Chương 6

Lê Văn nhảy xuống giường, nhìn vào đồng hồ gần mười giờ. Ngay tối qua Văn đã định bụng là sáng nay sẽ đến nhà Phượng rồi cả hai đi lễ nhà thờ. Vậy mà mãi bây giờ mới dậy, chắc là Phượng đã đi, mà nếu vậy muốn gặp Phượng chỉ còn nước đến thẳng giáo đường.
Văn vội vã đi vào toilette, vừa xong mới bước ra, đã nghe có tiếng chuông cửa reo. Văn mặc áo vào rồi bước ra phòng khách.
- Ồ!
Vừa thấy khách, Văn sựng lại. Sáng nay sao Bội Hoàng lại đến đây?
- Bất ngờ quá, phải không?
Bội Hoàng hỏi. Cô nàng mặc bộ áo màu xanh đậm, trông rất chững chạc.
Lê Văn cười:
- Vâng, bất ngờ. Giống như mặt trời mọc ở hướng tây vậy đó!
Bội Hoàng chỉ nói:
- Sáng nay, tôi và anh Quân cùng xuống đây. Anh Quân thì đi nhà thờ còn tôi lại đây.
Lê Văn chau mày:
- Bội Quân đến nhà thờ à? Có nghĩa là đi tìm Trúc Phượng?
- Không nghe anh ấy nói. - Bội Hoàng đáp rồi hỏi lại – Nhưng mà anh Quân không có quyền đi gặp Trúc Phượng sao?
- Ai nói vậy? – Lê Văn nhún vai – Tôi cũng đang dự tính đến nhà thờ đây.
Bội Hoàng tái mặt:
- Vậy thì sự hiện diện của tôi cản trở công việc của anh phải không? Nếu thế thì tôi về đây.
- Nói gì lạ vậy? – Lê Văn nắm tay Bội Hoàng kéo lại nói – Hoàng đến là mọi thứ phải gác lại hết. Nào ngồi xuống đây mình kế hoạch xem, hôm nay sẽ xử dụng thời gian thế nào.
Nhưng Bội Hoàng vẫn lạnh lùng:
- Thôi tôi về!
- Không được. – Lê Văn không buông Hoàng ra – Hôm nay Hoàng phải ở đây với tôi, không được đi đâu hết.
Lê Văn cương quyết. Và có lẽ vì cái nụ cười khá hấp dẫn của Lê Văn nên Hoàng mềm lòng. Hoàng không phản ứng nữa, nhưng vẫn giữ cái vẻ mặt lạnh bên ngoài.
- Anh không định đi tìm Trúc Phượng nữa à?
- Bội Quân đã đi rồi, tôi đến đấy làm gì? – Lê Văn nói – Ai làm chuyện vô duyên như vậy? Vả lại Phượng hình như thích Bội Quân hơn.
- Ai bảo anh thế? – Hoàng hỏi – Tôi thì thấy anh Bội Quân ngu lắm.
- Tại sao?
Bội Hoàng ngồi xuống ghế trở lại.
- Tôi biết rất rõ Trúc Phượng. Cô ấy không có yêu anh Bội Quân đâu.
Lê Văn cười:
- Sao Hoàng lại suy nghĩ như vậy? Con trai nhiều khi đi tìm con gái không hẳn là vì yêu, mà có khi vì buồn, cô đơn hoặc không biết xử dụng thời gian vào việc gì. Như vậy Quân đi tìm Phượng không có nghĩa là Quân yêu Phượng.
- Vậy à? - Sắc mặt Hoàng chợt thay đổi - Thế còn anh. Mỗi lần anh đến tìm tôi cũng chỉ vì buồn, vì không biết xử dụng thời giờ rảnh rỗi vào việc gì à?
Lê Văn giật mình đính chính:
- Hoàng hiểu sai rồi, tôi thích Hoàng thật đấy chứ.
Lời của Văn làm Hoàng đỏ mặt. Hoàng là con gái quen sống khép kín, nên Văn nói thích là Hoàng tin ngay. Khuôn mặt Hoàng rạng rỡ hẳn, nhưng Hoàng cũng nói:
- Anh lúc nào cũng đùa được.
Lê Văn lợi dụng cơ hội, hôn nhẹ lên trán Hoàng. Hoàng đẩy Văn ra xa, hỏi:
- Bây giờ mình đi chứ?
- Dĩ nhiên. – Lê Văn đứng dậy – Hoàng sợ ngồi riêng rẽ với tôi phải không?
- Anh bỏ cái cách đùa giỡn vậy đi, tôi không thích.
- Vâng lệnh!
Lê Văn kịch cỡm nói.
Nhưng khi ra ngoài, cả hai giật mình. Ông bà Lê Bá Vỹ không hiểu sao hôm nay lại chưa đi đâu cả. Họ ngồi đó, nhìn hai người với ánh mắt tò mò. Văn phải giới thiệu:
- Cha mẹ, con xin được giới thiệu đây là cô Bội Hoàng, bạn học của con, là con gái của ông Lê Chí Huấn.
- Con gái Lê Chí Huấn à? – Ông Bá Vỹ có vẻ kinh ngạc – Chí Huấn trẻ như vậy, không ngờ có con gái lớn thế này sao?
Lê Văn đợi Bội Hoàng ngồi xuống, rồi nói:
- Ông ấy còn có một đứa con trai lớn hơn nữa, Bội Hoàng chỉ là em thôi.
- Vậy à?
Ông bà Lê Bá Vỹ ngắm cô gái trước mặt. Cô bé có nét đẹp hiền lành, quý phái. Bà Vỹ có vẻ rất ưa thích, bà khen:
- Cô Lê đây khá đẹp, có điều hình như không được giống ông Huấn.
- Dạ. - Bội Hoàng nhỏ nhẹ đáp – Nghe nói thì con giống mẹ hơn.
- Hèn gì. – Bà Bá Vỹ gật gù – À... tụi con là bạn học chung lớp, vậy mà sao Lê Văn nó không hề đưa con đến đây lần nào cả vậy?
Lê Văn cười:
- Bởi vì con chỉ đến nhà cô ấy thôi.
- Vậy cũng tốt! Cũng tốt!
Ông Bá Vỹ gật đầu. Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Lê Văn chọn bạn cũng phải chọn người môn đăng hộ đối làm bạn.
- Thế các con định đi đâu à?
Bà Vỹ hỏi. Lê Văn liếc nhanh về phía Hoàng rồi đáp:
- Chúng con định đi xem phim
- Vậy thì ăn cơm rồi hãy đi. – Bà Vỹ nói – Lâu lắm ba mẹ mới có mặt ở nhà đông đủ, sẵn đây mình ăn cơm nói chuyện cho vui.
- Dạ...
Bội Hoàng lúng túng... Hoàng chưa thích ứng được cái không khí có nhiều người xa lạ thế này. Lê Văn hiểu tính Hoàng, vội nói:
- Thôi để lần sau đi mẹ... chúng con đã sắp sẵn chương trình rồi.
- Thôi được để lần sau vậy. – Ông Bá Vỹ nghe nói cười lớn - Lần sau phải mời cả Lê Chí Huấn đến ăn cơm mới vui.
Tiếng cười của ông Vỹ làm Hoàng đỏ mặt hơn. Hoàng nghĩ như vậy có nghĩa là tình cảm của mình với Văn đã được mọi người chấp thuận.
Lê Văn đứng dậy.
- Vậy thì để chúng con đi nhé. Tối sẽ gặp lại cha mẹ.
Rồi Văn nắm tay Hoàng đi ra ngoài.
Nắng bên ngoài chói chang, nhưng không nóng lắm. Vừa ra đến ngoài Hoàng đã đẩy tay Văn ra.
- Ông là ông vua nói dối, ai hứa với ông đi xem xinê bao giờ chứ?
- Nhưng ban nãy Hoàng đã hứa là đi với tôi rồi. Không phải chỉ hôm nay mà cả đời nữa.
Hoàng càng đỏ mặt hơn, trong khi Lê Văn cười lớn. Họ ra đến đường cái, ngoắt một chiếc taxi nhảy lên. Xe chạy để lại một vệt khói dài phía sau.
Cầu mong mưa hòa gió thuận. Với Hoàng và Văn mọi thứ đều thuận lợi và suông sẻ... Nào có gì trở ngại cho cả hai chứ? Nhưng cuộc đời lắm chuyện éo le, nhất là trên phương diện tình cảm, khônng ai dám chắc điều gì cả.
Có lúc tình yêu đến một cách dễ dàng, nhưng có lúc nó cũng như làn khói trong mưa tan đi nhanh chóng.
Bội Quân đứng ngay bên bãi cỏ trước giáo đường. Ở đây thoáng đãng, chàng có thể trông thấy hết những người vào lễ. Vậy mà Quân đứng đã khá lâu. Vẫn không thấy bóng Trúc Phượng đâu. Bội Hoàng đã cho Quân biết Trúc Phượng là người ngoan đạo, chủ nhật nào cũng đi xem lễ. Không lẽ hôm nay, Phượng lại thay đổi đột xuất?
Bội Quân đứng mỏi cả chân mà vẫn không thấy bóng Trúc Phượng, con người cao ngạo của Quân chưa bao giờ nhẫn nại đến độ này. Mãi cho đến lúc nắng lên thật cao, lưng Quân ướt đẫm mồ hôi, Quân mới thấy Trúc Phượng chậm rãi đi tới. Vẫn bộ áo ngày hôm qua, váy màu tro, áo pull trắng, nhưng Phượng hôm nay lại khá tươi mát.
Thấy Quân, Phượng có vẻ ngạc nhiên:
- Ồ! Anh Quân, anh cũng đến đây nữa à?
Quân cười nhẹ:
- Hình như ở đây ai đến cũng được mà? Phải không Phượng? Nghe Hoàng nói tuần nào Phượng cũng đi lễ ở giáo đường này cả.
- Vâng – Trúc Phượng nói – Nhưng cái ý anh ban nãy cho thấy anh đến đấy không phải là để xem lễ? Như vậy thì Chúa không được vui đâu.
Bội Quân nhìn Phượng:
- Chuyện đó đối với tôi không quan trọng lắm. Tôi chỉ muốn biết là Phượng có thích thấy tôi đến đây không?
- Dĩ nhiên rồi.
Phượng thọc tay vào túi áo. Bất chợt chạm phải xâu chìa khóa nhà ông Huấn và tờ giấy điện thoại mà ông ta đã cố ý bỏ vào túi áo nàng. Phượng giật mình nói:
- Tôi thích tất cả những ai biết đi lễ nhà thờ mỗi chủ nhật.
- Thế, sau lễ thì sao?
- Sau lễ à? - Phượng co tay lại trong túi – Tôi có chút việc riêng. Ồ, còn phải đi kèm trẻ.
Bội Quân có vẻ kém vui:
- Không có cả thời giờ đi ăn trưa à?
Phượng lắc đầu:
- Tôi cũng chưa báo cho nhà biết là trưa nay không về.
- Buổi trưa phải về nhà ăn cơm mới được sao?
- Không phải là chuyện bắt buộc, nhưng không ăn ít ra cũng phải báo trước chứ.
- Thôi vậy thì để lần sau. - Bội Quân nói rồi nhìn Phượng - Thế tôi hy vọng có lần sau đó không nhỉ?
- Chuyện đó nói trước bây giờ hơi sớm, đúng không? - Phượng cười tiếp - Từ đây đén đó còn cả một thời gian dài. Biết đâu tôi không còn ở cõi đời này hoặc là anh lại thay đổi ý.
- Tôi sẽ cố gắng để có lần sau đó.
Quân nói làm Phượng lúng túng, Phượng vội nói:
- Lễ sắp diễn ra rồi. Chúng ta vào thôi, kẻo trễ.
Và cả hai bước vào giáo đường, cuộc lễ bắt đầu. Hôm ấy Phượng không chú tâm lắm, con người Phượng làm sao đấy. Mục sư diễn giảng, ban đồng ca hát thánh ca, tất cả đi vào tai này đã lọt ngay ra tai kia. Bội Quân quỳ bên cạnh như pho tượng đồng.
Mãi đến khi lễ kết thúc, hai người bước ra ngoài giáo đường Phượng mới thấy bực dọc. Vì Bội Quân không hề có ý bỏ đi. Quân cũng không nói gì làm cái không khí giữa hai người như nặng nề. Phượng suy nghĩ tìm cách bứt ra khỏi Quân, nàng hỏi:
- Anh không trở về Vườn Lê à?
- Bây giờ còn sớm chán. - Bội Quân nói - Để tôi đưa Phượng về nhà, rồi quay về đấy cũng không muộn.
Phượng nhìn về phía trạm điện thoại công cộng hỏi:
- Làm sao anh biết là tôi định về nhà bây giờ?
Bội Quân dừng lại nhìn Phượng dò xét:
- Ủa, ban nãy nghe Phượng nói là phải về nhà dùng cơm mà? Hay là Phượng có chuyện gì nữa?
- Tôi định gọi điện thoại cho một người bạn, và tôi muốn đi một mình.
Phượng nói và Bội Quân đã nhanh chóng hiểu ý:
- Vậy à? Vậy thì tôi đi trước vậy.
- Vâng, chào anh.
Phượng nói và không dám nhìn Quân, nàng cảm thấy như mặc cảm, như phạm tội. Khi Bội Quân đã đi thật xa, Phượng mới tiến đến bên trạm điện thoại. Quay số điện thoại của ông Huấn mà hồi hộp...
Tiếng chuông điện thoại reo thật lâu, chẳng thấy ai tiếp. Có lẽ ông Huấn không có ở nhà... đã đi vắng. Phượng thất vọng vừa định đặt máy xuống, thì bên kia đầu dây có ai đó đang tiếp máy.
Một giọng nói đàn bà, có vẻ như ngái ngủ, hỏi:
- A lô? Ai đấy?
Phượng chợt nghe cơ tâm như co thắt lại. Sao lại có đàn bà trong nhà, ta có gọi sai số không? Nhưng Phượng cố lấy hết can đảm hỏi:
- Xin hỏi, ông Lê Chí Huấn có ở nhà không ạ?
- Đợi một chút nhé.
Tiếng người đàn bà trả lời, rồi bà ta đặt máy lên bàn, tiếp đó Phượng nghe tiếng gọi xa và nhỏ:
- Anh Huấn ơi, có người tìm anh, đàn bà đấy.
Có tiếng đàn ông làu nhàu... Phượng chợt thấy tay chân đều run rẩy. Sao lại có chuyện thế này, tối qua Chí Huấn đưa nàng về lúc đó đã mười một giờ khuya, không lẽ còn...
Có giọng nói nóng nảy của Chí Huấn bên kia đầu dây:
- Tôi là Chí Huấn đây, ai đó?
- Trúc Phượng! Trúc Phượng đây!
Phượng cố tạo ra vẻ thản nhiên nói. Mới có một buổi tối mà mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn.
Ông Huấn có vẻ ngạc nhiên:
- Trúc Phượng đấy à? Hiện Phượng ở đâu? Sao không cho biết trước gì cả? Để tôi đánh xe đến đón.
Trúc Phượng yên lặng, không biết phải nói thế nào. Phượng chợt nghĩ đến cô gái ban nãy, cô ta là ai mà lại ở trong nhà ông Huấn? Tiếng bên kia đầu dây hỏi:
- Phượng? Phượng còn ở đấy không? Sao chẳng nói năng gì cả vậy?
Phượng thở ra:
- Có lẽ, tôi đã quấy rầy anh. Xin lỗi nhé, thôi chào!
- Đừng, đừng Phượng, nghe tôi nói này...
Tiếng ông Huấn kêu lên. Nhưng Phượng đã đặt ống nghe xuống. Còn có gì để nói nữa chứ? Phượng tuy còn con gái, nhưng mà chuyện gì đang xảy ra ở nhà Chí Huấn, Phượng cũng có thể đoán ra. Những gì Chí Huấn hôm qua đã hứa hẹn, không lẽ toàn là những lời dối trá... Dối trá sao có thể đóng kịch một cách thành khẩn như vậy?
Phượng bước ra khỏi trạm điện thoại, chậm rãi bước về nhà Phượng cảm thấy chỉ mới một bước đầu tiên, Phượng đã bị vấp ngã ngay. Con đường tình sao chông gai như vậy? Phượng chấp nhận, không khó chịu, không ray rứt. Dù gì ta đã chọn lựa... có sai lầm cũng không có quyền trách cứ ai khác. Có vấp ngã phải đứng dậy tiếp tục bước thôi... nhưng mà... Phượng lại thấy lúng túng. Đứng dậy tiếp tục đi, nhưng đi như thế nào? Tình yêu đâu phải là những hòn sỏi bên đường, chỉ cần cúi xuống nhặt lên là có? Phượng không biết là rồi đây mình có thể đi tiếp được không?
Và như vậy, Phượng thẫn thờ bước. Con đường về nhà hôm nay sao dài quá, đi mãi mà không tới được. Phượng cúi đầu nhìn những hạt sỏi trên đường đi... Những hạt sỏi đó như biến thành khuôn mặt của Chí Huấn, đôi mắt như biết cười, cái khuôn mặt như cuốn hút. Phượng lắc đầu cố xua đuổi. Và nàng đã dẫm phải vũng bùn. Chân Phượng đã lấm dơ, thế này là khó mà rửa sạch được.
Đã gần đến nhà, Phượng đã nhìn thấy bờ giậu trước cửa... Phượng hình dung cảnh bên trong, mọi thứ vẫn bình lặng êm ấm như mọi ngày. Có lẽ mẹ đang lặt cải chuẩn bị cho bữa ăn trưa, Xuân Kỳ thì đứng gần đấy kể lại chuyện vui trong trường cho mẹ nghe, cái ánh mắt thơ ngây của nó lúc nào cũng lấp lánh. Còn cha? Đang ngồi yên lặng trong phòng khách đọc báo, có một gia đình êm ấm như vậy sao không ở? Lại đi tìm rắc rối chi cho khổ đời?
Trúc Phượng bước nhanh. Chưa bao giờ Phượng mong mỏi được vào nhà ngay thế này. Và khi Phượng bước đến cửa, vừa tra chìa khóa vào cổng thì "két!”, tiếng thắng xe thật gấp. Phượng còn chưa biết chuyện gì xảy ra thì một bàn tay đã nắm lấy vai nàng. Phượng quay lại thấy ngay ông Huấn, trong bộ áo ở nhà nhìn nàng.
- Trúc Phượng, em làm gì vậy? Sao tự nhiên lại cúp điện thoại? Anh thấy cúp đường dây là vội vã chạy ra ngay đây, may mà kịp. Em đã có chuyện hiểu lầm anh à?
Phượng mím môi yên lặng, nhưng thái độ của ông Huấn cũng khiến Phượng xúc động. Có điều Phượng không thể quên cái chuyện ban nãy. Người đàn bà trong phòng ông Huấn, chuyện đó có thật chứ không phải là không có.
Ông Huấn van nài:
- Phượng lên xe đi, để cho tôi được giải thích nếu không tôi sẽ đậu mãi ở đây không đi đâu hết.
- Cần gì phải giải thích nữa chứ? Ông buông tôi ra.
Phượng kéo tay ông Huấn ra, mắt đỏ ngầu, Phượng cũng sợ lối xóm họ nhìn thấy.
- Nếu Phượng không lên xe tôi sẽ ở mãi đây. – Ông Huấn ngoan cố nói – Vì nếu tôi bỏ đi, từ đây tôi sẽ mất Phượng mãi mãi.
Lời của ông Huấn làm Phượng không thể cứng tiếp. Nàng biết cũng không thể đứng mãi ở đây, thế là Phượng đành chui vào xe. Thôi thì cũng là cách để hiểu rõ mọi sự việc.
Vừa ngồi yên là chiếc xe trờ tới với tốc độ lớn. Phượng không biết ông Huấn định đưa mình đi đâu, nhưng Phượng cũng không hỏi. Bây giờ ngồi cạnh chí Huấn, cơn giận ban nãy cũng giảm bớt, Phượng ý thức được là dù có đúng hay sai, chân nàng cũng đã lỡ dẫm phải bùn, có thế nào thì nó cũng đã lấm dơ.
Chiếc xe đưa hai người trở về nhà ông Huấn, đôi cổng còn mở hé. Có lẽ người gác dan biết là ông chủ rồi sẽ quay trở về. Lúc đó trời đúng trưa, nắng gay gắt trên đỉnh đầu. Ông Trần gác dan đã tò mò nhìn Phượng thật kỹ, làm Phượng thấy áy náy. Hay là ông ta đánh giá Phượng như bao nhiêu cô gái khác đã đến đây?
Cả hai bước nhanh vào nhà. Ông Huấn ném chìa khóa xe lên bàn rồi ngồi phịch xuống ghế.
- Rồi, muốn hỏi gì cứ hỏi đi, cô bé!
Phượng mím môi làm mặt nghiêm:
- Tôi lấy tư cách gì để hỏi anh chứ?
Ông Huấn kéo Phượng lại gần:
- Trên đời này còn ai đủ tư cách hơn em nữa chứ?
Phượng sụ mặt:
- Tôi không thích cái giọng điệu tán tỉnh hạ cấp đó!
- Biết làm sao? Anh nói thật em lại bảo là tán tỉnh?
Trúc Phượng nhìn qua... Cái khuôn mặt đẹp trai chững chạc của người đàn ông trung niên làm Phượng xiêu lòng. Và Phượng không dằn được hỏi:
- Bà ấy là ai vậy?
- Một thợ hát tự xưng là ca sĩ. – Ông Huấn nói – Cô ta tên là Điên Tâm, lúc em gọi dây nói đến là lúc anh đang ngủ. Cô ta cũng vừa mới tới.
Phượng ganh tức:
- Vậy là bà ta hẳn đẹp? Hai người có vẻ khá thân?
- Trước đây thì cô ta là một trong những người bồ của anh. Nhưng ban nãy anh đã đuổi cô ta đi rồi.
Chí Huấn nắm lấy Phượng giải thích thêm:
- Đấy là một cô gái khêu gợi bốc lửa, còn có biệt hiệu là quả bom nổ chậm. Nhưng mà... tất cả cái đẹp đó không phải tự nhiên mà đã được gia công nhân tạo.
Phượng đẩy ông Huấn ra:
- Tôi không cần biết. Tên tuổi của cô ta tôi cũng chưa hề nghe qua.
Ông Huấn cười:
- Đương nhiên là em làm sao nghe qua. Cô ta chỉ là một ca sĩ hạng ba thôi.
Phượng trừng mắt:
- Thế tại sao cô ta có chìa khóa riêng để đi vào phòng riêng của anh chứ?
- Cô ta làm gì có chìa khóa riêng? Bạn gái anh đông quá trời, không lẽ mỗi cô lại có một chiếc? Tại em không biết, Điền Tâm là cô gái rất dạn dĩ. Cô ta đã tự ý đi vào... Vả lại lúc đó anh đang ngủ cơ mà?
Phượng suy nghĩ rồi nói:
- Vậy từ đây về sau trước khi ngủ anh cần phải đóng cửa lại.
- Vâng, xin tuân lệnh. – Ông Huấn cười lớn nói – Mà này cô bé, bây giờ cô bắt đầu quản lý tôi rồi phải không?
Phượng đỏ mặt:
- Không phải là quản lý mà đó là vì lo cho anh đấy.
- Có nghĩa là Phượng không còn giận? – Ông Huấn vỗ vỗ vai Phượng nói - Phượng biết không ban nãy tôi đã hớt hãi chạy không kịp thay cả quần áo, vì tôi sợ... Phượng sẽ không đoái hoài đến tôi nữa.
Phượng lắc đầu:
- Chắc rồi sẽ có cái ngày đó.
Coi như mọi chuyện hiểu lầm đã xóa tan, họ bắt đầu thân mật nhau. Nhưng Phượng vẫn thấy cái cô nàng Điền Tâm kia có vẻ thân với Huấn hơn cả nàng.
- Thường ngày anh đều dậy trễ như vậy à?
- Nếu vậy ai lo việc điều hành ở cơ xưởng và công ty cho anh? Hôm nay dậy trễ là vì tối qua không ngủ được. Tới gần sáng mới chợp mắt được một chút.
- Có nghĩa là anh thường bị mất ngủ.
- Không hẳn. Nhưng mà hôm qua... vì cứ nghĩ ngợi mãi về em, anh không biết là rồi... mình có khiến em hạnh phúc được không?
- Thôi đừng nói những chuyện như vậy nữa. - Phượng nói – Riêng em thì bắt đầu từ bây giờ, em sẽ cố gắng quan niệm rộng rãi hơn.
- Anh thì thích thấy em hẹp hòi hơn. – Ông Huấn nói - Bởi vì khi em ghen thì chứng tỏ là em yêu anh nhiều hơn.
- Ai thèm ghen. - Phượng nói rồi chuyển đề tài - Chiều nay anh có bận gì không?
- Tối thì có tiệc.
Ông Huấn nói, nhưng nhìn thấy vẻ thất vọng của Phượng, ông sửa lại:
- Tiệc tùng mãi cũng bực, anh chẳng thích dự chút nào. Bây giờ mình kế hoạch xem sẽ xử dụng thời gian còn lại thế nào đây.
Phượng thích thú:
- Anh thật bỏ tiệc à?
- Không lẽ anh gạt em. – Ông Huấn vỗ vỗ lên vai Phượng – Nói xem nào... em muốn đi đâu chơi?
Phượng lắc đầu:
- Thú thật từ nào đến giờ em ít đi nên không biết chỗ nào để chơi cả.
- Em đúng là nhà quê. Vậy thì thế này nhé, chúng ta sẽ đi dạo hồ Bích Đầm rồi tối quay lại Vườn Lê dùng cơm.
- Thôi, không được.
Phượng nói. Khi nhớ đến ánh mắt của Bội Hoàng, rồi có khi gặp Bội Quân và cả Lê Văn nữa.
Ông Huấn như hiểu ra:
- Thôi được, vậy thì tôi có người bạn có một biệt thự ở cạnh biển, nơi đó phong cảnh rất đẹp. Có thể ngắm cảnh thuyền câu từ biển về. Ngắm cả cảnh mặt trời lặn ở Thái Bình Dương... Mình đi đến đó nhé?
Phượng nghe nói thích thú:
- Vậy thì đi, đi liền bây giờ nhé.
Ông Huấn chu đáo:
- Phải ăn cơm trưa rồi mới đi chứ? À tôi còn phải điện thoại đến xí nghiệp. Và cả Phượng nữa, Phượng cũng phải về báo lại nhà biết, kẻo nhà trông?
- Vâng, suýt tí em đã quên chuyện đó, chắc mẹ đang chờ cơm em ở nhà đấy.
- Vậy thì bây giờ mình ăn cơm nhanh lên, rồi anh sẽ đưa em quay về nhà xin phép mẹ. Sau đấy chúng ta đi chơi, được chứ cô bé?
- Anh đừng có gọi em là cô bé mãi.
Ông Huấn đứng dậy, kéo tay Phượng đi:
- Với anh thì lúc nào em cũng là cô bé. Nào bây giờ mình đi dùng cơm.
Phòng ăn sang trọng không kém phòng khách. Có quầy rượu, có bàn thức ăn riêng, rồi bàn tiệc... Một chậu hoa hồng vàng nằm giữa bàn, không khí khá ấm cúng.
- Anh đúng là người biết hưởng thụ. Cả một ngôi nhà to lớn tiện nghi thế này mà chỉ có một mình anh ở... Hèn gì... lúc nào cũng phải mãi miết kiếm tiền...
- Có tiền thì phải hưởng thụ. Ông Huấn ngồi xuống bàn ăn nói – Nhưng có tiền chưa hẳn là hạnh phúc. Tôi thì khác... không bao giờ để đồng tiền làm chủ mình... tôi cũng không mê đồng tiền lắm.
Phượng cười:
- Làm thương mãi mà lại không mê tiền à?
- Em đừng quơ đũa cả nắm... – Ông Huấn lắc đầu nói – Đúng ra thì tôi đã nghỉ ngơi, ngặt là Bội Quân nó lại không chịu tiếp nhận cái công việc này... Với lại... nghỉ rồi tôi làm sao xử dụng hết cái thời gian thừa thãi của mình đây?
Không hiểu sao Phượng lại đột ngột nói:
- Có lẽ anh cần phải lập gia đình lại.
Ông Huấn lắc đầu:
- Không được. Vì có nhiều thứ Phượng không hiểu đâu.
Phượng định nói gì đó, thì cô gái giúp việc đã mang thức ăn ra. Món đầu tiên là một món xúp.
- Anh thích ăn món ăn Tây lắm à?
- Tôi không có sự phân biệt thích gì ăn nấy.
- Anh ở đây có một mình mà mướn đến bao nhiêu người lận?
- Ba người. Ông Trần gác dan, cô nấu bếp này với thêm cô Thái phụ trách quét dọn nhà cửa.
- Như vậy là anh đã lãng phí quá.
- Vậy à.
Cả hai bắt đầu dùng cơm. Bữa cơm với Phượng quá ngon, nên hôm ấy Phượng ăn hơi nhiều.
- Em ăn tham quá, nên bây giờ thật lười biếng.
- Thôi bây giờ mình đi, tới lui một chút là Phượng sẽ dễ chịu ngay.
Rồi ông đi vào trong thay áo, Phượng bước ra phòng khách, ngắm nghía ngôi nhà to lớn. Chợt Phượng tự hỏi, có khi nào rồi Phượng sẽ trở thành nữ chủ nhân của ngôi nhà này không?
Ngay lúc đó, điện thoại chợt reo. Không có ông Huấn ở đấy nên Phượng đỡ ống nghe lên.
- A lô, ai đấy?
- Có anh Huấn ở nhà không? Tôi là Điền Tâm đây.
Phượng thật thà:
- Ông ấy đang thay áo.
- À! - Tiếng cô nàng bên kia cười lớn – Thì ra cô là cô gái có tên Trúc Phượng? Cô ở đâu đến vậy? Vũ trường Đêm Paris, Phirène hay Majestic?
Lời của Điền Tâm làm Phượng đỏ mặt, thì ra cô ta đã đồng hóa nàng với bọn vũ nữ bao thuê.
- Xin lỗi, tôi biết cô là hạng ca sĩ loại ba, còn tôi, tôi không biết vũ trường Đêm Paris hay Majestic gì cả, tôi là sinh viên.
- Ối chà! - Giọng Điền Tâm đầy châm biếm - Chắc hẳn là sinh viên trường Đại học T nổi tiếng chứ gì?
- Đúng như vậy, cô có thất vọng không?
- Không, chỉ hơi bất ngờ.
Ngay lúc đó Phượng chợt nghe có tiếng ông Huấn nói trong máy, thì ra ở trong phòng máy phụ cũng trực tiếp khai thông với máy chính.
- Này Điền Tâm, cô tìm tôi có việc gì chứ? Kiếm chuyện phải không?
Có tiếng cười lớn của Điền Tâm:
- Anh ghê lắm đấy nhé? Ở đâu mà bắt được con mồi sinh viên thơm phức vậy?
Tiếng ông Huấn khó chịu:
- Đừng có nói bậy. Trúc Phượng là bạn học của con gái tôi đấy.
Điền Tâm có vẻ ngạc nhiên:
- Thì ra tôi đã đoán mò, vậy thì xin lỗi anh và cả cô gái bé bỏng kia nữa.
Rồi cô ta lại tiếp:
- Này anh Huấn, tối nay có rảnh không?
- Không rảnh.
- Vậy thì chiều nay? Sáng mai hoặc ngày mốt?
- Cũng không. – Ông Huấn có vẻ bực mình – Cô đừng lo, tôi sẽ cho người mang chi phiếu sang mà.
- Vậy thì thôi, không quấy rầy anh nữa.
Rồi Điền Tâm gác máy.
Trúc Phượng vẫn để ống nghe trên tai mà ngẩn ra. Nàng không biết chuyện gì đã xảy ra, cả tờ chi phiếu, sự liên hệ giữa Huấn và cô ca sĩ kia có vẻ khá thường xuyên, tự nhiên.
Trúc Phượng nghe tiếng ông Huấn qua dây nói:
- Phượng, sao không đặt ống nghe xuống đi?
Phượng không đáp, lặng lẽ đặt ống nghe xuống. Chợt nhiên nàng cảm thấy ông Huấn xa lạ quá. Giữa hai người như có khoảng cách, Phượng yêu ông ta, nhưng cái tình yêu mới hai mươi bốn tiếng đồng hồ như chưa đủ để biết tất cả. Phượng bắt đầu thấy lo lắng.
Ông Huấn từ trong phòng đã bước ra trong bộ âu phục màu cà phê sữa nhạt.
- Này cô bé lại nghĩ ngợi gì nữa đấy?
Phượng quay lại:
- Có đầu thì phải suy nghĩ, chứ ngồi không làm gì?
Ông Huấn nhặt chìa khóa xe trên bàn lên:
- Thôi bây giờ mình đi, bảo đảm với Phượng là từ đây đến chiều Phượng sẽ không có thì giờ để nghĩ ngợi gì cả.
Và ông Huấn đưa Phượng về nhà của nàng trước. Ông đậu xe tận ngoài đầu hẻm, nhưng Phượng đi vào chỉ một phút sau là đi ra, Phượng đã thay chiếc váy bằng chiếc quần tây dài. Như vậy đi ra ngoại ô sẽ thích hợp hơn.
Khi Phượng đã ngồi vào xe. Ông Huấn hỏi:
- Thế nào? Nói với mẹ là đi đâu?
Phượng cười:
- Em nói là đến Vườn Lê... mẹ tin ngay vì từ xưa đến giờ em không hề nói dối.
- Mẹ không hỏi là em đi với ai à?
- Vì mẹ em khá chủ quan. Mẹ lúc đầu nghĩ Lê Văn là bạn trai em, sau đó biết là không phải... Bây giờ lại tin là Bội Quân. Anh thấy có buồn cười không?
- Bội Quân à? – Ông Huấn chợt hỏi - Bội Quân cũng xứng với em đấy chứ?
- Anh có vẻ là người rộng rãi.
Phượng cười nói, ông Huấn tiếp:
- Nhưng nếu sau đó, mẹ em phát hiện chuyện em đi với anh, thì bà ấy sẽ thế nào?
- Không có gì ngại đâu. Mẹ em là con người cởi mở... Vả lại giữa chúng ta cũng chưa có gì cơ mà?
- Em có vẻ tự tin đấy.
- Thôi đừng nói chuyện đó nữa. - Phượng thấy câu chuyện khá căng thẳng nên thay đổi đề tài - Tại sao anh lại cho tiền cô nàng Điền Tâm? Anh cho cô ấy hết bao nhiêu?
- Em muốn biết à? Chuyện đó quan trọng lắm sao?
Phượng ngập ngừng:
- Cũng không quan trọng lắm. Em chỉ muốn biết vậy thôi.
- Nếu vậy thì đừng nhắc nữa, hãy quên nó đi.
Phượng ngồi yên, tựa người ra sau ghế, mắt nhắm lại.
Hình như bên ngoài trời mát hơn một chút. Có gió thổi vào xe, Phượng mở mắt ra thì xe đã ra đến xa lộ, hai bên đường là những ngôi nhà ngói đỏ, lịch sự, Phượng hỏi:
- Bạn anh là ai mà giàu vậy? Có cả nhà nghỉ trên núi.
- Ông ta tên là Lâm Duy Đức, một người khá nổi tiếng. Sau này có dịp em sẽ được tiếp xúc với ông ấy.
- Anh thường đến đây chơi à?
- Có mấy lần, nhưng lần nào ông Đức cũng mời đông người quá, nên cái không khí hơi lạc điệu.
Phượng tò mò:
- Mời đông? Như vậy đương nhiên là phải có đàn bà?
- Chuyện đó làm sao tránh khỏi. – Ông Huấn nói – Nhưng mà hôm nay thì khác. Ban nãy tôi có điện thoại đến đây, hôm nay ở đấy chỉ có hai vợ chồng quản gia giữ nhà.
Phượng yênlặng nhìn ra ngoài, thật lâu mới nói:
- Anh là con người khá phức tạp, phức tạp hơn cả tôi tưởng.
- Nếu muốn không phức tạp thì chỉ có nước đảo ngược thời gian – Ông Huấn nói - Phượng có tin là chính thời gian đã làm cho con người thay đổi không?
- Cũng có thể - Ngẫm nghĩ một lúc Phượng lại tiếp – Nghĩ lại cũng ngu thật. Trước kia tôi chỉ biết mấy quyển sách. Sách là tất cả, tôi có ngờ thế giới lại rộng lớn như vậy đâu? Tôi chỉ là con ếch ngồi đáy giếng! Nên rất bảo thủ.
Phượng kết luận, nhưng ông Huấn lại cười nói:
- Bảo thủ như Phượng rất tốt, Phượng biết không cái xã hội này khá phức tạp, càng biết ít chừng nào, càng hạnh phúc chừng nấy.
- Tôi không hiểu.
- Thế giới muôn hình ngàn vẻ, rộng lớn thật, nhưng khi hòa vào đấy con người dễ bị đánh mất chính mình. Vì vậy còn trẻ tuổi, chưa có kinh nghiệm sống, tốt nhất là hạn chế, để tránh khỏi thất vọng sau này.
- Anh nói một cách ích kỷ quá, như vậy tuổi trẻ không có quyền hưởng thụ ư?
Phượng phản kháng, nhưng ông Huấn đã lắc đầu nói:
- Sợ là chưa kịp hưởng thụ, thì đã bị cái xấu nuốt chửng rồi.
- Anh và Lê Văn có nhiều điểm rất giống nhau. - Phượng suy nghĩ một chút nói - Mấy người muốn hưởng thụ tìm tòi khám phá những cái mới mẻ chung quanh. Nhưng anh thì có thừa điều kiện hơn Lê Văn...
Ông Huấn quay sang nhìn Phượng:
- Thế Lê Văn đã đưa cô đi tìm cái mới mẻ đó chưa?
- Chưa.
Phượng đáp, ông Huấn cũng không nói gì thêm. Xe chạy càng xa thành phố, cảnh càng trở nên heo hút, cây cối ruộng vườn nhiều hơn là người. Thỉnh thoảng mới có một mái nhà xa xa, dòng sông uốn khúc như một dải lụa bạc giữa rừng cây xanh ngát bạt ngàn.
Ông Huấn chỉ về phía trước:
- Gần đến rồi đấy, thấy chưa?
- Đâu có gì đâu?
Phượng ngơ ngác, trước mắt chỉ là những ngọn núi xanh rì.
- Đấy ở trái núi thứ ba, trên sườn gốc, nhìn cho kỹ sẽ thấy.
- À thấy rồi... một ngôi nhà nhỏ màu trắng, giống như đồ chơi trẻ con đấy.
- Ở xa thì vậy chớ lại gần lớn lắm. – Ông Huấn nói – Đó là biệt thự nghỉ mát của Lâm Duy Đức đấy.
- Lớn cỡ Vườn Lê không?
Ông Huấn lắc đầu:
- Nhà bây giờ làm sao so bì được với các ngôi nhà cổ? Nhưng nó cũng lớn cỡ nhà anh ở thành phố đấy.
- Vậy thì cũng to quá rồi.
Phượng nói và mắt không rời quả núi. Xe chạy trên đường thì thấy xa, nhưng không ngờ ông Huấn cho leo dốc hai lần, ngôi nhà đã hiện ra trước mặt. Ở đây con đường trải đá đỏ, hai bên hoa dại rất nhiều.
Xe vừa ngừng trước đôi cổng sắt lớn, đã có một ông lão chạy ra mở cửa.
- Chào ông Lê. Chúng tôi đã chuẩn bị mọi thứ đầy đủ.
- Vậy thì cảm ơn ông nhé, ông Tài.
Từ ngoài cổng vào nhà, còn phải qua cả một đoạn đường dài trải sỏi trắng. Hai bên là vườn hoa được chăm sóc vén khéo, phần lớn là Bá hạp và Sơn trà, rồi hồ phun nước.
- Quả nhiên là đẹp thật. Giống cảnh Đào nguyên ở hạ giới.
Phượng buột miệng. Với những con người ở hoàn cảnh của nàng làm gì có diễm phúc vào những nơi này.
Ông Huấn nghe Phượng nói chỉ cười và đưa Phượng vào phòng khách.
Đây là một căn phòng rất rộng. Giống như sàn nhảy của vũ trường hơn là phòng khách, bờ tường màu sữa, các khung cửa sổ đều treo màn màu vàng. Trên tường phẳng rộng có một bức tranh lập thể rất lớn Phượng nhìn mà không hiểu gì cả, trong phòng chẳng có ghế salon mà lại bày biện những chiếc ghế bọc nệm hình hộp hình chữ nhật, tam giác, tròn... đủ kiểu trông rất lạ mắt. Ông Huấn chỉ một chiếc ghế:
- Phượng ngồi xuống đi!
- Cách trang trí thế này chứng tỏ chủ nhân nó hẳn là một con người lịch duyệt.
- Khoan hãy kết luận. Có điều những vật dụng trang trí ở đây đều chở từ Thái Lan đến, mỗi cái ghế giá hạng bét cũng hai mươi Mỹ kim.
- Ô! Xài phí quá... - Phượng kêu lên - Nếu có tiền thế này, em sẽ dùng những đồng tiền đó vào việc khác.
- Khoan phê phán. Để anh đưa em đi tham quan một vòng biệt thự nhé.
Và ông Huấn đưa Phượng đi.
- Đây là quầy rượu, bên trái là phòng ăn, phía sau là nhà bếp, nhà vệ sinh, nhà công nhân... Không có gì đáng coi, qua bên kia.
Ông Huấn lại kéo Phượng qua bên kia phòng khách.
- Ở đây có một loại dãy phòng sáu cái, tất cả đều là phòng ngủ.
- Sáu gian phòng ngủ à? Phượng giận mình đi giữa hành lang. hai dãy phòng nằm ở thế đối diện nhau - Nhà ông ta có tất cả bao nhiêu người lận.
Ông Huấn chỉ cười, không đáp. Ông đẩy thử cửa của một căn phòng cho Phượng nhìn vào. Bên trong ngoài một bàn phấn, một chiếc tủ áo và một chiếc giường hình tròn ra không có gì nữa cả Phượng chau mày:
- Cái ông chủ nhà này chẳng giống ai cả. Chiếc giường sao lại làm hình tròn.
Ông Huấn đưa Phượng trở ra phòng khách.
- Sáu căn phòng kia, đều giống hệt nhau.
- Những người có tiền đều có cái ý tưởng kỳ cục, cái gì cũng khác người.
Nói tới đây chợt nhiên Phượng nhớ là đã đọc được ở đâu... Đúng rồi, chiếc giường hình tròn... xoay được, trong những nhà điếm cao cấp... dùng để... Phượng đỏ mặt.
- Không lẽ ông ta lại...
- Đúng, Phượng đã đoán đúng đấy. Ông Huấn nhún vai nói - Những chiếc phòng đó, chủ nhân ông dùng để cho bạn bè sử dụng trong những cuộc truy hoan không hay lắm!
- Ồ! Hạ cấp! Phượng chợt kêu lên - Vậy tại sao anh lại đưa tôi đến đây, còn chi cho tôi xem những cái đó nữa chứ?
- Tôi đã nói rồi, tôi chỉ muốn chỉ cho Phượng thấy tất cả những cái mà Phượng chưa biết, để Phượng ý thức ra một điều là... hoàn cảnh sống có cao có đẹp thế nào, con người lúc nào cũng tốt cả.
Phượng cúi đầu nhìn xuống không nói Bao nhiêu cái mỹ cảm đầu tiên đối với ngôi nhà này, đã bị những chiếc giường kia làm tan biến cả Phượng run rẩy:
- Anh... rất thường xuyên đến đây à?
- Không, ông Huấn nói - Như điều Phượng nhận xét, tôi tuy không nghiêm chỉnh, nhưng cũng không đến đỗi tồi tệ lắm.
Phượng nhìn ông Huấn tin tưởng.
- Thật ra thì tôi cũng biết, những người như anh không thể nào tránh khỏi cuộc sống thế này... nhưng mà... cái gì cũng cần có mực độ.
- Anh hiểu. Ông Huấn cười nói: - thôi bỏ chuyện đó qua một bên đi, anh sẽ đưa em ra ngoài, chúng ta đi xuống núi, gần biển có rất nhiều vỏ sò đủ màu... lại có các loại ốc mượn hồn đẹp lắm, em tha hồ mà nhặt.
- Vâng! Phượng mừng ra mặt, nàng đã chán cái ngôi biệt thự đẹp mà xấu xa này. Chúng mình sẽ đến bãi biển dạo, nhưng em sẽ không nhặt vỏ sò hay ốc mượn hồn đâu...
- Sao vậy Nếu anh không lầm thì hầu hết các cô đều thích nhặt những chiếc vỏ sò mà?
- Cũng có người thích thật nhưng cũng có những người bắt chước. Phượng vừa đi vừa nói... Vì có người họ quan niệm là vỏ sò đẹp, vỏ sò mang những mộng tưởng con gái... thế là có nhiều cô không thích cũng giả vờ ngây thơ... em thì không có chuyện đó.
Ông Huấn cười:
- Em có vẻ thẳng thắn một cách dễ thương.
- Em cũng sợ mấy chú ốc mượn hồn vô cùng. Chúng nó như những con nhện hơn là con cua, mình mềm nhũn có chỗ nào đẹp đâu?
- Em có lý, còn gì nữa.
- Thôi không nói nữa, nói thêm thành người nói nhiều.
- Anh thì khác, anh rất thích được nghe em nói. Vì như vậy anh cảm thấy như mình được trẻ lại.
- Anh làm như anh già lắm không bằng.
- Không già à? Ông Huấn kêu lên - Em đừng quên anh là cha ruột của Bội Quân và Bội Hoàng nhé.
- Thôi đừng nói đến chuyện đó nữa. Phượng cắt ngang, vì ông Huấn nhắc đến Bội Quân Bội Hoàng làm Phượng thấy khó chịu - Tại sao ở đây toàn là đá đỏ không vậy?
- Chung quanh đây đất toàn màu vàng, còn núi đá này màu đỏ, có lẽ vì cấu tại địa chất đặc biệt đấy... Từ đây xuống đến bãi biển hơi xa. Phượng nhắm lội nổi không?
- Nổi chớ! Anh đừng quên em là kiện tướng đi bộ nếu cần, chúng ta đua thử xem nào?
Phượng thách thức, ông Huấn phì cười.
- Bộ Phượng tưởng là tôi sợ ư? Không đâu, nhưng hôm nay tôi không được khỏe, để lần sau vậy.
Qua hết con đường nhỏ họ ra đường lớn rồi đi xuống một bờ đá... đá sỏi rất nhiều thật khó đi, nhiều lần Phượng suýt bị trượt, nhưng rồi cuối cùng họ cũng đạt được mục đích.
Ông Huấn đứng trên một tảng đá to, vươn mình ra biển nói.
- Đến rồi đây.
Phượng nhảy xuống.
- Bãi biển này vắng quá, ngoài hai ta ra hình như chẳng có ai cả.
- Vâng, nhưng mà như vậy em có thích không.
Hai người ngồi cạnh nhau ngắm biển Phượng gật đầu. Giữa cái khung cảnh bao la của trời đất, lòng họ như trong suốt.
- Trúc Phượng em biết không, lầu đầu gặp em, thấy em hồn nhiên vui vẻ... nhưng cái vui vẻ kia hình như chỉ là ở bên ngoài. Trong cái ánh mắt em có cái gì đó phẳng lặng, suy tư hơi có một chút cô độc. Thế là anh có ngay ý định sẽ đưa em đến đây. Cái không gian này.
Phượng yên lặng lắng nghe.
- Tôi cũng vậy. Lúc nào rảnh rỗi, tôi cũng hay đến đây ngồi một chút, tản bộ một chút, cái khkông khí tươi mát này như rửa được hết những dơ bẩn mệt mỏi của thành phố... Tôi cảm thấy lòng mình lắng xuống. và tôi cứ ngồi mãi như thế đến lúc màn đêm buông xuống... Đám ghe câu từ biển khơi trở về, tôi mới quay về, ngồi ở đây tôi nghĩ ngợi nhiều thứ... không bị quấy rầy, nhưng cũng không được ai san sẻ... Phượng là người đầu tiên theo tôi đến đây và tôi nghĩ là ngoài Phượng chắc không còn người thứ hai nữa đâu.
Trúc Phượng quay lại. Người đàn ông đã làm Phượng cảm động. Phượng không phải là đứa con gái mau nước mắt, Vậy mà lúc đó cũng thấy cảnh trước mắt nhạt nhòa, qua cái lời nói kia, Phượng khám phá ra một điều. Chí Huấn cũng biết buồn, cũng biết cô đơn.
- Tôi giống nhưng một người vô tri giác, ban ngày đốt nến đi tìm nhưng chẳng tìm thấy một cái gì cả. Bởi vì bản thân tôi, tôi cũng không biết mình định tìm gì? Con người sống trên đời cả cái mục đích sống cũng không có thì rõ là bi quan. Phượng hiểu cái cảm giác đó chứ?
Ông Huấn dừng lại với nụ cười buồn. con người ông như khác hẳn với con người của Chí Huấn chỉ một tiếng đồng hồ trước.
- Nhìn từ bên ngoài, ai cũng ái mộ, thèm thuồng... Họ cho là tôi giàu có, tôi có tất cả những gì tôi muốn, ngay cái vóc dáng bề ngoài tôi cũng đẹp trai hơn người... Bạn bè thì nổi tiếng, đủ hạng gái đẹp vây quanh. Lúc nào người ta cũng thấy tôi cười, nhưng mà có ai nhìn được trái tim tôi? có sung sướng gì cứ mãi đi tìm cái mình không có chứ?
Không hiểu sao Phượng lại nói:
- Em biết em không thể hiểu được nổi cô đơn của anh vì cái anh đi tìm em không có.
- Thế là thế nào?
- Sự háo thắng và cao ngạo làm cho anh cô đơn, vì anh sợ, anh không muốn cho ai biết điều mình muốn. Anh cố tình che đậy vì vậy... anh càng đi vào ngõ cụt. Em nghĩ có lẽ là... vì các ước mơ mà anh đã từng nói đến nhanh và tàn lụi cũng nhanh của ngày cũ. Đó là tình yêu?
- Làm sao em biết? Mà sao em dám khẳng định như vậy?
- Em nghĩ là vậy.
Ông Huấn quay qua, bấu mạnh đôi vai Phượng, làm Phượng có cảm giác đau điếng nhưng Phượng cũng không phản ứng.
- Trúc Phượng anh nghĩ là... anh đã tìm được... đúng không?
- Em không biết? - Phượng thở dài nói - Anh phải nhớ là người thật không bao giờ đẹp như người trong mơ.
- Em đừng nói vậy Trúc Phượng anh đã tìm thấy rồi, anh đã tìm ra được ước mơ của mình.
- Anh lầm rồi nếu không phải thì có nghĩa là anh đã lừa dối em và đánh lừa cả chính anh. Phượng lắc đầu nói - Anh không làm sao có thể quên được giấc mơ cũ của mình. Bởi vì trái tim anh đã từng vì cái ước mơ đó mà tan vỡ.
Ông Huấn có vẻ lúng túng:
- Trúc Phượng.
Phượng lắc đầu không để ông Huấn nói tiếp.
- Anh hãy nói cho em biết đi, người đàn bà ấy là ai mà hạnh phúc như vậy?
- Em cần biết điều đó ư?
- Em biết là khi anh đã đưa em ra đây là chỉ để nói cho em biết câu chuyện đó. Đúng không? và em rất sẵn sàng để nghe. Bởi vì... dù cho không có được trái tim của anh, em cũng hiểu được nguyên nhân tại sao mình không có chứ?
- Trúc Phượng, em lầm rồi. Ông Huấn thở dài nói - Chuyện cũ lâu quá làm anh quên mất. Anh đưa em đến đây... là bởi vì anh đã tìm lại gặp...
Phượng ngước lên:
- Anh đã gạt em!
- Anh xin thề là không có chuyện đó.
- Vậy thì anh hãy thú thật đi. Người đàn bà đó là ai? có phải là mẹ của Bội Hoàng không?
- Không. Ông Lê Chí Huấn thở dài, thú nhận - Không phải là mẹ của Bội Hoàng, mà là một cô bạn học của bà ấy.
- Vậy thì anh kể chuyện đó cho em nghe đi, được chứ?
- Trúc Phượng này. Ông Lê Chí Huấn ngồi thẳng lưng, nói - Hôm nay thì không được. Chúng ta ra đây là để khuây khỏa, nhắc chi chuyện cũ cho nặng đầu. chuyện đó từ từ rồi anh sẽ kể cho em nghe.
Phượng nhìn ông Huấn, một lúc rồi mới gật đầu.
- Em tin anh, nhưng mà... ba ấy có đẹp không?
- Không đẹp lắm, chẳng bằng một nửa của mẹ Bội Hoàng.
Rồi ông Huấn lắc đầu nói:
- Nhưng mà tình yêu nào có thể chỉ tùy thuộc vào cái sắc bên ngoài đâu?
- Em hiểu.
Và Trúc Phượng nhảy xuống nói:
- Thôi mình đi nhặt vỏ sò đi!
- Nhặt vỏ sò? Ông Huấn ngạc nhiên - Ban nãy em bảo là không thích cơ mà?
- Đúng, nhưng con người đâu phải lúc nào cũng giống nhau đâu? Bây giờ em chợt thấy thay đổi.
Ông Huấn nhìn Phượng chịu thua, nhưng ông cũng nói.
- Thôi được, tôi đi với em.
Trúc Phượng đã bỏ đi một đoạn thật xa. Ông Huấn phải bước nhanh mới đuổi theo kịp. Và khi ông đến gần, chợt ngạc nhiên khi thấy Phượng khóc.
- Trúc Phượng em làm sao thế?
Phượng chỉ mím môi, yên lặng. Ông Huấn hốt hoảng:
- Em nói đi, nói đi chứ? tại sao em lại khóc?
Phượng nói:
- Em yêu anh và em chấp nhận, nhưng mà nếu anh không yêu em thì em cũng mong là anh hiểu và dành cho em nhiều tình cảm một chút.
Ông Huấn ôm Phượng vào lòng:
- Ồ Trúc Phượng, em nói gì lạ vậy? Em cũng biết là anh yêu em, anh rất yêu em cơ mà?
Trúc Phượng nhắm mắt lại, lệ lại chảy ra.
- Này cô bé của anh. Em lại hiểu lầm cái gì nữa đấy.
Bấy giờ Phượng mới nói:
- Có phải là vì em... rất giống người anh đã yêu. Đúng không?
- Ồ! Ông Huấn cười lớn - Tại sao em lại liên tưởng đến điều đó? Con người em rõ là trẻ con... Không rộng rãi tí nào cả.
- Chứ không là không phải? Phượng nói - Anh đã xem em như một chiếc bóng của bà ấy.
- Hừ! Ông Huấn thở dài - Em chưa hề nghe qua câu chuyện làm sao em lại có thể nói vậy được? Nếu anh mà hành động như vậy, chẳng phải là anh hẹp hòi quá ư?
- Thế thì tại sao?
- Vì anh yêu em. Ông Huấn ghì chặt Phượng vào lòng - Biết chưa, chỉ cần nhìn vào mắt em là anh đã thấy rõ con người thật của mình.
Phượng nhìn lên cảm động và quên hết mọi ưu phiền.
Sau đấy họ chọn một tảng đá thật lớn ngồi xuống. Cả hai tựa người vào nhau và chỉ yên lặng. Chiều xuống dần, nắng đã tắt. Gió thu cộng với gió biển làm không khí se se lạnh. Ông Huấn cởi chiếc áo ngoài khoác lên cho Phượng.
- Thôi về nhé? lạnh rồi.
- Không, em thích ngồi ở đây.
Phượng nói. Ông Huấn cúi xuống hôn Phượng, rồi nói.
- Anh biết cảm giác hiện tại của em ra sao rồi, chắc chắn là không khác lắm với lần đầu anh, Khung cảnh ở đây không có gì đặc biệt, nhưng cái bình lặng của nó lại khá hấp dẫn.
- Có lẽ anh nói đúng.
Phượng cười đáp. Và Chí Huấn tiếp:
- Phượng rất thích hợp với nơi đây, vì vừa đến anh đã thấy mắt Phượng xanh biếc như màu biển. Phượng là nữ thần của biển xanh.
- Có nghĩa là nữ thần đã đến nhà?
- Đến nhà? Phượng mệt rồi à? Vậy ta về.
- Khoan, hãy đợi một chút.
- Đợi gì nữa.
- Đợi thuyền câu về, đợi mặt trời lặn.
- Phượng biết muốn thấy cảnh đó phải đợi đến mấy giờ không? Chúng ta sẽ trễ mất. Vậy thì hôm khác nhé. Hôm khác anh hứa sẽ để Phượng ở đây đến khuya.
- Thế bao giờ ta về? Về đâu, tòa biệt thự kia à?
Phượng đứng dậy theo ông Huấn, nhưng có vẻ không vui.
- Vâng về đó ăn cơm do vợ chồng ông Tài nấu, còn nếu Phượng không thích thì ta có thể ra quán ăn cũng được.
- Nếu không chọn cả hai?
- Thì anh sẽ nhịn theo em. Ông Huấn đáp rồi nói thêm - Thật ra thì ở trong tòa biệt thự kia khá ấm cúng, lại yên tĩnh, không ai quấy rầy ta đâu.
- Nhưng mà...
- À... có lẽ Phượng sợ những chiếc giường tròn kia chớ gì đừng lo chiếc giường vô tội, chi có hành động mới xấu xa.
Phượng vẫn không bỏ được thành kiến với tòa biệt thự, nói.
- Thôi được, chúng ta vào đấy ngồi ở phòng khác cũng không sao.
Phượng theo ông Huấn trở về con đường sỏi cũ.
- Ở đây mùa hè thích hợp thấy. Ta có thể đến đây tắm biển chứ?
- Không được. Ông Huấn lắc đầu - Biển ở đây sâu lại có vùng nước xoáy, đã có mấy người chết đuối rồi đấy.
Phượng rùng mình.
- Vậy mà ban nãy, em còn định là mùa hè, tới sẽ đến đây tắm biển sợ thật, đúng là ý trời không cho.
Ông Huấn chợt đùa:
- Thế còn chuyện chúng mình yêu nhau, đó hẳn là ý trời chứ?
- Em... không biết!
Phượng nói, vì bất chợt Phượng nghĩ đến Bội Hoàng, Bội Quân mà Bội Quân lại là con ruột của Chí Huấn.
- Em làm sao nữa vậy?
- Không có gì, vì khi nghĩ đến tình yêu... em chợt có cái so sánh, tình cảm giữa Bội Hoàng với Lê Văn, rồi còn Bội Quân nữa. Với cái bản tính khác lạ của Bội Quân thì... Quân sẽ gặp tình yêu ra sao?
- Em quan tâm chuyện đó? Ông Huấn liếc nhanh về phía Phượng rồi nói - Riêng anh biết thì Bội Quân là đứa rất cứng cỏi. Nó không yêu thì thôi mà đã yêu rồi thì tình yêu khó mà lay chuyển được.
- Vậy à?
Phượng hỏi mà đổi hẳn nét mặt, có cái gì bức rức trong lòng.
Ông Huấn gật đầu.
- Tính nói giống hệt mẹ nó, không khác tí nào cả.
- Mẹ của anh ấy? Cái giấc mộng cũ của anh? Phượng liếc nhanh về phía ông Huấn - Vậy thì anh hãy kể cho em nghe đi, để em được san sẻ như vậy có khi anh sẽ thấy nhẹ hơn.
- Vâng chắc chắn là anh sẽ kể cho em nghe.
Ông Huấn nói.
Cả hai đã vào đến nhà. Đèn đã được thắp sáng. Ông Tài đang mở nhạc một tấu khúc êm dịu của Paul Mauriat. Cả hai ngồi xuống ghế, Phượng nói:
- Hôm ấy ở trong Vườn Lê, em và Bội Quân khi đi ra sau vườn xem quýt, Bội Quân có nhắc lại chuyện của mẹ anh ấy. Quân cho biết là chẳng hiểu vì sao mẹ lại qua đời sớm vậy. Có lẽ anh ấy cũng muốn giấu em, cái chuyện đau lòng không nên nói...
- Đó là một sự thật...
Ông Huấn nói rồi đột ngột đứng dậy.
- Để anh đi rót hai ly rượu, uống cho ấm dạ một chút. Sau đó nếu em thích, anh sẽ kể lại chuyện đó cho em nghe.
Rồi ông bước tới quầy rượu, rót hai cốc. Một cốc màu xanh lá loại rượu nhẹ cho Phượng, còn ông lại là một cốc màu cánh gián. Đưa cho Phượng rồi ông Huấn nâng ly lên nói:
- Nào hãy uống mừng cho chuyện của chúng ta!
Rồi ông nốc cạn. Mặt như đỏ hẳn lên, ông bắt đầu kể.

Truyện Bóng Hoàng Hôn ---~~~cungtacgia~~~---

107 Tác phẩm