Dịch giả : Lê Kim
Chương 47
Nguyễn Bình mời, Bảy Viễn do dự
Vào hang cọp Tám Nghệ trổ tài









































Nguyễn Bình tại An Phú Xã
Huỳnh Văn Một kể chuyện miền Đông

Trong tinh thần giữ tình đoàn kết, Trung tướng Nguyễn Bình bàn với các đồng chí ở Nam Bộ tìm mọi cách tách rời Bảy Viễn khỏi bọn Phòng Nhì mà nguy hiểm nhất là hai tên Lâm Ngọc Đường và Maurice Thiên. Hai tên này đã cài hai anh em họ Lai chui vào chi đội 9 của Bảy Viễn ngay từ đầu. Cách hay nhất là đưa Bảy Viễn ra khỏi Rừng Sác. Từ lâu Rừng Sác đã trở thành giang san của Bảy Viễn. Đây là một tiểu triều đình có đầy đủ bá quan văn võ, hoạn quan thái giám, cung phi mỹ nữ. Bảy Viễn đúng là một lãnh chúa trong chiến tranh. Cách xưng hô “ngài khu bộ phó” mà hai tên Tài Sang “chế“ ra chứng minh tình trạng “trưởng giả học làm sang” của Bảy Viễn.
Chánh uỷ Hai Trí một lần nữa đem túi khôn người xưa ra áp dụng: điệu hổ ly sơn. Phải dụ con cọp Bảy Viễn ra khỏi hang Rừng Sác. Dụ bằng cách đưa con hắc hổ này lên chức Khu trưởng. Tình thế có thuận lợi cho kế độc này. Nguyễn Bình vừa được đề bạt thành uỷ viên Quân sự Nam Bộ. Các đồng chí lãnh đạo tính đưa Khu phó Tám Nghệ lên Khu trưởng Khu 7. Nhưng vì chuyện lớn, Tám Nghệ có thể nhường chức Khu trưởng cho Bảy Viễn. Nếu nhận chức Khu trưởng Khu 7 thì bắt buộc Bảy Viễn phải về Bộ Tư lệnh đóng ở Đồng Tháp Mười. Như vậy có nghĩa là Bảy Viễn phải rời giang san Rừng Sác. Một khi về ở “gần mặt trời” thì Bảy Viễn không còn làm vua một cõi như trước. Bọn Tài Sang cũng không dám lộ mặt “tả hữu thừa tướng” tác oai tác quái, lèo lái Bảy Viễn theo ý quan thầy Pháp của chúng.
Kế điệu hổ ly sơn của quán sư Hai Trí được mọi người tán thành. Tức thì Nam Bộ xin ý Trung ương về việc đề bạt khu bộ phó. Lê Văn Viễn lên giữ chức Khu bộ trưởng Khu 7 thay trung tướng Nguyễn Bình nay là uỷ viên quân sự Nam Bộ kiêm phó chủ tịch Uỷ ban kháng chiến-hành chánh Nam Bộ. Trung ương đồng ý và đánh công điện phong chức Khu trưởng Khu 7 cho đồng chí Lê Văn Viễn.
Được tin vui mà lạ thay Bảy Viễn lại không mừng. Linh tinh như báo trước một điều gì không ổn, bèn họp chư tướng bàn tính xem đằng sau quyết định này có dụng ý gì. Tất nhiên bọn Phòng Nhì bén nhạy hơn ai hất trong việc nhận định tình hình. Tất cả đều nhất trí: đây là độc kế “dụ hổ ly sơn” của tướng một mắt. Nghe lời chư tướng, Bảy Viễn không tính tới chuyến đi Nam Bộ nhận chức Khu trưởng.
Mấy ngày trôi qua không thấy Bảy Viễn đánh điện trả lời, Người Bình nói với Hai Trí:
- Kế độc của quân sư không “ăn” rồi. Bảy Viễn biết ngay ý đồ của mình. Thứ nhất, người đáng nhận chức Khu trưởng phải là Tám Nghệ vì công trận nhiều hơn. Thế thì tại sao vinh dự đó lại chạy về Bảy Viễn? Đúng là có ý đồ gì đây?
Hai Trí gật:
- Đúng là ý đồ của mình có phần lộ liễu. Nhưng mà tôi đã có cách. Anh Tám Nghệ có đây không?
Nguyễn Bình cười:
- Lại bầy trò khích tướng chớ gì? Tôi nghĩ Tám Nghệ đúng là sứ giả của mình trong chuyến du thuyết này.
Khi nghe tư lệnh và chánh uỷ giao công tác xuống Rừng Sác, Tám Nghệ đăm chiêu:
- Tôi đã xuống Tiều một lần trong dịp Bảy Viễn làm lễ nhậm chức khu bộ phó. Bây giờ xuống đó mừng ông ta lên chức Khu bộ trưởng và mời ông ta cùng đi với tôi về Đồng Tháp Mười dự lễ tấn phong. Lý do đó đầy đủ lý và tình. Nhưng chưa chắc Bảy Viễn chịu rời Rừng Sác.
Hai Trí cắt lời:
- Bởi vậy mới dùng kế khích tướng. Bảy Viễn là dân anh chị, rất trọng danh dự. Hồi ở tù trong Khám Lớn, tôi từng thấy nhiều tay giang hồ xám trên lừng nhiều câu rất hay, như “báo tử lưu bì, nhơn tử lưu danh”, hoặc xâm tiếng Tây “Plutôt la mort que la honte” tương đương với “ninh thọ tử, bất ninh thọ nhục”.
- Được tôi sẽ cố gắng. - Tám Nghệ nói.
Hai Trí vui mừng:
- Có cần lấy quân hộ tống không? Bao nhiêu thì đủ?
Tám Nghệ lắc đầu:
-Nếu tính thị uy thì bao nhiêu cũng không đủ. Tô Tần hay Trương Nghi thời Chiến Quốc đi du thuyết chỉ có một mình. Cái lưỡi của kẻ thuyết khách bén hơn kiếm báu, cái dùi của Kinh Kha. Dự Nhượng mạnh hơn cả đại đội hùng binh.
Nguyễn Bình thích thú cười với Tám Nghệ:
- Tôi đã không lầm khi chọn Tám Nghệ trong khi cả tỉnh Biên Hoà giao quyền hành cho ông Nghệ kia.
Hai Trí ngạc nhiên:
- Còn Nghệ nào nữa?
Tám Nghệ giải thích:
- Lúc cướp chánh quyền, Biên Hoà có anh Huỳnh Thiện Nghệ là thầy giáo ở thị xã. Anh Huỳnh Thiện Nghệ nắm Thanh niên tiền phong tỉnh và được xem là lãnh tụ lớn trong tỉnh còn tôi thì chỉ là chỉ huy vài trung đội dân quân trong quận Tân Uyên. Nhờ anh Ba tín nhiệm mà đề bạt tôi lên.
Hai Trí hỏi:
- Còn tay Huỳnh Thiện Nghệ kia đâu rồi Tám Nghệ?
- Khi Tây đánh chiếm Biên Hoà thì Huỳnh Thiện Nghệ kéo quân ra Bắc. Tới Quảng Ngãi thì bị giữ lại chất vấn: địch tới Biên Hoà sao không đánh mà lại rút ra trung tướng làm gì? Thầy giáo Nghệ trở về Biên Hoà tiếp tục chiến đấu thì bị bịnh nặng chết trên đường hành quân.
Tám Nghệ đơn thương độc mã tới tổng hành dinh Bảy Viễn làm bọn Phòng Nhì hét sức bất ngờ. Nhưng chúng cũng đủ thông minh để biết sứ giả của Nguyễn Bình mạo hiểm vô hang hùm là để thuyết phục Bảy Viễn đi Nam Bộ nhận chức khu trưởng. Tức là Tám Nghệ thúc đẩy kế điệu hổ ly sơn. Năm Tài và Tư Sang quyết ám sát Tám Nghệ nhưng vào giờ chót.
Năm Tài cẩn thận dò ý Bảy Viễn. Vừa nghe Năm Tài gợi ý, Bảy Viễn đã nạt đùa:
- Dẹp! Dẹp! Tao không cho phép bây giở trò hèn mạt đó ngay trên giang san của tao? Tám Nghệ là thượng khách của tao.
Hai anh em họ Lại đành huỷ bỏ kế hoạch ám sát đã tính toán kỹ lưỡng. Trong tiệc rượu gọi là tái ngộ, Tám Nghệ nói rõ mục đích chuyến đi của mình, rủ Bảy Viễn cùng đi Nam Bộ nhận chức Khu trưởng:
- Lễ tấn phong khu bộ trưởng được chuẩn bị hết sức long trọng tại Nhơn Hoà Lập, nơi Nam Bộ đóng. Có đầy đủ ba ngành Quân Dân Chánh dự.
Bảy Viễn lắc đầu:
- Tôi không xứng đáng với chức đó. Anh Tám có thành tích hơn tôi.
- Anh Bảy đừng khiêm nhượng. Lãnh đạo đã cân nhắc kỹ rồi. Anh được đề bạt là cả một vinh dự cho cả giới giang hồ đi theo kháng chiến. Làm khu trưởng, anh sẽ quy tụ hào kiệt bấy lâu còn mai danh ẩn tích để hàng ngũ quân ta ngày càng thêm đông thêm mạnh.
- Nhưng tôi đã quen với vùng Rừng Sác này, không thể dời đi nơi khác. Dân ở rừng mà về đồng bằng thì “lạnh lưng”.
Tám Nghệ cười ha hả:
- Cọp ở đâu cũng là cọp. Hắc Hổ Bảy Viễn ở Rừng Sác hay ở Tháp Mười cưng là cọp. Không lẽ cọp trên rừng về đồng thành chồn?
Mắt Bảy Viễn sáng rực lên:
- Anh Tám nói đúng: cọp ở đâu cũng là cọp. Tôi sẽ về Tháp Mười nhận chức khu trưởng.
Cuộc hội kiến kết thúc bằng một tiệc nhậu đặc sản Rừng Sác: cua rang muối. Nhưng rượu thì là rượu chát Tây.
Lính đem ra hai chai Bordeaux trắng và đỏ. Bảy Viễn hỏi:
- Anh Tám dùng thứ nào?
- Trắng đỏ thứ nào cũng ngon, nhưng dân sành điệu ăn nhậu thì uống rượu chát đỏ với món thịt, còn với món cua sò ốc hến thì dùng loại rượu chát trắng.
Bảy Viễn cười gật gù:
- Anh Tám sành ăn quá. Tôi thì thế nào cũng được, miễn là rượu Tây chánh hiệu.
Hai bên cụng ly rất là tâm đắc. Tám Nghệ cười nói rốn ràng rất thoải mái:
- Ly thứ nhất xin chúc mừng anh Bảy đầy đủ sức khoẻ để làm tròn trọng trách khu bộ trưởng khu 7, một khu cực kỳ quan trọng của Nam Bộ.
- Còn tôi thì chúc anh Tám lập nhiều chiến công vang dội như các trận Là Ngà, Bàu Cá làm cho Tây khiếp đảm.
Anh em Tài Sang núp gần đó thấy chủ tướng chúc tụng khách mà tức điên lên. Tây đã treo giải thưởng rất lớn cho ai lấy được đầu của Lưu Bá Thừa Việt nam là tướng độc nhãn Nguyễn Bình. Tám Nghệ là cánh tay mặt của Nguyễn Bình, chỉ cần khẽ nhẹ một phát là đi đời nhà ma. Vậy mà Bảy Viễn cứ làm kỳ đà cản mũi?
Tám Nghệ hoàn thành nhiệm vụ thuyết khách, vui vẻ bắt tay từ giã. Bảy Viễn tiễn đưa khách quý một khúc rồi quay lại bảo Tài Sang:
- Tao quyết định xuống Đồng Tháp nhậm chức khu bộ trưởng. Nam Bộ đã chuẩn bị lễ lạt xong xuôi, định vào ngày sanh nhật Hồ Chủ Tịch, q9 tháng 5. Mình phải sửa soạn ngay bây giờ mới kịp... Tụi bây đừng có cản! Không đi là hèn, là dại!
Năm Tài:
- Ngài khu bộ phó muốn đi thì phải có hộ tống hùng hậu. Với bọn Việt Minh thì phải thị uy, nếu không thì chúng dám làm ẩu.
- Nhứt định phải vậy rồi. Tư Sang phải cấp tốc lập một lực lượng thật mạnh, chừng hai đại đội cứng, mỗi tiểu đội phải có một FM đầu bạc. Nhất là phải có một trung đội Trây-đơ để yểm trợ lúc vượt sông cái...
Vậy là Bảy Viễn quyết định tham dự Hồng Môn hội yến tại Nhơn Hoà Lập.