Chương 3

Tiểu thư Kim Phụng là con thứ của quan Tổng đốc Hải Đông Hoàng Kiến Nghiệp. Năm lên tám tuổi, tiểu thư được quan Tổng đốc hứa gả cho công tử con quan Ngự sử tại triều. Năm ấy, công tử con quan Ngự sử mười tuổi. Quan Ngự sử và quan Tổng đốc là chỗ rất thân tình. Do đó, hai vị lo chuyện trăm năm cho hai trẻ bằng cách hứa cho chúng nên duyên với dụng ý một bên chọn rể, một bên chọn dâu, hai bên cùng tìm nơi xứng đáng cho con. Việc hai vị quan có tài có đức hứa cho hai con kết hôn với nhau, phía quan Tổng đốc, ngài chỉ nói với bà Thục Trâm. Vì bà Thục Trâm là người dậy chữ cho tiểu thư Kim Phụng. Còn quan Ngự sử, ngài cũng dấu kín chuyện này.
Bà Thục Trâm là con cả quan Tri huyện Trường Định Phạm Chí Thành. Ngài Tri huyện là người hay chữ, trọng học, trí sáng, đức cao. Bởi vậy, ngài đã dạy Thục Trâm chữ nghĩa để cho Thục Trâm hiểu đạo nghĩa làm người. Năm mười bảy tuổi, bà Thục Trâm kết duyên với ông Tú hơn bà bốn tuổi. Làm vợ ông Tú rồi, bà làm mọi việc để chồng theo đòi khoa bảng. Năm hai mươi nhăm tuổi, ông Tú lại lều chõng đi thi. Trên đường đi thi, ông Tú chẳng may mắc bệnh nặng ở dọc đường rồi mất. Đau mất chồng, tủi phận chưa con, bà Thục Trâm lại trao thân cho kinh sách.
Mấy người giàu có chuộng sắc tài bà Thục Trâm bèn ngỏ lời cưới bà làm vợ lẽ. Bà bỏ ngoài tai những lời cầu hôn ấy. Chỉ có ông Tú mới xứng với bà. Ông Tú về Giời, giữ lòng thờ chồng, tài sắc nổi danh, bà không bao giờ làm lẽ.
Quan Tổng đốc biết bà chữ nghĩa giỏi giang, đức hạnh sáng tỏ bèn chọn bà làm thày dạy chữ cho tiểu thư Kim Phụng. Sợ quan Tri huyện từ chối, quan Tổng đốc nhờ quan Ngự sử nói giùm. Có lời của quan Ngự sử, rồi quan Tổng đốc lại đến tận nhà mời, quan Tri huyện nhận lời với quan Tổng đốc. Là người con hiếu thảo, bà Thục Trâm không thể không nghe lời cha. Tuy vậy, bà vẫn nói với ngài Tri huyện: "Thưa bố, con biết bố khó có thể từ chối quan Tổng đốc khi mà quan Ngự sử cũng tỏ ra rất quý tiểu thư Kim Phụng. Dù là như vậy, bố cũng phải cho con ngó qua mặt mũi ái nữ của Tổng đốc". Hiểu ý con, ngài Tri huyện bèn nói với Tổng đốc Hoàng Kiến Nghiệp. Quan Tổng đốc Hải Đông liền sai gia nhân dẫn Kim Phụng sang bái yết bà Thục Trâm.
Thấy cô bé mặt mũi thanh tú, nói năng lễ phép, bà Thục Trâm nói với ngài Tri huyện: "Con xin làm theo ý bố". Biết tin này, ngài Tổng đốc vui lắm cho ngay phu nhân mang lễ sang dinh quan Tri huyện đón bà Thục Trâm. Thân phụ bà Thục Trâm dâng hương bái cáo gia tiên rồi cho con gái sang dinh Tổng đốc dậy dỗ Kim Phụng.
Năm ấy bà Thục Trâm ngoài hai mươi tuổi, dung nhan như trăng toả đêm thu, đoan trang lịch lãm. Là người sâu sắc, quan Tổng đốc phải cảnh giác với mình, với đời nên ngài suy nghĩ, đắn đo sau trước.... Ngài bèn kén cho bà Thục Trâm một người giúp việc hơn bà bảy tám tuổi. Vậy là ngoài nhũ mẫu ở riêng một nơi, bà Thục Trâm có một người cùng giới luôn đỡ đần bà sớm tối.
Bà Thục Trâm dạy chữ cho Kim Phụng từ năm cô bé mới bước sang năm thứ sáu. Vốn tư chất thông minh lại được người uyên bác dạy, Kim Phụng đã có chữ trong bụng ở cái tuổi mà những cô bé khác bắt đầu học chơi chắt, chơi chuyền. Làm thày không có gì vui hơn là trò sáng dạ. Trò sáng, thày dạy người cũng là dạy mình. Đầu trò mà tối thầy có giỏi may ra cũng chỉ xua đi được cái u ám trong đầu trò chứ dám nói gì đến ý lạ, văn hay. Bước vào cửa nhà quan, bà tự nhủ lòng, phải đem hết tài văn chương và tài chữa bệnh cứu người tryền thụ cho con gái yêu của quan Tổng đốc. Bởi vì quan Tổng đốc đã đi lại với phụ thân bà từ lâu.
Nhận dạy chữ cho con gái quan Tổng đốc không phải là ý nguyện của bà Thục Trâm mà là bà nghe lời bố và bà kính trọng quan Ngự sử. Với bà, bà cũng được khuây khoả. Hơn nữa dạy cho một người làm người đâu phải ai cũng dạy được. Quan Tổng đốc rất tinh nên đã chọn bà. May cho bà là bà gặp được cô trò học một không chỉ biết một. Vậy là bà tìm được một niềm vui cho lòng dịu niềm đau goá bụa.
Nhũ mẫu của Kim Phụng là người rất thương yêu cô bé. Năm Kim Phụng bảy tuổi, chẳng may bà ngả bệnh rồi mất. Quan Tổng đốc rất thương xót bà. Ông lo cho người nuôi con gái mình chu đáo rồi cho gia nhân đi tìm người khác chăm bẵm cho Kim Phụng. Bà Thục Trâm chưa được làm mẹ, ông Tú đã mất. Dạy chữ cho Kim Phụng, bà yêu cô bé như con. Nhũ mẫu mất, quan Tổng đốc tìm nhũ mẫu mới mãi mà chưa được. Bà Thục Trâm ngỏ lời với ngài Tổng đốc được kiêm luôn nhũ mẫu. Quan tổng đốc mừng rõ hơn được Vua phong thêm một phẩm. Bà trở thành mẹ của Kim Phụng với ý nghĩa đẹp đẽ từ hôm ấy.
Ngoài việc dạy chữ, bà Thục Trâm còn dạy cho Kim Phụng những phẩm hạnh mà một tiểu thư con quan cần phải có. Kim Phụng còn được học cách trồng cây thuốc trị bệnh, trồng hoa cỏ để lấy hương lấy phấn. Bà Thục Trâm rất coi trọng thực hành. Chữ nghĩa học được, Kim Phụng phải thể hiện qua từ phú bằng nét chữ trên giấy theo đề của thày ra. Kiến thức trồng cây, bà Thục Trâm cho Kim Phụng thực hành bằng việc chăm bón hoa cỏ trong vườn hoa của quan Tổng đốc. Có bàn tay của con gái, vườn hoa của vị quan đầu xứ tươi tốt hơn lên. Quan Tổng đốc đi vắng mấy ngày trở về bước vào vườn, ngài thấy lạ bèn hỏi. Bà Thục Trâm cho biết: "Vườn của Tướng công đẹp hơn lên là do cô nhà." Quan vui lắm. Ngài nhìn ra góc vườn phía xa thấy con gái đang tưới hoa. Ngài nảy ra một ý đối rất hay bèn bước lại phía con: "Con gái của bố giỏi lắm!" Kim Phụng nhào lại với bố. Ông ôm con, lòng thầm cảm ơn bà Thục Trâm. Bỗng nhiên ông đọc:
[i]Dưỡng hoa tiểu nữ như xuân vũ[/i]
Bà Thục Trâm khẽ cười nhắc khéo "Tướng công thử tài học của tiểu thư đấy. Đối đi. " Kim Phụng chớp chớp mắt đối:
[i]Quốc lương thần tỷ nguyệt quang.[/i]
Quan Tổng đốc giật mình bởi vế đối chững chạc, sâu sắc. Các bậc trung thần, lương tướng nghe vế đối này hẳn phải vừa lòng.
Vế xuất: [i]Tưới hoa cô bé như mưa xuân[/i]
Vế đối: [i]Giúp nước trung thần tựa trăng sáng.[/i]
Quan Tổng đốc nhận thấy vế đối hay hơn vế xuất mà ngài đã ra. Ngài quay lại nói với bà Thục Trâm: "Giá bà là trai thì triều đình có thêm một lương thần. "Bà Thục Trâm cung kính: "Đó là trời phú cho tiểu thư có trí sáng. "Bà Thục Trâm nói vậy nhưng lòng bà vui lắm. Vì dù sao trò cũng là tấm gương phản chiếu bóng của thày. Để xem ngẫu nhiên hay là dụng ý Kim Phụng dùng chữ "Nguyệt", bà Thục Trâm hỏi Kim Phụng: "Nếu thay chữ Nguyệt bằng chữ Nhật có hay không?" Kim Phụng suy nghĩ rồi đáp: "Thưa nhũ mẫu, không được." "Sao lại không được?" Kim Phụng lại đáp: "Thưa, sẽ phạm tội khinh Vua." Bà Thục Trâm sung sướng đến ứa nước mặt vì học vấn của bà như hương như hoa đã thơm sang cô bé. Nhưng tự nhiên bà linh cảm một điều gì đó... Rồi bà thấy gai người lên. Cái cảm giác này đã xuất hiện trong bà. Ấy là ngày ngài Tổng đốc cho bà biết ngài cùng quan Ngự sử đã hứa hôn cho hai trẻ. Bà nói: "Giá như tôi biết trước việc này...." Quan hỏi thêm bà không nói gì nữa. Từ hôm ấy, bà cảm thấy một cơn giông bão sẽ nổi lên và bà nhủ lòng: "Số phận đã đẩy bà đến với cô bé và đã là thầy, là mẹ cô bé thì bà sẽ cùng sướng khổ với Kim Phụng trên cõi đời mưa nắng này."
Một đêm thu đầy sương khói, bà không sao chợp được mắt. Bà ra sân ngửa mặt trông sao. Chòm sao bảy ngôi ở phương Bắc đã quay ngang, nghĩa là đêm đã ngả về phía bình minh. Vườn nhà quan đầy bóng cổ thụ. Trăng thu trong lạnh rây qua bóng lá vẽ ra muôn hình kỳ ảo. Trăng trôi các hình trên đất biến hoá khôn lường. Chợt bà có một liên tưởng độc đáo. Sự đời cũng như những hình ảnh do trăng vẽ ra. Các hình ảnh kỳ ảo biến hoá thế nào, không ai biết được, bởi bước đi của trăng khiến ánh vàng chiếu qua bóng xanh luôn thay đổi. Bỗng nhiên bà nhớ tới bố mẹ. Bố bà rất thân với quan Ngự sử và quan Tổng đốc. Bà chột dạ... Sóng gió nổi lên biết đâu nhà bà lại bị cuốn vào vòng xoáy thì sao. Bà vào nhà ngồi bên đèn chờ sáng.
Khi bình minh vừa xua tan bóng đêm, bà đã vào xin quan Tổng đốc về thăm bố mẹ. Ngài Tổng đốc sợ nhà bà có gì khó khăn bèn hỏi:
- Nhà Tướng công xảy ra chuyện hay sao mà bà phải đến sớm?
Bà Thục Trâm cung kính:
- Thưa Tướng công, song thân tôi không có chuyện gì đâu. Nhưng đêm qua tôi đọc lại một bài thơ cổ chạnh lòng nhớ quê...
 Quan Tổng đốc tỏ vẻ yên lòng:
- Thì ra vậy. Đọc thơ nhớ quê là chuyện vẫn thường gặp ở những người giàu tình cảm, cho tôi gửi lời kính thăm Tướng công và phu nhân.
Rồi quan Tổng đốc sai người nhà lấy trà ngon gửi biếu quan Tri huyện. Ngài còn tiễn bà Thục Trâm tới gần một dặm đường. Người ta đồn quan Tổng đốc luôn giữ lễ với mọi người quả không ngoa.
Về tới nhà, bà Thục Trâm kể lại chuyện, nhân việc tiểu thư Kim Phụng tưới hoa, ngài Tổng đốc đã nêu vế đối: [i]Dưỡng hoa tiểu nữ như xuân vũ"[/i]
Thân phụ của bà Thục Trâm cười:
- Đấy là quan Tổng đốc xem con dạy tiểu thư của ngài như thế nào đấy.
Ngẫm nghĩ rồi ông hỏi:
- Tiểu thư có đối được không?
- Thưa cha, sau một lát suy nghĩ, Kim Phụng đã đối: [i]"Hộ quốc lương thần tỷ nguyệt quang"[/i]
Thân phụ của bà Thục Trâm thốt lên:
- Hay lắm! Bố mừng cho con. Thật là cha nào con ấy. Vế đối này chỉ có thể có ở con một vị lương thần. Bố ra câu đối đã tài, con đối lại tài hơn. Khó mà tin được đó là chữ nghĩa của một cháu gái mới tám, chín tuổi. Con mừng lắm chứ?
Thục Trâm đáp:
- Thưa cha, con mừng nhưng con cũng buồn...
Thân phụ của bà Thục Trâm ngạc nhiên:
- Sao con lại buồn?
ánh mắt ưu tư, bà Thục Trâm đáp:
- Con cảm thấy sự ác đang rình rập đâu đây. Chắc tiểu thư rồi sẽ gặp gian nan. Vô hình chung con cũng phải gian nan cùng với tiểu tư.
Nghe con nói: "Con cũng phải gian nan cùng với tiểu thư", thân phụ của bà Thục Trâm hiểu rằng con gái của ngài đã neo đời mình vào số phận tiểu thư con quan Tổng đốc. Nhưng vì sao Kim Phụng phải gian nan. Ông hỏi:
- Con gái Tổng đốc rồi sẽ thành phu nhân quyền quý thì gian nan sao được?
Bà Thục Trâm nói:
- Quan Ngự sử và ngài Tổng đốc kết thân với nhau chẳng dấu nhau điều gì. Hai người đều là lương thần chính trực, thấy việc gì trái mắt không bỏ qua, với Vua cũng không ngại nói thẳng. Tể tướng và bọn quyền thần vốn đã ghét hai lương thần này. Liệu bọn chúng có để cho quan Ngự sử và quan Tổng đốc yên được không? Trên đời này cương nhu - cứng mềm - như âm với dương, như nước với lửa. âm dương ngang nhau hẳn không có chuyện gì. Âm át dương hoặc dương át âm đều không được. Quan Ngự sử và quan Tổng đốc lòng như ngọc nhưng lấy cứng chọi cứng không sớm thì muộn sẽ có chuyện.
Nghe con bàn rất có lý có tình, thân phụ Thục Trâm thở dài. Ông tin rằng con gái ông đã nhận định là không sai. Bởi mấy việc trước đây con ông nói với ông trước khi có chuyện đều đúng. Hai năm trước, chức sắc một tổng trong vùng đất của ngài cai quản làm sai lệch về thuế. Tiền thuế thu được đủ nhưng xem ra chưa công bằng vì nhà thu ít nhà thu nhiều không đúng theo biểu. Bọn phải nộp nhiều gửi đơn lên quan Tri huyện kiện Chánh tổng. Thân phụ của Thục Trâm định làm cho ngang bằng xổ ngay. Thục Trâm khuyên cha cứ lơ đi là tốt. Ngài Tri huyện còn phân vân thì quan Khâm sai  đi làm việc Vua ghé thăm quan Tri huyện. Bởi hai người quen biết nhau. Quan Khâm sai hỏi dân tình trong huyện và những việc công còn mắc mớ. Quan Tri huyện đem chuyện chức sắc một tổng thu thuế sai nên bị bọn hào trưởng kiện nói với quan Khâm sai. Ngài đưa đơn từ cho quan Khâm sai xem. Ngó qua đơn từ, quan Khâm sai hỏi:
- Dân có kiện không?
Quan Tri huyện đáp:
- Thưa không.
Quan Khâm sai cười:
- Dân không kiện là được. Ngài phải thưởng cho chức sắc tổng đó. Ông ta không thu được thuế của người nghèo bèn lập mẹo bắt nhà giầu đóng hộ. Sau này bọn hào trưởng lên rầy la ngài, ngài cứ nói đơn từ đã gửi lên quan Khâm sai. Rồi xem bọn họ kiện đến đâu.
Nghe theo kế của quan Khâm sai, quan Tri huyện đã tiếp bọn hào trưởng rất mềm dẻo, rồi ngài cười cười nói: "Vừa qua quan Khâm sai về đây xem xét dân tình. Tôi đã gửi đơn từ của các vị lên ngài rồi. Các vị chờ cho. Vị nào sốt ruột lên gặp quan Khâm sai". Bọn hào trưởng đành ngậm bồ hòn ra về. Hoá ra con gái ngài đã nghĩ tới điều mà ngài chưa nghĩ tới. Nay con ngài dự báo một điều liên quan đến hai vị quan thanh liêm. Nếu nó xảy ra thì thật tội cho hai vị đó. Ngài hỏi con gái:
- Vậy phải làm gì, chẳng lẽ để hai nhà chuốc vạ?
Bà Thục Trâm đáp:
- Thưa cha, cha nên nghỉ quan về với ruộng vườn và làm thuốc cứu đời là hơn. Còn với hai nhà, con chưa có gì để nói...
Ngài lại hỏi:
- Sao con lại khuyên cha như vậy?
Bà Thục Trâm thưa:
- Cha thân với cả hai nhà. Hai nhà có chuyện, cha khó mà yên khi ấn còn trong tay cha. Hơn nữa, tính cha trung thực thẳng thắn, bọn gian ở với người ngay sao được.
Nghe con gái nhắc nhở chung chung như vậy, ngài Tri huyện nhớ ngay chuyện cũ mà con gái ngài giữ ý nên không đụng tới. ấy là người thân sinh ra ông Tú - chồng bà Thục Trâm đồng môn với Tể tướng. Nhưng đường khoa cử của bố ông Tú rất lận đận. Ba lần lều chõng đi thi, cụ chưa kiếm được một chân Tú tài. Bù lại, cụ có nghề thuốc rất giỏi. Thế là cụ xếp bút nghiên theo việc dao cầu. Tuy đã dẽ sang con đường khác nhưng thân sinh ông Tú vẫn giữ tình với quan Tể tướng.
Năm mười bảy tuổi, bà Thục Trâm thành thân với ông Tú. Ngày hai người bái đường, Tể tướng cũng đến chúc mừng. Vị quan đầu triều bàng hoàng bởi dung quang như hoa như ngọc của Thục Trâm. Tể tướng vốn hiếu sắc, lòng thèm khát bừng lên … Bất ngờ, ông Tú bị chết. Người ta xì xèo về cái chết của ông Tú trên đường đi thi có bàn tay sắp xếp của Tể tướng. Ông Tú mất rồi, Tể tướng chắc mẩm sẽ có báu vật của giời đất là giai nhân Thục Trâm. Tể tướng bèn thăm dò người bạn già đồng môn. Người đẻ ra ông Tú từ chối khéo: "Việc này là quyền của ngài Tri huyện." Tể tướng liền bắn tin đến ngài Tri huyện. Nếu ngài Tri huyện thuận tình cho Thục Trâm làm thiếp của Tể tướng thì đường công danh của ngài Tri huyện sẽ hiển đạt hơn nhiều. Là người không ưa gì nhân cách của Tể tướng, ngài Tri huyện cứ ngơ đi. Chờ mãi không có âm tín phản hồi, Tể tướng sốt ruột cho thuộc hạ mẫn cán tìm tới nhà ngài Tri huyện. Viên quan quyền nghiêng thiên hạ đinh ninh Tri huyện sẽ làm theo ý của mình.  Là người thừa khôn ngoan, ngài Tri huyện đã trả lời thuộc hạ của Tể tướng rằng: "Con gái tôi đã xuất giá, mọi việc của Thục Trâm đều do nhà chồng quyết định." Thuộc hạ của Tể tướng phải mò mẫm đến nhà bố chồng Thục Trâm. Cân nhắc kỹ lưỡng, bố chồng Thục Trâm nói với thuộc hạ của Tể tướng: "Hễ con dâu tôi bằng lòng là tôi bằng lòng." Thuộc hạ của Tể tướng bèn gặp bà Thục Trâm. Thấy bà Thục Trâm đoan trang, lịch lãm quá, thuộc hạ của Tể tướng không dám há miệng. Y bèn lủi thủi quay về tâu hết sự tình với chủ. Vầng trán của Tể tướng chau lại, dãn ra mấy đêm ngày. Cuối cùng, viên quan hiếu sắc, tàn bạo bèn nhờ bà mối giỏi nhất kinh thành đến gặp Thục Trâm với cái lễ làm quen gồm mười lạng vàng và mười cây lụa Thiên Vân. Loại lụa này các tiểu thư con quan ngũ phẩm trở xuống cũng chỉ dám nghĩ tới trong mơ. Kết quả là như giữa mùa đông giá rét căm căm, Thục Trâm dội cho bà mối một thùng nước: "Tể tướng đồng môn với người đẻ ra chồng tôi. Con gái út của Tể tướng chạc tuổi tôi. Mua tôi vè làm thiếp có khác gì bố lấy con làm vợ. Là quan đầu triều, Tể tướng không biết xấu hổ hay sao?". Bà mối giỏi nhất kinh thành bẽ mặt ra về nói lại câu nói của Thục Trâm cho Tể tướng nghe. Ông ta tức tím mặt, ức thối ruột. Chẳng bao lâu sau, Tể tướng biết tin Thục Trâm vào làm gia sư quan Tổng đốc dạy dỗ Kim Phụng. Ông ta nghĩ xấu về quan Tổng đốc: "Lẽ nào lão Tri huyện lại sợ viên Tổng đốc hơn sợ ta? Thôi được, rồi xem kẻ nào cười, kẻ nào khóc …"
Qua một đêm suy ngẫm, ngài Tri huyện thấy sự lo xa của con không thể xem nhẹ. Để lo cho con gái, thân phụ Thục Trâm dành một số bạc gửi vào nhà một người thân ở chợ Hải Đông dặn Thục Trâm lúc có chuyện chẳng lành tới đó lấy bạc, không về nhà nữa.