Chương 18

Cậu út chia tay cha ở bến đò băng ngay về báo tin vui cho chị. Thục Trâm vui tới bàng hoàng. Chẳng những mẹ và em vô sự mà Phạm Vũ Long còn đỗ Cử nhân. Hơn mười năm lo ngày lo đêm, hôm ấy Thục Trâm mới cất đi được gánh nặng. Nhưng biết cha đã lên kinh, bà Thục Trâm không khỏi không băn khoăn. Bỗng Mạc từ kinh thành hớt hải về báo ngài Tri huyện và Oanh Nhi đã bị Hoàng thượng ra lệnh tống giam. Thục Trâm ngẩn người ra một lúc rồi nói với em trai:
- Cậu lên ngay kinh thành nghe ngóng xem lành dữ thế nào.
Cậu út thương bố khóc rưng rức. Thục Trâm bèn khuyên:
- Cậu không phải khóc. Dù bố bị giam nhưng có lẽ không nguy hiểm lắm đâu. Cậu đi nhanh nhanh lên rồi quay về ngay đấy.
Cậu út đi chưa về thì Phạm Vũ Long đã đến chỗ Thục Trâm. Chị em tay bắt mặt mừng. Thục Trâm càng vui hơn khi biết rằng nhà Vua giam cha cốt là bảo vệ tính mạng cho cha. Vậy là suy nghĩ của Thục Trâm đã đúng.
Việc nhà Vua đưa bố và Oanh Nhi vào khám để giữ bí mật và bảo vệ sự an toàn cho hai người chứng tỏ nhà Vua đang chuẩn bị cho một việc động trời. Suy nghĩ như vậy, Thục Trâm nói:
- Có lẽ dông gió sắp nổi lên. Bố mẹ và hai cậu không phải chui lủi nữa. Còn chị, chị muốn trở về ngay để phụng dưỡng bố mẹ. Nhưng còn giọt máu duy nhất của Tướng công Hoàng Kiến Nghiệp chị đã coi như con. Tính mạng của Kim Phụng vẫn còn bị đe doạ nên chị chưa thể bỏ đi dù một ngày. Không chăm lo được cho bố mẹ là nỗi khổ tâm của chị. Bố mẹ giờ như giọt sương dưới nắng. Chẳng bao lâu nữa, giọt sương sẽ hoá thành mây gió. Một giọt máu chia ba nhưng chị đành là đứa con bất hiếu. Chị cậy nhờ cậu chăm lo cho bố mẹ chu đáo. Làm được điều đó, ấy là cậu thương chị rồi.
Những lời của chị gái khiến Phạm Vũ Long rơi nước mắt. Chàng đáp:
- Chị không phải nói nữa. Giá ông Tú còn thì chị đến nỗi não. Tài hoa như chị mà phải long đong. Ông trời thật không công bằng. Nhưng có lẽ vì ông trời cho chị tài hoa nên đã bớt đi của chị phần êm ấm. Còn về bố mẹ, chị không phải lo. Đứng trong trời đất, sức dài vai rộng, chữ hiếu mà không tròn thì có đáng làm người hay không?
Hai chị em hàn huyên hơn mười ngày mà chuyện tưởng không bao giờ dứt. Chợt nhớ lời nhà Vua dặn, Phạm Vũ Long cáo biệt chị.
Chàng cất bước mà chân dùng dằng. Mấy lần chàng ngoảnh lại, chị vẫn đứng trông theo. Cuối cùng, chàng phải dằn lòng dấn bước. Một dáng liễu vẫy gọi. Phạm Vũ Long băng về nhà bà Nhu. Giấc mơ đêm ấy cứ chập chờn trong tâm thức của một Cử nhân đa tình. Tới nơi, chàng rụng rời chân tay. Người ngọc không còn nữa. Bà Nhu kể lại biến cố thảm thương dẫn đến Trần Thị Hương phải quyên sinh. Kẻ gây ra chuyện thương tâm ấy chính là Tổng quản thị vệ. Hoá ra quan lại mà tham lam, tàn ác thì hoạ quan không kém gì hoạ giặc. Rốt cuộc, dân lành là cực khổ nhất, thời nào cũng khổ.
Phạm Vũ Long đứt từng khúc ruột, thơ thẩn như người mất hồn. Cây hoè xanh vẫn còn đó, giấc mơ tiên trước lúc chàng đến nhà bà Nhu vẫn rộn ràng trong tâm thức nhưng người năm trưóc thì đã khuất. Bị bán vào lầu xanh rồi, Thị Hương vẫn giữ băng trinh cho người nàng mơ tưởng khiến Phạm Vũ Long cảm kích khôn cùng. Trên đời có mấy người chung tình như nàng? Giá đã có cheo cưới thì không nói làm gì, đằng này chàng chỉ mới tặng nàng bốn câu thơ mây gió. Phạm Vũ Long bèn tìm gặp mụ chủ chứa. Nghe lại câu chuyện buồn thương, chàng càng kính phục người con gái tha hương tài hoa, mệnh bạc. Chàng quay về nhà lấy tiền chuộc lại bài thơ rồi ra viếng mộ Trần Thị Hương. Bó hoa trắng dâng trước mộ. Một nắm trầm thơm thắp lên. Phạm Vũ Long qùy xuống. Những lời đứt lòng cất lên: "Nàng ơi! Ta gặp nàng trong giấc mơ hoè. Nếu không là thiên duyên thì mơ sao lại thành ra thật? Giữa trần gian ta mơ tưởng tương phùng nào ngờ hôm nay lại thành tương biệt! Bóng hoè vãn đó, dáng liễu nay đâu? Nàng thành hương khói, gió mây để ta đường trần lẻ bóng. Thế là âm gian, dương thế đôi nơi. Một lần tương kiến thoắt thành thiên thu. Ta chỉ còn biết đa tạ giai nhận. Nếu có luân hồi, hẹn nàng kiếp sau đáp đền tri ngộ…".
Phạm Vũ Long thắp một tuần nhang nữa rồi đọc bài thơ đã tặng nàng mà chàng mới chuộc lại. Sau đó, chàng châm lửa đốt. Bài thơ vừa cháy hết, cuồng phong bỗng nổi lên. Đó là âm dương tương cảm chăng?
Chàng quay về với đôi chân rã rời. Bóng hoè xanh và hình ảnh người ngọc cứ chập chờn hành hạ Phạm Vũ Long.
Những ngày Phạm Vũ Long đi thăm chị thì nhà Vua tuần du mấy tỉnh biên cương. Gặp các võ tướng cầm quân ở đây, Ngài vững lòng lắm… Nhưng trên đường về, ngài bị trúng phong lâm bệnh. Tể tướng bèn nghĩ ngay đến nước cờ đã ấp ủ.
Hoàng thượng có hai Hoàng tử và một công chúa. Hoàng tử trưởng hai mươi bốn tuổi. Hoàng tử thứ mười tám tuổi. Công chúa mười bốn tuổi. Nhà Vua không lập Thái tử. Bởi lập Thái tử, hoàng cung thường nảy ra chuyện rắc rối. Ngài có ý định tới một ngày nào đó, Ngài truyền ngôi ngay.
Những ngày nhà Vua ốm, Tể tướng giao cho hai ngự y mà ông ta tin tưởng nhất thường xuyên túc trực bên long sàng. Ông ta xin nhà Vua lập Thái tử. Nhà Vua hỏi:
- Trẫm có hai Hoàng tử. Ai là người xứng đáng ngồi vào Đông cung?
Tể tướng rập đầu nói:
- Tâu Thánh thượng, từ cổ chí kim việc truyền ngôi luôn luôn truyền cho Vương tử trưởng. Hoàng tử trưởng của Người nhân hậu, khoan hoà thật hợp mọi bề.
- Trẫm sẽ xem xét ý của ngươi. Cho lui.
- Đội ơn Thánh thượng.
Tể tướng ra về lòng râm ran vui. Còn Hoàng thượng, Ngài đã hiểu thâm ý của Tể tướng. Hoàng tử trưởng của Ngài đúng là khoan hoà nhưng không đủ tài cai quản sông núi. Tể tướng muốn nhà Vua lập hoàng tử trưởng làm Thái tử để ông ta yên lòng. Thái tử kế vị ngôi rồng, ông ta tha hồ khuynh loát thiên hạ. Tể tướng rất sợ Hoàng tử thứ ngôi vào Đông cung. Bởi Hoàng tử thứ là người mẫn tiệp, quyết đoán và lại không hợp với ông ta. Từ lâu, nhà Vua có ý truyền ngôi cho con thứ. Vì lẽ đó, để giữ kín ý định, Ngài bỏ ngỏ ngôi Đông cung.
Trong dự định của nhà Vua, sau khi tuần du, Ngài sẽ cất một mẻ vó. Không may, Ngài bị ốm. Đang nằm trên giường bệnh, Ngài mà ra tay thì rất nguy hiểm. Nhưng chưa ra tay, cờ phải đi nước nào đây? Nếu Ngài chẳng may… Người kế vị Ngài sẽ đối phó với Tể tướng thế nào? Nhà Vua cân nhắc kỹ càng rồi truyền Hoàng tử trưởng. Nhận được truyền chỉ, Hoàng tử trưởng vội vã vào hầu. Đuổi hết ngự y và Thái giám ra ngoài, Ngài hỏi con:
- Hoàng nhi là trưởng, tuổi đã đủ khôn. Nay mai gánh vác giang sơn, Hoàng nhi có lo lắng gì không?
Hoàng tử trưởng cung kính:
- Đội ơn Vua cha thương. Nếu Vua cha cho phép, con xin được nói ý nghĩ vụng dại của con.
Nhà Vua ôn tồn:
- Hoàng nhi là cốt nhục của ta, có gì cứ nói hết không phải e dè.
Hoàng tử cả thấy yên lòng bèn bộc bạch:
- Nếu được Vua cha truyền ngôi thì thật là ân trạch lớn đối với con. Nhưng con e không gánh vác nổi.
- Ngươi nói rõ ra xem nào.
- Thưa Vua cha, về mặt từ phú con có ít nhiều năng khiếu nhưng về trị quốc con rất kém cỏi e rằng sẽ không làm sáng Vương nghiệp của Vua cha.
Nhà Vua rất kín kẽ nên Người hỏi:
- Vâỵ ai thay Hoàng nhi giữ sông núi cho ta?
- Thưa Vua cha, Hoàng đệ của con ạ.
- Thôi được, ta sẽ suy nghĩ.
Nhà Vua nhìn chằm chằm vào con giây lát rồi nói:
- Ngươi lè lưỡi cho ta xem nào.
Hoàng tử trưởng không tin vào tai mình bèn hỏi:
- Thưa Vua cha, Người vừa nói gì ạ?
- Ngươi lè lưỡi cho ta xem.
Hoàng tử trưởng không hiểu ý Vua cha thế nào song vẫn lè lưỡi ra. Nhà Vua nhìn con nói:
- Ta gửi Hoàng nhi cái lưỡi ấy. Nếu người thứ ba biết những điều ta vừa nói với Hoàng nhi thì ta sẽ lấy cái lưỡi ta gửi. Hoàng nhi nghe rõ chưa?
- Tâu Vua cha, con hiểu rồi ạ.
Hoàng tử trưởng lui rồi, nhà Vua truyền Hoàng tử thứ. Hoàng tử thứ vào cung quỳ lạy trước Vua cha rồi hỏi:
- Tâu Vua cha, Người có điều gì răn dạy con ạ?
- Bình thân. Trẫm muốn truyền ngôi cho Hoàng nhi. Vậy Hoàng nhi thấy thế nào?
Hoàng tử thứ đáp rành rọt:
- Tâu Vua cha, được Vua cha ban ân lớn con xin đội ơn. Nhưng con e…
- Ngươi thay ta coi giữ tôn miếu còn phải e gì nữa?
- Thưa Vua cha, Hoàng huynh con tài giỏi đức độ, xin Người truyền ngôi cho Hoàng huynh. Vua cha truyền ngôi cho con e rằng nước sẽ loạn. Con không dám kháng chỉ nhưng con không thể…
Nhà Vua mừng lắm bởi hai con của Ngài không vì cái ngai vàng mà chém giết nhau. Tuy vậy, Ngài vẫn vờ sẵng giọng:
- Lạ thật! Anh không nhận, em không nhận vậy ta truyền ngôi cho ai đây?
Hoàng tử thứ cúi đầu suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Thưa Vua cha, Vua cha cho phép con đi gặp Hoàng huynh.
- Không phải đi nữa, anh con vừa ở đây. Trẫm đã hỏi anh con. Anh con nói chỉ có con mới coi giữ được giang sơn. Trẫm cũng thấy như vậy. Con còn nói gì nữa không?
Hoàng tử thứ thầm cảm ơn tấm lòng khoan dung của anh. Nhưng chàng e rằng điều này là Vua cha sắp đặt nên tâu rằng:
- Nếu Hoàng huynh có ý như vậy thì Hoàng huynh phải có chỉ thư kẻo thiên hạ cho rằng con dùng sức ép của Vua cha cướp ngôi của anh.
Nhà Vua đang nằm mà phải cố ngồi dậy nói:
- Trẫm rất mừng Hoàng nhi trí tuệ hơn người. Chỉ mấy lời nói vừa giờ thôi, Hoàng nhi cũng xứng đáng cầm quốc ấn.
Rồi ngài cười cười:
- Những điều trẫm vừa nói với Hoàng nhi, mai kia trong kinh thành có mấy người biết?
- Thưa Vua cha, độ ba, bốn người ạ.
Nhà Vua sa sầm nét mặt:
- Đó là những ai?
- Thưa Vua cha, đó là giời đất và quỷ thần ạ.
Nét mặt nhà Vua tươi tỉnh lại
- Khá! Khá lắm.
Bệnh của nhà Vua ngày càng nặng thêm. Bởi vậy, những gì cần nói, cần làm, Ngài đều bàn với Hoàng tử thứ. Riêng chiếu truyền ngôi, Ngài đã viết sẵn để một nơi chỉ có Ngài và Hoàng tử thứ biết.