Lai lịch Pol Pot và bè lũ.

Tại sao Khmer Đỏ lại thù hằn tôi đến như vậy? Bọn chúng là những người như thế nào, nguồn gốc, lai lịch ra sao?
Những nguyên nhân của sự thù hằn này đã có từ lâu từ những năm bốn mươi và những năm mươi là thời kỳ Sơn Ngọc Thành đang có ảnh hưởng đặc biệt đến các tầng lớp giáo viên, học sinh Campuchia. Sơn Ngọc Thành tuy là bạn của cha mẹ tôi, tức Quốc vương và Hoàng hậu Xuramarit, nhưng trong khoảng thời gian giữa năm 1941 là năm tôi lên làm vua và năm 1975 là năm chiến thắng của Khmer Đỏ, ông ta đã chọn con đường một mất một còn chống Sihanouk. Sơn Ngọc Thành lên án tôi là một Quốc trưởng “không xứng đáng, bê tha truỵ lạc, tham nhũng, phản bội Tổ quốc, tay sai của thực dân Pháp”. Thành cầm đầu một nhóm đấu tranh nhằm mục đích lật đổ chế độ quân chủ bị ông ta coi là lạc hậu, áp bức, độc đoán, tham nhũng, ngu dân. Sơn Ngọc Thành cùng với một người bạn là Sim Var nghĩ một cách có lý rằng muốn được người dân đi theo thì phải chinh phục được giới sư sãi, còn muốn chinh phục được thanh niên và trí thức thì phải vận động được giáo viên và các quan chức Bộ Quốc gia giáo dục đứng về phía mình.
Thời kỳ đó, Pol Pot, Ieng Sary, Son Sen, Khieu Samphan, Hou Youn, Hu Nim, Coi Thuôn, Nuon Chia... và các tiểu thư Khieu Ponnary  (sau này là vợ Pol Pot), Khieu Thirith (sau này là vợ Ieng Sary) đều là những học sinh non trẻ đã nhanh chóng trở thành những đồ đệ theo Sơn Ngọc Thành một cách cuồng nhiệt, và là những kẻ chống chế độ quân chủ đến cùng. Cũng không nên quên rằng tất cả các thủ lĩnh Khmer Đỏ hiện nay, khi còn là học sinh trung học đều đã được học bổng của chính phủ Bảo hộ (tức chính quyền thực dân Pháp trong những năm bốn mươi) và của cả triều đình Campuchia để tiếp tục theo học cấp cao hơn ở Pháp, trong những trường đại học tốt nhất ở Paris và các tỉnh lẻ bên Pháp. Từ việc tiêm nhiễm chủ nghĩa khuynh hữu của Sơn Ngọc Thành, đám du học sinh sau này trở thành bọn cầm đầu Khmer Đỏ đã chuyển sang tả khuynh và cực tả. Học lịch sử cách mạng Pháp, họ thích nhất và nhớ nhất các thời kỳ đẫm máu, đặc biệt là giai đoạn tắm máu trong cuộc cách mạng 1789-1793 của Pháp. Việc chặt đầu vua Lui XVI là sự kiện mà họ có thế hoàn toàn nghĩ đến sẽ áp dụng vào tôi. Sự hoạt động tích cực của các máy chém, một phát minh. Ở Pháp hồi đó, cũng đã mê hoặc đám công tủ, tiểu thư này, tuy họ cũng xuất thân từ tầng lớp tư sản.
Một số nhà cách mạng Pháp thời kỳ đó cũng đã chẳng xuất thân từ các gia đình tư sản, thậm chí cả quý tộc nữa hay sao?
Gia đình hai chị em, Khieu Ponnary và Khieu Thirith đều thuộc tầng lớp tư sản quý tộc có quan hệ thân thiết với gia đình ông bà nội tôi. Họ cùng ở một khu phố tại Phnompenh. Thời thanh thiếu niên, tôi biết rất rõ Ponnary vì cùng học với nhau một trường, lúc đầu là trường tiểu học Xutharôt (do ông bà tôi là Hoàng thân và Công chúa Xutharôt sáng lập) sau đó là trường trung học Sisowath. Khieu Ponnary luôn được xếp thứ nhất trong lớp.
Trong những năm 70 khi đã trở thành lãnh tụ Khmer Đỏ, hai chị em Ponnary và Thirit đã chỉ thị cho các cán bộ phải chọn những cái tên đơn âm cho “có vẻ nông dân nghèo”. Vì vậy, anh họ tôi là Hoàng thân Norodom Phurissara, cựu bộ trưởng, đã trở thành “bạn Mơn” một cái tên đơn âm cộc lốc. Còn Ponnary và Thirit đều thuộc dòng dõi quí tộc vì có những cái tên nhiều âm tiết gốc Pali (là ngôn ngữ thiêng liêng cao quý của đạo Phật, du nhập từ Ấn Độ), Thirit có nghĩa là “uy quyền”, chỉ có hai nữ mưu sĩ này của chế độ Khmer Đỏ là giữ đặc quyền về những cái tên có nhiều âm tiết gốc bác học, những người khác đều đổi và chọn tên có một âm tiết. Chính vì vậy cho nên Saloth Sar đã đổi tên là Pol Pot. Vị thủ lĩnh này tự xưng là con trai một gia đình nông dân nghèo, nhưng thực tế lại xuất thân từ một gia đình quan lại của triều đình.
Chị họ của Pol Pot, nay cải tên là bà Mich, đã từng là Đệ nhất quý phi của ông tôi, tức Quốc vương Monivong.
Tinh thần quyết liệt chống chế độ quân chủ và chống Sihanouk của các thủ lĩnh Khmer Đỏ đã thể hiện rõ trong khát vọng muốn thủ tiêu một “giống nòi thượng đẳng” cao hơn dòng dõi của họ, để rồi đến lượt họ lại ngoi lên đỉnh cao của hệ thống tôn ti trật tự trong xã hội Khmer Đỏ. Họ thay thế “chế độ phong kiến” và “chế độ độc tài” bằng chính cái chủ nghĩa độc tài chuyên chế cực đoan được đẩy cao tới cực điểm của chính họ.
Một số “chuyên gia về Campuchia” đã viết, nếu Khmer Đỏ trở thành cực kỳ hung ác thì đó là bởi chúng muốn trả thù “những sự độc ác của Sihanouk”, trả thù những binh lính của Lon Nol, trả thù những trận ném bom giết hại nhiều người của Mỹ. Về vấn đề này, mong bạn đọc hãy nhớ lại bài tôi đã viết trong cuốn “Những kỷ niệm ngọt ngào và cay đắng”, trong đó tôi đã giải thích kỹ: Đối với Khmer Đỏ, nhất định họ chỉ có thể phát khùng lên bởi cách đối xử khủng khiếp mà các lực lượng của Lon Nol, của Nguyễn Văn Thiệu và các máy bay Mỹ đã buộc họ phải gánh chịu trong khoảng thời gian từ năm 1970 đến 1975. Còn về chuyện Khieu Samphan, một linh mục Pháp đã viết rằng vì tôi “lột truồng Khieu Samphan ra đánh đòn” (hồi tôi còn làm Quốc trưởng trước khi xảy ra đảo chính) nên tôi đã đẩy ông ta lên bưng biền. Nhưng thật tình tôi chẳng dính líu gì vào chuyện này cả. Đó là việc làm của một số nhân vật cánh hữu chống Cộng.
Khieu Samphan không bao giờ bị bắt bỏ tù, cũng không bị đánh bằng gậy như một số người nước ngoài đã ngộ nhận. Ông ta mới chỉ bị “lột truồng mà thôi”. Dù sao, trong số Khmer Đỏ, Khieu Samphan vẫn là người gần gũi với tôi lịch sự thân ái với tôi hơn cả thời kỳ từ 1960 đến 1970 và cho mãi tới nay, kể cả những ngày đen tối nhất ông ta cũng vẫn còn chút ít nhã nhặn đối với tôi.
Có nên định nghĩa cuộc “Cách mạng Khmer Đỏ”, như một cuộc đấu tranh có tính chất báo thù của nông dân chống lại người thành thị, của người nghèo chống lại người giầu, của những người “trong sạch và cứng rắn” chống lại những người “hư đốn” như một số nhà “đoán điềm giải mộng” phương Tây đã suy diễn không? Dứt khoát không! Sự thật là, động lực của Khmer Đỏ không phải nằm trong tầng lớp dân thường mà là ở những người cầm đầu như Pol Pot, Ieng Sary, Khieu Samphan, Nuon Chia, Son Sen, bà vợ Pol Pot và vợ Ieng Sary. Xin viết vài dòng về những người tự nhận là “con đẻ của nhân dân” đó.
Như tôi đã viết, vợ Pol Pot (tức Khieu Ponnary) và vợ Ieng Sary (tức Khieu Thirith) là hai chị em, xuất thân từ một gia đình đại tư sản, được học hành phù hợp với những truyền thống tốt đẹp nhất của Campuchia. Gia đình họ ở trong một toà nhà sang trọng, cạnh biệt thự của ông nội bà nội tôi, tức ông bà Hoàng Xutharôt. Hai gia đình xóm giềng này có quan hệ mật thiết với nhau. Tiểu thư Ponnary và anh chàng Sihanouk thời thơ ấu đã cùng học bên nhau từ trường tiểu học Xutharôt đến trường trung học Sisowath. Pol Pot (tên thật là Saloth Sar) cũng không phải sinh ra từ một gia đình nghèo hoặc nông dân. Anh cả của Pol Pot đã làm quan trong triều đình, giữ chức Đổng lý ngự tiền, tức thư ký Văn phòng của Quốc vương. Một người trong số chị em của Pol Pot là bà Mich đã từng là quý phi của Quốc vương Monivong. Thời niên thiếu Saloth Sar thường được ra vào cung vua. Thật là nực cười khi người ta thấy Pol Pot tự xưng là “nạn nhân của chế độ bất công của xã hội cũ”. Khieu Samphan và các nhân vật Khmer Đỏ khác như Hou Youn, Hu Nim, Két Sơhôn, Châu Xeng đều đã làm quan thượng thư trong triều đình. Họ không có điều gì đáng kêu ca phàn nàn về cách đối xử mà nền quân chủ đã dành cho họ. Vả lại, tất cả bọn họ, kể cả anh em Thiun Thiện, Thiun Mum, Thiun Praxít, đều xuất thân từ những gia đình giầu sang, có thế lực, đều được hưởng học bổng của Chính phủ Hoàng gia để theo học tại những trường trung học tốt nhất của Pháp ở Đông Dương, như trường trung học Chasseloup Laubat ở Sài Gòn (tôi cũng đã học ở đây) và trường trung học Yecxanh ở Đà Lạt. Họ tốt nghiệp từ những trường đại học tốt nhất ở Pháp. Thế mà sau đó họ vẫn cứ khẳng định nền quân chủ Campuchia đã thực hiện một chính sách “ngu dân” chăng cho thanh niên học hành gì cả.
Cuộc cách mạng Khmer Đỏ đã được vạch ra và tiến hành bởi những đầu óc trí thức thuộc thành phần tư sản Campuchia. Những người này chẳng phải chịu một bất công xã hội nào, và còn được theo học tại các trường tiểu học, trung học xây dựng dưới chế độ quân chủ rồi tiếp tục học đại học ở Pháp, nhờ học bổng của Chính phủ Hoàng gia Campuchia. Dĩ nhiên, những binh lính của Pol Pot đều là nông dân. Thế nhưng, trong các lực lượng vũ trang của Sơn Ngọc Thành (tức bọn lính đánh thuê do lính biệt tích “mũ nồi xanh” của Mỹ huấn luyện) cũng như trong quân đội của Lon Nol (trong thời kỳ 1910 - 1975) và trong quân đội của Son Sen, của Sihanouk, phần rất đông binh lính cũng là nông dân.
Chủ nghĩa cộng sản của bọn Pol Pot. Ieng Sary, Khieu Samphan, Son Sen không những được soạn thảo bởi các nhà trí thức tư sản mà còn ra đời ở Pháp như tôi đã viết ở trên. Sau khi từ Pháp về nước, Khmer Đỏ bắt đầu tiếp xúc với Trung Quốc và cuộc cách mạng của Mao, và chẳng bao lâu cũng chuyển hoá theo. Tiếp theo đó là cuộc “cách mạng văn hoá” nổi tiếng, cầm đầu bởi “bè lũ bốn tên” và được kích động bởi bà Giang Thanh, bà vợ quá quắt của Người cầm lái vĩ đại. Mọi người đều biết rõ tác hại to lớn mà cuộc cách mạng “văn hoá” này gây ra cho nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, cho nhân dân Trung Quốc, cho nền văn hoá và các lợi ích của Trung Quốc ở cả trong nước lẫn ngoài nước. Bọn Pol Pot, Ieng Sary thấy cuộc cách mạng “văn hoá” này hoàn toàn hợp với khẩu vị của mình. Điều tệ hại nhất cho đất nước và nhân dân Campuchia là bọn Pol Pot, Ieng Sary còn muốn vượt hơn cuộc cách mạng “văn hoá” của Trung Quốc bằng bất cứ giá nào. Đó là điều phi lý. Học trò muốn hơn thầy là hiện tượng bình thường trong xã hội chúng ta. Trong lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, cuộc ganh đua này chỉ có lợi. Nhưng trong lĩnh vực khủng bố, việc “chơi trội” này đã trở thành tội ác.
Từ tháng 9-1975, khi tôi trở về Phnompenh, một số người cầm đầu Khmer Đỏ đã bộc lộ với tôi một cách tự hào, cuộc cách mạng của họ đang cố vượt cách mạng “văn hoá” của Trung Quốc nhằm đạt tới chủ nghĩa cộng sản hoàn toàn, chỉ bằng một bước đại nhảy vọt, bỏ qua giai đoạn xã hội chủ nghĩa. Điều đó sẽ chứng minh cho toàn thế giới thấy rõ khả năng của thế hệ kế thừa những người đã xây dựng các đền đài Ăngco như thế nào. Uy danh của cuộc Cách mạng Campuchia, quán quân về việc cộng sản hoá toàn bộ đất nước, toàn thể dân tộc trong một khoảng thời gian kỷ lục sẽ ghi vào lịch sử thế giới, bằng những dòng chữ khủng khiếp không bao giờ phai nhạt. Sự điên rồ này là đặc điểm thuần tuý của giới trí thức lãng mạn. Tôi nghĩ, nông dân bình thường và dân nghèo thành thị không thể có được sự không tưởng này.
Có người hỏi tôi: “Thưa Hoàng thân, ngài khẳng định Pol Pot cũng như Hítle là những tên “điên khùng và bạo chúa khát máu”. Nhưng làm thế nào mà một cá nhân, hoặc thêm Ieng Sary là hai, hoặc cả Tà Mốc mà ngài gọi là Himler nữa là ba, lại có thể buộc được hàng trăm ngàn người Campuchia đi theo và làm theo trong cuộc phiêu lưu chết chóc này?”. Xin các bạn hãy nhớ lại những gì đã xảy ra ở châu Âu năm 1931 là năm Hítle có những thắng lợi đầu tiên, và năm 1945 là khi Hít le sụp đổ Hítle và Himler đâu có thiếu những tên tay sai cuồng tín, cũng hung ác tàn bạo như chúng để hành hạ, giết hại dã man những người yêu nước tại những quốc gia bị chúng chiếm đóng và giết hại cả hàng ngàn dân thường vô tội, trước hết là những người Do Thái, rồi đến toàn thể dân chúng trong các thị trấn thanh bình như Lidice ở Tiệp Khắc hoặc Ôracđua ở Pháp. Một tên điên khùng tàn bạo, dù chỉ nắm được một chút quyền hành nào đó cũng có bùa phép biết nhồi sọ, lôi kéo một bộ phận dân chúng và tầng lớp thanh niên trong nước, có thể biến quần chúng thành những kẻ cũng điên cuồng tàn bạo.
Ở Campuchia, ngay đến Lon Nol là một tín đồ môn thần học, nhưng ít phép mầu và diễn thuyết rất tồi, vẫn có thể lôi cuốn được “lũ nhóc” từ mươi đến mười hai tuổi, chưa được học tập gì về quân sự, để chiến đấu chống những người cộng sản Khơme và Việt Nam thiện chiến. Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa, việc giết hại hàng loạt những người Việt và người Campuchia chống đối không phải do Khmer Đỏ phát động mà là do bọn “cộng hoà” Lon Nol tiến hành trước. Khmer Đỏ đã đi theo con đường mà Lon Nol vạch sẵn, và đã nâng cao thêm những kỷ lục giết người mà Lon Nol đã đạt được Ban lãnh đạo Khmer Đỏ cố làm mọi người tin rằng cần phải xoá sạch quá khứ để xuất phát từ số không, xây dựng một nước “Campuchia mới” không mảy may dính líu với “xã hội cũ”. Tôi nói “ban lãnh đạo” đây tức là Pol Pot, Ieng Sary, Khieu Samphan. Họ đã bắt đầu bằng việc xoá bỏ triệt để luân lý đạo Phật là tôn giáo có nhiều ảnh hưởng ở nước tôi.
Bọn “Khơme Xanh” của Sơn Ngọc Thành cho rằng chúng biến đổi Campuchia thành một nước “cộng hoà” để chống lại sự đồi bại, thiết lập nền dân chủ và đánh bật chủ nghĩa cộng sản vô thần ra khỏi đất nước. Nhưng chúng đã hoàn toàn làm trái ngược lại. Chính một đối thủ chính trị già nua của tôi là Sim Var đã viết trên tờ báo xuất bản ở Phnompenh, thừa nhận rằng tệ nạn xã hội đồi bại dưới thời Lon Nol còn truyền nhiễm gấp trăm lần thời kỳ tôi còn “ngự trị”. Nền dân chủ của Lon Nol thực tế là nền thống trị độc tài của quân đội và cảnh sát có một không hai. Lon Nol tự coi là người “tôn sùng đạo Phật” đã hoàn toàn làm trái lời dậy của đức Phật Tổ và mở đường cho Khmer Đỏ. Những mưu đồ của Khmer Đỏ đã không trong sạch mà cũng chẳng tách rời những tật xấu mà đức Phật Tổ đã vạch rõ. Chính những thói xấu như sự đố kỵ, hằn thù, tham vọng đã dẫn dắt Khmer Đỏ hành động. Nếu tháng 4-1975 là khi vừa mới bắt đầu giải phóng Campuchia khỏi ách thống trị của Lon Nol, bọn Khmer Đỏ còn được dẫn dắt bởi chủ nghĩa yêu nước thuần khiết và chân chính - mà tôi đã tin một cách ngây thơ - thì có lẽ họ đã tha thứ khoan hồng cho những người trước kia đã chống lại họ và từ buổi sớm ngày 17-4-1975 đà gần như toàn tâm toàn ý quy phục họ. Có lẽ họ đã xây dựng (và họ đã có thể xây dựng được) một nước Campuchia mới, không phải trên đống xác chết chất cao như núi, mà là trên sự hoà hợp dân tộc sự khoan hồng độ lượng (như đức Phật Tổ đã dạy) và sự đoàn kết tương trợ lẫn nhau.
Tháng 9-1975 các ông Ieng Sary, Khieu Samphan, Son Sen đã tiết lộ với tôi, họ không thể để cho hai triệu người dân Campuchia sống tại thủ đô Phnompenh được bởi vì chính quyền của họ mới được thiết lập có lẽ đang bị uy hiếp bởi nhiều gián điệp của Mỹ, Liên Xô, Pháp... thâm nhập vào Phnompenh. Thành phố này đang biến thành một mê hồn trận” có nhiều gián điệp và phá hoại mà chưa thủ tiêu được. (Họ nói đúng nguyên văn như thế đó!) Hiển nhiên cái gọi là “sự cần thiết” phải lùa dân đô thị về nông thôn để “có thức ăn” và tránh khỏi “máy bay Mỹ ném bom” chỉ là một cái cớ giả tạo nẩy sinh từ một chính sách chủ trương quái gở, mất gốc, trái với những lời răn dạy của đức Phật.
Về cái gọi là “có thức ăn” thì thật sự dân chúng bị đuổi khỏi Phnompenh đã hoàn toàn bị bỏ đói vì không được chuẩn bị một chút gì về lương thực cũng như tiếp tế lương thực. Còn về chuyện “máy bay Mỹ ném bom” thì rõ ràng đã không bao giờ xảy ra. Hậu quả của những sự lừa dối kinh khủng đó đã làm không biết cơ man nào là người chết.
Tháng 9-1976, Hội nghị cấp cao các nước không liên kết họp ở Côlômbô, thủ đô Xri Lanca. Trung Quốc đã ngỏ ý Norodom Sihanouk thay mặt chính quyền Khmer Đỏ đi họp; nhưng Khieu Samphan đã tận dụng luôn sự từ chức của Sihanouk để “mở cửa đột phá” trên vũ đài chính trị quốc tế. Lúc này, chính phủ Trung Quốc lại tỏ ý lo ngại về khả năng không thành công của đoàn đại biểu Khmer Đỏ tại hội nghị vì thiếu Sihanouk.
Trung Quốc đã quá lo xa khi nghĩ như vậy. Bởi vì, Khieu Samphan, Ieng Sary và các nhân vật Khmer Đỏ khác đã được đón tiếp trọng thị tại Côlômbô như những anh hùng. Cả giới Phật giáo lẫn dân chúng rất mộ đạo ở thành phố Canđi, nơi đặt di cốt đức Phật Tổ cũng hoan hô Khmer Đỏ, những kẻ đã từng giết chết đạo Phật và các tôn giáo khác ở Campuchia. Khi trở về nước, với vẻ thoả mãn rõ rệt Khieu Samphan đã giành cho tôi một vinh dự được ông ta tới thăm và nói chuyện... rất lâu. Hai vợ chồng tôi chúc mừng thắng lợi của ông ta tại Hội nghị Côlômbô. Khieu Samphan uống một ít sữa, có vẻ như để thưởng thức thắng lợi của chính ông ta. Vài phút sau, ông mới nở một nụ cười, đôi mắt sáng lên vì thoả mãn. Chúng tôi im lặng chăm chú nhìn. Khieu Samphan có vẻ tự nhủ rằng dứt khoát Sihanouk không còn là nhân vật không ai thay thế được nữa. Vài phút nữa lại trôi đi. Lúc đó người hùng của chúng tôi mới mở miệng, kể lể về thành công to lớn của bản thân tại hội nghị suốt hơn ba mươi phút không ngừng.
Với ngụ ý châm biếm nhẹ nhàng, tôi nhấn mạnh với Khieu Samphan, nhờ có Angca “của chúng ta” và nhờ có ngài Chủ tịch Khieu Samphan, từ nay đất nước Campuchia của ta sẽ được nâng bổng lên tít hàng đầu, ngang tầm với những nước uy tín nhất trên thế giới và chế độ Campuchia dân chủ cũng đang lên tới đỉnh cao sự khâm phục của toàn thế giới.
Khieu Samphan không trả lời. Ông nhìn tôi bằng cặp mắt của kẻ kiêu ngạo có ý định trả thù rồi đứng dậy toan ra về. Tôi giữ lại:
- Kính thưa ngài, xin ngài lui lại mươi phút nữa để tôi được hầu chuyện về vấn đề cá nhân. Tôi có một lời thỉnh cầu hèn mọn đệ trình lên ngài.
Khieu Samphan có vẻ không vừa ý. Vẻ thoả mãn trên mặt nhường chỗ cho vẻ lo ngại. Tôi tiếp tục nói:
- Chắc ngài còn nhớ như lời chính ngài và ngài Son Sen đã nói với tôi cách đây vài tháng. Các ngài đã nhân danh Angca hứa hẹn, ủng hộ đề nghị của tôi đi Trung Quốc chữa bệnh. Cứ sáu tháng một lần, các thầy thuốc Trung Quốc cần kiểm tra lại toàn bộ sức khỏe của tôi. Tháng 4 vừa qua, trước ngày tôi xin từ chức Quốc trưởng các ngài đã khuyên tôi “kiên tâm” chờ đến khi nào chế độ mới của các ngài được củng cố trên trường quốc tế, Ngài vừa mới nhấn mạnh là từ nay trở đi nước Campuchia dân chủ đã đạt được đỉnh cao của uy tín và thiện cảm quốc tế được tất cả các nước không liên kết ủng hộ. Kính thưa ngài, vợ tôi và tôi đang có những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Chúng tôi cầu khẩn Angca cho phép chúng tôi được đi sang Trung Quốc và ở bên đó rất bí mật, không để ai biết, chúng tôi sẽ chỉ tiếp xúc với các thầy thuốc do chinh phủ Trung Quốc cử với trông nom săn sóc, chúng tôi hứa sẽ quay trở về với gia đình sau một tháng.
Khieu Samphan nói:
- Các ngài đừng quấy rầy các bạn Trung Quốc của chúng ta. Các vị đó đang bận nhiều công việc.
- Nhưng ngày nào Trung Quốc cũng tiếp đã vô số khách đến từ các nơi trên thế giới.
- Đó là những đoàn đại biểu chính thức đi công cán. Còn Xamđec chỉ là người đã nghỉ hưu.
- Bà Chu Ân Lai và những nhân vật cấp cao nhất của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã khẳng định với tôi, lúc nào tôi tới Trung Quốc cũng được hoan nghênh. Chính các vị lãnh đạo Trung Quốc đã nói Trung Quốc là “Tổ quốc thứ hai của tôi”.
- Ngài hãy nghĩ đến lòng tự hào dân tộc. Ở đây ngay tại Phnompenh này, chúng tôi có những thầy thuốc rất giỏi. Nhất là “anh” Thiện (nguyên văn tiếng Thơm là Bâng, có nghĩa là anh em; bác sĩ Thiện lúc đó là Bộ trưởng Y tế của Khmer Đỏ). Anh ấy có thể giải quyết tất cả các vấn đề về sức khỏe của ngài. Hãy tin vào anh ấy.
- Kính thưa ngài, vợ tôi cần phải được một nữ bác sĩ phụ khoa khám. Ở nước ta không có bác sĩ phụ khoa. Tôi cầu khẩn Angca rất mực tôn kính của chúng ta cho phép vợ tôi, chỉ một mình vợ tôi được chữa trị tại một bệnh viện thủ đô hoặc một bệnh viện tỉnh. Chuyến đi, cũng nhất những ngày vợ tôi ở Trung Quốc, sẽ được giữ tuyệt đối bí mật.
- Tôi nói thẳng nhé! Đây chưa phải thời điểm thuận tiện để Đức vua ra khỏi Campuchia (Khieu Samphan vẫn có thói quen gọi tôi là Preah Karuna, tức là Đức vua, kể cả sau khi Khmer Đỏ đã quyết định bãi bỏ cách xưng hô của triều đình cũ).
Tôi hỏi lại:
- Tại sao vậy?
- Vì đế quốc Mỹ, cụ thể là CIA, đang tìm cách tách ngài khỏi chúng tôi.
- Nhưng tôi chỉ đi Trung Quốc, quá lắm là sang Triều Tiên.
- Cựu tuỳ viên báo chí của ngài là ông Nút Sơ hơn là một tên phản bội và là một tên gián điệp nguy hiểm của CIA, hiện đang ở Paris. Từ Paris nó có thể viết thư hoặc gọi điện đến Bắc Kinh cho ngài.
- Một tên Nút Sơ hơn thì làm sao có thể thuyết phục tôi ly khai khỏi Angca được.
- Tại Hồng Công còn có một tên là bạn rất thân của Nút Sơ hơn sẽ giúp hắn có hiệu quả thuyết phục ngài, lôi kéo ngài về phía địch. Đó là Hoàng thân Yuvanath, con trai cả của ngài.
- Thưa ngài, chắc ngài nói đùa cho vui đấy thôi chứ Yuvanath thiết gì làm chính trị. Dứt khoát, nó không có ảnh hưởng một chút nào đến bố nó cả.
Khieu Samphan nói như để kết luận:
- Ngài hãy tin là chúng tôi sẽ không giam hãm ngài. Một ngày nào đó, chúng tôi sẽ cho phép ngài đi ra khỏi Campuchia để thay đổi không khí, như ngài nói. Xin ngài hãy vui lòng kiên nhẫn một chút. Nếu Bà hoàng vợ ngài và ngài cần các loại biệt dược của châu Âu hoặc của Mỹ, tôi sẽ cho mua để ngài dùng. Chúng tôi rất quan tâm đến sức khỏe của ngài.
Tôi còn biết làm gì được nữa, ngoài việc đa tạ vị “Chúa ngục” của tôi.
Mao Chủ tịch qua đời ngày 9-9-1976. Hàng ngàn bức điện từ khắp nơi trên thế giới gửi tới Bắc Kinh chia buồn. Nhiều vị đứng đầu nhà nước, chính phủ, các chính khách lưu vong v.v... đều gửi điện chia buồn hoặc tới dự lễ tang, được đài phát thanh nêu tên, chỉ có tên tôi là vắng trong danh sách những người tới truy điệu Chủ tịch, người đã làm nhiều việc cho tôi, mẹ tôi, gia đình tôi cho nhân dân, đất nước tôi. Ngay sau khi Mao Chủ tịch từ trần, tôi đã viết một bức thư dài gửi bà Giang Thanh để chia buồn. Tôi nhờ chính phủ Campuchia “dân chủ” chuyển giúp. Tôi nói, vì không còn là Quốc trưởng nữa nên tôi không được phép gửi Công hàm, đành phải viết thư riêng. Tôi xin phép được bí mật tới đại sứ quán Trung Quốc tại Phnompenh để nếu không được nghiêng mình trước thi hài thì ít nhất cũng được cúi đầu trước tấm ảnh ông Mao.
Tôi chờ suốt hai mươi bốn giờ, không thấy trả lời. Tôi lại viết lá thư thứ hai, lần này tôi gửi ông Khieu Samphan, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Nhà nước nhờ ông nói giúp với Angca. Tôi chờ hai mươi bốn giờ nữa vẫn không thấy gì. Tôi lại viết lá thư thứ ba, gửi cho ban lãnh đạo Khmer Đỏ. Cũng không có trả lời. Sự thật đúng như vậy. Tháng 1-1979, khi tới Bắc kinh, tôi đã kể lại chuyện này và đưa cho người phiên dịch những bản nháp các lá thư của tôi hồi đó, nhờ chuyển lên Chính phủ và Đảng Trung Quốc, những bằng chứng về tấm lòng kính yêu của tôi đối với Mao Chủ tịch.