Chương 13

ở đâu? Chị Thục Trâm có tránh khỏi tai hoạ không? Thấy con tư lự nhiều, bà Mận nói:
- Con có buồn rầu cũng không giúp được gì cho bố con, chị con và em con cả. Con phải làm gì sau này gặp lại bố khiến bố mừng …
Bảo Hưng biết mẹ muốn nói gì bèn đáp:
- Con đã hiểu ý mẹ.
Thế là chàng chúi vào miệt mài đèn sách. Hơn một năm sau, chàng lều chõng đi thi và đỗ Cử nhân. Khoa thi ấy có một số kẻ đạo văn, chấm xong mới có người cáo giác. Các quan trường bèn tra xét thấy việc đạo văn là có. Hai Tú tài, một Cử nhân bị huỷ kết quả thi. Tin này đến tai nhà Vua. Ngài truyền Chánh chủ khảo mang bài thi của những người đã đỗ lên cho Ngài xem xét. Thấy bài thi của Phạm Bảo Hưng ý lạ, văn hay, chữ đẹp như hoa, nhà Vua bèn truyền Phạm Bảo Hưng lên kinh yết nhà Vua. Phạm Bảo Hưng dáng vẻ ung dung, mi thanh mục tú khiến nhà Vua yêu lắm. Ngài bèn ban một chức quan nhỏ và giữ lại ở bên Ngài giúp việc thư tịch. Phạm Bảo Hưng nghĩ về gia cảnh và cái tên giả của mình… Chàng biết nhà Vua không ưa Tể tướng. Nhưng vì giữ đạo hiếu với Vua cha nên Ngài chưa đụng đến viên quan đầu triều.  Thêm nữa, thế lực của tể tướng lớn lắm. Muốn trị ông ta, Vua phải nghĩ cách và có lực lượng khi ông ta phạm tội có tang chứng rõ ràng. Nếu chưa đủ các yếu tố đó mà nhà Vua đã rung đến ông ta thì nước sinh loạn. Con thú nào cùng đường cũng hung hãn. Biết được tình cảm của nhà Vua với Tể tướng, Phạm Bảo Hưng cung kính:
- Tâu Hoàng thượng, được Người yêu thương, thần đội ơn bội phần. Nhưng thần có điều uẩn khúc… Hoàng thượng cho phép thần được nói kẻo nữa sau này e rằng thần sẽ  phạm tội gian dối.
Nghe những lời của Phạm Bảo Hưng, nhà Vua đồ rằng tân Cử nhân này cũng đạo văn nhưng chưa bị cáo giác nên thú tội trước khi việc vỡ lở. Ngài bèn hỏi:
- Nhà ngươi cũng đạo văn hay sao?
- Tâu Hoàng thượng, ai đã là chân nho đến trường thi phải tránh xa điều đó. Đã hiểu như vậy rồi, thần phạm quy sao được.
 - Vậy ngươi có uẩn khúc gì?
- Tâu Hoàng thượng, Phạm Bảo Hưng chỉ là cái tên che đậy của thần.
- Vì sao nhà ngươi phải mang tên giả.
- Tâu Hoàng thượng, thần là con trai Tri huyện Trường Định.
- Tri huyện Trường Định à?
ánh mắt nhà Vua lộ vẻ suy nghĩ rồi Ngài lại hỏi:
- Có phải đó là vị Tri huyện có người con gái giỏi dang làm thày học con gái Tổng dốc Hải Đông?
- Tâu Hoàng thượng, đúng là như vậy ạ.
- Thế thì Trẫm hiểu vì sao ngươi phải mai danh rồi.
- Tâu Hoàng thượng, chẳng những cả nhà thần phải đổi tên mà còn phải làm cho gương mặt khác đi. Hai vết sẹo trên mặt của thần là do thân phụ thần dùng y thuật tạo ra. Thần có giữ được bộ mặt của giời cho đâu!
- Đáng thương! Đáng thương! Họ tên thật của ngươi là gì, bao nhiêu tuổi?
- Tâu Hoàng thượng, tên thật của thần là Phạm Vũ Long, còn tuổi vẫn đúng như tờ khai thì hai mươi sáu ạ.
- Ngươi về nói với ngài Tri huyện là không phải trốn nữa.
- Tâu Hoàng thượng, cha thần và em trai thần giờ không biết trôi dạt ở phương trời nào. Khi nhà gặp hoạ, em trai thần mới mười bốn tuổi.
- Ngài Tri huyện thật kín kẽ. Anh trốn một nơi, em trốn một nơi.
- Thần xin phép bệ hạ đi tìm cha và em, mong Người chuẩn cho.
- Người giữ đạo hiếu lẽ nào ta không chuẩn. Ta cũng vì giữ đạo hiếu với Vua cha mà có lúc bó chân bó tay. Mai ta cho ngươi một chỉ ấn. Đi tới đâu, ngươi vào huyện đường sở tại mà nhờ cậy. Có chỉ ấn của ta, ngươi không phải mai danh ẩn tích nữa. Khi nào ngươi tìm được thân phụ và hiền đệ, ngươi dẫn cả về kinh.
Phạm Vũ Long sụp xuống vái lạy:
- Tâu Hoàng thượng, ân này của Hoàng thượng biết bao giờ thần mới đền đáp được.
- Ngươi không phải lo. Trẫm có việc cho ngươi báo đáp.
Phạm Vũ Long vái tạ rồi vội vã quay về. Có chỉ ấn của nhà Vua và lại được trở về với tên thật của mình, Phạm Vũ Long ngỡ như được tái sinh. Người ta thường nói: "phúc bất trùng lai" với Phạm Vũ Long thì không đúng. Chàng vừa đỗ Cử nhân lại vừa được nhà Vua ban chỉ ấn làm "Giấy thông hành" đi tìm cha và em.
Phạm Vũ Long về tới nhà, mẹ chàng mới hết lo. Bà cứ tưởng con trai phạm trường quy nên nhà Vua gọi lên kinh hạch tội. Nhưng điều bà tưởng ngược lại cả. Khi con nói được nhà Vua cho chỉ ấn, bà quỳ xuống lạy như lạy Thánh chỉ. Bà liền đặt chỉ ấn lên bàn thờ thắp hương khấn vái tổ tiên và chuẩn bị hành trang cho Phạm Vũ Long lên đường.
Ngày hôm sau, Phạm Vũ Long khởi hành rất sớm. Đi được tới hơn ba dặm rồi, chàng vẫn cảm thấy lo lo. Chàng bèn quay lại đưa mẹ gửi vào một ngôi chùa cách làng hai mẹ con chàng ngụ cư không xa. Chẳng là, sư bà trụ trì ngôi chùa ấy vẫn nhờ chàng giảng giải những chữ khó trong các bài thơ cổ. Được Phạm Vũ Long cậy nhờ, sư bà vui vẻ nhận lời.
Cuộc hành trình của Phạm Vũ Long về thời gian và không gian là vô định. Đúng là chàng đi tìm bóng chim tăm cá! Vì cha chàng vừa đi lánh nạn lại vừa đi tìm con gái mà con gái cũng đang bị Tể tướng cho người tìm bắt. Bởi vậy, trên đường đi, cha chàng phải dấu kín hành tung lại đi tìm một người cũng có ý thức che dấu mình thì thật khó vô cùng. Vừa đi vừa nghĩ, Phạm Vũ Long đoán rằng những nơi cha chàng đi qua chắc chắn ông sẽ chữa bệnh. Bởi vì như là căn nghiệp, gặp người bệnh cha chàng không thể làm ngơ. Thêm nữa, ông còn truyền nghề cho con và kiếm sống. Vậy chàng phải làm sao đặt bàn chân của chàng lên dấu chân của thân phụ đã bị bụi phủ mờ. Đi tới đâu, chàng cũng hỏi thăm hai bố con lương y Hiếu. Có ai hỏi này hỏi nọ, chàng đều đáp lại: "Người thân của tôi mắc trọng bệnh, chỉ có lương y Hiếu mới chữa khỏi". Bằng cách thức ấy, Phạm Vũ Long cảm thấy một cách lờ mờ là chàng đã bước vào đầu mối của con đường mà thân phụ đã đặt chân vào.
Có chỉ ấn của nhà Vua, Phạm Vũ Long vào huyện nào, hạt nào cũng nhận được sự giúp đỡ. Nhưng chàng cảm thấy làm như thế e không tiện. Bởi vậy, chàng thường tìm đến các ông đồ hoặc các nho sinh. Dù là lạ lẫm nhưng qua văn chương, chàng dễ tìm được sự đồng cảm. Từ đó, chàng hy vọng tìm ra dấu tích của cha.
Một hôm chiều đã vãn, Phạm Vũ Long ghé vào một quán rượu sơ sài ở ven đường uống vài ly tẩy trần. Vừa đặt chân tới cửa quan, chàng nghe một giọng ngâm buồn bã cất lên:
Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi kỵ địa thượng sương
Cử đầu khán minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương
Tạm dịch:
Trước giường trăng sáng như gương
Ngỡ là mặt đất có sương giăng màn
Ngửng đầu ngắm ánh trăng vàng
Cúi đầu thương nhớ quê hương khóc thầm!
Nhìn vào quán, chàng chỉ thấy một ông già đang độc ẩm. Chàng bèn hỏi:
- Hậu sinh xin hỏi lão trượng, lão trượng là chủ hay là khách?
Ông già ngửng lên nhìn chàng, đáp:
- Lão vừa là chủ lại vừa là khách.
- Thưa, lão trượng nói thế hậu sinh chưa hiểu.
- Có gì mà chưa hiểu, khi có khách, lão là chủ. Khi không có khách, lão tự mời lão vài ba chén. Lúc ấy, lão không vừa là khách lại vừa là chủ hay sao?
- Hình như lão trượng đang có nỗi niềm, hậu sinh vào tẩy trần liệu có làm lão trượng bận lòng không?
- Mở quán thì phải đón khách. Khách đáo gia hữu ngọc kia mà.
- Lão trượng đang độc ẩm có thể cho hậu sinh hầu lão trượng vài chén được chứ?
- Thế thì vinh hạnh cho lão quá. Đừng cho lão là tò mò, công tử là con nhà thi thư phải không?
- Chẳng hay vì sao mà lão trượng lại hỏi như vậy?
- Là bởi lão thấy công tử dáng điệu thanh tao, nói năng từ tốn.
- Thưa, hậu sinh cũng được học dăm bảy chữ của Thánh hiền. Chắc lão trượng không phải quê vùng này. Có tha hương mới gửi nỗi niềm vào thơ Lý Bạch đau đáu như thế.
Ông già thở dài đáp:
- Quê lão cách đây vài trăm dặm. Sáu bảy năm đi lính ăn cơm vua, trở về làng, lão với chức dịch ở làng như nước với lửa. Theo bọn họ, lão không còn là lão nữa. Không theo bọn họ, lão bị bọn họ chèn ép. Lão uất quá bán hết gia cư điền sản đưa vợ con lên đây mua đất lập cư. Chẳng là hồi đi lính, lão đã quen vùng này. Nhà lão kia kìa. Cả nhà lão sống bằng nghề làm bánh tráng và nuôi heo. Lão mở cái quán tìm bạn cờ, bạn rượu. Chữ Thánh hiền lão chỉ võ vẽ. Bài thơ vừa nãy lão ngâm là ông đồ bạn cờ chép cho lão. Lão rất yêu quê mà phải xa quê. Bài thơ ấy hợp với cảnh tình của lão. Khi nào ngồi một mình, hễ lão nâng chén là bài thơ ấy hành hạ. Cứ tưởng mượn chén đuổi sầu, nào ngờ càng uống càng tỉnh, càng tỉnh càng buồn, câu thơ đứt ruột lại vang lên.
Ông già kể chuyện đời mình. Bất thức, mỗi lời ông nói như một mũi kim đâm vào lòng cái người đang đối ẩm. Mấy năm rồi, Phạm Vũ Long không bao giờ vơi lòng quê. Gần hai mươi năm kể từ khi nằm trên võng đay khoanh trong lòng mẹ, chàng đã hít thở khí trời châu thổ nguyên trong. Những trưa đi câu, những chiều đuổi bướm, những đêm hè sáo trúc vờn trăng, bạn bè túm tụm trên cây cầu gỗ nhỏ trước làng cứ hiện lên mồn một trong chàng. Quê chàng đồng xanh ngút ngát. Xa xa, biển cả ồn ào. Mùa lúa chín, xóm làng như hội. Xuân về, trống rước thì thùng. Rồi những ngày cùng bạn bè ngồi bệt trong nhà cụ đồ Thanh khản cổ gào:
Thiên trời, địa đất
Cử cất, tồn còn…
Chiếc roi mây hiện về. Roi của thày óng vàng. Ai nghịch ngợm, lười nhác thì chiếc roi trong tay thày vút xuống. Tiếng roi xé gió rợn người. Nhưng roi chạm vào lưng trò lại không hề đau. Vậy mà chàng phải xa nơi ấy, lại phải dấu tên, dấu quê, dấu cả gương mặt trời phú. Cửa nhà tan nát, mỗi người náu thân một nơi, không biết sống chết thế nào! Tể tướng đối với chàng "bất cộng đới thiên". Ông ta gieo hoạ cho cả nước chứ đâu chỉ riêng cho nhà chàng.
Thấy chàng ngồi ngẩn ra, ông già giục:
- Sao công tử cứ ngây ra vậy, nâng chén đi chứ!
- Lão trượng thứ lỗi, hậu sinh đang nghĩ tới một việc.
- Việc gì cũng cứ xếp lại đã. Đời người được mấy lúc rảnh rang nâng chén vui buồn với nhau.
- Thưa lão trượng, việc này không xếp lại được. Nếu chiều chưa vãn, hậu sinh không ghé vào quán của lão trượng đâu.
- Không phải nhà cháy thì cứ xếp lại.
- Việc của hậu sinh còn hơn cả cháy nhà ấy chứ.
- Việc gì mà hơn lửa vậy?
- Hậu sinh phải tìm bằng được một ông lang để chữa bệnh cho người thân.
- Lương y ấy tên là gì, ở làng nào quanh đây?
- Lương y ấy tên là Hiếu, không ở vùng này nhưng hình như đang chữa bệnh ở vùng này.
Ông già nheo nheo mắt rồi nói:
- Lâu rồi, cách nay dễ đến gần hai năm, có một lương y dẫn một cậu con trai đi qua đây. Nghe nói sau đó, lương y ấy chữa cho một bà già ở làng Bồng. Bà ấy đã mấp mé quan tài mà khỏi bệnh.
- Thưa lão trượng, làng Bồng cách đây xa hay gần?
- Cũng phải non nửa ngày đường.
- Đi về hướng nào, thưa lão trượng?
- Đi về hướng đông nam. Làng nào có cây gạo cao nhất thì đó là làng Bồng.
Phạm Vũ Long trả tiền rượu rồi cáo biệt. Ông già không lấy tiền còn khuyên chàng nghỉ lại sớm mai hãy cất bước, vì lúc đó đã chạng vạng tối. Lòng Phạm Vũ Long như lửa đốt thì nghỉ lại sao được. Chàng phải đến ngay làng Bồng may ra…
- Cảm ơn lão trượng. Có thể lương y không còn làm thuốc ở đó. Nhưng tới làng Bồng có thể biết lương y ở đâu. Hẹn ngày tái ngộ hầu rượu lão trượng.
Lão chúc công tử may mắn và đừng bao giờ quên lão già mất quê vì bọn chức dịch sâu bọ.
Phạm Vũ Long chắp tay vái và ái ngại cho tình cảnh của ông già. Đức Vua ở xa thấu sao được nỗi khổ của dân nơi làng thôn, xóm ấp do bọn cường hào gây nên. Chợt ông già gọi với theo:
- Hậu sinh tên là Long.
- Lão tên là Mục, nhớ lấy.
- Hậu sinh sẽ nhớ.
Phạm  Vũ Long guồng chân trên đường, vừa đi vừa hỏi thăm làng Bồng còn bao xa. Trăng hạ huyền đã nhô lên. Lúc ấy đường không một bóng người. Trong ánh trăng nhàn nhạt, cây gạo đã hiện lên xa xa. Phạm Vũ Long nhắm cây gạo rảo bước. Trăng đã lên tới đỉnh đầu. Gà gáy canh ba, chàng đã tới bên cây gạo. Còn hai trống canh nữa trời mới sáng, Phạm Vũ Long ngồi xuống tựa vào gốc gạo nghỉ.
Một cây hoè to cao, tán xanh tròn như chiếc ô lớn hiện ra trước mắt chàng. Từng chùm hoa vàng như nắng thơm ngát. Có đôi bướm trắng rập rờn quanh những chùm hoa ấy. Dưới bóng hoè, một giai nhân thơ thẩn. Trông thấy chàng, giai nhân thi lễ:
- Thiếp đợi chàng mấy năm rồi, sao hôm nay chàng mới tới?
Phạm Vũ Long lấy làm lạ. "Ta chưa gặp nàng lần nào thì có đâu hẹn hò để nàng đợi…" Chàng đứng ngẩn ra một lúc rồi hỏi:
- Nàng đợi ta thật sao? Ta đã gặp nàng lần nào đâu?
- Vậy mà thiếp gặp chàng rồi đấy.
- Nằng gặp ta ở đâu?
- Gặp trong mơ …
- Mơ là chuyện hão huyền mà nàng cũng tin sao?
- Không tin không được. Vì thiếp không chỉ gặp chàng một lần. Mấy lần, thiếp mơ gặp chàng. Chàng còn nói, thiếp và chàng có nhân duyên. Rồi chàng hẹn đến thăm thiếp, chàng quên rồi chăng?
Tờ mờ sáng, một người đàn bà đi chợ sớm thấy một trai tráng tựa vào gốc gạo ngủ bèn lay hỏi:
- Này anh này, nhà cửa ở đâu mà lại ra đây ngủ?
Phạm Vũ Long bừng thức. Chàng không thấy cây hoè đâu cả, cũng không thấy bóng giai nhân. Hoá ra là chàng đã thiếp đi. Vậy là những gì chàng vừa chứng kiến chỉ là mơ.
- Cãi nhau với vợ hay sao mà lại ngủ ở đây?
- Thưa bà, tôi đi tìm một lương y.
- Làng này làm gì có lương y lương eo nào mà tìm.
- Tôi đi tìm nhà bà già ốm sắp chết mà lại được một lương y cứu thoát.
- Bà già ấy tên là gì?
- Tôi cũng không nhớ nữa, chỉ biết là bà ấy đã sắp chết mà lại được lương y chữa cho khỏi bệnh.
Người đàn bà suy nghĩ khá lâu rồi nói:
- Tôi nhớ ra rồi, bà Nhu.
- Thưa bà, nhà bà Nhu ở chỗ nào, bà chỉ giùm tôi.
- Kia kìa, cái nhà có cây hoè rõ to ở ngõ ấy.
Phạm Vũ Long cảm ơn người đàn bà rồi bước tới phía cây hoè bóng xanh ngăn ngắt. Chàng dừng chân nhìn xuyên qua cánh cổng tre vào nhà thấy một thiếu nữ đang quét sân. Chàng bèn hỏi:
- Nàng làm ơn cho tôi hỏi, đây có phải là nhà bà Nhu không?
Thiếu nữ không đáp mà lại quăng chổi tre vào góc hè rồi đi vào nhà. Một lúc lâu sau, bà già bước ra hỏi:
- Ai có việc gì mà chưa bảnh mắt đã hỏi già này?
- Thưa, cháu có chút việc nên đến quấy quả bà sớm. Bà thứ lỗi cho.
Bà già quay vào gọi:
- Hương! Cháu ra mở cổng mời khách.
Thiếu nữ ban nãy quét sân bước ra mở cổng. Phạm Vũ Long cất lời chào. Thiếu nữ không đáp mà chỉ khẽ cúi đầu rồi đứng nép về một bên nhường lối đi cho chàng. Chàng vào tới sân, cửa chính của căn nhà nhỏ nhắn đã mở sẵn. Bà già mời. Phạm Vũ Long nhẹ bước bước vào nhà. Sau khi chủ khách đã phân ngôi, chàng thi lễ:
- Thưa, bà có phải là bà Nhu không ạ?
- Lão là Bà Nhu.
- Vậy thì cháu phiền bà một việc
Bà Nhu găm mắt vào Phạm Vũ Long một lúc rồi hỏi:
- Cậu tên gì, là quan hay là dân?
- Thưa, cháu tên là Long. Nếu là quan, cháu không tới đây một mình.
- Là quan, khi cần quan cũng lén lút đấy cậu ạ. Vậy cậu là gì?
- Cháu là một nho sinh.
- Già cũng đoán như vậy. Là quan, già này kiếu ngay. Cậu cần già việc gì?
- Cháu tìm lương y Hiếu
- Thế à? Hương, pha trà cháu. Cậu là thế nào với lương y Hiếu?
- Cháu là người nhà của con bệnh nặng tìm lương y Hiếu để con bệnh được sống.
- Tôi tưởng cậu là con của ông Hiếu. Người dưng mà sao giống ông ấy thế.
Phạm Vũ Long thầm khen "Bà già này nhận diện giỏi". Vừa lúc đó, cô gái có tên là Hương mang trà lên. Chao ơi, ở chốn xóm quê bùn đất mà sao lại có một thanh nữ dáng vẻ như hoa? Chàng chợt nhớ đến giấc mộng. … Đúng rồi! Cây hoè và giai nhân. Kỳ lạ thật! Chàng khẽ thở dài nâng chén trà nhấp rồi hỏi:
- Có phải lương y Hiếu đã chữa bệnh cho bà?
- Ông ấy là ân nhân của tôi đấy.
- Bà có biết lương y Hiếu bây giờ ở đâu không?
- Nghe nói, lương y đang ở mạn bể.
- Thế này không phải, ban nãy bà nói: "Là quan, già này kiếu ngay". Vậy có lẽ một vị quan nào đó đã gây cho bà chuyện rắc rối.
- Tôi đoán cậu có mối quan hệ thân thiết với lương y. Hơn nữa, tôi trông cậu hiền lành nên không dấu làm gì. Con cháu vừa dâng trà lên mang vạ do quan triều đình đấy.
- Bà ạ, cháu cũng không dấu bà nữa. Cháu là cháu của lương y Hiếu. Bà có thể kể cho cháu nghe chuyện của cô nhà được không?
Bà Nhu vui hẳn lên:
- Tôi biết mà, trông cậu giống ông Hiếu lắm. Chuyện của cháu là thế này. Nó khổ vì có nhan sắc. Quan triều đình tuyển nó vào cung. Nghe người ta nói, con gái vào cung là vào nhà tù, chỉ chuyện ghen ghét cũng đủ chết. Nó sợ quá bỏ nhà trốn tới đây. Lúc nó khốn khó nhất thì gặp tôi. Tôi không chồng không con nên cưu mang nó. Nhà nó cách đây mươi ngày đường mà không dám về. Năm kia, lương y ở đây gần một tháng chữa bệnh cho tôi. Qúy nó, lương y dậy nó được khối chữ. Nó hiền lành sáng dạ lắm.
- Thưa bà, năm nay cô nhà bao nhiêu tuổi.
- Năm nay cháu nó mười chín.
- Thế cô nhà đã…
- Nhiều người cầu hôn nhưng nó ngoảnh đi cả. Tôi thật có phúc nên đã gặp nó.
Từ ngày lớn lên, Phạm Vũ Long chưa xôn xao với một nụ cười nào. Vậy mà hôm nay, chàng lại xao xuyến với cô gái bất hạnh mới gặp lần đầu. Nhưng tiếng gọi phía trước may ra gặp cha và em không cho chàng nấn ná. Phạm Vũ Long bèn cáo biệt bà Nhu. Dẫu cất bước nhưng chân dùng dằng, chàng quay lại thấy cô gái đang trông theo…
Phạm Vũ Long tìm đến xóm chài nơi cha đã chặn đứng bệnh dịch tả. Rủi cho chàng, cha và em đã rời xóm chài hơn một năm. Chàng buồn đến cồn cào ruột gan. Điều an ủi chàng là mấy năm qua cha và em chưa gặp điều gì xấu. Nhưng từ ngày rời xóm chài ra đi, cha chàng có gặp rủi ro gì không? Cuộc hành trình tìm cha của Phạm Vũ Long đã qua hơn sáu tháng. Tiền nong sắp cạn, mẫu thân mong chàng từng ngày… Vậy là chàng tạm quay về. Chàng ghé qua nhà bà Nhu gửi cho cha một lá thư dán kín với hy vọng mong manh cha sẽ đi qua nơi đó.
Khi Phạm Vũ Long quay lại nhà bà Nhu, cô gái có họ tên là Trần Thị Hương - nghĩa tôn của bà Nhu không có nhà. Giấc mơ bên gốc gạo lại hiện về …  Một nỗi buồn xanh xao xâm chiếm lòng Phạm Vũ Long. Bóng hình mặt ngọc cứ mờ tỏ trong chàng. Chờ thì bất tiện, đi thì vấn vương, chàng bèn gặp giai nhân qua ngòi bút. Phạm Vũ Long nâng bút mà tứ thơ không đến. Chợt chàng nhìn ra ngõ, sắc hoè xanh đã cho chàng cảm hứng:
Một sắc hoè xanh lồng sắc liễu
Một mái tranh xờn mấy nắng mưa
Một bóng âm thầm nương xóm vắng
Một kẻ tha hương gió liễu đùa.
Vốn liếng chữ nghĩa của bà Nhu lõm bõm nên không hiểu ý của bốn câu thơ một cách tường tận. Nhưng bằng sự từng trải, bà cảm nhận được là cháu vị lương y có tình với cháu bà. Bà mừng lắm.
Bài thơ đến tay Trần Thị Hương thì bóng Phạm Vũ Long đã mờ khuất phía trời xa! Trần Thị Hương hỏi lòng: "Có thật chàng thương em? Bao giờ, bao giờ chàng trở lại?". Lúc ấy, trên con đường gồ ghề, gió bụi giăng giăng, Phạm Vũ Long cứ vấp hoài…
Phạm Vũ Long quay về chùa thăm mẹ rồi lên kinh gặp Hoàng thượng. Hoàng thượng nói: "Chim trời, cá nước biết đâu mà tìm, có duyên không tìm cũng gặp. Trẫm sẽ cho ngươi thỏa ước nguyện. Bây giờ, ta giao ngươi việc này: Ngươi đọc lại Bách Khoa Thư, chỗ được chỗ chưa được ghi chép cẩn thận. Ăn nghỉ của ngươi có người lo rồi. Ngươi không được ra khỏi cung. Người hiểu ý ta chứ? "Phạm Vũ Long quỳ xuống đáp. "Thần tuân chỉ".