Chương 14

Mấy năm lặn lội, qua hàng nghìn dặm đường hết nơi này lai nơi khác, ngài Tri huyện đến một làng quần cư của dân miền xuôi và dân miền núi. Một hôm, ngài Tri huyện vào trọ ở một nhà mà chủ của ngôi nhà ấy mới thoát chết. Qua một vài câu chuyện, ngài Tri huyện được biết chủ nhà ốm hàng năm, tốn nhiều tiền của thuốc gì cũng không khỏi. Cuối cùng nhờ thuốc của một "bà Tiên", bệnh lui ngay mà không hết mấy tiền bạc. Một linh cảm vụt lên, ngài Tri huyện hỏi chủ nhà:
- Thưa ông, "bà Tiên" ấy cách đây gần hay xa?
Chủ nhà đáp:
- Tôi cũng chưa gặp bà ấy mà cái người quen cho tôi ba chén thuốc biết bà ấy. Do tôi nghi ngại nên ba chén thuốc cứ treo ở trong buồng hàng tháng. Cái người quen đã cho thuốc thấy bệnh của tôi  không giảm mà còn tăng lấy làm lạ bèn hỏi: "Bác đã uống thuốc chưa?"Tôi phải nói thật: "Tôi cảm ơn lòng tốt của bác nhưng không dám uống." Người quen của tôi cười: "Tôi thấy bắc sắp chết nên cứu bác, bác nghi ngờ thì cho tôi xin lại." Lúc ấy tôi phải xin lỗi người đã cho tôi ba chén thuốc rồi sắc thuốc uống. Quả nhiên ba chén ấy là thần dược.
Ngài Tri huyện thoáng vẻ suy  tư rồi nói:
- Ba chén thuốc vu vơ mà đuổi được bệnh nặng liệu có là chuyện huyễn hoặc không ông?
Chủ nhà liền cắt nghĩa:
- Không vu vơ chút nào cả. Ông quen tôi cũng làm thuốc nhưng chưa cao tay. Một lần, sau khi xem mạch cho tôi, ông ấy nói: "Tài tôi không chữa được bệnh này. Nhưng tôi sẽ giúp bác..." Chừng mươi ngày sau, ông ấy cho tôi ba chén thuốc. Khi khỏi bệnh rồi tôi muốn tìm thần y đó để cảm ơn. Người quen  của tôi nói: "Đó là thuốc của một bà Tiên, gặp bà ấy khó lắm."
"Gặp bà ấy khó lắm." Làm thuốc cứu người sao lại khó gặp? Ngài suy đoán: "Có thể lắm … Khó gặp thì ta sẽ có cách". Ngài Tri huyện bèn nói với chủ nhà:
- Tôi nhờ ông nói với người quen giúp tôi mấy chén thuốc được không?
Ông chủ nhà cười đáp:
- Nào có khó gì đâu. Nếu ông có chữ ông cứ kể bệnh ra giấy, mươi ngày sau là ông có thuốc.
Cứ như ông chủ nhà nói thì việc tìm "bà Tiên" thuận lợi hơn ngài Tri huyện tính toán. Ngài Tri huyện mừng rỡ:
- Thế thì phúc cho tôi quá!
Một tờ khai bệnh có một không hai trên đời hiện ra trên giấy:
Bệnh tự hồi gia
Tải lục niên dư
Đông tây nam bắc
Phong trần tầm sư
Dưỡng hoa tiểu nữ...
Hộ quốc lương thần....
Tầm sư bất kiến
Khổ dạ thống tâm.
Tạm dịch:
Bệnh từ ngày về nhà
Đã hơn sáu năm rồi
Trải đông tây nam bắc
Vất vả để tìm thầy
Như thiếu nữ vun hoa
Như trung thần giúp nước
Tìm người mà không gặp
Nên dạ đớn lòng đau!
Tờ khai bệnh được ông chủ nhà mang đi kèm theo một số tiền đủ mua thuốc do ngài Tri huyện mở hầu bao. Đêm ngày, ngài Tri huyện thấp thỏm...
Hai bác tiều phu đỡ đần bà Dưỡng Phụng việc chữa bệnh cứu người, một bác sáng dạ nên học được nghề. Bà Dưỡng Phụng bèn giao cho bác tiều phu ấy thay bà tiếp người bệnh. Trừ những ca rất khó, bác tiều phu không chẩn trị được mới mời bà  Dưỡng Phụng ra nhà trực gần ngã ba đường xem bệnh. Từ đó, người bệnh gặp bà Dưỡng Phụng quả là rất khó.
Một hôm, bác tiều phu tiếp một con bệnh qua giấy. Bác không biết chữ phải nhờ người đọc. Bác nghe đi nghe lại nhưng chẳng hiểu gì cả. Không còn cách nào khác, bác phải đưa cho bà Dưỡng Phụng. Mở tờ giấy ra, bà Dưỡng Phụng run lên. Tờ khai bệnh thực chất là một bài thơ bóng bẩy, sâu sắc kể bệnh nhưng không phải là bệnh mà nói đến vụ biến động triều đình mấy năm trước khi thân phụ bà đã cáo quan. Cũng từ đó, thân phụ bà dẫm dãi gió sương đi khắp đông tây nam bắc tìm bà.
Hai câu:
Dưỡng hoa tiểu nữ
Hộ quốc lương thần
Theo nghĩa đen ngưòi bệnh mong gặp thày gặp thuốcvới thái độ trân trọng như thiếu nữ nâng niu bông hoa, như một ông quan hết lòng vì Vua. Nhưng chủ ý của ngài Tri huyện nhắc đôi câu đối:
Dưỡng hoa tiểu nữ như xuân vũ
Hộ quốc lương thần tỷ nguyệt quang
mà bà đã đọc cho thân phụ nghe ngày trước, nhân con gái quan Tổng đốc tưới hoa. Mỗi vế câu đối, thân phụ bà Dưỡng Phụng chỉ dùng có bốn chữ đầu khéo léo lồng vào bài thơ tứ ngôn. Đó là dấu hiệu để bà biết người viết thư cho mình là bố chứ không phải là người khác.
Hai câu cuối
Tầm sư bất kiến
Khổ dạ thống tâm
Nghĩa đen là người bệnh tìm mãi mà không gặp được thầy thuốc nên buồn rầu lắm. Với bà Dưỡng Phụng, bà lại hiểu nghĩa bóng: Bố đi tìm con nhưng không gặp con nên bố rất đau lòng. Trong trường hợp tờ khai bệnh này vào tay kẻ ác, ngài Tri huyện cũng không hề gì.
Đọc "tờ khai bệnh" của bố, bà Dưỡng Phụng thấy bố thận trọng hết mức. Nếu không có hai câu: "Dưỡng hoa xuân nữ... Hộ quốc lương thần..." con gái có thể nghi là người khác viết giả chữ bố. Nhưng đã có hai câu ấy, con gái không thể không tin. Qua việc này Dưỡng Phụng thấy, có lẽ bà rất thận trọng nên thân phụ của bà không thể không cân nhắc. Đến lượt bà Dưỡng Phụng phải báo cho bố biết. Bà nói với bác tiều phu:
- Con bệnh này nghe ra có vẻ bình thường nhưng bệnh đã vào lục phủ ngũ tạng, không cầm mạch không cắt được thuốc. Vậy tôi viết mấy chữ, bác cầm ra rồi mời người bệnh vào.
Bà Dưỡng Phụng viết như sau:
Vi sư tế thế
Vạn sự khốn nan
Tâm như xuân vũ
Đức tỷ nguyệt quang
Kim nhật tương kiến
Minh thiên thâm đàm
Tri danh bất hoán
Kiến diện bàng quan
Tạm dịch:
Làm thày thuốc cứu đời
Vạn sự đều khó cả
Lòng phải như mưa xuân
Đức phải như trăng sáng
Hôm nay mới gặp mặt
Ngày mai hãy luận bàn
Biết tên cũng đừng gọi
Gặp mặt đừng vui buồn.
Người quen của ông chủ dẫn bác tiều phu tới gặp người "mua thuốc". Gặp ngài Tri huyện, bác tiều phu nói:
- Bà chủ tôi nói rằng, bệnh của ông đã vào phủ tạng. Bà chủ tôi có viết cho ông mấy chữ. Đây ông xem đi. Nếu ông muốn mua thuốc thì theo tôi vào để bà chủ xem mạch.
Trống ngực ngài Tri huyện đập dồn. Mở thư, nét chữ thân quen hiện lên. Ngài mừng đến phát khóc dù ngài đã gần lục tuần. Cố nén xúc động để sắc mặt bình thường, ngài dán mặt vào thư. Đây rồi:
Tâm như xuân vũ
Đức tỷ nguyệt quang
Câu trên bỏ chữ "Tâm", câu dưới bỏ chữ "Đức", phần còn lại là chữ của câu đối. Trong thư ngài Tri huyện gửi đi có hai câu thơ bốn chữ. Bốn chữ của mỗi câu thơ đó là bốn chữ đầu của mỗi câu đối. Khi đọc tờ kê bệnh của ông, con gái đã nhận ra nên con gái đã dùng ba chữ còn lại của mỗi câu lồng vào thơ để trả lời. Đó là cách để cho ngài Tri huyện nhận ra người viết thư là ai.
Bốn câu còn lại:
Kim nhật tương kiến
Minh thiên thâm đàm
Tri danh bất hoán
Kiến diện bàng quan
là con gái ngài Tri huyện có ý nói với bố khi gặp gỡ đừng gọi tên con, trông thấy con phải coi con như người lạ. Hôm nay, bố đừng hỏi han gì ngoài chuyện bệnh tật, có bàn chuyện gì thì để đến đêm hoặc hôm sau hãy bàn.
Sự thận trọng của con gái ngài Tri huyện không hề thừa. Cả nhà cùng phải chạy trốn, sơ sảy một chút có thể hậu quả khôn lường.
Theo bác tiều phu, ngài Tri huyện và Mạc đi gặp danh y để mua thuốc quý. Ba người, mỗi người một tâm trạng khác nhau. Bác tiều phu không hiểu vì sao bà Dưỡng Phụng lại coi trọng người bệnh này đến thế. Việc chủ nhân của bác viết thư mời bệnh nhân vào nơi bà ở để xem mạch, bốc thuốc chưa bao giờ xảy ra. Để xem, ông già này mắc bệnh gì? Mạc thì nghĩ, ông chủ của mình nghề thuốc rất giỏi. Vậy tại sao lại phải nhờ cái bà ở đẩu ở đâu, mà chủ nhân mua thuốc cho ai nhỉ? Ngài Tri huyện thì cồn cào ruột gan. Hơn mấy năm rồi kể từ ngày hai nhà bị nạn, ngài dấn thân vào sương gió. Vất vả, gian nan, ngài đều xem nhẹ. Điều ngài quan tâm hơn hết là Thục Trâm có gặp rủi ro không. Nếu không rủi ro gì, con gái ngài sống ra sao. Số tiền không nhiều ông dành cho con chắc đã cạn lâu rồi. Con gái ngài và tiểu thư con quan Tổng đốc sinh nhai thế nào? Bao nhiêu câu hỏi hiện lên trong đầu vị quan bất đắc chí bỗng dưng mang hoạ. Ngài muốn những câu hỏi ấy phải được giải đáp ngay. Khổ thay, con đường dẫn tới nơi con gái ở cứ dài hun hút. Ngài sốt ruột hỏi bác tiều phu đi tới làng nào, tổng nào, còn bao xa? Bác tiều phu thản nhiên nói: "Cứ đi khắc đến."
Ba người đã qua hai ngày guồng chân trên con đường hai bên là những vạt rừng lúp xúp. Ngày thứ ba, họ xoạc chân trên con đường đầy bóng rừng già. Mặt trời đứng bóng, ba người dẽ vào con đường mòn. Đi chừng bốn dặm trên con đường ấy rồi dẽ sang trái, một mái nhà tranh giữa một vùng đồi rộng hiện ra trước mặt. Ngài Tri huyện đã thấy một người đứng trước nhà. Có lẽ đó là con gái. Chắc là con ngài cũng như ngài, ruột gan cồn cào nhưng lại làm ra vẻ thản nhiên. Vượt qua hai cái cổng đã mở sẵn, ngài Tri huyện trông rõ con và con ngài cũng trông rõ ngài. Nhưng con gái ngài lại lững thững bước vào nhà. Thục Trâm đã cố ý coi bố như người khách lạ.
Ngài Tri huyện đã dừng chân trước ngôi nhà tranh. Bác tiều phu vào nhà trước. Phóng mắt nhìn toàn cảnh nơi con gái trú chân, ngài Tri huyện tạm yên lòng, chắc chắn Thục Trâm không khổ sở lắm.
Bác tiều phu quay ra mời khách. Ngài Tri huyện nói nhỏ với Mạc:
- Ở đây toàn người lạ, con không được nói chuyện gì.
Ngài nói với bác tiều phu:
- Có chỗ nào xềnh xoàng, bác cho thằng cháu này nghỉ tạm.
Bác tiều phu dẫn Mạc đi tới một cái nhà nhỏ gần đó. Ngài Tri huyện bước vào nhà. Bà Dưỡng Phụng đứng lên chào khách:
- Ẩn nữ kính chào lão ông. Đường xá xa xôi thật vất vả cho lão ông quá.
Ngài Tri huyện đáp:
- Không dám. Lương y quá lời rồi. Mấy năm qua, tôi mòn gót đường trần nào quản gì. Trời độ nên tôi tìm thấy người cần phải tìm. Miễn sao khỏi bệnh là tôi thoả lòng.
Mắt bà Dưỡng Phụng anh ánh nước. Bà quay vào phía sau lén lau rồi cất tiếng gọi:
- ẩn Phụng đâu mau ra pha trà mời khách.
Ngài Tri huyện và Kim Phụng biết tiếng nhau nhưng chưa gặp nhau. Ngài tự hỏi: " ẩn Phụng có phải là Kim Phụng không?" ẩn Phụng bước ra thi lễ rồi lặng lẽ pha trà mời khách. Bác tiều phu cũng đã quay lại. Bà Dưỡng Phụng nói với bác tiều phu:
- Bác và ẩn Phụng vào vườn lấy cho tôi chút phấn hoa dưỡng tâm. Bệnh của lão đây cần loại phấn hoa đó.
Bác tiều phu và ẩn Phụng bước ra vườn phía sau nhà. Bà Dưỡng Phụng đã dùng kế "điệu hồ ly sơn"…. Khi hai người đã lọt vào vườn thuốc, trong nhà chỉ còn có hai bố con, những điều Thục Trâm lo xa đã bị loại trừ. Quỳ trước bố, Thục Trâm khóc:
- Bố tha lỗi cho con. Vì con mà bố vất vả. Mẹ con và hai em thế nào rồi?
Giọt lệ như sương loang mi Ngài tri huyện. Ngài cúi xuống đỡ con dậy rồi đáp:
- Mẹ và em trai lớn của con đã yên ổn ở một nơi rồi. Em út của con đi với bố. Nhưng em con có việc nên phải dừng lại  ở dọc đường.
Thục Trâm lại hỏi:
- Thế còn cậu bé đi với bố là ai?
Ngài Tri huyện đáp:
- Đó là một đứa trẻ cũng phải trốn tội. Nó theo bố học nghề thuốc.
- Con nay mang tên là Dưỡng Phụng, Kim Phụng mang tên là ẩn Phụng. Ngoài ẩn Phụng ra còn có hai bác tiều phu hay lui tới. Bố cứ làm như người đến mua thuốc kể cả với ẩn Phụng. Đêm nay, con sẽ cho ẩn Phụng ngủ rất say. Có gì cần nói, đêm nay bố hãy nói.
Chừng như vẫn chưa nói hết, Thục Trâm nói thêm:
- Hai bác tiều phu rất tốt nhưng hai bác ấy luôn tiếp xúc với nhiều người mua thuốc. Nếu hai bác ấy biết quan hệ của bố với con sẽ không có lợi chút nào. Vô tình hai bác ấy rỉ răng với khách, hậu quả khôn lường.
Bỗng bác tiều phu khác vào lấy thuốc. Hai bố con ngài Tri huyện phải trở lại với vai kịch bất đắc dĩ.
Đêm ấy, Thục Trâm cho Kim Phụng uống một bát thuốc nên Kim Phụng ngủ rất sâu nhưng không có hại đến sức khoẻ. Hai bố con ngài Tri huyện ngồi trong gian nhà mà Kim Phụng dùng để bàn thờ hai nhà. Thục Trâm hỏi bố những gì đã xảy ra sau khi Thục Trâm về thăm nhà. Ngài Tri huyện đáp:
- Sau khi quan Ngự sử và quan Tổng đốc bị bắt, tay chân của Tổng quản thị vệ dẫn lính ập đến nhà bắt con để tìm ra Kim Phụng. Nhưng con không về nhà nên chúng doạ nếu bố không tìm con về chúng sẽ không để nhà ta yên. May sao, ngày hôm sau giữa ban ngày, đức Vua triều trước hiển linh báo cho bố biết. Ngài nói: "Con gái ngươi đã dẫn ái nữ của quan Tổng đốc đi trốn. Đó là mối nguy của bọn gian ác. Sớm muộn chúng cũng không để ngươi yên. Ngươi phải tính kế cho vẹn toàn để giữ người hương khói và may ra sau này con trai người có thể giúp Vua tạo phúc cho dân." Vậy là hôm sau, bố cho mẹ con và em trai lớn của con đến một nơi xa ẩn thân. Bố thì dẫn em trai út của con chạy nạn và tìm con.
Thục Trâm thốt lên:
- Đức Tiên Vương thật anh linh. Nếu ngài không hiện về báo cho bố biết chắc là bố gặp hoạ rồi.
- Trông mặt bố thế này chắc con hiểu vì sao rồi. Mẹ và các em đều phải thế.
Thục Trâm than thở:
- Ai muốn làm bộ mặt giời cho xấu đi đâu! Vậy mà lại phải làm...
- Dọc đường bố chứng kiến bao cảnh đau thương do bọn quan tham, bọn giầu có tàn ác gây nên. Nhưng giữa bao bọn tham lam, tàn bạo vẫn có những tấm lòng vàng như vợ chồng ông lão đánh cá, như ông Thuận. Những con người nghèo khổ ấy lại dang tay đỡ những cuộc đời vất vưởng, lang thang không nơi nương tựa.
Ngài Tri huyện đã kể lại cuộc gặp gỡ hai cuộc đời khốn khó là Cu nhớn, Cu con tức là Mộc và Mạc. Mộc đã định giết Tể tướng cùng Tổng quản thị vệ để trả thù cho công tử con trai quan Ngự sử ra sao. Ngài lại kể cuộc gặp Oanh Nhi và rút ra tờ giấy được coi như báu vật đưa cho Thục Trâm và nói:
- Đây là tờ giấy Tể tướng tập viết giả chữ của quan Tổng đốc trước khi viết thêm bốn chữ "phản nghịch" vào thư của quan Tổng đốc gửi quan Ngự sử. Tờ giấy này Oanh Nhi nhặt được. Nó là vật chứng buộc tội Tể tướng. Con thấy nên làm như thế nào?
Suy nghĩ một lúc lâu, Thục Trâm đáp:
- Thưa bố, nếu Oanh Nhi đứng ra tố cáo hoặc đứng ra nhận là đã nhặt được tờ giấy đó tại nơi làm việc của Tể tướng thì việc buộc tội lão quan gian giảo, tàn ác không khó. Nhưng nếu Oanh Nhi phủi tay không nhận là đã nhặt được tờ giấy đó để giữ mạng sống cho đứa con thì việc sẽ trở nên khó khăn vầ rất nguy hiểm cho người đứng ra tố cáo, trừ khi  đấng Vua anh minh chỉ dựa vào nét chữ.
Ngài Tri huyện lặng đi một lúc lâu rồi lại hỏi con gái:
- Chẳng lẽ ta lại buông tay để hai nhà chết oan, để cho gian thần lộng hành?
Thục Trâm đỡ lời cha:
- Con đã ẩn thân ở đây cưu mang Kim Phụng thì con không ngoảnh mặt bỏ qua tội ác. Có điều phải suy nghĩ thế nào để phép Vua chỉ trừng trị những kẻ chủ mưu, còn những người ngay lành trong nhà họ tránh được lưỡi gươm oan nghiệt.
Thục Trâm dừng lại suy nghĩ giây lát rồi nói tiếp:
- Phải bàn được với Oanh Nhi đã rồi mới nghĩ cách tiến hành.
- Bố sẽ đưa Oanh Nhi về cách đây vài chục dặm. Con ra đó cùng bàn được không?
Thục Trâm đáp:
- Thế là tiện đấy bố ạ. Con lại được gặp em con.
Gần một tháng sau, tại một khu rừng già, cuộc "hội kín" giữa bố con ngài Tri huyện và Oanh Nhi diễn ra. Trong trang phục người miền núi, với ánh mắt u uất, Thục Trâm nói với Oanh Nhi:
- Hạnh ngộ, tôi gặp được lương y đây. Giời xui hay sao ấy, tôi kể chuyện tủi nhục của tôi cho lương y nghe. Lương y đã an ủi tôi: "Không chỉ có bà khổ vì quan Tể tướng". Rồi lương y đã kể nỗi tủi nhục của nàng cho tôi nghe. Thì ra Tể tướng đã gây hoạ cho bao nhiêu nhà. Hai vị lương thần cùng thân quyến đều chết bởi nét bút giả dối của viên quan tàn bạo ấy. Không thể để ông ta ngồi lên đầu dân lành. Tôi muốn rửa hận nhưng trong tay không có gì. Nàng có dám đứng ra làm chứng đã nhặt được tờ giấy gian trá tại nơi làm việc của Tể tướng không?
Oanh Nhi rất bất ngờ. Thì ra người ngồi trước mắt mình cũng là nạn nhân do Tể tướng gây ra. Oanh Nhi nói:
- Tôi dám chứ. Cách nay chừng một tháng, Tổng đốc từ trên giời báo cho tôi và ngài đã xui lương y đến cứu con tôi. Vậy tôi phải đền ơn ngài ấy và rửa nhục cho tôi chứ.
- Nàng không sợ con trai gặp hoạ hay sao?
Oanh Nhi đáp:
- Mẹ mà không thương con thì không gọi là mẹ. Nhưng nếu tôi cúi đầu chịu nhục, lớn lên con tôi nhìn tôi thế nào đây. Tôi không tố cáo tội ác vậy là tôi tiếp tay cho kẻ giết người. Còn con tôi, tôi tin là Giời, Phật sẽ che chở.
Thục Trâm hỏi thêm:
- Nàng có biết chữ không?
- Mấy năm ở trong dinh quan, tôi có học được dăm bảy chữ.
Thục Trâm mừng lắm nhưng nét mặt làm ra vẻ phẫn uất.
- Phải làm thôi nàng ạ. Làm để cho ông ta biết đàn bà cũng là người chứ không phải mảnh giẻ để ông ta lau chân rồi ném đi.
Thục Trâm  đưa cho Oanh Nhi tờ giấy nói:
- Mọi việc tôi và nàng cậy cả vào lương y. Nàng chỉ cho vài chữ. Tôi và lương y sẽ tìm mọi cách bảo vệ con nàng. Thằng bé ấy có một phần cốt nhục của kẻ ác nhưng nó lớn lên bên người mẹ hiền lành chắc nó sẽ thành người lương thiện.
Oanh Nhi hỏi:
- Viết gì đây?
Thục Trâm ngẫm nghĩ rồi bày cho Oanh Nhi:
- Viết thế này: "Tôi nhặt được tờ giấy này tại thư phòng của quan Tể tướng", ghi ngày, tháng, năm nhặt được. Nếu quên ngày thì ghi tháng, năm cũng được rồi ký tên vào.
Oanh Nhi nói ngay:
- Tôi quên sao được. Ngày ấy, tôi coi tờ giấy này như của quý nên tôi cất kỹ chứ có nghĩ đến ngày hôm nay lại như thế này.
Giữa rừng không lấy đâu ra bút mực, Thục Trâm bèn ra xung quanh đó tìm loại dây leo có nhựa màu sẫm để viết. Nhưng quanh đó chỉ có bóng cổ thụ. Loay hoay mãi, Oanh Nhi bèn cắn ngón tay trỏ lấy máu viết vào giấy đúng như Thục Trâm bày cho. Xong việc, Thục Trâm ra một vạt rừng gần đó gặp em trai út rồi cùng ngài Tri huyện trở lại nơi ở của Thục Trâm. Em trai út của Thục Trâm đưa Oanh Nhi về bến đò. Nơi đó có một giọt máu đối với nàng không biết là phúc hay là tội.