Dư âm ngày Valentin của Lão Hâm

Quả thực cho đến tận ngày 13 tháng 2 năm nay lão Hâm mới biết trên đời này còn có Ngày Tình yêu. Không phải lão chưa từng yêu hay không biết yêu, chẳng qua chỉ vì lão hâm mà thôi, cái gì thiên hạ biết từ lâu thì bây giờ lão mới biết.
Lão không dám mua hoa tặng vợ (còn con gái lão thì kệ nó, đã có thằng khác lo), sợ mụ cười lão...hâm, già rồi mà còn hoa hòe hoa sói. Lão mua một hộp kẹo sôcôla của Úc rất đẹp, ngượng ngập trao cho vợ. Chẳng biết nói gì, lão lắp bắp:
- Hình như trong sôcôla có rượu hay sao ấy...
Cô con gái ma quái của lão cười rũ:
- Cụ mua mà cụ chả nhìn gì cả, có chữ nuts to đùng đây thôi!
Lão đâu có biết nuts là cái nút chai gì đâu, có lần được ăn kẹo sôcôla thấy trong đó có rượu nên lão đoán thế thôi.
Vui vẻ với vợ con một lúc, lão dắt xe ra cổng, ném lại cho bà xã một câu cụt lủn: “Anh đến nhà cô Hạnh”.
Cô Hạnh là cô giáo của lão hồi cấp 3. Đời đi học của lão có nhiều thầy nhiều cô lắm, nhưng hình ảnh sâu đậm nhất về nguời thầy đối với lão chính là cô Hạnh. Năm lão học lớp 8, Cô về lớp lão thực tập, năm sau Cô tốt nghiệp ĐH Sư phạm, quay về làm chủ nhiệm.
Thời đó khóa ĐH Sư phạm có 3 năm, nghĩa là Cô chỉ hơn lão có 4 tuổi, còn so với bọn già trong lớp thì Cô cũng “xêm xêm”. Cô đẹp lắm, lại là con gái Hàng Bạc chính cống. Từ giọng nói, dáng đi đến mái tóc dài xõa trên lưng Cô, lão chưa bao giờ thấy ai được như thế cả.
Mà không phải một mình lão nghĩ thế đâu nhé, gần như tất cả bọn con trai trong lớp đều si Cô cả. Từ khi Cô nhận lớp, chẳng chú nào trốn giờ Văn của Cô, kể cả những thằng ghét môn văn nhất cũng ngồi tròn xoe mắt nghe Cô giảng bài. Mà Cô không giống những thầy cô dạy Văn khác, Cô không hề giảng, Cô chỉ nói vì sao Cô yêu bài thơ nọ, vì sao Cô thích đoạn văn này. Cô nói say sưa và cả bọn nín thở nghe từng lời của Cô.
Cô làm chủ nhiệm cũng chẳng giống ai. Giờ sinh hoạt lớp Cô không rao giảng đạo đức, không hô khẩu hiệu khô khan. Hôm thì Cô đem chuyện nhà bạn Cường khó khăn ra nói, hôm thì kể chuyện các bạn của Cô nay đang chiến đấu trong Nam ra sao.
Bọn con trai trong lớp yêu Cô bằng một thứ tình yêu kỳ lạ, có một cái gì đó là tình cảm nam nữ, nhưng lại không phải thế.
Có một lần lão Hâm đánh nhau, mắt sưng vù, áo sơ mi rách toạc. Cô bạn Bí thư chi đòan sợ quá chạy vào mách Cô (Cô được phân 10 mét vuông tập thể ngay trong trường). Bị Cô gọi vào nhà, lão Hâm sợ hết hồn, nhưng Cô chỉ bắt lão cởi áo để Cô nhíp lại, xong rồi Cô cười hiền hậu: “Em vẫn chưa hết trẻ con.” Cô không mắng, không đưa ra lớp, coi như không có gì xảy ra.
Lớp lão có thằng Thịnh Hổ, học sinh miền Nam chuyển ra trường ngoài học. Bố nó đang chiến đấu ở đâu đó, mẹ bị Mỹ ngụy thủ tiêu. Nó học kém vì mất cơ bản từ những năm trước, tính tình hung hăng, hay gây gổ nên được cho thêm cái nick “Hổ”. Có lần nó cầm dao định đâm người ta bị Công an bắt, Cô phải lên đồn xin về. Đang giờ Văn, cô đuổi tất cả lớp ra ngoài, một mình ngồi “nói chuyện” với Hổ. Thông thường hễ có giờ trống thể nào bọn con trai cũng ùa ra sân bóng, bọn con gái tụm năm tụm ba rì rà rì rầm hoặc chia nhau mấy quả ô mai sấu. Lần này cả lớp đứng im như thóc ngoài hành lang, không ai dám bỏ đi một bước.
Lão Hâm ghé tai vào cửa kính, nghe thấy tiếng cô đang khóc. Hóa ra cô không hề mắng mỏ gì thằng Hổ cả, chỉ ngồi khóc như chính mình là một đứa trẻ bị mẹ mắng. Lão kéo cả lớp vào, thầy trò lặng lẽ nhìn nhau. Thằng Hổ gan lỳ cóc tía thế mà cũng nhũn như bún. Nó chỉ quen đối đầu với bạo lực, lần đầu tiên chịu đựng tình thương của một người con gái (thời điểm này cô chưa lấy chồng), nó hoàn toàn mất phương hướng.
Ít lâu sau Hổ thông qua Ban Thống nhất Trung ương xin về Nam chiến đấu. Nó lập được khá nhiều chiến công, được phong danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ, sau năm 75 được bồi dưỡng đi học Đại học An ninh, hiện là một sĩ quan công an có uy tín. Những năm 80 đầy khó khăn mỗi lần ra Hà nội công tác nó luôn mang cho cô đủ thứ, nào khô cá, nào nước mắm ngon, nào trái cây, mùa nào thức nấy. Đẻ con gái đầu lòng, nó xin cô cho đặt tên là Hạnh.
Khi cả lớp lão Hâm đã ra trường, mỗi đứa đi một ngả thì có tin Cô lấy chồng. Từ Liên xô lão Hâm gửi về tặng Cô mấy mét vải hoa để Cô may vỏ chăn, sau này thỉnh thoảng đến thăm Cô lão vẫn thấy cái vỏ chăn ấy được Cô gấp gọn ghẽ đầu giường.
Chồng Cô, anh Th. là một gã đẹp trai, đá đội tuyển Quốc gia. Hồi đó dân ta thiếu ăn, chỉ mấy ông thể thao là trông đẹp mã, dễ bắt mắt. Nhìn vào ai cũng bảo đấy là một đôi lý tưởng.
Chết một nỗi là chỉ lý tưởng bề ngoài thôi. Anh chàng tứ chi phát triển này chỉ biết mỗi một việc là chạy theo quả bóng và theo bóng các nữ hâm mộ viên. Rồi cái gì phải đến đã đến, Th. có bồ nhí, có con riêng.
Đúng lúc chuyện gia đình cô Hạnh lên đến đỉnh điểm căng thẳng thì Hổ đang có mặt tại Hà nội, nó xồng xộc kéo lão Hâm đến nhà cô Hạnh. Vừa nhìn thấy bản mặt thằng cha Th., Hổ rút súng định “chơi” luôn. Cô quắc mắt nhìn Hổ nhưng giọng nói vẫn nhẹ nhàng:
- Nhà nước giao súng cho em không phải để bắn loại người này. Hơn nữa anh ta đã chết trong Cô rồi...
Ly dị chồng đã hơn hai mươi năm, cô sống cùng đứa con gái và dành hết sức lực, thời gian cho công việc dạy học của mình. Nay đã nghỉ hưu, Cô vẫn quan tâm đến học trò cũ, nhất là những đứa không thành đạt. Tuấn lớp lão, một thương binh mù hai mắt cụt hai tay, vợ cũng là thuơng binh, có con trai thi vào đại học thiếu nửa điểm (sau khi cộng cả điểm ưu tiên) nhờ đuợc Cô chạy đôn chạy đáo tìm thầy dạy thêm nên năm sau cháu đỗ điểm cao vào đại học. Khi cháu ra trường, chính cô “ra lệnh” cho một cựu học sinh của mình nay là Tổng Giám đốc một công ty lớn phải nhận cháu vào làm việc.
X
X X
Cô Hạnh ra mở cửa cho lão Hâm, cười cười:
- Cơn gió nào đưa Hâm đại gia đến tệ xá thế này?
Lão Hâm vẫn thật thà như mọi khi:
- Thưa Cô, cơn gió Valentin ạ.
Cô pha chè mời lão, lôi bao thuốc bọc kỹ trong bao ni lông ra mời (nhà Cô không ai hút thuốc). Một thầy đã già, một trò không còn trẻ ngồi nói chuyện với nhau. Họ hiểu ngoài tình thầy trò họ còn có một thứ tình cảm bền vững nhất - tình người.
Và họ cũng hiểu trong ngày lễ Tình yêu người ta có thể để cho Tình người được tôn vinh vì Tình yêu chỉ có thể cất cánh trên đường băng Tình người rộng mở.
(2/2004)