Bình Luận 3

Tuệ Chương Hoàng Long Hải
June 15, 2005
Tuệ Chương Hoàng Long Hải
Mãi đến bây giờ, nhiều người bạn tôi vẫn còn thắc về sự có mặt của Huy Cận trong phái đoàn 3 người của Chính phủ Cách mạng Lâm thời đến Huế nhận ấn kiếm của vua Bảo Đại thoái vị. Hai người kia, Nguyễn Lương Bằng và Trần Huy Liệu là những cán bộ Cộng sản từng bị thực dân Pháp bắt, bị tù, nhiều người biết. Sự có mặt của họ chẳng có gì phải suy nghĩ. Huy Cận thì khác. Ít người cho rằng trước Cách Mạng Tháng Tám, ông là cán bộ Cộng sản.
Hồi ức về buổi lễ thoái vị của vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn, Huy Cận viết như sau:
“Đời tôi đúng là có duyên nợ với Huế. Năm 1927, tôi rời Hà Tĩnh vào Huế học và sống ở đây đến tận năm 1939, tức là suốt thời học sinh mơ mộng, bắt đầu làm thơ và thành danh cũng ở đây. Tôi coi Huế như quê hương thứ hai của mình. Khi rời Huế vào năm 1939, thực sự tôi không thể ngờ là sáu năm sau, tức là vào những ngày tháng Tám năm 1945, tôi lại được trở lại Huế với cương vị thành viên của phái đoàn Chính phủ lâm thời để tiếp nhận thoái vị của vị vua cuối cùng của triều đại cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.
Phái đoàn do ông Trần Huy Liệu, Phó Chủ tịch Chính phủ kiêm Bộ trưởng Tuyên truyền làm trưởng đoàn, cùng với hai thành viên là ông Nguyễn Lương Bằng và tôi. Lên đường từ Hà nội sáng 27 tháng 8, chúng tôi dự tính chiều 28 sẽ đến nơi, nhưng kế hoạch đã bị đảo lộn vì suốt dọc đường, nhất là từ Thanh Hoá trở vào, nhân dân hai bên đường tập trung chào đón đoàn quá đông, trung bình cứ khoảng 10 cây số lại gần như có một cuộc mít-tinh nho nhỏ. Nhiều bà con từ xa cơm đùm gạo bới tìm đến, có người đang làm lụng trên đồng, cứ để nguyên quần áo lấm láp mà chạy tới. Có cụ già cứ đòi nhìn vào tận xe để “coi mặt Chính phủ lâm thời một chút mô…” mỗi lần như thế chúng tôi đều dừng xe và anh Trần Huy Liệu lại đứng trên mui xe để trò chuyện với bà con. Buổi chiều đến phà Ròn trời mưa tầm tã, rất đông bà con vẫn đội mưa chờ chúng tôi. Cảm động quá, anh Trần Huy Liệu đứng lên nói như van xin “Xin đồng bào về đi, kẻo mưa to quá, ướt hết rồi…” Tiếng râm ran đáp lại: “Chúng tôi đã chờ dưới mưa từ trưa tới chừ rồi…” Thế là phải dừng, ghé vào khu nhà Đoan trò chuyện chừng 10 phút. Bà con rất cảm động, nhiều người khóc. Nước mắt hoà lẫn với nước mưa. Tối 28 nghỉ lại Quảng Trị. 9h sáng hôm sau tới Mỹ Chánh, không có phà, bà con địa phương phải kết đò lại thành cầu phao cho xe qua. Sang tới bên kia sông đã thấy anh Tố Hữu, Chủ tịch Uỷ ban Khởi nghĩa Thừa Thiên Huế, ra đón. Anh em ôm chầm lấy nhau. Tôi và anh Tố Hữu biết nhau từ thời Quốc học, anh ấy học sau tôi hai năm và đã bắt đầu làm thơ và hoạt động cách mạng từ trên ghế nhà trường. Lúc nầy thì Tố Hữu như cờ gặp gió, anh sung sướng quá thét to lên với đồng bào của mình: “Đồng bào ơi! Đây là Chính phủ của ta, thật sự của ta đấy…” Mọi người hoan hô rầm rĩ. Và xe của chúng tôi đã đi trong tiếng hoan hô chào đón như thế cho đến gần trưa thi tới sân vận động Chợ Cống, Huế. Đồng bào Huế đã chờ chúng tôi ở đây từ sáng, có người chờ cả ngày hôm trước. Khoảng 40 ngàn người. Khi đoàn ra mắt, tiếng vỗ tay vang lên như sấm. Một đoàn thiếu nữ Huế áo dào tha thướt lên tặng hoa, và trong số đó tôi còn kịp nhận ra cô Phùng Thị Duy Cúc, sau nầy chính là nhà điêu khắc nổi danh Điềm Phùng Thị và là một người bạn thân thiết của tôi.
Trưa hôm đó, ông Phạm Khắc Hòe, đổng lý văn phòng của triều đình chuyển lời vua Bảo Đại mời chúng tôi vào tiếp kiến. Đoàn xe cắm cờ đỏ sao vàng của chúng tôi ngắm cổng chính Ngọ Môn tiến vào. Xưa nay, chỉ có nhà vua, các quan toàn quyền và khâm sứ Pháp mới đi cổng chính nầy, còn tất cả quan lại khác của triều đình đều đi cửa ngách. Trên lầu Kiến Trung, Bảo Đại bận áo xanh, đi giày cườm đã chờ sẵn để đón đoàn. Trước khi gặp Bảo Đạo, anh Trần Huy Liệu và chúng tôi có cuộc hội ý chớp nhoáng xem nên xưng hô như thế nào. Gọi là “Ngài ngự” hay “Hoàng thượng” đã đành không được, nhưng gọi “ông” thi mới quá. Cuối cùng chúng tôi quyết định gọi “Ngài”. Và buổi tiếp đã diễn ra khá thoải mái. Bảo Đại bày tỏ sung sướng được tiếp phái đoàn đại diện của Chính phủ lâm thời và trưởng đoàn Trần Huy Liệu cũng bày tỏ vui mừng vì nhà vua đã chấp nhận thoái vị. Vẻ mặt bùi ngùi, Bảo Đại nói giọng ân hận: “Thưa phái đoàn, thực ra trong hai mươi năm làm vua, tôi cũng chỉ ngậm đắng nuốt cay, vì có nhiều việc muốn làm cho dân cho nước mà người ta không cho làm…” Sau đó, ông ta đề nghị với đoàn ba nguyện vọng: Một là, xin Chính phủ cách mạng xem mọi người trong Hoàng gia như những công dân bình thường khác (ý nói không phân biệt đối xử); hai là, cũng xin Chính phủ xem các quan lại trong triều như mọi đồng bào khác và được tham gia vào những công việc cứu nước tuỳ khả năng và hoàn cảnh của từng người; và cuối cùng là, xin Chính phủ cách mạng đối xử với lăng tẩm, đền miếu của nhà Nguyễn cho có sự thể.
Lễ thoái vị chính thức được tổ chức vào chiều 30 tháng 8, với sự có mặt của năm, sáu vạn người dân Huế đứng tràn ngập trước Ngọ Môn. Nhà vua bận triều phục đại lễ, áo hoàng bào khăn vàng, đi giày cườm vàng. Theo nguyện vọng của nhà vua, lá cờ vàng của triều đình được kéo lên một lần cuối cùng, sau khi nhà vua đọc xong tuyên bố thoái vị thì kéo xuống để kéo lá cờ đỏ sao vàng của cách mạng lên đỉnh Ngọ Môn.
Sau khi Bảo Đại đọc xong lời tuyên bố thoái vị, tới nghi thức trao ấn kiếm. Chiếc kim ấn truyền quốc làm bằng vàng ròng nặng dễ đến ngót 10kilogram, anh Trần Huy Liệu vốn sức yếu, phải gồng lên mới cầm nổi, còn tôi dĩ nhiên với cái tuổi 26, thì mười cân cũng nhẹ nhàng thôi. Thú vị nhất là khi cầm cây kiếm, thấy vỏ ngoài dát vàng nạm ngọc rất đẹp, tôi thuận tay rút kiếm ra xem, ai dè bên trong lưỡi kiếm đã bị rỉ, tôi hồn nhiên nói ngay vào micrô: “Thưa đồng bào! Kiếm nhà vua bị rỉ hết rồi”. Mọi người cười ồ. Bảo Đại cũng cười. Ông ta nói: “Thưa phái đoàn, từ nay tôi là một người dân bình thường của nước độc lập, xin phái đoàn cho tôi một vật gì để kỷ niệm cái ngày này”. Ý kiến bất ngờ. Chúng tôi hội ý và tôi nhanh tay rút chiếc huy hiệu cờ đỏ sao vàng mà Uỷ ban Nhân dân Cách mạng Thừa thiên Huế, tặng các thành viên của phái đoàn cài lên ngực Bảo Đại, đoạn nói to: “Xin đồng bào hoan nghênh công dân Vĩnh Thuỵ”. Nhiều tiếng vỗ tay vang lên. Bảo Đại thực sự cảm động và lặng lẽ rút lui. Triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam đã ra đi trong cảnh chợ chiều, tôi nhìn quanh chỉ thấy hoàng thân Vĩnh Cẩn và một vài quan lại thưa thớt. Trong khi đó, dưới kia, cuộc mít tinh đã trở thành một cuộc biểu đương lực lượng khổng lồ của quần chúng cách mạng Huế. Ấn tượng thật hùng vĩ. Tôi đã sống với Huế những năm của tuổi trẻ. Trước đây, tôi chỉ biết Huế tình tứ dịu dàng, Huế hiền hoà và thơ mộng, nhưng nay tôi biết thêm một Huế cách mạng, một Huế khi cần đã vùng dậy như những ngọn sóng trào…”
Năm 1945, khi từ chiến khu về Hà Nội thành lập Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh biết sức của ông cũng như đảng ông còn yếu, nên tranh thủ lòng yêu nước của tầng lớp trí thức, tiểu tư sản thành thị, trung nông, phú nông, và cả quan lại của triều đình Huế. Những người có uy tín, được dân chúng yêu mến và ngưỡng mộ đều được mời tham gia giữ những chức vụ không quan trọng lắm trong Chính phủ, và cả những thành phần các đảng phái quốc gia khác, nếu ông bị áp lực. Vua Bảo Đại trở thành Cố Vấn Vĩnh Thuỵ, cụ Bùi Bằng Đoàn, nguyên Thượng thư Bộ Hình trong triều chính đời Bảo Đại hay Nguyễn Tường Tam làm Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao, Phan Anh, Hoàng Xuân Hãn, v.v… đều ở trong chiến lược của họ Hồ. Chờ tới khi đảng Cộng sản vững mạnh, Hồ Chí Minh sẽ thay đổi, loại trừ hoặc cho “ngồi chơi xơi nước”.
Huy Cận cũng không nằm trong trường hợp ngoại lệ.
Ông được người Huế yêu mến vì tài nghệ của ông. Chính ông nổi tiếng ở đó như ông đã xác nhận “suốt thời học sinh mơ mộng, bắt đầu làm thơ và thành danh cũng ở đây”. (Bài đã dẫn)
Nhà thơ Huy Phương, trong bài “Nghe ta buồn buồn” viết nhân dịp nghe tin Huy Cận qua đời, ghi lại tình cảm của những người Huế với thơ Huy Cận và những nhà thơ tiền chiến như sau:
“Cái tên Huy Cận, Xuân Diệu, Thế Lữ, Nguyễn Bính, Tế Hanh… nói đến như soi rọi lại một quãng đời niên thiếu như vùng vẫy, lặn hụp trong dòng sông dịu mát của những vần thơ của các thi sĩ, gọi là tiền chiến, được trịnh trọng chép tay trên những tờ giấy mỏng manh đóng thành tập hay chuyền tay nhau trong lớp học. Nỗi buồn trong thơ Huy Cận cũng là nỗi buồn của những chàng trai mới lớn, bâng quơ, nhen nhúm chút tình…”
Nhận xét của Huy Phương nói ở trên không phải chỉ có trong lớp thanh thiếu niên thời hậu chiến, mà ngay cả một hời gian dài trước những biến cố trọng đại năm 1945, một tầng lớp thanh thiếu niên Huế, chìm đắm trong mơ mộng, yêu đương, say mê thơ ca lãng mạn, cũng đã dành cho Huy Cận một chỗ đứng vững chắc trong lòng họ rồi.
Ghi lại đây nhận xét của Huy Phương về Huy Cận đối với Huế, như thế là quá đủ để khỏi trích dẫn những nhận xét của Hoài Thanh trong “Thi Nhân Việt Nam” bởi vì những nhận xét của Hoài Thanh mang nét chung nhiều hơn là nhận xét của Huy Phương nói về Huy Cận đối với Huế.
Hồ Chí Minh là người mưu lược chính trị, vậy thì trong những người đến Huế nhận ấn kiếm vua Bảo Đại thoái vị, ngoài Nguyễn Lương Bằng và Trần Huy Liệu mang nặng tính đảng, phải có một nhân vật khác, môt nhân vật thứ ba từng được cảm tình của người dân Huế mà không phải là thành phần có mầm mống chống đảng, người ấy không ai khác hơn Huy Cận. Điều nầy giải thích được những thắc mắc của những người bạn tôi mà tôi nói ngay ở đầu bài, một thắc mắc đã mấy chục năm chưa có dịp để được nói ra.
Nếu phê bình một cách rốt ráo trên lập trường “Cách mạng triệt để”, những người Cộng sản không thể chấp nhận Huy Cận đứng trong hàng ngũ văn nghệ của họ. Thứ nhất, ông thuộc tầng lớp thường được gọi là “Những nhà thơ lãng mạn tiền chiến”, những nhà thơ bị Cộng sản Việt Nam đánh giá thuộc giai cấp tiểu tư sản thành thị, phục vụ cho giai cấp tiểu tư sản dư ăn dư mặc mang nhiều tính giai cấp xấu bị Cộng sản đánh phá dữ dội. Giai cấp nầy cùng giai cấp trung nông và phú nông, dù “có công với cách mạng” vẫn bị phê bình, loại trừ hoặc đấu tố để triệt tiêu.
Không riêng gì đối với Huy Cận, một người từng gắn bó và yêu thương với Huế, cứ mỗi lần đọc những bài văn bài thơ của những nhà văn Cộng sản, hay nghe một bài hát của họ nói về cái dũng khí cách mạng của người dân Huế, tôi khó tránh không nghĩ tới năm ngàn người bị chôn sống hồi Tết Mậu Thân. Tôi tin Huy Cận yêu Huế thật, nhưng ngay trong hồi ký nói trên của ông, không thể không có những khoa trương, theo kiểu Cộng sản để tuyên truyền vì mục đích của người Cộng sản, bao giờ cũng chỉ là tuyên truyền, theo cách “dạy” của Trường Chinh trong đại hội văn hoá thứ nhất của Cộng sản năm 1947 ở chiến khu Việt Bắc, trong bài gọi là “Luận Cương (“nổi tiếng”) Về Văn Hoá và Chính Trị” của lý thuyết gia Cộng sản nầy.
Huy Cận viết: “Đời tôi đúng là có duyên nợ với Huế…” Vậy thì Huy Cận có “duyên nợ” gì với năm ngàn người bị chôn sống ở Huế Tết năm đó. Ông muốn quên họ đi, ông muốn lờ họ đi. Hay cũng như Hoàng Phủ Ngọc Tường, ông cũng cho rằng họ là “Những con rắn độc”. Ông không có “duyên nợ” gì với những con rắn độc đó hết.
“Trong khi đó, dưới kia, cuộc mít tinh đã trở thành một cuộc biểu đương lực lượng khổng lồ của quần chúng cách mạng Huế. Ấn tượng thật hùng vĩ”. (Bđd)
Ai trong số “lực lượng khổng lồ của quần chúng cách mạng” đó, đã gây “Ấn tượng thật hùng vĩ” cho Huy Cận thì đã bị chôn sống hồi Mậu Thân?
Cách viết như Huy Cận là cố ý nhằm xoá tan mọi tội lỗi của cán bộ Cộng sản, của đảng Cộng sản về trách nhiệm tàn sát dân Huế năm đó. Một người có lương tâm không thể chấp nhận một cách viết dối trá, che lấp tội ác như thế được!
Những nhà hoạt động văn nghệ Cộng sản, khi bàn về vấn đề văn học, họ thường lúng túng giữa lập trường vô sản, duy vật biện chứng, và vay mượn dân tộc để giải thích lý thuyết cực đoan, nên ý tưởng họ có rất nhiều mâu thuẫn làm cho người đọc cảm thấy khó chịu. Chẳng hạn như những câu trả lời trong bài phỏng vấn Huy Cận sau đây, ta thấy rõ ràng ông bị vướng mắc những cái đối chọi nhau khá kịch liệt, và ông đã cố gắng giải thích một cách gượng gạo, khó làm người đọc đồng ý. Một mặt, ông vẫn đề cao vai trò thơ Mới, qua đó, ông đã “thành danh” như ông ta tự nhận, nhưng bên cạnh đó, ông phủ nhận thơ Mới chịu ảnh hưởng thi ca lãng mạn Pháp, đã kích chủ nghĩa tư bản Tây phương, và cố gắng đưa thơ Mới về với dân tộc, để chứng minh thơ Mới là của dân tộc, trong khi những nhà văn đồng thời với ông trong thời kỳ tiền chiến, như Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, buộc lòng lên tiếng phủ nhận công trình của mình để “chạy tội” với Cọng Sản.
Xin trích:
Nhà thơ Huy Cận:
Người ta đã bàn nhiều về nguồn gốc, giá trị của thơ Mới. Đó là cuộc cách mạng lớn của thơ ca Việt Nam ở thế kỷ 20, sự ảnh hưởng của nó còn phát sang đầu thế kỷ 21. Về nguồn gốc thơ Mới, ai đó cho rằng nó chủ yếu ảnh hưởng của thơ Pháp là sai, là xuyên tạc. Thơ Mới trước hết nhận ảnh hưởng trực tiếp thơ ca dân tộc, thấm đẫm văn hoá Việt Nam, sau đó là văn hoá Á Đông: Trung Quốc, Ấn Độ, và sau nữa mới đến ảnh hưởng thơ Pháp, Anh, Đức với những tác giả như Shakespeare, Gớt, Ranh-bô, Véc-len, Bô-Đờ-Le…
NT Trần Anh Thái:
Như vậy theo nhà thơ, trước khi xảy ra cuộc cách mạng, Thơ Mới đã có sự manh nha?
NT Huy Cận:
Đúng như vậy. Sự ra đời chữ “Tôi” ở Việt Nam vốn tiềm tàng từ những năm ba mươi của thế kỷ 20. Chính cái tôi ấy là động lực thúc đẩy cái tôi trong thơ ca phát triển. Có một điều người ta phân biệt chữ tôi Việt Nam khác với Chủ Nghĩa Cá Nhân Tây Phương thời Phục Hưng. Cá nhân thời Phục Hưng ra đời đồng thời với Chủ Nghĩa Tư Bản. Nó ăn khớp máu thịt với chủ nghĩa tư bản. Khái niệm cá nhân ở nước ta ra đời sau, nó bắt nguồn từ tinh thần dân tộc được hâm nóng lại bằng cuộc hoạt động cách mạng của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc. Và cuộc khởi nghĩa Yên Báy. Trong bối cảnh tinh thần được hâm nóng, mỗi người đều gắn bó máu thịt với dân tộc, nó làm thức dậy tinh thần văn hoá dân tộc, thúc đẩy ý thức về nền quốc học Việt Nam. Đến đây có thể thấy “cái tôi” của Việt Nam không phải là cá nhân đơn lẻ mà là cái tôi - Việt Nam; Cá nhân - Dân Tộc.
Đọc câu: “Sự ảnh hưởng của nó còn phát sang sang đầu thế kỷ 21”. Người ta sẽ tự hỏi, có phải thơ bây giờ (đầu thế kỷ 21) là tiếp nối trào lưu thơ Mới thời tiền chiến đó chăng? Không, nó không phải “tiếp nối” mà “sống lại” trong kiểu cách thơ Mới thời tiền chiến.
Thật ra, thơ Mới đã chuyển mình trong thời kỳ cách mạng tháng Tám, trong cuộc chiến đấu chống Thực Dân Pháp tái xâm lăng Việt Nam. Cuộc Cách Mạng Tháng Tám đã làm cho thơ Mới chuyển mình từ những bài thơ lãng mạn, yêu con người, yêu trăng, yêu gió, yêu thiên nhiên một cách vu vơ, trở thành tình yêu nước mạnh mẽ, biến những lời thơ uỷ mị nhẹ nhàng thành những bài thơ hừng hực lửa, cứng như thép để đủ sức đối kháng với vũ khí hiện đại của quân viễn chinh. Nhưng chỉ kéo dài chừng đó. Khi thơ Mới bị buộc vào những khuôn phép của cuộc “cách mạng đỏ” thì nó biến thành những bài vè, những bài tuyên truyền không thể gọi nó là thơ được, nhất là sau thời kỳ “Nhân Văn - Giai Phẩm” năm 1956, 57.
Thơ Mới chết từ đó. Chính Phùng Quán đã nói lên điều đó:
Hễ đi với nhân dân
Thì thơ không thể khác
Dân máu lệ khôn cùng
Thơ chết áo đắp mặt.
Giống như cái chết của Đỗ Phủ, thơ đã chết rồi, chết trong cảnh khốn cùng, phải lấy áo đắp mặt thay vì một chiếc khăn liệm. Làm gì thơ Mới còn tiếp nối đến ngày hôm nay, những năm đầu thế kỷ 21.
Cho dù đất nước thống nhất năm 1975, thơ Mới vẫn chưa đọi mồ đứng dậy. Mãi tới thời kỳ đổi mới, mặc dù “cỡi trói văn nghệ” chỉ là lời nói suông, thơ Mới đã sống lại cùng với dân tộc, vì mầm sống của nó chưa bị triệt tiêu hoàn toàn, (Không ai có thể triệt tiêu hoàn toàn được thơ!), vì đảng Cộng sản Việt Nam không xây dựng được “thiên đường Cộng sản” trên đất nước Việt Nam. Huy Cận không đủ can đảm để nói lên điều đó, mặc dù có lúc ông đã từng là thứ trưởng Bộ Văn Hoá.
Huy Cận cũng không thể phủ nhận sự phát triển của văn hoá Việt Nam vào những năm ba mươi. (“vốn tiềm tàng từ những năm ba mươi của thế kỷ 20.”) Ngay từ đầu thế kỷ 20, chữ quốc ngữ đã đi tới, chữ Nho thì thụt lùi. Tiến trình nầy có hai lý do chính yếu: Một là chế độ thực dân Pháp dính liền với chữ quốc ngữ trong việc cai trị, phổ biến các văn thư, tin tức báo chí. Thứ hai là sự thụ lùi của chữ Nho cùng với sự co cụm của triều đình Huế càng ngày càng bị tước đoạt dần dần quyền lực. Qua tình hình đó, càng ngày vai trò của chữ Nho càng yếu đi. Đến năm 1916, đời Duy Tân là khoa thi chữ Nho cuối cùng được tổ chức theo lệ xưa ở tại Huế.
Với chính sách cai trị thuộc địa, người Pháp cần người biết chữ Pháp và chữ quốc ngữ hơn là chữ Nho, để cộng tác với họ trong việc cai trị. Bên cạnh đó, chiến tranh Nga-Nhật năm 1904 và sự canh tân nước Nhật của Minh Trị Thiên Hoàng đã mở ra một tầm nhìn mới đối với thế giới bên ngoài cho giới sĩ phu thời đó. Nó khơi nguồn cho Phong Trào Đông Du, Phong Trào Duy Tân cũng như mở rộng con đường tân học cho người Việt, qua đó, chữ quốc ngữ càng ngày càng có một vai trò quan trọng hơn.
Tuy vậy, sau một thời dọ dẫm ở hai thập niên đầu của thế kỷ 20, chữ quốc ngữ phát triển khá mạnh và nhanh trong khoảng thời gian chỉ có 15 năm, từ 1930 đến 1945. Cũng trong khoảng thời gian nầy, vai trò của giáo dục, thi cử và sách báo, thông tin đóng một vai trò quan trọng. Trong lĩnh vực văn chương và báo chí, Tự Lực Văn Đoàn của Nhất Linh đã xuất sắc hoàn thành công tác của mình.
Chính vì những người làm báo, viết văn thời kỳ ấy phần đông thuộc giới tiểu tư sản thành thị, chính vì sự thành công của Tự Lực Văn Đoàn mà đứng đầu là Nhất Linh, một lãnh tụ đảng phái quốc gia, một người chống Cộng, một nhân vật cách mạng mà Cộng sản thù ghét, từng bôi lọ ông, bằng những lời tuyên truyền, những vỡ kịch (“Nguyễn Tường Tam ăn cắp hai triệu” - kịch) nên Huy Cận chỉ nói một cách chung chung, mơ hồ. Ông không thể phủ nhận thời kỳ phát triển của văn chương quốc ngữ thập niên 30 vì ông đã “thành danh” trong đó, nhưng ông cũng không thể ca ngợi nó rõ hơn vì sợ “phạm trường qui”. Chỉ chừng đó, khó đánh giá Huy Cận là người can đảm, mặc dù ông phát biểu những lời nói trên trong thời kỳ được gọi là “Cỡi trói văn nghệ” rồi.
Lý luận về sự xuất hiện và phát triển của thơ Mới, ông có những lập luận loanh quanh, cứng nhắc theo đường lối chủ trương của đảng.
Người ta nói thơ Mới là để phân biệt với thơ Cũ.
Sự phân biệt thơ Mới thơ Cũ chủ yếu đặt căn bản trên hình thức hơn là nội dung. Ví dụ, các nhà phê bình văn học thường cho bài thơ “Tình Già” là bài thơ Mới đầu tiên, là bài thơ tiên phong trong phong trào thơ Mới. Sau đó, nhiều nhà thơ khác như Lưu Trong Lư, Hàn Mặc Tử, v.v… nối gót theo Phan Khôi. Bài thơ “Tình Già” có hình thức mới mẻ, không giữ âm vận nghiêm nhặt, không theo mẫu mực “đề, thực, luận, kết” và phép đối như trong thơ Đường mà Lư Trọng Lư có lần mai mỉa rằng “Hễ con mèo đi ra thì con chó đi vô”. Hình thức không cần thiết, câu thơ không bị lệ thuộc như thơ thất ngôn, ngũ ngôn, miễn sao dễ dàng diễn tả tình cảm rong tâm hồn người thơ mà thôi.
Thực ra, câu dài câu ngắn không đều nhau vẫn là một hình thức thơ cũ đã có mà người xưa thường gọi là “Trường đoản cú” như trong “Chinh Phụ Ngâm” bản chữ Hán của Đặng Trần Côn.
Nếu bàn về chữ tôi (hay cái ta) trong thơ Cũ, Huy Cận tách bạch cũng không phân minh, còn phiến diện, méo mó, v.v… Ví dụ “Chiếc thuyền lơ lững bên sông, biết đem tâm sự ngõ cùng ai hay…” thì đó cũng là nói về cái ta của Nguyễn Trãi vậy, đâu phải cái Tôi - Việt Nam, Cá nhân - Dân tộc, như Huy Cận nói. Hay “Một mảnh tình riêng ta với ta” thì cũng chẳng phải cái Tôi - Việt Nam, Cá nhân - Dân tộc, mà chính là của cả một tầng lớp sĩ phu Bắc Hà “Hàng thần lơ láo” khi ra phục vụ triều đại nhà Nguyễn. Nói cái Tôi - Việt Nam, Cá nhân - Dân tộc chỉ là một cách nói gượng ép, mượn dân tộc để nguỵ trang cá nhân.
Vẫn biết người Tây phương theo chủ nghĩa cá nhân, từ đó họ đòi hỏi nhiều quyền lợi cho con người, quyền lợi tinh thần hơn là quyền lợi vật chất. Đó là những quyền lợi tinh thần thuộc về các tự do căn bản là những điều rất “kỵ” với chủ nghĩa Cộng sản. Nhưng các dân tộc Á Đông, và cả dưới chế độ Cộng sản không ít người còn “cá nhân” hơn cả những người theo chủ nghĩa tư bản Tây Phương. Họ ích kỷ, tham lam, ngại hy sinh cho đất nước, dân tộc, bảo vệ quyền lợi riêng của mình, cả quyền lợi vật chất cũng như tinh thần còn hơn cả người Tây phương rất xa. So sánh như thế để thấy rằng Huy Cận méo mó, phiến diện khoa trương rất nhiều về những cái mà người Cộng sản Việt Nam không có. “Lấy của ban ngày” không phải là một câu chuyện hữu ích nói về lòng tham lam ích kỷ của số đông người Á Đông hay sao?!
Khái niệm cá nhân ở nước ta ra đời sau, nó bắt nguồn từ tinh thần dân tộc được hâm nóng lại bằng cuộc hoạt động cách mạng của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc. Và cuộc khởi nghĩa Yên Báy.
Câu nói trên của Huy Cận có ý nghĩa khá mơ hồ. Những người như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh là những nhà cách mạng. Họ hy sinh cá nhân họ cho đất nước và dân tộc, họ làm thơ làm văn kêu gọi lòng yêu nước, hy sinh của mọi người cho đất nước, họ đâu có khơi dậy cái tôi trong mỗi người như Huy Cận nhận xét.
Hơn thế nữa, Hồ Chí Minh là một cán bộ lãnh đạo Cộng sản, chủ trương xây dựng chủ nghĩa tập thể, cho Quốc tế vô sản. “Đem đất nước xây dựng chủ nghĩa xã hội, chứ không đem chủ nghĩa xã hội xây dựng đất nước”, hy sinh dân tộc cho quốc tế vô sản, tại sao lại vơ vào mà nói tới việc Hồ Chí Minh “hâm nóng” cái tôi trong thơ ca Việt Nam? Nói tới cái tôi, với cá nhân ích kỷ của Hồ Chí Minh thì điều ấy vốn có thật. Việc Nông Thị Xuân “phục vụ” “bác” mà đẻ ra Hồ Chí Trung, nhưng vẫn không được Hồ Chí Minh nhận làm vợ, lại âm mưu cho thủ tiêu, thì cách sống và hưởng thụ của ông Hồ có khác chi vua chúa bên Trung Hoa ngày xưa hay các những người giàu có bên ấy thời phong kiến. Ông Hồ còn tàn ác hơn họ khi đồng ý cho thủ tiêu thị Xuân, một người “đầu gối tay ấp” với Hồ.
Riêng về cuộc khởi nghĩa Yên Báy, các nhà sử học Cộng sản thường cho rằng đó là một cuộc nổi dậy ngông cuồng, thiếu cơ bản của những một số trí thức Bắc Kỳ, còn nặng tính tiểu tư sản, ảnh hưởng nặng nề chủ nghĩa cá nhân. Thành ra, những nhận xét của Huy Cận hoàn toàn trái ngược với quan điểm sử học của Cộng sản. Có lẽ ngày nay, có sự cỡi trói nên Huy Cận kéo cuộc khởi nghĩa Yên Báy vào đây để chứng tỏ có sự tiến bộ, sự cởi mở trong quan điểm triết học và sử học ngày nay của Cộng sản Việt Nam đó chăng?
Dĩ nhiên van học Việt Nam có nền tảng của nó, bắt ngườn từ trong đời sống dân tộc từ khi đất nước hình thành. Nhưng trên thế giới không bao giờ có một nền văn học nào thuần tuý mà không vay mượn ít nhiều tư tưởng, học thuật của những dân tộc khác qua sự tiếp xúc giữa các dân tộc đối với nhau, và có những ảnh hưởng hỗ tương hay một bên nặng, một bên nhẹ. Những phương cách sinh hoạt về văn hoá, chính trị và cả quân sự cũng như thời gian tiếp xúc giữa các dân tộc nên ảnh hưởng đó đậm lạt nhiều khi khác nhau. Trong viễn tượng đó, khi nước ta bị Tàu đô hộ, hay khi làm nô lệ cho Tây, hay qua nếp sống tôn giáo, học thuật tư tưởng của ta chịu ảnh hưởng Tàu, Ấn Độ, các nước Tây phương, đặc biệt với Pháp là điều đương nhiên, cần chi phải phủ nhận nó như Huy Cận, cũng như những người làm công tác văn hoá Cộng sản Việt Nam, cái gì của ta cũng là nhứt, không chịu ảnh hưởng của ai hết.
Lập trường văn hoá của họ như thế, mặc nhiên phủ nhận tính cách văn hoá Việt Nam rồi. Tinh thần dân tộc ta không bao giờ tự cao tự đại quá lố như kiểu Cộng sản, bởi vì:
Trong nhà nhất mẹ, nhì con
Ra đường lắm kẻ săn dòn hơn ta!
Người Pháp cai trị ta tính chung chung là một trăm năm. Họ đem cái cung cách của họ mà cai trị ta. Chỉ riêng chừng đó, ta cũng đã ít nhiều chịu ảnh hưởng của họ rồi. Chữ quốc ngữ của ta không phải từ văn hoá Âu Tây mà ra đó hay sao?! Nếu chữ quốc ngữ không phải là cái hay tự khắc nó sẽ không được tồn tại và phát triển. Viết văn bằng chữ quốc ngữ, làm thơ bằng chữ quốc ngữ, lại phủ nhận ảnh hưởng văn hoá Âu Tây là một csự chủ quan khá kỳ lạ, nếu không muốn nói là ngu ngốc và cực đoan. Thêm một điều, Pháp từng là một nước có một nền văn hoá cao nhất thế giới, tư tưởng học thuật của nó phát triển sáng chói đến độ khi những tư tưởng đó phát triển chỉ trong thời gian một trăm năm, với những tư tưởng của Montesquieu, Voltaire, Rousseau, Diderot, v.v…, người ta phải đặt tên cho nó là “Thế kỷ ánh sáng”. Cái “Thế kỷ ánh sáng” không chỉ chiếu sáng nước Pháp mà thôi mà còn chiếu rọi khắp cả châu Âu, châu Mỹ. Nó là niềm hứng khởi cho cuộc Cách Mạng Mỹ và là tư tưởng chủ đạo cho bản Tuyên Ngôn Độc Lập” Hoa Kỳ, (Hồ Chí Minh “cóp” lại trong bản tuyên ngôn độc lập đợc ở Ba Đình ngày 2 tháng 9 năm 1945), cho cuộc Cách mạng tư sản Pháp năm 1789, cho các cuộc cách mạng Châu Âu năm 1848, v.v… Nó khơi dậy những tư tưởng mới của các nhà văn hoá tư tưởng Anh, Đức, Áo Nga, Nhật. Tàu, là ngọn đuốc dẫn đường cho Mác viết “Tư bản luận”, v.v…. Nói chung, những người Cộng sản muốn “quên” việc ấy đi, muốn “lờ” nó đi mà thôi. Nhưng nhìn chung, đó là một thực thể trong tiến trình phát triển tư tưởng của nhân loại.
Chánh sách cai trị của người Pháp khá thâm độc. Họ tự cho họ là có sứ mạng “khai hoá” cho các dân tộc bán khai khi đêm tàu sắt súng đồng xâm lăng thuộc địa, nhưng họ không truyền bá những tư tưởng của “Thế kỷ ánh sáng” đó sang cho dân tộc ta. Họ hỗ trợ sự truyền bá đạo Thiên Chúa vì công việc nầy có lợi cho công cuộc thực dân cai trị của họ hơn. Nggười Việt Nam được những tư tưởng của “Thế kỷ ánh sáng” chiếu rọi tới không phải bằng con đường từ Paris Saigon mà qua ngã Trung Hoa. Người Việt Nam bắt đầu làm quan với tự do, dân chủ, nhân quyền, v.v… qua những sách của người Tàu tryền bá sang ta. (Cho nên Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20 quên với những danh từ Mạnh Đức Tư Cưu, Lư Thoa do người Tàu dịch từ Montesquieu, Voltair, v.v…).
Ngoài hiện tượng Xuân Diệu thú nhận một cách trung thực (“Tôi nhớ Rimbeau với Verlaine”) hoặc những tư tưởng về tự do, dân chủ, nguyên tắc phân quyền mà ngay chính hiến pháp của nước Việt Nam Cộng sản không thể không nhắc tới, người ta còn thấy ngay trong thơ Huy Cận chịu ảnh hưởng tư tưởng Âu Tây khá rõ, khá đậm.
Ví dụ như trong bài thơ Trình bày:
Trình Bày
Tôi sẽ đến trước mặt người, Thượng Đế
Để kêu than khi tôi đã lìa đời
Khi tôi chết và hồn tôi đã xế
Sang bên kia thế giới của loài người
Trước Thượng Đế hiền từ tôi sẽ đặt
Trái tim đau khô héo thuở trần gian
Tôi sẽ nói: Nầy đây là nước mắt
Ngọc đau buồn nguyên khối vẫn chưa tan
Người biết đấy lòng tôi trong trắng lắm
Người cho sao tôi giữ vậy như gương
Mặt trời đẹp sắc đời đua nở thắm
Tôi đã đành mang nặng nghiệp yêu thương
Từng bước lạnh teo, một mình thui thủi
Tin ngây thơ: hồn sẽ hiểu qua hồn
Tôi đâu biết thịt xương là sông núi
Chia biệt người ra từng xứ cô đơn
Cả linh hồn tôi đem cho trọn vẹn
Vốn nhà nghèo không quen thói bán buôn
Đến những kẻ mới vờ duyên hứa hẹn
Tôi cũng cho trọn vẹn cả linh hồn
Đầu gối rã tôi đứng chờ đã mệt
Tôi trông mong hai mắt tối đen rồi
Tôi đã khóc những đêm sầu đến chết
Thuở trần gian xin Thượng Đế thương tôi
Tuổi non dại lòng tôi say mến bạn
Khi thanh xuân tôi mãi chạy theo tình
Nhưng cô độc đã ghi thầm trên trán
Lòng lạc loài ngay từ thuở sơ sinh
Lòng tôi đây trọn một đời thương nhớ
Hồn tôi đây thiên hạïbỏ đìu hiu
Người nhìn xem chân tay muôn dấu rỗ
Thủng gai đời đây tay với tình yêu
Hỡi Thượng Đế! Tôi cúi đầu trả lại
Linh hồn tôi là một kiếp đi hoang
Sầu đã chín, xin người thôi hãy hái
Nhận tôi đi, dầu địa ngục, thiên đàng
Rồi tôi khóc và đầu tôi ngã gục
Mắt tôi mờ vàtay của tôi xuôi
Không biết nữa thiên đường hay địa ngục
Quên, quên đi, đã mang trái tim người!
Nhìn vấn đề một cách tinh tế, người ta khó phủ nhận bài thơ “Trình Bày” của Huy Cận chịu ảnh hưởng tư tưởng của Nietzsche, một triết gia Đức chủ trương vô thần, chống đối những giá trị truyền thống của tư tưởng Âu Tây, đặc biệt chống lại thần học của giáo hội Thiên Chúa La-Mã. Nietzsche có hai chủ trương rất đáng lưu ý, một là ủng hộ thuyết tiến hoá (Theory of evolution), chủ trương vô thần, tuyên bố rằng “Thượng Đế đã chết” (God is dead) và thứ hai là thuyết “Siêu nhân”.
Về vô thần, tư tưởng của Nietzsche có ảnh hưởng lớn, không những chỉ Châu Âu mà còn lan rộng sang Mỹ, làm nền tảng tư tưởng cho nhiều triết gia, văn gia Pháp như Jean Paul Sarter, Albert Camus, từ cuối thế kỷ 19 cho đến cuối thế kỷ 20 và cũng là nền tảng cho chủ nghĩa hiện sinh (Existentialism).
Nhìn chung, vô thần là một trào lưu tư tưởng khá phổ biến trong khoảng thời gian một thế kỷ vừa qua. Do đó, nếu Huy Cận là một người Tây Học (Ông đậu kỹ sư canh nông), nếu có chịu ảnh hưởng thuyết vô thần, hay rõ hơn, chủ trương loại bỏ Thượng Đế thì cũng không có chi lạ.
Tôi không tìm cái hay ở mỗi câu mỗi chữ trong bài Trình Bày nói trên, một bài thơ rất được nhiều người ưa thích. Bởi vì tôi không làm công việc phân tích, phê bình thơ Huy Cận. Nhìn một cách tổng quát, đây không phải là lời van xin trước Thượng Đế. Huy Cận kêu gọi Thượng Đế đó để phủ nhận Thượng Đế. Khi ông chết, ông sẻ trả lại cho Thượng Đế trái tim ông, cơ quan căn bản của con người, nơi hàm chứa sự sống và tất cả yêu thương buồn giận của con người. (Trước Thượng Đế hiền từ tôi sẽ đặt, Trái tim đau khô héo thuở trần gian). Thượng Đế đã cho ông sự sống với tất cả những lời răn dạy. Ông đã sống và đã làm tất cả những gì Thượng Đế răn dạy ông; “yêu thương” là trước nhứt. Ông yêu thương cả những người không yêu ông, ghét ông, phản bội lại ông (Các đoạn 3, 4, 5, 6, 7, 8) nhưng cuối cùng ông chẳng được gì cả, mọi người đều lạnh nhạt xa lánh (Lòng tôi đây trọn một đời thương nhớ, Hồn tôi đây thiên hạïbỏ đìu hiu). Ông tin vào Thượng Đế nhưng chẳng được gì hết. Cũng như Nietzsche, Nietzsche chỉ mong chờ thành quả ở cõi đời nầy, không phải những phần thưởng hứa hẹn ở cõi đời mai sau. Huy Cận trả lại cho Thượng Đế những gì Thượng Đế đã cho ông, dù đó là một kiếp người:
Hỡi Thượng Đế! Tôi cúi đầu trả lại
Linh hồn tôi là một kiếp đi hoang
Sầu đã chín, xin người thôi hãy hái
Nhận tôi đi, dầu địa ngục, thiên đàng.
Ngay chính bản thân ông suy nghĩ như vậy, thế mà Huy Cận phủ nhận rằng thơ Mới không chịu ảnh hưởng văn thơ Pháp mới là điều lạ?!
Dù Huy Cận có nói lắc léo như thế nào chẳng qua cũng chỉ để khỏi “phạm trường qui”. Trong Phong Trào Nhân Văn Giai Phẩm, Phan Khôi từng mai mỉa: “Ới cụ đồ Chiểu ơi là cụ đồ Chiểu. “Ở đây nào phải trường thi, Ra đề hạn vận một khi buộc ràng”. Ngày xưa chỉ phải “Ra đề hạn vận” ở một kỳ thi, nay thì “Ra đề hạn vận” kéo dài suốt cả một đời người.
Huy Cận có cái may, ông không có những bài thơ làm ra sau kỳ “Chỉnh Đảng” như Xuân Diệu, Lư Trọng Lư, nhưng những bài thơ ông làm sau khi “theo Cách Mạng” chẳng có bài nào ra gì. Thật vậy, nhà thơ Huy Phương đã chứng minh như sau đây:
“Có lẽ những bài thơ ca tụng “bác” của Huy Cận không nồng nàn, tận tuỵ như của Tố Hữu, nên chức vụ của Huy Cận cũng là một chức vụ không có mấy thực quyền, trong một Chính phủ có rất nhiều loại “Thứ… Mấy câu thơ của Huy Cận làm trong thời gian ở Việt Bắc (1948) sau đây thấy không có gì là thơ, mà cũng chẳng có gì là “huy cận”:
Về đây ở với đồng bào
Người quen ngõ thuộc vui nào vui hơn”
(Quanh nơi làm việc)
hay một bài thơ khác ca tụng đất Nghệ Tĩnh:
“Đất nầy đất Xô Viết
Đảng mở hội cờ hồng
Tự tuổi vàng đá biết
Mặn nồng tình công nông”
(Gởi Người Bạn Nghệ Tĩnh)
Hay loại thơ chống Mỹ:
“Giặc Mỹ! Mày hung ác quá chừng!
Bom gieo sạt phố, đổ xiêu tường
Nhưng bao người viết thư tường ấy
Sẽ tống xô mày xuống đại dương
(Những Lá thư trên tường Hải Phòng)
Trước 1945, Huy Cận làm nhiều bài khá hay, vừa mang cái tính lãng mạn sầu muộn vu vơ, “sầu đến chết” của thi ca tiền chiến, vừa mang tính cổ thi, những hình tượng và đường nét xưa cũ, mênh mông như vũ trụ, bàng bạc trầm tư về thân phận người như Trần Tử Ngang (°). Đó là những bài thơ thật hay. Đặc biệt trong bài Tràng Giang có mấy câu:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngã
Củi một càng khô lạc mấy giòng
Bèo giạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Khôngcầu nối lại niềm thông cảm
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
Cầu là phương tiện nối liền hai bên bờ sông, cho người qua lại, thăm hỏi chuyện trò và… thông cảm nhau. Không cầu, khi cầu đã gãy thì Trầm Tử Thiêng phải viết “Chuyện một câu cầu đã gãy” để thương tiếc là điều đương nhiên.
Trước Trầm Tử Thiêng không lâu, Nhất Linh có kể lại khi ông viết truyện dài “Cô Mùi”, ông có dự tính đặt tên là “Bèo Giạt” lấy ý trong câu thơ trên của Huy Cận.
Còn một bài nữa, bây giờ không biết tại sao ít thấy phổ biến, nhưng lại là một bài thơ rất hay, rất triết học, buồn hơn cả mấy câu thơ sau đây của Hàn Mặc Tử:
Sáng nay vô số lá vàng rơi
Người gái trinh kia đã chết rồi
Có một chiếc xe mầu trắng đục
Hai con ngựa trắng bước hàng đôi.
Bài Nhạc sầu của Huy Cận, tôi thấy Huy Phương ghi lại có mấy câu. Tôi nhớ cũng không hoàn toàn, xin tạm ghi như sau:
Nhạc sầu
Ai chết đó, nhạc buồn chi lắm thế
Chiều mồ côi đời rét mướt ngoài đường
Phố đìu hiu màu lá cũ lên sương
Sương hay chính bụi phai tàn lả tả
Những bước lạnh teo mộng hồn úa lá
Chim vui đâu cây đã gãy vài cành
Ô chiều buồn sao nắng quá mong manh
Mọi tái nhợt nào cười mà héo vậy
Ai chết đó trục xoay và bánh đẩy
Xe tang đi về tận thế giới nào
Chiều đông tàn lạnh xuống tự trời cao
Không lửa ấm chắc hồn buồn lắm đó
Thê lương vậy mà ai đành lìa bỏ
Trần gian sao nay thành phố đang quen
Nhưng chốc rồi nẻo vắng sẽ xa miền
…..
Và ngựa ơi! Đi nhịp đằm chớ nhảy
Kẻo thân đau chưa quen nệm giường đời
Ai đi đưa xin đưa đến tận nơi
Chớ quay lại nửa đường mà làm tủi
Người đã chết một vài ba đầu cúi
Năm, bảy lòng thương xót đến bên mồ
Ôi chiều buồn khi sắp xuống hư vô
Woecester, Mass mùa hè 2005
Hoàng Long Hải (Tuệ Chương)
Chú thích:
Tình già
Phan Khôi
Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ
Hai mái đầu xanh kề nhau than thở
- Ôi đôi ta, tình thương nhau thì đã nặng
Mà lấy nhau hẵn là không đặng
Để đến nỗi tình trước phụ sau
Chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau
- Hay mới bạc làm sao chớ?
Buông nhau làm sao cho nỡ
Thương được chừng nào hay chừng nấy,
Chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!
Ta là nhân ngãi đâu phải vợ chồng
Mà tính việc thuỷ chung?
Hai mươi bốn năm sau. Tình cờ đất khách gặp nhau.
Đôi cái đầu đều bạc,
Nếu chẳng quen lung đố nhìn ra được
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi
Con mắt còn có đuôi!
Trần Tử Ngang
U-Châu Đăng Đàn Ca
Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất tri lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc thượng nhân nhi lệ hạ!
Hỡi người xưa qua rồi
Hỡi người sau chưa tới
Nhìn trời đất vô cùng
Mình ta tuôn giòng lệ.
 
Nietzsche sinh tại Rocken, thuộc Phổ (nay thuộc Đức). Thân phụ ông là mục sư đạo Tin Lành, qua đời khi Nietzsche mới 5 tuổi. Mẹ ông lo nuôi ông trong một ngôi nhà gồm bà nội (ngoại?), hai bà dì và chị ông. Ông học triết học cổ điển tại viện đại học Bonn và Leipzig và được bổ nhậm làm giáo sư triết học cổ điển tại việc đại học Basel khi mới 24 tuổi. Sức khỏe yếu vì bệnh mắt và chứng nhức đầu kinh niên dằn vặt ông suốt đời, khiến ông xin nghỉ việc năm 1879. Mười năm sau, ông bị chứng bệnh tâm thần mà không bao giờ hồi phục được. Ông qua đời tại Weimar năm 1900.
Ông chịu ảnh hưởng văn hoá Hy-Lạp, đặc biệt triết học của Plato và Aristote. Ông cũng chịu ảnh hưởng thuyết tiến hoá của nhà triết học Đức Arthur Schopenhauer và tình bạn của ông đối với nhà soạn nhạc Richard Wagner.
Ông có quan điểm chống đối kịch liệt tư tưởng truyền thống, đặc biệt do giáo hội cơ đốc đại diện, quyền lực của họ giới hạn chủ nghĩa cá nhân. Sức chống đối đó mãnh liệt đến nỗi ông tuyên bố rằng “Thượng Đế đã chết” và cho rằng đạo đức truyền thống chỉ là một thứ dùng để nô lệ hoá con người. Ông chủ trương thuyết “siêu nhân” là một lý thuyết mang tính cá nhân cao, độc lập, tập trung vào thế giới hiện tại hơn là những phần thưởng hứa hẹn ở thế giới mai sau.

Xem Tiếp: ----