Chương 9

Dịch giả : Lê Kim
Chương 5
Điểm “không- trở-về”

Ngày 7 tháng 12 năm 1953, đại tá De Castries được tướng Cogny cử làm Tư lệnh Binh đoàn tác chiến Tây Bắc, gọi là GONO.
Tướng Gilles ra đi, cố giấu giọt nước mắt trong con mắt chột. Ông không khóc vì buồn thương số phận tập đoàn cứ điểm mà ông phải rời bỏ. Không? Đúng vậy. Ông tin chắc và đã nói với tất cả mọi người là, nếu Việt Minh tiến đánh Điện Biên Phủ, họ sẽ thất bại đau hơn Nà Sản. Cha Gilles đi vì đau bệnh. Ông đã nhảy dù xuống Điện Biên Phủ trái với lời khuyên của thầy thuốc, và chỉ những người thân cận nhất mới biết rằng, ông đã từng trải qua hai hoặc ba cơn đau tim rất đáng lo ngại. Các bác sĩ đã đề nghị tướng Navarre chuyển ông về Pháp. Ông sẽ tới Sài Gòn để bàn giao công tác.
Ông cố kéo dài công việc để trì hoãn, nhưng cũng biết thời gian còn lại của ông tại Đông Dương đang tính từng ngày. Đôi lúc, ông cũng mủi lòng một chút vì đã để lại đây tất cả những người mà ông yêu mến. Ông để lại cho Castries những đơn vị xuất sắc, một tập đoàn cứ điểm được phòng ngự kiên cố một tập hồ sơ các huấn thị giúp Castries làm tròn nhiệm vụ.
Tính đến ngày 10 tháng 12, doanh trại Điện Biên Phủ đã có mười tiểu đoàn bộ binh và năm cỗ pháo 105. Sáu tiểu đoàn dù đã nhảy xuống chiếm đóng Điện Biên Phủ vẫn đang ở lại đây. Riêng binh đoàn đổ bộ đường không số 1 do Fourcade chỉ huy từ ngày 11 sẽ rút về chỉ còn binh đoàn 2 của Langlais.
Binh đoàn cơ động số 9 đã được đưa bằng máy bay tới miền Nam Việt nam, gồm hai tiểu đoàn thuộc bán lữ đoàn lê dương số 13, gọi tắt là DBLE. Đây là bán lữ đoàn được ca ngợi, vốn là trung đoàn số 13 của các lực lượng nước Pháp tự do, đã liên tiếp chiến thắng trên các chiến trường Bir Hakeim, Koenig, trong chiến tranh thế giới thứ hai, sau đó được đưa sang Việt nam. Trung tá Serigny chỉ huy đơn vị đã tử trận trên đường đi Đà Lạt lúc mới 35 tuổi. Bây giờ bán lữ đoàn lê dương số 13 được đặt dưới sự chỉ huy của trung tá Gaucher đã phục vụ trong đội quân lê dương suốt hai mươi nhăm năm nay, được ca ngợi là rất vững vàng. Ngay khi mới tới Điện Biên Phủ, Gaucher đã được Castries giao cho nhiệm vụ tổ chức các trận địa phòng ngự.
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong những giờ chiếm đóng đầu tiên tướng Gilles mới phác hoạ vài nét sơ lược nay được đại tá Castries vẽ rõ thành bản đồ. Thành trì này được hình thành trước tiên bởi sáu trung tâm đề kháng, mỗi trung tâm được mang tên một cô gái. Tại địa điểm Mường Thanh trải dài quanh làng bản cho đến tận bờ sông Nậm Rốm nay là vị trí của các sở chỉ huy, các cơ quan thông tin liên lạc, các cụm pháo: cơ sở hậu cần, kho tàng, sở chỉ huy không quân nhà chứa gái điếm và nơi đóng quân của ba tiểu đoàn lính dù cơ động ứng chiến. Toàn bộ tập đoàn cứ điểm gồm tất cả hệ thống rất hỗn độn này được gọi bằng cái tên rất chung chung là “trung tâm” hoặc GONO(1) hoặc Điện Biên Phủ.
Trung tâm đề kháng thực sự tập trung trong năm cứ điểm này bố trí thành một vành đai bảo vệ theo đường cánh cung vào khoảng một phần tư đường tròn, hướng về phía Tây Nam nơi có cánh đồng rộng lớn, rải rác trên cánh đồng là những làng bản.
Cụm cứ điểm mang tên Huguette bảo vệ sân bay hướng về mặt Tây và Bắc. Ở phía Đông dòng sông Nậm Rốm là một cụm cứ điểm phòng ngự, bố trí trên năm quả đồi mang tên Dominique và Eliane, che chở trung tâm tập đoàn cứ điểm.
Ở mặt Tây Bắc, cứ điểm Anne Marie được xây dựng trên một gò cao thoai thoải như cồn cát. Ở mặt Đông Nam, ngay sát đường 41 là vị trí của tiểu đoàn 3 thuộc bán lữ đoàn lê dương 13, xây dựng trên ba mỏm đồi đã phát quang cây cối được coi là vị trí tiền tiêu chặn đường tiến công của địch. Trung tâm đề kháng này nằm trong tầm tay của Việt Minh, mang tên Béatrice. Dưới chân Béatrice là một bản nhỏ bên dòng suối, gọi tên là bản Him Lam Địa danh này sau đó sẽ trở thành tên gọi chiến thắng đầu tiên của Việt Minh.
Trước khi ra đi, cha Gilles đã trao lại cho Castries tập hồ sơ các huấn thị của Hà Nội. Ngày 6 tháng 12, Cogny đã cho lệnh rút Lai Châu đưa toàn bộ binh lính và cư dân trong thị xã về Điện Biên Phủ. Cuộc hành quân di tản mang tên Pollux này đang tiến hành Thủ phủ xứ Thái sụp đổ như một trái cây to, vừa mới bị lay chuyển bởi những biến động của các tiểu đoàn Việt Minh đang đến gần đã vội rụng rơi xuống đất.
Tướng Gilles phát biểu:
- Trong vòng mười lăm ngày tình hình Tây Bắc đã biến chuyển. Những cuộc rút quân lớn mà tướng Cogny hằng mơ ước đã kết thúc. Nhưng vị trí Điện Biên Phủ chỉ thật sự tỏ ra tuyệt với trong điều kiện Việt Minh chấp nhận cọ xát tại đây. Điện Biên Phủ lớn mạnh hơn Nà Sản rất nhiều. Cứ đứng im chờ Việt Minh tới như thế tốt hơn.
Cha Gilles biết rằng, đối với một sĩ quan kỵ binh như Castries đang đứng tiền đồn, lời khuyên “đứng im chờ đợi” có vẻ khó được thực hiện.
Castries vừa mới thay tướng Gilles thì ngày 17 tháng 12, Tổng tư lệnh Navarre tới thăm Điện Biên Phủ.
Máy bay của Tổng tư lệnh cất cánh từ Hà Nội lúc 9 giờ 30 phút, chở theo một loạt nhân vạt quan trọng: Tướng Lauzin, Tư lệnh không quân Đông Dương, tướng Cogny Tư lệnh chiến trường Bắc kỳ; tướng Nguyễn Văn Hinh cũng đòi đi quan sát cứ điểm pháo đài, viện cớ tiểu đoàn dù Bảo an số 301 là đơn vị dưới quyền ông và các đại tá Berteil, Revol.
Tôi cần nói thêm, vào thời điểm lạc quan sảng khoái này, những chỗ ngồi trong các chuyến bay lên Điện Biên Phủ, nhất là những ghế hạng nhất, phải cầu cạnh mới có được. Tất cả mọi người ở Hà Nội và Sài Gòn nhất là các sĩ quan tham mưu và các cơ quan quân sự đều cố viện ra một lý do để được đi thăm thung lũng lòng chảo.
Ngồi trong máy bay bầu không khí thật là tốt đẹp và dù cho các vị tai to mặt lớn muốn che giấu, nhưng đối với một sĩ quan tùy tùng như tôi vẫn cảm thấy rất rõ như thời tiết bên ngoài.
Ngồi trên máy bay, đại tá Berteil có vẻ đắc thắng một cách thầm lặng về những tính toán khẳng định Việt Minh không thể duy trì lâu cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Thỉnh thoảng ông lại đưa mắt nhìn một cách miệt thị tướng Cogny đang cười ha hả lớn tiếng giải thích cho tướng Hình rõ sẽ đập nát Việt Minh tại “con đê chắn sóng” này như thế nào. Tướng Cogny và đại tá Berteil vốn không ưa nhau, nhưng trong ngày hôm đó, cả hai đều cùng chung lo ngại, chỉ sợ Việt Minh bỏ cuộc không tiến đánh Điện Biên Phủ thì thật đáng tiếc.
Đúng 10 giờ 40 phút, chiếc chuyên cơ của tướng Navarre tắt máy ở phía đầu sân bay dã chiến, đường băng được lót bằng những tấm kim loại đục thủng, bước chân lên nghe rõ tiếng lạo xạo dưới gót. Một trung đội thuộc tiểu đoàn bộ binh Ma-rốc số 5 đứng nghiêm, bồng súng chào.
Luồng ánh sáng trong lành và dịu dàng của buổi sớm vùng thượng du có vẻ như được dệt bằng vàng. Ở phía cuối đường băng, một chiếc máy bay Dakota chở các vật liệu đang chuẩn bị hạ cánh.
Đại tá De Castries đứng nghiêm nghênh đón Tổng tư lệnh trong bộ quân phục dã chiến, quần ống chẽn dài đến tận mắt cá chân, giày vải mềm, áo sơ mi len màu cỏ úa, mũ ca-lô và khăn quàng màu đỏ tiêu biểu cho trung đoàn kỵ binh Ma-rốc số 3 nổi tiếng..
Tướng Navarre chìa bàn tay mềm mại, nói:
- Chào Castries!
Henri Navarre là người vốn có thói quen bắt tay hờ hững ít nồng nhiệt. Tôi không rõ cử chỉ te nhạt đó là vô tình hay cố ý và cũng không phải chỉ thể hiện trong ngày hôm nay. Giữa ông với De Castries đã quen biết, thân tình từ lâu. Hai người cùng phục vụ trong một trung đoàn xe bọc thép hồi trước chiến tranh, rồi trong chiến tranh lại cùng chiến đấu bên nhau trong trung đoàn ky binh số 3 Ma-rốc. Castries từng nổi tiếng là một “mũi nhọn” của trung đoàn trên các chiến trường Tuynidi, Italy, Pháp trong khi Navarre làm trung đoàn trưởng. Sau chiến tranh hai người lại cùng công tác trong tập đoàn quân số 1 đóng ở Áo. Đại tá Castries đã chiến đấu khắp các chiến trường và nay là nhiệm vụ thứ ba phục vụ tại Đông Dương.
Những chiến công của đại tá, phong cách và sự dũng cảm của đại tá khiến ông luôn luôn được ca ngợi và được cấp trên tín nhiệm vì sự tính toán khôn ngoan thận trọng và cả những may mắn trong chiến đấu. Tác phong quý tộc, tính cứng rắn và những đòi hỏi nghiêm khắc của ông trong công việc, ngay cả khi ông gây phiền lòng cho cấp trên cũng vẫn cứ thể hiện trong ông là một viên chỉ huy không có gì phải bàn cãi.
Tôi nhảy vội lên ghế sau của chiếc xe Jeep chở tướng Navarre do đại tá De Castries tự cầm lái. Những người còn lại tranh nhau chỗ ngồi tại những chiếc xe hồi đó hãy còn rất ít tại Điện Biên Phủ. Đoàn xe đi về phía Sở chỉ huy tác chiến Tây Bắc đặt tại Mường Thanh, hai bên đường là những kho chứa dây kẽm gai những hòm đạn, bao gạo để chất đống hoặc chôn dưới mặt đất.
Từ ngày 29 tháng 11 năm 1953, bộ mặt thung lũng đã thay đổi. Những cây xoài và cây ổi to thường phủ bóng mát trên đường làng đã bị chặt phá hết, chỉ còn lại một thân cây trơ trụi đen sì vươn những cành khô nom như những cánh tay hướng lên trời. Thân cây đơn độc này là dấu hiệu báo cho biết đã tới chỗ đặt Sở chỉ huy bố trí sâu dưới mặt đất. Những mái nhà trong bản đã biến mất chỉ còn lại vài chiếc cọc nhà sàn bên cạnh những lều bạt và chiến hào.
Bên trái đường, vào khoảng hai kilômét về phía Đông, ở bờ bên kia sông Nậm Rốm có dòng nước đục ngầu chảy uốn khúc giữa đám ruộng, tôi nhận ra những cứ điểm mang tên Dominique và Eliane chạy theo hàng dọc từ Bắc xuống Nam, nom như một dãy đầu lâu trụi tóc quấn một vòng khăn bằng những lớp rào kẽm gai lộn xộn. Trên đầu dốc Eliane 2, một con đường độc đạo dẫn đến một dinh thự đổ nát trước kia là niềm hãnh diện của các quan cai trị.
Chiếc xe Jeep dừng lại trước một đường hào hẹp chạy vào sở chỉ huy. Đây là một nhà hầm dài 15 mét, rộng 3 mét được ngăn bằng nhiều vách tre nứa. Nắp hầm được đắp đất dày tới một mét.
Phòng làm việc của đại tá Castries đặt tại ngăn giữa. Tất cả các sĩ quan trong bộ tư lệnh Binh đoàn tác chiến Tây Bắc đều có mặt đông đủ. Trên vách có treo một tấm bản đồ toàn bộ tập đoàn cứ điểm, đánh dấu rõ vị trí các cứ điểm và cả nơi bố trí lưới lửa phòng ngự. Tướng Navarre được mời ngồi trước tấm bản đồ có phủ giấy bóng, trên một chiếc bàn gập của Mỹ, đúng kiểu bàn làm việc trong sở chỉ huy dã ngoại…
Đại tá Castries trình bày kế hoạch phòng ngự dựa theo huấn thị của tướng Cogny đã được ghi rõ thành hai điểm ngắn gọn trên văn bản:
1. Bảo vệ sự tự do hoạt động của sân bay đến từng chi tiết nhỏ bằng cách không cho địch có thể bắn phá bằng pháo nặng và đảm bảo cho máy bay ta hoạt động dễ dàng trong phạm vi một đường bán kính rộng 8 kilômét quanh sân bay.
2. Làm chậm khả năng tiến đánh của Việt Minh bằng cách tiến công mạnh các vị trí bao vây của địch.
Tiếp đó, đại tá Castries trình bày các biện pháp xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm phòng ngự. Ngoài sáu trung tâm đề kháng nay có thêm một trung tâm nữa mang tên Isabelle đặt ở Hồng Cúm gồm hai tiểu đoàn bộ binh và hai khẩu đội pháo, đặt cách cứ điểm Claudine 5 kilômét về phía Nam. Đây là khoảng cách rất tốt để các cỗ pháo của ta bắn yểm trợ cho sở chỉ huy đặt ở vị trí trung tâm, Isabelle còn có một sân bay phụ đặt trên bãi thả dù Simone, đường băng của sân bay này cũng được bảo vệ chu đáo. Cuối cùng cứ điểm Isabelle ở phía Nam còn có thể sử dụng để tổ chức những cuộc phản công giải toả cho khu Trung tâm khi cần. Riêng ở phía Bắc sân bay chính chưa được bảo vệ tốt. Quân địch có thể tiến đánh từ điểm cao 530 xuống. Vì vậy, đã có kế hoạch xây dựng thêm một cứ điểm nữa trên đồi Độc lập- do một tiểu đoàn bộ binh trấn giữ. Cứ điểm trên đồi Độc Lập này mang tên Gabrielle. Xây dựng xong cứ điểm này cũng có nghĩa là hoàn tất việc bố trí phòng ngự tại Điện Biên Phủ. Dự kiến, nếu ba tháng sau Việt Minh mới có thể tiến công thì đến lúc đó, tập đoàn cứ điểm phòng ngự đã có 12 tiểu đoàn bộ binh, 24 khẩu pháo 105mm, 4 khẩu pháo 155mm, 10 xe tăng Schaffee M24 được tháo rời từ Hà Nội đưa lên máy bay tới đây sẽ được lắp ráp lại.
Một ánh chớp lóe lên từ máy anh của phóng viên, làm loá mắt các tướng tá đang làm việc.
Tướng Navarre khịt mũi tỏ vẻ khó chịu. Tướng Cogny vốn có thói quen hay đứng khom lưng, vụt vươn thẳng người, cố tạo dáng thuận lợi để có được một tấm ảnh đẹp.
Đại tá Castries nghiêm khắc nhìn người phóng viên nhiếp ảnh vừa làm cản trở cuộc họp.
Péraud không phải là người duy nhất bị bắt qua tang phạm lỗi. Cùng đi với anh còn có Pierre Schoendoerffer, phóng viên quay phim. Hai người bạn này không bao giờ xa nhau. Họ cùng lọt được vào phòng hội báo tình hình chiến sự. Cả hai người đều cùng được gọi chung bằng một tên mật dùng để ngụy trang một tên hiệu để thông tin vô tuyến. Họ nổi tiếng vì thường đến đúng chỗ, đúng lúc.
Cả hai người đều thuộc Sở Thông tin báo chí của quân đội Pháp. Cả hai đều gầy gò, rắn chắc. Péraud lùn, Schoendoerffer cao. Người thứ nhất khoác máy ảnh như một chiếc túi khoác vai. Người thứ hai cầm máy quay phim như một khẩu súng máy. Họ đã cùng giành được một chỗ trong lực lượng viễn chinh Pháp. Họ đi theo các đội trinh sát tiền tiêu hoặc đứng ở phía sau hậu cứ để săn lùng hình ảnh. Họ đã bị mất hết mọi thứ chỉ còn giữ lại được những cuốn phim và những dụng cụ chụp ảnh, quay phim. Để có cái ăn, họ chờ được mời vào bếp ăn tập thể của các ban tham mưu, hoặc cùng chia sẻ món cá khô với người lính Thái. Khi họ mặc một chiếc áo sơ mi sạch sẽ, thì đó là chiếc áo mượn của ban hậu cần để giảm bớt hành trang trong ba lô. Nhưng ít khi họ mặc những chiếc áo sơ mi sạch sẽ. Có một lần, vào mùa xuân 1952, cùng đi theo cuộc hành quân chiến đấu, một buổi tối Schoendoerffer nảy ra ý định xuống suối tắm giạt. Đúng là hôm đó trời rất nóng. Quân Việt đã chờ đợi đến giờ phút đó để nổ súng tiến công. Pierre chỉ kịp vơ nhanh các dụng cụ quay phim rồi chạy biến rất nhanh thoát khỏi cuộc tấn công sát gần một cách kỳ lạ.
Anh đã trần truồng đi xuyên rừng tìm đường về căn cứ nhớ mãi kỷ niệm phiêu lưu mạo hiểm vì đã muốn tắm rửa sạch sẽ trong khi đang có chiến dịch. Ngoài ra sở kiểm duyệt Sài Gòn còn hủy toàn bộ số phim anh đã quay được, với lý do những cuốn phim này đã ghi hình một trong những đơn vị thiện chiến đang tháo chạy.
Castries tiếp tục thuyết trình phần hai của nhiệm vụ được cấp trên giao phó: “Dùng các hoạt động quân sự mạnh tiến công trước nhằm làm chậm việc bố trí quân của Việt Minh, cản trở địch tiến đánh Điện Biên Phủ”. Bằng lời nói và cả chữ Việt, Castries phần nào đã phản ánh ý định của Cogny là: biến Điện Biên Phủ thành một căn cứ tiến công toả khắp xứ Thái.
Từ ngày 20 tháng 11, tức ngay sau khi vừa mới nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ, sở chỉ huy của Cogny tại Hà Nội quá lạc quan trước chiến thắng đã chỉ thị cho tướng Gilles tiếp tục tiến công địch. Trên bản đồ Tây Bắc hồi đó, Ban 3 (tức Cục Tác chiến) đã phác hoạ một cuộc tiến quân gọng kìm, gọng thứ hai từ Lai Châu xuống Tuần Giáo là nơi hình như quân Việt đang bố trí các kho tàng chuẩn bị cho chiến dịch. Cha Gilles đã sửa lại đường băng sân bay cùng trong lúc đào hào và xây dựng các công trình phòng ngự. Hằng ngày, tướng Gilles cũng đã cử những đội trinh sát vũ trang đi sục sạo, nhưng không bao giờ đi quá xa tầm bắn của các khẩu pháo 75 bắn tới chân sườn đồi bao quanh thung lũng lòng chảo.
Sáng ngày 4 tháng 12, lần đầu tiên tướng Gilles cho một đội trinh sát mạnh tiến xa đến tận đường đi Tuần Giáo. Hai tiểu đoàn dù lĩnh nhiệm vụ tìm hiểu con đường dẫn vào tập đoàn cứ điểm ở gần bản Him Lam. Tiểu đoàn 1 bước trên con đường cái suốt một năm qua không có một chiếc xe tô nào qua lại. Rừng rú và những trận mưa đã tràn ngập làm hỏng đường, con đường mòn của người đi bộ ngoằn ngoèo lượn giữa những bụi cây gai. Cách nơi xuất phát 6 kilômét, đại đội đi đầu bị chặn đánh rất ác liệt. Toàn bộ tiểu đoàn dù thuộc địa số 1 bị kìm chặt trên mặt đường. Phải rất khôn ngoan và khéo léo, tiểu đoàn trưởng Bréchignac mới gỡ được vòng vây cho đơn vị bằng cách luồn qua rừng rậm.
Tối hôm đó, sở chỉ huy Hà Nội gửi điện báo cáo: Những đội thám báo của chúng ta sục sạo chung quanh Điện Biên Phủ đã cố tìm cách phát hiện địch đang thận trọng giấu quân. Tuy nhiên, một cuộc đụng độ nghiêm trọng đã xảy ra cách căn cứ của ta 6 kilômét về phía Đông Bắc vào ngày 4 tháng 12, làm thiệt mạng 11 binh sĩ, 29 người bị thương trong có có 2 sĩ quan. Từ đó, cha Gilles không cho quân tiến xa nữa.
Nhưng đến khi thay Gilles chỉ huy Điện Biên Phủ, Castries lại nghe theo Cogny vì bị cám dỗ bởi luận điểm “cần phải tiến hành các hoạt động tiến công mạnh mẽ”. Đây vẫn là nghiệp vụ chuyên môn của đại tá kỵ binh De Castries đã từng phóng mũi lao trên mình ngựa chiến trong các chiến dịch tiến đánh Roma, Florence, Colmar, Karlsruhe và mọi người thường ca ngợi khi nhắc đến tên ông. Ông đã nghĩ một cách hợp lý, ông được cử làm Tư lệnh Điện Biên Phủ là do sự nổi tiếng vinh quang này.
Thời cơ để Castries thử nghiệm lại công thức kỵ binh là cuộc hành quân di tản Lai Châu. Hằng ngày những toán nhỏ binh lính chạy trốn trong rừng đã về được tới Điện Biên Phủ. Còn phải rút thêm đồn Mường Pồn cách Điện Biên Phủ cỡ 18 kilômét. Tình báo Pháp cho biết trong vùng này có ba tiểu đoàn Việt Minh. Castries giao nhiệm vụ cho các tiểu đoàn lính dù đi đón binh lính từ Mường Pồn rút về. Thiếu tá Leclerc trong lúc này đang thay Langlais về Hà Nội chữa bong gân. Chỉ còn lại tiểu đoàn dù lê dương và tiểu đoàn dù lính Bảo an là có thể sử dụng được. Tiểu đoàn dù xung kích số 8 đã được phái đi làm nhiệm vụ, đang phân tán thành các đội biệt kích nhỏ sục sạo các đỉnh núi có những bản của người Mông. Cuộc hành quân ngày 13 tháng 12 nhằm hai mục đích, đón đoàn quân từ Mường Pồn rút về, đồng thời yểm trợ cho tiểu đoàn dù xung kích số 8 quay về doanh trại sau khi hoàn thành nhiệm vụ trên các ngọn núi.
Péraud và Schoendoerffer nghe đại tá Castries thuyết trình và cảm thấy ông nói quá dài. Hai phóng viên đã biết rõ về cuộc hành quân này. Sáng sớm ngày 13 tháng 12, những xe tải đã chở lính dù tới chân núi bao phủ bởi lớp sương mù đặc quánh như sữa. Lính dù leo lên những sườn núi dốc, giữa những cánh rừng rậm. Họ đã trèo lên được tới đỉnh rặng núi cao có cỏ mềm lượn vòng vèo lên hướng Bắc. Lính dù Việt nam do Bottella chỉ huy leo từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác. Họ đi suốt một ngày, từ từ vượt qua những trảng cỏ mà voi rừng thường qua lại thỉnh thoảng lại đụng độ với những tốp lính trinh sát Việt Minh nổ vài phát súng rồi biến mất hút trong đám cỏ.
Cuối buổi chiều các đại đội bố trí theo kiểu con nhím chung quanh ban chỉ huy. Hai chiếc máy bay Dakota thả xuống cho họ khẩu phần ăn và nước uống. Mặt trời sắp lặn chiếu sáng đỏ rực lên điểm cao 1145, là đỉnh núi tiếp theo mà họ phải tới, cách đó chừng 2 kilômét về phía Bắc; Péraud và Schoendoerffer ăn chung đồ hộp khẩu phần của cha tuyên úy Trinquant rồi cùng đắp chung chăn năm ngủ. Sáng hôm sau, họ thức giấc, ngắm nghía bằng cặp mắt chuyên môn của người ghi hình canh mặt trời chiếu sáng những thung lũng mù sương, đột khởi lên trên là những đỉnh núi uốn lượn như trong bức tranh thủy mặc của Trung Quốc.
Cuộc hành quân tiếp tục. Người đi đầu phát hiện thấy một đoàn lính Thái cách đó gần 8 kilômét có vẻ như đang rút theo hướng Nam.
Để tới được đỉnh 1145 phải tiến thẳng phía trước mặt và leo khoảng 2 kilômét đường dốc.
Một trung đội của tiểu đoàn 5 dược lệnh tiến lên, bóng người khuất dần sau những đám cỏ cao. Từ sở chỉ huy, lính quan sát theo dõi bước tiến của họ qua kính ống nhòm. Từ trên cao, chiếc máy bay quan sát nhỏ bé lượn vòng, tiếng máy nổ ròn vang vọng trong gió Nam như tiếng vo ve của con ruồi.
Tốp lính dù xung kích tiến đến cách mỏm núi khoảng một tràm mét thì có tiếng súng nổ. Một loạt đạn cối lân tinh rơi ngay phía sau, đốt cháy đám cỏ khô. Ngọn lửa tạo thành vật cản dính liền nhau, cô lập trung đội với toàn đơn vị. Toàn tiểu đoàn lập tức tiến nhanh lên phía trước để ứng cứu cho trung đội đi đầu, kể cả lính quan sát bằng ống nhòm. Phía bên kia hàng rào lửa đang bị gió lan rộng, họ nghe tiếng đồng đội nằm dán chặt trên mặt đất đang kêu cứu vì bị kẹt giữa lửa và đạn.
Vài người cố vượt khỏi đám lửa cháy, mặt đen sạm và loang lổ máu, gần như ngạt thở, lăn lộn trên đám tro còn nóng, kêu rên khủng khiếp. Đám cháy diễn biến nhanh theo tốc độ của gió thổi. Chỉ vài phút, ngọn lửa đã cháy trụi cả một vạt sườn núi rồi biến mất sau đỉnh cao. Khi quân Pháp chiếm được điểm cao 1145 thì các vị trí của đối phương bố trí trên đỉnh núi đều trống rỗng. Việt Minh đã rút lui.
Rạng sáng ngày 15 tháng 12, mười một lính dù bị chết cháy thành than đã được chôn ngay tại mảnh đất đen thui hãy còn ấm.
Trong lúc một trung đội đang dàn hàng ngang, làm lễ bồng súng chào trước những ngôi mộ mới đắp, thì Việt Minh quay trở lại. Trước hết là đạn súng cối của họ nã xuống đỉnh đồi đã rụi cỏ. Từ phía chân và các sườn núi, quân Việt Minh kéo đến bao vây quân Pháp. Đến trưa phía Pháp ra lệnh rút lui, lính lê dương thuộc tốp sau cùng cố sức cản quân Việt. Phóng viên Schoendoerffer quay được cảnh Việt Minh hò hét xông lên. Đến chiều thì lính Pháp tập hợp được trên một mỏm núi phía Nam, vừa tầm pháo Điện Biên Phủ bắn tới yểm trợ. Những đợt xung phong của Việt Minh bị pháo và máy bay bắn chặn. Cuối cùng đơn vị dù của Pháp cũng đã rút về được vị trí trước hôm Tổng tư lệnh Navarre tới thị sát tập đoàn cứ điểm.
Hiện nay, trong ngăn tủ lưu trữ của quân đội vẫn còn giữ được vài tấm ảnh về trận chiến này. Nhưng toàn bộ các cuốn phim của Schoendoerffer đều bị kiểm duyệt, hủy bỏ. Những người lính Mường Pồn đã không bao giờ rút được về Điện Biên Phủ nữa. Họ đi lang thang trên các mỏm núi, bị Việt Minh săn lùng rồi cuối cùng bị hai chiếc máy bay ném bom napalm tiêu diệt vì tưởng nhầm họ là địch. Đại úy Bordier chỉ huy đơn vị xấu số này đã kháng nghị gay gắt lên ban chỉ huy.
Tướng Navarre đứng nhìn tấm bản đồ treo trên tường, nghe đại tá Castries trình bày sự việc.
Các tiểu đoàn địch hiện đang bao vây mặt Bắc và Đông Bắc, đã được xác minh là thuộc sư đoàn 316 mà ngày 9 và 10 tháng 12 Pháp đã phát hiện ở Tuần Giáo. Con đường từ Sốp Nạo và Nậm Hu tiến sang Lào hiện đang bỏ ngỏ. Những tiểu đoàn của Vaudrey xuất phát từ Mường Sài đang tiến thận trọng về phía Mường Khoa. Tướng Navarre chỉ thị cho đại tá Castries thiết lập ngay đường dây liên lạc đến tận Sốp Nạo để tiếp xúc với các lực lượng ở Lào.
Cuối buổi họp, trung tá Piroth trình bày kế hoạch phản pháo bằng lời lẽ chắc nịch. Đây là một sĩ quan vóc dáng to cao, khuôn mặt lớn đỏ au và bình dị, một cánh tay cụt khiến cho tay áo sơ-mi lủng lẳng phải gài vào thắt lưng như vỏ một vũ khí đã vô dụng. Piroth chỉ huy toàn bộ lực lượng pháo tại Điện Biên Phủ, nom không có vẻ gì là một người tàn tật. Ông phát biểu rõ ràng, trình bày một vấn đề đã nghiên cứu kỹ. Ông đã từng quen biết tướng Navarre từ hồi cùng phục vụ trong sở chỉ huy NATO đặt tại Fontainebleau. Một buổi chiều tháng 7 năm 1953, Piroth từ Paris đến tìm gặp tướng Navarre nhưng Navarre đi vắng. Piroth nhắn lại:
- Cũng không có việc gì quan trọng đâu. Chỉ xin báo cáo lại với tướng Navarre là tôi tình nguyện theo tướng quân sang phục vụ tại Đông Dương, tùy tướng quân giao cho nhiệm vụ gì cũng được Tôi đã sẵn sàng đi ngay khi có lệnh.
Nếu được cử lên Điện Biên Phủ, đó là vì Piroth đã từng là một sĩ quan pháo binh nổi tiếng trong tất cả các chiến dịch hồi chiến tranh thế giới thứ hai, và ông đã để lại trên chiến trường Italy cánh tay phải của mình. Ông hiểu rõ, và đã từng trải qua kinh nghiệm chiến đấu là chỉ cần ngắm bắn chính xác, một khẩu 155mm có thể tiêu diệt cả một cụm pháo 105mm. Phản pháo là một nghệ thuật đã hình thành từ chiến tranh thế giới thứ nhất 1914-1918 và được hiện đại hoá trong cuộc chiến tranh 1940-1945. Khi Tổng tư lệnh hỏi:
- Với cỗ pháo 155 mm mà ông vừa mới nhận được, ông nghĩ có thể phản kích hiệu quả pháo Việt Minh không?
Piroth bình thản trả lời:
- Thưa đại tướng, tôi sẽ không để cho một khẩu pháo Việt nào bắn quá ba phút mà không ngắm bắn và tiêu diệt nó.
Mọi người chung quanh, không ai cho rằng đây là lời đảm bảo cường điệu. Buổi chiều ngày 17 tháng 12, tướng Navarre và những vị cùng đi lần lượt tới thăm tất cả các cứ điểm. Phần lớn lúc này đang được xây dựng nên chưa thể nhận xét được sự vững chắc của các mái công sự đang đắp dở dang. Mặc dù vậy, cũng đã bộc lộ một số điểm yếu. Đó là các xà gỗ nóc hầm chưa thật vững chắc, mạng lưới rào thép gai còn có chỗ quá thưa, các giao thông hào chưa thật đầy đủ… Nhưng vẫn có thể bổ khuyết trước khi Việt Minh tiến công. Quả thật, không gì l mi và keo dài bằng việc xây dựng kế hoạch phòng ngự cho một trung tâm đề kháng. Có nghĩa là phải phối hợp chặt chẽ các công sự phòng ngự chính với các phương tiện phòng ngự phụ và kế hoạch hoả lực. Tại Điện Biên Phủ hồi đó, nếu chỉ có một kế hoạch phòng ngự tổng thể thì tôi vẫn chưa được biết những kế hoạch phòng ngự cụ thể cho từng trung tâm. Ban chỉ huy đầu tiên của tướng Gilles ngay khi tới đây đã phác hoạ một kế hoạch phòng ngự cho từng cứ điểm theo ý tưởng của mình. Còn ban chỉ huy tiếp theo do Castries đứng đầu lại thiết kế theo những ý tưởng và những phương tiện mà ông nắm được trong tay, không hoàn toàn giống như trước.
Vì vậy, cụm cứ điểm Anne Marie 1 và 2 mới đầu được bố trí phòng ngự bởi tiểu đoàn dù lê dương số 1 với bốn đại đội gắn bó vũng chắc với nhau bằng các vũ khí tự động. Nhưng khi tiểu đoàn 3 bộ binh gồm hai đại đội lính Thái tới thay thế, tiểu đoàn trưởng đã buộc phải rút bỏ một vài vị trí, mặc dù những vị trí này có thuận lợi về phòng ngự. Có thể thống kê cả những sự lơ là trễ nải trong hệ thống phòng ngự, chống lại hoả lực của địch. Một trong những lý do của sự thiếu đầy đủ này có thể nhìn thấy trong lý lịch của De Castries, vốn là một sĩ quan kỵ binh.
Chính tôi đã được nhìn thấy, đứng trên nóc hầm phòng ngủ của Điện Biên Phủ, hàng chục sĩ quan bộ binh nổi tiếng như trung tá Gaucher, được giao nhiệm vụ chuyên trách lo việc tổ chức phòng ngự cho tập đoàn cứ điểm Lalande, Langlais, Trinquant đều là những sĩ quan bộ binh sau này là cấp tướng. Chắc chắn những sĩ quan này đều biết rõ những điểm yếu trong hệ thống phòng ngự, và họ đã có thể sửa chữa được nếu có phương tiện. Thế nhưng trong suốt những tuần lo việc chuẩn bị phòng ngự, không một ai hình dung được là các hầm chiến đấu của chúng ta không thể nào chống đỡ được trước những đạn pháo địch.
Tôi nhấn mạnh là “không một ai”, bởi vì trong những lần tướng Navarre lên đây thị sát, họ cũng có đưa ra một số nhận xét nhưng toàn là những điểm thứ yếu. Theo họ thì suốt quãng thời gian từ 17 tháng 12 năm 1953 đến 13 tháng 3 năm 1954 là ngày Việt Minh bắt đầu mở cuộc tiến công, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã được xây dựng phòng ngự không tồi. Nhưng trên thực tế, Cục Quân báo của Pháp dự tính tướng Giáp sẽ bắn 25.000 quả đạn pháo để phá hủy các công trình phòng ngự ở Điện Biên Phủ trong vòng 10 ngày, thật sự là Việt Minh đã bắn tới 20.000 quả đạn pháo, cối từ 60 mm trở lên.
Dĩ nhiên, không một vị trí phòng ngự nào có thể có được giá trị tuyệt đối. Không một vị trí phòng ngự nào có thể đứng vững nếu đối phương quyết định đánh chiếm bằng mọi giá. Các chiến lũy Maginot của Pháp và Siegfried của Đức đều đã bị chọc thủng trong chiến tranh thế giới thứ hai; bức tường châu Âu của NATO và Vạn lý trường thành của Trung Quốc cũng có thể sụp đổ nếu chiến tranh xảy ra.
Trong khi chờ đợi uống chung với nhau “một bình rượu” trước lúc chia tay theo tập quán nhà binh, các vị tướng đến từ Hà Nội và các vị tá đóng tại Điện Biên Phủ tiếp tục cuộc họp ngoài trời. Các vị đi lại dưới nắng ấm của mặt trời tháng chạp, giữa khu đất có đặt trạm quân y dã chiến lộ thiên và những vòm hầm chứa pháo, trong tiếng động của xe cộ nổ máy, tiếng người nói to, tiếng điện đài lí nhí và tiếng động cơ máy bay nổ giòn.
Các vị cố tránh xa nhóm phóng viên như học trò tránh xa thầy giáo trong giờ ra chơi, nhất là tránh xa các phóng viên đang tìm cách chụp ảnh ghi hình. Pierre Schoendoerffer vẫn còn nhớ trong óc những lời trao đổi giữa các vị sĩ quan cấp cao, cùng với đoạn phim anh ghi được. Tướng Navarre cố thuyết phục mọi người:
- Tình huống chiến đấu nếu xảy ra sẽ khác hẳn với Nà Sản. Lần này quân Việt đã được tăng cường, được trang bị tốt, huấn luyện kỹ. Số quân địch cũng sẽ đông hơn, lại có pháo, cối và súng phòng không yểm trợ.
Tướng Cogny trả lời như có vẻ thay mặt tất cả mọi người ở Điện Biên Phủ:
- Về phía ta, vị trí phòng ngự của chúng ta cũng mạnh hơn Nà Sản nhiều. Pháo binh của ta không chỉ mạnh hơn mà còn được đặt ở vị trí hoạt động có hiệu qua hơn. Quân Việt phải vượt 500 kilômét đường bị ném bom để có thể tới đây. Không nên làm điều gì để Việt Minh không tiến đánh.
Ngày 20 tháng 12, tướng Navarre dừng lại Sêno, trên đường từ Hà Nội vào Sài Gòn. Căn cứ lục - không quân này được xây dựng theo kế hoạch chiến lược mang tên Navarre. Mặc dù ngân sách xây dựng hạ tầng cơ sở bị thiếu hụt, căn cứ Sêno vẫn được ưu tiên. Một đường băng dài theo hướng Đông Nam - Tây Bắc đã được thiết lập giữa khu rùng thưa cách Xavannakhẹt ba mươi kilômét trên đường bay vào Sài Gòn. Chính phương hướng của đồng bằng nào đã được các nhà thiết kế chọn làm tên, đặt cho sân bay(2). Cái tên này lại có vẻ như một địa danh địa phương. Nằm giữa khoảng cách từ Hà Nội đi Sài Gòn (khoảng hai giờ bay bằng loại Dakota) ở phía Tây dãy Trường Sơn, sân bay này còn có thể dùng làm cán cân vận chuyển các lực lượng dự trữ hai bên sườn núi.
Tướng Bourgund chỉ huy vùng lãnh thổ chiến thuật miền Trung Đông Dương đã đặt sở chỉ huy tại Sênô nhằm kịp thời đối phó với cuộc tiến công của Việt Minh ở Liên khu 4. Ngay khi tới đây, tướng Navarre không ngạc nhiên khi được biết những đơn vị tiền tiêu của sư đoàn 325 Việt Minh đã đánh thăm dò các tiền đồn của Pháp đặt tại Nà Phê và bản Nà Phao. Theo kế hoạch đã định, những đơn vị nhẹ của chúng ta đã tuần tự rút lui, chỉ mong sao làm chậm bước tiến của địch. Ý định của tướng Bourgund là để cho Việt Minh tiến sâu trong đất Lào, xa các căn cứ hậu cần mệt mỏi giam nhuệ khí sau khi trải qua những cuộc hành quân dài xuyên rừng mà không đạt được những thắng lợi to lớn đáng kể, lọt vào những vùng sâu, vùng xa trong đó dân chúng chưa có cảm tình lắm đối với Việt Minh.
Sau đó, quân Pháp mới bắt đầu chặn đánh, tiêu diệt, hoặc ít nhất cũng đẩy lùi quân địch về phía Bắc Thà Khẹt. Tất cả các hoạt động tác chiến này đều dựa vào căn cứ Sênô nơi tích lũy đạn dược, lương thực và lực lượng dù trữ.
Bourgund là bạn cùng tốt nghiệp một khoá với Navarre tại trường Saint Cyr và là một sĩ quan thuộc địa. Ông có một dáng vẻ coi thường sự chải chuốt, trang phục chểnh mảng đi lại nhanh nhẹn lời nói ngắn gọn. Tất cả điều đó tạo cho ông ấn tượng về một vị chỉ huy có khả năng đối với mảnh đất này.
Tướng Navarre không có lý do để phải lo lắng đặc biệt về việc Việt Minh sắp tiến công trong khu vực này. Tướng Giáp sẽ tiến công Trung Lào. Tướng Navarre đang đợi sẵn và từ nay Sênô đang trong tình thế giữ vũng cán cân thăng bằng với súc ép của địch. Tại Điện Biên Phủ, phải sau một tháng nữa tình hình mới thật rõ ràng, Việt Minh nếu có quyết tâm tiến công tập đoàn cứ điểm này hay không. Vùng đồng bằng là nơi Pháp đang điều quân, bắt lính để phục vụ cho vùng thượng du vẫn đang phải đối phó với những chứng bệnh ung thư cũ chiến tranh du kích, phá hoại, nạn đào ngũ, sự bội phản, hoạt động tập kích các đồn bốt nhỏ lẻ…
Thời tiết Sài Gòn vào tháng chạp đặc biệt dễ chịu. Trời nắng nhẹ, nhưng đêm lại lạnh. Ngày lễ Thiên Chúa giáng sinh sắp tới. Không khí náo nức đón chờ cộng thêm niềm vui vì thời tiết dịu mát. Lễ Noel ở Sài Gòn không chỉ là tia chớp của mềm hy vọng lóe sáng giữa mùa đông, mà còn là một lễ hội kéo dài suốt đêm cho tới khi bừng lên ánh sáng vinh quang của ban ngày.
Một tập giấy mời chất đống đang chờ đợi Tổng tư lệnh. Tướng Navarre rất ghét những buổi tụ hội của giới thượng lưu. Phải chăng đây là do tính rụt rè e ngại hay là do sự khát khao uy lực?
Liệu ông có biết hoặc cảm thấy rằng, giữa đám đông này ông thường ít toả sáng? Việc ghét tụ hội này, phải chăng bắt nguồn từ những lý do ông thường lạnh lùng hờ hững, hay từ chối hội họp, hoặc do ông không có khả năng tiếp xúc với quần chúng? Trong những buổi họp bàn công tác, tính cách của ông, những tham luận của ông, những lời trình bày của ông đều rất được chú ý. Ông phát hiện và thể hiện những lập luận chứng cứ của mình bằng lời lẽ rõ ràng tới mức ngạc nhiên. Hệ thống thần kinh trung ương của ông chính xác một cách rất đáng ca ngợi. Nhưng, trong một cuộc họp thuộc loại vui chơi, trong bữa tiệc chiêu đãi, trong bữa tiệc đứng, trong lễ duyệt binh là những nơi không có gì để phân tích hoặc để tìm hiểu mà lại phải có những cử chỉ nhẹ nhàng, phù phiếm, phải tạo dáng, phải thốt ra một câu đúng lúc, phải điểm một nụ cười, phải uốn một giọng nói, thì ông hoàn toàn là một người bị tước hết vũ khí. Cái trò chơi sân khấu này rất vô tích sự đối với ông. Đã nhiều lần, tôi phải chuyển lời xin lỗi đến những người gửi giấy mời ông tham dự những buổi họp không phải để thảo luận công tác. Thế nhưng, đúng là rất nhiều giấy mời ông tới dự lễ Noel lại mang tính chất của những cuộc họp chính thức. Ông trao lại cho tôi một tập giấy mời và nói:
- Cậu tìm cho mình một lời xin lỗi…
- Thưa tướng quân, lý do vắng mặt chỉ có thể là… À, mà sao tướng quân lại không đi dự lễ Noel tại Điện Biên Phủ!
Tướng Navarre vui vẻ chấp nhận.
Thế là ngày 24 tháng 12 năm 1953, vào hồi 16 giờ rưỡi, chiếc máy bay chở tướng Navarre hạ cánh xuống Điện Biên Phủ. Nhưng lần này, chỉ có một mình đại tá De Castries đứng đón tại sân bay.
Không có hàng rào danh dự, không có kèn trống và cả chương trình làm việc cũng không có. Bởi vì, tướng Navarre báo trước ông chỉ muốn lên đây đón Noel với các chiến sĩ. Ông đã gửi điện chỉ thị sau khi ông tới nơi, phải triệu tập càng nhiều sĩ quan càng tốt cùng thức đón đêm hy vọng cùng với ông.
Tập đoàn cứ điểm vẫn đang trong quá trình khẩn trương xây dựng, các máy bay liên tiếp hạ cánh, mang đến các thiết bị để rồi xe tô cam-nhông GMC lại chuyển đến các kho đặt dưới hầm. Các binh lính cởi trần dưới ánh nắng, đắp đất trên các mái hầm hoặc trải dây kẽm gai chung quanh các cứ điểm..
Bên cạnh hầm chỉ huy, một lều vải đã căng sẵn. Trong lều bạt có đặt tủ rượu bên cạnh chiếc bàn dài trải vải dù màu trắng, trên bàn bày hai hàng cốc thẳng tắp như binh lính trong lễ duyệt binh. Những chai sâm-banh được đưa từ Pháp sang đứng nghiêm trên bàn. Chung quanh bàn, các sĩ quan chỉ huy các đơn vị đang ngồi chờ Tổng chỉ huy Navarre. Tướng Navarre nâng cao cốc rượu, nói chuyện với mọi người. Đến nay, tôi không còn nhớ rõ tướng quân đã nói những gì, nhưng chỉ có thể là một bài phát biểu theo nghi thức cổ điển. Liệu những người đang quây quần chung quanh ông, đón nghe những gì? Những lời chúc mừng, những lời thiện cảm? Một vị tướng chỉ có thể nói lời chiến thắng với ba quân. Thật tình, lúc đó tôi không nghe mà chỉ nghĩ đến những điều mà tướng Navarre không thể nói ra lời. Bởi vì trên bàn giấy đặt tại Sài Gòn lúc này hãy còn để lại một bức thư mà tướng Navarre tự tay viết dở dang để gửi về Chính phú Pháp, sau khi hoàn chỉnh đã chuyển thành công văn số 1 GENE/CC/TS đề ngày 1 tháng 1 năm 1954, trong đó tướng Navarre bộc lộ: “Trước khi có trong tay những phương tiện mới, tôi không thể đảm bảo thắng lợi…” Trước đó vào ngày 31 tháng 12 năm 1953, đại tá Castries cũng nhận được điện mật IPS chỉ thị nghiên cứu khả năng rút bỏ Điện Biên Phủ mang mật danh Xenophon. Nhưng lúc đó đã quá muộn. Điện Biên Phủ đang bị vây chặt việc rút lui không thể nào thực hiện được và chỉ thu hẹp trong phạm vi nghiên cứu mật. Còn trong lúc này, vào buổi tối ngày 24 tháng 12 năm 1953 đại Điện Biên Phủ, nếu đặt vấn đề này ra trước các sĩ quan quân phục chỉnh tề đeo các huy hiệu lê dương, dù, bộ binh, pháo binh, thiết giáp.., thì tất cả mọi người sẽ đảm bảo chiến thắng. Vì vậy chỉ riêng tướng Navarre là ưu tiên giữ nguyên vẹn trong lòng sự nghi ngờ và sự hoang mang, lo lắng.
Sau “một chầu rượu” cho các sĩ quan, mọi người bàn tán chỉ còn lại tướng Navarre và đại tá Castries ngồi lại với nhau trong hầm chỉ huy. Một ngày đã trôi qua, một ngày lao động và chờ đợi như mọi ngày khác. Và vụt một cái đã là đêm Noel. Buổi hoàng hôn ngắn ngủi ầm ĩ tiếng nổ của động cơ và tiếng hò hét của các hạ sĩ quan cũng đã chấm dứt. Trong đám hỗn loạn của tiếng động và của gió bụi, chiếc Dakota cuối cùng đã bay trở về Hà Nội. Thung lũng Điện Biên Phủ chìm đắm trong bóng tối không trăng, chỉ có những bóng đèn điện nhấp nháy. Mỗi khi có một bàn tay mơ lều bạt, lúc đó những luồng ánh sáng màu vàng mới lọt ra ngoài. Cùng với bóng đêm sự im lặng của núi rừng miền Tây Bắc xứ Đông Dương cũng chế ngự trận địa Điện Biên Phủ, ngăn cách cứ điểm này với cứ điểm khác, bóp nghẹt những tiếng động phát ra từ các công binh xưởng và tiếng kêu ầm ĩ của những cỗ máy phát điện, gần như biến thành một đạo luật buộc mọi người cũng phải nói khẽ hoặc giữ im lặng.
Tướng Navarre và đại tá Castries bước ra khỏi hầm. Tổng chỉ huy khẽ rùng mình. Ngoài trời đang lạnh. Sau cái nóng ban ngày, bây giờ đến luồng khí lạnh của núi rừng thấm qua những bộ quần áo mỏng. Tôi vội đưa cho ông một áo khoác ra trận bằng vải dày có đính bốn ngôi sao cấp bậc đại tướng. Mọi người cùng đi bộ đến vị trí trung tâm nơi làm lễ thánh đón đêm Thiên Chúa giáng sinh. Phía sau bàn thờ là những người lính lê dương ngồi chung quanh một cây thông được thắp sáng. Các đại tá ngồi cùng tướng Navarre trên hàng ghế đầu.
Trước khi làm lễ, cha tuyên úy giơ cao cánh tay, vươn bàn tay lên rất cao như muốn vươn tới những phía bên ngoài, tới tận những dãy đồi bên kia sông Nậm Rốm, nơi những lính canh đang đứng gác. Chung quanh linh mục, mọi người đều quỳ gối trong tư thế của con chiến xưng tội hoặc của hiệp sĩ trong lễ thụ phong. Sau đó, mọi người tụ họp trong nhà ăn chung quanh chiếc bàn dài chìm sâu trong chiến hào. Để tới được chỗ ngồi của mình, tướng Navarre và đại tá Castries phải lách qua những tấm ghế dài phía ngoài. Các sĩ quan cấp tá Revol, Piroth, Guth và những người khác ngồi theo thứ tự thâm niên cấp bậc. Tôi ngồi phía ngoài cùng, lưng quay ra phía cửa lều được che kín bằng tấm vải ka-ki pha len. Không khí cũng như nhiệt độ đều dịu mát. Tôi cũng không còn nhớ những câu chuyện trao đổi qua lại trong bữa ăn. Về thực đơn, cũng chỉ còn nhớ có món thịt nhồi đã nguội lạnh, dính chặt với lớp mỡ trắng đóng băng trên đĩa sắt do một người lính Ma-rốc mặc bộ đồ dân tộc mang lại.
Có tiếng xe Jeep đỗ xịch ngay bên ngoài gian hầm. Mọi người cùng ngừng câu chuyện. Từ bên ngoài vang lên tiếng nói to của trung tá Gaucher: “Vì Thánh Barthelemy, thẳng tay bắn giết”, nghe như một khẩu lệnh chiến đấu vang vọng từ thời Jeanne d' Are. Gương mặt nhẵn lỳ của trung tá Revol, chánh văn phòng Bộ Tổng chỉ huy chợt rắn lại như lớp mỡ đọng trên món thịt nhồi đặt trên đĩa. Tấm lều bạt được vén lên. Trung tá Gaucher chỉ huy bán lữ đoàn lê dương đóng trên đồi Him Lam chợt xuất hiện, được soi rõ bởi ánh đèn điện trong lều. Là một người tầm vóc cao lớn, Gaucher phải cúi mình bước vào trong hầm rồi lại lập tức đứng nghiêm sửa lại vành mũ, chào Tổng chỉ huy:
- Xin lỗi Đại tướng. Tôi vừa từ cứ điểm Béatrice về đây. Tôi đã hẹn đến uống rượu cùng với binh lính, đóng trên đó. Đối với cánh lê dương chúng tôi, đêm nay quả là nhiều kỷ niệm đáng buồn.
Tướng Navarre mỉm cười nói với Gaucher:
- Mời vào! Ngồi xuống đây!
Gaucher nặng nề đặt người trên chiếc ghế sát cạnh tôi, đồng thời cũng ép luôn tôi phải ngồi nhích vào một góc bàn, bên cạnh trung tá Guth.
Tôi cảm thấy ấm người thêm một chút. Tướng Navarre và đại tá Castries tiếp tục câu chuyện đang nói dở; một kỷ niệm chiến đấu trong đêm Noel tại vùng núi Vosges ở Pháp. Sau khi ăn xong miếng thịt nhồi, Gaucher hỏi to Castries:
- “Thẳng tay bắn giết” - Ông có hiểu khẩu lệnh đó nghĩa là gì không? Hả? Hả?
Gaucher cố tình dằn mạnh những âm thanh “hả? hả?” trong câu hỏi. Castries trả lời:
- Trong kỵ binh, đó là một kiểu tác chiến giáp lá cà. Nhưng còn trong đội ngũ lính lê dương, có lẽ Revol hiểu rõ hơn tôi.
Revol nói:
- Tôi không phải là kỵ binh, tôi không thạo lắm về kỹ thuật chiến đấu trên mình ngựa. Nhưng “Thánh Barthelemy” quả là gợi cho tôi một đêm thảm sát.
Gaucher cắt ngang:
- Thôi, không dài lời nữa! “Vì Thánh Barthelemy, thẳng tay thảm sát!” là nội dung bức điện mật mã báo tin cứ đảo chính tối ngày 9 tháng 3 năm 1945 của Nhật. Tôi đã quên và muốn quên nhưng không được. Ngày 9 tháng 3 năm 1945 tôi chỉ huy tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn bộ binh lê dương số 5 đóng ở Việt Trì sát cạnh quân đội Nhật Bản.
Trung đoàn chúng tôi nằm trong biên chế của binh đoàn do tướng Alessandri chỉ huy, lúc đó đang hành quân dã ngoại ở khu vực nam ngạn sông Hồng. Khoảng 9 giờ tối, chợt tôi nhận được điện mật truyền qua máy bộ đàm vô tuyến từ Hà Nội, khẩu lệnh: “Vì Thánh Barthelemy, thang, tay bắn giết!”, khẩu lệnh này được nhắc đi nhắc lại suốt đêm, báo tin Nhật Bản đã tiến hành đảo chính.
Gaucher dừng lại, uống chậm rãi một cốc rượu vang rồi tiếp tục kể:
- Chúng tôi đi ngược lên vùng trung du rồi theo đường 41, lên tận Điện Biên Phủ. Ai chiếm được thung lũng này tức là nắm được toàn bộ vùng thượng du. Sân bay ở Điện Biên Phủ hồi đó vẫn còn tốt, và chính tại đây, những chiếc Dakota thuộc lực lượng 136 của Anh tại Calcutta Ấn Độ đã bay tới tiếp tế cho chúng tôi. Cũng chính tại đây vào ngày 29 hoặc 30 tháng 3 gì đó tôi được tiếp đón đại tá Dewarin, trưởng cục phản gián và đại tá Langlade đặc phái viên của Chính phủ lâm thời, từ máy bay Dakota bước xuống, nói với chúng tôi:
- Tướng Gaulle chỉ thị các bạn phải giữ lấy mảnh đất Đông Dương bằng bất cứ giá nào. Tuyệt đối phải giữ bằng được thung lũng Điện Biên Phủ.
Nếu giữ được Điện Biên Phủ, có nghĩa là cứu được xứ Đông Dương thuộc Pháp…
Rồi Gaucher lại cười to, nói với Castries:
- Ông nghe rõ không? Nếu ông giữ được Điện Biên Phủ, có nghĩa là cứu được xứ Đông Dương thuộc Pháp…
Câu chuyện năm xưa lại được tiếp tục. Hai ngày sau khi tiếp đặc phái viên Chính phủ Pháp, tướng Alessandri và toàn bộ cơ quan chỉ huy rút về phía Phông Salỳ, Lào rồi chạy sang Trung Quốc.
Gaucher, lúc đó là đại úy, ở lại trấn giữ Điện Biên Phủ cùng với một tiểu đoàn bộ binh lê dương. Vị trí chỉ huy của Gaucher lúc đó đặt trên đồi Him Lam sát đường cái, bây giờ gọi là cứ điểm Béatrice. Quân đội Nhật tiến đến. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt. Và đám tàn quân của Pháp lại ngược dòng sông Nậm Hu, rút chạy sang Trung Quốc…
Câu chuyện chấm dứt vào đúng nửa đêm.
Cũng đúng vào đêm hôm đó, những đơn vị đi đầu của sư đoàn chủ lực Việt Minh mang số hiệu 308 sau khi hành quân liên tục suốt ba mươi đêm không nghỉ đã chiếm lĩnh các điểm cao sát thung lũng Điện Biên Phủ. Ngày 25 tháng 1 năm 1954 bộ đội của tướng Giáp đã tới những mỏm đồi phía đông thung lũng lòng chảo gần cao điểm 781. Sư đoàn này đã hành quân suốt ba mươi đêm không nghi, trên những đường cái lớn hoặc đường hẻm xuyên rừng. Họ đã vượt ba con sông và hàng trăm con suối, ăn mỗi ngày hai bữa, mỗi bữa một nắm cơm, thường thường là gạo đỏ vì có chứa nhiều vitamin hoặc gạo nếp vì có sẵn trên đường. Mỗi người lính mang theo năm ngày gạo đựng trong những bao vai khoác ngang người. Sư đoàn hành quân rất nhanh, có sức chừng nào đi nhanh chừng ấy, họ đi suốt đêm trên những đường nhỏ, gặp những đoạn khó khàn lắm mới thắp đuốc bằng nhựa cây để soi đường. Mọi người đều đi giầy vải làm từ Trung Quốc, nhẹ như những đôi giày thể thao quần vợt. Nhiều khi, để tiết kiệm đôi giày, họ đi chân không nhiều giờ trong đêm.
Vách đá cao điểm 781 nhìn xuống thung lũng lòng chảo như một bao lơn. Từ trên vách núi này những người lính sư đoàn 308 có thể nhìn thấy những ánh đèn từ các doanh trại của Pháp, kể cả cây thông đón lễ Noel được thắp sáng ngay dưới chân họ. Những tiếng hát cũng vọng đến tai họ.
Đây là những bài hát thánh ca hay là những bài hát để mời uống rượu? Ở khoảng cách này bầu không khí như quyện vào nhau, hoà nhập với nhau. Những người lính sư đoàn không phải là những tín đồ tôn giáo. Họ không tin vào những đạo giáo vô tích sự. Tất cả những người lính này đều đang có mặt ở đây, trên đỉnh núi đá. Đây là sư đoàn thiện chiến nhất trong lực lượng xung kích của Việt Minh. Nhiệm vụ của sư đoàn là đánh thọc sâu, tiêu diệt kẻ địch. Phía sau sư đoàn là cả một đạo quân gồm những đơn vị bộ binh, pháo binh, và phía sau nữa còn có một đội quân dân công đang vượt các nẻo đường rừng, tiến về hướng mặt trận Him Lam.
Chỉ trong vài giờ nữa các tiểu đoàn của sư đoàn 308 sẽ chiếm lĩnh tất cả các lối ra vào của thung lũng lòng chảo. Đến rạng sáng, khi các đội lính dù của Langlais trở về căn cứ sau những cuộc hành quân lùng sục nhanh chóng, sư đoàn 308 sẽ khoá chặt tất cả cửa ra vào của tập đoàn cứ điểm.
Ngày 25 tháng 12 năm 1953, ngày lễ Noel, vận mệnh cuộc chiến tranh Đông Dương có thể đã tới điểm không-trở-lại của lịch sử. Trong đêm hôm đó, có thể tập đoàn cứ điểm đã bị tràn ngập quân Việt Minh và khắp nơi trên bán đảo Đông Dương các lực lượng của tướng Giáp có thể đã phát động cuộc tổng tiến công. Từ đó trở đi, có thể hai đối thủ Pháp và Việt Minh sẽ dốc hết lực lượng, lao vào cuộc chiến đấu với tất cả năng lực và có lẽ cả danh dự của mình. Tướng Navarre đã tới Điện Biên Phủ vào ngày 24 tháng 12. Ngay trong ngày hôm sau là ngày lễ chính thức mừng Chúa Giêsu ra đời, có thể tướng Navarre sẽ được chứng kiến một cái gì đó làm thay đổi cục diện: một sự may mắn, một điểm nút lịch sử, một vận mệnh hoặc một sự tình cờ?
Trong khi đó, bầu không khí hoảng hốt đã ập tới Sênô. Tướng Navarre cùng chúng tôi đã rời khỏi Điện Biên Phủ và tới Sênô lúc buổi trưa ngày 25 tháng 12. Chúng tôi đến chậm vì sương mù buổi sáng tại Điện Biên Phủ quá dầy đặc không cho phép máy bay cất cánh.
Được thông báo trước, tướng Bourgund đã ra sân bay đón tiếp. Ông mặc bộ quân phục nhầu nát, dáng điệu cuống quít cặp mắt linh hoạt khác thường. Ông quay đầu nhìn khắp mọi nơi có vẻ như có ai đó đang núp trong bụi rậm. Đó là những bộ đội Việt Minh.
Tướng Bourgund báo cáo, đêm hôm qua Việt Minh đã chiếm Thà Khẹt và hiện nay đang tiến đến Sênô. Có một hoạt động khác thường tại căn cứ này. Không còn là bầu không khí vui nhộn của những ngày lễ hội mà chỉ ba người Pháp có mặt tại tiền đồn hẻo lánh này cũng có thể tạo ra trong ngày nghỉ đã được ghi trên lịch. Cũng không phải là bầu không khí náo động trước lúc hành quân chiến đấu. Đây là sự chuẩn bị rút chạy. Binh lính chất lên xe tải những thứ thật là kỳ cục, một chiếc bàn làm theo kiểu Trung Quốc, một máy lạnh chạy bằng dầu hoả, những tủ đựng hồ sơ tài liệu mở tung không khoá v.v… Có cả một vị đại tá đội ngược mũ bê-rê đỏ. Đây chính là vị chỉ huy cuộc hành quân rút chạy. Chiếc xe Jeep của ông đã chuẩn bị sẵn cho chuyến đi xa cứ bám theo ông từng bước trong khi ông chạy đi chạy lại để thu nhặt tất cả mọi hành lý đồ đạc của mình.
Tướng Navarre đã “cụp tai lại” để chú ý lắng nghe từ những câu báo cáo đầu tiên. Ông nói khẽ một câu khô khan, triệu tập mọi người vào gian nhà gỗ miền nhiệt đới là nơi đạt sở chỉ huy. Đại tá Berteil vừa từ Sài Gòn lên đây lúc sáng sớm ngồi ở phía sau bàn. Vừa thấy chúng tôi bước vào, ông đã nhìn tướng Bourgund bằng cặp mắt khinh bỉ đặc sệt tới mức mọi người như có thể sờ thấy. Berteil hoàn toàn không có đầu óc hài hước. Ông không hề biết đến sự khoan dung và sự ân cần mà ông cho là không ghi trong luật lệ xã giao. Cứ nhìn cách sống của Berteil, có vẻ như ông không thể hiểu nổi thế nào là niềm vui giọng cười tiếng khóc. Nhưng về mặt quân sự thì ông lại hiểu được cái không thể hiểu nổi; ông có thể phân tích chỉ trong vài phút, một tình huống rối rắm nhất. Ông biết cắt nó ra thành từng mảnh rõ rệt. Trước mặt Tổng tư lệnh Navarre, ông trình bày những lời phát biểu, mà không ai có thể tranh cãi được, và khi ông giải thích thì ai cũng nghe. Tức là tướng Bourgund đã hành động trái chỉ thị đã nhận được. Đáng lẽ phải để cho Việt Minh tiến sâu vào khu rừng thưa thì ông lại muốn chặn đối phương ngay từ đầu núi. Với ý đồ đó, ông đã đưa các đại đội và pháo lên phía trước để tiến hành chiến đấu. Nếu thắng, dĩ nhiên ông được thưởng huân chương. Nhưng, trong đêm tối Việt Minh đã tiến đánh luôn các khẩu pháo vừa xuất trận. Thế là, những đại đội sung sức của Bourgund cùng với các khẩu pháo đều nát vụn dưới sức tiến công của Việt Minh. Thà Khẹt vội vàng di tản y như Paris năm 1940. Bây giờ, từng phút này sang phút khác, mọi người chờ đợi Việt Minh tiến vào Sênô như những xe tăng của tướng Đức Rommel đã tiến đến Paris rất nhanh.
Những lời lẽ của Berteil như những cái gai chọc vào tướng Bourgund.
Chú thích:
(1) Tên tắt Groupement operationel du Nord Ouest, nghĩa là Cụm tác chiến Tây Bắc
(2) Theo tiếng Pháp Sud (Đông Nam) Nord-Ouest (Tây Bắc)