Dịch giã: Bố Giang
Chương 8

Monique không xuống ăn bữa tối hôm ấy. Tôi đoán nàng có ý định không ăn gì trước buổi hòa nhạc. Theo sự hiểu biết ít ỏi của tôi về các ca sĩ, tôi nhớ đã đọc đâu đó rằng họ thường thích ăn sau khi hát.
Sau bữa ăn tối, tôi đến phòng nàng và gõ cửa. Không có tiếng trả lời. Tôi liều chuồi vào dưới khe cửa một bức thư ngắn đại ý yêu cầu nàng để cho tôi được mời nàng ăn tối trong phòng tôi sau buổi hòa nhạc. Chưa đầy mười lăm phút sau, Daisy gõ cửa phòng tôi, đem phúc thư của nàng đến. Cô ta vừa mỉm cười một cách e lệ đến chịu không nổi vừa đưa bức thư cho tôi:
Stuart yêu quý,
Em sẽ đến với anh nửa giờ sau khi bế mạc buổi hòa nhạc. Trong những vụ như thế này chỉ cần một dĩa chim và một chai rượu là đủ. Monique.
Bức thư như mang theo tiếng nói của nàng. Tôi nhận thấy cô bồi phòng vẫn còn đứng ở cửa và còn mỉm cười. Tôi vừa lục túi tìm tiền lẻ, vừa bảo:
- Không cần trả lời. Cám ơn cô Daisy, nhờ cô nhắn anh Err vào đây một chút.
Err từ nhà bếp trở lại sau mấy phút, cho tôi biết tôi có thể đặt món Suprêmes de Volaille en Chaud-Froid, Blanche Neige. Tôi nghĩ như thế cũng tạm đủ và gọi thêm một chai Pouilly-Fuissé, 1964.
Phần thứ hai của buổi hòa nhạc, sau khi nghỉ giải lao, là phần dành riêng cho Monique. Nàng đứng trong khoảng lõm của chiếc dương cầm màu đen, với một dáng người yếu ớt, mặc một chiếc áo dài màu đỏ tươi che kín đôi vai và cổ của nàng nhưng để trần hai cánh tay mang găng dài cũng màu đỏ. Albert Morse với chiếc áo choàng dài trông giống hệt một thây ma.
Giọng hát của nàng lúc cất lên khiến tôi bàng hoàng kinh ngạc. Nó không lớn nhưng được vận dụng và điều hòa một cách tuyệt diệu, vừa đầm ấm vừa thiết tha. Nó không hùng mạnh mà thanh tao và truyền cảm.
Nàng đã lựa những bài ca Mignon trích trong tập Wilhelm Meister của Goethe (1) để hát sau cùng. Theo chương trình tôi được biết đó là những bài: "Kenast du das Land" (Anh có biết chốn quê hương?), "Singet nicht in Trauer-tone" (Đừng hát bằng giọng buồn), "So last mich scheinen" (Cứ để cho em hy vọng), "Nur wer die Sehusucht kenni" (Chỉ có kẻ nào đó mới biết tình quê hương), và "Heiss' mich nicht reden" (Đừng buộc em nói), tất cả đều do Hugo Wolf phổ nhạc.
Nhất là bản cuối cùng đã làm cho tôi nín thở. Tôi đã nhận ra ngay lúc nàng mới hát câu đầu tiên. Đó là một bản nhạc tôi đã đọc được cách đây khá lâu trong một cuốn tiểu thuyết, chứ không phải nghe ai hát. Từng câu một lần lượt vang lại bên tai tôi trong lúc nàng hát theo điệu nhạc đau buồn một cách thầm lặng của Wolf.
Heiss' mich nicht reden, heiss' mich schweigen!
Denn mein Geheimnis ist mir Pflicht;
Ich mochte dir mein ganzes Inn're zeigen,
Allein das Schicksal will es nicht.
Zur rechten Zeit vertreibt der Sonne lauf
Die finstre Nacht, und sie muss sich erhellen;
Der harte Fels schliesst seinen Busen auf,
Missgonnt der Erde nicht die tiefverborgnen Quellen.
Ein Jeder sucht im Arm des Freundes Ruh',
Dort kann die Brust in Klagen sich ergiessen;
Allein ein Schwur druckt mir die Lippen zu,
Und nur ein Gott vermag sie aufzuschlissen.
Và trong đêm tối, tiếng hát của nàng như nghẹn ngào trong nước mắt. Nó không bị lạc giọng, nhưng người nghe tưởng chừng nó sắp sửa vỡ tan. Lời ca tự động dịch ra trong tâm trí tôi trong lúc nàng hát mà mắt không hề rời khỏi mặt tôi:
Em phải sống trong u hoài im lặng!
Cho một điều bí ẩn đến suốt đời.
Nỗi cô đơn, niềm ước ao mang nặng,
Với anh, làm sao tỏ được bằng lời.
Cho đến khi vầng thái dương xuất hiện
Xé màn đêm, cho mầm sống phơi trần;
Rồi đá cứng cũng vỡ tim dâng hiến
Dòng suối tuôn vào lòng đất âm thầm.
Ai cũng mong an bình trong tay bạn,
Trái tim khô nước mắt sẽ tuôn trào.
Một lời thề khép bờ môi vô hạn.
Mở một lần, chỉ có Chúa trên cao.
(Đan Chinh phỏng dịch)
Toàn thể khán giả ngồi im sững có tới mấy giây sau khi tiếng hát dứt mới ào ào vỗ tay hoan hô. Nàng ngẩng đầu lên, nhìn thẳng vào mặt tôi với vẻ như muốn ra dấu với tôi bằng chiếc cằm của nàng. Cử chỉ đó không có gì đáng lấy làm lạ, vì tôi đã trông thấy nàng bày tỏ nhiều lần, nhưng lúc này hình như mang một ý nghĩa nào đó mà tôi không sao đoán biết nổi.
Chú thích:
- (1) Wolfgang Goethe: đại văn hào Đức (1749 - 1832), có tư tưởng sâu sắc và óc tưởng tượng phong phú, tác giả của nhiều tác phẩm lừng danh được dịch lại trên khắp thế giới, ngoài ra ông còn là một nhà bác học đại tài (chú thích của dịch giả).