Những biến đổi mới về kinh tế trong đời sống nông dân
Bàn về cuốn sách của V. Ê. Pô-xtơ-ni-cốp:
"Kinh tế nông dân ở miền Nam nước Nga"
I

Viết vào mùa xuân năm 1893
In lần đầu vào năm 1923 trong văn tập "Kỷ niệm 25 năm Đại hội I của Đảng (1898 - 1923)"
uốn sách của V. Ê. Pô-xtơ-ni-cốp: "Kinh tế nông dân ở miền Nam nước Nga" (Mát-xcơ-va, 891. Tr. XXXII + 391), xuất bản cách đây hai năm, mô tả hết sức chi tiết và tỉ mỉ nền kinh tế nông dân trong các tỉnh Ta-vrích, Khéc-xôn và Ê-ca-tê-ri-nô-xláp, và chủ yếu là trong những huyện trên đất liền (ở phía Bắc) của tỉnh Ta-vrích. Khi mô tả như thế, tác giả đã căn cứ trước hết  và chủ yếu  vào những tài liệu điều tra thống kê của các hội đồng địa phương trong ba tỉnh nói trên; và sau nữa là căn cứ vào những nhận xét cá nhân của tác giả, những nhận xét này thì một phần được tiến hành trong khi tác giả thi hành chức vụ của mình°, còn một phần nữa được tiến hành nhằm mục đích riêng là nghiên cứu nền kinh tế nông dân từ năm 1887 đến năm 1890.
Từ lâu, người ta đã cảm thấy cần phải sắp xếp lại những tài liệu thống kê của các hội đồng địa phương và chỉnh lý những tài liệu ấy. Chính nhằm mục đích đó, nên trong thời gian gần đây, người ta đã bắt tay vào việc xuất bản tập "Kết quả những tài liệu thống kê của các hội đồng địa phương". Kế hoạch xuất bản là như sau: người ta chọn một vấn đề cục bộ nào đó nói về nền kinh tế nông dân, rồi người ta tiến hành nghiên cứu riêng để tổng hợp tất cả những số liệu đã có trong những thống kê của các hội đồng địa phương về vấn đề đó; người ta tập hợp lẫn lộn những số liệu về vùng đất đen ở miền Nam nước Nga với vùng không phải đất đen ở miền Bắc, về những tỉnh thuần tuý nông nghiệp với những tỉnh thủ công nghiệp. Hai tập "Kết quả" đã xuất bản, đều đã được soạn ra căn cứ vào kế hoạch đó; tập thứ nhất chuyên nói về "công xã nông dân" (V. V.), tập thứ hai về "việc nông dân thuê ruộng đất không phải phần ruộng được chia" (N. Ca-rư-sép)3. Ta có quyền không tin rằng phương pháp tổng hợp đó là chính xác: trước hết, vì phương pháp đó đòi hỏi phải tổng hợp lại làm một những số liệu về các khu vực kinh tế khác nhau có những điều kiện kinh tế khác nhau (đồng thời hết sức khó mà nêu lên được những đặc trưng riêng của từng khu vực, vì những tài liệu điều tra của các hội đồng địa phương đều chưa đầy đủ, và vì nhiều huyện đã bị bỏ sót: những khó khăn đó đều đã biểu lộ ngay trong tập "Kết quả" thứ hai; ông Ca-rư-sép cũng đã thất bại khi ông ta định đem những số liệu thống kê của các hội đồng địa phương áp dụng cho những khu vực khác nhau); sau nữa, vì hoàn toàn không thể mô tả riêng rẽ một mặt nào đó của nền kinh tế nông dân mà lại không nói đến những mặt
khác; vì đem một vấn đề nhất định nào đó mà tách riêng ra, như thế là trái với tự nhiên và không làm cho thấy rõ được toàn bộ. Vấn đề nông dân thuê ruộng đất không phải phần ruộng được chia thì bị tách khỏi vấn đề cho thuê ruộng được chia, tách khỏi những số liệu chung về việc phân loại nông dân căn cứ vào phương diện kinh tế, và những số liệu về diện tích gieo trồng; những việc cho thuê ruộng đất đó chỉ được coi là một bộ phận của kinh tế nông dân thôi, kỳ thực việc đó lại thường là một phương thức đặc thù trong lối kinh doanh tư hữu. Chính vì thế mà theo tôi, tốt hơn là nên tổng hợp những số liệu thống kê của các Hội đồng địa phương về một vùng nhất định, có những điều kiện kinh tế giống nhau.
Trình bày qua những ý kiến của tôi về cách làm thế nào để tổng hợp được chính xác hơn những tài liệu điều tra thống kê của các hội đồng địa phương, cũng như những ý kiến đã nảy ra trong khi tôi đối chiếu các tập "Kết quả" với cuốn sách của Pô-xtơ-ni-cốp, tôi thấy cần phải nói thêm rằng nói cho đúng thì ông Pô-xtơ-ni-cốp đã không tự đề ra cho mình nhiệm vụ tổng hợp: ông coi những số liệu là thứ yếu và hoàn toàn chú tâm vào việc mô tả sao cho đầy đủ và nổi bật.
Trong khi mô tả như thế, tác giả chú ý gần như đồng đều đến những vấn đề có tính chất kinh tế, hành chính - pháp lý (hình thức chiếm hữu ruộng đất), cũng như những vấn đề có tính chất kỹ thuật (vấn đề ranh giới, chế độ kinh doanh, số thu hoạch) nhưng ông có ý đặt những vấn đề thứ nhất lên hàng đầu.
Trong bài tựa, ông Pô-xtơ-ni-cốp viết: "Phải thú thực rằng đáng lẽ có thể chú ý nhiều đến kỹ thuật của kinh tế nông dân, thì tôi lại ít chú ý đến, nhưng sở dĩ tôi làm như thế là vì, theo tôi thì trong nền kinh tế nông dân những điều kiện kinh tế có một vai trò quan trọng hơn là kỹ thuật. Báo chí nước ta... thường coi nhẹ mặt kinh tế... Người ta rất ít chú ý nghiên cứu những vấn đề kinh tế có tính chất cơ bản đối với nền kinh tế nông dân ở nước ta, như vấn đề ruộng đất và vấn đề ranh giới ruộng đất. Cuốn sách này dành một phần lớn hơn để làm sáng tỏ chính những vấn đề ấy, và đặc biệt là vấn đề ruộng đất" (Lời tựa, tr. IX).
Hoàn toàn đồng ý với cách nhìn của tác giả về tầm quan trọng tương đối của những vấn đề kinh tế và kỹ thuật, nên tôi định dành bài của tôi để chỉ trình bày riêng cái phần tác phẩm của ông Pô-xtơ-ni-cốp trong đó nền kinh tế nông dân là đối tượng để nghiên cứu về mặt kinh tế - chính trị°.
Trong bài tựa, tác giả đã nói rõ những điểm chủ yếu của việc nghiên cứu đó như sau:
"Do máy móc, trong thời gian gần đây, đã được sử dụng rộng rãi trong công việc đồng áng của nông dân và do quy mô kinh doanh của bộ phận nông dân khá giả được mở rộng ra nhiều, nên đời sống nông nghiệp ở nước ta đi vào một giai đoạn mới, giai đoạn này chắc chắn là sẽ còn được những điều kiện kinh tế khó khăn trong năm nay tạo cho một đà phát triển mới. Quy mô kinh doanh và việc sử dụng máy móc mà tăng lên, thì năng suất lao động của nông dân và khả năng lao động của gia đình cũng tăng lên rất nhiều, đó là điều mà từ trước đến nay người ta vẫn không nhìn thấy, khi xác định diện tích do một hộ nông dân có thể canh tác được...Việc sử dụng máy móc trong nền kinh tế nông dân làm cho những điều kiện sinh hoạt thay đổi rất nhiều: việc sử dụng máy móc như thế đã giảm bớt nhu cầu về nhân công.
Trước khi trình bày xem những sự biến đổi mới về kinh tế đó, theo ý của tác giả, là những gì, tôi cần phải nói thêm hai điểm dưới đây:
Một là, như trên kia ta đã thấy, Pô-xtơ-ni-cốp cho ta biết những số liệu về những tỉnh Khéc-xôn, Ê-ca-tê-ri-nô-xláp và Ta-vrích; nhưng chỉ những số liệu về tỉnh Ta-vrích là có đầy đủ chi tiết thôi, mà cũng không phải đối với toàn tỉnh: tác giả không cung cấp được những số liệu về Crưm là vùng có những điều kiện kinh tế hơi khác một chút, mà chỉ chú trọng đến ba huyện trên đất liền nằm ở phía Bắc tỉnh Ta-vrích, tức là huyện Béc-đi-an-xcơ, Mê-li-tô-pôn và Đni-ép-rơ. Tôi cũng chỉ dùng những số liệu thuộc độc ba huyện đó thôi.
Hai là, trong tỉnh Ta-vrích, ngoài người Nga ra còn có cả người Đức và người Bun-ga-ri sinh sống nữa, nhưng số người Đức và người Bun-ga-ri không đông bằng người Nga: trong tổng số 19586 hộ thuộc huyện Đni-ép-rơ, có 113 hộ di dân người Đức, tức là chỉ có vẻn vẹn 0,6%. Tại huyện
Mê-li-tô-pôn, trong tổng số 34 978 hộ, có (1 874 + 285 =2 159 hộ người Đức và người Bun-ga-ri, tức là 6,1%. Sau cùng, tại huyện Béc-đi-an-xcơ, trong tổng số 28 794 hộ, thì có 7 224 hộ người Đức và người Bun-ga-ri, tức là 25%. Tổng cộng lại thì trong tổng số 83 358 hộ của cả ba huyện, có 9 496 hộ di dân, tức là vào khoảng 1/9. Vậy là, nói chung số hộ di dân là rất ít, mà trong huyện Đni-ép-rơ thì con số đó lại hoàn toàn không đáng kể. Tác giả đã mô tả tỉ mỉ kinh tế của những hộ di dân, luôn luôn tách rời kinh tế của những hộ đó với kinh tế của những hộ người Nga. Tôi không nói đến tất cả những sự mô tả đó mà hoàn toàn chỉ nói đến kinh tế của nông dân Nga thôi. Thật ra thì số liệu bao gồm cả người Nga lẫn người Đức, nhưng vì con số người Đức không đông, nên dù có nhập người Đức vào thì cũng không làm cho tỷ lệ chung thay đổi, thành thử chúng ta hoàn toàn có thể dựa vào những số liệu đó để nhận định nền kinh tế của nông dân Nga. Những người Nga ở tỉnh Ta-vrích, đến làm ăn sinh sống ở đấy trong 30 năm gần đây, chỉ khác nông dân thuộc các tỉnh khác ở chỗ họ khá giả hơn. Trong tỉnh đó, chế độ chiếm hữu ruộng đất công xã, theo lời tác giả nói, là "có tính chất điển hình và ổn định"°; nói tóm lại, trừ những hộ di dân ra thì kinh tế nông dân trong tỉnh Ta-vrích, về căn bản, không khác với hình loại chung của kinh tế nông dân Nga.