LỜI CUỐI SÁCH
Hơn mười năm sau...

Ngay chính tôi cũng không thể nhớ là mình đã vượt qua được bao nhiêu khó khăn, ngang trở của cuộc sống đời thường đối với kẻ tật nguyền trong học tập, thi cử và công tác.
Tháng 8 năm 1965 tôi sung sướng nhận tấm bằng tốt nghiệp kỹ thuật viên xét nghiệm đạt loại khá tại trường Đại học Y khoa Hà Nội. Và tôi đi vào cuộc sống tự lập của một người có công ăn việc làm như những người bình thường. Cái khát vọng tuổi thơ năm nào đã dần dần thành hiện thực. Tôi chợt chơ các bạn tật nguyền thuở nhỏ. Chẳng biết Hằng điếc, Quý câm giờ như thế nào? Hẳn cuộc sống cũng sẽ tốt lành đến với họ? Còn Xẩm Quyền?
Tôi vẫn cứ đinh ninh là ngày đó Xẩm Quyền không chêt. Một đứa trẻ ăn xin mà sớm có sự nhận biết cuộc sống như vậy thì làm sao mà chết được, phải không? Tôi tin là Xẩm Quyền sẽ vượt qua mọi khổ đau giành lấy cho mình một chỗ đứng trong cuộc đời.
Ngày ấy...
Vậy mà mười mấy năm trôi qua. Chiến tranh chống Mỹ không Vậy mà đã mười mấy năm trải qua. Chiến tranh chống Mỹ kéo tôi trở lại nơi tuổi thơ với bao kỷ niệm vui buồn đắng cay trong một chuyến đi công tác vào bệnh viện giao thông ở tuyến lửa.
Gạt cần số, dấn ga cho xe tăng tốc bò con dốc trước mặt, cậu lái xe nói với tôi:
- Này ông! Dốc Trầu đấy...
- Ồ... Dốc Trầu hả?
Tôi sửng sốt, buột miệng hỏi lại, vội ngó đầu qua cửa ca bin nhìn cảnh vật bên đường. Hình như... con đường này mới được tu bổ lại để phục vụ quốc phòng thì phải. Dốc Trầu bị bạt đi khá nhiều. Giờ nó thoai thoải chứ không nhô sống trâu như trước đây.
- Đỗ lại! Cho xe dừng lại đi, ông bạn. Tớ muốn xuống đây một tí. - Tôi nói với người lái xe. Rồi mở cửa ca bin nhảy đại xuống đường.
Anh ta tò mò ngó theo tôi, miệng lẩm bẩm:
- Chắc bố mày bị "Tào Tháo" đuổi đây nên mới phải cuống quýt thế?
Tôi tập tễnh bước vòng lên vòng xuống mấy lần ngó nghiêng tìm kiếm những dấu tích "phố" Dốc Trầu năm xưa. Chẳng còn gì ngoài vạt rừng vầu nay đã lan kín xuống mép đường. Tôi lắc đầu tần ngần đứng nhìn cây cỏ. Mà hình như cỏ cây bây giờ cũng đến lạ. Bất giác tôi mỉm cười. Rõ thật vớ vẩn! Đã mười mấy năm trôi qua rồi còn gì. Nhớ lại hồi nào, trong buổi học cuối cùng ở giữa vạt rừng vầu kia mấy đứa trẻ tật nguyền chúng tôi từng nói với nhau là không biết đến bao giờ mới có dịp quay trở lại nơi đây. Hòa bình rồi, mỗi đứa hồi cư về quê hương của mình. Cuộc sống yên hàn trong học tập và lao động mở ra trước mặt. Cuộc sống... Chao ôi!
Tôi quên sao được ngày ấy, mấy đứa trẻ tật nguyền rủ nhau lên đồi trẩu kia kìa, ngồi chuyện trò và mong đợi với nỗi khát vọng cháy lòng trong tôi, thôi thúc tôi vươn tới...
Tiếng cậu lái xe làm tôi giật mình:
- Ô hay! Ông đứng ngây ra thế là nghĩa làm sao? Không đi vệ sinh thì trở lại xe đi chứ...
Tôi bừng tỉnh, vội rảo bước trở lại. Vào ngồi cạnh cậu lái xe, tôi nói:
- Ông bạn, thông cảm cho! Chả là hồi kháng chiến chống Pháp gia đình tớ chạy tản cư vào đây sinh sống. Ngày đó Dốc Trầu có một dãy phố chạy dài.
Cậu lái xe nheo mắt cười:
- Ông mà cũng lãng mạn như nhà văn. Vào tới Trường Sơn á, ông sẽ gặp nhiều cảnh vật và con người dễ làm cho ta xúc động lắm. Nhưng tôi nói thật nhé. Chiến tranh sẽ không cho ông dư dật thời gian để mà mộng tưởng đâu...
Tôi lắc đầu rồi ngả vào đệm xe. Rõ ràng cậu lái xe này chẳng để ý tới tâm trạng tôi lúc này. Tôi cũng không nói lại với anh ta làm gì. Tôi nhắm mắt như người buồn ngủ để được sống lại với tuổi thơ trong khoảnh khắc trên đường ra trận...
Viết xong tại Nghĩa Đô - Hà Nội Tháng 7-1991.
Vũ Đức Nguyên

Xem Tiếp: ----