Chương 8
GIẢI PHÓNG TRƯỜNG SA

Trong những ngày này, một sự kiện đặc biệt đã diễn ra ngoài kế hoạch chiến lược ban đầu. Đó là sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương và Bộ Tống tư lệnh giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa do cluân nguỵ Sài Gòn đóng giữ, một vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc có vị trí chiến lược rất quan trọng về kinh tế và quân sự.
Ngay sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Quân uỷ Trung ương kiến nghị với Bộ Chính trị Trung ương Đảng: "Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo quân nguỵ đang chiếm giữ". Kiến nghị này đã được ghi vào Nghị quyết Bộ Chính trị ngày 25-3-1975.
Cũng từ ngày ấy, Quân uỷ điều anh Hoàng Trà, Chính uỷ Hải quân về làm việc cạnh Bộ Tổng Tham mưu, giúp theo dõi tình hình địch trên biển, kiến nghị về nhiệm vụ của Hải quân trong trận tổng giao chiến cuối cùng. Tôi cũng yêu cầu Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Ngoại giao cung cấp tài liệu về các đảo, quần đảo thuộc vùng biển của Việt Nam, đồng thời chỉ thị cho Cục Quân báo nắm tình hình địch ở Biển Đông.
Nhìn vào bản đồ quân sự và hải đồ Việt Nam, Biển Đông là một vùng biển có độ sâu từ 2.000 đến 4.000m, nổi lên hai quần đảo lớn: Hoàng Sa ở phía bắc và Trường Sa ở phía nam.
Từ thế kỷ XVII, Nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực hiện chủ quyền một cách liên tục và hoà bình đối với hai quần đảo này, hồi đó được gọi là Đại Trường Sa, không gặp sự tranh chấp của quốc gia nào. Trong Đại Nam nhất thống toàn đồ (bản đồ nước Đại Nam thống nhất) được biên vẽ vào thời Nguyễn sau 1838 là năm quốc hiệu Việt Nam đổi thành Đại Nam, hai quần đảo ở Biển Đông được vẽ thành một dải song song với bờ biển miền Trung Việt Nam, ngang với tỉnh Quảng Nam ở phía bắc và tỉnh Khánh Hoà ở phía nam với tên gọi "Hoàng Sa" và, "Vạn lý Trường Sa".
Từ 1920, chính quyền Pháp ở Đông Dương đã tuyên bố khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và tổ chức quản lý về mặt nhà nước trên hai quần đảo.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cuộc tranh chấp chủ quyền diễn ra đối với cả hai quần đảo ở Biển Đông.
Tháng 4-1946, Pháp cho quân ra kiểm soát cụm phía tây quần đảo Hoàng Sa. Tháng 11-1946, quân Tưởng đổ bộ lên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, và tháng 12 năm ấy đổ bộ lên Itu Aba thuộc quần đảo Trường Sa.
Năm 1950, quân Tưởng rút khỏi hai quần đảo. Song năm 1951, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa ra tuyên bố bảo lưu chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này. Từ 1956, tranh chấp diễn ra giữa Trung Quốc với chính quyền Nam Việt Nam. Năm 1961, chính quyền Sài Gòn sáp nhập các đảo thuộc quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.
Trong khi điều trị tại Liên Xô, tôi được ở nhà điện sang cho biết: Ngày 19 và 20-1-1974, nhân lúc quân nguỵ Sài Gòn đang gặp khó khăn, Trung Quốc dùng hàng chục tàu chiến và một phi đội máy bay tiêm kích tiến công chiếm cụm đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa (còn gọi là Nguyệt Thiềm) do quân Nam Việt Nam đồn trú, bắt các binh sĩ quân đội Sài Gòn làm tù binh.
Nhớ lại đầu những năm 60, khi Nghị quyết Trung ương lần thứ 15 khẳng định cách mạng miền Nam phải tiến lên bằng con đường bạo lực, cùng với sự ra đời của Đoàn vận tải Trường Sơn (559), Quân uỷ Trung ương đã tổ chức một bộ phận đặc biệt chi viện miền Nam bằng đường biển. Từ năm 1964 trở về trước, ta dùng các tàu nhỏ xuất phát từ Đồ Sơn dọc theo ven biển đi vào Nam.
Từ năm 1965, ta mở đường đi trong hải phận quốc tế, qua Hải Nam, Lôi Châu, Đông Hoàng Sa đến Song Tử Tây rồi qua Na Tu Na vào đến Cà Mau. Ta đã sử dụng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa làm nơi tạm dừng trên "đường mòn Hồ Chí Minh trên biển", dựa vào chướng ngại thiên nhiên là các bãi san hô ngầm dưới nước.
Tuy gian nan, vất vả, nhưng kết quả vận chuyển vẫn khả quan. Tổng cộng đã đi được 169 chuyến, đến nơi 100 chuyến, 50 chuyến phải quay về, tổn thất 19 chuyến, vận chuyển được 5.677 tấn hàng, mất gần 700 tấn. Ta hy sinh 76 đồng chí, 51 đồng chí bị thương.
Cũng như đối với Đoàn Trường Sơn, công việc vận chuyển trên biển cho miền Nam chiến đấu được Bác Hồ đặc biệt quan tâm khích lệ. Nhớ mãi câu nói vui của Người khen ngợi chiến công độc đáo của thuyền trưởng Bông Văn Dĩa, người thuỷ thủ đi từ Nam ra Bắc bằng thuyền gỗ thô sơ: "Đi biển kiểu ấy thì xưa nay chỉ có Crixtốp Côlông và chú!". Ôi, ký ức còn tươi rói về những ngày đầu gian khổ ấy. Trong khóe mắt long lanh ướt của Bác, tôi thấy cả miền Nam đau thương, anh dũng đang vẫy gọi, hậu phương đâu tiếc sức mình.
Sự kiện Trung Quốc tiến công quân nguỵ, đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa ở phía bắc ngày 20-1-1974, càng cho thấy tầm chiến lược của những mảnh đất xa xôi, chập chờn trên sóng gió Biển Đông. Nhãn quan chiến lược quân sự của Bộ thống soái tối cao, đã nhìn rõ vấn đề. Cần tổ chức giải phóng kịp thời phấn đất này.
Nếu chậm, để quân đội nước khác xâm chiếm nơi đây, tình hình sẽ rất phức tạp. Khó khăn lớn nhất là phải đánh chiếm các đảo với lực lượng hải quân nhỏ bé lúc bấy giờ. Trên mặt trận Biển Đông, hành động cũng phải "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng".
Ngày 2-4, tại Tổng hành dinh, sau khi nghe báo cáo về trận Đà Nẵng, tôi trực tiếp chỉ thị cho anh Lê Trọng Tấn: Ngoài nhiệm vụ truyền đạt mệnh lệnh cho Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân, tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa. Vùng này có thể có tàu chiến của Hạm đội 7 và hải quân các nước khác hoạt động. Hải quân nguỵ cũng được trang bị các loại tàu lớn. Do đó, nghệ thuật tác chiến phải kiên quyết, táo bạo, đồng thời phải hết sức mưu trí, sáng tạo, bất ngờ. Các đơn vị có nhiệm vụ sẵn sàng, có thời cơ là đánh được ngay, bảo đảm chắc thắng. Đánh phải đúng lúc. Nếu có hiện tượng chúng rút, phải tranh thủ đánh chiếm ngay. Nếu tình hình chung địch bị nguy khốn, nhất là ở Sài Gòn, Bộ sẽ thông báo để kịp thời đánh chiếm. Nếu quân nước ngoài đã chiếm đảo thì ta kiên quyết chiếm lại. Nếu có khó khăn thì xin chỉ thị của Bộ.
Tôi cũng chỉ thị cho Bộ Tổng Tham mưu điều ngay Sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tư lệnh Hải quân vào Đà Nẵng, vừa tiếp quản căn cứ hai quân của địch ở đây, vừa chuẩn bị sẵn sàng phát triển chiến đấu trên mặt biển.
Trước đó, ngày 30-3, Quân uỷ Trung ương điện cho các anh Võ Chí Công và Chu Huy Mân: "Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, Thường vụ giao cho Khu uỷ và Bộ Tư lệnh B1 (1), nhiệm vụ nghiên cứu, chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất đánh chiếm các đảo hiện do quân nguỵ miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Nam Sa (2). Trong việc này, anh Nguyễn Bá Phát, phái viên của Bộ Tổng tham mưu và các cán bộ Hải quân cùng đi sẽ do Khu uỷ và Quân khu uỷ chỉ đạo để thực hiện kế hoạch".
Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng vì vùng quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Theo thăm dò, triển vọng ở đây có dự trữ dầu lửa lớn. Với tầm nhìn chiến lược, có thể thấy biển và đại dương sẽ là nguồn tài nguyên chủ yếu của nhân loại kể từ thế kỷ XXI.
Chiều 4-4, Quân uỷ Trung ương điện tiếp cho Quân khu 5:
"Thực hiện kịp thời đánh chiếm các hòn đảo ở vùng Nam Hải, đặc biệt là các đảo Nam Sa. Việc này phải chuẩn bị gấp và bí mật, chỉ để cán bộ có trách nhiệm biết".
Mệnh lệnh được thi hành tức khắc. Quân khu 5 cùng Bộ Tư lệnh Hải quân triển khai kế hoạch tác chiến. Các lực lượng của Quân khu 5 cùng một biên đội tàu và lực lượng đổ bộ của Hải quân được tổ chức lại gồm: Các tàu vận tải của Đoàn 125 vừa từ Hải Phòng vào tiếp quản Đà Nẵng; những con tàu không số này vốn từng quen với "đường mòn Hồ Chí Minh trên biển", nhiều lần qua lại khu vực quần đảo Trường Sa nên đã quen nhận dạng, phân biệt các đảo, và cũng có kinh nghiệm tránh đá ngầm; Đội 1 Đoàn 126 đặc công là đơn vị có bề dày thành tích với cách đánh bí mật, bất ngờ, đã đánh chìm nhiều tàu địch ở chiến trường Cửa Việt. Chỉ huy trưởng là đồng chí Mai Năng.
Ngày 9-4, Cục Quân báo phát hiện địch rút quân khỏi các đảo ở biển Nam Hải. Quân uỷ Trung ương điện "tối khẩn" cho các anh Võ Chí Công, Chu Huy Mân, đồng điện cho anh Hoàng Hữu Thái, Phó tư lệnh Hải quân ở Đà Nẵng: "Có tin quân nguỵ chuấn bị rút khỏi đảo Nam Sa. Các anh cho kiểm tra lại ngay và chỉ thị cho lực lượng ta hành động kịp thời theo phương án đã định. Nếu để chậm, có thể quân nước ngoài chiếm trước, vì hiện nay một số nước ngoài đang có ý đồ xâm chiếm".
Ngày 13-4, Quân khu 5 điện về Bộ Tổng Tham mưu báo cáo kế hoạch đánh chiếm các đảo. Tôi điện ngay cho anh Mân: "Các anh đã tích cực tổ chức thực hiện quyết định của Quân uỷ Trung ương về việc đánh chiếm các đảo. Ý kiến của tôi:
1. Việc đánh chiếm các đảo cần làm đúng thời cơ.
Nếu có thời cơ cụ thể mà không kịp đánh chiếm thì các nước ngoài có thể chiếm trước. Nếu địch chưa rút mà ta đã chiếm trước thì tình hình có thể trở nên phức tạp, vì lực lượng ta có hạn và việc tăng viện có gặp khó khăn.
2. Do đó, thời cơ cụ thể đánh chiếm là: a) Nếu địch đã rút toàn bộ hoặc rút đại bộ phận thì đánh chiếm ngay. Nếu quân nước ngoài đánh chiếm trước thì đánh chiếm lại, b) Nếu địch mới có triệu chứng rút hoặc bắt đầu rút thì theo dõi, kịp thời đánh chiếm khi địch rút đại bộ phận, c) Khi tình hình chung của địch nguy khốn, nhất là tình hình địch ở trọng điểm, thì đánh chiếm ngay.
Hai thời cơ cụ thể trên do anh theo dõi và quyết định.
Thời cơ cụ thể thứ ba, tôi sẽ kịp thời báo anh khi xuất hiện".
Thời cơ đánh chiếm là như vậy, nhưng cách đánh chiếm thì sao, trong tình hình vũ khí, phương tiện của ta còn kém hơn địch cả về số lượng và trình độ hiện đại?
Nhớ lại dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam, phát biểu về chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông, biển, tôi đã nhấn mạnh việc đánh địch ở ven biển, ở biển gần và ở các quần đảo của Việt Nam cần được hết sức coi trọng, và căn dặn cán bộ, chiến sĩ cần vận dụng tư tưởng lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít thắng nhiều trong tác chiến của Hải quân. Biểu dương các "con tàu không số" và các đơn vị "đặc công nước", tôi khái quát nghệ thuật đánh giặc của Hải quân ta là biết lấy số lượng trang bị ít hơn, kém hiện đại hơn địch mà vẫn đánh thắng được địch. Muốn vậy, phải tích cực, chủ động, kiên quyết, linh hoạt, mưu trí, sáng tạo, bí mật, bất ngờ.
Ngày hôm sau, một nguồn đáng tin cậy báo về: Có triệu chứng quân nguỵ chuẩn bị rút khỏi quần đảo Trường Sa.
Sau khi kiểm tra lại nguồn tin, tôi điện tiếp cho Quân khu 5: " Thời cơ đánh các đảo thuộc khu vục Nam Sa lúc này rất thuận lợi. Chỉ đánh các đảo quân nguỵ miền Nam chiếm đóng. Các anh ra lệnh đánh chiếm ngay.
Theo dõi, đôn đốc kiểm tra chặt chẽ và thường xuyên báo cáo về Bộ".
Nhận các chỉ thị, mệnh lệnh của Quân uỷ và Bổ Tổng tư lệnh, anh Hoàng Hữu Thái ra lệnh cho các tàu hải quân nguỵ trang giả dạng tàu đánh cá, xuất phát vào lúc trời chưa sáng.
Bằng phương tiện nhỏ và ít, đối mặt với tàu chiến lớn của địch và đại dương mênh mông, quân ta đánh theo kiểu của mình: bí mật tiếp cận, nhanh chóng đổ bộ, bất ngờ đánh chiếm mục tiêu. Đúng 4 giờ 30 phút sáng ngày 14-4, sau hơn 1 giờ tổ chức đổ bộ, ta nổ súng tiến công, nhanh chóng tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, giải phóng đảo Song Tử Tây, kéo lá cờ Tổ quốc lên đỉnh cột cờ trên đảo. Tiếp đó, ngày 25-4, quân ta tiến công đánh chiếm đảo Sơn Ca. Ngày 27-4, ta giải phóng đảo Nam Yết và đảo Sinh Tồn. Ngày 28-4, quân ta giải phóng đảo Trường Sa, đảo An Bang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong vòng nửa tháng với những cố gắng lớn nhất.
Ngay trong ngày 28-4, quân ta trên các đảo, trên các tàu chiến nhận được điện khen: "Quân uỷ Trung ương rất phấn khởi được tin quân ta đã chiếm các đảo thuộc Trường Sa. Nhiệt liệt khen ngợi các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược".
Sức mạnh tiến công và nổi dậy của chiến trường trọng điểm cùng với sự chi viện to lớn của hậu phương làm cho thế và lực của quân và dân ta lớn mạnh vượt bậc. Tuyến phòng ngự từ xa của địch đã bị phá vỡ. Một vùng biển rộng lớn giàu tài nguyên với những đảo và quần đáo có vị trí chiến lược hết sức quan trọng đã thuộc chủ quyền của Tổ quốc. Các cánh quân lớn dày dạn kinh nghiệm chiến đấu sẵn sàng đi vào trận tiến công hang ổ cuối cùng của địch.
Chú thích:
(1) tức Quân khu 5.
(2) Trung Quốc và chính quyền Sài Gòn gọi Trường Sa là Nam Sa.