Chương XVI

Cù Văn Hòn cùng với đứa cháu gái tên là Phương bước qua đê ra xóm bãi sông Hồng, tìm đến nhà cô đồng Ngọc, để gọi hồn Hiên - vợ Hòn đã thành người thiên cổ. Bầu trời âm u những đám mây nặng như chì. Thảm cỏ ướt sương trải dài hai vệ đê. Hòn cúi đầu, bước chậm chạp. Dường như sợ Hòn ngã, Phương nắm tay cậu dìu từng bước theo lối mòn ngoằn ngoèo từ chân đê lên dốc rồi xuống dốc, rồi khuất vào trong xóm nhỏ um tùm cây xanh… Hòn đã từng nghe bà con làng xóm và bạn bè kể nhiều chuyện thuộc thế giới linh hồn mà chính họ chứng kiến.
Trong đời sống hàng ngày, Hòn cũng láng máng thấy những hiện tượng rất linh nghiệm về "tích thiện phùng thiện", "ác giả ác báo", về sự giao cảm giữa hiện tại với quá khứ, giữa người sống với người quá cố.. Nhưng chưa bao giờ bản thân Hòn được chứng kiến… Từ khi Hiên qua đời, Hòn thấy nhiều chuyện lạ xảy ra ám ảnh vào tâm hồn khiến Hòn bâng lâng như đang sống ở một thế giới khác, lúc thì tràn đầy ánh sáng vi diệu ở cõi tối thượng, lúc thì u ám ở cảnh giới địa ngục.
Trước ngày lễ tứ cửu và ngày lễ bách nhật, ngồi một mình trước bàn thờ Hiên, Hòn đốt ba nén hương. Cháy hơn quá nửa, ba làn khói trắng bốc thẳng và cao gần chạm trần nhà, rồi bát hương hồng lên và rần rật bốc lửa quạt gió ra xung quanh làm cho những tấm trướng rung lên – Lần đầu tiên Hòn được thấy bát hương hóa.
Đêm trước ngày giỗ đầu, đang giữa giấc ngủ, Hòn nghe tiếng chuông điện thoại reo. Mở mắt, thấy rõ ràng một người đàn bà từ nơi đặt điện thoại đi ra cửa. Ai? ai? ai? Hòn chạy nhanh ra cừa, ổ khóa vẫn nguyên. Tìm khắp phòng trong, phòng ngoài, bếp, ban công, gậm giường, không thấy ai cả. Lúc này Hòn mới biết chắc chắn là mình mê.
Sáng ba mươi tết nào Hòn cũng đi thăm và thắp hương ở mộ Hiên. Riêng năm ấy, các con đã đi viếng rồi, Hòn ở nhà. Nhưng suốt cả buổi sáng và buổi trưa, cứ bồn chồn, đến ba giờ chiều thì Hòn quyết định đạp xe vượt đoạn đường gần mười lăm cây số đến Văn Điển. Mưa lâm thâm. Ngôi mộ nào cũng đầy hoa và nghi ngút hương. Cả nghĩa trang ửng lên màu hoa hồng và hoa cúc. Hòn cắm hoa và thắp hương lên mộ Hiên, vái lạy, rồi đi ra. Bình thường như những lần trước, anh ra về một cách thanh thản, nhưng lần này ra đến cổng nghĩa trang bỗng dưng anh quay lại, đứng trước mộ khấn: "… Nếu em có về ăn tết với anh và các con thì em cho bát hương hóa để anh biết". Chỉ sau một vài tích tắc, dưới màn mưa lâm thâm, bát hương bốc lên cháy ngùn ngụt. Hòn quỳ sụp xuống. Người quản nghĩa trang cũng chạy đến, đứng sát vào Hòn và vái lạy…
Đêm trước lễ cải táng, Hòn đang mở ca xét nghe lại mấy bài thơ viết hồi Hiên mất, bỗng có con chim sâu bay vào phòng, đậu trên tấm ảnh cưới, rồi ở lại suốt đêm, mờ sáng hôm sau mới bay ra… Hòn chỉ mới tiếp xúc với thế giới linh hồn trong một vài khoảnh khắc hiếm hoi và mơ hồ, lòng đã rân rân như có giọt máu thiêng liêng từ thế giới ấy nhỏ vào. Vậy mà Quách Quyền Lực ngày nào cũng đi lễ chùa lễ đình, rồi đội bát hương, xin sớ, lên đồng, mà tâm địa thì ám muội. Phải chăng Lực cũng đã ngộ nhận như con Sói-lực~sĩ trong truyện ngụ ngôn Italia? Ngày nào Sói-lực-sĩ cũng đi bắt thú rừng ăn no nê chê chán. Lũ Sói choai được chén đẫy những thứ đầu thừa đuôi thẹo, rồi hết lời tung hô: "Sói-lực-sĩ tốt bụng nhất trần gian! Sói-lực-sĩ tốt bụng nhất trần gian? Sói-lực-sĩ tốt bụng nhất trần gian!" Sói-lực-sĩ cười: "Ta sống lương thiện thế này mà lũ cừu lũ thỏ lại bảo ta độc ác" (?)
Căn phòng gác hai nhà cô đồng Ngọc rộng chừng hai mươi mét vuông, dùng làm điện thờ gọi hồn. Người tứ phương tìm tới rất đông. Đứng tràn cả ra sân. Mấy nhà bên cạnh mở dịch vụ trông xe đạp và bán hàng ăn, hàng giải khát. Vì đông quá, ai vào gặp cô cũng viết giấy hẹn một tháng sau. Riêng trường hợp Hòn, có người bạn thân của cháu Phương tên là Hằng đã từng quen biết cô đồng Ngọc, nên được cô đồng ý cho gọi hồn sáng hôm ấy.
Hòn kính cẩn đặt lễ và thắp hương lên bàn thờ, rồi ngồi xếp bằng, nói cho cô đồng biết tên mình, tên vợ, mất ngày nào, táng ở đâu… Thành tâm chờ đợi… Cõi trần lắm nỗi ngổn ngang, mong tìm được một chút bình yên nơi cõi giới vĩnh hằng… Mong được gặp em dù một thoáng mơ hồ, một ánh nhìn xa xăm, một giọng nói thoảng trong hơi gió, một khẽ động của sợi tóc mong manh… Sẽ bớt cô đơn dường bao nếu như từ trong đáy huyệt hư vô vọng lên một tiếng thầm thì "em đây mà…".
Những người ngồi xung quanh cùng một tâm trạng như vậy. Mỗi người đều có một sợi giây vô hình liên hệ với một người thân thiết ruột rà ở thế giới bên kia. Họ im lặng tuyệt đối, im lặng như trong thinh không, im lặng để có thể cảm nhận được một bóng dáng mơ hồ thiêng liêng nào đó. Họ nghĩ rằng chắc hẳn những người thân của họ ở thế giới bên kia cũng đang bơ vơ, cô đơn, đợi chờ… Ngồi chen chúc nhau, chuyền hơi ấm cho nhau. Không ai nỡ nặng lời với ai. Không ai nỡ có một cử chỉ khó chịu với ai… Hòn ngồi bất động như pho tượng. Cô đồng Ngọc gõ chuông. Tâm tư Hòn run lên theo tiếng chuông, run rẩy triền miên theo hồi chuông dường như kéo dài vô tận…
Một cô gái nào đó trong đám đông được Hòn mời ngồi để hồn nhập. Một cô gái như hàng triệu cô gái khác trong thiên hạ. Một cô gái mà Hòn chưa hề biết tên, chưa hề gặp một lần nào… Cô ngã vật ra, nằm dài, giọng nói ơ ớ như giọng nói của Hiên. Hòn sững sờ và không nghe thấy gì nữa…
- Ai là người nhà ông Cù Văn Hòn vào ngồi thay ông Hòn để hầu Hồn - Cô đồng Ngọc hỏi.
Cháu Phương:
- Tôi đây.
Phương ngồi cạnh cô gái đó và hỏi:
- Mợ ơi, mợ có biết cháu là ai không?
- Cháu là cháu Phương chứ còn ai nữa… Cháu đỡ chân cho mợ, xoa chân cho mợ, mợ đau chân lắm…
Phương đặt chân Hồn duỗi ra, xoa chân cho Hồn. Cảnh tượng diễn ra đúng như những ngày Hiên nằm trong bệnh viện Bạch Mai được cháu Phương chăm sóc.
- Cháu đi với cậu phải không?
- Vâng…
- Bảo cậu ngồi gần mợ.
Phương kéo cậu Hòn vào sát Hồn, rồi cầm tay cậu đặt lên trán Hồn.
- Anh xoa đầu cho em đi, em đau đầu lắm. Anh đỡ đầu em lên gối, em mỏi cổ lắm…
Cảnh tượng diễn ra đúng như những ngày Hiên nằm trong bệnh viện Bạch Mai được hai cậu cháu chăm sóc.
- Thế ún nam ún nữ của mợ đâu?
Phương quay lại nói với Hòn: "Ý mợ hỏi con gái con trai của mợ".
- Hai em nó bận đi làm, nó không đến gặp mợ được.
- Lần sau cháu có đi gặp mợ thì nói hai em cùng đi để mợ gặp.
- Cháu nhớ rồi. Lần sau cháu đưa hai em đi…
Tiếp sau đó, Phương không phải hỏi nữa, Hồn nói lan man từ chuyện này sang chuyện kia:
"Hiện nay cậu đang ở một cái nhà đã bị nghiêng rồi, lún rồi. Cậu còn một cái nhà khác đang xây dở… Cậu phân vân chưa biết ở nhà nào…
"Cái mệnh của mợ đến đó là hết. Cháu bảo với cậu đừng nuối tiếc vì mợ. Đến lúc mợ phải đi là đi…
"Cậu chăm sóc mợ chu đáo lắm, cậu không phải ân hận gì đâu….
"Đám tang mợ cũng chu đáo lắm. Cơ quan cậu chu đáo lắm… Bà con họ hàng, bạn bè đến dự đưa mợ đi đến nơi đến chốn…".
Hai má Phương đầm đìa nước mắt:
- Cậu có hỏi mợ gì nữa không?
- Cháu hỏi mợ ở dưới âm phủ có thiếu gì không, để cậu lo…
Đó là điều Cù Văn Hòn bứt rứt nhất. Khi hạ huyệt, Hòn và hai đứa con ném hòn đất xuống, Hòn chợt bàng hoàng: Em ơi, em ra đi, anh không lo cho em được đầy đủ.
Cái bát, cái đũa… Găng tay… Cuốn sổ, chiếc bút… Cuốn từ điển tiếng Pháp… Cuốn từ điển Bồ Đào Nha - Pháp…
- Mợ ơi, cậu hỏi mợ là có thiếu gì không để cậu lo…
- Mợ không thiếu gì đâu. Cậu lo cho mợ đầy đủ lắm rồi…
- Thế mợ có dặn gì cậu nữa không?
- Mợ muốn nói với cậu một điều… Nói cậu ngồi sát vào mợ..
Phương kéo cậu vào gần hơn. Hòn xích vào, cúi đầu xuống, ngoan ngoãn như đứa bé khi đã nhận ra lỗi lầm của mình…
"Anh ạ… Anh ạ… Anh… Lâu nay có một người đàn ông tìm hết mọi cách để làm hại anh. Người đàn ông đó ít tuổi hơn anh, đậm người, da trắng… Anh phải giữ mình… Người đàn ông đó vẫn tiếp tục làm hại anh… Tháng bảy tới Tháng bảy tới… Tháng bảy năm nay… anh bị tai họa lớn vì người đàn ông đó… "
Tháng bảy tới… Hôm nay đã là tháng năm rồi! Chỉ còn hai tháng nữa là mình bị tai họa lớn… Hòn nghĩ thế…
Tan cuộc hầu Hồn kéo dài gần một tiếng đồng hồ, Hòn đi ra khỏi cửa nhà cô đồng Ngọc như một kẻ mất hồn. Cháu Phương nắm tay cậu dìu từng bước…
- Cậu ơi, cậu nhớ xem người đàn ông tìm mọi cách làm hại cậu là ai…
- Cậu cháu thương cậu lắm… Ai thế hở cậu? Cậu nhớ lại xem người đàn ông đó là ai để cháu đi lễ cháu đi giải hạn cho cậu… Cậu!… Cậu!…
Những điều Hồn nói, không sai một li.
"Hiện nay cậu đang ở cái nhà đã bị nghiêng rồi, lún rồi. Cậu còn một cái nhà khác đang xây dở… Cậu phân vân chưa biết ở nhà nào…". Hoàn toàn đúng như vậy. Căn hộ của Hòn trong ngôi nhà năm tầng đã bị lún từ lâu, các đơn nguyên hở ra… Hòn được một người bạn cho đất ở nơi khác, xây thô xong, Hiên bị ốm nặng, bỏ dở. Sau khi Hiên qua đời, Hòn phân vân tiếp tục ở căn hộ cũ để thờ phụng Hiên hay nên hoàn thiện căn hộ mới, rồi dời ra đó?…
"Đám tang mợ cũng chu đáo lắm. Cơ quan cậu chu đáo lắm… Bà con họ hàng, bạn bè đưa mợ đi đến nơi đến chốn…". Hoàn toàn đúng như vậy. Bà con làng quê sinh sống ở Hà Nội đến dự đông đủ. Bạn bè ở Hà Nội và trong cơ quan lo toan chu tất. Chính Lực là người đã tích cực trong việc tổ chức lễ tang…
Vậy thì người đàn ông lâu nay tìm hết mọi cách để làm hại Hòn và vẫn tiếp tục làm hại, là ai? Người đàn ông đó ít tuổi hơn Hòn, đậm người, da trắng… Còn ai nữa, chính là Lực đấy thôi. Cháu Phương cứ gạn hỏi, nhưng Hòn nhất định không nói… Con người Lực là vậy, phân thân rất nhanh và nhập vai rất đạt.
Hơn một năm trời, Hòn chăm sóc vợ trên giường bệnh, lúc thì tại nhà riêng, lúc thì tại bệnh viện 19-8, lúc thì tại bệnh viện Bạch Mai, rồi bệnh viện K, rồi bệnh viện Hữu Nghị… Trong khi đó Hòn vẫn lùi lũi lo đầy đủ cho từng số "Thông tin văn hiến".
Thu nhập ở cơ quan quá thấp. Số tiền Hòn nhận được hàng tháng chỉ bằng một phần năm số tiền mua thuốc thang cho Hiên. Bạn bè cho khá nhiều, nhưng không đủ. Hòn phải trằn lưng ra viết báo. Từ khi tập tễnh cầm bút đến nay, đây là lần đầu tiên Hòn dùng ngòi bút để kiếm tiền. Ngồi bên giường bệnh, viết báo. Ngồi sắc thuốc, viết báo. Ngồi nấu cơm, viết báo…
Còn tờ phụ san "Thông tin văn hiến", Phan Chấn chỉ lo bài vở trong mấy số đầu, về sau để mặc cho Hòn lo tất tần tật.
Cấu thì sao? Lực phân công cho Cấu việc in ấn. Cấu đón được ý của thủ trưởng một cách triệt để: làm hại Cù Văn Hòn đến cùng? Số phụ san nào Cấu cũng để đến tận cuối tháng mới in, thậm chí mồng năm tháng sau mới in xong báo tháng trước… Phan Chấn cũng sốt ruột, bực bội, nói với Hòn: "Thằng Cấu nó phá anh. Lực bố trí cho thằng Cấu phá anh"… Cái nham hiểm của Lực nào có dừng lại đó anh ta còn xông vào phòng Hòn, quát mắng Hòn: "Anh không lo lắng gì việc cơ quan cả! Anh để báo tháng trước đến đầu tháng sau, giữa tháng sau mới in xong thì ai mua? ai mua? ai mua? Tôi giao việc cho anh, tưởng là anh làm tốt, hóa ra anh làm hại tôi, chơi xỏ tôi. Một số báo ra chậm, thiệt hàng triệu đồng, anh có biết không?…" Hòn chỉ nói lại được một câu:
- Ông giao cho thằng Cấu việc in ấn kia mà!
- Tôi giao cho thằng Cấu, nhưng trách nhiệm chính là anh. Anh hòng đổ trách nhiệm cho người khác à? Làm quản lý như anh thì không nên làm nữa? Tôi tin anh, tôi tin bạn bè xui tôi giao công việc cho anh, anh phản lại tôi à?… Hòn tê điếng cả người. Không đáp lại một lời. Một con người đã trơ mặt thớt như thế thì nói lại làm gì. Khi làm điều ác đã trở thành thói quen thì lương tâm không hề bị cắn rứt nữa.
Sau trận quát mắng của Lực, cô Đào vờ có việc đi lên gác hai, ghé vào phòng Hòn:
- Lúc anh nhận làm tờ phụ san này, em đã lo. Chẳng lẽ em can anh đừng làm… Trời không nghe đất thì đất phải nghe trời anh ạ… Bọn em biết anh phải chăm sóc chị ốm nặng, nhưng mỗi ngày anh cũng phải đến cơ quan chừng ba tiếng đồng hồ…
Cô Chiều xách phích nước vào, pha ấm trà mới, dường như làm một động tác an ủi, rồi lẳng lặng đi ra.
Hoàng Bảo chạy vào:
- Thằng Lực vừa quát gì mày?
- …
- Nó độc ác, rồi phải nhận quả báo…
Hòn cảm thấy người lạnh như một khối băng. Nghĩa tình tan vào băng giá. Ngọt bùi, cay đắng tan vào băng giá. Tư duy, tình cảm tan vào băng giá. Cả người anh như một khối băng nổi bồng bềnh chao đảo giữa biển đêm thăm thẳm…
Thức lâu mới biết đêm dài… Tính hiếu thắng của Lực đã có mầm mống từ ngày ngồi trên ghế nhà trường. Bài toán, bài tập làm văn nào mà Hòn hơn điểm là Lực tỏ ra rất khó chịu. Có lần gây sự với một thằng bé chăn trâu to khỏe hơn Lực rất nhiều, Hòn và bạn bè tin chắc là Lực sẽ thua, xông vào can. Nhưng Lực cứ sấn vào đối thủ và ném vào đối thủ bất cứ cái gì vớ được: một cục gạch, một nhành gai, một cục bùn, một cục cứt bò, một cục cứt chó, một cục cứt người… Lực không từ bất kỳ một thứ bẩn thỉu nào miễn là thắng được thằng bé kia… Đến bây giờ, tính hiếu thắng của Lực bộc lộ một cách trọn vẹn. Với Lực, hiếu thắng đồng nghĩa với mục đích sống. Tính mục đích của Lực rất mạnh. Uống bia say túy lúy với bạn chí phèo cũng nhằm mục đích ấy. Đặt vòng hoa trước linh cữu người chết rồi lạy mười lạy cũng nhằm mục đích ấy. Cắm nén hương lên mộ người chết rồi lạy hai chục lạy cũng nhằm mục đích ấy. Vì tính mục đích quá mạnh, cho nên Lực rất dễ dàng phân thân thành hàng chục nhân vật trong cùng một thời điểm mà nhân vật nào cũng đạt…
Còn là bạn hữu nữa không, hở Quách Quyền Lực?
Cái tảng băng cơ thể và trí tuệ của Hòn chìm dần vào cơn mê sảng kinh khủng… Trần gian… địa ngục… tình thương… tội ác… nhào lẫn vào một cục rồi lại xé toang ra như cái cung bật bông xét nát tơi bời từng sợi mỏng như hơi thở. Bao nhiêu tội hồn bị đày đọa vì lúc sống ở trần gian háo danh, hiếu thắng mà phạm tội ác. Ôi, hàng trăm hàng nghìn tội hồn chật chưởng đi vất vưởng, bơ vơ, gào thét… Mục Kiều Liên cũng ở đấy. Mẹ Mục Kiều Liên phải chịu vô số hình phạt vì lúc ở trần thế quá ác. Mục Kiều Liên xuống thăm mẹ, thấy quỷ sứ đưa bát cơm cho mẹ ăn, miếng cơm vừa chạm miệng liền hóa thành cục lửa hung dữ…
Hiên cầm tay Hòn chạy rất nhanh. Nhưng Hòn không chạy, mà cứ đi lững thững.
Cầu Nại Hà kia kìa?… Lơ lửng cầu treo tít trên cao lúc thì đen như hắc ín lúc thì hừng hực như thép nung đỏ lúc thì lóa sáng như những lưỡi guơm đan chéo vào nhau… Nhùng người phạm tội trên trần gian đang vất vưởng đi qua cầu này đê vào địa ngục. Mụ giết chồng. Thằng buôn ma túy. Viên quan hà hiếp dân. Kẻ lừa đảo bạn. Thằng con bất hiếu với cha mẹ. Ông bố vô trách nhiệm với con cái… Chúng đi như một lũ cô hồn. Đứa hú như chó dại. Đứa tru lên như sói. Đứa ngòng ngoèo chân như rắn… Quỷ sứ áp giải. Đủ mọi hình thù quỷ sứ. Quỷ sứ đầu trâu. Quỷ sứ sừng dê. Quỷ sứ mồm cá sấu. Quỷ sứ nanh dài vàng khè…
Dưới cầu là thăm thẳm vực sâu, tối tăm lạnh lẽo đến rợn người, lúc nhúc rắn độc. Rắn quấn vào rắn. Rắn ngẩng cái đầu đỏ thè lè nọc như tia lửa. Rắn hai đầu. Rắn ba đầu Rắn bốn đàu. Rắn năm đầu. Rắn quật đuôi vào thành cầu phát ra tiếng kêu lạnh toát. Rắn trô trố hai con mắt khô như hai cục thuỷ tinh… Các tội hồn bị quỷ sứ dẫn qua cầu. Tội hồn kinh hoàng vừa thấy rắn rết dưới vực sâu vừa thấy quỷ sứ vác dao mác, vác cào chìa nghìn răng, vác chiếc cày trăm lưỡi, vác cây gươm mười lưỡi…
Không cần đợi Quỷ sứ đẩy xuống vực, mà các tội hồn tâm kinh động tự nhào xuống. Và lũ rắn rết chồm lên, trừng phạt.
… Hiên cầm tay Hòn chạy rất nhanh. Nhưng Hòn không chạy, mà cứ đi lững thững.
Sau lưng Hòn là một người đàn ông đang đuổi theo.
Người đàn ông đó dáng đậm, mặt trắng, ít tuổi hơn Hòn… Quái lạ, Hòn đi lững thững mà người đàn ông đó rán sức chạy vẫn không đuổi kịp.
Tháng năm đi qua, nắng lửa. Tháng sáu đi qua, bão bùng. Tháng bảy đi qua, mưa sầm sập…
Tháng bảy rồi ư? Tháng bảy đến rồi! Tháng bảy, "tháng bảy năm nay… anh bị tai họa lớn vì người đàn ông đó " Hiên giục Hòn chạy. Nhưng Hòn không chạy. Nét mặt anh vẫn bình thản. Bao nhiêu nỗi đau do người đàn ông đó giáng xuóng đời anh khiến anh ê chề - ê chề cả tâm tư ê chề cả da thịt. Giá mà tháng bảy này, như Hiên báo trước, người đàn ông đó ném lửa vào anh, anh không còn đau đớn nữa. Vậy thì cần gì mà phải chạy.
Tháng bảy đến rồi!…
Tháng bảy!…
Tháng bảy…
Đùng đùng Lực triệu tập họp toàn cơ quan. Nội dung cuộc họp hôm nay là gì nhỉ? Vào ngồi nghiêm chỉnh, Lực đứng lên tuyên bố lý do, lúc đó Hòn mới biết là họp để góp ý phê phán tờ phụ san "Thông tin văn hiến".
Anh em góp ý chừng mười lăm phút, Lực đứng dậy nói rất hùng hồn. Rồi cuối cùng, Lực nói liền một mạch đến hơn một tiếng đồng hồ.
"Tôi tưởng là anh Cù Văn Hòn có kinh nghiệm làm báo giỏi, tôi mới giao cho toàn quyền nắm tờ báo. Giỏi mà thế này à…".
Lực giơ tờ báo, giở từng trang:
"Tại sao cái phi dê này lại đậm? Mới nhìn tôi tưởng là cái khung đen báo tin buồn nhà văn nào chết… Cái gờ ram này đáng lẽ đậm lại làm nhạt, cái gờ ram này đáng lẽ nhạt lại làm đậm… Cả trang báo này không hài hòa, đáng lẽ cái ảnh này in vào giữa, anh lại đưa in vào một góc, làm cho cả trang báo bị thiên lệch như một người què chân…"
Lực giở trang báo in ảnh và bài viết về chân dung nhà thơ Quy Hoàng:
"Bao nhiêu nhà thơ nhà văn nhà văn hóa cây đa cây đề bảy, tám mươi tuổi, sắp kề lỗ huyệt, anh không giới thiệu, anh lại đi giới thiệu chân dung một nhà thơ trung bình? Tôi biết anh Hòn rất thân với anh Quy Hoàng, muốn lăng xê anh Quy Hoàng. Tôi không bao giờ tôi làm như thế. Bạn bè thân gửi bài đến, tôi đòi hỏi chất lượng phải cao hơn những người khác. Còn giới thiệu chân dung, tuyệt đối không bao giờ tôi đưa bạn bè vào. Làm người quản lý là phải hết sức liêm khiết, làm quản lý báo chí lại càng phải liêm khiết. Nể nang in bài của bạn bè là tối ky. Nhận tiền để in bài của cộng tác viên là tối kỵ. Nể nang in bài yếu của các ông quan to càng tối kỵ. Như thế tờ báo mới trong sáng được. Tờ báo ta là tờ báo văn hiến, những người biên tập ở đây phải làm tấm gương văn hiến cho thiên hạ noi theo… Chúng ta là những người cầm bút, chúng ta hay nói đến lòng nhân ái. Nhân ái là gì. In bài của bạn bè không phải là nhân ái. In bài của các vị chức tước cao không phải là nhân ái. Lòng nhân ái cao nhất là nhân ái với hàng triệu bạn đọc. Đem đến một món ăn tinh thần ngon cho hàng triệu bạn đọc là nhân ái. Đem đến món ăn tinh thần thiu thối cho hàng triệu bạn đọc là phi nhân ái, phi nhân ái phi nhân ái… phi văn hóa, phản văn hóa, vô văn hóa…"
Thấy thủ trưởng gào khan giọng, cô Đào đem vào một lon bia rót ra cốc. Lực xua tay:
- Cho tôi cốc La vie, tôi không uống bia, tốn kém. Phải tiết kiệm từng đồng xu. Đất nước đang khó khăn. Cơ quan đang khó khăn. Không phải là thủ trưởng thì muốn uống bia lúc nào cũng được. Chúng ta phải luôn luôn thấm nhuần tinh thần của Đảng "tiết kiệm là quốc sách"…
Cô Đào luống cuống chạy ra quán mua chai La vie.
Lực uống xong, như được nạp năng lượng, càng thao thao bất tuyệt:
"Chúng ta muốn làm báo giỏi thì phải đi vào nhân dân, đi vào đời sống nhân dân. Nhân dân là liều thuốc linh diệu nhất để chúng ta thoát khỏi mọi bế tắc trong tư tưởng. Vì không chịu thâm nhập thực tế sôi động của nhân dân nên anh Hòn làm tờ báo Thông tin Văn hiến lạnh quá, xa rời không khí lao động hừng hực của quần chúng lao động… Hôm qua, trong cuộc hội thảo lớn về văn hóa dân tộc, tôi phát biểu được mọi người hoan nghênh. Muốn nền văn hóa văn nghệ của ta đậm đà màu sắc dân tộc, các tác giả phải đi vào nhân dân, các nhà văn hóa phải sống với nhân dân, các nhà văn hóa phải sống với nhân dân, để lĩnh hội đầy đủ cái tinh thần dân tộc của những người đô mồ hôi sôi nước mắt tạo ra cái tinh túy dân tộc. Có như vậy tâm hồn chúng ta mới trong sáng như thuỷ tinh…".
Quay về phía Hòn, Lực hất hàm hỏi:
- Anh Hòn có ý kiến gì không?
Hòn lắc đầu.
- Anh Hòn có ý kiến gì không?
Hòn lắc đầu.
- Anh Hòn có ý kiến gì không?
Hòn lắc đầu.
Cầm tớ báo cuộn trong tay, Việt Sồ lắc cái đầu xù:
- Nó không có ý kiến gì thì thôi, gạn hỏi nó làm gì. Họp xong rồi phải không?…. Về! Về!…
Việt Sồ đứng dậy. Một vài người cũng đứng dậy theo.
- Khoan, khoan, còn một việc cuối cùng… Lực vẫy tay bảo mấy người ngồi xuống.
"Từ nay tờ Thông tin Văn hiến đổi tên thành Văn hiến tương lai. Bạn đọc đã có ấn tượng xấu với cái tên Thông tin văn hiến, cho nên phải đổi tên. Tôi đối tên là Văn hiến tương lai hàm ý bồi dưỡng lực lượng các nhà văn hóa tương lai. Cho nên tôi phải nắm toàn bộ tờ báo này từ khâu duyệt bài đến khâu trình bày, tôi duyệt từng cái minh họa từng cái ảnh… Vì tờ báo này ảnh hưởng đến cả mọi thế hệ nhà văn hóa tương lai…".
Mọi người chen chúc nhau đi xuống cầu thang.
- Thế thằng Hòn ngồi chơi xơi nước à?
- Thằng nào có bản lĩnh có chính kiến mà được người ta ca ngợi là thằng Lực nó diệt đến cùng.
- Hôm trước báo "Tuổi trẻ" in ảnh in bài trả lời phỏng vấn của thằng Văn Quyền ở báo "Tuổi trẻ" mà Quách Quyền Lực đã lồng lên.
- Sự việc chính xác là báo "Tuổi trẻ" in trả lời phỏng vấn của Văn Quyền dài hơn trả lời của Lực. Hai bài lại in gần nhau.
Hoàng Bảo đặt tay lên vai Việt Sồ:
- Thằng Lực được cái nói giỏi. Nói đúng chính trị, nói hay, không ai bắt bẻ được, làm thì như mèo mửa.
Việt Sồ trợn mắt:
- Trên có trời dưới có đất, tao nói không sai, thằng này là thuộc cái loại người "Các anh hãy làm theo tôi nói, không được làm theo tôi làm".