Chương VII

Quách Quyền Lực quyết định đổi tên tờ báo Văn hiến là Văn hiến nghìn năm. Trước cuộc họp toàn thể cơ quan và đông đảo cộng tác viên, Lực giải thích lí do đổi tên:
"Tờ báo Văn hiến đã có truyền thống rực rỡ mấy chục năm rồi, đã có uy tín lớn trong giới trí thức và hàng triệu bạn đọc, hàng triệu bạn đọc từ người có học vấn cao đến người bình dân. Nó đã tạo ra sức mạnh vật chất cụ thế như hạt gạo như cái búa như cây súng như viên đạn. Nó không phải là một cái gì mơ hồ về tinh thần, mà nó là vật chất, vật chất bằng giấy bằng chữ nghĩa, bằng những bài nghiên cứu tuyệt vời, bằng những áng văn chương bay bổng tuyệt vời, có sức mạnh tuyệt vời động viên quần chúng lao động hăng hái sản xuất tăng năng suất từng năm từng tháng từng ngày từng giờ từng phút. Còn tuyệt vời hơn nữa là nó cùng xông pha ra chiến trường cùng với bộ đội, nó là hành trang cùng với súng với đạn của các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, các chiến sĩ giải phóng quân dám hi sinh cả tính mệnh của mình để phá tan đồn giặc… Do đó mà phải giữ lấy truyền thống của tờ báo. Do đó mà phải giữ lại hai chữ "Văn hiến"… Nhưng trong phong trào đất nước đổi mới, hai chữ "Văn hiến" chưa đủ, mà phải "Văn hiến nghìn năm". Hai tiếng "nghìn năm" ở đây không phải đóng khung vào con số 1000, mà là hàng nghìn nghìn năm chiều dài ìịch sử, bốn nghìn năm rực rỡ Vua Hùng. Văn hiến của ta không chỉ đánh thắng hai tên đế quốc đầu sỏ Pháp, Mỹ, mà Văn hiến của ta là ba lần đánh thắng quân Nguyên, một tên đế quốc hung hãn nhất của thế kỷ, không phải một lần, mà ba lần đánh thắng quân Nguyên, ba lần đánh thắng quân Nguyên…".
Lực nói một hơi dài, không vấp một câu nào, không vấp một chữ nào. Cử tọa im lặng ngồi nghe, thỉnh thoảng lại có tiếng cười, thỉnh thoảng lại vang lên một tràng võ tay. Lực có nghệ thuật biết nhấn chỗ nào biết dừng chỗ nào để cử tọa vỗ tay. Chẳng hạn khi nói "Các chiến sĩ giải phóng quân dám hi sinh cả tính mệnh của mình để phá tan đồn giặc" thì giọng cất lên cao rồi dừng lại đột ngột, và một tràng vỗ tay lẫn tiếng hoan hô kéo dài. Bài diễn thuyết chấm dứt, Phan Chấn quay sang nói với Cù Văn Hòn: "Nói với các nhà văn hóa mà như cán bộ tuyên huấn xã năm bốn lăm giảng chính trị cho nông dân". Cù Văn Hòn mỉm cười: "Thì mày là thằng bơm khỏe nhất cho lão Quách Quyền Lực". Phan Chấn nhún vai: "Tao bơm kiểu khác, chứ không bơm kiểu rẻ tiền như thế".
Sau cuộc họp ra mắt báo Văn hiến nghìn năm, Quách Quyền Lực có một quyết định sáng tạo: mở cuộc thi để tờ báo rôm rả ngay từ đầu. Không phải thi một thể loại, mà đủ các thể loại: tiểu luận về truyền thống đạo đức của dân tộc, tiểu luận về truyền thống chống xâm lược, truyện ngắn về đề tài lịch sử đề tài hiện đại. Phải có cả thơ nữa. Thơ là thể loại có nhiều người tham gia nhất. Hàng trăm câu lạc bộ thơ thì sẽ có hàng ngàn hàng vạn bài dự thi. Khối anh bỏ tiền để mua danh. In một bài thì phải nộp bao nhiêu tiền. In một chùm thì phải nộp bao nhiêu tiền. In thêm cái ảnh tác giả thì giá tiền cao hơn…Tuyệt! Tuyệt! Tuyệt vờil Tuyệt vời! Một mũi tên trúng mấy đích. Không những nhất cử lưỡng tiện mà nhất cử tam tứ ngũ lục tiện…
Việc đầu tiên là xin tiền cho giải thưởng. Tự tay Quách Quyền Lực thảo công văn xin tiền tài trợ. Tự tay Quách Quyền Lực đưa cho bộ phận hành chính phô tô vài trăm bản. Tự tay Quách Quyền Lực giữ tất cả các bản ấy. Rồi tự tay Quách Quyền Lực kí vào giấy mỗi khi có người nhận đi xin tiền. Nếu người đó trong cơ quan thì thế nào cũng biếu lại cho thủ trưởng một phần trong số 40% tiền xin được! Nếu là người ngoài cơ quan, Quách Quyền Lực chỉ tay vào ngực mình: "Nhớ là 50% của 40% đấy nhá!".
Quách Quyền Lực bù đầu vào việc tiếp cộng tác viên đưa bài. Nhiều người biết: nếu đưa bài tận tay cho Quách Quyền Lực thì thế nào cũng được đăng và đăng sớm. Cho nên họ xui nhau tìm gặp Quách Quyền Lực. Gặp ở cơ quan. Gặp ở nhà riêng. Gặp ở quán bia. Gặp trong cuộc họp. Gặp trong giờ hành chính. Gặp ngoài giờ hành chính. Quách Quyền Lực kiên trì tiếp khách. Anh em trong cơ quan nói đùa với nhau: "Về mặt tiếp khách thì Quách Quyền Lực xứng đáng được bầu anh hùng số một của cả nước". Có cộng tác viên đưa bài và đưa kèm một phong bì. Có cộng tác viên biếu một chai rượu tây. Có cộng tác viên đưa bài suông. Bất kì cộng tác viên nào đọc bài cho Quách Quyền Lực nghe tại trận, Lực cũng giơ tay khen "Hay! Hay! Hay!" hoặc là "Tốt! Tốt! Tốt!" hoặc là "Tuyệt vời! Tuyệt vời! Tuyệt vời!", rồi cầm cái bút bi đỏ kí toẹt một chữ Lực vào bài và nói: "Tôi sẽ đưa ngay cho thư kí tòa soạn để in". Cộng tác viên nào cũng mát gan mát ruột, hớn hở ra về. Nếu không may gặp lúc bận quá phải đi họp, chẳng thể ngồi để nghe đọc bài hoặc trò chuyện được, Lực đứng khom lưng, cầm bút bi đỏ kí vào đầu bài rồi trao bài ngay cho cộng tác viên: "Ông đưa ngay cho Phạm Lương thư kí tòa soạn". Ông cộng tác viên nào cẩn thận hỏi lại "Anh không đọc bài của tôi mà đã kí à?" thì Lực trả lời: "Bài của ông mà không in thì in bài của ai! Tôi nhìn người tôi mới đặt bút kí".
Tất cả những bài có chữ kí ấy đều dồn xuống cho Phạm Lương. Đủ loại bài: bài dự thi, mẩu tin, truyện dịch, khảo cứu, phê bình… Đã thuộc tính của thủ trưởng, Phạm Lương phải đọc lại tất cả. Bài nào dở quá, Phạm Lương lặng lẽ gác lại và Quách Quyền Lực cũng quên bẵng đi.
Nhưng gác làm sao được? Chờ mãi không thấy đăng, cộng tác viên trực tiếp gặp Quách Quyền Lực để hỏi, Lực nói tỉnh bơ: "Cậu thấy rõ ràng là tôi đã kí rồi, chắc là Phạm Lương bỏ mất. Cậu cho bài khác". Cộng tác viên lại đến càu nhàu với Phạm Lương.
Cái cảnh này lặp đi lặp lại nhiều lần, Phạm Lương đành phải nói ra giữa cuộc họp. An Lân, nhà phê bình nghệ thuật, phát biểu vừa đùa vừa mỉa mai: "Anh Quách Quyền Lực nên học tập ông chính uỷ ở rừng, quy định cho thư kí tòa soạn biết chữ kí như thế nào thì in, chứ kí như thế nào thì không in".
Phạm Lương còn phải chịu đựng một cái khổ khác là bị cộng tác viên kêu ca nhuận bút thấp. Tất cả các số báo vừa ra xong, Lực đều duyệt nhuận bút từng bài một, điều chỉnh nâng lên hạ xuống từng bài, có chữ kí mực đỏ của Lực thì bộ phận tài vụ mới được thực hiện. Ấy vậy mà có cộng tác viên đáo để, lợi dụng tính cách của Lực, thấy nhuận bút của mình thấp, không nhận, chạy lên kêu ca với Lực. Lực tỏ vẻ ngạc nhiên: "Sao thư kí tòa soạn lại xếp thấp thế?". Thế là Lực dẫn cộng tác viên xuống phòng tài vụ giở sổ nhuận bút, cầm bút sửa nâng lên: 80.000đ nâng 150.000đ, 100.000đ nâng 200.000đ…!!!
Ôi cha cha, khổ cho ông Phạm Lương quá! Ông ta được anh em trong cơ quan mệnh danh là "thùng nước gạo của thủ trưởng".
Đến ngày hạn cuối cùng, cuốn sổ ghi nhận bài dự thi xếp lại. Và Quách Quyền Lực tiến hành triển khai một chặng đường hoạt động mới: bù đầu bù tóc từ nay cho đến hôm trao giải thưởng.
Công việc choán mất nhiều thời gian nhất vẫn là tiếp khách. Một số nhà văn trẻ nghĩ rằng Quách Quyền Lực có tiếng nói quyết định về giải thưởng, lân la tìm gặp Lực để xin xỏ. Có người tỏ thái độ tế nhị. Có người nói toạc móng heo là "tôi được giải thì thế nào cũng có thù lao thích đáng cho anh"… Một số cây bút mới vào nghề đồn kháo với nhau rằng "Ông Lực rất chú ý đến lực lượng trẻ, rất ưu ái với lực lượng trẻ" cũng tìm gặp Lực để trao chiếc phong bì và khẩn khoản "mong anh chiếu cố cho em, động viên em…".
Bất kì một cây bút trẻ nào, Quách Quyền Lực cũng hứa rất nhiệt tình, đại khái là bài của em tuyệt lắm, nói trúng vấn đề của thời đại, không được trao giải thì trao cho ai nữa? Người nghe phổng mũi lên ngay. Làm cái nghề viết văn ai mà chẳng thích được khen. Quách Quyền Lực cứ khen tất tần tật, hứa tất tần tật. Hứa với nhiều người như vậy thì làm sao mà trao giải cho xuể? Điều đó đối với Lực dễ lắm. Người được hứa mà không trúng giải thì Lực sẽ trả lời một cách trơn tru: "Tôi đấu tranh đến cùng mà ông X ông Y kiên quyết gạt. Tôi phải cãi nhau kịch liệt với ông ta mà ông ta khăng khăng bác bỏ!!! Đợi cuộc thi sau, cuối năm lại mở cuộc thi khác, tôi sẽ lưu ý đấu tranh cho anh được giải thưởng".
Vài ba người mới tập tễnh bước vào ngưỡng cửa văn học đã từng sống bặm trợn mà được việc, lại tiếp tục được việc trong kì thi này. Đơn cử như thi sĩ Thịt Chó. Bút danh của ông ta là Hoàng Long Vân Thi, chủ một cửa hàng thịt chó. Bút danh dài loằng ngoằng chẳng mấy ai nhớ, người ta gọi tắt là thi sĩ thịt chó. Theo sự giải thích của ông ta thì Hoàng Long Vân Thi có nghĩa là: Thơ như mây bay trên bầu trời xanh thẳm tạo hình những con rồng vàng. Cửa hàng ở ngoại thành, dựng trong một khung cảnh rất nên thơ. Ngôi nhà sàn được mua tận Hòa Bình, thuê ô tô chở, và thuê cả thợ người dân tộc về Hà Nội lắp và dựng trên mặt hồ rộng gần một héc ta. Ai hỏi giá tiền ngôi nhà bao nhiêu thì ông ta trả lời: "Đã là công trình nghệ thuật thì vô giá, áp đặt giá cả vào đây là thô thiển".
Một câu lạc bộ thơ được thành lập và sinh hoạt ngay tại cửa hàng, đặt tên là "Câu lạc bộ thơ Hoàng Long Vân Thi" do chính ông ta làm chủ nhiệm. Còn niềm khoái lạc nào hơn khi người ta biết kết hợp nhuần nhuyễn đạo và đời.
Vừa bán thịt chó vừa ăn thịt chó. Vừa bình thơ vừa làm thơ. Trong vòng dăm năm qua, thi sĩ Thịt Chó đã in được mười lăm tập thơ và ba lần giật giải ở các cuộc thi. Thu nhập kinh tế lên vù vù. Danh vọng cũng lên vù vù.
Từ khi báo "Văn hiến ngàn năm" mở cuộc thi, tuần nào ông ta cũng phóng A Còng lên gặp Quách Quyền Lực. Vừa vào đến cổng tòa soạn, ông ta đã cất mũ phớt và để lộ ra cái đầu nhuộm loang lổ từng mảng tóc xanh đỏ tím vàng.
Thi sĩ Thịt Chó ngồi nói chuyện với Quách Quyền Lực rất tự nhiên, sàm sỡ, thân mật như người nhà:
- Lần này ông anh định cho thằng em này giải mấy?
- Cái đó còn tùy thuộc vào chất lượng.
Thi sĩ Thịt Chó cười hô hố.
- Chất lượng… Chất lượng văn chương cũng trôi nổi theo chất lượng hàng hóa của kinh tế thị trường. Nói tóm lại là chất lượng văn chương cũng trôi nổi theo đồng tiền. Ông anh khiêm tốn quá.
- Cậu định tài trợ cho cuộc thi này bao nhiêu?
- Cái đó còn tùy. Có kinh tế thị trường thì cũng phải có văn chương thị trường. Thuận mua vừa bán, quy luật muôn đời. Thằng em này cứ nói thật, tài trợ trăm triệu thì giải nhất, tám chục triệu thì giải nhì, năm chục triệu thì giải ba. Còn cái khuyến khích là thằng em này không nhận… Ông anh còn được nhận cái khoản chiết xuất 40%… Bây giờ thì ông anh cầm tạm mấy đồng uống bia.
Thi sĩ Thịt Chó vừa nói vừa dúi cái phong bì vào túi Quách Quyền Lực, rồi đứng dậy, đội mũ phớt lên đầu:
"Ông anh yên tâm, còn nhiều khoản khác nữa, thằng em này không phụ lòng ông anh đâu".
Đến kì tổng kết cuộc thi, ìẽ dĩ nhiên là thi sĩ Thịt Chó và mấy tác giả tương tự như thi sĩ Thịt Chó được ghi vào danh sách giải thưởng. Hẵng cứ ghi tên tác giả, rồi tìm bài tương đối trội điền vào sau. Quách Quyền Lực có tài biện luận để Ban giám khảo chấp nhận ý kiến mình. Văn chương thời buổi này là thế! Một tác phẩm trung bình được ông nào có quyền lực khen hay thì nó trở thành "hay" trong chốc lát. Một vị giáo sư có tên tuổi ở trường đại học cũng cảm thấy vinh dự được nhà văn xoàng đề tựa cho cuốn sách của mình, miễn là nhà văn xoàng đó có chức vụ cao. Một tiểu thuyết tầm thường được bạn bè xúm lại tung hô lên, báo cũng có thể làm quáng mắt thiên hạ. Một tác giả tàng tàng được nhà phê bình bốc lên là ngôi sao sáng trên bầu trời văn học cũng chả sao. Hoặc muốn được nổi tiếng, muốn mọi người chú ý tới mình thì viết một bài chê bừa một tác phẩm đã có chỗ đứng trong lịch sử văn học.
Hoặc muốn sách bán chạy, tái bản nhiều lần, phải có nghệ thuật chọc vào chỗ thiên hạ đang ngứa ngáy, vân vân và vân vân. Giác quan cảm thụ nghệ thuật của thời đại lên xuống thất thường, lúc thì nhạy bén lúc thì tê liệt, lúc thì ồ lên như mưa rào, lúc thì lặng phắc. Rút cục là người ta giương cao ngọn cờ tự do sáng tạo một cách tuyệt đối. Bầu trời nghệ thuật rộng cánh chim bay. Bay bát nháo, bay loạn xạ. Rối mắt công chúng… Miễn là cái tự do ấy không sai chính trị, không ngược lại đường lối của Đảng.
Chính ở thời điểm đó, Quách Quyền Lực được đặt lên nắm một cơ quan học thuật lớn. Và Quách Quyền Lực làm trôi chảy tất cả mọi việc theo ý định của mình. Và, hiển hiện trước mắt, không chỉ là "cờ đến tay ai thì người ấy phất"; mà theo triết lý hưởng thụ của Quách Quyền Lực: "Cái đùi gà nằm trước mặt thì cầm gặm ngay".
Mục đích tiến hành cuộc thi này cũng nằm trong triết lí hưởng thụ đó.
Những ai được giải kì này? Khách quan lắm! Công bằng lắm! Chính trị lắm! Có nhiều tác giả tên tuổi thuộc các thế hệ. Có các tác giả đủ mọi miền đất nước. Có già có trẻ. Có nam có nữ. Và có dằng dặc một danh sách dài với lí do khích lệ lực lượng trẻ. Chưa có cuộc thi nào mà người trúng giải đông đến thế.
Hôm nay Quách Quyền Lực hoàn thành khâu cuối cùng để hoàn tất công việc chuẩn bị trước lúc tổ chức lễ trao giải: kí vào "Bằng chứng nhận giải thưởng". Quách Quyền Lực không phải chỉ là trưởng ban chung khảo, cũng không phải chỉ là trưởng ban sơ khảo, mà bao trùm lên tất cả với tên gọi "Chủ tịch Hội đồng giải thưởng". Với người khác, việc này chỉ làm trong chốc lát; nhưng với Quách Quyền Lực, phải làm ròng rã suốt cả buổi sáng. Số người được giải thưởng quá đông đã đành, mà chữ kí cũng phải hết sức cẩn thận.
Theo lời dặn của Lực chiều hôm qua, cô Chanh đến rất sớm, quét dọn phòng thủ trưởng thật sạch sẽ. Lau bàn ghế. Xếp tất cả mọi tài liệu giấy tờ vào một góc bàn. Đặt máy điện thoại vào sát chồng tài liệu. Mở sẵn cửa sổ. Để sẵn ba chai bia và một cái cốc, không phải để trên bàn mà để lên một cái ghế bên cạnh…
- Rất tuyệt vời! Em Chanh rất tuyệt vời!
Chanh giật thót:
- Gớm! Thầy làm em hết cả hồn.
Lực ngồi vào cái ghế có bánh xe lăn, dùng hai bàn chân điều khiển ghế lăn vào vừa tầm mặt bàn:
- Tập "Bằng chứng nhận giải thưởng" đâu?
- Thầy lại quên rồi. Hôm qua thầy dặn là khi nào thầy đến em mới được mang tập giấy "bằng chứng nhận giải thưởng" lên.
Vừa nói Chanh vừa thoăn thoắt đi xuống, chỉ mấy phút sau Chanh mang lên tập giấy. Lực đếm lướt lướt từng tờ:
- Sao lại ít thế này?
- Thưa thầy, có hơn bảy chục giải thưởng mà em cầm cho thầy một trăm tờ. Cô đem cho tôi ba trăm tờ!
Chanh chạy xuống rồi lại chạy lên. Lực ngồi ngay ngắn trước bàn, rút trong cặp ra ba cái bút dạ, rồi cầm từng cái quệt quệt lên tờ báo những nét loằng ngoằng đen nhánh.
Rồi kí thử chục chữ kí lên tờ giấy trắng: Chữ L hoa phải cao hẳn lên, nét đá của chữ C phải cong vòng cung và cao quá chữ L, có dấu ư và dấu nặng hẳn hoi, cái gạch ngang ở dưới phải thật dài. Xong đâu đó Lực mới nghiêm túc kí chính thức vào "bằng chứng nhận giải thưởng". Tờ thứ nhất… tờ thứ hai… tờ thứ ba… Lần lượt xếp vào phía bên trái bàn… Tờ thứ tư, nét chữ L hơi mờ, Lực xé tờ giấy ném xuống chân. Rồi tiếp tục kí… Tờ thứ năm… tờ thứ sáu… tờ thứ bảy… Thỉnh thoảng Lực lại xé vụn một tờ vì chữ kí đó không đạt: hoặc là một nét chữ không rõ, hoặc là vòng cung chữ C bị méo, hoặc là gạch ngang ở dưới lại quá dài, hoặc là dấu nặng (.) bị chấm chệch sang phía chữ C…
Khoảng gần trưa thì Lực hoàn thành bảy mươi hai chữ kí vào bảy mươi hai tấm "Bằng chứng nhận giải thưởng".
Lực cẩn thận giơ từng tấm bằng dưới ánh đèn để ngắm lại chữ kí của mình. Rồi cầm điện thoại gọi cô Chanh lên:
- Cô dọn đống giấy vụn này cho tôi.
Chanh tròn xoe mắt nhìn đống giấy vụn quá nhiều, nhanh nhẹn ngồi xuống, bốc vào giỏ tre. Lực nhìn theo từng động tác của Chanh, bất chợt phát hiện một điều: nhiều chử kí còn nguyên vẹn trên mảnh giấy, sợ có đứa nào lợi dụng chữ kí làm việc bậy bạ. Lực ra lệnh cho Chanh hãy xé vụn hơn nữa, xé đến lúc nào không còn một chữ kí nguyên vẹn. Xé một chốc, cảm thấy lâu lắc quá, Chanh nảy ra sáng kiến:
- Thầy ơi, em học hành dốt nát, nhưng em cũng xin thưa thật với thầy một ý kiến…
- Ý kiến gì em cứ nói.
- Đem đổ chữ kí của thầy vào đống rác thì mất thiêng, hay là em đem đốt sạch sành sanh.
- Tuyệt vời! Em Chanh rất tuyệt vời.
Nhoay nhoáy trong chốc lát Chanh đã nhét chặt đống giấy vụn vào giỏ, rồi bước ra cửa. Lực nói với theo:
- Đừng cho đứa nào biết đấy nhá. Nhớ đốt sạch, không còn một mẩu giấy nào.
Chanh cúi khom người:
- Em xin tuân lệnh thầy ạ… Ờ quên… em xin tuân lệnh thủ trưởng ạ… ạ… ạ…