Dịch giả : Lê Kim
Chương 5
Gây quỹ Đảng, đi tìm họ Mạnh
Đất Gò Đen. Thảo gặp ông Tồn

 
Một hôm Liệu tới bàn với Thảo:
- Đảng ta đang cần tiền để hoạt động. Số tiền đóng góp của anh chị em đảng viên không được nhiều vì đa số là dân lao động, tay làm hàm nhai. Mình phải đi tìm các Mạnh Thường quân. Đất Nam kỳ rất nhiều nhà giàu có tinh thần yêu nước. Một trong những số này có ông Võ Công Tồn, một nghiệp chủ ở Gò Đen. Hôm nay tôi và cậu đi thăm ông ta, mời ông ta đóng góp chút ít vào việc lớn.
Thảo thay đồ đi ngay với Liệu. Trên đường đi anh hỏi:
- Gò Đen là đâu? Gần hay xa? Mình đi bằng xe gì?
- Cậu vào Nam lâu rồi mà không am tường địa dư Nam kỳ. Gò Đen là một quận trong Chợ Lớn, nằm dọc hai đường xe hơi và xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho. Từ đây xuống đó chừng ba mươi cây số. Mình đi xe lửa...
- Ông Tồn là người thế nào mà anh gọi là Mạnh thường quân?
- Ông ta là nghiệp chủ. Nói rõ hơn là có đất điề ruộng lúa, về sau mở lò gạch. Ông Tồn quê xã Long Hiệp, tổng Long Hưng, Chợ Lớn, cưới vợ xã Phước Vân. Ông có con học bên Tây và giao du với các trí thức lớn ở Sài Gòn như chủ báo La Cloche Felée (Tiếng chuông rè) là cử nhân luật Nguyễn An Ninh.
Thảo gật gù:
- Nguyễn An Ninh tôi có biết. Tờ báo Tiếng chuông rè tôi có đọc. Đây là tờ báo song ngữ vừa viết tiếng ta vừa viết tiếng Tây. Tôi nhờ đọc báo đó mà ôn lại ba mớ tiếng Pháp.
Xe lửa Mỹ chạy không nhanh như xe lửa Biên Hoà. Ngồi bên cửa sổ nhìn phong cảnh hai bên đường sắt thật là thích thú. Ra khỏi Chợ Lớn xe chạy qua những cánh đồng. Thảo nhớ Quốc văn giáo khoa thư:
“Đồng quê thì đâu đâu cũng giống nhau, không mấy nơi có phong cảnh lạ. Nhưng đồng quê miền Nam có nhiều nét khác, mà nổi bật nhất là không có làng nào bị rào kín trong luỹ tre xanh. Không khí đồng quê miền Nam thoáng hơn, dễ thở hơn. Xóm làng mọc dài theo hai bên đường nhựa chạy song song với đường sắt. Cứ cách khoảng năm cây số xe lửa dừng lại một ga: An Lạc, Bình Điền, Bình Chánh rồi Gò Đen.
Hội đồng Tồn tiếp nhà báo Trần Huy Liệu rất trịnh trọng. Thảo đóng vai quan sát viên. Anh thấy ông Tồn ở miệt vườn mà am hiểu tình hình trong nước và thế giới không kém dân Sài Gòn. Đó là nhờ báo chí hàng ngày do xe lửa và xe hơi đưa tới tận các quận. So sánh người điền chủ miền Nam với các hào lý miền Bắc, Thảo thấy khác một trời một vực.
Về nhận xét này, anh Liệu nói: “Nam Kỳ hưởng chế độ thuộc địa, còn Trung Bắc là xứ bảo hộ. Thuộc địa do Pháp cai trị trực tiếp, còn Bảo hộ thì do triều đình Huế nắm. Về nhiều mặt Nam kỳ được rộng rãi hơn. Một trong những tiến bộ đó là báo chí”.
Theo dõi cuộc nói chuyện giữa chủ và khách, Thảo nhìn nhận hội đồng Tồn đúng là Mạnh thường quân như Trần Huy Liệu đã nói. Sau khi nghe anh Liệu trình bày dự án hoạt động của Đảng, ông Tồn gật gù nói:
- Nhà báo các anh là những người học sâu hiểu rộng. Các anh lo việc mở mang dân trí là điều rất phải. Chúng tôi phải ủng hộ các anh. Mới rồi mấy anh trên Sài Gòn có xuống đây, bàn chuyện sắm nhà in, ra báo. Tôi cũng giúp một số tiền.
Chủ nhà mời khách ở lại dùng cơm, chiều hãy về:
- Từ ngày có xe lửa, việc đi Sài Gòn dễ dàng như đi chợ. Cứ một tiếng là có một chuyến xe lên, một chuyến xe xuống. Bạn hàng tập trung tại các nhà ga rất đông. Đi buôn trên xe lửa tiện lợi hơn trên xe đò vì chở được nhiều hơn.
Trong khi ăn cơm, anh Liệu mới vô đề:
- Vừa rồi có anh Nguyễn Ngọc Sơn đặc phái viên Việt Nam quốc dân đảng vào Nam gây cơ sở. Tôi được chỉ định làm tỉnh bộ trưởng. Anh Nguyễn Phương Thảo đây là Trưởng ban cảnh bộ về tổ chức. Hôm nay tôi đưa anh Thảo xuống đây để giới thiệu với ông.
Thảo cúi đầu chào và bắt tay chủ nhà. Liệu nói tiếp:
- Lâu nay anh em chúng tôi xem ông là Mạnh thường quân, vừa rồi có người đề nghị mời ông vô Ban chấp hành, với chức Vụ trưởng ban Tài chánh ông nghĩ thế nào?
Ông Tồn cười:
- Anh em tín nhiệm, tôi xin cám ơn. Nhưng tôi chỉ muốn đứng ngoài. Khi nào anh em cần giúp đỡ như hôm nay thì tôi xin sẵn sàng. Tôi dốt chánh trị nên không dám nhận chức vụ gì. Chỉ làm cảm tình viên thôi.
Liệu đành loài lòng với kết quả đó. Sau bữa ăn, chủ trải chiếu lên bộ ván mời khách nghỉ trưa. Chiều mát trời hai anh em mới ra ga đón xe lửa. Hội đồng Tồn trao cho Liệu một bao thư dày cộm:
- Chúc các anh dồi dào sức khỏe để hoạt động.
Sau chuyến đi này, Thảo càng gắn bó với Liệu mà anh xem như người anh kiêm người thầy. Đem so sánh với Sơn Vương, Thảo thấy mỗi người một nét.
Sơn Vương là nhà văn tướng cướp còn Trần Huy Liệu là nhà văn cách mạng. Hai người gặp nhau ở một điểm: không chấp nhận nỗi nhục mất nước. Nhưng tướng cướp đi vào bước đường cùng vì đơn độc còn cách mạng có tương lai hơn nhờ biết tập hợp mọi giới trong đó có các Mạnh thường quân như Võ Công Tồn.
Trấn Huy Liệu làm chủ bút báo Pháp Việt nhứt gia chống chủ trương Pháp Việt đề huề của bọn thân Pháp. Báo gây tiếng vang trong dư luận. Pháp lo ngại, chúng bắt ngay chủ bút. Tin này khiến Thảo bàng hoàng. Anh thăm dò dư luận và mướn luật sư biện hộ cho Liệu. Toà kêu án sáu tháng tù.
Ra tù Liệu sáng lập Cường Học thư xá chuyên xuất bản sách cổ vũ lòng yêu nước. Tất cả sách này, Liệu đều tặng Thảo để rèn luyện ý chí. Cũng trong năm 1928 ấy, chi bộ Việt Nam Quốc dân Đảng Nam Kỳ thành lập do Trần Huy Liệu làm bí thư. Thảo chánh thức được bầu vô Ban chấp hành. Năm ấy anh đúng hai mươi tuổi.
Chi bộ hoạt động được một năm. Thảo là cánh tay đắc lực của Liệu. Hai anh em rất tâm đắc khẩu hiệu Tam dân chủ nghĩa của Tôn Dật Tiên, người mà dân Trung quốc suy tôn là “quốc phụ”. Thảo miệt mài nghiên cứu tinh hoa của thuyết Tam dân: dân tộc độc lập dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Độc lập Tự do và Hạnh phúc chính là điều mơ ước của mọi người. Dân một nước thuộc địa như Việt Nam lại càng mơ ước ba điều đó nhiều hơn ai hết.
Lần đầu tiên được sinh hoạt Đảng, Thảo thích thú vô cùng. Anh biết cách điều khiển một cuộc họp như thế nào theo đúng khoa học như tuyên bố lý do, chương trình nghị sự, bầu chủ toạ, thư ký điều khiển và ghi biên bản các cuộc thảo luận. Sôi nổi nhất là lúc tranh luận. Bản lãnh của vị chủ toạ là ở tiết mục này, phải nắm bắt và tóm gọn những ý phát biểu và kết luận thoả đáng. Nến hai bên chưa đồng ý thì phải biểu quyết lấy đa số... Thảo chưa hài lòng với nguyên tắc thiểu số phải phục tùng đa số. Theo anh chưa hằn đa số luôn luôn đúng. Nhưng các cuộc tranh luận này chưa đi tới đâu thì xảy ra biến cố quan trọng nhất trong đời anh. Không rõ do sơ xuất nào mà mật thám bao vây trong khi chi bộ đang họp. Hai anh em Liệu, Thảo bị đưa vô bót Catinat điều tra, sau đó giải qua Khám Lớn Sài Gòn. Vài tuần sau ra toà lãnh năm năm tù, xuống tàu ra Côn Đảo.
Trong cái rủi có nhiều cái may. Thời gian lưu đày đã rèn luyện một anh chàng cách mạng tài tử trở thành một nhà cách mạng thật sự. Vốn sống được nhân lên trong thử thách ác liệt. Nhà tù Côn Đảo chỉ đứng sau địa ngục trần gian khét tiếng thế giới là khám đường Cayenne trên xứ Guyane cũng là thuộc địa Pháp nằm sát ranh xứ Ba Tây. Nguyễn Phương Thảo vượt qua “thập diện” Côn Đảo như thế nào? Xin đón xem hồi sau phân giải.