Dịch giả : Lê Kim
Chương 19
Thay Ba Dương, Hai Trọng phó hội
Gặp Nguyễn Bình, kết bạn đồng hương

Kháng chiến bùng nổ, Hai Trọng lập tức tấp vô bộ đội Bình Xuyên của Ba Dương ở cầu Rạch Đỉa, chỉ cách Sài Gòn có con Kinh Tẻ. Hai Trọng tên thật là Lương Văn Trọng là thợ điện, quê Hải Phòng vào Nam từ lúc còn trẻ. Anh hoạt động trong công đoàn thợ điện Gia Định trước 1945. Khi chánh quyền về tay cách mạng, Hai Trọng được uỷ nhiệm tổ chức Trại công nhân thất nghiệp, lo chỗ ăn chỗ ở cho làng ngàn thợ thầy đang lâm cảnh túng bấn. Hai đồng chí Hoàng Đôn Văn và Kha Vạn Cân bấy giờ là đô trưởng Sài Gòn chỉ định Hai Trọng làm tổng giám đốc các trại này. Gọi là tổng giám đốc vì lúc đó thành phố có ba trại: Sài Gòn, Thị Nghè và Bà Chiểu. Trại ở Sài Gòn chiếm một ngôi trường huấn luyện của Sở Cứu hoả trên đại lộ Norodom, đối diện với thành Ong-dèm (II è RIC). Hoạt động sát cánh với Hai Trọng có Nguyễn Văn Hội cũng là thợ điện làm việc tại Sở Mộ, nhà ở Xóm Gà. Hội là bí thư Chi bộ nghiệp đoàn thợ điện. Tánh tình thẳng thần, hào hiệp của Hội khiến Hai Trọng cảm mến ngay từ đầu, hai anh em làm việc rất hăng say trong công tác được phân công.
Tiền chợ cạn dần, hai anh đang lo thì hay tin Trần Văn Giàu họp quân sự trên Tân Phú Trung.
Lúc đó Sáu Giàu là chủ tịch Lâm uỷ hành chánh Nam Bộ. Cả hai tức tốc lên gặp Sáu Giàu để xin tiền cho trại. Địa điểm họp là nhà giám đốc sở cao su ở sát đường. Khi tới nơi, hai anh thấy Sáu Giàu ngồi ở bộ xa lông có trải da cọp. Một chân Sáu Giàu đạp lên đầu cọp, trông rất oai. Cử toạ là các chỉ huy các bộ đội. Nội dung trao đổi là chuyện đánh Tây. Sau phần thuyết trình đến phần tài chánh: các bộ đội được cấp phát tiền để hoạt động. Theo sát bên Sáu Giàu là thư ký giữ tiền. Sau khi phát tiền xong, Sáu Giàu lên xe đi. Lập tức Hai Trọng và Hội nhào tới: “Còn tụi tôi? Tôi là tổng chỉ huy lo cho anh em công nhân thất nghiệp...” Sáu Giàu rút giấy ra viết ngay: “Hai ông tới gặp Lương Văn Tương lãnh tiền”. Lương Văn Tương là chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến miền Đông, văn phòng đặt tại một căn phố lầu đường Vedrun, gần ngã sáu Sài Gòn... Khi Tây đánh chiếm Sài Gòn ngày 23-9-1945, ông Tương cùng Uỷ ban Kháng chiến miền Đông chạy về Biên Hoà. Hai Trọng và Hội cũng giã biệt thành đô để theo kháng chiến.
Hai Trọng tấp vô Bình Xuyên ở cầu Rạch Đỉa, xã Tân Quy, Nhà Bè. Gặp lãnh tụ Bình Xuyên lần đầu, Hai Trọng đã nhận định “đây là tay có bản lĩnh”. Ba Dương vóc dáng bình thường nhưng được cặp mắt, nhỏ mà sáng. Tánh tình trầm lặng, suy nghĩ nhiều hơn nói. Mà nói thì như đinh đóng cột.
Một hôm anh Ba hỏi Hai Trọng:
- Nghe nói ngoài Bắc phái Nguyễn Bình vô Nam, anh nghĩ thế nào?
- Tôi có nghe tin đó. Tôi chưa biết Nguyễn Bình ra sao. Nhưng đã là phái viên Trung ương chắc là phải thế nào...
Hai Trọng nói tới đó, Ba Tương gật đầu nối lời:
- Tôi cũng nghĩ như anh. Trong này đang gặp khó khăn mà được ngoài đó phái người vô giúp thì đỡ lắm. Theo tôi nghĩ thì anh Hai nên tìm gặp Nguyễn Bình cho biết rồi về đây báo cáo cho anh em rõ về ông phái viên Trung ương đó.
Ý của Ba Dương rất đúng với tâm tư Hai Trọng. Anh vô Nam đã lâu, cần biết tin tức ngoài Bắc. Nguyễn Bình từ Bắc mới vào Nam, chắc nắm tình hình ngoài ấy rất rõ. Một công hai việc. Vừa là việc chung vừa là việc riêng, nên đi liền. Thế là Hai Trọng nhận công tác lên Thủ Đầu Một tìm gặp Nguyễn Bình. Anh đến thật đúng lúc, Nguyễn Bình đang tìm hiểu về cán bộ địa phương ở miền Đông mà anh có nhiệm vụ tập hợp lại để thành một lực lượng quân sứ hùng hậu sẵn sàng đương đầu với Tây. Trong số các bộ đội này, Bình Xuyên đứng hàng đầu về quân số, súng ống, nhưng cũng là đơn vị có nhiều vấn đề nghiêm trọng như vừa đánh Tây vừa xách nhiễu dân chúng.
Bấy giờ Nguyễn Bình đóng trong một nhà gần thị xã Thủ Đầu Một. Hai Trọng tới vào xế chiều. Hai người ngồi nói chuyện ngoài sân. Thoạt tiên, Hai Trọng nghĩ rằng cuộc hội kiến chỉ ngắn thôi, không ngờ sau khi anh giới thiệu là sứ giả của anh Ba Dương tới gặp ông phái viên Trung ương để tìm hiểu tình hình, anh được anh Ba Bình tiếp đón niềm nở và đãi cháo gà. Hai anh em ngồi nói chuyện tới khuya, hết chuyện công tới chuyện tư. Cả hai đều là dân Hải Phòng vào Nam trước cách mạng. Do cùng mang chí lớn nên mới gặp lần đầu đã mến nhau. Đêm ấy, Hai Trọng giới thiệu bộ đội Bình Xuyên mà anh nắm được. Anh Ba Bình đặc biệt muốn biết về Ba Dương:
- Ba Dương có đúng là tay hảo hớn như thiên hạ đồn?
- Tôi chỉ mới biết anh Ba Dương thôi, nhưng trong thời gian sống với anh Ba tại tổng hành dinh Rạch Đỉa, tôi có vài nhận xét như sau: Ba Dương học tới tiểu học rồi đi giang hồ, mượn nghề nuôi vịt mà trau dồi võ nghệ và quy tụ anh hào. Khi được em út tôn lên làm đại ca Ba Dương không chỉ xưng hùng trong vùng Nhà Bè mà còn đứng bến xe đò Nam Vang ở bên hông chợ Bến Thành. Anh có một “lô can” (tiếng lóng có nghĩa là trụ sở hay văn phòng) ngay bến xe. Đó là phòng dành riêng cho anh trong một nhà ngủ tại góc đường hông chợ và ga xe lửa, gọi là khách sạn Nhà Ga (Hôtel de la Gare) Đáng lưu ý điều này: làm anh chị đứng bến xe, Ba Dương không giống ngừng tay du côn láu cá, mặc áo bạch ngực khoe rổng rán bùa ngãi xâm trên lưng, hễ mở miệng là đù mẹ đéo bà. Không, Ba Dương bao giờ cũng nho nhả thư sinh, quanh năm mặc bà ba, nói chuyện lễ phép, y như thầy giáo làng. Vậy mà không thằng em út nào dám hỗn láo... Khi Nhật cần người bảo vệ hãng đóng tàu Nichinan ở cầu Rạch Ong, Ba Dương làm cho Nhật để tạo uy thế.
Ba Bình tỏ ra thích thú trước cá tính độc đáo của Ba Dương. Anh nói:
- Vài ngày nữa tôi sẽ triệu tập tất cả chỉ huy trưởng bộ đội miền Đông họp tại An Phú Xã. Anh về chuyển thư mời của tôi cho anh Ba Dương. Tôi rất muốn gặp vị chỉ huy Bình Xuyên.
Hai Trọng trao thư mời của Nguyễn Bình cho Ba Dương sau khi báo cáo chuyến gặp gỡ vị phái viên Trung ương. Ba Dương hỏi:
- Theo anh thì Nguyễn Bình là người thế nào?
Hai Trọng cười nghĩ thầm: “Rõ ràng là hai tay hảo hớn đang dò dẫm tìm hiểu nhau. Cũng bình thường thôi. Sách có chữ: biết mình, biết người: trăm trận trăm thắng”. Anh nói:
- Nguyễn Bình tầm thước, mang kính râm dù là ban đêm vì hư một con mắt, thích mặc áo xá xẩu như người Tàu. Đó là hình dáng bên ngoài...
- Còn bên trong - Có một điểm hai anh Ba Dương và anh Ba Bình giống nhau: rất ít nói. Suốt đêm qua, hầu như chỉ có một mình tôi nói. Anh Ba Bình chỉ hỏi. Đúng là tác phong của một người chỉ huy. Hỏi thật nhiều, hiểu cho rõ, nắm cho chắc...
Ba Dương gật gù, một lúc sau mới nói:
- Tôi rất muốn lên An Phú Xã dự cuộc họp đầu tiên do Nguyễn Bình triệu tập nhưng rất tiếc là mấy ngày nay tôi bị cảm. Vậy anh Hai thay tôi đi dự cuộc họp. Nhớ chuyển lời tôi hỏi thăm Nguyễn Bình.
Trong khi Hai Trọng lên Thủ Đầu Một tìm Nguyễn Bình, ở nhà có chuyện đáng tiếc: Ba Dương cho lính bắt đồng khí Ba Bang. chủ tịch quận Cần Giuộc, tịch thu súng ống. sổ sách và tiền bạc. Lý do là Ba Bang để Tây đánh chiếm thị trấn Cần Giuộc.
Ba Bang tên thật là Trương Văn Bang, là Cộng sản 30, từng là xứ uỷ viên Nam kỳ.
Ba Bang bị giải về Rạch Đỉa, chưa biết số phận ra sao thì tình cờ Hai Vĩnh đi ngang qua trông thấy Hai Vĩnh (Mai Văn Vĩnh là rể ông Tám Mạnh, chỉ huy bộ đội Chánh Hưng về sau là Chi đội 7). Hai cha con Tám Mạnh - Hai Vĩnh cũng là Bình Xuyên nhưng khác phe Ba Dương. Ông Tám Mạnh được ông Bảy Trân kết nạp vô Đảng Cộng sản năm 42. Đây là tay giang hồ được kết nạp sớm nhất trong vùng Bình Xuyên. Do là Đảng viên nên ông Tám Mạnh rất thân với anh Ba Bang. Hay tin dữ, Hai Vĩnh liền ghé vô tổng hành dinh Rạch Đỉa xin bảo lãnh cho anh Ba Bang. Anh Ba Dương không có ở nhà. Hai Vĩnh một mặt viết thư cho Ba Dương nhờ Tư Hoạnh cấp tốc chạy tìm Ba Dương. Mặt khác Hai Vĩnh báo động với ông Tám Mạnh và ông Bảy Trân để can thiệp trong trường hợp Ba Dương thủ tiêu Ba Bang. Lúc đó ông Bảy Trân là uỷ viên trưởng quân sự Mặt trận số 4 chạy từ Bến Đá - Cầu Sập tới cầu Tân Thuận. Nhờ sự can thiệp đúng lúc đó mà Ba Dương thả Ba Bang, nhưng súng ống và tiền bạc thì không trả đủ. Dù vậy Ba Bang cũng hú hồn thoát chết.
Nhân vụ này cộng với nhiều vụ bê bối khác như Bình Xuyên bắn chết một bác sĩ Pháp từ Sài Gòn đi xe hơi qua Chánh Hưng coi mạch trị bịnh cho một thân chủ. Bác sĩ này bị lính bắt giải về Chánh Hưng toan cho mò tôm. Gặp ông Bảy Trân, bác sĩ này vui miệng như chết đi sống lại vì Bảy Trân hứa sẽ thả ông, những một tay Bình Xuyên xách súng Mút tới làm dữ “bắt được Tây thì phải giết. Tây là kẻ thù của mình mà”. Ông Bảy Trân đứng chặn người này, giải thích “có Tây tốt, Tây xấu. Mình chỉ đánh Tây xấu thôi” Nhưng ông chưa dứt lời thì tay Bình Xuyên kia đã chĩa súng qua nách ông bóp cò: bác sĩ xấu số ngã gục xuống chết ngay. Trước tình trạng vô kỷ luật của đám Bình Xuyên, sẵn súng đạn, muốn giết ai thì giết, ông Bảy Trân rất khổ tâm, những không cách gì khác hơn là báo cáo cấp trên là Lâm uỷ hành chánh Nam Bộ mà chủ tịch Sáu Giàu là bạn thân của ông.
Trên đường tới An Phú Xã, Hai Trọng gặp đổng chí Hà Huy Giáp đang đi công tác lưu động. Ông này tâm tình với Hai Trọng:
- Đồng chí ở đơn vị ông Ba Dương, chắc biết ông Bảy Trân báo cáo về vụ Ba Dương bắt Ba Bang chớ? Ý đồng chí như thế nào?
Hai Trọng nói:
- Lúc đó tôi đi Thủ Đầu Một tìm khu trưởng Nguyễn Bình. Chừng về Rạch Đia mới nghe nói. Vì nắm không rõ nên không có ý kiến.
Hà Huy Giáp nói:
- Mình đang ở trong thời Thập nhị sứ quân, cá lớn nuốt cá bé, bộ đội lớn tước súng bộ đội nhỏ. Thật là đáng phiền. Nhưng theo tôi thì trong lúc này Tây đang đánh ta, chuyện vô kỷ luật là chuyện nhỏ, chuyện nội bộ. Ta nên tạm lờ đi để lo đánh Tây trước đã, rồi sẽ giải quyết chuyện nội bộ sau.
Hai Trọng gật gù đồng ý.
Trong cuộc họp tại An Phú Xã, có mặt gần hết các chỉ huy quân sự. Chỉ thiếu Ba Dương. Nguyễn Bình bắt tay Hai Trọng nói:
- Rất tiếc là người tôi cần gặp mặt lại vắng mặt. Hẹn sẽ gặp sau vậy. Đồng chí nhớ chuyển lời thăm hỏi của tôi tới đồng chí Ba Dương nhé.