ta nhịn ăn, các cửa hàng ăn không bán thức ăn, mà chỉ bán nước giải khát). Thế thì hôm trước tuần Ramađăng, hai người vào tiệm ăn A-rập, cô giục người yêu cố gắng ăn no đi vì ngày mai có thể phải nhịn đói, nếu không tìm được nhà người quen để ăn nhờ. Cô liền đọc câu thơ: “Ăn đi anh. Em rất sợ ngày mai” (câu thơ của Xuân Diệu là: “Mau lên em! Anh rất sợ ngày mai” trong bài Giục giã). Cô Louise Roger lại còn thuộc thơ Xuân Diệu đến nỗi có thể tập thơ Xuân Diệu (như người ta tập Kiều) ví dụ cô đã ghép bốn câu ở bốn bài khác nhau của Xuân Diệu thành một bài tứ tuyệt đúng niêm luật và có nghĩa:
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều (trong bài Vì sao)
Ta cần uống ở suối thương yêu (trong bài Vô biên)
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói (trong bài Dây mùa thu tới)
Không khóc nhưng mà buồn hiu hiu (trong bài Nhị hồ)
Cô này rất thuộc văn thơ Việt Nam, đặc biệt là Thơ mới. Anh bạn trạng sư yêu cô say đắm, trọng vì nết, say vì tình, và hai người lại có một sự say mê chung, là mê Thơ mới và đặc biệt là mê thơ tình của Xuân Diệu. Tưởng là hai người kết duyên với nhau suốt đời, thế mà vì một sự vụng về và cạn nghĩ của anh chàng trạng sư mà mối tình phải chấm dứt. Cô đành phải kết hôn với một người bạn ở châu Mỹ la tinh, và anh bạn trạng sư về sau cứ tiếc ngơ tiếc ngẩn. Gặp tôi ông trạng sư si tình còn tự hỏi thầm: “Không biết bây giờ thì cô đọc thơ tình của Xuân Diệu cho ai nghe?”...
Chắc chắn là không còn đọc cho ông trạng sư nghe nữa. Chính câu chuyện này người bạn trạng sư Việt kiều đã kể cho anh Xuân Diệu và tôi nghe tháng 11-1981 lúc anh Xuân Diệu sang Paris để diễn thuyết về văn thơ Việt Nam tại trường đại học Sorbonne.
Bà bán hoa, cô bán thịt chó, và bà hành khách đi tàu hoả đối với nhà thơ Xuân Diệu
Cách đây hơn 10 năm, khi còn chống Mỹ cứu nước một hôm anh Xuân Diệu đến mua hoa ở cửa hàng hoa trên bờ hồ Hoàn Kiếm. Anh thích hoa hồng và tỉ mỉ chọn được 5 bông hoa vừa ý, và rút ví để trả tiền thì bà bán hoa nói: “Sao ông lấy ít hoa thế, mùa này hoa đẹp, ông lấy vài chục bông về cắm ở phòng, vừa đẹp vừa thơm. Hoa ái tình mà”. Anh Diệu nói “Hoa thì đẹp nhưng tiền thì không nhiều!”. Bà hàng hoa đáp: “Có bao nhiêu đâu? Xin biếu nhà thơ. Yêu là chết ở trong lòng một ít mà?”. Thì ra bà hàng hoa rất thuộc thơ Xuân Diệu và rất quí nhà thơ, anh Xuân Diệu cảm động và cảm ơn và nói đùa thêm: “Cho rất nhiều nhưng chẳng nhận gì cả?” câu thơ của anh là “Cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu”...
Năm 1983, một hôm anh Diệu ra chợ Hàng Bè tìm mua thịt chó. Anh gặp được một chỗ bán thịt mềm và ngon, mua nửa ki lô, toàn thịt không lấy xương... Hỏi giá bao nhiêu thì cô hàng thịt chó cho biết là 50 đồng nửa ki lô anh Diệu hơi ngần ngừ vì cảm thấy hơi đắt.
Cô hàng thịt nói “Xin nhà thơ cứ lấy, em chỉ tính 30 đồng thôi, và nếu nhà thơ quen hầm vó cầy, thì em xin biếu luôn bộ vó này để nhà thơ có thêm hứng mà làm thơ”. Thì ra cô này cũng rất thuộc thơ Xuân Diệu.
Anh Diệu vừa trả tiền vừa cảm ơn “Cô biếu tôi nhiều quá”, thì cô hàng lại nói: “Có nghĩa gì đâu một buổi chiều” (câu thơ trong bài Vì sao). Từ đó trở đi, cần ăn thịt chó thì anh Diệu lại ra chợ Hàng Bè tìm cô bán hàng thịt chó rất thuộc Thơ thơ...
Năm 1982, anh Diệu đi từ Tuy Hoà ra Qui Nhơn bằng xe lứa. Lúc ở ga Tuy Hoà lên xe thì trong toa tầu tối mịt người chen chúc nhau rất lộn xộn, anh Diệu tay xách tay mang tìm chỗ đặt một chân cũng không được chứ đừng nói là có chỗ ngồi. Anh Diệu phải nói to lên: “Thì các bà cũng phải để cho tôi chỗ đứng với chứ?”. Sau đó vài phút, có một anh thanh niên tìm đến chỗ anh Diệu đứng và nói: “Má em mời nhà thơ đến ngồi đằng này với chúng em không thừa chỗ, nhưng em xin đứng để nhà thơ ngồi”. Anh Diệu hỏi sao biết tôi mà tìm đến giúp thì anh thanh niên nói: “Má em nghe tiếng của nhà thơ, nhận ra cái giọng đặc biệt của nhà thơ hôm nhà thơ nói chuyện ở Tuy Hoà, cho nên bảo em đến mời nhà thơ ngồi đằng này cho thoải mái một chút.... Đại khái cảm tình của quần chúng bình thường đối với nhà thơ Xuân Diệu là như vậy, một thứ cảm tình tự nhiên, tưởng như mộc mạc, mà thật là một mối cảm tình sâu sắc đầy sự cảm nghĩ của những người có cuộc sống bên trong sâu lắng, yêu mến cái đẹp, yêu mến văn thơ. Những chuyện như chuyện tôi vừa kể còn nhiều lắm trong đời anh Xuân Diệu, lúc khác tôi sẽ kể thêm. Anh Xuân Diệu cũng biết cái “thế mạnh” của mình, nên trong khi giao thiệp với người này người kia, với cơ quan này, cơ quan kia, anh cũng nói vui: “Tôi là đồng chí Xuân Diệu, đồng chí nhà thơ Xuân Diệu đây”, tôi xưng danh chỉ có thế” rồi anh cười xoà...
Một bà má ở Mỹ Tho muốn gả con gái cho Xuân Diệu
Lúc anh làm tham tá nhà đoan ở Mỹ Tho anh ở nhà bà Nguyễn An Ninh ở phố bờ sông Bảo Định (tôi sẽ kể sau với những năm tháng ở nhà bà Ninh). Nhưng thỉnh thoảng anh có đến chơi nhà một bà má khá giàu sang ở gần Sở anh làm việc, bà má người hiền lành nhưng cách ăn nói rất mực thước vừa thân tình mà cũng vừa lịch thiệp. Bà có một cô con gái khá xinh, đã học qua bậc tiểu học rồi ở nhà lo việc gia đình với bà. Thỉnh thoảng hai mẹ con về quê (trong đó gọi là về vườn) mang nhiều hoa quả của ngon vật lạ ra Mỹ Tho. Theo cách hiểu bây giờ thì tôi nghĩ rằng đó là một bà địa chủ cỡ vừa ở cái đất phì nhiêu của đồng bằng sông Cửu Long. Không thấy chồng bà ra Mỹ Tho bao giờ, hoặc giả bà là quả phụ, nhưng cũng không thấy bà nói chuyện ấy.
Anh Diệu đến chơi nhà thì bà rất quí, bà cũng biết anh Diệu là nhà thơ nổi tiếng, nhưng bà cứ gọi anh Diệu là “Ông tham biện” trước mọi người. Nhưng khi hai người nói chuyện riêng với nhau thì bà xưng má với anh Diệu và gọi anh Diệu là con một cách rất tự nhiên. Cứ má má, con con như thế hàng tháng giời, anh Diệu cũng thấy êm ái và nghĩ rằng đó là tình cảm trìu mến của một bà má Nam bộ đối với một người trí thức ở Hà Nội vào, nhất là đối với một nhà thơ. Và bà cùng cô con gái đã làm những bữa cơm thật ngon có cá chà bông, có canh chua theo kiểu Nam bộ, có cơm gạo nanh chồn nấu với nước dừa... để chiêu đãi anh Diệu những chiều thứ bảy hoặc trưa chủ nhật. Chính tôi cũng đã được hưởng thụ những bữa cơm ngon đó khi vào thăm anh Diệu những dịp nghỉ hè. Mãi mà bà má không thấy anh Diệu ngỏ ý, bà má đâm ra nóng ruột và có một hôm giọng rất tâm tình bà hỏi nhỏ anh Diệu: “Vậy chớ con đã có ý định làm duyên với ai chưa, đã có ba má nào trong này nhận con làm con chưa?”. Lúc bấy giờ anh Diệu mới hiểu ra rằng bà má muốn gá con gái cho mình mà có sự săn đón thân tình đối với anh gần trong một năm giời. Tất nhiên là anh có những lời thối thác, và rút lui “có trật tự”. Tuy vậy thỉnh thoảng anh vẫn đến thăm bà má này, vì bên cạnh tấm lòng người mẹ lo gả chồng cho con gái, vẫn có tấm lòng trìu mến của một bà má Nam bộ đối với một người trí thức ở Bắc vào...
Đem má anh Diệu tập kết ra Bắc
Tháng 10-1954, chúng tôi về Hà Nội, thì anh Diệu và tôi tìm hỏi ngay việc tập kết cán bộ và gia đình cán bộ ở Khu 5 ra Bắc như thế nào. Anh Diệu rất lo lắng và không biết có thể đem má mình ở Gò Bồi (Bình Định) ra Hà Nội sống với mình được không. Tôi tìm hỏi mãi thì liên lạc được với đồng chí Minh (lúc đó là khu uỷ viên của Khu 5, và bây giờ là uỷ viên của Mặt trận Tổ quốc) là người đang phụ trách sắp xếp việc đưa gia đình các cán bộ tập kết ra Bắc với con mình. Thế là may quá anh Diệu và tôi đến trình bày trường hợp cụ thể của bà má anh Diệu (là bà Nguyễn Thị Hiệp), lúc đó đang sống ở Gò Bồi, đơn chiếc không ai chăm nom, mà nếu phải ở lại với chính quyền nguỵ thì sẽ điêu đứng và nguy hiểm cho bà. Đồng chí Minh hết lòng giúp đỡ, liên hệ với trong Bình Định, nhờ người của ta trong đó đi tìm bà má và bố trí cho bà được cùng ra với một số đông cán bộ tập kết trên một chuyến tàu Ba Lan lúc đó chở cán bộ tập kết từ Khu 5 ra Hà Nội. Như vậy là sau bao nhiêu năm mẹ con xa cách, anh Diệu lại được đón mẹ đẻ của mình về cùng sống với mình tại ngôi nhà 24 Điện Biên Phủ cùng gia đình của tôi. Bà má anh Diệu đã sống một đời đau khổ, như đã kể rõ trong chương trình nói về tuổi nhỏ anh Diệu, nên bà sinh tính hơi rụt rè, nói rất nhỏ nhẹ, đi đứng âm thầm. Và bà rất dễ tủi lòng. Có đôi khi anh Diệu bực mình một việc nhỏ gì đó nói hơi to tiếng (không phải là to tiếng với mẹ đâu) thì bà má cũng thấy tủi cực và lủi thủi đi xuống bếp. Thế là anh Diệu hối hận lại phải xuống an ủi má, có khi hai má con cùng ứa nước mắt. Bà má biết tôi là bạn thân của anh Diệu, bà cũng rất thương tôi và đi chợ mua được quà gì cho anh Diệu ăn thì bà cũng chia phần cho tôi từ quá chuối đến cái bánh giò, đến miếng mít... Bà má cứ ăn bận áo quần bà ba đen, theo kiểu đồng bào Khu 5 và Nam bộ, anh Diệu muốn may áo cánh trắng hay là áo màu nâu cho bà, bà cũng không chịu mặc. Nỗi đau khổ lớn về tình cảm của hai mẹ con trong thời thơ bé của anh Diệu cứ đeo đẳng bên anh nên anh tìm mọi cách để làm vui lòng má chăm lo từng miếng ăn, từng miếng trầu, từng chén nước. Bà má đã mất trong những ngày còn chống Mỹ cứu nước... Nay Tịnh Hà đã đưa gio bà má về thành phố Hồ Chí Minh.
Tôi suýt chết đuối ở sông Đáy
Cuối năm 1949, lúc tôi mới từ Bộ Kinh tế trở về Phủ thủ tướng làm Thứ trưởng Tổng thư ký Hội đồng Chính phủ, một hôm đi họp về, nước sông Đáy hơi to, tôi cưỡi con ngựa đen (anh em gọi đùa là con ngựa Xích thố), tìm một chỗ sông cạn để lội qua, nhưng mọi chỗ đều đã sâu.
Tôi đành ôm chặt bờm ngựa, cho ngựa bơi qua sông, hai chân kẹp chặt vào bụng ngựa, trên vai vẫn mang ba lô.
Ngựa bơi chỗ nước sâu, nước chảy hơi mạnh, con ngựa vẫn ngẩng đầu lên bơi rất thong thả, còn tôi thì nước đã ướt cả quần và ướt cả đến bụng vì có lúc lưng con ngựa cũng chìm xuống một chút. Trong bụng tôi hơi run, nhưng hai tay bám chặt bờm ngựa, và cố ngồi thật yên để giữ thăng bằng, vì tôi không biết bơi, hay nói cho đúng hơn lúc tắm sông bận quần đùi tôi chỉ bơi được mươi thước.
Nếu bây giờ con ngựa chòng chành mà tôi rơi xuống sông thì nhất định chết đuối. Thế rồi ngựa bơi được sang bờ bên kia, và tới bờ nó chạy nhanh lên chỗ gò đất cao thì tôi ngã xuống cả ba lô trên lưng, vì cái dây thắng đái đã đứt lúc nào không biết trong lúc ngựa còn bơi qua sông. Thế nghĩa là chỉ cần một chút chòng chành của lưng ngựa khi đang bơi, là cái bành lật nghiêng và tôi sẽ chết đuối... Thật là hú vía, may mà sông hôm ấy nước to nhưng nước chảy không thật mạnh lắm, không có những chỗ nước xoáy. Con ngựa rất khôn, nó lên gò đất cao thấy tôi ngã, nó dừng lại chờ chứ không chạy thẳng về nhà nơi tôi ở. Sau một vài phút bàng hoàng, tôi lại đứng dậy mang ba lô lên người và nối lại dây thắng đái, buộc bành vào lưng ngựa và rất cẩn thận nhẹ nhàng lên ngựa đi lững thững về nhà cụ Muỗi, một đồng bào người Tày ở trong xã Tân Trào, nơi tôi ở gần hai tháng trời trước khi vào ở trong Lán của ATK (an toàn khu) của Chính phủ.
Từ đó về sau, tôi vẫn đi ngựa, nhưng mỗi lần trước lúc đi đều nhờ đồng chí bảo vệ là anh Lư kiểm tra thật kỹ dây thắng đái của ngựa... Con ngựa Xích thố này về sau bị vết thương trên lưng, tôi cho rắc thuốc sunfamít chữa lành nhưng rồi lại bị xước và ung nhọt trở lại... Tôi nghỉ không đi ngựa hàng tháng, thế rồi con ngựa chết, nó chết ban đêm, đến trước cửa phòng tôi ngủ mà chết. Thật đúng là khuyển mã chi tình.
Đồng chí Trường Chinh dặn tôi đừng tịt thơ
Một chiều cuối năm 1947, trời đã trở rét, tôi đang đứng chờ trên bờ sông Đáy để chờ bè chở sang sông đi họp Hội đồng Chính phủ thì gặp đồng chí Trường Chinh vừa đi đến. Trong lúc chờ bè đồng chí Trường Chinh hỏi chuyện tôi công việc trong Chính phủ, về việc vận động tăng gia sản xuất (vì lúc đó tôi phụ trách Bộ Canh nông). Rồi đồng chí với một giọng thân tình hỏi tôi: “Thế nhà thơ Huy Cận có còn làm thơ nữa không, hay là bận việc Chính phủ thì tịt mất thơ?”. Tôi trả lời là “vẫn tiếp tục làm một số bài nhưng thấy làm thơ khó hơn trước”. Đồng chí Trường Chinh vui vẻ nói với tôi: “Làm thơ đương nhiên là khó, huống chi hồn thơ bây giờ cũng có khác trước khác lúc anh làm tập Lửa thiêng. Nhưng bây giờ làm cách mạng rồi, có hào khí mới thì làm thơ càng hứng thú chứ sao. Nhất định nhà thơ Huy Cận phải tiếp tục làm thơ, và làm thơ nhiều, dồi dào hơn trước nữa. Nếu Huy Cận mà tịt thơ thì là có tội với Đảng với cách mạng, vì người đời sẽ bảo rằng vì theo cách mạng, vì đi làm cách mạng mà nhà thơ cạn mất nguồn thơ. Cho nên làm công tác gì thì đồng thời Huy Cận phải làm thơ....
Dặn tôi rồi anh bắt tay đi, với một nụ cười rất thân tình. Tôi cứ nhớ mãi câu chuyện dặn tôi làm thơ bên bờ sông Đáy buổi chiều mùa đông năm ấy. Sau này tôi tiếp tục làm thơ nhiều, dồi dào như đồng chí Trường Chinh nói, với tất cả cái hào hứng của một người nghệ sĩ ở trong phong trào cách mạng, sống trong cái luồng hào khí của nhân dân, của dân tộc sôi nổi làm cách mạng. Và mỗi lần tập thơ mới của tôi ra đời thì tôi lại gửi tặng đồng chí Trường Chinh, với dòng chữ báo cáo với anh là tôi không tịt thơ, vẫn sáng tác đều như anh dặn. Hôm nay, viết đoạn hồi ký này, tôi đã có 18 tập thơ xuất bản, và có tuyển tập thơ sắp phát hành, ngoài ra còn hơn 400 bài thơ đã hoàn thành mà chưa đăng báo, chưa in sách. Tôi kể lể như vậy, để nói lên lòng cảm ơn một đồng chí lãnh đạo đã có tấm lòng tri kỷ đối với một người làm thơ như tôi. Lúc anh Trường Chinh cho xuất bản cuốn sách Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt nam trong thời kháng chiến chống Pháp, anh cũng có tặng tôi một bản với một lời đề tặng rất khích lệ...
Xuân Diệu đấu tranh chống cảnh sát Tây ở phố Hàng Bông
Tôi nhớ lúc bấy giờ là mùa hè 1943, anh Diệu bị gãy tay (vì bị ngã xe đạp) tay đang bó bột treo lên bằng một sợi gạc buộc vào cổ. Anh đi dạo về nhà đến đầu phố Hàng Bông thì gặp một cuộc cãi cọ giữa mấy người đi đường với tên cảnh sát Tây đi qua đó. Anh Diệu hỏi sơ qua câu chuyện thì hiểu rõ thằng cảnh sát Tây có lỗi nhưng nó ỷ thế ỷ quyền quát mắng những người mà nó đã đâm xe đạp vào. Mấy người này có sự ủng hộ của bà con đi đường vây quanh thằng cảnh sát nhưng không ai nói tiếng Pháp thạo, nên thằng cảnh sát cũng có vẻ có thế áp đảo.
Anh Diệu mặc dầu tay đau, xông tới mắng thằng cảnh sát bằng những lời lẽ khá mạnh, và bằng một lời văn tiếng Pháp rất đanh. Thằng cảnh sát ngạc nhiên một phút, nhưng rồi cũng làm oai với cả anh Diệu, và nó có nói: “Nếu anh không im thì tôi sẽ mời anh về bót”. Anh Diệu nổi nóng lên, càng nói hăng lên, và đám người dừng lại giữa phố càng ủng hộ sự phê phán của anh Diệu. Cũng lúc ấy thì tôi đi xe đạp ở vườn Bách Thảo về đến chỗ đang có cuộc đấu tranh. Tôi cũng nói bồi thêm những lời phê phán cần thiết...
Thằng cảnh sát Tây thấy núng thế, lên xe đạp chuồn thẳng về phía Bờ Hồ... Và còn nói lời hăm doạ “chúng bay đều là bọn chống Pháp, sẽ biết tay các ông”.
Nhân đây cũng nhắc chuyện anh Diệu đã chống thằng hiệu trưởng trường Khải Định là Lafferandne, hồi anh học năm thứ ba Ban tú tài (1936-1937). Thằng hiệu trường này là một lão cáo già thuộc địa, rất hách dịch, rất khinh thường học sinh Việt Nam. Anh Diệu bèn viết thư kiện thằng hiệu trưởng này với Sở học chính toàn Đông Dương ở Hà Nội. Giám đốc học chính Đông Dương lại trả đơn kiện về cho hiệu trưởng trường Khải Định. Thế là lão Lafferandrie lùng sục xem chữ viết của học sinh nào dám kiện nó. Anh em trong lớp đều biết anh Diệu viết đơn kiện, nhưng đều một lòng bảo vệ anh. Có lần lão hiệu trường nhìn anh và nói “Anh coi chừng”. Thì anh Diệu thản nhiên trả lời: “Ông bảo tôi coi chừng cái gì? Tôi là học sinh, có việc gì đã có hội đồng giáo sư của trường xem xét....
Tên hiệu trưởng thấy anh cứng cựa, nó đành làm lơ bỏ đi...
Xuân Diệu viết bài cho Tạp chí Độc lập của Đảng Dân chủ trong thời kháng chiến chống Pháp
Lúc bấy giờ anh Nguyễn Thành Lê làm chủ bút tạp chí này, cứ mỗi tháng ra một số, in bằng giấy dó, giấy dó thì không phẳng lắm, có tờ lợn gợn từng hạt như hạt thóc, mà mực in thì lại nhạt, cho nên báo đọc không được rõ lắm. Tuy vậy Ban biên tập (mà linh hồn là anh Nguyễn Thành Lê), vẫn tập hợp đủ bài để ra báo đều đặn. Cộng tác viên về mặt bình luận văn học chính là anh Xuân Diệu, nhưng dưới những bài bình luận này lại ký tên Trảo Nha (Trảo Nha là tên xã quê hương của anh Diệu ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh). Nhưng Trảo Nha ký dưới các bài này cũng có nghĩa, vì Trảo Nha có nghĩa là răng và vuốt như là nanh vuốt, vì đây là những bài phê bình, có khi là bút chiến gay gắt. Tôi đặc biệt nhớ bài của Trảo Nha bình luận về quyển sách Nguyễn Du và quyền sống của con người trong Truyện Kiều của Hoài Thanh. Tất nhiên là anh Diệu cũng có lời hoan nghênh anh Hoài Thanh về công phu nghiên cứu Truyện Kiều và nêu lên vấn để chu nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du trong kiệt tác của mình. Nhưng Trảo Nha đã đặc biệt phê phán mạnh mẽ thái độ của Hoài Thanh đối với Nguyễn Du khi nói: “Nếu Nguyễn Du sống đến ngày nay, và sống giữa chúng ta thì chúng ta cũng sẽ mời cụ vào Hội Liên Việt, dành cho cụ một chỗ ngồi trong Hội Liên Việt”. Câu nói ấy của Hoài Thanh rất sai về cả hai phương diện: một là sai về thái độ xem thường nhà thi hào Nguyễn Du, hai là sai về thái độ xem thường và có tính cách mỉa mai đối với Mặt trận Dân tộc thống nhất (lúc đó là Hội Liên Việt) Tất nhiên anh Hoài Thanh xem được bài của Trảo Nha cũng hơi bực mình, nhưng ngẫm lại thấy Xuân Diệu phản ứng có lý, có lẽ, nên việc bực bội ấy không thành chuyện. Vả lại cả hai người thật sự đều rất bái phục tài thơ của Nguyễn Du, và đểu trân trọng đến mực tấm lòng ưu ái của Nguyễn Du đối với số phận con người. Nhưng Trảo Nha không chỉ phê bình, mà trong nhiều bài còn giới thiệu và biểu dương thơ của bộ đội, của lớp nhà thơ trẻ...
Những năm tháng Xuân Diệu ở nhà bà Nguyễn An Ninh
Những năm anh Diệu làm tham tá nhà đoan ở Mỹ Tho, anh ở trọ nhà bà Nguyễn An Ninh (mà chúng tôi gọi thân mật là bác Ninh), ở phố dọc bờ sông Bảo Định. Bác Ninh là vợ nhà cách mạng Nguyễn An Ninh lúc đó đang bị đầy ra Côn Đảo. Bác Ninh một mặt lo chạy chữa cho chồng khỏi bị đối xử nghiệt ngã quá tại nhà lao Côn Đảo, một mặt lo nuôi cho con ăn học: con gái lớn là Bình (nay là một kỹ sư công tác rất giỏi) con trai là Nguyễn An Định (sau này là cán bộ thiết kế mỹ thuật ngành sân khấu, tập kết ra Bắc, nay đã về Nam). Con trai út là Vĩnh, mà bác Ninh cứ thường gọi là “Vĩnh cục vàng của má”. Anh Diệu ở đó cũng có bày vẽ chút ít cho các em Bình, em Định học hành.
Lúc tôi vào thăm anh Diệu nghỉ hè thì tôi cũng có dạy cho các em, mỗi tuần vài buổi. Bác Ninh cũng có buôn bán chút ít và làm lạp xường rất ngon để bán lên Sài Gòn. Anh Diệu và tôi ở trên gác, và trên gác này lạp xường cứ treo lủng lẳng khắp bốn phía tường vừa thơm, vừa ngậy... Khi đầu chúng tôi không quen mùi lạp xường hơi khó ngủ, nhưng rồi cũng quen dần và mỗi lúc về nhà ngửi thấy mùi lạp xường lại thấy dễ chịu. Bác Ninh rất thương hai chúng tôi, và thấy hai chúng tôi thân nhau trong một tình bạn hiếm có như vậy thì bác càng quý. Có hôm bác nói vui “Tao nằm dưới nhà mà cứ nghe hai anh em nói chuyện với nhau “Diệu Diệu, Cận Cận” thì càng thương tụi bay.”
Có lần tôi đã đi theo bác Ninh về Sài Gòn để gặp trạng sư Trịnh Đình Thảo, để nhờ trạng sư chạy chữa cho nhà cách mạng Nguyễn An Ninh được đối xử tử tế hơn một chút ở nhà tù Côn Đảo. Nhà bác Nguyễn An Ninh có một tủ sách tiếng Pháp vô cùng phong phú mà nhà cách mạng Nguyễn An Ninh đã mua góp trong hàng chục năm trời. Chính ở đó tôi đã được đọc những bộ sách quý giá về triết học, về thơ (như thơ Tao, thơ Heine, thơ Omar-Khayam, thơ Gớt-tơ, thơ Sin-le...).
Bác Ninh nay đã mất, bác để lại trong lòng chúng tôi hình ảnh của một bà má miền Nam trìu mến, hình anh của một người vợ gương mẫu, đảm đang nuôi con trong lúc chồng bị cầm tù vì hoạt động cách mạng.
Sau đây là bài Giọt lệ Hoàng Mai, tôi đã viết sau chuyến về thăm quê vào mùa hè năm 1941.
Giọt lệ Hoàng Mai
Mẹ Quê hương! Con đã khóc thầm với mẹ! Con đã
khóc những giọt lệ nóng nhất của lòng con. Nhìn Mẹ
mà không thương sao được? Mặt non sông yêu mến, ở người toả ra một nỗi niềm chi mà lòng ta thổn thức, bồi hồi. Ta nhìn giang sơn, non nước thì lòng ta tan thành nước mắt. Ôôi quê hương bởi vì đâu là lòng ta thương yêu lại hoá ra xa xót, ngậm ngùi? Anh em ơi, đã nhìn mặt Mẹ bao giờ chưa?
Một ngày giữa hè ta từ Hà Nội về thăm nhà. Chiếc tàu chợ chậm rãi, cần cù lê thê dọc ngày, mãi xế chiều mới về đến xứ Nghệ. Nắng không oi lắm, nhưng ngọn gió Lào – như tiếng rú của mấy con thú đau thương - cứ phần phật tạt qua từng loạt. Ánh nắng chân trời thì trong, nhưng sát mặt đất hơi mờ mờ vì bụi dấy lên từng lúc. Trời đất như cặm cụi làm việc gì khó khăn, phải bền gan, vững chí mới làm được. Núi gần bên cây cổi cỗi cằn, cỏ vàng úa, ngọn cháy sém bời gió thiêu; núi đứng từng đoàn, kết hợp mà ngó như cô đơn, bời ngôi nào cũng như quả quyết đứng lại ở đây trấn thủ cho một ý mạnh gì. Này dưới chân núi, ruộng cạn, đất nứt nẻ khắp nơi; đám lúa trỉa không ngất đầu lên được dưới ngọn gió thép, và dưới trời cháy lặng. Ngọn lúa sém nức lên những tiếng khô, não ruột như hơi thờ của một kẻ cùng lực. Này đôi bụi mưng, bụi mốc giữa đồng những điểm xanh rải rác càng tăng thêm cái nặng nề, cái không khí khó nhọc của đồng ruộng nồng khan. Chim ở đâu? Hoa sao không thấy nở? Mà người cũng ẩn đâu? Từng hồi mới gặp được cái áo nâu, chiếc nón thượng: người cũng như cầm sức lại, để dành cho những lúc khó khăn hơn nữa, phải nỗ lực để giành với cái chết một phần sự sống.
Tàu chậm rãi, cần cù đi qua. Lòng ta lúc ấy không phân tích như ta vừa kể. Lòng ta cảm thông thắm thiết trong giây phút với cõi đất này. Phân tích ra thì làm tan mất cái ẩn ý của non nước mà ta cứ cảm nghe hiển hiện khắp chốn, khắp nơi.
Có phải không, ở trên đông lúa sém, trong dáng núi kiên gan, cả trong ngọn gió Lào hồng hộc, ta nghe một linh hồn rắn rỏi vô cùng. Tưởng như ở đây là lò hun đúc những bản lĩnh gang thép, bản lĩnh của cảnh vật nghĩa là bản lĩnh của người. Sự sống đi đến đây dừng lại một chút, cô đặc hơn lên, để rồi còn đi xa, trên con đường vạn dặm. Dòng nòi giống đến đây không còn long lanh, óng ả như dòng sông mượt mà, mà đã trở nên một dòng thép chảy, nồng và nặng, ấn sâu xuống đời. Gió Lào không phải là hơi thờ phơi phới của tuổi thơ. Không! Đây tuổi đã đứng, đường đã đến một ngõ quyết định, nòi giống đến đây thờ hơi thở quả quyết, nhọc nhằn nhưng không hề chán nản; trong hơi thở ấy, tưởng toát ra cả hơi nóng của ruột gan, không thở luôn luôn, mà thở từng hồi để cầm sức. Nhưng cũng có cái vui của khí phách hào hùng, cái vui không tỏ ra nụ cười, mà ở trong dáng đi tin tưởng, cái vui hiện ra nơi mắt nhìn tròng trọc mà trong suốt thay!
Đến đây là một chặng đường tối quan yếu của dân tộc; trước lúc đi xa hơn, giống nòi như kiểm soát lại sức mình.
Ngọn lúa hơi cằn bỗng trở nên oai hùng một cách lạ đồng ruộng nứt nẻ phải chăng là nét nghị lực trên mặt giang sơn.
Con tàu chậm rãi đi qua. Sắp đến Hoàng Mai, ga lớn đầu tiên của xứ Nghệ, Thanh Hoá phì nhiêu, mát dịu là thế, mà mới một quãng vào đây, sông núi đã trở nên trầm hùng và gân guốc.
Tàu chạy cách núi chừng nửa cây số, hai bên đường sắt là ruộng lúa và một ít rau. Ta bỗng thấy như lòng Mẹ mở ra, bòn tất cả sức sinh sống còn lại đem nuôi con. Mẹ gắng đến cái sức cuối cùng để sinh ra lúa, ra ngô ra khoai, ra đậu mà nuôi đàn con đông đảo và lực lưỡng này. Đường sắt chạy qua, tàu dằn trên đất, ta đau xót như thấy Mẹ ta đang nằm đó, đưa tay qua lòng mà phân phát cho anh em ta máu sống. Tàu chạy cần cù, chậm rãi bao nhiêu, ta nghe đất lại dội lên đau xót bấy nhiêu. Và ta không cầm lòng ta được nữa, ta gục đầu vào thành cửa tàu, khóc nức nở, nước mắt tràn nóng trên tay như máu uất tan ra: Ta khóc mãi cho đến quá xế chiều, gần về chợ Thượng.
Giọt lệ Hoàng Mai! Giọt lệ non sông chảy qua lòng ta đó. Đã hơn năm rồi, từ buổi chiều hè ấy. Hôm nay kể lại, lòng ta vẫn bồi hồi xa xót như lúc ấy, như bao giờ. Ta muốn nói chuyện với anh em ta, nói đến cái nỗi niềm của sông núi. Nỗi niềm ấy phải là nỗi niềm chung của chúng ta. Trong lòng thương yêu bao giờ cũng ẩn một bài học quyết liệt; nếu không, yêu thương hoá ra chỉ là lời điệu văn hoa nói cho qua chuyện.
Khí phách hào hùng của dân tộc: nghĩa rộng bao la. Giành lại quyền sống! Giành lại quyền tư tưởng của giống nòi! Cha ông đã bấu vào sự sống trên mảnh đất này, đã vật lộn với thiên tai và nhân hoạ dai dẳng mấy nghìn năm.
Cha ông đã thắng cuộc, cha ông đã sống, và cha ông đã có một điệu sông riêng. Điệu sống ấy bảo đảm cho quyền sống ấy. Cái gang thép không chỉ phải thực hiện trong đời, mà còn phải rạng ngời trong tư tưởng. Hôm nay ghi lại vài ý tâm sự với anh em, qua ánh sáng một giọt nước mắt. Chớ ngại rằng bắt đầu bằng giọt lệ. Những cuộc lên đường xưa nay đều đã bắt đầu sau một cơn nước mắt.
Huy Cận
Hà Nội 1942
Cuối năm 1941 tôi tham gia hoạt động cách mạng trong Việt Minh, hoạt động ở Hà Nội trong thanh niên, sinh viên, và trong giới trí thức khoa học.