Anh Ba Đô

Khu nhà tập thể của Nông trường miền Nam tập kết chuyển ngành mỗi nhà dài trên chín mươi mét. Giữa cắm một hàng cột cái bằng gỗ, cột nhì bằng tre luồng. Mái lợp nứa. Dọc theo hàng cột cái, dựng xuyên suốt bằng vách nứa đan ngăn đôi mỗi gian thành hai căn. Mỗi nửa gian phân cho một hộ có đủ đôi vợ chồng vừa lót một cái giường, một cái bàn con. Chừa một lối đi hẹp. Người nào độc thân sống ở hộ tập thể, hai "đực rựa" lĩnh một nửa gian, lót hai cái giường đơn loại bảy mươi phân, cái bàn uống nước phải để chen giữa hai giường, sát vào vách. Khách tới ngồi trên cái ghế đẩu để giữa lối đi. Chủ nhà ngồi trên giường, nếu đông hơn khách ngồi tuốt luốt trên giường. Mỗi hộ xếp gạch kê bếp ngoài hiên. Hết giờ tan tầm buổi chiều, mái hiên nỗi lửa nấu cơm, đông vui nhộn nhịp. Chỗ này tắm rửa cho trẻ con, chỗ kia trải chiếu giữa sân uống trà hút thuốc, chờ cơm chín ăn luôn tại chỗ.
Con bò Bô kéo xe của đội sản xuất lê sợi dây mũi, ung dung lách đi dọc theo khu nhà, thỉnh thoảng móng giẫm lên dây, ghịt đầu nó quay lại, chờ nhấc chân lên mới bước tiếp. Con bò kéo suốt ngày, không đủ giờ gặm cỏ, vừa đói vừa khát nên theo thói quen nó tìm đến các chậu nước vo gạo cắm mõm vào uống.
Ông Liễu già tiếp phẩm của đội ngồi uống trà, trông thấy con bò gầy trơ xương bèn châm biếm:
- Khà... khà... đi đường gặp bò nông trường phải cẩn thận. Xớ rớ đụng phải mông đít, hai cái xương khu của nó đâm lủng bụng.
Anh chàng phụ trách xe bò tự ái:
- Có tài thánh mới làm cho nó mập được. Ngày hai ca, sáng bảy giờ tới năm giờ chiều, nó phải đút đầu vào ách, trưa về được vài tiếng, gặm qua quít được vài miếng, bụng còn lép kịp lại đút đầu vào ách. Ngoài ba cái nước cơm thừa, kỳ dư phải sống bằng không khí. Tôi hỏi bảo làm sao nó không trơ xương ra cho được? Hồi trước, mới mua nó về, kéo mỗi xe năm trăm mía ngon hơ, bây giờ tôi chỉ dám chất ba trăm, lên dốc tôi phải nhảy xuống đẩy phụ với nó. Phải chi nó là con người, tôi động viên tinh thần nó được, đằng này nó là bò!!!
- Mẹ... dở thì nói dở, chống chế hoài.
Ba Đô buột miệng nói làm anh chàng đánh xe tức lý:
- ở ngoài cuộc phê phán cái gì cũng được.
Ba Đô chuyển điếu thuốc sang tay trái, đưa ngón tay trỏ ngoéo cò ra:
- Dám đánh cuộc không, một tiệc nhậu, cậu thay tớ vác cuốc đi đánh lá mía, tớ nhận đánh xe bò. Đề nghị lên đội đổi đi!
Ông Liễu già cười khà khà thị thiêng cho hai chàng ngoéo tay nhau với điều kiện là sau ba tháng con bò phải mập, thịt thà phải phủ kín được bộ xương khu.
Sau bữa chiều trên chiếu trà ấy, ngày ngày bà con bộ hành và anh em lái xe trên đường Hòa Bình, (con đường hồi chín năm, Pháp hành quân lên thua trận ở Hòa Bình), thường gặp một chiếc xe bò, khi thì chở khoai mía, bắp cải, khi chở nứa, luồng, củi, gỗ... ít khi được trông thấy từ xa anh phu xe. Chờ lúc tránh nhau mới thấy anh Ba Đô đang nằm ngủ, cái nón lá úp lên mặt cho ruồi không bâu, nắng không chói.
Trừ khi xe đi ngoằn ngoèo trong đường rừng, hoặc đường đất vỡ hoang, lúc vượt dốc cây số Bốn hai, phải đi bộ cho nhẹ xe khi lên dốc và nắm cần thắng cho xe khỏi dồn khi xuống dốc, đến đường cái, Ba Đô nằm ngủ thẳng cẳng. Con bò do anh huấn luyện tự điểu khiển ôm tay phải kéo xe đi, tránh các đoàn xe qua lại an toàn. Đến nông trường bộ, nó quen đường cũ tự động rẽ vào, dừng xe trước cửa kho, lúc ấy Ba Đô còn ngủ, thủ kho phải đánh thức dậy.
Ba Đô ngủ nhưng chẳng ai phê bình vì mọi người đều biết anh thức dậy từ ba giờ khuya cho bò kéo ra hiện trường chứ không theo giờ hành chính. Năm giờ đến nơi, thả bò đi ăn đến tám giờ, khi công nhân đội sản xuất ra đến nơi bắt đầu làm việc, bụng bò đã no căng, bò kiếm bóng mát nằm nhơi cỏ.
Con bò Bô không biết chép miệng mỗi khi được ăn ngon như người có thức nhấm, nó chỉ biết lim dim đôi mắt ung dung nhơi cỏ trước khi tẩm dịch vị vào cỏ non để đưa nốt vào đến dạy dày số 4. Nhơi đã thèm, nó đứng dậy vươn vai cong đuôi tuông thoải mái xuống đất một bãi to, sau đó đứng im xả "bầu nước" trên mười phút mớt dứt. Tự do lúc giải nghề với nó cũng là một cái thú. Con bò lại nằm xuống, lại nhơi, lần này thư thái hơn, nó kịp nhìn ra bãi đất cày nắng chang chang, bao nhiêu con người, trai có, gái có mồ hôi ướt áo, bụi đất lấm đầy, hùng hục dưới nắng trưa, con bò tự hỏi: Tại sao họ không đến hiện trường sớm hơn giờ hành chánh, bây giờ họ đã xong việc, về nhà bế con tắm táp, bù khú với nhau có phải hơn không?
Từ khi Ba Đô phụ trách xe bò, anh chị em trong đội sản xuất bị anh chi phối như thể anh là đội trưởng của họ.
- Này các bà: Làm ăn kiểu các bà là luộm thuộm lắm, ai lại thu hoạch khoai củ bỏ chỗ này một khóm, chỗ kia một khóm, tứ tung minh tàng. Con bò Bô của tôi khó tính lắm đấy, nó không chịu kéo xe đi lung tung trong rẫy thu chỗ này năm ba củ, chỗ kia năm ba củ mất hết thì giờ. Làm ăn theo kiểu nông trường là phải theo bài bản, sản phẩm thu hoạch phải đánh đống theo trục đường đầu lộ, xe qua là người ta bốc lên đi ngay cho nhanh, củ quả nó mới tươi chớ. Đừng có mà chống chế! Tổ nào không làm thì từ chiều hôm nay, con bò nó không chịu chở giùm rau heo đâu. Dứt khoát! Các bà tự gánh về nhà chăn nuôi.
Các nông trường viên, vốn đa phần từ nông thôn lên quen lối làm ăn luộm thuộm, nhưng được cái ai nói phải là nghe theo, hơn nữa, chiều nào mỗi người đều có bó rau, dây khoai, cỏ thỏ, hoặc cải trời về chăn nuôi kiếm thêm, gánh cái bó ấy năm bảy cây số về nhà bã cả người ra chẳng chơi. Nghe theo Ba Đô, anh ấy cho gửi lên xe bò có hơn không.
Thế là con bò Bô gián tiếp dự phần xác lập một trật tự mới trong đội sản xuất.
Một buỗi sáng, ông Liễu già ăn hủ tiếu trong căn tin nông trường thấy Ba Đô đi qua:
- Xe đâu! Bây giờ còn ở đây mậy?
- Đi kiếm con bò, nó động hớn.
Ông Liễu cười khà khà:
- ừ, trước nó hết xí quách nên liệt luôn, bây giờ khỏe lên nó phải theo gái chứ! Nó giống mày. Sang đội gia súc mà tìm nó ở bên ấy, theo mấy con bò cái chớ không đâu xa. Cũng phải cho nó giải nghề, nhưng vừa vừa thôi, làm nhiều nó hết xí quách. Coi chừng mấy thằng ở đội gia súc nữa, nó ghen nó đập què ống quyển đấy...
Con bò Bô khỏe và mập lên trông thấy. Nó hồi xuân, lông nó mượt mà, da nó căng lên như có ai thọc vòi bơm hơi vào bụng. Chiều nào Ba Đô đi tắm ngoài suối cũng dắt nó theo cho trầm mình xuống nước, kỳ cọ bắt ve, về tới sân còn được liếm láp cả vốc muối.
Anh chàng đánh xe bò cũ đành chấp nhận quyết định chịu một cữ nhậu, có một con gà xé phay, đu đủ xanh nạo trộn với lạc chao dầu thứ phẩm giã nhỏ của nhà máy chế biến đồ hộp và hai lít rượu Trương Sá.
Nông trường họp bình bầu chiến sĩ thi đua. Đội đề cử Ba Đô với các thành tích: nuôi bò gầy nhom thành con bò béo tốt. Trước kéo xe ngày chỉ được hai chuyến, nay kéo được ba. Trọng lượng từng chuyến tăng, giải phóng nhanh sản phẩm thu hoạch, góp phần giữ sản phẩm không khô héo hao hụt.
Ai cũng sửng sốt khi Ba Đô một mực từ chối quyết định này. Anh kiên quyết không nhận, không tự nguyện viết bản báo công, tự cho là mình chưa có gì xứng dáng.
Trò đời vẫn thế, nếu anh từ chối một bổng lộc nào đó mà người ta ban phát cho, đầu tiên người ta sửng sốt cho anh có ý nghĩ ngược đời. Suy diễn rộng hơn người ta cho anh ngấm ngầm có bất mãn.
Dạo ấy, tôi, người ghi chép bài này, làm nghề đốt lửa lò sấy chuối của đội chế biến nông trường. Làm ca đêm giữa vùng núi Hòa Bình lạnh lắm, rét dù có đụp hết áo sống, đội mũ bịt tai cũng không chịu được, lại thêm cái lạnh lòng vì nhớ quê hương xứ sở miền Nam nữa.
Những đêm tôi trực, Ba Đô hay mò đến chơi. Tọng củi vào đầy lò xong chúng tôi chui vào phòng sấy chuối, bên dưới hệ thống ống dẫn hơi đốt chỗ cửa thông gió từ ngoài vào, không khí pha trộn rất ấm. Mấy anh em rút vào trong đó uống trà ăn chuối sấy.
Tôi hỏi Ba Đô:
- Cậu nghĩ gì mà không nhận chiến sĩ thi đua?
- Chỗ thân tình tớ mới nói với cậu, nhưng biết cậu có giữ bí mật được không?
- Sao lại nói như vậy? Giữa tụi mình với nhau?
Dưới ánh ngọn đèn chong tranh tối tranh sáng, tôi thấy Ba Đô nhếch mép cười:
- Làm láo mà ích nước lợi dân thì tao làm được, còn báo cáo láo để tâng công tao không chơi được đâu.
- Nhưng con bò Bô nó mập là một thực tế rõ ràng ai cũng thấy, cậu báo láo cái gì?
- Cái chỗ tao ăn cắp cho con bò ăn.
- Con bò ăn cỏ sao lại là ăn cắp cho nó ăn?
- Ăn khoai lang mì chứ, ăn bắp cải của kỹ sư Phạt trồng, ăn bắp, ăn dứa, ăn cám, ăn thóc... Chở gì tao cho nó ăn nấy. Bữa nào chở tre, chở nứa không có gì bồi dưỡng cho nó, tao nhỗ khoai mì, hai bụi là đủ cho nó ăn no rồi.
Cả lũ chúng tôi ngã ra cười. Còn Ba Đô thì nói một thôi:
- Chẳng qua là tớ thương con bò, làm nhiều mà ăn đói, còn tơ mà bước uể oải như ông già bảy mươi. Mấy ổng thấy dưới mõm con bò lúc kéo xe có treo lên sừng một cái sọt tre đựng cỏ. Mấy ổng tưởng tao cho bò ăn cỏ, cho là tao tích cực. Cỏ ở ngoài, khoai bắp ở trong đấy. Mấy ổng mà biết được sẽ giãy nảy lên... "Trong nhân dân ta còn đói khổ, không đủ lương ăn mà anh lấy khoai lấy bắp cho bò ăn???" Chẳng những sẽ thôi khen còn kỷ luật là khác. Lúc bộ đội còn đóng quân dưới đồng, thấy trâu cày đồng chiêm trong mùa gió bấc thiếu rơm ăn chết rét, tao hỏi mấy ông hợp tác, trong kho còn thóc sao không lấy cho nó ăn tạm để cứu trâu, mấy ổng bảo thóc là tiêu chuẩn của người, không được phép. Vài ký thóc mấy đồng bạc thì tiếc, một con trâu trị giá hàng vạn đồng, làm ra hàng năm cả tấn thóc thì để chết rét. "Trâu lại đổ rồi bác ạ!" - Cả làng mổ trâu vui vẻ đánh chén rồi sang năm khỏi phải cày mà cuốc. Cái đầu nông cạn của tao lúc ấy không giải thích được chuyện đó. Nhưng khi nông trường cho đi trại Ba Vì tham quan mấy ông chuyên gia cho bò sữa ăn mỗi con cả thúng khoai tây, tớ cũng thấy tiếc, bò ăn khoai tây, bột đậu nành... cha đời rồi. Nhưng người ta giải thích là lượng đổi chất đổi, ăn như vậy năng suất sữa sẽ cao, giá trị hơn khoai tây nhiều. Tớ nhiễm ý kiến của ông chuyên gia, chỉ có khác là khi muốn cho bò ăn khoai tây ổng có lệnh xuất cho ăn, còn tao muốn cho bò kéo xe ăn khoai lang thì phải bí mật gói khoai vào trong cỏ. Được dịp nào chở cám heo, dọc đường ghé quán chè kho, mượn cái chum tuôn cám ra quậy với nước giếng cho nó uống ba chum một lúc. Con bò ú như con heo, kéo xe mỗi ngày thêm một chuyến, lời quá đi chứ, tội gì không cho nó ăn?
Ba Đô đi về ngủ rồi, tôi ngồi một mình giữa đêm rừng lạnh lẽo, nhìn ngọn lửa bập bùng trong lò sấy, tôi nghĩ về cuộc sống... Người có đầu óc thực tế như Ba Đô vứt đâu cũng tồn tại có ích được.

*

Ba Đô đi phép 15 ngày về Thanh Hóa thăm anh em đồng đội ở Sư 330 đóng trong Thanh Hóa. Đâu ngờ thời gian ấy là một bước ngoặt lớn.
Nông trường đăng cai địa điểm đăng ký hội nghị của Bộ các Nông trường trong cả nước, các Phòng Ban Vụ, Cục cử đại biểu về đông đủ cả. Nông trường làm tiệc khoản đãi long trọng, dù sao cũng phải tỏ ra nông trường làm ăn khấm khá, tiếp tân long trọng, văn minh lịch sự. Thịt thà chăn nuôi mà có, rượu đội chế biến sản xuất, rau quả cây nhà lá vườn, đứng bếp có thợ lành nghề...
Ba Đô trở về, thấy xe lớn xe nhỏ đậu chật cả sân của nông trường bộ, cờ khẩu hiệu xanh đỏ treo giăng giăng, anh bước đến khu nhà dài của tập thể thấy người ta xúm đông xúm đỏ coi đập bò.
Con bò Bô đứng dạng hai chân trước ở giữa sân, cố chịu đựng để bám víu sự sống. Người ta luồn sợi giây vàm xuống một cái rễ cây nổi, ghịt mũi nó xuống sát đất. Một người đặt cây đinh tấc giữa đỉnh đầu nó. Cái búa tạ nện xuống một phát. Cây đinh cắm ngập vào giữa óc, con bò khuỵu trượt chân, nhưng bản năng của nó cưỡng lại, nó xoay nửa vòng dang rộng hai chân đưa đầu chịu đựng, cưỡng lại số phận. Nó không dám nhấc chân lên nữa, vì bước thêm là quỵ hẳn. Bốp bốp, lửa nháng trên đầu nó. Khi có tiếng hét:
- Mấy người làm gì vậy? Sao giết bò của tôi?
- Có lệnh!
- Đứa nào lệnh! Tao đánh bỏ...
Nhưng Ba Đô đã nhìn thấy cái đầu đinh giữa đầu con bò. Hết phương cứu. Anh quẳng cái ba lô xuống chạy vội lên văn phòng đội.
- Sao lại giết con bò?
- Vì nó mập...
... Tôi vắng mặt ở nông trường mười lăm ngày để đi học kỹ thuật sản xuất men rượu và men làm bánh mì trên nhà máy rượu Hà Nội trở về.
Gian nhà tập thể của hộ độc thân vắng teo. Chiếc giường cá nhân chín mươi phân dọn đi để lại dưới nền đất bốn viên gạch kê chân và hai chiếc dép lốp tuột quai.
Ông già Liễu bảo:
- Cũng may là hôm đó cô cấp dưỡng nhanh trí thấy đôi mắt Ba Đô đỏ ngầu nhìn vào xuất khẩu phần bữa tiệc cô bưng tới, nên vội vàng lui ra, nếu không chén đĩa loảng xoảng rồi. Chiều đó Ba Đô nhịn ăn, lấy rượu thay cơm. Bảo nó nếm thìa nước xáo của con bò Bô khác nào bảo nó ăn thịt của chính mình.
Ba Đô trận thượng xin chuyển về nông trường bò sữa Ba Vì, vì nếu còn lưu lại đây, ngày ngày cây đinh tấc ghim vào giữa sọ con bò Bô thương yêu cứ xỉa xói vào lòng anh, chịu làm sao thấu.
ít lâu sau tôi đạp xe lên Ba Vì thăm anh. Phải ra tận trại bò mới được gặp. Anh đang lom khom vắt sữa bên cạnh những anh hàng binh Âu Phi đang làm công nhân nông trường ở đây.
Anh mừng rỡ siết tay tôi vỗ vỗ lên lưng con bò sữa.
- Suốt đời tôi sẽ làm bạn với những con vật hiền lành này. Chúng phục vụ vô tư và không hề biết vụ lợi...