Chương V

Việt Sồ từ ngoài đường phố bước vào, nồng mùi bia, đứng sững, vuốt mái tóc xù, vừa lắc lắc đầu vừa đọc to những dòng chữ trên tấm bảng mica:
"Thông báo khẩn chương.
Sáng ngày mai là ngày thứ sáu, lúc 8 giờ sáng có cuộc họp khẩn chương toàn thể mọi người cán bộ và nhân viên trong toàn cơ quan đề bàn về vấn đề phát triển kinh tế của cơ quan cần phải có đủ mặt đông đủ của mọi người trong cơ quan để thảo luận, mọi người thu sếp thời gian để đến họp mặt đông đủ và đúng giờ hành chmh quy định của nhà nước.
Thanh Cấu".
Thanh Cấu là anh khỉ nào?
Cô Chanh dừng tay chổi quét nhà:
- Thanh Cấu là "thầy lớn" của em.
- Thầy lớn nào?
- Là thầy Cấu của em chứ còn ai nữa.
- Sao lại "thầy lớn"? "Thầy bé" chứ! "Thầy lớn" là thằng Lực. Mày nói "thầy lớn" là theo nghĩa đen hay nghĩa bóng?
- Em chữ nghĩa dốt nát, chẳng biết nghĩa đen nghĩa bóng là thế nào. Thầy Cấu em to lớn nhất cơ quan nên em gọi là "thầy lớn".
- Con bé này thông minh thật. Thằng Cấu cao một mét chín mày gọi "thầy lớn" là phải. Nhưng trước mặt thằng Lực, mày mà gọi thằng Cấu là "thầy lớn" thì thằng Lực sẽ trị mày.
- Sao thế à?
- Đáng ra mày phải gọi thằng Lực là "thầy lớn" mà thằng Cấu là "thầy bé".
- Ai to xác hơn thì em cứ gọi là "thầy lớn", chứ phận em hèn mọn em có dám xỏ xiên ai đâu ạ…
Việt Sồ hạ thấp giọng:
- Nó đổi đời thế nào mà lại gọi là Thanh Cấu, từ xưa đến giờ tên nó là Cấu kia mà!
Chanh dẩu môi:
- Gớm!… Thuyền đua thì lái cũng đua - Thấy rau muống vượt, rau dừa vượt theo. Các nhà văn hóa là Văn Quyền, Hoàng Bảo, Việt Sồ thì "thầy lớn" em cũng phải Thanh Cấu chứ. Chẳng lẽ cứ Cấu cấu cấu cẩu cẩu cẩu mãi nó quê mùa khó nghe.
- Mày là con bé thông minh đấy!… Mày có thấy "thầy lớn" mày dạo này đi đâu cũng xách một cái cặp đen giống "thầy bé" Quách Quyền Lực?
- Gớm! Em thừa biết… Sờ sờ ra đấy ai chẳng biết… Buồn cười cho khỉ đeo hoa - Cho voi đánh nhẫn cho gà nhuộm răng… Chúng nó phong cho "thầy lớn" em một biệt danh rất… rất… rất… oách.
- Biệt danh gì?
- Đố anh biết.
- Tao chịu.
- Anh là nhà viết sĩ anh có nhiều thông tin hơn em mới phải. Viết sĩ như anh thì mèng thông tin quá.
- Về khoản này thì tao chịu nhận là kém hơn mày. Nói đi, nói đi. Tao sẽ thưởng.
- Anh thưởng gì?
Việt Sồ nhú môi:
- Tao thưởng cho mày mười cái… chụt…
- Thôi thôi thôi… Thưởng kiểu ấy thì anh được thưởng, chứ em thì… thiệt lắm?
- Thế mày muốn gì tao thưởng nấy, nói đi…
- Em chịu thôi. Anh để lộ ra thì em mất việc làm.
- Trên có trời dưới có đất, tao thề không để lộ với ai…
- Biệt danh là… Cậu Trời…
- Cậu Trời là cáì gì?
- Cậu Trời Đặng Mậu Lân chứ còn là cái gì nữa! Anh là nhà viết sĩ anh phải thông thạo kinh sử hơn em chứ…
Việt Sồ gật gật đầu:
- Giỏi giỏi giỏi… Thế tao hỏi mày, Cậu Trời Đặng Mậu Lân ỷ thế Đặng Thị Huệ, còn Cậu Trời Thanh Cấu ỷ thế ai?
- Em không biết… Em chỉ biết là từ khi Cậu Trời xách cái cặp da đen thì cả cái kinh thành Viện Văn hiến này náo loạn, Cậu Trời đi đến đâu thì người dạt ra hai bên đường, cóc nhái nhảy chồm chồm…
- Sao lại nhảy chồm chồm mày?
- Gớm?… Con cóc nằm góc bờ ao - Lăm le lại muốn đớp sao trên trời…
Thấy Chanh đối đáp vui vui, Việt Sồ chọc để kích Chanh nói thêm:
- Sao cóc lại đớp được sao mày? Con bé này dùng hình tượng ghê thật. Đáng lẽ mày phải làm nhà viết sĩ thay tao.
- Gớm! Thân phận em là cóc thì em làm cóc, em đâu có dám đớp sao…
Này… "thầy lớn" Thanh Cấu của mày biệt danh là Cậu Trời, thế "thầy bé" Quách Quyền Lực của mày không có biệt danh à?
Chanh lắc đầu:
- Có nhưng em không dám nói. Chúng nó đặt biệt danh hay lắm.
- Mày nói đi. Tao tuyệt đối giữ bí mật.
- Em sợ lắm.
- Trên có trời dưới có đất, tao thề tuyệt đối giữ bí mật.
Chanh ghé sát mồm vào tai Việt Sồ, thì thầm;
- Mặt Thớt…
Việt Sồ ngửa mặt, cười phá lên:
- Tài thật! Cái biệt danh đúng tính cách của nó. Mặt nó cứ trơ ra như mặt… th…
Chanh vội giơ tay bịt mồm Việt Sồ:
- Ấy chết… Anh mà nói ra thì em bị đuổi việc…
Mấy cô mấy cậu thấy Chanh và Việt Sồ nói chuyện vui vẻ, cũng xúm lại, mỗi người chêm vào một câu, cười như nắc nẻ.
Cấu bỗng xuất hiện, xách cái cặp da đen, to cao như ông hộ pháp, lừng lững bước vào cửa. Cả đám người bỏ chạy về phòng làm việc. Chanh vội vàng cầm cán chổi quét sán…
Cái hoạt cảnh này cứ diễn đi diễn lại trong cơ quan.
Thỉnh thoảng Cấu đi vắng thì một số anh chị em có dịp ngồi với nhau trò chuyện thoải mái. Cấu về, cuộc trò chuyện lập tức bị dập tắt và đám người lại tan tác như tổ ong bị một hòn đá ném vào. Có lần cô Chanh đã lanh chanh nói với Quách Quyền Lực: "Anh nói với anh Cấu của anh là đừng Pôn Pốt quá, chúng em làm việc mệt thì thỉnh thoảng xúm nhau trò chuyện giải lao cho vui. Việc gì mà anh Cấu bắt chúng em giải tán". Quách Quyền Lực giơ cánh tay, tỏ vẻ đồng tình: "Đúng? Đúng! Tuyệt vời! Thằng Cấu nó ra oai quyền lực, hỏng! hỏng! hỏng!". Nhưng vào cuộc họp, Quách Quyền Lực nói ngược lại: "Tôi cho phép anh Cấu được kiểm tra chặt chẽ giờ giấc lao động. Mọi người được vào đây là để làm việc cho nền học thuật nước nhà, chứ không phải để xúm nhau tán gẫu, nói xấu người này người kia. Tôi cho phép anh Cấu được giải tán mọi cuộc quần tam tụ ngũ… Phải tiết kiệm thời gian như tiết kiệm vàng ngọc. Anh Cấu có khắt khe cũng không phải mưu cầu lợi ích của anh ấy, mà để mưu cầu lợi ích cho nền học thuật, nền văn hiến nước nhà. Tôi cho phép anh Cấu được giải tán mọi cuộc quần tam tụ ngũ!…".
Cấu đang học dở chừng cấp ba thì bỏ học vì không đủ điểm lên lớp. Học không hay cày không thông, lêu lổng chơi bời. vóc dáng Cấu khác với những đứa trẻ bình thường trong làng. To bè bè. Cao một mét chín. Mắt híp. Mi mắt phồng đỏ nổi lên những đường gân xanh. Đang vui vẻ chơi với bạn, hễ đứa nào làm trái ý, Cấu nổi khùng gầm lên một tiếng như bò rống là cả bọn sợ hãi bỏ chạy. Có một dạo Cấu bỏ nhà đi đâu hơn ba tháng rồi lại trở về làng. Người ta đồn thằng Cấu đi học võ với một võ sư ở ngôi chùa tận trong rừng xanh. Mặt hắn có một vết sẹo dài ở thái dương bên phải. Nghe nói đó là chiến tích của nó đã đánh tan bọn cướp đường để cứu một bà đi buôn, được bà ấy cho mấy chỉ vàng. Về làng, hắn có những hành tung khác lạ. Đang đi đường, gặp mương nước, hắn không lội, mà nhảy phốc từ bờ bên này sang bờ bên kia. Thấy bọn trẻ đang công kênh nhau trèo cây hái quả, hắn bảo "Chúng mày lui ra", thế là hắn nhảy phốc một phát thật cao níu cành cây xuống. Bọn trẻ chạy xúm lại, vừa hối hả hái quả vừa khen "anh Cấu tài thật". Tin đồn thằng Cấu giỏi võ và có cả phù phép nữa lan ra khắp làng và những làng lân cận, chẳng ai dám trêu chọc hắn. Khi nổi khùng, trông hắn thật hung dữ. Dáng người to cao khom xuống như một con gấu, hai nắm tay như hai cái chùy khua vòng tròn trước ngực. Mắt lươn cố trợn lên nhưng không trợn được, càng làm cho hai cái mi đỏ phồng to và nổi rõ những đường gân xanh…
Làng Cấu ở cạnh đường số Năm. Hầu như ngày nào hắn cũng ra chơi và xem anh chị công nhân làm đường. Không những xem mà hắn còn ghé vai vào một vài việc nặng nhọc. Cô công nhân đang ì ạch bê rổ đá, hắn bước đến, giơ hai cánh tay vạm vỡ đặt gọn rổ đá lên đầu và chạy phăm phăm. Anh công nhân đang hì hục xúc đá trên chiếc xe hai bánh, hắn "ì" một tiếng và cầm hai càng xe dốc ngược cho đá đổ rào rào xuống mặt đường.
Chiến tích lớn nhất của hắn đối với đội làm đường là đánh đuổi được một bọn cướp. Hôm ấy, trời nắng chang chang, anh chị em công nhân đang hì hục làm việc, ba tên cướp lẻn vào nhà xe di động, ăn cắp quần áo, gạo và thực phẩm. Một cô công nhân chợt nhìn thấy, hô toáng lên: "Bọn ăn cướp! Bọn ăn cướp!". Mọi người cầm búa cầm xẻng đuổi theo. Trong khi đó, Cấu đã ba chân bốn cẳng rượt lên trước, nắm tóc một thằng và gầm lên như bò rống: "Tao cho chúng mày về âm phủ mà ăn cướp của Diêm Vương!". Thế là cả bọn cướp vứt lại ba bó quần áo, bao gạo, nồi thực phẩm, chạy bán sống bán chết…
Nhờ chiến công đó, Cấu được tuyển vào đội làm đường. Làm hợp đồng, rồi vào biên chế. Thấy Cấu có khả năng làm ca dao, viết tin - toàn những tin ca ngợi thành tích Đội cầu đường số 13 - Công ty đưa Cấu lên làm tuyên truyền.
Và từ đấy…
Trong lí lịch của Cấu, khai thành phần giai cấp là "công nhân".
Vài ba lần Quách Quyền Lực đi thực tế ở Công ty cầu đường, gặp Cấu, quen biết Cấu và cảm thấy hợp với "kênh tâm hồn" của mình, lấy Cấu về phụ trách phòng Hành chính trị sự của Viện Văn hiến. Sau một thời gian ngắn, Cấu làm việc chật chưởng quá vì trình độ văn hóa thấp, Quách Quyền Lực quyết định cho Cấu học bổ túc văn hóa. Hầu hết anh chị em trong cơ quan cứ nghĩ đây là dịp may mắn để Cấu mãi mãi rời khỏi cơ quan. Không ngờ, học xong…
Một màn kịch nhỏ diễn ra lắt léo và đầy kịch tính:
Trong cuộc họp Ban lãnh đạo để bàn vấn đề có cho Cấu trở về cơ quan hay không, gồm ba người: Quách Quyền Lực, Cù Văn Hòn, chị Thu Lan. Hai người ý kiến trái ngược nhau, một người ngồi im từ đầu đến cuối.
Ý kiến của Thu Lan:
- Trình độ văn hóa Cấu quá thấp, không đủ năng lực để tham gia điều hành một cơ quan học thuật. Một vài người nhầm tưởng Cấu có khả năng làm kinh tế giỏi, thật ra Cấu chỉ là "gà què ăn quẫn cối xay", dùng nhiều thủ đoạn lừa bịp lấy chỗ này đập sang chỗ kia, chứ hoàn toàn không có đầu óc kinh doanh. Thái độ hống hách của Cấu làm cho nhiều anh chị em mất lòng, chán ghét.
Ý kiến của Cù Văn Hòn:
- Hoàn toàn đồng tình với những ý kiến của chị Thu Lan. Những nhận xét của chị hoàn toàn đúng. Nhưng, anh Cấu học xong, xin việc ở mấy cơ quan không nơi nào nhận. Nếu cơ quan ta cũng không nhận anh ta trở về, thì anh ta trở thành người thất nghiệp à? Cho nên không có cách nào khác là phải cho Cấu trở về làm việc. Chỉ có điều là sắp xếp cho Cấu làm một việc gì đó thích hợp, để anh ta có nơi nhận lương mà sống chứ?
Người thứ ba im lặng, dĩ nhiên là Quách Quyền Lực.
Lực rất bất ngờ về ý kiến của Cù Văn Hòn, và cũng rất sung sướng khi nghe Cù Văn Hỏn nói. Nếu mình công khai phát biểu "phải cho Cấu trở lại cơ quan làm việc" thì sẽ mất lòng chị Thu Lan. Chi bằng im lặng. Ý kiến của mình đã có Cù Văn Hòn nói hộ. Như thế được lòng tất cả mọi người, mà mình thì đạt được mục đích.
Họp xong, Quách Quyền Lực bảo Đấu phóng ô tô đến ngay nhà Cấu. Cấu đang nằm ngáy khò khò trên đi văng.
Người Cấu quá dài, chân quá dài, chiếc đi văng không đủ chiều dài cho cái cơ thể đồ sộ ấy, phải vắt hai chân ra ngoài. Lực gọi giật giọng: "Cấu! Cấu! Cấu… Mày vô tâm quá! Tao vất vả vì mày mà mày thì nằm ngủ như trâu rừng?…". Cấu mở mắt, choàng dậy: "Anh… anh… anh… ân nhân của em…". Không kịp ngồi, Lực giơ hai tay, cúi xuống rồi lại ngẩng lên, nói một hơi dài với âm sắc đầy da diết và thống thiết:
- Cấu ơi! Mày ăn ở như thế nào mà ai cũng ghét mày! Mày ăn ở như thế nào hở Cấu? Cuộc họp Ban lãnh đạo xong, tao đến mày ngay. Tao báo tin cho mày ngay. Bà Thu Lan không muốn nhận mày về. Ông Cù Văn Hòn cũng không muốn nhận mày về. Cả hai người đều muốn gạt mày ra khỏi Viện Văn hiến cho rảnh mắt. Sao bà Thu Lan lại ghét mày đến thế. Sao ông Cù Văn Hòn lại ghét mày đến thế. Không có tao thì lần này mày rơi xuống vực sâu. Tao khổ vì mày, tao vất vả vì mày quá Cấu ơi…!".
- Thế… thế… thế nào rồi anh ơi!
- Còn thế nào nữa! Mày ngu mày chậm hiểu thế. Tao cứu được mày rồi. Mày lại về làm ở Viện Văn hiến.
Màn kịch còn tiếp diễn vào sáng hôm sau.
Chị Thu Lan hậm hực thông báo với chị em:
- Cái lão Cù Văn Hòn ngu như chó. Thằng Cấu hắn chơi cho lão ta nhiều trận liêu xiêu, lão ta không biết thân biết phận, lại còn ra sức bênh vực cho hắn được trở về làm việc cơ quan mình. Chắc lão ta muốn kéo thằng Cấu về để mạnh thêm vây cánh. Vây cánh gì cái lão ấy. Chẳng có mưu mẹo gì cả. Hắn về ấm chỗ rồi hắn trở mặt đái lên đầu lão ta…
Mấy cô nhao nhao:
- Sao? Sao? Anh Cù Văn Hòn bênh vực cho lão Cấu về lại cơ quan à?
- Tưởng là nhân dịp này, anh Cù Văn Hòn gạt phăng lão Cấu mới phải chứ.
- Anh Cù Văn Hòn lại mủi lòng thương thằng Cấu rồi.
- Làm chính trị như anh Cù Văn Hòn thì suốt đời bị chúng nó lừa.
Một lát sau, Cấu mặt mày phớn phở bước vào phòng Hành chính, chớp chớp đôi mắt híp:
- Lão Cù Văn Hòn muốn dìm tao, muốn gạt tao ra khỏi cơ quan, nhưng lão ta thắng thế nào được Quách Quyền Lực.
Mấy cô lại nhao nhao:
- Sao? Sao? Anh Cù Văn Hòn không muốn nhận anh về lại cơ quan à?
Cấu lại chớp chớp đôi mắt híp:
- Cuộc họp Ban lãnh đạo chiều hôm qua, bà Thu Lan với ông Cù Văn Hòn kiên quyết không nhận tao về. Nhưng anh Lực đấu tranh đến cùng. Tao lại về làm việc đàng hoàng ở cơ quan này.
Các cô hoang mang. Bà Thu Lan nói một đàng. Cấu nói một nẻo. Thông tin lộn tùng phèo.
Trong màn diễn này, chỉ có Quách Quyền Lực nghễu nghện cười thầm. Thằng Cấu mang ơn mình. Chia rẽ được Thu Lan với Cù Văn Hòn. Chia rẽ được Cù Văn Hòn với Cấu Thêm một bước chia rẽ được anh chị em trong cơ quan với Cù Văn Hòn… Hề! hề! hề!… Hội làng vui quá. Chúng nó đánh trần vật nhau ngoài sân đình, còn Quách Quyền Lực thì chễm chệ ngồi trên chiếu hoa rung đùi uống rượu.
Màn kịch hạ xuống. Và, hôm nay, Cấu và Quách Quyền Lực trở thành "thầy lớn" "thầy bé", cùng xách chiếc cặp da đen, song song đồng hành trên con đường sự nghiệp…
Cuộc đi nghỉ mát của Viện Văn hiến bừng bừng khí thế như một cuộc ra quân lớn. Từ bốn giờ sáng, trụ sở cơ quan đã sáng chưng ánh điện và rậm rịch tiếng người.
Cấu được Quách Quyền Lực giao cho làm tổng chỉ huy cuộc đi nghỉ mát này. Theo lệnh của Cấu từ mấy hôm trước, các cô và các cháu ở phòng Hành chính trị sự đến sớm nhất, chuẩn bị các công việc hậu cần: bia, nước ngọt, thuốc đau bụng, thuốc cảm, dầu gió, giấy vệ sinh, bánh mì ba tê… Cấu rất hiểu ý của thủ trưởng, lo toan chuyến đi nghỉ mát này thật hoàn bị như một chiến tích của mình.
Cấu đến Viện tuy có muộn hơn nhân viên, nhưng bắt tay ngay vào việc điều hành từ phút đặt chân vào cửa:
- Mọi người đến đầy đủ chưa?
Tiếng thưa ran lên:
- Thưa thủ trưởng, đủ rồi ạ.
Với chiếc cặp đen trên tay, chân đi đôi giày sáng bóng, Cấu xấc xáo vào phòng trong, ra phòng ngoài, vào phòng kho, đôn đốc ầm ĩ:
- Xếp mấy két bia vào một nơi!
- Xếp mấy thùng nước ngọt vào một nơi!
- Bánh mì ba tê cho vào túi ni lông thật sạch sẽ!
- Giấy vệ sinh để riêng ra, không để lẫn vào bánh mì ba tê!
- Các loại thuốc dự phòng cảm gió, ỉa chảy để hẳn ra một túi!
- Cơ quan văn hóa phải có nếp sống văn hóa, phải có thái độ ứng xử văn hóa, phải có động tác ngoại giao văn hóa?
Tiếng giày cộp cộp của Cấu đi đến đâu thì mồm Cấu phát ra tiếng quát tháo đến đấy. Đi hấp tấp quá, Cấu vấp phải két bia, suýt ngã lăn vào chân tường:
- Đ. mẹ đứa nào để két bia vô văn hóa thế này?
Mấy cô Đào, Chiều, Dung, Thanh ngồi im thin thít ở phòng trong. Cô Chanh chạy đến làm lành:
- Thưa thủ trưởng đã có em nâng ạ?
Cấu trừng mắt:
- Mày để két bia vô văn hóa đây phải không?
- Thưa thủ trưởng, cái Dung nó vừa khuân đến đó thì mệt quá nó vãi đái, nó chạy vào toa lét. Mẹ cái Dung già rồi, thủ trưởng đòi ấy mẹ nó chỉ thiệt thủ trưởng thôi ạ ạ ạ…
Các cô được Chanh giải thoát, cười rộ lên. Cấu quát yêu:
- Lần sau chúng mày phải cẩn thận, không được vô văn hóa như thế nữa.
Các cô đồng thanh:
- Thưa thủ trưởng, vâng ạ… ạ… ạ…
Cấu vừa đi khuất vào phòng, Đào chạy tới ẩy vai Chanh:
- Mày liều thật, mày dám đùa với Cậu Trời.
Chanh chuề môi:
Gớm!… Khi nào mắt Cậu Trời trắng cùi nhãn chỉ có em là làm cho mắt Cậu Trời đen hạt nhãn. Các chị sống được ở cơ quan này là nhờ em đấy…
Trời sáng bảnh. Trụ sở tòa soạn nhộn nhạo kẻ ra người vào kẻ uống nước người hút thuốc lá, kẻ nhấp rượu người rít thuốc lào… Mọi việc đã chuẩn bị xong xuôi, sắp sửa lên đường thì xảy ra một trục trặc nhỏ.
Giữa mấy cuộc họp của cơ quan hôm qua hôm kia hôm kìa, Cấu dõng dạc tuyên bố: người trong tòa soạn đi nghỉ mát chỉ được đem theo vợ hoặc chồng hoặc con, ngoài thành phần đó tuyệt đối không được đưa người nào đi theo. Ai nấy răm rắp thực hiện đúng lệnh. Duy có thủ trưởng Quách Quyền Lực đem theo ba bố con ông anh nuôi. Cù Văn Hòn, cô Đào, cô Chiều rất thuộc tính cách Quách Quyền Lực, bàn với nhau: Phải ghi đủ số lượng người để thanh toán tài vụ. Ghi tên anh chị em trong cơ quan. Ghi tên khách. Riêng ba người này, không ghi tên, mà chỉ ghi chung chung là ba người khách. Nhưng cũng không ghi rõ là khách của Lực mà ghi khách của cơ quan…
Chuyện đơn giản thế thôi. Thế mà đứa nào thẻ thót tâu với Quách Quyền Lực: Chúng nó ghi tên ba bố con ông anh nuôi của Lực để bắt trả tiền. Lực nóng bừng hai thái dương, mắng xa xả vào mặt cô Đào cô Chanh: "Ở cơ quan này, tôi thủ trưởng hay các cô thủ trưởng? Tôi thủ trưởng hay ông Cù Văn Hòn thủ trưởng? Các cô có quyền gì mà bắt tôi phải trả tiền đi nghỉ mát cho anh tôi, cháu tôi? Các cô có quyền gì trong cơ quan này? Các cô có quyền gì? Các cô có quyền gì?…". Cô Đào run run tay giơ bản danh sách trước mặt Lực, Lực không thèm đọc. Cù Văn Hòn vừa cười vừa nói: "Xin mời các anh các chị ra ô tô, khách ngồi hết cả trên ô tô rồi". Hòn nắm tay Lực kéo ra cửa…
Thế là dung dăng dung dẻ ô tô lớn ô tô bé vui vẻ một đoàn kéo xuống Hạ Long. Chằn chẵn người của tòa soạn chỉ có mười tám, mà khách khứa, cộng tác viên được mời, tổng cộng hơn tám chục. Một cuộc biểu dương hiếm có thể hiện tài nghệ tổ chức và lòng kính mến các nhà văn hóa của Quách Quyền Lực, đồng thời bộc lộ sự phồn vinh của Viện Văn hiến. Tính Lực thích phô trương bịp bợm như vậy Cậu ta ý thức được rằng: sự tồn tại và tiến thân của mình không phải là do mấy chục người trong cơ quan quyết định, mà là đông đảo số người ở ngoài: các nhà văn hóa, các cộng tác viên của Viện Văn hiến, các vị lãnh đạo cấp trên. Cho nên phải dành tiền mà tung ra ngoài, dùng tiền tài thu nhân tâm. Thằng nào chẳng thích tiền. Đồng tiền là tiên là phật, là sức bật cuộc đời, là nụ cười con trẻ, là sức khỏe cụ già, là cái đà danh vọng, là cái lọng nịnh thần, bà cán cân công lý. Cộng tác viên ở tỉnh xa về, cần tiền, Lực kí ngay cho một cái phiếu chi 200.000, 300.000, 500.000, 1 triệu đồng… Ông nào cần mượn ô tô, Lực cho mượn ngay, bất kể lúc ấy Đấu tài xế đang ngủ hay đang ăn cỗ tết với vợ con… Trong khi đó, bình quân thu nhập trong cơ quan chỉ hơn 400.000đ.
Khổ lúc nào không biết, chứ bây giờ được thủ trưởng cho đi nghỉ mát, cứ vui cho hết cỡ, "nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng…". Việt Sồ bắt nhịp và tất cả mọi người ngồi trong ô tô cùng hát theo. Việt Sồ quay lại phía sau, giơ ngón tay trỏ chỉ vào Chanh:
- Con bé này! Mày ca lên một bài ca bình dân phù hợp với cái cảnh đi nghỉ mát này tao sẽ thưởng cho mày.
Chanh e hèm… lấy giọng: "Ơ… Ra đường võng lọng nghênh ngang - Về nhà hỏi vợ cám rang đâu mày…". Mọi người vỗ tay reo hò.
Việt Sồ ôm đầu Chanh:
- Thân phận em khổ thế kia à. Em về ở với anh cho đỡ cái cảnh cám rang.
Chanh đỏ mặt:
- Thưa với anh là chỉ thân phận em chịu ăn cám rang, chứ thầy lớn thầy bé em thì cứ thường xuyên gà hầm, rượu cá ngựa, rượu bìm bịp.
- Sao mày thông thạo thế?
- Ngày nào em chẳng phải phục dịch cho thầy em.
Chuyện trò rôm rả, chẳng mấy chốc mà đến Hạ Long. Vừa xuống xe, Quách Quyền Lực kéo Cù Văn Hòn cùng đi đến tận các phòng thăm hỏi khách. Tới phòng nào, Lực cũng hỏi tỉ mỉ: "Các vị còn thiếu gì nữa không? Còn cần gì nữa không? Cần gì cứ nói với tôi. Ai đau ốm gì cứ nói với tôi. Chúc các vị một kì nghỉ mát tuyệt vời. Tuyệt vời nghỉ ngơi để trở về Hà Nội tuyệt vời sáng tạo".
Trong suốt thời gian ở Hạ Long, đi đâu Quách Quyền Lực cũng kéo Cù Văn Hòn cùng đi. Ra bãi tắm, cùng tán gẫu với từng nhóm khách. Ăn cơm, cùng ngồi một mâm. Buổi tối, cùng trò chuyện với khách ở từng phòng. Thấy hai người lúc nào cũng cặp kè với nhau, có vị khách vỗ tay hoan hô:
- Tôi thấy hai ông lúc nào cũng xoắn xuýt với nhau như hình với bóng.
Quách Quyền Lực giơ tay lên quá đầu:
- Hai chúng tôi là một. Cùng một suy nghĩ. Cùng một hành động. Cùng một lí tưởng văn chương. Cùng chung tay đẩy Viện Văn hiến lên ngang tầm công cuộc đổi mới của đất nước.
Suốt ba ngày, nể Lực quá, phải gò bó đi với Lực. Đến hôm về, Hòn tìm cách lẩn trốn, tách ra, để Cấu được ngồi cùng xe con vởi Lực, còn mình thì nhảy lên ô tô ca ngồi với bạn bè cho thoải mái…
Trên đường về, Cù Văn Hòn bị hố một cú đến tức cười.
Cù Văn Hòn rất thích trẻ em. Đi đến đâu hễ thấy có đứa trẻ là Cù Văn Hòn đùa chơi, bẹo tai bẹo mũi, kể chuyện cổ tích, kể chuyện thần thoại. Trẻ em quấn quýt, nghe say sưa, thỉnh thoảng lại cười nhe hàm răng sún…
Trên chuyến ô tô này có một đứa bé duy nhất là thằng Tủn bảy tuổi con cô Chanh. Cù Văn Hòn đùa với bé Tủn, không những không được bé Tủn quấn quýt mà lại còn bị nó phản ứng một cách hỗn xược.
Lần thứ nhất bị bẹo tai, Tủn nắm tay trái dứ dứ trước mặt Hòn. Nghĩ là con nghịch một cách bình thường, cô Chanh ôm chặt con vào ngực.
Lần thứ hai bị bẹo tai, Tủn nắm hai tay dứ dứ trước mặt Hòn. Nghĩ là con hiếu động, cô Chanh bế con quay hẳn vào người mình.
Lần thứ ba bị bẹo tai, Tủn đứng dậy, trợn mắt nhìn chằm chằm vào mặt Hòn. Cứ ngỡ đây là kiểu nghịch ngợm của một đứa con trai có cá tính, Cù Văn Hòn cười: "Bác yêu cháu thế mà cháu không yêu bác ạ?". Tủn trợn mắt to hơn: "Tôi không yêu ông?". Mọi người quay mặt nhìn Tủn.
Cô Chanh ghì con xuống, quay lại phía sau mới biết là Cù Văn Hòn đùa với nó, nói yêu: "Bác yêu cháu đấy mà, con phải yêu lại bác chứ". Tủn áp sát mặt, nói nhỏ vào tai mẹ: "Con không yêu lão Cấu… Con không sợ lão ấy đâu… Mẹ để con cho lão ấy một chưởng?…". Cô Chanh phì cười, nhỡ miệng nói to lên: "Đó là bác Cù Văn Hòn, chứ không phải bác Cấu". Mọi người hiểu ý, cũng cười theo. Tủn xấu hổ rụt đầu vào ngực mẹ…
Thì ra sự thể thế này:
Thỉnh thoảng bé Tủn theo mẹ đi chơi, nghe các cô các chú nói những điều không hay về Cấu và Quách Quyền Lực. Nó tức lắm. Tại sao hai ông ấy hay bắt nạt mọi người như thế? Hai ông ấy có quyền gì mà quát mắng các cô chú và mẹ mình?…
Trong mấy ngày nghỉ mát ở Hạ Long, Tủn thấy có hai ông lúc nào cũng đi cặp kè với nhau. Trong hai ông ấy, nó nhớ mặt ông Lực. Hồi bắt đầu xin về cơ quan Viện Văn hiến, cô Chanh đèo Tủn đến nhà Lực mấy lần… Còn ông kia, là Cù Văn Hòn, thì Tủn cứ đinh ninh là ông Cấu.
Trong suy nghĩ đơn giản của nó, chỉ có ông Cấu và ông Lực hay đi với nhau. Cho nên lúc ngồi trên ô tô, Cù Văn Hòn bị hiểu nhầm và xuýt bị Tủn "cho một chưởng!".