Chương 19

Tể tướng chờ đợi nhà Vua lập Thái tử nhưng ông ta chờ mãi vẫn không thấy gì. Là người tinh ranh, ông ta biết nhà Vua có ý định khác. Căng đầu suy đoán, ông ta cảm thấy một điều chẳng lành đối với ông ta đã xuất hiện. Tể tướng bèn tìm cách đối phó. Trước hết, ông ta cho tất cả Ngự y vào chữa cho nhà Vua. Sau nữa, ông ta cho người theo dõi mọi động tĩnh của Hoàng tử thứ. Nếu Hoàng tử thứ ngồi vào ngai vàng thì sẽ là hoạ lớn với ông ta. Ông ta dửng dưng sao được?
Một hôm, vào lúc đêm đã rất khuya, Tể tướng còn mời một viên Thái giám đến nhà. Hai người bàn kín với nhau chuyện gì mà mãi canh ba, Thái giám mới lui gót.
Bệnh của nhà Vua bồng bềnh đã hơn một năm. Hết Ngự y này đến Ngự y khác chữa mà bệnh của Ngài lúc thăng lúc giáng rất lạ. Dưới gầm giời có thuốc gì quý, Ngự y đã dâng Ngài cả. Thuốc không chuyển, Hoàng hậu đã mời pháp sư cao tay tới cầu cúng. Kết cục, các pháp sư cũng đành bất lực.
Trong những ngày nhà Vua ốm. hai thế lực ngầm được hình thành. Một bên là Tể tướng. Một bên là Hoàng tử thứ. Hoàng tử trưởng biết là mình đang bị lợi dụng. Cũng may, Hoàng tử trưởng không hề ham quyền lực, danh vị. Vì vậy, tể tướng không thể lôi kéo Hoàng tử trưởng vào cuộc. Vị quan đầu triều thấy rằng chỉ còn một cách là vô hiệu hoá Hoàng tử thứ. Lúc ấy, dù không muốn, Hoàng tử trưởng cũng phải ngồi vào ngai vàng.
Bệnh tình của nhà Vua có chiều hướng xấu đi. Không tin vào các Ngự y nữa, Hoàng hậu bố cáo khắp thiên hạ. Ai có tài y thuật vào cung chữa cho nhà Vua.
Tin này làm cho trăm họ bàng hoàng. Nghe tin này, bà ẩn Phụng thản nhiên như không. Bởi nhà Vua thiếu gì Ngự y giỏi giang, thiếu gì thuốc quý, hoạ chăng chỉ thiếu gan Giời làm thuốc. Thêm nữa, bà không muốn dây với Vua, vì gần Vua như gần hổ. Nhà bà và nhà quan Ngự sử trong đó có chồng chưa cưới của bà đã chết vì triều chính. Nếu được minh oan, hai nhà chỉ vớt được cái danh, còn người có hoàn sinh được đâu. Cả hai nhà chỉ còn sót một mình bà thoát chết. ấy cũng là nhờ nhũ mẫu Thục Trâm giỏi giang che chở. Vậy nên, nhà Vua như thế nào là việc của nhà Vua. Bà là dân biết nghề thuốc gắng làm thuốc cứu người. Thế là hợp đạo trời rồi. Nhưng bà không thể không trả thù cho bố mẹ và những người chết oan. Bà thầm nghĩ: "Thôi được, sẽ có cách…"
Sơn Nữ nghe được bố cáo về nói với mẹ:
- Mẹ ạ, nhà Vua ốm chắc là nguy kịch lắm rồi nên Hoàng hậu mới tìm người tài bốn phương chữa cho nhà Vua.
Bà ẩn Phụng trả lời:
- Chắc là thế.
Thấy mẹ tỏ vẻ thờ ơ, Sơn Nữ lặng lẽ quay ra nói với bà. Bà Dưỡng Phụng nói: "Mẹ cháu đủ khôn nên mẹ cháu biết sẽ phải làm gì rồi". Nhưng tin từ kinh thành lại bay về làm cho Sơn Nữ bồn chồn. Hoàng hậu lại một lần nữa bố cáo. Sơn Nữ lại vào nói với mẹ:
- Mẹ ạ, Hoàng hậu lại kêu gọi trăm họ ai có tài lên kinh chữa cho nhà Vua.
Bà ẩn Phụng đáp vẻ thản nhiên:
- Có bao thầy thuốc giỏi nhà Vua gọi cả vào cung làm Ngự y rồi, tìm đâu ra danh y nữa.
Sơn Nữ thấy lạ? Phải rồi, nỗi đau của mẹ về sự chết của ông bà nội và bao nhiêu người có khi nào làm cho mẹ nguôi. Sơn Nữ nhớ có lần mẹ dạy: "Chữa bệnh không phân sang hèn. Làm thày thuốc thấy người bệnh không được làm ngơ. Người không có tiền cũng phải chữa. Phải lấy của  người giầu chữa cho người nghèo..." Thế là Sơn Nữ lại quay vào. Bà ẩn Phụng biết Sơn Nữ muốn về kinh cứu nhà Vua nhưng chưa dám nói: "Có lẽ cái việc bà và nhũ mẫu Thục Trâm chưa làm được là việc này." Nghĩ như vậy, bà hỏi con:
- Con đã lấy phấn hoa chưa?
Dù đã lấy phấn hoa rồi, Sơn Nữ vẫn hỏi mẹ:
- Sao mẹ lại hỏi con như vậy?
Bà ẩn Phụng đáp:
- Mẹ biết con muốn về kinh nên mẹ hỏi như thế.
Hoá ra mẹ đã biết ý mình. Vậy thì cứ nói ra cho lòng bớt cồn cào:
- Thưa mẹ con lấy rồi.
Bà ẩn Phụng hỏi:
- Con không sợ chết hay sao mà muốn về kinh chữa cho nhà Vua?
Sơn Nữ đáp:
- Thưa mẹ, mẹ đã dạy con: "Làm thày thuốc thấy người bệnh không được làm ngơ..." Vua đang thoi thóp, con làm ngơ sao được? Bởi Ngài là chỗ dựa của muôn dân. Nếu con sơ xuất nhà Vua giết con ắt là số giời, con đành chịu vậy.
Bà ẩn Phụng dịu giọng:
- Thôi được, mẹ cho con về kinh. Nhưng con phải làm đúng ý mẹ.
Sơn Nữ vui vẻ nói:
- Thưa mẹ, con chưa bao giờ làm sai lời mẹ.
- Bệnh của nhà Vua con sẽ chữa khỏi. Nhớ là phải thận trọng khi dùng phấn hoa. Khỏi bệnh, nhà Vua sẽ ban lộc. Con không nhận một thứ gì, kể cả chức tước. Con chỉ dâng cái bọc này của mẹ lên Vua. Nhớ chưa?
Sơn Nữ suy nghĩ biết trong bọc có cái gì rồi bèn đáp:
- Con sẽ làm đúng lời mẹ dặn.
Bà ẩn Phụng yên lòng vì biết Sơn Nữ rất khôn khéo. Chắc chắn, nghĩa tử của bà không làm bà thất vọng.
Bà nhờ con gái lớn của bác tiều cùng đi với Sơn Nữ. Tới kinh thành, Sơn Nữ  nghe tin có ba bốn người từ trong dân quê về chữa cho nhà Vua đã bị tống giam. Con gái bác tiều phu khuyên Sơn Nữ nên quay về kẻo không khéo chuốc hoạ vào thân. Sơn Nữ cảm ơn lòng tốt của con gái bác tiều và khuyên chị ấy nên về trước kẻo nữa lại bị liên luỵ. Thấy Sơn Nữ không đổi ý, con gái bác tiều cũng ở lại kinh thành sống chết cùng với Sơn Nữ.
Một không khí buồn bã, lo âu bao trùm kinh thành. Sơn Nữ và con gái bác tiều quỳ giữa "Đại An Chính Môn"- cửa lớn Đại Yên. Như một sự chọc tức, xe ngựa  vào ra Hoàng cung đều vấp phải Sơn Nữ. Thị vệ Hoàng cung xông lại đuổi, Sơn Nữ cứ lẳng lặng quỳ. Thị vệ Hoàng cung hỏi:
- Oan ức gì mà phải quỳ ở đây?
Sơn Nữ đáp:
- Dân nữ không có oan ức gì cả?
Thị vệ sẵng giọng:
- Không oan ức gì mà lại cản đường vào Hoàng cung thì chúng mày điên rồi, dễ không sợ ngủ trong ngục hay sao?
Sơn Nữ thản nhiêm đáp:
-  Sơn Nữ không có tội thì làm sao lại phải ngủ trong ngục?
- Lên mà hỏi Tể tướng.
- Tể tướng to hơn Hoàng hậu à?
- Con ranh này ngang thật, muốn nói gì thì nói đi rồi xéo ngay không nữa lại trách chúng ông nặng tay.
Sơn Nữ nói rành rẽ:
- Nhà Vua đang nguy kịch, dân nữ đến cứu Vua.
Thị vệ Hoàng cung cười diễu cợt:
- Ba bốn đứa điên vào ngục rồi mà vẫn còn con ranh này điên. Thôi được để ông bẩm hộ rồi vào ngục chớ có kêu oan. Tên là gì, ở đâu?
- Kẻ quê mùa tên là Sơn Nữ quê ở miền núi cách đây gần hai mươi ngày đường.
- Đúng là vô công rồi nghề.
Ném lại đằng sau một câu nói như vậy, tên Thị vệ ấy vào bẩm với Thái giám. Thái giám tâu lên nhà Vua. Nhà Vua đang mê mê tỉnh tỉnh nên Ngài đã nói:
- Ta thiếu gì Ngự y tài giỏi. Bọn rừng rú làm được gì.
- Dựa vào câu nói của nhà Vua, Thái giám cho Thị vệ Hoàng cung bắt Sơn Nữ và con gái bác tiều giam vào ngục. Con gái bác tiều khóc lóc trách Sơn Nữ không nghe lời mình. Sơn Nữ thản nhiên an ủi con gái bác tiều: "Chị đừng sợ. Việc chị em mình làm có Giời chứng giám."