Woman in black

Vào sân Mỹ Đình xem trận VN-Porto B theo kiểu “ăn theo”, lão Hâm không có vé, ngồi đại lên một chỗ ngay sát lối đi để nếu chủ nhân của chiếc ghế màu xanh Thái (màu áo đội Thái Lan) đến đòi thì mình chuồn cho lẹ. Mải mê xem các cầu thủ khởi động và đội vận hành Cờ to nhất Việt nam chuẩn bị đưa Cờ vào cuộc, lão Hâm hơi bị bất ngờ khi một bàn tay phụ nữ xoè ra hai tấm vé, ngụ ý đòi lại chỗ ngồi. Lẳng lặng đứng lên trả chỗ, lão Hâm kịp quan sát hai mẹ con kẻ đã đuổi mình ra đứng suốt trận đấu trên lối đi. Người phụ nữ khoảng ngoài 35 tuổi, mặc bộ đồ đen hàng Tầu bán đầy trên Hàng Ngang Hàng Đào: quần thun, áo thêu con rồng trên ngực. Một tay nàng dắt đứa bé lên mười, một tay cầm túi ni lông trong đó có hai bịch nước và hai ổ bánh mỳ.
Phải nói thật với bạn đọc là lão Hâm có tính xấu hay thích ngắm phụ nữ, và cũng phải khen luôn là lão có khả năng làm việc đó mà đối tượng ít khi phát hiện ra. Nàng trang điểm kín đáo đến mức hầu như không trang điểm. Trên cái cổ trắng muốt mềm mại một sợi dây chuyền mỏng mảnh bằng bạc, mái tóc cắt uốn cẩn thận hơi phủ lên cặp lông mày tỉa khéo rất hài hoà với cặp mắt đen trong trẻo.
Lão Hâm bắt đầu bị thu hút bởi hai mẹ con – hai con người xa lạ kia. Bạn đừng cho rằng Lão Hâm mắc bệnh sa tim, cứ thấy phụ nữ là xiêu lòng! Chẳng qua là Lão Hâm thấy ở mẹ con họ có một cái gì đó không bình thường. Tại sao lại chỉ có hai mẹ con đi với nhau? Tại sao họ không chuyện trò mà chỉ kín đáo ra hiệu một cách bí ẩn?
Suốt thời gian của trận đấu, thỉnh thoảng lão Hâm lại nhìn về phía họ. Lúc quân ta ghi bàn vào lưới, giống như 4 vạn người trên sân Mỹ Đình (trừ tổ trọng tài và toàn đội Porto, tất nhiên), hai mẹ con họ nhảy lên sung sướng, cậu bé hét giọng lanh lảnh: “Vaaaaaào rôôôồi!!!”, còn người mẹ để cho một giọt nước mắt long lanh trên khoé mắt.
Sang hiệp hai, ta thua hai bàn liền trong vòng mấy phút. Khán giả lầu bầu chửi từ ông HLV người Braxin đến các cầu thủ đội tuyển quốc gia, ai thích chửi người nào thì cứ tự nhiên ngoác mồm ra mà chửi. Người đàn bà mặc bộ đồ đen nhìn xa xăm vào một nơi bất định, nắm chặt tay đứa bé gần như bị xỉu do thất vọng.
Bóng đá là thế đấy, cùng với nó ta có thể lên thiên đàng, xuống địa ngục và ngược lại trong một khoảng thời gian không lâu.
Lão Hâm thắc mắc, sao lúc nghỉ giải lao hai mẹ con nhà ấy không đi WC nhỉ? Và tự trả lời: “Hâm lắm ạ, chẳng nhẽ cô ấy dắt con vào vào WC nữ, mà để nó đi một mình vào WC nam thì bọn thanh niên chúng nó đè bẹp mất!”.
Đang tự thú vị với câu trả lời của mình, lão Hâm bị thằng bé giật tay: “Bác ơi, bác làm ơn đưa cháu xuống Toa-let!”.
Dắt tay thằng bé chui vào không gian đầy uế khí của sản phẩm dị hoá, lão đánh bạo hỏi:
- Mẹ cháu thích xem đá bóng lắm à?
- Vâng.
- Nhưng sao bác không thấy mẹ hò hét như mọi người?
Thằng bé bối rối:
- Mẹ cháu …câm.
Lão Hâm không biết nói gì hơn, hình như lão đã mất luôn cơ quan phát âm. Lúc trao trả đứa bé cho người đàn bà mặc bộ đồ đen, lão không dám nhìn vào đôi mắt nàng. Lão sợ nhìn thấy lời cảm ơn trong đôi mắt ấy (chắc chắn nàng chỉ có thể cảm ơn bằng mắt) và sợ chính lão sẽ để lộ ra một cái gì đó như thương cảm trong cái nhìn của mình.
Đi xem bóng đá là thế đấy, có thiên đàng, có địa ngục và có cả những số phận con người!

Bé Ngọc Hà láu lỉnh nhìn mẹ:
- Tụi con phải đi đây, mẹ trả tiền nước cho tụi con luôn nhé!
Hai người nói cho nhau nghe về mình, về những sự kiện trong cuộc sống sau khi chia tay nhau. Họ có hạnh phúc không? Hình như có mà cũng hình như không. Trong cuộc đời có ai hạnh phúc trọn vẹn? Lạ một điều là họ trao cho nhau name-card như hai nhà ngoai giao. Vào phút chia tay, nàng mở bóp tặng lại anh chiếc bút bi ba màu, chiếc bút mà anh gài lên áo nàng ngày nào!
x
x x
Về Hà nội, vừa bật máy tính anh đã thấy có mail của Hà:
“Anh ơi, em vẫn tin là sẽ có ngày gặp lại anh và em đã được gặp anh. Lúc ở quán cafe, em không kịp nói với anh một điều: ”Ngày đó chưa hẳn là em đã yêu anh, có thể đó chỉ là một thoáng rung động đầu đời. Nhưng sự kính trọng và trìu mến anh để lại nơi em đã làm cho em luôn cảm thấy, nếu có một người đàn ông cho một đời đàn bà của em thì người đó chính là anh”. Bây giờ chúng ta đều có tổ ấm của riêng mình, em xin chúc anh và gia đình luôn vui vẻ và hạnh phúc”.
Anh không trả lời mail của Hà vì tin là nàng biết anh sẽ đọc nó.
Năm tôi đã xong phổ thông, tập trung học tiếng để đi học nước ngoài, thì một chuyện buồn cười (buồn cười đối với bọn mới lớn chúng tôi hồi đó) xảy ra với Tuấn - cậu bạn vừa hàng xóm vừa cùng lớp với tôi: Tuấn có em bé!
Bố Tuấn là bộ đội, ông đi chiến trường lúc Tuấn mới hơn một tuổi, mười lăm năm sau trở về đã là một bác thương binh đầy thương tật và bệnh tật. Tuổi xuân của mẹ Tuấn trôi qua trong đợi chờ, tần tảo nuôi con và kết thúc bằng việc sinh ra cho Tuấn một em bé gái (trước khi mẹ sinh em, bố Tuấn đã qua đời).
Nếu bớt đi dăm tuổi hẳn chúng tôi đã trêu chọc Tuấn chuyện có em bé đến phát khóc mới thôi, chẳng hiểu vì sao lần này không ai làm việc đó, thậm chí mấy bạn gái còn đến giúp may tã, kiếm vải cũ may áo may mũ cho em. Bé trở thành đứa em chung của nhóm bạn chúng tôi.
Gần sáu năm sau tôi về nước, Tuấn bạn tôi đang ở chiến trường. Tôi mang cho em, cô học sinh lớp hai, con búp bê lật đật. Lần đầu tiên biết tôi, em rụt rè không dám nhận, nhưng sau thì không rời xa con lật đật một phút nào. Sau này tôi ân hận mãi, sao không cho em một con búp bê tóc vàng mắt xanh xinh đẹp, lại cho em con lật đật để sau này cuộc đời em lận đận kéo dài.
Rồi tôi lại đi xa, lần này về em đã 9-10 tuổi. Phố tôi có cái vỉa hè vào loại rộng nhất Hà nội, bao thế hệ trẻ con đá bóng trên vỉa hè này. Chiều chiều đi làm về tôi dừng lại xem chúng đá bóng, ngạc nhiên thấy cô em của chúng tôi cũng đang lăn xả tranh chấp quả bóng với bọn con trai cùng trang lứa. Mái tóc xõa bay, hai mắt long lanh, mỗi khi ghi bàn thắng bé khua khua chiếc áo sợi cộc tay quanh đầu. Từ đó chiều nào tôi cũng ghé qua Hàng Bông mua que kem đậu xanh gói vào tờ báo mang về cho em. Nhìn em đứng mút kem, mắt liếc về phía bọn nhóc trai đầy tự hào và khiêu khích, tôi thấy lòng mình ấm áp lạ thường.
Ngày đám cưới tôi, em đã là một cô gái dậy thì. Em vít đầu tôi xuống thì thầm: “Sau này lớn lên em sẽ lấy một người như anh”. Như anh ư, tôi nghĩ, quá dễ, người như anh vô khối!
Những ngày có mặt ở Hà nội, bao giờ tôi cũng dành thời gian dạy thêm cho em. Không có kỹ năng sư phạm nên tôi không dạy em cụ thể môn gì, giúp em giải bài toán bài lý nào. Tôi chỉ muốn gieo vào lòng em niềm đam mê kiến thức, ham muốn học hỏi, phương pháp tư duy chặt chẽ và quan trọng nhất là tính nghi ngờ khoa học, điều rất cần thiết cho những ai làm công tác nghiên cứu. Than ôi, nếu như em không quá thông minh, không hề biết nghi ngờ là gì thì đến giờ này em đâu phải cô đơn như vậy.
Em học rất giỏi, được đi nước ngoài, ở lại chuyển tiếp nghiên cứu sinh. Ngày về nước, em nhắn tôi ra sân bay đón. Một người không còn là thiếu nữ nhưng chưa nhuốm bụi trần ai chạy ào đến hôn vào má tôi. Nhớ lại, chỉ có mẹ hay hôn vào má tôi hồi tôi còn bé và hai đứa con tôi khi chúng còn chưa lớn.
Nhận việc ở một viện nghiên cứu, em khá bận rộn. Trưa chủ nhật nào em cũng đến nhà tôi, lăng xăng giúp vợ tôi nấu nướng, hỏi bài hai đứa con tôi và đến chiều thể nào hai anh em cũng đi xem đá bóng, hạng A hạng B gì cũng xem. Em hiểu và yêu bóng đá như cách của một người thông minh đã từng chơi bóng đá. Thật thú vị mỗi lần anh em tranh nhau bình luận, em hăng lên quên cả việc tôi hơn em đến gần một thế hệ, nói năng rất ngầu.
Cứ thế ngày tháng trôi đi, tôi không một lần dám hỏi chuyện chồng con của em. Đó là khu cấm địa trong quan hệ hai anh em chúng tôi. Cho mãi đến ngày con gái lớn tôi làm đám cưới, tôi vít đầu em xuống thì thầm: “Bao giờ đến lượt cô?”
Trong mắt em một nỗi buồn sâu thẳm mà tôi bắt gặp lần đầu. Em ngoảnh mặt nhìn ra hướng khác không trả lời.
Chắc hẳn nhiều chàng trai đã đến với em, nhiều người giỏi giang, đẹp đẽ và giàu có. Sao em không chọn cho mình một người trong số đó, một người để chia sẻ với em những buồn vui cuộc đời, một người để mỗi ngày đi làm về em cảm thấy náo nức đúng nghĩa mấy chữ trở về nhà? Hay có một kẻ trai nào đó đã làm em thất vọng? Hay không có trên đời này một tấm đàn ông nào xứng đáng với em?
Tết này em đang ở Pháp thỉnh giảng. Tôi viết bài này tặng em, cô bé đá bóng thủa nào...
(02/01/2004)
 
--!!tach_noi_dung!!--

Đánh máy: Phan Chí Thắng
Nguồn: Vietnamthuquan-TVonline
Được bạn: TTL đưa lên
vào ngày: 3 tháng 9 năm 2006

--!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!--