Chương 9

Paris trong lần gặp gỡ đầu tiên không kịp để lại cho tôi ấn tượng gì đặc biệt ngoài một vài cửa hàng vào dễ ra khó mà bây giờ tôi không còn nhớ nổi tên. Chỉ nhớ rằng một khi đã trót sa chân vào đó thì phải là mặt dày lắm mới dám bỏ đi mà không mua một thứ gì, sau khi đã được những cô bán hàng cười tươi như hoa, tận tâm với khách một cách đáng sợ, ra sức vồ vập, săn đón, chiều chuộng. Hàng hóa thì cái gì cũng đẹp, cái gì cũng đắt, cái gì cũng muốn mua, nhưng nếu không có cô bạn quyết định hộ cho chắc là tôi đã nhắm mắt mua đại một thứ để thoát thân chứ không dứt khoát chọn nổi một cái gì. Tôi chỉ ở lại Paris có hai ngày. Không đủ thời gian để đi thăm danh lam thắng cảnh Paris, theo ý kiến của T.H. Cô bạn khuyên tôi dành các hoạt động văn hóa ấy cho một kỳ nghỉ dài ngày, còn trước mắt thì nên thưởng thức một thú vui không văn hóa bằng là đi dạo cửa hàng, mua sắm vài thứ cần thiết (đúng hơn là không thật cần thiết, nhưng không sao cầm lòng được). Paris khi ấy đã vào cuối tháng mười một, không có tuyết như ở Matxcơva nhưng lạnh buốt, trời phập phù lúc nắng, lúc mưa. Đi một vòng dăm cửa hàng, mua được vài thứ lặt vặt xong thì tôi cũng bắt đầu hắt hơi xổ mũi. Mang theo cái kỷ niệm đầu tiên không mấy ngọt ngào này của thời tiết Paris, tôi lên tàu đi xuống phía nam, người ngây ngấy sốt, lòng dạ bồn chồn, không biết điều gì sẽ chờ đợi mình ở cái thành phố xa lạ kia. Lúc ấy, làm sao tôi có thể ngờ được rằng đó sẽ là nơi neo bến của đời mình.
Khái niệm của tôi về thành phố này tuần đầu tiên thu hẹp trong một khung cửa sổ, một mảnh trời xám xịt, những mái nhà cao thấp nhấp nhô, một cành cây trơ trụi, khẳng khiu, chốc chốc lại rũ rượi trong cơn gió giật, và tôi, nằm bẹp một mình trong phòng, mặt mũi đỏ bừng vì sốt, người chốc chốc lại rũ rượi trong cơn ho, đầu óc ong ong toàn những ý nghĩ u ám. Tôi không ngớt tự hỏi chẳng biết mình làm gì ở cái nơi lạ hơ lạ hoắc này? Đi học? Gần ba chục tuổi rồi mà cái việc duy nhất có thể làm vẫn chỉ là đi học!
Bắt đầu từ tuần thứ hai, tôi khỏi ốm, chân trời được mở rộng ra ngoài khung cửa sổ, đầu óc cũng bớt u ám hơn. Đến trường đại học, lập tức cảm giác xa lạ ban đầu biến mất: lại giảng đường, thư viện, xêmina..., tôi bận ngập cổ nhưng thấy mình như trẻ ra vài tuổi. Hồi ở Matxcơva, nhiều lúc quá mệt mỏi vì thi cử, luận án, tôi chỉ mong chóng học xong để được đi làm. Phải có kinh nghiệm của một thời gian “làm việc” vật vờ giữa những cuộc họp vô bổ, đầu óc thì chỉ bận tâm lo nghĩ kiếm tiền hoặc đấu trí những chuyện không mảy may liên quan gì đến khoa học, đến giờ tôi mới giác ngộ ra rằng được vô tư đi học quả là một hạnh phúc lớn. Rita, cô bạn người Nga của tôi, người bạn đầu tiên của tôi ở thành phố này, thì bảo đi học là một cứu cánh, không chỉ cho cô mà còn cho khối người nước ngoài ở đây. Cô này xấp xỉ tuổi tôi, tức là cũng gần ba chục, một lứa tuổi rất thích hợp với việc đi học.
Tôi quen Rita một cách hoàn toàn tình cờ, không phải ở trường đại học, mà trong lúc xếp hàng đứng đợi để làm thủ tục nhận giấy tạm trú ở Pháp. Hàng người cũng dài lê thê, màu da và ngôn ngữ cũng phong phú, mặt người cũng nhẫn nhục không khác gì khi xếp hàng mua nồi hầm ở Matxcơva. Sau hai buổi đều tình cờ đứng cạnh nhau, tôi và Rita trở thành người quen. Phải mất hai buổi, là vì buổi đầu tiên tôi không có kinh nghiệm, mười giờ sáng mới lò dò đến nơi. Cứ tưởng chủ nghĩa tư bản thì không phải xếp hàng, hóa ra phàm thứ nào nhu cầu nhiều mà cung cấp nhỏ giọt thì đều phải hết sức kiên nhẫn mới may ra đến lượt. Xếp hàng được hai tiếng đồng hồ, phía trước còn quãng gần một chục người nữa thì hết giờ làm việc, thế là hôm sau đành phải phấn đấu lại từ đầu. Rút kinh nghiệm, sáng hôm sau tôi quyết dậy sớm, đến nơi từ chín giờ kém năm, tức là năm phút trước giờ mở cửa. Thất vọng tràn trề vì hóa ra không chỉ có mình khôn lỏi: bên ngoài tấm rèm sắt đóng kín mít đã có một đám người chầu chực sẵn, vẻ mặt mới sáng ra xem chừng đã phờ phạc như phải đứng cả đêm giữ chỗ ở đây. Đúng chín giờ, tấm rèm sắt được từ từ kéo lên. Đám đông bắt đầu nhốn nháo xô đẩy. Những người đứng trước thì vội vàng cúi khom xuống chui qua khe hở cho nhanh( tấm rèm trêu ngươi kéo lên rất chậm, mới hở ra một khoảng cách mặt đất chưa đến một mét: đợi thêm vài phút nữa cho nó kéo lên hẳn thì sốt ruột làm sao chịu nổi!), rồi ào ào chạy tọt vào trong. Những người đứng sau thấy thế cuống cuồng mạnh ai nấy chen để lao lên phía trước. Rita đứng cạnh tôi hốt hoảng lấy người che cho đứa con gái chừng hai tuổi đang ngồi trong xe đẩy vừa mới bị một gã to béo vô ý đạp vào: con bé khóc thét lên vì sợ hãi. Tôi giúp cô kéo cái xe đẩy ra khỏi dòng người, đợi cho mọi người vào hết, bức rèm cũng kéo hết lên, rồi tôi, Rita và một cô bụng to nữa (sau này hỏi ra thì biết là người Rumani) là ba người đi vào sau cùng. Vào trong nhà thì bắt đầu được xếp hàng, lấy số. Những người vào theo tư thế lom khom tất nhiên được nhận số đầu tiên, chỉ phải đợi năm mười phút là được giải quyết (bõ công chui). Những người dám chen thì phải đợi từ nửa tiếng đến một tiếng. Không dám chen như tôi, Rita và cô gái bụng to thì phải đợi quãng tiếng rưỡi nhưng rồi cũng xong việc. Phía sau tôi dần dần mọc ra một cái đuôi dài, những kẻ sẽ xếp hàng chừng hai tiếng để đổi được một kinh nghiệm quý báu, hôm sau sẽ biết điều dậy sớm hơn.
Du học sinh được xếp một hàng riêng, giải quyết chóng vánh hơn các đối tượng khác. Tôi đứng cạnh Rita, nói chuyện một lát thì biết là cô học cùng trường với tôi. Cô sang Pháp mục đích chính không phải là đi học, mà là đi theo chồng. Vợ chồng cô đã quyết định rời bỏ hẳn nước Nga sau khi chồng cô xin được học bổng học cao học ở Pháp. Tuy nhiên, chồng Rita đi học nên không được phép mang theo vợ con, vì thế Rita bèn tìm cá!!!8089_7.htm!!! Đã xem 44433 lần.

Sưu tầm: Nguoimesach
Nguồn: Avys de
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 31 tháng 8 năm 2006