Tập 1- G

An ủi
Lúc đó tôi mới đi học chưa đậu yếu lược có ông Nguyện Phiên mỉa mai mẹ tôi mà gọi đùa bằng Cụ. Bố tôi thì tự nhiên không lấy làm điều những câu xỏ xiên của thiên hạ. Nhưng mẹ thì xấu hổ, căm căm trong lòng. Đến khi tôi đậu tú tài phần thứ nhất thì cả làng đều tôn bố mẹ lên bậc Cụ. Ngày trước là bà (hoặc mụ) và ông. Nay nghiễm nhiên làm cụ mở mày mở mặt với hàng tổng hàng huyện. Mẹ tôi được chút an ủi, phơi phới trong lòng và mỗi khi mẹ gặp sung sướng thì lòng rộng lượng cố hữu của mẹ được bày tỏ rõ rệt. Mẹ quên cả các tị hiềm xưa và chào đón mọi người. Quên tị hiềm, nhưng cái khối tủi thì canh cánh trong lòng, gặp dịp là bùng ra. Ông Nguyện Phiên từ đó mắc cỡ, ít tới lui, sợ phải chào mẹ tôi bằng cụ. “Ai ngờ gọi chơi mà hoá thiệt!”.
Mẹ tôi yếu trước tuổi
Mẹ tôi yếu trước tuổi, xương mỏi, mắt mờ mà mới 45. Hai vai và lưng hay mỏi. Những lần đau nặng hậu sản, không ai thuốc thang, trách nào! Người mẹ teo lại, héo khô bởi đã mảnh khảnh sẵn. Khi nào mẹ lòi hai xương vai, nhìn mà não ruột. Thịt chỗ ấy chín đi mà hơi nổ vảy trăng trắng, như là “mắt” ngô. Chín tím đi một vùng quanh xương vai, thịt da nheo như là da con lạc đà bọc cái ống nhị. Hai ngón chân cái của mẹ thường đi phải bấu chặt vào đất cho khỏi trượt, nhất là khỏi xảy chân những lần có thai, hai ngón chân ấy chạng ra cong lên và hơi sưng. Đã nhắc thì nhắc cho luôn một ngón tay của mẹ móng thối thâm đi mà không mọc lại, đau nhức quanh năm. Mẹ phải đeo quả cà vào, song càng đau thêm. Cổ mẹ nhỏ, nhỏ lắm, có phải theo cách nói bây giờ lại ốm so. Ai biết cái cổ đó đã la gọi hết hơi để réo bố tôi về!
Tôi có vẻ kể lể quá; thực ra chính mẹ tôi kể lể đó thôi:
“Chém cha cái kiếp má đào
Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi”
Mẹ tôi tuồng như thuộc ca dao và Truyện Kiều chỉ để mượn những câu than thở về cuộc đời, về số kiếp chung qui chỉ có hai chữ ấy đè nặng lên tâm hồn mẹ tôi và nhà tôi.
  Nghèo
Có năm mất mùa nhà tôi phải ăn củ khoai chuối. Khoai chuối ngọt và dẻo như khoai dong, nhưng vẫn là món ăn trừ bữa của kẻ nghèo. Có khi cả nhà ra đồng bứt rau trìu về luộc chấm tương, chấm nước cáy nhưng đó là một lần mùa mất kiệt, đói kém quá chừng.
Còn thường về mùa rét, độ mùa cấy tháng 10 thì cơm nấu thường độn khoai lang, khoai khô cặt từng miếng tròn như đồng bạc. Ăn nhấm nhía thì bùi và ngon, nhưng ăn mau, ăn vội thì ngớn lắm tắc lại nơi cổ không tài nào nuốt trôi, lại còn ăn với nhút ngọn đậu nữa chứ! Ăn cơm bằng bát đàn, nơi cái mâm mươn. Tôi vừa ăn vừa lườm nhìn chừng mẹ, hễ mẹ lơ đãng là tôi lè lưỡi ra, đẩy miếng khoai xuống tay bưng bát, rồi hạ xuống dưới mâm cho con vàng chực sẵn. Cứ thế làm mãi cho đến khi mẹ tôi bắt gặp được; ấn đầu tôi xuống bắt nuốt hết khoai. Nghĩ lại những lúc phải ăn cả khoai hà, nước mắt trào ra mà cũng phải nuốt!
  Trốn trong ngạch
Ngày nhỏ ở nhà mỗi khi giận mẹ giận bà hoặc giận bố, tôi thường bỏ cơm đi trốn dưới sập (cái sập to) đựng thóc, và các đồ đạc quý giá của gia đình hoặc trốn trong nghạch. Tối mò mò, tôi nằm im, nín thở để cho cả nhà đi tìm tôi suốt cả buổi tối. Nếu nhà tìm ra thì tôi khóc oà lên rồi hờn dỗi. Cũng có khi tôi trốn ngoài vườn rồi đêm đến về nằm sau thềm, gần mấy đõ ong. Bụng tôi lép xẹp, mà tôi chứ nghe trong nhà bàn nên để cơm cho tôi hay không. Tôi tủi uất cả người, nằm khóc một mình, có khi ngủ quên đến sáng. Nhưng thường thường, trong đêm khuya tôi lại vào tìm bà, và bà cháu lại lục đục dậy dọn ăn.
Tôi là cháu đích tôn được bà trọng bà thương nhưng tôi được chăm sóc về ăn uống hơn là về mặt học hành. Linh hồn tôi lúc đó hơi vơ vất một chút, dường như bị nhà bỏ mặc để nó đi hoang dại một dạo. Tôi hay thơ thẩn một mình, sau thềm sau nương. Bố bận việc hoặc bỏ nhà đi chơi để mặc con như cây dại trong vường. May mà có mẹ tôi lo lắng, và bản lĩnh của tôi mạnh và trong trẻo. Xung quanh tôi nhan nhản gương xấu, chơi bời lêu lổng. Tôi đã sớm biết sự quan hệ của ảnh hưởng xã hội, tôi tự tìm ra và tự biết phòng mình. Mặc dù tuổi nhỏ tôi đã biết cố gắng giữ cái mầm tốt nơi tôi được tươi tắn, cho đến lúc tôi được gặp cái khí hậu ấm áp của nhà trường thì đâm chồi, nở hoa.
Ăn cắp tiền của mẹ
Lấy tiền để làm gì tôi quên mất rồi, chỉ nhớ mang máng là để mua kẹo lạc. Tiền mẹ để trong một cái nối đất treo nơi cái gióng thọng xuống lưng chừng trong buồng mẹ, một buồng tối tăm không cửa sổ. Dưới đất là khoai lang để lâu ngày đã lên mầm; bên một góc là áo quần đã mặc treo nơi một cái sào. Tiền để trong nồi lâu chưa đụng đến, nhiều đồng đã xanh lè, tanh đồng phủ lên khắp. Tôi thò tay bốc một nắm chừng được ba bốn tiền, mà không kịp đưa tay khoả lại cho bằng lỗ hỏm trong nồi. Mẹ không biết gì và không hề soát lại. Tôi cũng tự nhiên, như không...
  Em Kiến và em Giới
Em Kiến tôi (em gái) đã chết năm em lên bảy tuổi. Nghỉ hè về nhà tôi cứ bế em chạy luôn, dạy cho em học cho em hát. Em Kiến hay thẹn ít nói, tôi hơi la thì em khóc liền. Khi sắp khóc thì em nhìn sững vào mặt tôi, em mếu thế là không dỗ được nữa. Anh em sao lưu luyến nhau thế, em hay đến cạnh tôi nhưng tôi nhìn thấy em thì em tránh. Mắt em yếu, ờ phải rồi, ánh mắt của em chừng như không nhận được ánh mắt của tôi và của các em Trà, Chúc, Thước, Điểu, Chữ, Dục. Trời đã báo trước rằng em sẽ chết phải không? Em Kiến mơ ước được ra Hà nội với tôi để làm “cô trợ” (cô giáo). Em chết khi tôi đang đi học ở Hà nội.
Em Giới, con chú Cu chết măn tôi học tiểu học ở Huế. Buổi trưa nắng, em Giới và em Chúc rủ nhau ra bến tắm, đúng ngọ. Bãi vắng vẻ chỉ có hai em thôi. Sông không sâu nhưng gần bến có vực, mà trên bến có đền thần. Một cây gạo to đã mấy đời lúc đó mới gãy. Ngày nhỏ tôi cũng đã một lần suýt chết đuối ở bến ấy. Tôi nhớ con đường đi xuống bến cứ lở dần, sau cùng người trong xóm phải đi lán vào sân đền. Buổi tối hôm ấy em Giới về em lên cơn sốt, em mê sảng và hai ngày sau em chết. Em Giới là con đầu của chú mợ Cu, em thông minh, và tính rộng rãi. Em Giới chết như là có ma dắt em đi. Cái bến Giang xóm tôi dần dần trở lên một cái bến thiêng. Chú mợ tôi tội nghiệp quá! Buồn mấy năm mà không nguôi. Gặp tôi là chú mợ tôi lại cứ nhắc em Giới. Em Giới và em Kiến đếu chết khi tôi đi xa nhà. Cứ sống đời tôi, theo thơ theo mộng của tôi, lắm lúc tôi quên hẳn nhà. Tôi là một lãng tử tự nhiên, anh Xuân Diệu đã không bảo tôi là ở dưới đất nẻ mà nên đó ư! Đôi khi sực nhớ đến, mới biết nhà tôi, cha mẹ anh em tôi vẫn ở đó, với những nỗi đau khổ không ngừng. Và tôi cũng có cái cảm tưởng rằng cha mẹ tôi tuy thương tôi lắm nhưng dường như cũng có khi quên tôi như thế. Mẹ ơi! Không, mẹ có quên con bao giờ đâu! Lời con mới viết là một câu vu vơ để tả cái vu vơ trong tâm lý con hồi đó thôi...
Tình trẻ thơ
Mấy đoạn hồi ký vừa viết trên nhắc đến nhiều đau khổ quá, nhiều ảo não quá, nhiều âm u quá và buồn thương quá. Cho nên tôi chen ngay vào đây một chút tươi mát, chút tình trẻ thơ. Lúc đó tôi khoảng 7, 8 tuổi, gần nhà tôi có một bạn gái cũng trạc tuổi tôi. Tự nhiên thấy quyến luyến nhau, và hay rủ nhau đi ra các góc vườn hái những hoa dại, hoặc là hái những dái mít chấm muối cùng ăn. Có khi hai đứa cùng đào củ gừng ở bụi gừng sau nhà, cũng để chấm muối ăn. Có lần hai đứa còn dám phiêu lưu đi vào tận chân núi Mồng Ga để ăn quả sim quá móc.
Lúc đó tôi đã đi học trường tổng, mỗi khi về nhà cứ đi qua trước cửa nhà bạn để kể cho bạn nghe những chuyện hay ở trường. Bạn tôi không được đi học nghe tôi kể những việc ở trường thì rất thèm thuồng. Hai đứa cứ thủ thỉ hồi lâu, có khi nhà gọi về ăn cơm tối mới rời nhau. Đến ngày xuống trường học, tôi cứ nhơ nhớ, một sự nhớ mơ hồ, chưa thành tình cảm, nhưng cũng không phải chỉ thoáng qua. Mấy năm sau khi tôi còn học ở Huế được thư nhà cho biết bạn gái của tôi đã chết đuối trong một ngày đi gặt ở chân núi. Mối tình trẻ thơ, tôi có ghi lại trong bài thơ sau đây:
Cô gái thôn tôi...
Cô gái thôn tôi thuở xóm nhà
Rủ tôi đi nhởi rú Mồng Ga
Ăn sim quẹt tím hai tay áo
Chiều tối về im, sợ mẹ la.
Đi chợ ba mươi tết có năm
Mua con gà bột có mào bầm
Mang về cho bạn, gà thôi gáy
Tình trẻ thơ rồi cũng lặng câm
Đi học xa nhà tôi mải mê
Mấy năm đằng đẵng, bỗng thơ quê
Tin ai chết đuối mười hai tuổi
Gặt lúa chiều giông lội vượt khe
Thế giới nào nuôi hồn chết sớm
Những người con gái mãi thơ ngây?
Sao về quê cũ chân tôi bước
Nặng trĩu đồi kia với suối này.
Chút tình trẻ thơ ấy còn đọng lại trong tình cảm tôi qua một bài thơ nữa là bài:
Hoa cà màu tím tuổi thơ
Hoa cà màu tím tuổi thơ
Hoa mua tuổi tím: bao giờ cho phai
Tuổi thơ tình nụ nhớ dài -
Ta còn, người mất, vườn hoai lá hồng
Tuổi qua, để lại tấc lòng,
Còn đây chân núi, khúc sông ngày nào
Sống rồi, cứ tưởng chiêm bao, -
Hoa chưa nở, mãi ngọt ngào mùa hương.