Phần 2

1.3 - Sự phát triển của xã hội loài người từ khi có chủ nghĩa Mác tới nay:
Trong thực tế xã hội loài người đã vận động và phát triển hoàn toàn khác hẳn với những gì mà Mác đã dự đoán: cách mạng vô sản đã không nổ ra trước tiên ở các nước Tư bản chủ nghĩa phát triển nhất. (ông dự đoán là nước Ðức:"Những người cộng sản chú ý nhiều nhất đến nước Ðức, vì nước Ðức hiện nay đang ở vào đêm trước của một cuộc cách mạng vô sản..." - trích Tuyên Ngôn Ðảng Cộng Sản). Mà lại nổ ra ở nước Nga, lúc ấy chỉ là một nước TBCN phát triển trung bình. Cái "mắt xích" ấy yếu nhất và bị "đứt" là bởi chiến tranh và nội chiến, do nước Nga Sa Hoàng tham dự đã làm cho nước Nga suy kiệt, nhân dân Nga, nhất là các tầng lớp công - nông - binh bất mãn đến cùng cực. Chính họ đã là lực lượng nòng cốt cho cuộc Cách mạng tháng 10 Nga năm 1917 giành được thắng lợi. Nó tuyệt đối không phải là sự vận động và phát triển của "Quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất" mà Mác đã chỉ ra.
Những trường hợp của bốn nước XHCN còn sót đến ngày nay lại càng khẳng định thêm cho điều này. Chưa kể đến Mông Cổ (Mongolia) mà đa số người dân vốn chỉ quen với đời sống du mục trên thảo nguyên, thì đã lấy đâu ra mâu thuẫn giữa "tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân TBCN về tư liệu sản xuất", vậy mà cũng nhảy được một lúc 2 - 3 bậc lên CNXH! (Trung Quốc và Việt Nam nhảy cóc một bậc là vẫn còn … ít!). Dự đoán trên đã sai, nhưng dự đoán sau đây còn sai tệ hại hơn nữa: trong Tư Bản Luận - quyển I ông viết "Giờ tận số của chế độ tư hữu TBCN đã điểm"!.
- Trước và sau Mác nhân loại đã ra sức tìm kiếm nhiều phương cách khác nhau để giải quyết bài toán lợi - quyền. Kết quả là ngày càng có nhiều người vô sản hôm qua trở thành những người hữu sản hôm nay bằng lao động chân chính của họ. Luật pháp cũng thay đổi để bảo vệ và khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thị trường chứng khoán cũng phát triển mạnh đã đẩy nhanh quá trình "cổ đông hóa". (nước Úc hiện nay có khoảng 5 triệu cổ đông trên tổng số gần 20 triệu dân, chiếm hơn 25% dân số. Có 500,000 các doanh nghiệp gia đình, chiếm 50% lực lượng lao động toàn xã hội. Trong một cuộc nghiên cứu gần đây thì nước Úc có 230,000 nhà triệu phú so với 75,000 cách đây 7 năm,tức là trung bình cứ 80 người dân thì có 1 triệu phú.) Nghĩa là họ vừa là người làm thuê, lại vừa là người làm chủ hoặc tự làm chủ hoàn toàn. Từ đó cái tâm lý đấu tranh một mất một còn kiểu "Ðược là được tất cả, mất chỉ mất gông cùm xiềng xích!" hay "quyết phá sạch tan tành" đã ngày càng bị đẩy lùi trong các xã hội văn minh. Nếu "đấu tranh này là trận cuối cùng" (những lời trong bài Quốc Tế Ca ), thì sau "trận cuối cùng" ấy họ sẽ mất nhiều hơn là được. Nhiều bộ luật cũng đã ra đời để hạn chế tình trạng cạnh tranh, vô chính phủ. Ví dụ là luật chống độc quyền: nếu công ty Microsoft hiện nay của Mỹ mà không có luật trên hạn chế, thì nó đã nuốt nhiều chú "cá bé" lắm rồi. Và nhà tỷ phú Bill Gates cùng một số bạn hữu của ông là những ví dụ điển hình, mà chỉ bằng tài năng và quyết tâm của họ đã trở thành những ông chủ lớn, từ những vốn liếng rất nhỏ nhoi ban đầøu.
- Hệ thống chính trị cũng có những thay đổi về chất để chuyển từ nền Dân chủ tư sản cho một thiểu số sang nền Dân chủ đa nguyên cho nhiều người. Ở đó xã hội nhìn nhận và tôn trọng những khác biệt về tư tưởng, quan điểm chính trị, chủng tộc, tín ngưỡng, thành phần xuất thân,... nghĩa là mọi quyền của con người đều được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Chỉ trừ ai hoặc nhóm người nào "khác biệt" đến mức đi tuyên truyền, cổ vũ hoặc trực tiếp nhúng tay vào các hoạt động bạo lực, khủng bố, tự hủy, v.v…
Ðặc biệt nhất là quyền tự do ứng cử và bầu cử, qua đó người dân vừa bầu ra một chính phủ có kỳ hạn nắm quyền. Ðồng thời cũng bầu ra những lực lượng chính trị khác làm đối lập xây dựng đủ mạnh, để kiểm soát mọi hoạt động của chính phủ đương quyền. Thời gian ở vị trí đối lập chính là thời gian học việc của họ, và tất cả đều có thể bị thay thế bằng những lực lượng chính trị mới, nếu họ nói mà không làm hoặc làm không được việc. Họ sẽ không có nhiềư "cơ hội" để miệt mài làm ngụy biện và đạo đức giả với cử tri - những người đóng thuế. Ðồng thời giới truyền thông cũng có những quyền lực thật sự để thực hiện các chức năng phản ánh, hướng dẫn, giám sát và dự báo xã hội của họ một cách độc lập. Mặt khác còn là sự thăng bằng và chế ngự lẫn nhau của ba cơ quan quyền lực: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nó không cho phép một cá nhân hay một đảng phái nào có quyền chi phối hoặc đứng hẳn lên trên nó.
Tất nhiên ngay cả ở những xã hội phát triển nhất thì không phải mọi việc đều đã ổn thỏa. Vẫn còn có những bất công, có khi là rất lớn. Nhưng đấy là xã hội được nhiều người dân chấp nhận, và họ vẫn luôn ra sức phát hiện những điểm không ổn ấy, để tìm cách điều chỉnh cho nó ngày một hoàn thiện hơn. Còn ý tưởng xây dựng một xã hội mới hoàn toàn công bằng và bình đẳng, thì cả vềà lý luận và thực tiễn đều cho thấy rằng: chính nó mới thực sự là không tưởng, để rồi đã sa vào thảm cảnh "đi nhờ con cáo này để đuổi con cáo kia."! Mà con cáo mới này lại có nhiều móng vuốt hơn, răng cũng to và khỏe hơn do đó cũng "vồ" được nhiều gà hơn!
2 - Hoàn cảnh mà CT Hồ Chí Minh đã chọn con đường đi cho dân tộc Việt Nam.(Chủ tịch Hồ Chí Minh 1890 - 1969)
Theo các văn kiện chính thức của ÐCS Việt Nam, cũng như CT Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã nhiều lần khẳng định thì con đường mà CT Hồ Chí Minh đã chọn cho dân tộc Việt Nam chính là con đường của Lê Nin, tức con đường XHCN. Cơ sở hình thành của nó ra sao, đúng sai thế nào thì như đã biết. Ở đây chúng ta chỉ đi tìm hiểu xem hoàn cảnh nào đã dẫn CT Hồ Chí Minh tìm đến với con đường ấy:
Paris năm 1920, lúc này chàng trai 30 tuổi Nguyễn Ái Quốc tức CT Hồ Chí Minh sau này đã là thường trú nhân ở đây được 3 năm. Anh cũng mới ra nhập đảng xã hội Pháp được 1 năm. (CT Hồ Chí Minh sinh sống ở Pháp 6 năm từ 1917 - 1923).
Liên tiếp trong hai ngày 16 và 17/7 tờ Nhân đạo (L’humanité) cơ quan ngôn luận của đảng xã hội Pháp đăng bài viết nhan đề: "Ðề cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa" của Lê Nin, đây là một bài viết 8 trang và như sau này CT Hồ Chí Minh kể lại đại ý: "Trước đó tôi chưa hề đọc một cuốn sách nào của Lê Nin viết, nó làm tôi cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên, ngồi một mình trong phòng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta! Ðây là con đường giải phóng dân tộc chúng ta!... Và từ đó tôi đã có một sự lựa chọn: tán thành Quốc Tế III và hoàn toàn tin theo Lê Nin, nhất quyết đi theo ngọn đuốc của Lê Nin vĩ đại để soi sáng đường cho cách mạng Việt Nam".
Tuy nhiên có điểm sau đây cũng do ông kể lại: "Trong đề cương ấy có những chữ chính trị khó hiểu, nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính,...".
Tôi không có ý nói rằng hễ người nào không biết ngoại ngữ hoặc có biết nhưng không giỏi thì không thể chọn được đường đi cho dân tộc mình, nhưng ở vào hoàn cảnh của ông lúc đó, là người Việt Nam duy nhất đi theo con đường của Lê Nin, như chính ông và những đồng chí của ông đã nhiều lần khẳng định, mà với một bài viết không dài lắm ông đọc vất vả như vậy, thì sẽ không dễ gì ông hiểu được toàn bộ tư tưởng của Lê Nin, lại càng khó có thể hiểu được những tư tưởng của Mác. (vì như chúng ta biết là văn phong của Mác đọc rất khó hiểu, mà anh Nguyễn lúc ấy lại không có các tác phẩm của ông bằng tiếng Việt trong tay.).
Một điểm nữa cũng cần phải lưu ý là việc tán thành Quốc Tế III của ông là ở vào một hoàn cảnh khác sau đó:
Nước Pháp - Thành phố Tours cuối tháng 12/1920, lúc này đảng xã hội Pháp nhóm họp đại hội lần thứ 18 để thảo luận và quyết định một vấn đề quan trọng: nên tiếp tục theo Quốc Tế II như truyền thống hay theo Quốc Tế III? anh Nguyễn cũng được đảng chọn làm đại biểu đại diện cho xứ Ðông Dương thuộc Pháp tham dự đại hội. Sau này CT Hồ Chí Minh cũng đã kể lại đại ý: " Sau phần bỏ phiếu, người nữ thư ký ghi biên bản của đại hội hỏi: Tại sao đồng chí lại bỏ phiếu cho Quốc Tế III? - Ông đáp: Rất đơn giản, tôi không phân biệt rõ sự khác nhau giữa Quốc Tế II, Quốc Tế II rưỡi hay Quốc Tế III. Tôi cũng không hiểu chị nói thế nào là chiến lược, chiến thuật vô sản và nhiều điểm khác, nhưng tôi hiểu rõ một điều: Quốc Tế III rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa, đến tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho tổ quốc tôi. Ðấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu,…". (có tài liệu viết rằng đoạn đối thoại trên là xảy ra trước phần bỏ phiếu, nhưng theo tôi điều đó không ảnh hưởng gì đến thực chất của vấn đề.).
Theo đánh giá của nhiều người thì câu chuyện ấy nói lên rằng đó là những khoảnh khắc lịch sử để CT Hồ Chí Minh "Ði từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến yêu CNXH sâu sắc". Theo tôi đây là một điểm lớn cần phải phân tích kỹ hơn °, nhưng cũng qua đó lại thêm một lần nữa khẳng định tính "hên - xui, may - rủi" trong việc chọn đường đi cho dân tộc của ông: một khi mà vào tháng 7 ông đã "nhất quyết đi theo ngọn đuốc của Lê Nin vĩ đại" rồi, mà 5 tháng sau đó ông vẫn không hề biết rằng Quốc Tế III chính là do Lê Nin sáng lập từ năm 1919 để dứt khoát chọn ngay từ đầu, vừa là để củng cố thêm cho con đường mà mình đã chọn, vừa ủng hộ cho người thầy lớn của mình. Vì vậy có thể nói trộm vía ông rằng: Hoàn cảnh mà CT Hồ Chí Minh đã chọn đường đi cho dân tộc vào năm 1920 ấy chẳng khác nào hoàn cảnh của một người... bắt mèo ở trong bị! Hay nói một cách khác thì nó cũng tương tự như hoàn cảnh của một người đang ngồi trong... sòng bài! Trong điều kiện làm việc đơn phương, vừa đói thông tin, vừa nghèo phương án đến như vậy, thì chẳng cứ gì chàng trai Nguyễn Tất Thành, mà bất cứ ai dù có là vĩ nhân đi chăng nữa, nếu có chọn được một con đường nào đó cho dân tộc, thì chắc chắn nó cũng sẽ có độ rủi ro cao, lành ít dữ nhiều mà thôi. (sau đại hội trên những ai bỏ phiếu cho Quốc Tế III đã tách ra để thành lập ÐCS Pháp, vì vậy đại hội Tours còn được gọi là đại hội sáng lập ÐCS Pháp.).
Một câu hỏi đặt ra là nếu CT Hồ Chí Minh không chọn con đường của Lê Nin, thì Việt Nam sẽ đi theo con đường nào? Câu trả lời là: Việt Nam sẽ đi theo con đường các nước Ðông Nam Á (ASEAN) đã đi, mà Việt Nam chỉ mới ra nhập từ năm 1995 đến nay. Nếu như vậy đất nước đã không bị chậm nhiều chục năm so với thế giới, không phải gánh chịu những hậu quả kéo dài đến tận hôm nay, mà tôi xin trình bày rõ hơn ở phần sau. Cũng như đã tránh được mức độ khốc liệt vào giai đoạn cuối cuộc chiến tranh Ðông Dương lần thứ I (1946 - 1954). Và dĩ nhiên cuộc chiến tranh Ðông Dương lần thứ II (1954 - 1975) cũng đã không xảy ra. Máu xương của nhiều triệu con người Việt Nam ở cả hai phía đã không phải đổ xuống.
Toàn bộ cục diện quốc tế và khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã chứng minh điều này. Ðiển hình là trường hợp của Malaysia: tuy các phong trào khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền của nước này, kể cả phong trào cộng sản đều bị thất bại nặng nề, nhưng vẫn được người Anh trao trả lại độc lập vào năm 1957. Một số nước khác thì sớm hơn như: năm 1946 có Philippines thuộc Mỹ, Syria và Liban thuộc Pháp. Năm 1947 có Ấn Ðộ, Pakistan và năm 1948 có Miến Ðiện (Myanmar), SriLanka, Palestin đều thuộc Anh và Indonesia thuộc Hà lan năm 1949, v.v… (riêng Thái Lan do nét đặc thù riêng nên không phải là một nước thuộc địa trước đó.)
Tình hình các nước khác ở châu Phi, Mỹ La tinh, v.v… cũng là như vậy. Tất cả đều giành được độc lập dù ở đó có hay không có các đảng cộng sản lãnh đạo, có phong trào khởi nghĩa vũ trang hay không. Ðây là kết luận chung của các sử gia khách quan, chứ tôi không hề có ý định làm cái anh chàng "Khổng Minh sau trận đánh". Việc trao trả lại nền độc lập từ các nước chủ thuộc địa cho các nước thuộc địa cũ không phải diễn ra đồng thời, mà kéo dài từ năm 1945 đến giữa thập niên 60 trong thế kỷ 20. Trong đó nổi bật lên vai trò can thiệp của nước Mỹ, với đầy đủ cả những mặt xấu lẫn tốt của nó °.
Vì vậy nếu ai nói rằng: CT Hồ Chí Minh đã có công đầu trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê Nin vào Việt Nam, rồi sau đó lãnh đạo ÐCS Việt Nam đưa dân tộc vào quỹ đạo của CNXH thì đúng. Nhưng nếu lại nói đấy là con đường duy nhất để Việt Nam giành lại được độc lập là sai. Càng sai hơn nữa nếu gắn thêm vào đấy những giá trị như: hạnh phúc và ấm no, bình đẳng và bác ái, dân chủ và tự do, v.v… Thậm chí có người cho đến lúc này vẫn còn so sánh mức sống chung của nhân dân hôm nay với trước cách mạng tháng 8/1945!(mà có khi cả làng chỉ vài nhà có xe đạp). Tôi cho rằng bằng cách đó họ đã tự gây thích thú cho mình nhưng đã làm khổ cả một dân tộc.
Nguyên soái Giu-Cốp (Zhukov), 4 lần anh hùng Liên Xô - người có công rất lớn với nhân loại trong cuộc chiến tranh thế giới thứ II, đã viết trong cuốn hồi ký Nhớ Lại Và Suy Nghĩ của ông: "Người ta có thể xuyên tạc hay bóp méo lịch sử, nhưng không ai có thể làm lại được lịch sử...". Ngày nay sau gần 80 năm trôi qua, dân tộc Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện để chọn lại con đường đi cho dân tộc mình. Nhất định cả dân tộc cùng chọn sẽ tốt hơn một người chọn. Và vì đây là vấn đề của cả dân tộc thì phải để cho cả dân tộc ấy chọn. Không ai hoặc bất cứ một lực lượng chính trị nào có quyền đứng ra nhân danh dân tộc để tự ấn định hay khước từ quyền tự quyết thiêng liêng ấy, vì những lợi ích riêng của họ. Chính điều đó mới là vừa thiếu đạo đức, vừa thiếu văn minh!
3 - Ðường lối
"Xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa"
ở Việt Nam hiện nay.
3.1 - Hoàn cảnh ra đời:
Ðường lối này bắt đầu ở Việt Nam vào cuối thập niên 80, nhất là sau đại hội VII ÐCS Việt Nam năm 1991, tên đầy đủ hơn của nó là: "Xây dựng và phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý và điều tiết của nhà nước theo định hướng XHCN, với thành phần kinh tế quốc doanh đóng vai trò chủ đạo". Nó cũng là sự tiếp nối của đường lối đổi mới kể từ đại hội VI ÐCS Việt Nam năm 1986. Nó diễn ra trong bối cảnh toàn phe XHCN trước, sau ở từng nước đều đã phải đi tìm những con đường mới nhằm thay thế cho con đường cũ đã thất bại. Nhưng khác với trước là có cả một học thuyết lớn dẫn đường, thì những con đường mới đều là những giải pháp tình thế. Cụ thể là:
- Với các nước Ðông Âu và Liên Xô sau nhiều trăn trở, cuối cùng họ chấp nhận thất bại, kiên quyết đoạn tuyệt hẳn với quá khứ và làm lại từ đầu, nhằm bắt kịp dòng chảy của thời đại.
- Với Cu Ba và Bắc Hàn thì vẫn tiếp tục cố thủ, không đổi cũ mà cũng chẳng đổi mới. Gần đây mới có những chuyển động, đang được thế giới quan tâm theo dõi.
- Với Trung Quốc là đường lối "Xây dựng CNXH mang màu sắc Trung Quốc", được bắt đầu từ năm 1978. Thực chất của nó là sự thay thế từ thuyết "Hai ngọn gió Ðông - Tây" của Mao Trạch Ðông sang thuyết "Hai con mèo đen - trắng" của Ðặng Tiểu Bình. (một khi mà "gió Ðông" không thổi bạt được "gió Tây" thì người ta quay sang "bắt chuột" bằng bất cứ loại mèo nào, dù là mèo đen hay mèo trắng!). Ðiều này một mặt tạo ra động lực để nền kinh tế - xã hội Trung Quốc chuyển mình, nhưng mặt khác nó cũng cho người ta thấy: đây chính là một màn "thoát y vũ" ngoạn mục nhất về lý tưởng cộng sản!
- Với Việt Nam thì tương tự như Trung Quốc: đổi mới kinh tế nhưng cương quyết không chấp nhận đổi mới chính trị.
3.2 - Cơ sở của đường lối mới:
Bây giờ ta đi vào phân tích xem đường lối mới có cơ sở khoa học hay không? Nếu có thì dân tộc phải ủng hộ nó. Nếu không thì cả dân tộc phải cương quyết đấu tranh cho cái mới ra đời, thay thế và phát triển theo quy luật:
- Xét về tính chất sở hữu thì giữa hai nền kinh tế thị trường và nền kinh tế XHCN là hoàn toàn khác nhau: một cái chủ yếu là dựa trên cơ sở "tư hữu", còn cái kia lại chủ yếu dựa trên cơ sở chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Nếu đem "trộn" chúng lại với nhau thì sẽ nảy sinh một quá trình ngược: mỗi bước tiến của cái này sẽ là một bước lùi của cái kia và ngược lại.
- Xét về bản chất chính trị ứng với chúng thì cũng lại hoàn toàn khác nhau (theo Lê Nin thì chúng hơn kém nhau tới hàng triệu lần!). Nếu cũng đem "trộn" nền kinh tế này với nền chính trị kia thì ngoài việc nó mâu thuẫn với những nguyên lý chung, nó còn mâu thuẫn với chính "vấn đề cơ bản của triết học Mác-xít" rằng: "vật chất quyết định ý thức", "tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội" hay "cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng", v.v… (anh Hà Sỹ Phu gọi sự kết hợp này là "đứa con lai láu cá"!ù).
Giả sử có một nền chính trị nào đó mà trước kia đã phù hợp với nền kinh tế XHCN, rồi nay lại cũng "sài" được luôn cho nền kinh tế thị trường, thì theo tôi có lẽ nó cũng giống như những viên thuốc... xuyên tâm liên chữa khỏi bách bệnh, được quảng cáo rầm rộ ở Việt Nam ngày nào! Vì vậy tôi rất "khâm phục" vào tính "linh hoạt" của nhiều vị "thầy lang" ta, nghĩa là bệnh "hàn" hay "nhiệt" gì thì các vị cũng đều chỉ định cho cả dân tộc uống "xuyên tâm liên" hết.
Có thể có một cách so sánh khác như sau: việc đưa ra công thức "trộn" trên cũng chẳng khác nào bảo cứ đun... một góc vuông thêm 10oC nữa thì sẽ được … nước sôi! Vì nhân dân được họ giải thích rằng: độ của góc vuông là 90, còn độ sôi của nước là 100! Nhiều khi tôi cứ tự hỏi tại sao người ta lại bày chuyện cho cả một dân tộc lụi cụi đi "đun góc vuông" hoặc miệt mài "uống xuyên tâm liên" như vậy? Nhất định phải có cái gì đó rất cụ thể, rất hữu hình chứ. Phải chăng cái đó là: dù đất nước sẽ tiến hay lùi, hay " nửa chừng xuân" thì đó không phải là điều mà những người khởi xướng nó quan tâm. Ðiều quan trọng nhất là phải làm sao khẳng định cho bằng được rằng: "ÐCS Việt Nam vẫn luôn luôn là lực lượng chính trị duy nhất lãnh đạo đất nước, trước đây là vậy, ngày nay là vậy và mãi mãi sau này cũng sẽ là như vậy - đây là vấn đề có tính nguyên tắc"! Tất cả mọi cái gọi là đường lối hay một cái gì khác tương tự chỉ là hình thức ° và để trình diễn mà thôi. Nếu quả là như vậy thì "bà chị" kia ác quá, đã biết "lá diêu bông" là thứ không hề có trên cõi đời này rồi mà vẫn cứ bắt người khác đi tìm, còn mình thì lẳng lặng đi "lấy chồng". Lại còn đi bước nữa, bước nữa!
Từ những trình bày trên ta rút ra nhận xét: cũng như trước kia, đường lối mới hiện nay cũng hoàn toàn không có cơ sở khoa học và thực tiễn. Vì vậy khi đi vào cuộc sống tất nhiên nó sẽ nảy sinh ra nhiều hậu quả khôn lường. Nó không tránh khỏi sự khập khiễng, chắp vá theo kiểu "râu ông - cằm bà", và sớm muộn gì cũng đi vào bế tắc và khủng hoảng xã hội.
3.3 - Một số nét tiêu biểu của thực trạng xã hội Việt Nam hôm nay:
Thực trạng xã hội Việt Nam hôm nay thì dư luận cùng các nhà đầu tư, giới phân tích thời cuộc trong, ngoài nước cũng như các báo cáo của đảng, quốc hội và chính phủ Việt Nam đã đề cập rất rõ. Dưới đây tôi chỉ xin đưa ra một số nhận xét tiêu biểu theo cách nhìn riêng của mình.
a - Sự lập lờ giữa hai vế của đường lối:
Ðó là những cú "bật tường" ngoạn mục giữa thành tích và khuyết điểm. Nhiều người có xu hướng dồn hết mọi tội lỗi, xấu xa cho cái "gã thị trường nhơ nhuốc" kia. (nhưng khổ một nỗi là nếu lại tống cổ gã ta đi cho khuất mắt thì xã hội lại sẽ không có động lực như trước.). Còn những gì được cho là tử tế, hay ho thì chính là bởi "chàng định hướng thanh tao"! Cũng phải thấy rằng "chiến thuật bật tường" này đã có từ thuở:
Mất mùa thì tại thiên tai
Ðược mùa là bởi thiên tài đảng ta!
và trước đó nữa, cứ thế "các thế hệ cầu thủ trong câu lạc bộ" ấy truyền ngón nghề này lại cho nhau. Cuối cùng thì hầu như tất cả đều nhuần nhuyễn và đội bị "phơi áo" chính là nhân dân Việt Nam. Ngày nay mọi người đều thấy rằng biểu hiện cụ thể và rõ ràng nhất của tính "định hướng XHCN" là sự lãnh đạo đất nước duy nhất của ÐCS Việt Nam, còn trừu tượng và mờ nhạt nhất là những chính sách về phúc lợi xã hội, những khoản ngân sách dành cho y tế, giáo dục, v.v...
b - Sự bất công xã hội sâu sắc:
Nếu bây giờ có ai đó còn nói rằng "xét cho cùng thì quyền lợi của đảng và của toàn dân tộc luôn luôn thống nhất làm một!", thì tôi cho rằng bằng cách đó tuy họ chưa đưa ai lên được sao Kim, sao Hỏa! Nhưng đã tự đưa mình lên tới đỉnh cao nhất của sự ngụy biện và thói đạo đức giả. Những người dân Việt Nam, nhất là những người nông dân quanh năm chân lấm, tay bùn đã bị bóc lột đến cùng cực cả về vật chất lẫn tinh thần. Họ như những người suốt đời phải "đóng hụi" nhưng chẳng bao giờ được "hốt hụi" vậy. Ða số chỉ mong làm sao có được "bánh mì", chứ nào dám mơ tới "hoa hồng". ("Bánh mì và hoa hồng!", một khẩu hiệu do Lê Nin đề ra sau Cách Mạng Tháng 10 Nga). Suốt đời chịu khó, chắt chiu là vậy:
…Dọn tí phân rơi, nhặt từng ngọn lá
Mỗi hòn than, mẩu sắt, cân ngô
Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ!…
(Tố Hữu - Bài Ca Mùa Xuân 1961).
Nhưng tại sao cơ đồ mãi mà không dựng lên được? Ðơn giản là vì cơ chế ấy đã tạo ra quá nhiều bàn tay cả vô hình lẫn hữu hình thò ra tước đoạt hết rồi. Nếu các cụ Nam Cao, Ngô Tất Tố còn sống thì từ nhiều mảnh đời hôm nay, nhất định các cụ sẽ cho ra lò những Sống Mòn, Tắt Ðèn của Việt Nam thế kỷ 21! Một thị trường sức lao động đã tự phát hình thành bởi sự bần cùng hóa, ở đó nhiều người chỉ mong sao bán được sức lao động để đổi lấy miếng cơm, manh chiếu mà ăn ngủ qua ngày cho bản thân và gia đình họ thôi. Chứ nào có ai quan tâm đến chuyện những người đi thuê đã bóc lột một phần hay toàn bộ "giá trị sức lao động thặng dư" của họ đâu?
Từ quảng trường Ba Ðình - Hà Nội ra ga Hàng Cỏ nếu đi xe hơi chỉ mất chừng 5 - 7 phút, nhưng có mấy vị đại biểu trước khi vào hội trường họp thử ra đấy xem nhân dân đi lại, làm ăn như thế nào? Xa hơn một chút là những chợ lao động Giảng Võ, Long Biên nơi mà quần chúng lao khổ khắp nơi đổ về, tụ tập lại. Họ giống như giai cấp vô sản ở thế kỷ trước mà Mác đã từng mô tả: "không còn gì để bán ngoài việc bán sức lao động", là "trần như nhộng", v.v… Cái "Tinh thần Ba Ðình" trên là căn bệnh ngày càng nặng, nó có cơ sở là: những mâu thuẫn về quyền lợi từ chỗ chỉ chênh lệch lúc đầu, nay đã trở thành đối kháng gay gắt giữa một thiểu số giai cấp thống trị với đa số giai cấp bị trị trong xã hội Việt Nam, kể cả những nhu cầu cơ bản và những nhu cầu bậc cao hơn của đời sống con người. Dù rằng rất nhiều người trong tầng lớp trên kia vẫn luôn miệng nói là tất cả đều "ngồi chung mâm", nhưng nhân dân thì ai cũng thấy tuy họ " mắt nhìn rau nhưng tay lại gắp thịt "! Tốc độ tích lũy tư bản của họï nhanh đến mức chóng mặt.
c - Sự bất lực của đảng và chính quyền trước quốc nạn tham nhũng:
Chỉ với 77 bị can trong vụ án Minh Phụng - Epco được đưa ra toà xét xử vào năm 1999 vừa qua cũng đã làm thiệt hại số tiền thuế đóng góp của nhân dân là 4000 tỷ đồng Việt Nam(VNÐ), tức là khoảng 280 triệu đô la Mỹ (USD). Nó tương đương với một trong các giá trị sau:
° Hơn 5 chiếc cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Me Kong. (khoảng 54 triệu USD, với Úc đóng góp 2/3 và Việt Nam 1/3).
° Gần bằng tổng mức thiệt hại cơn bão lụt miền Trung năm 1999. (trên 300 triệu USD).
° Gần bằng 3/4 tổng kinh phí xây dựng xa lộ Trường Sơn giai đoạn I mới được khởi công xây dựng. (khoảng 380 triệu USD).
° Bốn lần tổng chi phí thay sách giáo khoa hàng năm. (khoảng 1000 tỷ VNÐ/năm) hoặc 80 bệnh viện cấp tỉnh (khoảng 50 tỷ VNÐ/1 bệnh viện), trong khi Việt Nam có tất cả 61 tỉnh, thành phố.
° V.V...
Nếu chia đều cho tất cả người dân Việt Nam thì mỗi người cũng bị mất 50,000 VNÐ tương đương với 30 cân thóc.(tính giá1600-1700 VNÐ/cân, gần đây còn giảm hơn nữa). Nếu cộng tất cả các "phi vụ" đã hoặc chưa bị phát hiện thì không thể biết được là các "hào kiệt" thời nay đã "xúc trộm" của nhân dân tính cả già, trẻ, lớn, bé mỗi người là bao nhiêu cân thóc? Rừng bị phá, núi bị bạt, đất bị bán, biển bị khoan như vậy, nhưng đa số những người dân lương thiện đã được hưởng gì từ đó? Tiền của đi đâu hết cả? Bất cứ ai là người Việt Nam, không ít thì nhiều đều có thể trả lời được câu hỏi này.
Cái cỗ máy kia những tưởng ù lỳ, chậm chạp là vậy nhưng mỗi khi ngửi thấy hơi tiền thì lập tức nó "hăng máu lên"! (chữ của Mác). Nếu cụ Ðồ Chiểu mà sống lại chắc cụ phải "khâm phục" về sự "liều mình như chẳng có" của các "nghĩa sỹ" thời nay lắm. Thậm chí có một "nữ anh hùng miền Nam" sau khi đã có dư luận về việc bà ta dùng tiền công quỹ mua nhà cho chàng kép cải lương của mình, thì chẳng những đã không sợ mà còn nổi giận đùng đùng xuất tiếp "tiền chùa" trả thêm cho khoản nợ còn lại, quả là "thay trai nay gái cũng đua tài"! dẫu có thể ngày đầu chưa quen "đường cầy" đâu thẳng ngay, nhưng đến hôm nay thì trên đất nước này đã có nhiều "đường cầy đảm đang" lắm rồi.
Giả sử ai đó có ý định tổ chức một "Ðại hội các anh hùng, chiến sỹ thi đua toàn quốc" thuộc loại này thì Việt Nam ngày nay cũng "ra ngõ gặp anh hùng"! Cùng với những tiêu cực trong các công tác thanh tra, điều tra và thi hành án mà dư luận, báo đài trong nước đã từng nêu ra càng làm cho tinh thần "tay không bắt giặc" của các "hào kiệt", "nghĩa sỹ" thời nay dâng cao hơn bất cứ một thời đại nào trước đó. Ðể rồi có người đã dựa vào một bài thơ của Hồ Chủ Tịch mà sửa lại thành:
Danh sách ở trong lao
Thân thể ở ngoài lao
Muốn nên "sự nghiệp lớn"
Phóng lao phải theo lao!
Chỉ có điều khi "sự nghiệp" của họ càng "đại thành công" thì sự nghiệp của cả dân tộc càng đại thất bại. Ở Việt Nam hôm nay không phải như Lê Nin nói: "Cách mạng là sự nghiệp, là ngày hội của quần chúng", mà chính buôn lậu và tham nhũng mới thật sự là "ngày hội" của nhiều người.
Khi nồi canh có một con sâu đã là "rầu" rồi, nhưng nếu nồi canh ấy đầy sâu thì vấn đề là phải xét lại chính "người nhặt rau", hay nói chính xác hơn là phải xét xem tại sao lại có cái "cơ chế nhặt rau" tai hại ấy? Theo tôi nếu không có sự thay đổi sớm thì một nền kinh tế Việt Nam với nợ nần lút đầu, thực sự không có khả năng chi trả. Ðất nước bị xé lẻ ra để bán, vốn trong các xí nghiệp quốc doanh hoặc các liên doanh có một bên góp vốn thuộc sở hữu nhà nước chuyển dần sang tư nhân bằng nhiều cách khác nhau là sẽ ngày càng trầm trọng, dẫn tới nguy cơ mất nước kiểu mới.
Cũng cần phải lưu ý rằng với tình trạng thông tin như ở Việt Nam hiện nay, thì nhân dân cũng chỉ biết được đất nước mình có bị vỡ nợ nước ngoài hay không ít nhất là phải hơn mười năm nữa. Bởi vì kỳ hạn của các khoản tín dụng trung và dài hạn thường là từ 20 năm trở lên, mà Việt Nam cũng chỉ mới bắt đầu vay được nhiều của nước ngoài (WB, IMF, ADB, Nhật Bản, Tây Âu, v.v…) từ năm 1993 trở lại đây. Nhưng lúc ấy thì đã quá muộn, trong khi chính nhân dân và con cháu chúng ta sau này mới là những người phải nai lưng ra trả nợ. Còn những "vị anh hùng" thì phần lớn đều đã "hạ cánh an toàn". Và những vần thơ của vị tướng tài danh Lý Thường Kiệt ngàn năm trước, vốn được coi như bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập đầu tiên của nước Ðại Việt, có lẽ phải sửa lại thành:
"Sông núi nước Nam... ông Tây ở!".
Bà Marie Holfman - giáo sư người Pháp thuộc một viện đại học ở Paris là một nhà Trung Quốc học nổi tiếng, khi được hỏi: "Vì sao ÐCS Trung Quốc đã từng chứng minh trong quá khứ là họ có khả năng tiêu diệt được hàng triệu kẻ thù không gớm tay, nhưng trước kẻ thù tham nhũng đe dọa sự sống còn của đảng thì họ lại bất lực?". Ðã trả lời như sau: "Theo ý tôi câu trả lời rất giản dị, có một thời kẻ thù của ÐCS Trung Quốc phần lớn là do óc tưởng tượng của người cộng sản và nằm ngoài đảng. Ngày nay kẻ thù của họ nằm ngay trong đảng, tôi không có con số thống kê, nhưng có thể nói là đại đa số những cán bộ có thế lực của ÐCS Trung Quốc là thành phần tham nhũng. Làm sao mà những người gây ra tham nhũng lại có thể bài trừ được nạn tham nhũng?". Nếu đem vận những lời giải thích trên vào hiện trạng Việt Nam thì cũng hoàn toàn chính xác. Mọi cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn đảng ngắn, dài, lớn, nhỏ khác nhau đều đã bị đánh trống bỏ dùi, đầu voi đuôi chuột, vì sợ rút dây sẽ động rừng.
d - Tình trạng sản xuất bị đình đốn, thất nghiệp gia tăng, môi trường đầu tư bị vẩn đục làm cho nước ngoài rút vốn:
Cũng từ sự bất lực trước quốc nạn tham nhũng, cộng thêm với sự bất lực trước quốc nạn buôn lậu (chúng có mối quan hệ hữu cơ thúc đẩy lẫn nhau) và sự cực kỳ lãng phí của công, đã làm cho nạn hàng giả, hàng nhập lậu trốn thuế tràn vào bóp nghẹt hàng nội địa. Hậu quả là sản xuất đi xuống và nạn thất nghiệp đi lên. Nó đẩy hàng triệu nông dân Việt Nam - thành phần chiếm gần 80% dân số cả nước từ các vùng thôn quê đổ về những thành phố, để kiếm sống lay lắt qua ngày. Ðẩy hàng trăm ngàn trẻ em Việt Nam phải bỏ học để vào đời sớm và cũng đẩy hàng trăm ngàn những cô gái Việt Nam bước vào cuộc sống dưới ánh đèn đêm, v.v…
Nó cũng làm cho môi trường đầu tư bị vẩn đục nghiêm trọng. Chính sách cũng không nhất quán người này muốn đẩy, người kia lại hãm để "cân bằng giữa phát triển kinh tế với ổn định chính trị." càng làm cho các nhà đầu tư nản lòng, tìm cách rút vốn chuyển sang các nước khác làm ăn. Trong hai năm trở lại đây, trước tình hình đầu tư nước ngoài tụt dốc thảm hại, Ðảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam cùng các ngành, địa phương đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm khuyến khích nguồn này quay trở lại. Bằng cách đó cũng có thể cải thiện được phần nào tình hình, nhưng không vì thế mà vấn đề sẽ được giải quyết tận gốc rễ. Bởi vì nguyên nhân sinh ra nó, xuất phát từ chế độ chính trị là vẫn còn nguyên: một chế độ chính trị ổn định được đồng nghĩa đơn giản với việc chỉ có duy nhất một đảng lãnh đạo đất nước, không thuyết phục được thế giới tiến bộ nói chung và các nhà đầu tư nghiêm túc nói riêng. Nếu như không muốn nói ngược lại là chính sự "ổn định" ấy đang là nguyên nhân sâu xa gây ra những bất ổn. Họ - những nhà đầu tư có phương pháp đánh giá rủi ro riêng, chứ không phụ thuộc vào những gì chúng ta nói. Chúng ta có mạng lưới thông tin toàn cầu để phổ biến chính sách thu hút vốn, thì họ cũng có một mạng lưới như vậy, lại còn mạnh hơn để thông báo cho nhau những rủi ro khi đầu tư ở Việt Nam, vì họ đã có kinh nghiệm: Với một thị trường đã bị "chiến trường hóa" hôm nay là khác hẳn với một thị trường đầy mới lạ, hứa hẹn những hấp dẫn mà họ đã kỳ vọng 5 - 6 năm trước. Những nhà tư bản đi tìm kiếm lợi nhuận dù có yêu đất nước và con người Việt Nam đến mấy, nhưng một khi mà tiền không đẻ ra tiền thì cũng khó lòng mà "hăng máu lên" được!
Cộng thêm là những căn bệnh còn rất nặng nề và phổ biến như: "du kích chiến" và "địch - ta", v.v... càng làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Với căn bệnh đầu là vẫn còn nhiều người làm kinh tế theo kiểu "nắm thắt lưng địch mà đánh" hoặc là "thằng Tây nó tiến thì mình giật lùi, thằng Tây nó lúi (lùi) thì mình giật tiền, thề quyết không tha!" (hát theo nhạc bài Ðoàn Vệ Quốùc Quân của nhạc sĩ Phan Huỳnh Ðiểu). Ðiều này cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu khi làm cố vấn cao cấp cho các nhà lãnh đạo Việt Nam đã từng khuyến cáo, bằng cách này một số người có thể đạt được "thắng lợi" trong đoản kỳ, cá biệt nhưng về lâu dài thì chắc chắn là thất bại, nếu đứng trên bình diện quốc gia để đánh giá.
Với căn bệnh sau là luôn lo sợ "địch" làm "diễn biến hòa bình" dẫn tới mất chế độ ta! Ðể rồi có người đã dựa vào nhạc bài hát Huyền Thoại Mẹ của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn mà mô tả chân dung họ như sau:
Hôm nay đây bỏ cấm vận
"Ðịch" nó lại mò qua
Vì lợi ích quốc gia
Ta cụng ly với địch
Nhưng lòng luôn thầm định
Ðịch là địch, mà ta là ta!
Ðêm chong đèn ngồi nhớ rượu…
Nhưng nhìn vào bức tranh Việt Nam hôm nay thì cũng dễ thấy: rất nhiều chương trình, công trình lớn, nhỏ thuộc nhiều lĩnh vực, cả bề nổi lẫn bề sâu được thực hiện đều có sự đóng góp của "địch"! Kể cả các công trình nâng cấp, trùng tu, bảo tồn, v.v … Cụ thể là các chương trình cho y tế, giáo dục, điện, nước, giao thông vận tải, ngăn chặn và triệt hạ tội phạm, phòng chống và khắc phục thiên tai, bảo vệ môi trường, cải cách hành chính, luật pháp, hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo,… và rõ ràng nhất là chiếc cầu Mỹ Thuận vừa được khánh thành. (dỹ nhiên có nhiều người cũng chỉ là giả vờ mắc bệnh này để thực hiện "vận hội" của mình thôi. Việt Nam ngày nay là "miền đất hứa" của thói đạo đức giả. Chính nó, theo đức giáo hoàng Giôn-Pôn II là nguyên nhân sâu xa đã gây ra biết bao tội lỗi trên thế gian này.).
Cùng một cách nhìn trên, với tình hình hiện nay, tôi cho rằng chúng ta cũng không nên hy vọng thái quá vào những vấn đề lớn khác như: hiệp ước quan hệ mậu dịch bình thường Việt - Mỹ được ký kết, kể cả việc Việt Nam sẽ ra nhập vào Tổ Chức Mậu Dịch Quốc Tế (WTO),... những điều đó nếu nỗ lực đều có thể đạt được trong tương lai gần, nhưng rồi những niềm phấn khích ban đầu cũng sẽ qua mau, bởi vì những yếu kém vẫn còn đó. Rất nhiều thách thức đang chờ đón chúng ta ở phía trước, chẳng hạn là hàng hóa của Trung Quốc, Thái Lan, Ân Ðộ và nhiều nước khác đã sang trước, thì chắc gì chúng ta đã "chọi" được họ để giành được một thị phần như mong muốn?
Tương tự là vấn đề thị trường chứng khoán: liệu chúng ta có xây dựng và vận hành tốt được cái "Chợ chứng khoán" này hay không, một khi mà giá trị những hàng hoá trong cái chợ ấy (giá trị của các công ty cổ phần) rất dễ bị đánh tráo giữa thật - giả, tốt - xấu, …? (Chưa kể đến sự yếu kém chung của nền kinh tế, cũng sẽ làm cho cái thị trường ấy èo uột theo.). Theo tôi sẽ là không sớm nếu như ngay từ bây giờ đã phải có những biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn, nhằm hạn chế bớt những vụ án kiểu Minh Phụng - Epco trên thị trường vốn thông thường, sẽ lan sang thị trường vốn đặc biệt này trong tương lai. Vì nếu nó xảy ra thì mức độ thiệt hại còn lớn hơn nhiều lần, và rồi hậu quả cũng lại đổ hết lên đầu dân mà thôi. Tất nhiên với quan niệm Việt Nam cần phải hội nhập càng sớm càng tốt vào nền kinh tế thế giới. Với tư cách là một công dân Việt Nam, tôi hoàn toàn ủng hộ những nỗ lực của phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cùng nhiều người khác ở cả trong và ngoài đảng để thúc đẩy cho những vấn đề trên sớm thực hiện. Chúng cũng sẽ là những điều kiện tốt để đẩy nhanh tiến trình dân chủ hóa đất nước.
e - Sự xuống cấp của con người Việt Nam:
Trong tất cả những sự đổ vỡ thì đây là sự đổ vỡ lớn nhất, khó khắc phục hậu quả nhất, những cái cần mất thì lại còn, những cái cần còn thì lại mất. Ngày nay hầu hết mọi người đều tin rằng: cây ngay là dễ bị chết đứng nhất, những người ở hiền thì thường gặp ác, còn những kẻ ở ác lại hay gặp "lành"! Những triết lý sống như: "Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi", "quân tử nhất ngôn là quân tử… dại, quân tử... nói đi nói lại mới là quân tử khôn!" hoặc "có tiền mua tiên cũng được ", v.v … đã ngày càng thắng thế. Ðể rồi đã phát sinh ra một thực tế được nhiều người dân Việt Nam nhìn nhận là: người thật, chức vụ thật, bằng cấp cũng "thật" (vì đều có chữ ký và con dấu thật). Chỉ có "mỗi" đạo đức, trình độ và năng lực giả mà thôi!
Một xã hội như vậy ắt sẽ đẻ ra nhiều Lý Thông hơn Thạch Sanh, một đất nước như thế chỉ có thể đi xuống chứ không thể đi lên được. Tất cả đều có cội nguồn của nó: một khi mà ở trên "thượng tầng kiến trúc" đã có một đường lối thực dụng đến mức trần trụi như đã trình bày, thì tất nhiên nó sẽ tác động trở lại xuống "hạ tầng cơ sở". Cả hai kết hợp lại, đã làm cho con người Việt Nam xuống cấp trầm trọng. Có lần tôi là thính giả của một buổi nói chuyện thời sự vào giai đoạn sau khi Ðông Âu và Liên Xô tan rã một thời gian ngắn, báo cáo viên sau khi phân tích tình hình thế giới, cùng thế và lực của cách mạng Việt Nam xong đã kết luận: "…Nói tóm lại đảng ta cương quyết không chấp nhận đa nguyên, đa đảng.". Rồi ông cười cười nói tiếp, đùa thì ít mà thật thì nhiều: "đảng ta chỉ chấp nhận đa... đô thôi!". Ai bảo là học thuyết "Hai Con Mèo" của Ðặng Tiểu Bình không tác động đến tư duy chính trị Việt Nam? Lối suy nghĩ sống dựa vào người khác của "cơ chế xin - cho" xưa, mọi việc đều có "Liên Xô bao" những tưởng là đã mất hẳn, nhưng thật ra là còn rất mạnh, nó chỉ chuyển "đối tác" thôi. Ðể từ đó nó cũng chuyển từ tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc sang "Tinh thần bị gậy" của nhiều quan chức thời nay. Nhiều vị "tung hoành" khắp năm châu, bốn biển vì "Việt Nam hôm nay đã là bạn của tất cả mọi người"! (nhưng với những anh nghèo thì thấy các vị cũng làm bạn qua quýt, chiếu lệ lắm!) Việt Nam đã tiến hay đã lết vào thế kỷ 21? Theo tôi vấn đề nằm ở vế thứ hai.
Tất cả đã lan nhanh từ trong đảng ra toàn xã hội, nhiều người coi việc sống tử tế, có tình nghĩa trước sau với nhau là "lỗi thời", họ lao vào sống gấp, tới đâu hay tới đó, nhất là lớp trẻ để rồi xuất hiện những con người "như chân lý sinh ra" thì ít mà do...sơ ý sinh ra thì nhiều! Các em tự ý bỏ học, rồi túm năm tụm ba với nhau chơi bời, hút chích, đua xe, cướp giật, v.v... có em coi việc vào tù chỉ là một chuyến đi chơi xa thăm bạn bè. Ðiều gì đã làm các em đi tới chỗ tự hủy hoại mình, làm khổ gia đình và làm băng hoại xã hội như vậy? Xin đừng vội trách lớp trẻ, chính sự bàn giao thế hệ quá lèm nhèm hiện nay đã là một trong những nguyên nhân chính, tạo ra tâm lý nổi loạn, phá phách ấy và đáng trách hơn cả phải là thế hệ đi trước.
Ngày càng có ít người quan tâm đến những vấn đề lớn của đất nước, vì đều cảm thấy chán nản và bất lực. Người ta đi tìm những giải pháp cá nhân để tự cứu mình và cứu gia đình. Có người tìm cách ở ẩn, có người chuyển sang thiền, chơi cây, cá cảnh, nghiên cứu tử vi, bói toán, đề đóm. Nhiều người quay sang bia rượu, để rồi từ đó hiện lên hình ảnh Ðất Nước, với những lời được hát theo nhạc một bài hát cùng tên của nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn: "Ðất nước tôi thon thả giọt đàn bầu, nghe dịu nỗi đau của mẹ. Ba lần... rót bia hơi hai lần rót nhầm … rượu thuốc. Các anh say mềm mình mẹ... dọn mâm! Ðất nước tôi - đất nước tôi, có thế thôi!…". (thì ra không phải khi hết chiến tranh rồi là các bà mẹ Việt Nam đã hết các lý do để "khóc thầm lặng lẽ"! Bà mẹ nào sinh ra các anh như vậy thì có bao nhiêu nỗi đau mà chẳng dịu hết! Thôi cũng chỉ biết chúc các anh nếu lần sau có uống thì rót cho chính xác hơn!).
Giữa sự khủng hoảng về nhân cách và các loại khủng hoảng khác ở Việt Nam hiện nay có mối quan hệ hữu cơ và biện chứng, chúng tác động và thúc đẩy lẫn nhau đang đưa đất nước ta tới cái giới hạn tột cùng của sự nguy hiểm. Nếu không ngăn chặn được, nhất định sẽ có một ngày tức nước vỡ bờ, dẫn đến một cuộc khủng hoảng toàn diện. Ðã có nhiều bộ luật nghiêm khắc ra đời để trừng trị tội phạm đủ loại. Nhiều người đã bị bắt, bị bắn nhưng rồi: "đùng đùng đùng! đoàng đoàng đoàng! anh vẫn đi", chẳng lẽ cứ bắt và bắn mãi như vậy hay sao?
Thủ tướng Thái Lan Chatichaichoonhavan vào cuối thập niên 80 đã phát biểu một câu nổi tiếng "Biến Ðông Dương từ chiến trường thành thị trường", nhưng ở Việt Nam hôm nay người ta đã "biến thị trường thành chiến trường" theo đúng nghĩa đen của từ này. Tính Mafia là có thật và ngày càng bành trướng sâu rộng từ ngoài xã hội tới các cơ quan công quyền, từ Trung ương tới các địa phương và cơ sở.