Chương XIX

Cù Văn Hòn vừa đạp xe ra khỏi cơ quan chừng năm chục mét, Đấu lái ô tô ngược chiều dừng lại:
- Anh Hòn ơi! Anh đi đâu để em đưa đi.
Hòn xua tay:.
- Không cần?
- Thế anh đi đâu?
- Đi nhà in.
- Xa lắm, những mười hai cây số, nắng nôi thế này anh đi xe đạp khổ lắm, để em đưa anh đi.
- Thôi, cảm ơn Đấu. Nhỡ ra ông Lực với Cấu cần đi đâu không có ô tô, các ông ấy lại cằn nhằn.
- Em vừa đưa hai ông ấy ra sân bay Nội Bài đi Sài Gòn….
- Cảm ơn Đấu, anh đi xe đạp cho nó thư thả đầu óc.
Hòn thủng thẳng đạp xe… Chuẩn bị cho đại hội thành lập Hội Văn hiến quốc gia, Lực phân công Hòn làm số báo "Đặc san đại hội". Để chủ động công việc, Hòn tự lo cả khâu biên tập cả khâu in ấn. Công việc tưởng như đơn giản, nhưng chẳng đơn giản chút nào. Làm việc với một người có tính đa nghi khổ lắm. Hễ nghe đứa xấu xúc xiểm là Lực lại nghi ngờ thằng Hòn chơi xỏ mình, rồi nổi khùng với Hòn, tìm mọi cách cản trở công việc của Hòn. Trong con người Lực, đa nghi trở thành một thứ bệnh hoạn càng ngày càng trầm trọng. Nhiều lúc hai người ngồi trò chuyện thân mật với nhau, Hòn nói "Lực à, ông đa nghi quá", thì Lực lại tỉnh táo: "Tôi biết tôi đa nghi, ông để tôi sửa từ từ, chứ ông bắt tôi sửa trong chốc lát thế nào được". Nhưng "từ từ" là bao lâu hở Quách Quyền Lực? Gần mười năm rồi… Hầu như đã trở thành quy luật tâm lý: người đa nghi chỉ dựa vào người tốt khi gặp hoạn nạn, cơn hoạn nạn qua thì dễ dàng vứt bỏ người tốt và sẵn sàng liên kết với kẻ xấu và thích được nghe những lời nịnh bợ của kẻ xấu. Chả thế mà sau khi phục hồi được nước Việt, biết Câu Tiễn là người đa nghi, Phạm Lãi bỏ đi chu du ngũ hồ. Văn Chủng không nghe lời khuyên của Phạm Lãi, tiếp tục ở lại nhà Câu Tiễn, bị Câu Tiễn bắt phải tự sát… Đối với Lực, học thuật không còn là mục đích nữa, mà là phương tiện để leo lên từng nấc thang quyền lực. Học thuật đã trở thành người nô bộc công kênh Lực chễm chệ trên cái ghế quyền lực Và khi tâm tư quyền lực bành trướng thì tình bạn nói riêng và tình người nói chung bị giảm dần. Nhất cử nhất động của Hòn đều bị Lực dò xét và ngờ vực: thằng cha này đang cố làm giảm uy tín của mình, thằng cha này đang muốn chơi trội để át mình, thằng cha này đang cố gây thiện cảm với mọi người để cô lập mình… Tâm lý hiếu thắng là người bạn chí cốt của tâm lý quyền lực. Vô hình trung, hiếu thắng thường dẫn đến tội ác. Chả thế mà trong kinh Phật, kẻ hiếu thắng sau khi chết thường bị đày xuống địa ngục và bị quỷ sứ dẫn qua cầu Nại Hà lúc nhúc rắn rết dưới vực thẳm…
Hòn nhận làm số báo "Đặc san đại hội" với điều kiện là tự lo khâu in ấn, vì hai lẽ. Lẽ thứ nhất là nếu để Cấu lo việc in thì biết đâu… Cấu sẽ làm khó dễ. Lẽ thứ hai, Đào thân với chị Trường, phó giám đốc nhà in. Khi đưa ra điều kiện này, Lực đồng ý ngay. Hòn tưởng thế là đã tạm ổn. Ai ngờ đâu… Chỉ còn một tuần nữa là đại hội mà cuốn đặc san in chưa xong. Phan Chấn nói thẳng với Hòn: "Thằng Lực bật đèn xanh cho thằng Cấu phá mày. Nó chẳng cần cuốn đặc san để chào mừng đại hội, mà nó chỉ cần sự rêu rao: thằng Hòn không hoàn thành nhiệm vụ, thằng Hòn làm đổ vỡ kế hoạch…". Quách Quyền Lực, mày không còn chút lí trí nào nữa sao? Tính hiếu thắng và đố kỵ đã che lấp ánh sáng trước mặt và mày hành động điên cuồng trong bóng tối. Tao đã lùi xa tất cả những thứ mà mày cho là vinh quang, lùi vào một xó xỉnh, âm thầm làm việc, thế mà mày còn truy đuổi tao. Tao đã ngồi vào góc chân tường rồi, mày còn truy đuổi tao làm gì nữa? Tao đã giơ cả hai tay hai chân đầu hàng mày rồi kia mà? Tao không hề mảy may tranh giành một chút vinh quang gì của mày, sao mày cứ nghĩ rằng tao lấn át mày? Anh em trong cơ quan yêu mến tao, đó là tình cảm tự nhiên của người ta, tao không hề lợi dụng thứ tỉnh cảm đó để quật lại mày. Chẳng lẽ tao lại bảo với anh em rằng: "Đừng gần tôi nữa! Hãy ghét tôi đi!". Tao có nghìn lần nói với anh em "Hãy yêu mến Quách Quyền Lực" mà họ không yêu mến thì không phải lỗi tại tao, mà lỗi tại mày. Biết nói thế nào nữa? Biết nói thế nào nữa? Biết nói thế nào nữa?… Trời còn đó. Đất còn đó. Trời đất chứng giám cho tấm lòng của tao. Mong rằng đến lúc về già, mày ngồi còm cõi trong nỗi cô đơn tột đỉnh, lòng gợn chút ân hận rằng thằng Hòn không bao giờ độc ác với mày mà mày thì có thừa thủ đoạn với thằng Hòn chỉ vì mày hiếu thắng và đố kỵ… Định mệnh? Có phải là định mệnh không nhỉ? Ngày đi gọi hồn vợ, hồn nói với Cù Văn Hòn: "Có một người đàn ông đang tìm mọi cách để làm hại anh". Sau đó ba năm, Hòn vào thăm người chị đang tu ở chùa Liên Hoa, một cụ già nhìn mặt Hòn và nói với Hòn: "Lâu nay có một người đàn ông theo đuổi làm hại bác, bác cố tránh xa, nhưng người đó vẫn cứ cố tình theo đuổi làm hại bác…".
Trên đường từ nhà in về, Cù Văn Hòn và Đào dừng lại một quán giải khát đơn sơ trên hè phố. Tâm trạng chán nản đến tột cùng chán nản, Hòn không hề nói một câu nào, suy nghĩ lao lung. Chị Trường đã nói hết sự việc với Đào. Chị rất thương Đào, rất thông cảm với Đào, nhưng chị không thể vượt quyền ông giám đốc được. Hầu như ngày nào chị cũng nhắc ông giám đốc đưa vào kế hoạch in cuốn Đặc san, nhưng ông giám đốc cứ bảo cần phải in cái này cái kia khẩn cấp hơn. Thực ra thì Cấu đã thậm thụt với giám đốc. Và Cấu cũng thẳng thừng tuyên bốvới nhiều anh em trong cơ quan: "Không thằng nào thắng được maphia đâu? Thời buổi này thằng nào dám chống lại maphia là thằng ngu? Chỉ có đi theo maphia, phục tùng maphia thì còn làm được việc?". Sau khi Lực nói cho Cấu biết Cù Văn Hòn tự lo in cuốn Đặc san chào mừng đại hội, Cấu lồng lên: A, lão này dám vượt mặt tao! Tao sẽ cho mày biết thế nào là lễ độ!
Trời nắng chang chang. Người Hòn ướt đẫm mồ hôi, đầu óc căng lên những luồng ý nghĩ xáo trộn, đứt nối, xô đẩy Quách Quyền Lực… tình bạn… tình bạn tuổi thơ…tình bạn tuổi học trò… Tình bạn trong veo như cốc pha lê đựng đầy vị ngọt ngào đã tan vỡ rồi. Sao có thể như thế được? Sao có thể như thế được? Sao có thể như thế được? Bây giờ thì Quách Quyền Lực đã trở thành một con người khác, đã xáp với một loại người khác, một loại người chỉ biết phục tùng mình, nghe theo mình, nịnh bợ mình. Còn những người có năng lực, có chính kiến riêng thì Lực tìm mọi cách chiết đi như người chơi cây cảnh dùng kỹ thuật chiết để cây ra hoa lúc cần thiết chứ không được ra quả Tính kiêu căng của kẻ hiếu thắng thật đáng sợ… Hòn cố đưa mắt nhìn ra cảnh vật xung quanh để xua đuổi những ý nghĩ nặng nề. Nhà cửa nhấp nhô ở vùng đất ven nội, đây là vùng đất Láng… Trong vòng dăm năm nay, diện tích canh tác thu hẹp lại rất nhanh. Những mảnh vườn Láng Thượng, Láng Trung, Láng Hạ co rúm lại dưới chân những ngôi nhà cao tầng như cô gái quê tự ti khép nép trước vẻ đẹp son phấn lộng lẫy của thị thành. Lòng Hòn thoáng gợn nỗi buồn hoài cổ. Cách đây chừng mười năm, Hòn có viết bài ký về rau Láng, trong đó có chi tiết khá cảm động. Một gia đình Hà Nội tổ chức bữa liên hoan thịt chó nhân dịp người bà con Việt kiều ở Paris về thăm quê Lúc ngồi vào mâm, cụ già Việt kiều phát hiện ra thiếu rau húng Láng. Thế là chủ nhà phải sai cậu con trai đạp xe đến tận Láng để mua rau húng… Chẳng bao giờ trở về cái mùi thơm dân dã và cổ kính trên đất kẻ chợ phồn hoa và trang nghiêm một thuở xa xưa…
Bất chợt Cù Văn Hòn thở dài, Đào quay sang trao cốc La Vie "anh uống nước đi", Hòn mới sực nhớ là mình đang ngồi trong quán giải khát:
- Cuốn Đặc san thế là không xong em ạ…
- Anh yên tâm, để em lo…
Chỉ còn hai ngày nữa là đại hội. Ông giám đốc nhà in trả lời: sau đại hội mới in được cuốn Đặc san! Đại biểu các tỉnh đã về khá đông. Cấu tung ra cái tin: Cù Văn Hòn với cô Đào nằm với nhau. Đứng ở đâu, ngồi ở đâu, Cấu cũng kể chuyện Hòn và Đào nằm với nhau. Kể rất trơn tru, không vấp một chi tiết nào, một lời nào, một tiếng nào. Kể nhiều lần đến nỗi Cấu thuộc lòng từng câu. Lý luận của Cấu là nói chuyện bịa cho mười người nghe thì ít nhất cũng có hai người tin, hai mươi người nghe thì có bốn người tin, ba mươi người nghe thì có sáu người tin… Cứ thế mà nhân lên. Ăn hơn nhau ở cái chỗ kiên nhẫn đi huyên truyền…
Hồi còn học ở trường làng, mỗi lần đòi mẹ cho tiền, Cấu giơ hai ngón tay làm súng lục chỉa vào mặt mẹ và hậu môn rặn ra những tiếng "bủm… bủm… bủm…". Đến trường, Cấu cũng phô cái trò bậy bạ đó với bạn bè khiến nhiều đứa bịt mũi lánh xa. Thầy cấm Cấu không được chơi như thế. Nhưng Cấu vẫn cứ chơi. Thầy phạt Cấu vòng tay đứng quay mặt vào tường nửa tiếng đồng hồ. Ngày hôm sau, Cấu dựng đứng cái tin: Ban đêm, thầy Thìn rủ cô giáo Loan ra ngủ ở lớp học!
Đến nay, Cấu lại giở cái võ ấy. Cấu kể lưu loát, mạch lạc Người nào mới gặp Cấu vàí ba lần thì dễ tin. Nhưng ai đã thuộc tính của cậu ta thì biết ngay là "thằng cha này bịa đặt". Khi nghe Cấu kể, các đại biểu ở tỉnh xa về, đứng nán lại nghe cho vui tai; còn Hoàng Bảo, Văn Quyền, Việt Sồ Phạm Lương… bỏ đi nơi khác. Chỉ có cô Chanh là chịu khó đứng nghe, nhưng không phải nghe để phụ họa, mà để trêu chọc. Cấu càng nói Chanh càng há hốc mồm, thỉnh thoảng kích một câu để Cấu cao hứng.
- Gớm… kinh quá nhỉ! Cậu Trời ơi, thế cậu bắt được quả tang à?
- Tao thình lình đến cơ quan lúc gần mười giờ đêm, bắt được quả tang hai anh chị đang hành sự.
- Cậu Trời ơi! hai người hành sự như thế nào?
- Tao nghe trên gác hai có tiếng phành phạch phành phạch phành phạch… Tao nhón gót đi lên, bật đèn bất ngờ, thì thấy hai thân hình trắng lốp nằm trên bàn.
- Gớm! Eo ôi!… Sao Cậu Trời không lập biên bản, bắt hai người ký vào?
- Đánh người chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại.
Lúc đó hai anh chị xấu hổ quá, chấp tay xin tao tha lỗi. Tao cũng như mày thôi, ai cũng phải có lòng nhân ái tha thứ cho kẻ lầm đường lạc lối sa vào vòng tội lỗi. Tao nghiên cứu sách Phật, tao làm theo lời Phật đạy, sống trên đời phải có lòng vị tha, vị tha là liều thuốc kỳ diệu để cảm hóa người.
- Gởm!… Bây giờ em mới biết Cậu Trời có lòng nhân ái cao cả như vậy. Nếu như người khác ấy à… người ta sẽ lập biên bản tại trận, bắt ký vào tại trận, hết đường chối cãi.
- Tao không xử sự như người khác. Anh em trong eơ quan đều biết tao là người như thế nào. Xử sự mọi việc, tao là người có văn hóa, bao giờ tao cũng để hai chữ "nhân ái" lên hàng đầu.
Mấy hôm đó Đào đi công tác xa. Hòn nghe anh em kể lại những điều bịa đặt của Cấu, Hòn không hề nói lại cho Đào biết. Bản thân Hòn cũng không hề mảy may phản ứng. Nếu càng phản ứng Cấu càng tung tin. Nếu lờ tịt đi, Cấu sẽ cụt hứng… Hồi nhỏ, đang chơi với các bạn trong xóm, bỗng nghe bà bán mạch nha rao ngoài đường, Hòn cùng các bạn gọi mua, bà bán mạch nha vào sân. Lũ trẻ chạy sang nhà khác gọi mua, bà bán mạch nha lại vào. Lũ trẻ lại chạy sang nhà khác. Biết bị lừa, bà chửi vung lên. Càng chửi, lũ trẻ càng trêu chọc. Đến lúc bà không chửi nữa, lũ trẻ cũng không còn hào hứng gì để trêu chọc… Trò chơi dại dột của tuổi thơ trở thành bài học ngụ ngôn.
Trong kho tàng ngụ ngôn Việt Nam cũng có một truyện tương tự. Anh chàng thứ nhất đi qua nhà hàng, con chó chồm ra sủa. Anh ta hốt hoảng, chạy thục mạng. Càng chạy chó càng đuổi theo. Anh chàng thứ hai đi qua, chó chồm ra sủa. Anh ta đứng im. Con chó cũng đứng im, nhe răng gầm gừ. Anh chàng thứ nhất hỏi anh chàng thứ hai: "Tại sao con chó đuổi tôi mà không đuổi anh?", và anh ta nhận được câu trả lời: "Đơn giản thôi, vì tôi không chạy thì nó không đuổi".
Hòn mang chiếc túi da sờn mép, lừ lừ đi ra cổng. Mấy cô đang túm tụm ăn ốc luộc trong phòng Hành chính, cô Chanh vểnh mồm ra gọi:
- Bác Bao ơi, bác có nghe thầy em nói gì bác không?
Chiều giơ cùi tay hích vào hông Chanh:
- Mày!… Ông ấy biết thừa mà ông ấy không chấp.
Hòn ghé vào. Chanh vừa khều ốc vừa hỏi:
- Bác Bao có nghe thầy em nói gì bác không?
Hòn lắc đầu:
- Bác không nghe gì thì bác ăn ốc với chúng em. Ốc luộc với lá bưởi ngon lắm.
Hòn lắc đầu:
- Đang bận.
- Bận gì bác cũng phải ngồi ăn mươi con cho mát ruột. Bác ăn thì chúng em đổ vỏ chứ không bắt bác đổ vỏ đâu.
Hòn lại mang cái túi sờn mép đi ra. Chanh chạy theo, nắm lấy quai túi:
- Bác ơi… Mai mưa trưa nắng chiều nồm - Trời còn luân chuyển huông mồm thế gian…. Bác hỉ?