Chương XXIX

Đào cầm cuốn "Phú Thành hương ước" vào phòng Cù Văn Hòn. Hai người ngồi đối diện dưới ngọn đèn vừa đủ tỏa ra một quầng sáng trên mặt bàn. Hòn cầm cuốn sách, nhẹ tay dở từng trang giấy bản đã cũ kỹ, vàng ố.
Rồi gấp lại. Rồi mở ra… Thời gian đã đi qua trên những trang giấy này hàng mấy trăm năm, vẫn giữ lại đây muôn vàn sợi giây ràng rịt tình người với những quy ước chặt chẽ của "quốc gia làng xóm" trong cộng đồng dân tộc rộng lớn. Mọi sinh hoạt, mọi phong tục tập quán, mọi quan hệ láng giềng được kết tủa thành tinh chất hồn người bởi những dòng chữ mà bão táp năm tháng không thể xóa nhòa được. Ngẫm lại ông cha ngày trước, phải có một tình yêu mãnh liệt đối với thôn mạc và Tổ quốc mới viết được những dòng chữ như thế… Điều khoản 24: người nào chặt một cây tre ở Cồn Miễu đem về làm của riêng, bất kể dân thường hay chức sắc, đều phải trồng bù cây tre khác và chịu phạt năm mươi roi. Điều 102: hai người làng đi ra thiên hạ, một trong hai người bị thiên hạ hà hiếp vô cớ mà người kia không bênh vực, bất kể dân thường hay chức sắc, đều phải chịu phạt bảy mươi roi. Điều 123: kẻ nào bịa chuyện vu khống người khác, bất kể dân thường hay chức sắc, tùy theo mức độ nặng nhẹ mà chịu phạt mười quan tiền, hai mươi quan tiền, ba mươi quan tiền. Điều 131: kẻ nào đổ rác ra đường làng, bất kể dân thường hay chức sắc, tùy theo mức độ nặng nhẹ mà chịu phạt quét đường làng năm ngày liền hoặc bảy ngày liền hoặc mười ngày liền… Cù Văn Hòn thở dài: mọi quy ước chặt chẽ của ông cha đã bị phá vỡ rồi! Các bản hương ước trở thành giấy lộn và bị tiêu tán trong cái bát nháo của một xã hội đang đập phá cái cũ mà chưa hình thành cái mới.
Thời gian gần đây, anh em trong Viện đi khảo sát điền dã và sưu tầm được sáu bản hương ước: bốn bản được soạn từ đời Lê, hai bản được chỉnh đốn và sao lại từ đời Thành Thái. Bản nào cũng không còn nguyên vẹn nữa, giấy ố vàng, rách mép, nhiều trang chữ bị mờ. Đào nhận sửa sang lại. Nguyên tắc của Viện là không được đem những cuốn sách độc bản ấy về nhà, mà phải để trong kho sách.
Ngày nào Đào cũng đến cơ quan, cần mẫn cúi đầu trên những trang giấy bản, làm những động tác tỉ mỉ, khéo léo như người thợ thủ công cầm chiếc đục xoì tô chuốt từng nét hoa văn trên tấm phù điêu. Cắt những mẩu giấy nhỏ dán lên những chỗ bị rách, mà mẩu giấy đó gần đồng màu với giấy bản. Vuốt cho phẳng những trang bị nhầu nhĩ, quăn queo. Dùng bút lông và mực nho tô đậm lại những chữ đã bị mờ. Thỉnh thoảng Đào phải cầm kính lúp để soi cho rõ những dòng chữ quá nhỏ và mất nhiều nét. Làm xong cuốn nào thì dịch cuốn ấy. Dịch xong phải đem trao tận tay cho Cù Văn Hòn để chuẩn bị chụp thành nhiều bản. Rồi Hòn đánh ký hiệu xếp vào một khung riêng trong kho sách. Con gái mà làm việc như một ông đồ. Có hôm Đào mê mải ngồi gò lưng dưới ngọn đèn từ sáng đến tận trưa, nghỉ một lát rồi lại tiếp tục động tác gò lưng tớm cho đến tận chiều tối. Có hôm đứng dậy vươn vai thì cơ quan đã vắng tanh…
Sáng nay Đào hoàn chỉnh cuốn hương ước làng Phú Thành, cảm thấy sung sướng kỳ lạ như thuở ngồi trên ghế nhà trường được thầy giáo cho điểm mười. Lồng cuốn sách vào túi ni lông, Đào hăm hở cầm sang cho Hòn, rồi quay ra cửa…
- Em ngồi lại một chút đã…
Đào quay lại, đứng bên cạnh bàn.
- Em ngồi xuống đây…
Có thêm một niềm vui, Hòn muốn có người cùng chia sẻ. Đọc lướt qua, rồi dừng lại ở điều 87, Hòn trao cuốn hương ước cho Đào. Đào chăm chú đọc: "Con gái chưa chồng mà có mang, sau khi đẻ một tháng phải ra đình để dân làng xỉ vả và phải chịu hình phạt năm mươi roi. Nếu biết người con trai thông dâm với cô gái thì người con trai phải ba lần ra đình để dân làng xỉ vả và phải chịu hình phạt một trăm roi!"… Đào cúi đầu thấp hơn để giấu gương mặt đang đỏ ửng - đã có đứa con gần mười tuổi mà Đào vẫn thẹn thùng xấu hổ khi có người trêu đùa chuyện trai gái.
Nhẹ tay gấp cuốn sách, Đào đứng dậy: "Em biến đây". Hòn xếp mấy cuốn hương ước vào góc bàn, rồi cầm chiếc gạt tàn thuốc lá dằn lên đi sang kho sách.
Cù Văn Hòn dùng mùi soa buộc kín mũi và mồm, cầm chiếc chổi lông quét lên giá sách. Ánh điện mờ mờ, từng làn bụi bay lên tạo nên những màng sáng đục. Từ khi được Quách Quyền Lực phân công phụ trách kho sách và trưởng ban phòng cháy chữa cháy, ngày nào Hòn cũng dành ít nhất một tiếng đồng hồ để quét bụi và sắp xếp các khung sách trên giá. Bụi nhiều quá. "Hà Nội là một thành phố vì hòa bình và là một thành phố bụi bặm", cậu nóỉ đùa mà quả đúng như vậy. Nhất là về mùa thu, trời hanh khô, bụi nhiều vô kể. Ô tô chạy, mặt đường bốc lên đám bụi mù. Bụi bám lên quần áo. Bụi phủ lên các quán ăn ven đường phố. Bụi bay vào nhà. Bụi len qua các kẽ hở, phủ lên giường chiếu, phủ lên mặt bàn, phủ lên sách vở. Phải nhìn ngang trên mặt bàn đánh véc ni mới biết là Hà Nội rất nhiều bụi, mới lau ngày hôm trước thì ngày hôm sau đã phủ một lớp bụi trắng, đặt mạnh cuốn sách xuống là bụi bay lên… Cái kho sách này nằm cách xa đường phố đến vài ba chục mét, đóng kín cửa, mà bụi cũng len vào. Ngày nào Hòn cũng quét, hễ cứ cầm chổi lông khuơ nhẹ là bụi dính đầy chổi. Chậm chạp từng bước, đi hết giá sách này đến giá sách khác, từ đầu này phòng đến đầu kia phòng, rồi lại từ đầu kia phòng đến đầu này phòng, Hòn cầm chiếc chổi làm một động tác đơn điệu như nhân viên của công ty vệ sinh môi trường quét đường. Nhưng những nhân viên ấy còn được làm việc giữa phố xá ồn ào xe cộ qua lại còn Cù Văn Hòn thì một thân một mình lùi lũi trong căn phòng mờ mờ ánh sáng…
Người ngoài nhìn vào thì động lòng cảm thương về việc làm ấy của Hòn, nhưng đối với Hòn thì cậu ta lại có cái thú vui riêng, thú vui nho nhỏ, thú vui bền bỉ và thầm lặng. Giữa cuộc họp đông đảo anh em cơ quan, Quách Quyền Lực lớn tiếng công bố quyết định về "nhiệm vụ mới" của Hòn, nhiều người quay mặt nhìn vào Hòn, vẫn thấy cậu ta vòng tay lên ngực ngồi im, sắc mặt không hề có chút thay đổi, không hề mảy may bộc lộ một chút phản ứng gì. Quách Quyền Lực hỏi: "Anh Hòn có ý kiến gì không?", Hòn gật nhẹ đâu: "được". Và ngay ngày hôm sau, Hòn bắt tay triển khai "nhiệm vụ mới" một cách thoải mái, không hề mảy may bộc lộ một chút phản ứng gì. Cũng chính vì thế mà Lực đâm ra nghi ngờ, nói với Cấu: "Tại sao thằng cha này không phản ứng gì cả? Chắc nó lại có âm mưu gì. Phải cảnh giác, không coi thường được đâu".
Quét xong một lượt khắp các giá sách, Hòn kiểm tra các góc phòng các chân tường, đề phòng mối đùn lên; rồi lục lại một số sách vở xem có bị mọt không. Hòn nhẹ tay rút ra từng cuốn sách, mở xem sơ qua, rồi lại nhẹ tay xếp vào vị trí cũ. Đây là gia phả một chi họ Đặng Ở Quảng Bình… Đây là tộc phả họ Lê đại tôn ở Thanh Hóa… Đây là cuốn sách viết về triết học phương Đông của nhà nho Nguyễn Đức Đạt… Đây là tập thơ vịnh sử của một số nhà nho cuối triều Lê… Đây là tập thơ viết bằng chữ nôm của nhà nho Phan Điện… Đi giữa gian phòng nhỏ bé mà Cù Văn Hòn có cảm giác như đi giữa một lâu đài cổ kính mà chủ nhân của nó đã quá cố từ hàng trăm năm trước vẫn lẩn khuất đâu đây hồn thiêng trong từng trang giấy bản trong từng dòng mực nho đã mờ nét chữ… Im lặng.. Im lặng cổ sơ… Im lặng tinh khiết… Cù Văn Hòn đằm mình trong sự im lặng ấy và dường như nghe được hơi thở của những linh hồn cao thượng đang phả ra cái ấm áp của luân lý cổ truyền từ xa xưa đang thấm quyện vào từng vi ti huyết quản…
- Cháy… cháy… cháy… cháy… cháy….
Chanh mở cửa phòng Hòn, bỗng thấy ìửa bốc trên bàn, kêu lên thất thanh. Tay đang xách phích nước, run lẩy bẩy, phích rơi xuống vỡ tung tóe, nước sôi đổ vào chân, bàn chân bỏng rộp.
- Cháy… cháy… tôi bị bỏng… tôi bị bỏng…
Mọi người chạy ập vào. Nhốn nháo. Cấu xách sô nước, xô dạt mọi người, đổ ào nước xuống mặt bàn. Nước chảy trang lang, ướt nhão cả chồng sách báo. Ngọn lửa tắt ngấm và mấy cuốn hương ước đã hóa thành gio.
- Tàn thuốc lá đây mà! Trưởng ban phòng cháy chữa cháy mà để hỏa hoạn xảy ra trong phòng mình? - Cấu vừa nói vừa đưa chân gạt đống sách vào chân tường, sách rách tả tơi - Anh Hòn đi uống bia với bạn lâu rồi. Một cô nào đó đáp lại - Tàn thuốc lá ngún rất chậm, có khi hàng tiếng đồng hồ mới bốc lửa.
Chanh ôm bàn chân bỏng kêu "đau quá!". Văn Quyền ôm bổng Chanh, bế ra phòng khách: "Chúng nó dựng màn kịch độc ác quá em ạ?". Mấy cô xúm lại, băng bó.
Đang ngồi ở hiệu giải khát quán Cây Si bên kia đường phố, thấy cơ quan ồn ào, ba chân bốn cẳng Hòn chạy về và xồng xộc vào phòng mình. Nhìn thấy cảnh tượng thê thảm, hai tay Hòn vồ lên mặt bàn, rồi úp hai bàn tay vào mặt, mặt nhem nhuốc tàn do. Bỗng Hòn nằm vật trên nền gạch và bất tỉnh nhân sự. Cấu liền ôm lấy đầu Hòn nâng lên:
- Hòn ơi! Hòn ơi! Cù Văn Hòn ơi! Cấu đây mà! Cấu đây mà! Hòn có nghe tiếng của Thanh Cấu không?
Rút chiếc điện thoại trong túi, Cấu gọi cuống quýt.
Một lát sau, Quách Quyền Lực đã có mặt ở cơ quan. Lực ôm chặt Hòn vào lòng mình:
- Hòn ơi! Hòn ơi!
Cô Đào cầm chiếc khăn ướt lau lên mặt Hòn, tay run như cầy sấy: "Anh Hòn bị bệnh yếu tim..". Gương mặt Đào tái mét như gà bị cắt tiết.
Lực hét đến khan giọng, nước mắt trào ra như sóng: Hòn ơi' Hòn ơi! Lực đây! Lực đây? Lực sẹo đây! Lực sẹo đây? Hòn vẫn nằm bất động.
- Hòn ơi! Hòn ơi!… Gọi cấp cứu ngay! Gọi cấp cứu ngay? Gọi cấp cứu ngay?… Mày có nghe tao gọi không? Hòn ơi! Hòn ơi!… Gọi cấp cứu ngay? Gọi cấp cứu ngay!…
Viết xong lần thứ nhất, 1-1999
Viết xong lần thứ hai tại Yên Hòa, 28-1-2005
Hết

Xem Tiếp: ----