Dịch giả : Lê Kim
Chương 12
Theo bộ đội lên tới Phú Cường
Cô cứu thương trở thành liên lạc

 
Chiến cuộc ngày càng ác liệt khi viện binh từ Pháp đổ bộ lên bến Sài Gòn. Đây là đội quân viễn chinh dưới quyền chỉ huy của đại tướng Leclerc từng giải phóng Paris và vượt qua hai sông lớn Rhin và Danube giải phóng các nước Tây Âu thoát ách Đức Quốc Xã. Các tiểu đoàn dưới quyền Leclerc đều hãnh diện với phù hiệu “Thiu ét Dauube” may dính nơi cánh tay áo ka ki của mình. Các cuộc giao tranh ngày càng bung ra xa ngoại vi Sài Gòn Gia Định. Một trong những mặt trận ta giữ được khá lâu là mặt trận An Phú Đông. Có nhiều đơn vị tham gia phòng thủ chiến khu nằm sát Sài Gòn này. Trong số này có bộ đội Hứa Văn Yến, bộ đội Nguyên Đình Thâu. Đặc điểm của phân đội Nguyễn Đình Thâu là rất đông phụ nữ. phần lớn các chị em là người miền Bắc sanh sống tại Phú Nhuận. Chị em làm nhiều nghề như buôn bán ở các chợ, làm thợ thêu, đan. Nhưng được nổi tiếng nhất là một số chị em làm nghề ả đào, cô đầu. Dãy phố dưới dốc cầu Kiệu trên đường Louis Berland sát chợ Xã Tài (Chợ Phú Nhuận) nay là đường Phan Đình Phùng - là giang sơn của các chị em. Đêm đêm, đi ngang qua đây, ngoài hàng hiên có gắn đèn xanh hoặc tím, khách bộ hành nghe rõ tiếng ngâm “Hồng hồng tuyết tuyết, mới ngày nào có biết cái chi chi, mười lăm năm thấm thoát có ra gì, ngoảnh mặt lại đã tới thời tơ liễu”. Nhưng khác hẳn với đám “ca nữ” bất tri vong quốc hận bến Tầm Dương bên Tàu, các cô đầu Phú Nhuận lập tức vứt đàn phách phấn son để lên đường cứu nước. Hiên ngang không kém giới sinh viên đã xếp bút nghiên tòng quân giết giặc. Trong số chị em này có Hoàng Thị Thanh vốn là dân Hải Phòng. Người phốp pháp nhưng rất xinh đẹp, mái tóc dài chải bồng lên, theo kiểu “tăng gô”. Khi nhập bộ đội, Thanh được học khoá cứu thương và sau một tuần thực tập đã có thể băng bó các vết thương hay tiêm thuốc cho thương binh. Các cô cứu thương với các túi thuốc có thêu chữ Thập đỏ lui tới các phòng tuyến là những đoá hoa tô điểm cho mặt trận đằng đằng sát khí.
Mặt trận An Phú Đông vỡ sau những ngày đương cự dũng mãnh. Dân quân rút vô các chiến tuyến ngoại vi chân đường tiến địch về phía Biên Hoà hay Thủ Đầu Một. Đội cứu thương của Hoàng Thị Thanh cũng rút về phía Lái Thiêu. Ngày kia đội cứu thương của Thanh được chi huy hỏi:
- Có ai rành đường phố Sài Gòn Chợ Lớn?
Các cô y tá nhìn nhau. Một người chỉ chị Thanh nói:
- Chị Thanh rành đường phố Sài Gòn hơn ai hết.
Chỉ huy nhìn Thanh gật gù:
- Chị Thanh qua đây với tôi.
- Đi đâu vậy anh? - Thanh ngạc nhiên hỏi.
Đợi đi khỏi tấm nghe của đơn vị, anh chi huy nói:
- Ông phái viên Trung ương muốn có một liên lạc thành. Người này phải là dân Sài Gòn chính cống, trẻ đẹp, lanh lợi mới có thể đảm trách nhiệm vụ quan trọng liên lạc giữa bộ chỉ huy với các đơn vị nội thành.
Thanh hơi chột dạ. Khi ra đi, Thanh không hề nghĩ tới việc trở về thành. Câu hát Chính Khí Ca bắt đầu với lời lẽ hào hùng: “Một ra đi là không trở về”. Lòng mình cũng quyết giả biệt kinh kỳ... Rồi hình dung bao nhiêu đồn bốt, nút chận ghê gớm mà người liên lạc phải vượt qua, Thanh sợ mình không có đủ bản lĩnh để đương đầu với bao thử thách không thể đoán lường trước được.
Đang nghĩ ngợi miên man, Thanh đã tới ngôi nhà ông phái viên Nguyễn Bình đóng. Lần đầu tiên Thanh thấy người mà đôi khi chị có nghe nói. Ấn tượng đầu tiên anh Ba gây cho Thanh là một người cao lớn vạm vỡ, mặc đồ xá xẩu như người Tàu, mắt mang kính râm, lưng đeo súng nòng dài và chiếc sắc cốt tài liệu luôn luôn sát bên tầm tay.
- Chào đồng chí!
Nguyễn Bình bắt tay Thanh tự nhiên như người Âu. Cử chỉ này khiến chị lúng túng, chỉ có Tây mới bắt tay, còn người Việt mình thì nam nữ thọ thọ bất nhân chỉ chắp tay xá.
- Mời đồng chí ngồi. Ta bàn chuyện có hơi lâu.
Thanh ngồi xuống ghế đối diện. Anh chỉ huy kín đáo rút lui vì không muốn nghe chuyện cơ mật.
- Tôi đang cần liên lạc thành. Anh chỉ huy giới thiệu đồng chí. Xin đổng chí cho biết trước kháng chiến đồng chí ở đâu, làm gì... Hình như đồng chí quê ở miền Bắc?
Thanh nói:
- Dạ đúng. Tôi quê Hải Phòng, vào Nam theo người cô có hiệu ảnh ở Thị Nghè. Đang theo nghề ảnh đụng kháng chiến. Tôi theo đội cứu thương ở Gò Vấp.
Nguyễn Bình gật gù, giọng nói thân ái hơn:
- Rất vui mừng khi gặp đồng hương trên đất Nam Bộ này. Đồng chí có nhận công tác mới là làm liên lạc thành cho chúng tôi?
- Tôi mới nghe nói lần đầu, chưa biết mình có khả năng hay không. Xin ông phái viên nói rõ thêm...
Nguyễn Binh cười:
- Cứ gọi tôi là anh Ba như mọi người. Phái viên là chức vụ để dễ làm việc, không nên xem đó là một danh xưng... Người Nam Bộ có cách gọi độc đáo mà miền Bắc ta không có. Gọi nhau bằng thứ: Chị Hai, anh Ba. Nghe thân mật gần gụi làm sao! Khi nào muốn cho rõ. không nhầm lẫn thì kèm theo tên như Ba Bình hay Tư Râu... Tôi nói rõ thêm về công việc mà đồng chí đảm trách: Tôi từ Bắc mới vào đây, dù hai mươi năm trước tôi có ở Sài Gòn, nhưng lâu quá rồi, nay không thông thạo đường phố. Tôi cần một người liên lạc để giúp tôi đi đây đi đó. Công việc chỉ có vậy thôi. Liên lạc phải hết sức bình tĩnh trong mọi tình huống. Một người dân Sài Gòn đã tham gia các mặt trận ác liệt Thị Nghè, Cầu Bông như đồng chí có khả năng lắm. Nhưng phần quyết định phải là đồng chí. Làm cách mạng là chuyện tự nguyện của từng người.
Trong khi Nguyễn Bình nói, chị Thanh lắng nghe và nhận xét. Giọng nói đúng là dân Hải Phòng “quê ta”. Cử chỉ điềm đạm, khoan thai khác hẳn bộ tướng nhà binh. Có thể nói đây là văn võ kết hợp trong một người. Cách làm việc mới lạ, không quyết đoán, không chỉ định mà để cấp dưới tự nguyện.
- Thế nào? đồng chí có nhận công tác đó không?
Chị Thanh gật. Anh Ba nói tiếp:
- Tôi có mấy ý này giúp đồng chí hoàn thành công tác. Trước hết, đồng chí nên sắm hai bộ đồ xá xẩu như tôi đây. Không phải mình lập dị đâu. Hoạt động nội thành nên hoá trang thành người Tàu để dễ qua mắt bọn lính kín. Hải Phòng ngoài Bắc và Chợ Lớn trong Nam là hai thành phố người Trung Hoa đông đảo hàng chục vạn dân, ta dễ trà trộn đề hoạt động. Đồng chí thấy thế nào?
Thanh bật cười: nàng là chúa ăn diện, kiểu nào mới ra nàng cũng may sắm, nhưng chưa hề có ý nghĩ hoá trang người Tàu.
Anh Ba cũng cười theo:
- Chắc đồng chí ngại mặc đồ Tàu sẽ làm xấu mình đi chăng? Không đâu? Chiếc áo không làm nên thầy tu. Đẹp xấu là do người, chứ không do áo quần. Mà xinh đẹp như đồng chí thì mặc kiểu gì cũng đẹp.
- Tôi đang nghĩ tới tiền để may sắm hai bộ đồ Tàu...
Anh Ba khoát tay:
- Đồng chí làm việc cho Bộ chỉ huy thì Bộ chỉ huy phải sắm những thứ cần thiết cho đồng chí. Sẽ có thợ may tới lấy ni tấc cho đồng chí.
Chuyến liên lạc đầu tiên của chị Thanh là đi Bưng Cầu. Nguyễn Bình và chị đóng vai hai người Tàu cùng chủ nhà là thầy giáo Chương mướn nguyên một chiếc xe ngựa của người quen trong xóm. Anh Ba lên Bưng Cầu để nghiên cứu địa điểm có thể dùng để gặp các nhản vật tên tuổi miền Đông. Trước khi lên đường, anh Ba giao chị Thanh khẩu súng và một số tài liệu. Chị Thanh giấu súng một bên đùi và tài liệu nơi đùi bên kia. Tới Bưng Cầu bình an vô sự. Vì cuộc họp không đông đủ nên anh Ba mời họp lần thứ hai cũng tại Bưng Cầu sau đó vài ngày. Lần sau không đi xe ngựa mà đi xe hơi, mượn một xe đò nhỏ chở mười hai người. Trên xe có các ông Tám Chùa, Dương Bạch, Mai Huỳnh Văn Nghệ... Không may lần này chuyến đi bị bọn Nhật đi tuần tiễu chặn xe đò lại lục xét giấy tờ lẫn hành lý. Anh Ba nhăn mặt vì không kịp thủ tiêu giấy phái viên của Bộ Tổng. Bọn Nhật tịch thu chuyền cho nhau xem. Một tên Nhật nhìn anh Ba, gọi là “tài hồ”. Chị Thanh đoán chữ tài là đại, có nghĩa là to, còn chữ hồ thì chị không biết. Nhưng chị hiểu là chúng đặc biệt để ý đến anh Ba trong số hành khách trên xe. Chúng lùa tất cả đến một trạm gác có bốn lính Nhật giữ cả đêm. Sáng hôm sau, chúng hỏi cung từng người. Chúng hỏi chị Thanh qua một thông ngôn:
- Chị là người Tàu. sao lại đi chung xe với Việt Minh?
- Tôi đi tản cư, gặp xe nào đi xe nấy, làm sao biết trên xe có Việt Minh.
Bọn Nhật gật gù không hỏi nửa. Một lúc sau chúng đưa một rá gạo và một rổ đậu đũa bảo nấu cơm.
Anh Ba nói:
- Trả lại đi? Mình tuyệt thực phản đối!
Bọn Nhật giải tất cả về thị xã Thủ Đầu Một. Xe chạy một đỗi, anh Ba hội ý nhanh với chị Thanh. Chị hiểu ý, vỗ bụng, nhăn mặt đòi xuống xe đi tiểu. Tài xế cũng cần múc nước mương đổ vào thùng xe cho bớt nóng máy. Chị Thanh đi tới bụi rậm thì anh Ba hô to:
“Chạy đi anh em ơi!” Tất cả phóng nhạnh, mỗi người một hướng. Bọn Nhật nổ súng rầm rầm. Tiếng súng càng làm anh em chạy “chết bỏ”.
Chạy khỏi bọn Nhật, chị Thanh rơi vào tay du kích. Họ thấy chị là người Bắc, lại ăn mặc theo xẩm nên nghi gián điệp, bắt giải cho chỉ huy điều tra. Chỉ huy là một người mặc quần soóc trắng, đeo súng trước bụng. Chị Thanh nói gì cũng mặc, ông ta cứ nhất quyết chị là chỉ điểm cho Pháp hay là cho Nhật.
Trong khi hỏi cung ông ta móc thường súng cầm tay hăm: “Cây súng này đã xử không biết bao nhiêu Việt gian”. Về sau chị Thanh mới biết ông ta là Trịnh Khánh Vàng.
Tới chiều, chưa kịp ăn cơm thì có thư hoả tốc của Nguyễn Bình gởi đổng chí Trịnh Khánh Vàng đòi người con gái mặc áo xẩm. Vàng đọc xong cự chị Thanh:
- Sao không nói là người của Nguyễn Bình? Rủi tôi nóng tôi bắn thì sao? Thôi qua bển đi!
Về gặp anh Ba, chị Thanh mừng vô cùng. Đây là thử thách đầu tiên trong công tác liên lạc của chị: hết bị Nhật bắt tới bị Việt minh giữ. Chủ nhà đem ra một rổ khoai lang nóng. Chị Thanh ăn ngấu, chưa bao giờ thấy khoai ngon ngọt, thơm tho như vậy.
Nhưng ăn chưa hết củ khoai thì có tin Nhật vô. Hình như chúng biết anh Ba ẩn trong xóm này. Lập tức anh Ba bỏ cặp kính râm vô tủ, mặc vội bộ đồ chủ nhà đưa - một bộ bà ba đen móc cời có vá mấy miếng.
Cải trang xong, anh ung dung đi ra. Chị Thanh cũng bỏ bộ xẩm, giả làm con gái miệt vườn trốn thoát.
Giữa ông đặc phái viên Trung ương và cô liên lạc thành dần dần nảy sinh một tình cảm đặc biệt, vừa là đồng hương vừa là đồng chí. Chị Thanh nhớ lại lúc còn ở Hải Phòng, có lúc hai người ở cùng dãy phố. Bấy giờ Nguyễn Bình còn là Nguyễn Phương Thảo từ Nam Kỳ về. Để sanh sống, Thảo đã hùn với người bạn nấu dầu gió theo toa thuốc gia truyền nhãn hiệu dầu Phúc Thảo. Nhưng đó chỉ là bình phong để Thảo hoạt động cách mạng. Chị Thanh nhắc lại chuyện cũ, anh Ba gật “có lúc nấu dầu gió” còn chuyện hai người ở cùng dãy phố thì anh không nhớ.
Vài ngày sau anh Ba mở cuộc họp thứ hai tại sở cao su Võ Bình Tây. Cuộc họp kéo dài ba ngày.
Nguyễn Bình truyền đạt chủ trương thống nhất chỉ huy các lực lượng quân sự. Đây là vấn đề khó vì tâm lý các “lãnh chúa” muốn làm vua một vùng, không thích ai chỉ huy mình. Nhưng nghe phái viên Trung ương trình bày đường lối của Bộ Tổng có hệ thống mạch lạc từ trên xuống dưới, từ Trung ương tới địa phương, và nhất là bản lãnh của người thuyết trình; hội nghị nhất trí chịu sự lãnh đạo của Trung ương mà đại diện là khu trưởng Nguyễn Bình.
Cũng trong hội nghị này, các đại biểu quyết định triệu tập cuộc hội nghị chính thức tại An Phú Xã.