Cuộc kháng chiến chống CIA buộc phải tiến hành.

Bản Tuyên bố kháng chiến của tôi được Đài Phát thanh Bắc Kinh truyền đi ngày 23-3-1970 lập tức tác động đến đồng bào tôi trong nước. Trong bản Tuyên bố này tôi đòi giải tán chế độ bất hợp pháp, bất hợp hiến của Lon Nol và kêu gọi thành lập một mặt trận đoàn kết dân tộc, đồng thời tổ chức một quân đội giải phóng. Bản Tuyên bố viết:
“Một chính phủ đoàn kết dân tộc sẽ được thành lập. Trong lúc chờ đợi tình hình Campuchia trở lại ổn định một Hội đồng hiệp thương tư vấn sẽ ra đời gồm có các đại biểu ưu tú của giới sư sãi, quân đội cảnh sát, cảnh vệ, thanh niên, tri thức, nông dân, công nhân và tất cả những người lao động, các doanh nghiệp, viên chức, phụ nữ.., tiêu biểu cho mọi khuynh hướng yêu nước, tiến bộ và chống đế quốc.
Một Quân đội giải phóng dân tộc cũng sẽ được tổ chức nhằm giải phóng đất nước khỏi ách độc tài áp bức của bè lũ phản bội, phản động thân đế quốc đứng đầu là Lon Nol, Sirik Matak, Cheng Heng và để đất nước Campuchia thoát khỏi bàn tay của chu nghĩa đế quốc Mỹ.
Chính phủ đoàn kết dân tộc, Hội đồng hiệp thương tư vấn và Quân đội giải phóng sẽ đoàn kết chặt chẽ cùng với toàn dân trong Mặt trận đoàn kết dân tộc Campuchia, là tổ chức đảm đương hai nhiệm vụ: giải phóng đất nước và xây dưng lại đất nước sau khi chiến thắng”.
Kinh nghiệm của các bạn Việt Nam đã cho tôi biết con đường đi tới thắng lợi là lâu dài và khúc khuỷu nhưng tôi cũng nghĩ, chính kinh nghiệm cũng như thắng lợi của Việt Nam sẽ làm cho bước đường đấu tranh vũ trang của Campuchia bớt gay go hơn.
Ngày 24-3 tôi lại lên tiếng trên đài Bắc Kinh, kêu gọi những người ủng hộ tôi ở trong nước hãy rút vào hoạt động bí mật hoặc chạy lên bưng biền chờ đón vũ khí và các huấn luyện viên quân sự sẽ được đưa tới, còn những người ở ngoài nước hãy nhanh chóng bắt liên lạc với tôi tại Bắc Kinh.
Những ngày tiếp theo là một loạt những cuộc đàn áp đẫm máu. Báo chí phương Tây hồi đó chỉ viết về những sự kiện xảy ra tại những tỉnh miền Đông gần thủ đô Campuchia là nơi các phóng viên có thể tới được. Trong khi đó tại những vùng xa xôi chiếm một phần lớn lãnh thổ, chính quyền của Lon Nol không sao đứng vững trước sự chống đối của nhân dân. Tờ Thời báo tài chính của Anh nhận xét, đây là “sự bùng nổ ở các vùng nông thôn”.
Trong khoáng thời gian từ 26 đến 30-3-1970 hàng mấy trăm đồng bào của tôi, tay không vũ khí đã biểu tình rầm rộ tỏ thái độ trung thành với tôi và đã bị đàn áp dã man. Ngày 27-3, ít nhất ba mươi người đã bị bắn chết trên bến đò Niệc Lương cách thủ đô Phnompenh năm mươi kilômét. Cũng trong ngày hôm đó, binh lính của Lon Nol dùng súng máy phòng không hạ thấp nòng bắn thẳng vào đám biểu tình ở Compuông Chàm, làm chết ít nhất năm mươi người. Khoảng năm mươi người nữa bị giết hại ở Xuông và Mêmôt gần khu vực biên giới tiếp giáp với Việt Nam. Các nhà báo cho biết, họ đã đếm được tới tám chục xác chết ở Takeo, ba chục xác ở Prây Veng và Angtaseom. Tôi đã nhìn thấy những tấm ảnh đăng trên báo chí phương Tây chụp cảnh những nông dân xếp hàng, tay bị trói quặt sau lưng, chờ đợi giây phút bị bắn, những sinh viên ngã gục trước mặt bạn học. Chúng tôi đã cố nhìn kỹ những tên đao phủ lộ mặt trong những tấm ảnh đăng trên báo và phát hiện được một số phần tử Khơme Xơrây giả danh “đào ngũ” rồi được Lon Nol tiếp nhận, cho gia nhập lực lượng quân đội ở Phnompenh và lực lượng hiến binh. Ngày 4-4-1970, một lần nữa tôi lại lên tiếng trên đài Bắc Kinh, tố cáo bọn Lon Nol vừa giết hại tới ba trăm người trong nước và kêu gọi những người trung thành với tôi hãy nhanh chóng rút vào hoạt động bí mật, bắt liên lạc với các lực lượng kháng chiến đã được thành lập tại vùng rừng núi.
Qua đài Bắc Kinh, tôi cũng nhắn tin đã nhận được thư của ba nhân viên đại diện Khmer Đỏ gửi cho tôi ngày 26-3. Đó là ba người đã được bầu vào Quốc hội năm 1966 hiện nay đang rút vào vùng rừng núi thành lập các căn cứ kháng chiến.
Tất cả đều là ba nhà trí thức quen biết: Khieu Samphan  và Hou Youn  đã tốt nghiệp cử nhân Kinh tế từ các trường đại học của Pháp và Hu Nim  là tiến sĩ Luật. Trước kia trong quan hệ giữa tôi với những nhân vật này cũng có lúc căng thẳng, nhưng bây giờ thì họ đã hưởng ứng lời Tuyên bố kháng chiến của tôi và viết trong thư: “Nếu ngài là lãnh tụ truyền thống của nhân dân đã quyết định chiến đấu cùng với chúng tôi thì chúng tôi không còn mơ ước gì hơn nữa. Lon Nol đã từng tốn công chia rẽ tôi với lực lượng cánh tả trong nước”. Nhưng sau ngày tôi tuyên bố kháng chiến, Khmer Đỏ đã nói với tôi: “Chúng tôi không bao giờ nghi ngờ lòng yêu nước của ngài, cũng như tinh thần tận tuỵ của ngài đối với nhân dân. Chúng tôi luôn luôn phân biệt giữa ngài với bọn Lon Nol, Sirik Matak”. Tôi rất sửng sốt khi thấy Khmer Đỏ không cần thương lượng, đàm phán mà hưởng ứng ngay lời kêu gọi kháng chiến của tôi. Sau đó, khi chính phủ kháng chiến đoàn kết dân tộc được thành lập, Khieu Samphan được cử làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng; Hou Youn làm Bộ trưởng Nội vụ, Cải cách nông thôn và Hợp tác nông nghiệp; Hu Nim làm Bộ trưởng Thông tin và Tuyên truyền.
Cũng cần nhắc lại rằng, Quốc hội được bầu ra từ cuộc Tổng tuyển cử năm 1966 do cánh hữu chiếm ưu thế, vì vậy Lon Nol đã được cử làm Thủ tướng. Lợi dụng chức vụ này, Lon Nol đã đưa binh lính tới vùng nông thôn Xamluôt thuộc tỉnh Battambang, trục xuất nông dân đang cày cấy lâu đời trên vùng đất của họ đi nơi khác để giao cho những tên Khơme Xơrây giả danh “đào ngũ” quay về hợp tác với Lon Nol. Năm 1967 một Bộ trưởng hồi đó tên là Châu Xeng đã báo cho tôi biết tin này và phán đoán Lon Nol làm như vậy để nuôi dưỡng lũ tay sai chuẩn bị dùng vào việc lật đổ tôi.
Lúc đó tôi không tin. Sau đó ít lâu Bộ trưởng Châu Xeng xin từ chức, tự nguyện sống lưu vong tại Pháp nhưng khi Lon Nol làm đảo chính, ông là một trong những người đầu tiên bắt liên lạc với tôi, xin gia nhập Mặt trận kháng chiến đoàn kết dân tộc và được cử làm Bộ trưởng phụ trách các nhiệm vụ đặc biệt.
Trở lại việc nông dân bị Lon Nol tịch thu ruộng đất cấp cho bọn Khơme Xơrây năm 1966 đã nổi lên chống lại. Nhiều cuộc biểu tình bùng nổ ở ngay trong thành phố Battambang, được người Hoa và người Việt sống ở đó ủng hộ. Lon Nol lập tức lợi dụng sự kiện đó để vu cáo Trung Quốc và Việt Nam âm mưu xâm chiếm Campuchia rồi nhân đó đã kiếm cớ trục xuất các đại biểu cánh tả ra khỏi Quốc hội. Vào thời điểm đó tôi không có mặt ở Campuchia. Những báo cáo mà Lon Nol gửi cho tôi đã cố tình xuyên tạc tình hình hòng làm cho tôi nghĩ rằng đây là cuộc bạo loạn do Bắc Kinh và Hà Nội tổ chức. Sự việc càng thêm rối ren phức tạp vì đúng vào thời điểm đó tại Trung Quốc đang diễn ra cuộc Cách mạng văn hoá theo khuynh hướng cực tả. Những Hoa kiều ở Phnompenh và nhiều tỉnh khác của Campuchia bị kích động đã đi biểu tình, rước ảnh Chủ tịch Mao. Tôi trở về nước đúng giữa lúc thiểu số người Hoa ở trong tỉnh Battambang đang sôi nổi biểu thị thái độ chống chế độ quân chủ Campuchia và cá nhân tôi. Trong lúc này Nguyên soái Trần Nghị - Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng bị lên án là có quan hệ hữu nghị với “tên bảo hoàng Sihanouk”. Sau khi tôi về nước được ít ngày, những cuộc biểu tình gây rối lan đến tận thủ đô Phnompenh. Lon Nol càng tận dụng cơ hội để tiến công cánh tả. Ba đại biểu Khmer Đỏ trong Quốc hội là Khieu Samphan, Hou Youn, Hu Nim bỏ vào rừng núi lập căn cứ kháng chiến. Nhiều thanh niên cũng kéo nhau lên bưng biền theo họ. Thế là, mưu đồ của Lon Nol định tiến công các đại biểu tri thức cánh tả trong Quốc hội cũng như chiến dịch tịch thu ruộng đất của nông dân tỉnh Battambang đều dẫn đến kết quả là cả hai nhóm Khmer Đỏ và dân cày Battambang đều lao vào con đường đấu tranh vũ trang chống Lon Nol rồi cùng tham gia kháng chiến sau vụ đảo chính ngày 18-3-1970. Việc hàng trăm thanh niên đã từng kéo lên bưng biền từ năm 1967 đã thật sự trở thành một lực lượng chiến đấu đáng kể khi tôi ra lời kêu gọi kháng chiến. Các căn cứ kháng chiến đã có sẵn. Vũ khí cũng đang nhanh chóng được vận chuyển tới. Chính vì vậy mà phong trào kháng chiến đã phát triển rất nhanh và mạnh. Đến giữa tháng 4-1970 phần lớn đất đai Campuchia đã được chúng tôi giải phóng.
Tôi không muốn khen các bạn Việt Nam quá lời cũng như không muốn bầy tỏ niềm hân hoan quá đáng khi được là bạn đồng minh chiến đấu của Việt Nam. Nhưng quả là các bạn Việt Nam đã lập nên những chiến công đáng kinh ngạc nhờ tinh thần dũng cảm và tận tuỵ và tướng Võ Nguyên Giáp là một thiên tài quân sự, một nhà chiến lược vĩ đại trong mọi thời đại, không còn phải bàn cãi gì nữa. Một lần, tôi đến thăm ông Giáp trong lúc quân đội Sài Gòn đang bắt đầu đánh chiếm Hạ Lào hồi tháng 2-1971. Chúng tôi dành cả buổi nhiều ngồi điểm lại tình hình Campuchia sau đó cùng ăn cơm tối. Sau bữa cơm lại cùng uống cà phê và nghe nhạc. Ông Giáp có vẻ không quan tâm gì đến thời gian. Cuối cùng tôi đành phải nói:
- Thưa tướng quân. Tôi quả là có lỗi, đã làm mất thời giờ của tướng quân quá nhiều. Tôi quả thật không hiểu được tại sao giữa lúc chiến dịch đang diễn ra ác liệt ở Lào, tướng quân lại vẫn tiếp đãi tôi quá lâu như vậy.
Với nụ cười hiền hậu điểm chút hóm hỉnh ông Giáp trả lời:
- Ồ! Chiến dịch này đã được chuẩn bị kỹ từ lâu rồi. Các đồng chí Pathet Lào của chúng tôi đã có đủ mọi thứ cần thiết. Tôi không còn phải quan tâm đến vấn đề gì nữa. Sáng nay, tôi nghe đài, thấy Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố quân đội của Thiệu sẽ ở lại Lào đến tháng 6. Tôi cho rằng chậm nhất là cuối tháng 3 chúng sẽ phải rút hết.
Quả nhiên, đến ngày 25-3-1971, những đơn vị cuối cùng của Thiệu đã phải tháo chạy hết khỏi Lào.
Một lần tôi nói với ông bạn Phạm Văn Đồng:
- Xin bạn hứa với tôi một điều. Tức là sau ngày toàn thắng sẽ cho tôi biết làm thế nào các bạn chuyển vận được mọi thứ trên đường mòn Hồ Chí Minh, bất chấp hàng ngàn tấn bom, các lớp rào điện tử và các kỹ thuật phát hiện của Mỹ. Nhưng bạn đừng nói ngay bây giờ vì tôi ngại do sơ ý sẽ tiết lộ bí mật của các bạn.
Ông Đồng cười và nói sẽ có ngày chúng tôi cùng đi với nhau đến tận Sài Gòn bằng đường Hồ Chí Minh.
Như trước kia tôi đề nghị, Tướng Giáp đã cử các huấn luyện viên quân sự tới giúp đào tạo cán bộ quân sự và bổ túc kiến thức cho những cán bộ đã có trình độ quân sự nhất định. Tôi yêu cầu hai nghìn người. Ông Giáp đưa sang đúng hai nghìn, không hơn không kém và toàn là những cán bộ phẩm chất tuyệt vời. Tướng Giáp đã biết chọn lọc một cách rất đáng ca ngợi, những huấn luyện viên không những có năng lực cao về quân sự mà còn có cả đạo đức tốt của con người. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, họ lại được lệnh rút hết về nước. Trước khi kết thúc năm 1971, chúng tôi không còn có huấn luyện viên quân sự người Việt nữa, nhưng do được huấn luyện chu đáo, Quân đội giải phóng dân tộc Campuchia đã trưởng thành, tự đảm nhiệm được tới 90% trận đánh dưới sự chỉ huy của cán bộ Campuchia. Chúng tôi cũng có những trận chiến đấu phối hợp với Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, nhưng đều theo đúng các nguyên tắc đề ra trong Hội nghị cấp cao nhân dân Đông Dương.
Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Pháp, Anh, Mỹ và cả Liên Xô nữa, đã chẳng liên minh với nhau để cùng chiến đấu chống phát xít đó hay sao?
Chúng tôi luôn luôn ghi nhớ sâu sắc công ơn của các bạn chiến đấu Việt Nam đã giúp đỡ chúng tôi trong những ngày đầu kháng chiến, về những vũ khí mà Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã cung cấp cho chúng tôi, về những huấn luyện viên quân sự mà miền Bắc Việt Nam đã cử tới chỉ bảo quân đội chúng tôi. Những cán bộ đó còn giá trị gấp mười lần hàng trăm triệu đô la mà Mỹ đã cho bọn Lon Nol - Sirik Matak. Có lần tôi đã nói với các bạn người Pháp: “Ngày xưa, tôi hướng về nước Pháp để xin huấn luyện viên quân sự. Nhưng bây giờ thì khác rồi! Trước hết vì Pháp công nhận chế độ Lon Nol. Sau nữa vì đây là một loại chiến tranh khác biệt và các bạn đã bị Việt Minh đánh bại bởi loại chiến tranh này. Lẽ tôi nhờ cậy Việt Minh là hợp lý vì họ là những chiến sĩ du kích giỏi nhất thế giới”.
Rất nhiều người Việt ở Campuchia đã tham gia hàng ngũ kháng chiến của chúng tôi. Cuộc thảm sát hồi tháng 4-1970 nhằm vào người Việt sống trên đất Campuchia, có nhiều gia đình làm ăn sinh sống ở đây tới mấy thế hệ liên tục đã làm cho các thanh niên người Việt đứng trước ba sự lựa chọn, hoặc là ngồi yên lặng chờ các đội hành quyết của Lon Nol đến tàn sát, hoặc là bị xua đuổi về Nam Việt Nam trong khu vực do chế độ Sài Gòn kiểm soát, hoặc bị Lon Nol bắt đi làm bia đỡ đạn cho chúng. Hàng ngàn thanh niên nam nữ người Việt ở Campuchia đã chọn con đường chạy sang hàng ngũ chúng tôi, cùng chiến đấu chống kẻ thù chung.
Khoảng một năm sau cuộc đảo chính tôi nhận được nhiều bức thư của giới trí thức Campuchia gửi đến Bắc Kinh cho biết họ cũng tham gia chiến đấu chống Lon Nol. Nhiều người không cùng một hệ tư tưởng với Khmer Đỏ nhưng họ không chịu được sự thối nát của chế độ Lon Nol ở Phnompenh, đã kéo nhau ra vùng giải phóng, cùng tham gia chiến đấu. Ngay cả tầng lớp tư sản trung lưu như viên chức, trí thức, sau cuộc đảo chính vẫn làm ăn bình thường như không có chuyện gì xảy ra, dần dà cũng cùng cảm thấy Phnompenh như một nhà ngục phát xít và đã bỏ ra vùng giải phóng.
Những lời tuyên bố mị dân về tương lai tươi sáng của chế độ “cộng hoà” lúc đầu có mê hoặc họ nhưng sau đó họ đã tỉnh ngộ trước thực tế phũ phàng. Bà Khau Vanny là một nữ dược sĩ từng theo học ở Pháp, xuất thân từ một gia đình tư sản giầu có đang mở một cửa hiệu tân dược vào loại phát đạt nhất trong thành phố, nhưng chỉ vài tháng sống dưới chế độ Lon Nol đã thấy ngạt thở và đã liều mạng chạy ra vùng giải phóng.
Con rể tôi là Hoàng thân Sisowath Đussađi từ bưng biền gửi thư cho tôi, báo tin đã được tiếp xúc lần đầu tiên với Khmer Đỏ. Bức thư của Đussađi khiến tôi rất ngạc nhiên. Đussađi là một con người thẳng thắn, có tinh thần trách nhiệm vì vậy tôi đã gả con gái là công chúa Botum Bôphu cho cháu, khi cháu cầu hôn. Sau đó Đussađi được đào tạo để trở thành một viên chức nhà nước. Vì là con rể tôi cho nên sau cuộc đảo chính, Đussađi đã bị mất việc làm. Sau mười tám tháng sống dưới chế độ Lon Nol, vợ bị bắt giam, cháu đã tìm cách chạy ra vùng giải phóng rồi viết thư báo tin cho tôi biết ngày 1-10-1971. Trong thư cháu viết, tại Phnompenh ngày nay, tất cả những người yêu nước đều cùng chung một ý kiến “Nếu không đánh lại bọn phản bội thì bọn chúng cũng sẽ giết mình. Cháu gọi Phnompenh là một nhà ngục và trại tập trung phát xít”.
Hiện nay Hoàng thân Đussađi và con trai tôi là Hoàng tử Raxivông đều là cán bộ Mặt trận đoàn kết dân tộc. Dù bị đau tim, Raxivông vẫn cố gắng mạo hiểm tìm đường ra vùng giải phóng. Những lá thư của người thân dĩ nhiên làm cho tôi vô cùng xúc động.
Tôi cũng được biết tin, trong khi tiến hành đảo chính bọn Lon Nol, Sirik Matak chưa nghĩ đến việc dựng lên chế độ cộng hoà. Lúc đó, Sirik Matak còn mơ tưởng lên ngôi vua. Dù sao, Sirik Matak cũng là người trong Hoàng tộc, cùng dòng họ như mẹ tôi là Thái hậu Sisowath Kôssamắc. Mới đầu bọn chủ mưu đảo chính định lợi dụng dòng họ Sisowath của mẹ tôi để hợp pháp hoá chế độ của chúng. Khi Lon Nol và Sirik Matak vào cung gặp mẹ tôi xin Thái hậu ủng hộ việc làm của chúng bằng cách tán thành truất phế tôi, mẹ tôi đã trả lời chúng: “Không! Con ta vẫn là con ta. Các người đã lật đổ con ta, vu cáo con ta, dìm con ta trong vũng bùn. Hơn ba mươi năm qua, con ta vẫn tận tuỵ phục vụ đất nước, làm gì đến nỗi phải chịu cảnh ngộ này? Các ngươi hãy ra khỏi đây!”. Thái độ của mẹ tôi đã làm chúng tức tối, nhất là Sirik Matak rất hằn học vì tan vỡ mưu đồ tiếp nối nền quân chủ, dùng làm vỏ bọc hợp pháp hoá việc làm của chúng. Chính sau khi mẹ tôi kiên quyết từ chối, chúng mới chơi con bài “cộng hoà”. Chúng gỡ bỏ tất cả ảnh chân dung của Thái hậu và của tôi trên đường phố, thay vào đó là những khẩu hiệu ghi dòng chữ: “Tất cả bọn vua chúa đều là lũ phản bội”.
Mẹ tôi sống riêng biệt trong một toà nhà, nhưng toà nhà đó cũng nằm trong Hoàng cung. Cùng với chiến dịch điên cuồng tiến công nền quân chủ, bọn chúng đòi mẹ tôi rời khỏi cung điện nhưng Thái hậu vẫn từ chối. Bọn Lon Nol, Sirik Matak hằn học mẹ tôi, không chỉ vì sau những vụ hành hung người Việt và đập phá các sứ quán Việt Nam, bà đã bắt chúng phải xin lỗi và bồi thường thiệt hại mà còn vì bà đã không chịu ủng hộ chúng. Lon Nol, Sirik Matak và cả In Tam lúc đó được bọn đảo chính cử làm Chủ tịch Quốc hội đã cử một phái đoàn tới Hoàng cung, giở giọng đe doạ: “Nếu bà không ra khỏi Hoàng cung, chúng tôi sẽ tìm cách đuổi bà đi. Bà và con bà đã đứng về phía Việt Nam. Được! Nếu bà không chịu đi, chúng tôi sẽ đem tất cả xác chết của bọn Việt tới chất đống trước cửa nhà. Mùi thối rữa sẽ buộc bà phải đi nơi khác”. Đó là thái độ của bọn chúng, trong đó có In Tam, trước kia là một tên cực kỳ bảo hoàng nay nhanh chóng chuyển sang cộng hoà quá khích. Thái hậu lúc đó đã bẩy mươi tuổi lại đang đau yếu.
Trước những lời lẽ trên đây của bọn chúng, Thái hậu mẹ tôi đành phải nói: “Không cần phải đưa các xác chết tới đây. Ta sẽ ra khỏi Hoàng cung. Hãy đưa ta đến ngôi nhà con ta đã chào đời ở đó!”.
Đó là biệt thự trong đó bố mẹ tôi đã từng chung sống trước khi tôi được chọn làm vua, sau đó tôi đã hiến ngôi nhà này để dùng làm trụ sở Viện Bảo tàng quốc gia. Chúng đã đồng ý chuyển mẹ tôi ra đó Suốt ngày đêm ngôi nhà của mẹ tôi bị cảnh sát Lon Nol bao vây, tất cả mọi người, cả nam lẫn nữ khi ra vào đều bị lục soát, khám xét. Thật ra, trong những tháng đầu sau cuộc đảo chính, ít người dám đến gần Thái hậu. Sau đó, cùng với sự thất vọng trước chế độ mới, nhiều người đã dũng cảm tới thăm mẹ tôi. Có những người sau đó sang Pháp đã từ Pháp, gửi cho tôi lá thư mẹ tôi nhờ chuyển. Lá thư đầu tiên, Thái hậu viết: “Con đừng buồn vì cảnh ngộ của mẹ. Mẹ đã biết chống cự và bây giờ thì mẹ chiến đấu tới cùng. Mẹ vẫn tự hào về con. Mẹ chỉ ngại có một điều là có thể qua đời trước khi lại nhìn thấy con. Ngoài điều đó, mẹ chẳng tiếc điều gì cả”.
Thông thường, khi chuyển từ chế độ quân chú sang chế độ cộng hoà, người ta vẫn cho phép gia đình nhà vua được sống lưu vong ở nước ngoài.
Mẹ tôi đòi được ra khỏi đất nước Campuchia nhưng không được bọn đảo chính chấp nhận. Bà định tới Luông Phabang kinh đô Lào, bởi vì Hoàng gia Lào đã ngỏ ý sẽ để Thái hậu tới nương nhờ và mẹ tôi cũng đã chấp nhận. Đó là một nơi yên tĩnh, tách biệt với thế giới bên ngoài (thú đô hành chính của Lào là Viêngchăn) và cũng không lo ngại mẹ tôi sẽ thiết lập ở đây một trung tâm hoạt động chính trị. Lon Nol và Sirik Matak đưa ra điều kiện chỉ cấp hộ chiếu xuất cảnh cho mẹ tôi, nếu tôi cam kết ngừng mọi hoạt động chính trị, từ bỏ hết mọi chức vụ đang đương nhiệm. Mẹ tôi vụt trở thành con tin và tôi phải trả giá cho các hoạt động kháng chiến của mình. Tâm địa bọn chiếm quyền là thế đó? Mặc dù tất cả tình cảm của tôi đều dành cho mẹ, tôi vẫn cứ phải bác bỏ điều kiện đó. Tôi không còn cách nào khác, ngay cả trong trường hợp tính mạng của Mẫu hậu và của các con tôi ở Phnompenh bị đe doạ. Tôi như được tăng thêm sức khi lại nhận được một bức thư nữa của Thái hậu, căn dặn tôi phải đứng vững trên lập trường và bà báo trước sẽ không chấp nhận một sự thay đổi nào khác của tôi. Toà án của Lon Nol liền kết án tôi tử hình về tội phản quốc! Có một đất nước văn minh nào trên thế giới này mà mẹ và những con cái của kẻ bị kết án tử hình lại bị đối xử như vậy không?
Đúng là không phải chỉ có riêng mẹ tôi bị đối xử tàn tệ mà cả các con tôi như Botum Bopha sinh năm 1951, Nariđapô sinh năm 1946, Ranarit sinh năm 1944 cũng phải trả giá vì những “tội lỗi” của bố. Thoạt đầu hai đứa con trai của tôi bị quản thúc tại nhà. Sau đó tất cả ba cháu, hai nam một nữ đều bị bắt và ghép vào tội “phản quốc”. Con gái Botum Bopha của tôi chưa từng bao giờ hoạt động chính trị. Lúc bị bắt, cháu mới mười chín tuổi, sức khỏe rất yếu vì đã là mẹ của ba đứa con (ở nước tôi có tập quán lấy chồng sớm), cháu bị buộc tội cũng như hai anh của cháu là hoạt động khủng bố, ném lựu đạn và một số nơi trong đó có sứ quán Mỹ hồi cuối năm 1970. Nhưng thật ra con gái tôi không làm chuyện này. Cháu chỉ kêu khóc khi một ông cậu của cháu bị bọn tay chân Lon Nol bị bắn chết ngay trên đường phố. Trong buổi đưa tang, Botum Bopha đã kêu to: “Chế độ Cộng hoà gì thế này! Một chế độ găngxtơ, các sĩ quan thản nhiên giết người ngay trên hè phố. Luật pháp để đâu? Trong cái chế độ cộng hoà này, liệu có còn chút ít công lý nào không?”. Sirik Matak chính là anh họ của Hoàng thân vừa bị ám sát đã hạ lệnh bắt giam Botum Bopha và nói: “Cháu là cháu gái của bác, dù là họ hàng xa nhưng vẫn là cháu, cùng chung một Hoàng tộc. Bác cố cứu cháu. Cháu đã chửi chế độ cộng hoà. Cháu hãy xin lỗi đi”. Con gái tôi không chịu. Thế là ông bác đưa luôn cháu gái ra toà án quân sự. Cảm thấy dư luận sẽ phẫn nộ nếu đem xử tội một công chúa mảnh dẻ, mẹ của ba đứa con, sứ quán Mỹ đã can thiệp và sau đó cháu đã được tha bổng. Sau đó ít lâu, chồng Botum Bopha là Sisowath Đussađi được sự đồng ý của vợ đã chạy ra vùng giải phóng như tôi đã viết ở phần trên.
Hai con trai tôi bị buộc tội đã chi hàng nghìn đồng phăng vào việc in truyền đơn, chế tạo lựu đạn. Được tin này, tôi tự hỏi các cháu kiếm đâu ra số tiền Pháp lên tới hàng ngàn đồng này? Cháu đề nghị được trục xuất khỏi Campuchia nhưng không được chấp nhận và đã bị quản thúc rất chặt, vậy thì làm sao chúng có thể có những âm mưu hoặc hành động tiến công gây bạo loạn được. Mặc dù không đủ chứng cớ, Nanđapô vẫn bị kết án 5 năm tù vì tội “làm gián điệp cho kẻ thù”. Chính ra là cháu bị tù vì hoạt động chính trị. Trong các con tôi, Nariđapô là đứa thích hoạt động chính trị nhất và tôi đã gửi cháu theo học ở Bắc Kinh. Đích thân Thủ tướng Chu Ân Lai đã trực tiếp chăm sóc cháu, không phải để cháu trở thành một đảng viên cộng sản tốt, mà là một công dân Campuchia tốt. Tại Trung Quốc Nariđapô đã chăm chỉ theo học tại trường Đại học Nông nghiệp, thạo tiếng Trung Quốc, đã từng là phiên dịch trong văn phòng của tôi. Nariđapô trở về Phnompenh khi cuộc Cách mạng văn hoá bùng nổ tại Trung Quốc, làm Tổng biên tập tờ báo xuất bản bằng Trung văn của Nhà nước. Tôi đã từng công khai bộc lộ hi vọng Nariđapô sẽ là người kế tục sự nghiệp của tôi, vì tôi rất có ấn tượng về lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm trước nhân dân và sự trưởng thành về chính trị của cháu. Lon Nol có thể kết án hàng triệu người Campuchia về tội “làm gián điệp cho kẻ địch” vì hắn đã nhìn thấy một kẻ địch là tôi trong các lực lượng kháng chiến. Nariđapô còn bị kết án vì tôi đã chọn cháu làm người kế tục sự nghiệp chính trị của mình.
Ranarit bị kết tội vì đã “bị bắt quả tang đang đọc những tài liệu mật có tính lật đổ”. Thật ra đó là những bài đăng trên báo Thế giới xuất bản ở Pháp cháu đã cắt ra để đọc. Cháu được tha bổng không phải vì những lời buộc tội đó là mơ hồ mà chính là vì mẹ tôi lúc đó đã phải rút một phần lớn gia tài của bà để chạy tội cho cháu vì Ranarit là đứa cháu nội yêu quý nhất. Lon Nol đã cho bắt giữ rất nhiều người rồi sau đó đã lại tha bổng sau khi nhận được tiền hối lộ. Ở phương Tây người ta gọi đó là “bắt cóc tống tiền”.
Một thời gian sau, hai đứa con khác của tôi là Raxivông, sinh năm 1944 và Khêmanurắc sinh năm 1949 đã chạy thoát khỏi Phnompenh.
Raxivông đã tới được vùng giải phóng. Tin tức đăng báo cho biết Khêmanurắc đã trốn khỏi Phnompenh ngày 17-9-1971 chạy sang Thái Lan rồi từ Thái Lan đã sang Pháp. Nhưng tôi không được tin túc gì của cháu cả. Trong phiên toà xử ba đứa con của tôi, có hai can phạm khác đã tố cáo bị tra tấn. Một trong hai người đó là Huốc Xmơn đã cởi luôn quần áo trước toà để mọi người nhìn rõ những vết sẹo trên da thịt do bị tra điện.
Anh đã dũng cảm nhận hết về mình tội in ấn phân phát tài liệu và đã bị kết án tù chung thân. Một người hầu gái của Botum Bopha cũng nói trước toà là đã bị tra tấn để buộc phải khai láo là đã làm liên lạc giữa Botum Bopha với Huốc Xmơn và đã bị kết án mười năm khổ sai. Vụ xử án vắng mặt tôi bắt đầu tiến hành từ đầu tháng 7-1970. Tờ Thế giới của Pháp trong số ra ngày 7-7-1970 nhận xét: “Sau khi tiến hành được ba ngày, phiên toà xử Hoàng thân Sihanouk hiện rõ như một kịch bản đã viết sẵn để dẫn tới một kết luận đã định sẵn từ trước”. Tôi bị kết tội phản loạn vì đã chống lại chế độ “hợp pháp” của Lon Nol - Sirik Matak. Đúng là tôi đang chỉ đạo một cuộc đấu tranh vũ trang chống lại chế độ Lon Nol, nhưng cái chế độ này đâu có một tý chút nào gọi là hợp pháp được mặc dù sau đó chúng tổ chức trò hề bầu cử hồi tháng 6-1972.
Chính do sự phối hợp tuyệt vời giữa các lực lượng vũ trang và nhân dân các nước Đông Dương, chúng tôi đã giáng cho quân đội Sài Gon những đòn thất bại nặng nề vào mùa Xuân năm 1972. Các lực lượng của tướng Giáp với xe tăng và vũ khí nặng từ phía Bắc tiến xuống; các lực lượng Pa thét Lào bảo vệ các tuyến đường vận chuyển Bắc - Nam và tiến hành những cuộc tiến công ở các vùng miền Tây; các chiến sĩ du kích và nhân dân miền Nam Việt Nam tiến hành những cuộc tiến công và nổi dậy ở khắp các tỉnh, các lực lượng của chúng tôi cũng chuyển sang tiến công ở các tỉnh miền Đông miền Đông Nam và đặc biệt là vùng Mỏ Vẹt, dọc đường số 1 nối Phnompenh với Sài Gòn và nhiều cứ điểm chiến lược khác dọc biên giới giữa Campuchia và Nam Việt Nam. Chiến lược tổng quát đã được thảo luận tại Hà Nội từ tháng 2-1972 ngay trước hôm Nixon đặt chân tới Bắc Kinh trong chuyến đi thăm đầu tiên tới Trung Quốc...
Ngày 8-4-1973, từ Hà Nội tôi viết một bức thư gửi Mẫu hậu báo tin:
“Từ tháng 2 đến tháng 3 vừa qua, con đã được tiến hành một cuộc “trường chinh” từ Hà nội đến tận vùng giải phóng rộng rãi của Campuchia dọc theo con đường mòn lịch sử. Con bắt đầu xuất phát từ Hà Nội giữa tháng 2-1973 và trong tháng 3 năm đó con đã được vinh dự và niềm vui to lớn được sống giữa lòng nhân dân ta bên cạnh các nam nữ chiến sĩ anh hùng trong lực lượng kháng chiến dân tộc, đặc biệt tại các tỉnh Xtung Treng, Preat Vihia và Xiêm Riệp.
Ngày hôm nay con đã trở về Hà Nội đúng dịp để có thể gửi tới Mẫu hậu thông điệp chúc mừng ngày sinh của Người. Dĩ nhiên, lúc đang sống trong vùng giải phóng ở trong nước, con không thể báo tin để mẫu hậu rõ vì cần phải giữ bí mật. Con đường mòn lịch sử mang tên Hồ Chí Minh mà con đã vinh dự được đi qua, dài tới hơn 1000 kilômét kể từ điểm xuất phát đến tận biên giới Campuchia.
Suốt một tháng khi con ở thăm vùng giải phóng Campuchia, không quân Mỹ (gồm đủ các loại B.52, AC 130, F105...) ném bom bắn phá liên tục 24/24 giờ, tàn phá xóm làng, ruộng đông, các đường giao thông, rừng rú của chúng ta. Thế giới bên ngoài nghĩ rằng máy bay Mỹ chỉ tiến công các mục tiêu quân sự. Nhưng, con đã trực tiếp chứng kiến tận mắt Mỹ đã nhằm tàn phá vùng giải phóng và giết hại dân thường trong đó để trừng phạt họ về “tội” dám sống tự do và đẩy lùi chế độ thuộc đia kiểu mới của Mỹ do bọn Lon Nol, Sirik Matak, Sơn Ngọc Thành, Hang Thun Hac, In Tam dựng lên...
Con tin chắc rằng, trong một tương lai không xa, các chiến sĩ Quân đội giải phóng Campuchia được sự giúp đỡ của nhân dân sẽ tiến vào giải phóng thủ đô thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc Vương quốc Campuchia, chính phủ hợp pháp duy nhất của đất nước Campuchia và nhân dân Khơme. Đến ngày vinh quang đó Xamđec Pen Nouth và Xamđéc Khieu Samphan dẫn đầu đoàn đại biểu chính phủ trực tiếp dâng lên Mẫu hậu những lời chúc mừng trân trọng nhất, thân thiết nhất, ngưỡng mộ nhất và bầy tỏ lòng biết ơn nhiều nhất.
Với những tình cảm này, con xin phép được kết thúc thông điệp kính gửi Mẫu hậu nhân dịp kỷ niệm to lớn ngày sinh của Người”.
Tất cả những báo cáo gửi đến tôi từ các căn cứ kháng chiến đều khẳng định binh lính địch đang bị mất tinh thần rất nhiều, trong khi các lực lượng vũ trang giải phóng tinh thần chiến đấu ngày càng dâng cao. Chỉ riêng điều đó cũng chứng minh kết quả của việc phối hợp chiến đấu vì sự nghiệp chung được nhân dân hết lòng ủng hộ. Trong cuộc họp tại Hà Nội, chúng tôi đã cùng nhau nhận định, sự điên cuồng của Nixon chỉ càng làm tăng tinh thần và ý chí quyết thắng của các lực lượng vũ trang chúng tôi. Chính Nixon đã chọn con đường thách thức nhân dân các nước Đông Dương. Chính Mỹ đã chọn hành động bạo lực buộc chúng tôi chỉ còn cách duy nhất là chiến đấu chống lại. Chúng tôi đã đau khổ nhiều, đã chịu nhiều nhục nhã. Chúng tôi cùng thoả thuận tại Hà Nội là sẽ đoàn kết chiến đấu nhằm giành được thắng lợi hoàn toàn. Đó là điểm mấu chốt trong những kết luận mà tôi đã thống nhất ý kiến trong những buổi thảo luận với các nhà lãnh đạo Việt Nam dân chủ cộng hoà, trong đó có chủ tịch Tôn Đức Thắng, có ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Tổng bí thư Lê Duẩn và nhiều vị khác nữa. Chúng tôi đã cùng bầy tỏ sự thống nhất về quan điểm và mục đích chiến đấu trong bản Thông cáo chung do tôi cùng ký với Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày 5-3-1972.
Chiến tranh không phải là điều chúng tôi muốn. Tôi đã cố làm mọi việc để tránh và cuối cùng, chỉ khi nào không còn tránh được nữa, mới bắt buộc phải tiến hành kháng chiến. Chính Mỹ chi trong vòng vài tuần đã biến chúng tôi thành những người cách mạng mặc dù chúng tôi không đọc tác phẩm của Các Mác.
Khi tôi tới Bắc Kinh ngày 19-3-1970 thì đó là lần thứ bẩy tôi sang thăm Trung Quốc. Con số 7 quả may mắn hơn số 13 khi tôi đặt chân tới Mátxcơva vào ngày 13-3-1970.
Nhiều nhà báo hỏi tôi: Tại sao ngài lại đến ngay Bắc Kinh khi xảy ra đảo chính. Tôi trả lời, đó là do Lon Nol, Sirik Matak quyết định. Thật ra, lịch đi thăm Liên Xô, Trung Quốc của tôi đã được vạch ra từ trước khi xảy ra đảo chính. Tôi phải đi Bắc Kinh sau khi đã tới Mátxcơva. Cuộc đảo chính đã xảy ra đúng vào lúc đó, cũng là lúc tôi quyết định chống lại cuộc đảo chính bằng một cuộc chiến đấu. Tôi còn có thể làm được gì khác hơn nữa khi nhận được tin đã bị truất phế chỉ vài phút trước khi bước lên máy bay? Có lẽ, người ta sẽ bớt chỉ trích tôi, nếu tôi ở lại Maxcơva. Hoặc có lẽ người ta sẽ yêu thích tôi hơn nếu tôi đòi chiếc chuyên cơ mà Chủ tịch Liên Xô đã cho tôi mượn phải rẽ ngoặt, bay tới Thuỵ Điển hoặc một nước trung lập nào đó. Số phận của tôi, do bàn tay bọn đảo chính định đoạt đã đưa tôi đến Bắc Kinh là nơi tôi biết chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ ngay lập tức. Tình thân của tôi với Thủ tướng Chu Ân Lai và sự ưu ái của Chủ tịch Mao Trạch Đông đối với tôi khiến tôi có thể khẳng định như vậy.
Tôi gặp ông Chu Ân Lai lần đầu tiên vào hồi tháng 4-1955 tại hội nghị Băng đung ở Inđônêxia. Ngay từ lúc đó, tôi đã có ấn tượng rất mạnh như trước kia đã gặp tướng Đờ Gôn và sau đó được gặp Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông. Họ có những điểm gì giống nhau mà đã cuốn hút tôi như vậy? Đó là tính khiêm tốn của những con người vĩ đại cộng với sự tôn trọng của họ đối với những người bé nhỏ. Đó là những người yêu nước có sự tín nhiệm đối với những người yêu nước.
Mặc dù dòng dõi khác nhau, lý tưởng khác nhau, tôi vẫn tim thấy những điểm đồng thuận khi tiếp xúc với họ. Vì vậy, tôi cũng không ngạc nhiên khi thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng tín nhiệm tướng Đờ Gôn.
Trước khi gặp ông Chu Ân Lai ở Băng đung tôi đã hỏi những thành viên đi theo trong đoàn đại biểu Campuchia là họ nghĩ gì về Chu Ân Lai và được trả lời: “Đó là một nhân vật rất hấp dẫn, có tài giải thích và truyền đạt ý kiến của mình. Ông ta đang muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Campuchia và không mong gì hơn là Campuchia luôn luôn giữ vững nền độc lập”. Các thành viên này toàn là người thuộc cánh hữu, gồm có Xam Xari, Tep Phan và một số người khác cùng một giuộc với nhau. Họ nói thêm: “Chu Ân Lai là cộng sản, vì vậy ta càng phải cẩn thận chú ý. Ông ta càng hấp dẫn lôi cuốn thì lại càng nguy hiểm”.
Ngay từ cuộc tiếp xúc đầu tiên, tôi đã thấy ông Chu Ân Lai cởi mở, thân tình và rất thẳng thắn. Ông không tỏ ra một chút gì trịch thượng, nhưng tôi vẫn cảm thấy đứng trước một con người “vĩ đại”. Thái độ cử chỉ giản dị khiêm tốn của ông khác biệt hẳn với một số đại biểu khác đang đi theo gót chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Ông tỏ ý hoan nghênh ngay sau khi tôi giải thích về đường lối trung lập của Campuchia và tuyên bố Trung Quốc luôn luôn ủng hộ nước Campuchia độc lập và trung lập Ngay sau đó, hai chúng tôi rất hiểu nhau và tình hữu nghị giữa chúng tôi đã nẩy nở từ Băng đung, sau này càng được phát triển và củng cố Chu Ân Lai mời tôi thăm Bắc Kinh. Ngay năm sau tôi đã tới thăm Trung Quốc, điều đó làm cho thế giới tự do, đặc biệt là Mỹ và Thái Lan, Nam Việt Nam rất bực tức. Ngay cả viên đại biện lâm thời của sứ quán Anh là nước đã từng công nhận và thiết lập những quan hệ ngoại giao với Trung Quốc từ lâu cũng tỏ thái độ không hài lòng. Trong bữa tiệc do Thống đốc Anh quốc tại Hồng Công chiêu đãi tôi, ông ta đã nhân danh tình hữu nghị với tôi để “thẳng thắn” khuyên tôi “không nên đi Bắc Kinh”.
Trong chuyến thăm đầu tiên của tôi tới Trung Quốc vào năm 1956 tôi đã nhiều lần được tiếp xúc với Chủ tịch Mao Trạch Đông và cả sau này nữa, mỗi lần đến Trung Quốc tôi đều được gặp Chủ tịch. Lần nào ông cũng dành thời gian gặp tôi và những cuộc nói chuyện giữa hai chúng tôi lần nào cũng kéo dài tới hơn một giờ. Gương mặt hiền dịu của Chủ tịch Mao ánh lên nét thông minh, vẻ bình tĩnh và cả sức mạnh. Rất rõ ràng chúng tôi cùng quý trọng nhau và tình thân hữu càng thêm phát triển theo dòng thời gian.
Tháng 8-1958, Mao Trạch Đông lại tiếp tôi tại Phủ Chủ tịch ngay sau khi tôi vừa tới Bắc Kinh. Trời hôm đó rất nóng. Vì vậy, ngày hôm sau chúng tôi lại tiếp tục nói chuyện dưới một mái lều căng trong vườn, bên cạnh một bể bơi, sau lại tiếp tục câu chuyện trong phòng tắm. Trước đó vài tuầnc, Khơrutxốp cũng từ Liên Xô tới Trung Quốc.
Những người giúp việc Chủ tịch Mao nói, ngoài Khơrutxốp ra, chỉ có tôi là nguyên thủ quốc gia duy nhất được Chủ tịch Mao tiếp chuyện nhiều lần như vậy. Phải chăng, ông định gây ấn tượng với tôi? Định nhồi sọ tôi chăng? Những nghi ngại đó là điều dễ hiểu. Quả thật Chủ tịch Mao quan tâm thật sự đến các vấn đề của Campuchia, những quan hệ giữa Campuchia với các nước láng giềng, quan điểm của tôi đối với Mỹ, các ý đồ của Mỹ trong khu vực... và một loạt những vấn đề khác thuộc lợi ích chung. Có lẽ ông đang tìm hiểu xem tôi thuộc loại người nào và tôi đang muốn gì. Hình ảnh một ông hoàng yêu nước chắc chắn đã kích thích sự tò mò của ông. Tuy nhiên, ngay từ lúc bắt đầu có những quan hệ giữa hai người ông vẫn tôn trọng tôi, coi tôi như người ngang hàng, đó là điều tôi chưa từng thấy có ở các nhà lãnh đạo phương Tây đối với tôi, trừ tướng Đờ Gôn.
Tôi cũng nhớ lại những lời hứa hẹn nồng nhiệt mà ông Kossyghin đã nói với tôi về sự ủng hộ của Liên Xô đối với cuộc kháng chiến của Campuchia khi tôi trên đường đáp máy bay tới Bắc Kinh. Lúc đó tôi đã say sưa với niềm hi vọng là Chính phủ kháng chiến của Campuchia có thể sẽ có hai trọng điểm ở ngoài nước. Nếu được sự đồng ý của Trung Quốc, các cố vấn quân sự, kỹ thuật, giao thông liên lạc, tiếp tế hậu cần sẽ đặt cơ quan phụ trách tại Bắc Kinh vì Trung Quốc có đường biên giới tiếp giáp Việt Nam là nước chúng tôi cần phải chuyển vận ngang qua. Còn tại Matxcơva sẽ đặt các cơ quan phụ trách các vấn đề đối ngoại, ngoại giao, thông tin tuyên truyền. Liên Xô là nước tiếp giáp các nước xa hội chủ nghĩa Đông Âu và cũng gần với thế giới phương Tây. Matxcơva là địa điểm lý tưởng để đặt các cơ quan này. Nhưng hồi đó Matxcơva đã không muốn tiếp nhận và vẫn duy trì các quan hệ với chế độ Lon Nol.
Vậy thì trên trái đất này, còn có thủ đô nước nào có thể cho phép chúng tôi thiết lập một nửa chính phủ đang còn phải sống tạm ở nước ngoài?
Viện trợ vật chất kể cả vũ khí và các phương tiện vận chuyển những vũ khí đó đến tận tay chiến sĩ của chúng tôi đều do Trung Quốc đảm nhiệm một cách vô điều kiện. Khi tôi đặt vẩn đề trả tiền, Chủ tịch Mao đã nói: “Chúng tôi không phải là bọn lái súng. Về một số lĩnh vực khác, có thể nói đến chuyện cho vay hoặc trả tiền sau, nhưng về vũ khí thì không”. Sự giúp đỡ của Trung Quốc về chính trị, ngoại giao cũng vô điều kiện như viện trợ quân sự.
Chính phủ Trung Quốc đã chuyển tất cả Bộ Ngoại giao đặt tại một toà nhà rộng rãi to đẹp (trước kia là Đại sứ quán Pháp) đi nơi khác để dùng làm tư dinh cho một Quốc trưởng “bị truất phế” và những người đi theo, đồng thời còn tuyên bố, đây là lãnh thổ bất khả xâm phạm của tôi, muốn sử dụng đến bao giờ cũng được. Cánh trái của toà nhà mới được dùng để đặt trụ sở Chính phủ kháng chiến. Chính phủ Trung Quốc còn giúp chúng tôi một đội ngũ thư ký văn phòng, dần dần thay thế bằng đồng bào của tôi từ trong nước chạy sang phục vụ chính nghĩa của Campuchia. Các xe cộ, phương tiện cũng do Trung Quốc cung cấp.
Trong buổi gặp Chủ tịch Mao Trạch Đông ngày 1-5-1970, tôi nói:
- Thưa Chủ tịch, Trung Quốc phải gánh vác nặng nề quá. Trung Quốc đang trợ giúp nhiều nước thuộc thế giới thứ ba. Bây giờ tôi lại tới đây cùng với nhiều người đi theo, quả là thêm gánh nặng.
Chủ tịch trả lời:
- Tôi đề nghị ngài đưa thêm nhiều người đến đây nữa. Ngài càng có thêm nhiều người đi theo, tôi càng vui mừng. Càng nhiều người đoàn tụ chung quanh ngài, tôi càng sung sướng. Ngài chớ nên quá quan tâm đến những chuyện vặt này. Hãy tập hợp nhiều người hơn nữa ở đây. Nếu họ không ra trận được thì cứ đến đây với ngài. Sáu trăm, một nghìn, hai nghìn, hơn nữa cũng được. Trung Quốc luôn luôn sẵn sàng tiếp nhận và cung cấp cho họ mọi thứ cần thiết.
Chủ tịch Mao không hề mệt mỏi khi nói chuyện về Campuchia. Một hôm, ông bộc lộ với tôi:
- Hoàng thân Sihanouk này? Tôi thích nói chuyện với Hoàng thân. Ngài bộc lộ ý nghĩ một cách thẳng thắn và dũng cảm. Ngài không sợ nói ra những điều mình nghĩ.
Tôi hiểu ngay, Chủ tịch thích đối thoại với những người đôi khi không tán thành một số quan điểm của ông. Một buổi khác, giữa lúc đang nói chuyện phiếm với nhau, ông đột ngột bảo tôi:
- Ngài xứng đáng là một người cộng sản.
Tôi trả lời:
- Thưa Chủ tịch, quả thật tôi không bao giờ trở thành cộng sản được.
Ông Mao cười to:
- Ngài thông minh, lại yêu lao động. Tại sao không vào Đảng Cộng sản?
Tôi đáp:
- Tôi rất lười, không đọc được các tác phẩm của Mác, của Lê-nin và các vị lãnh tụ khác.
Ông Mao lại nói:
- Hiện nay, chúng tôi có những cuốn sách tóm tắt những tác phẩm đó. Hoặc trích đoạn. Ngài không cần phải đọc toàn tập Mác hoặc toàn tập Lê-nin vẫn lĩnh hội được các tư tưởng thiết yếu.
Tôi liền trả lời:
- Thưa Chủ tịch! Thế thì, tôi thích đọc Mao tuyển, tóm tắt những tác phẩm Mao Trạch Đông.
Cũng như Đờ Gôn, Mao có một trí nhớ tuyệt vời. Trong cuộc gặp ngày 1-5-1970 ông vẫn còn nhớ những điều tôi đã nói từ năm 1956, 1958 và trong những cuộc gặp khác. Ông có thể nhắc lại từng câu những lời tôi đã nói như muốn biết hiện tôi còn nhận định sự việc như cũ hay không. Ông theo dõi tình hình Campuchia rất tỉ mỉ đến mức tôi phải kinh ngạc.
Có lần. Ông nói với tôi: “Người ta chê trách Hoàng thân vì đã mở một sòng bạc ở Phnompenh”. Tôi rất ngạc nhiên vì đúng là năm 1969 tôi đã cho mở một sòng bạc do Nhà nước quản lý nhằm mục đích tăng thêm lợi nhuận cho Campuchia, như nhiều nước cũng đã tiến hành mở xổ số hoặc Lô tô. Nhưng những kẻ thù của tôi, mặc dù chính họ là những kẻ đặc biệt tham lam và tham nhũng, thoái hoá lại công kích tôi, biến thành một chuyện rùm beng hòng tạo ra một trong những cái cớ lật đổ tôi.
Ông Mao nói tiếp:
- Theo ý tôi, thà mở sòng bạc còn hơn nhận viện trợ Mỹ. Tôi biết, ngài không làm như vậy vì lợi ích cá nhân. Các ngài đang gặp nhiều khó khăn về ngân sách và ngài đã mở sòng bạc để lấy tiền đưa vào kho bạc nhà nước. Người dân Campuchia rất ham mê cờ bạc. Vậy thì tại sao lợi nhuận đó lại không thu về cho Nhà nước, cứ để lọt vào túi chủ thầu tư nhân?
Một nhân viên bước vào, khẽ nhắc Chủ tịch Mao là đến giờ ra lễ đài. Chủ tịch nói:
- Khoan đã! Câu chuyện tôi đang nói với Hoàng thân Sihanouk đây rất thích thú.
Ông tiếp tục hỏi chuyện tôi về Campuchia, đặt nhiều câu hỏi về Lon Nol và Sirik Matak.
Sirik Matak đã từng làm đại sứ Campuchia tại Bắc Kinh và Mao cũng đã gặp Lon Nol vài tháng trước đó, nhưng ông chưa có ý niệm rõ ràng về hai tác gia cuộc đảo chính này. Cuộc nói chuyện kéo dài suốt hai giờ, trong lúc mọi người đang chờ đợi tập trung tại quảng trường Thiên An Môn, chỉ chờ Chủ tịch Mao xuất hiện trên lễ đài là bắt đầu bắn pháo hoa mừng ngày Quốc tế lao động 1-5.
Hồi đó, báo chí và một số nhà ngoại giao đồn rằng ông Mao bị yếu mệt, nhưng thật ra tối hôm đó ông nói chuyện rất lâu với tôi.