Phần Kết

Căn nhà nhỏ của bà Tư cũng có vẻ khác thường như bà, nền nhà cứ nâng cao dần cho tới khi nó gần như đụng trần, lý do tại nó ở gần một con kênh nước cứ dâng lên sau những cơn mưa. Từ đàng xa nhìn lại, căn nhà nằm trong một cái hẻm sâu hun hút, như một cái giếng, điều nầy khiến cho ông Ba cách mặt cô em gái của ông, coi bà giống con cá bông nuôi trong giếng của ông Nội ông hồi nhỏ, có điều, con cá nầy hiền lành tội nghiệp. Ông Ba vẫn ngồi trên cái thùng sắt nhỏ loại người ta đựng đạn, bây giờ mấy ông sửa xe lề đường hay dùng đựng kềm búa, nhìn nó ông nhớ nhiều nỗi khổ nhục cho ông, cái thùng phế liệu chiến tranh nầy không biết ai cho bà Tư, bà Tư chứa mấy cục nước đá, để dành chườm đầu, mỗi khi trời nắng, vết thương cũ bị dao chém của bà nhức nhối, trời trở lạnh hay lúc chiều xuống, đầu của bà như bị ai đóng đinh.
Bà Tư sống như một người có hai cõi miền khác nhau, nửa tỉnh nửa mê, một cõi trên và cõi trần ai. Bà cười, trong con người khô héo nầy vẫn không mất vẻ hài hước:
- Bây giờ không biết lúc nào mưa lúc nào nắng, mà mưa lớn mưa nhỏ gì nước cũng ngập tràn, ngập triền miên. Có buổi em đang nằm ngủ trên giường bỗng thấy nước mấp mé giường, em làm biếng, thôi thì... kê thêm cái bàn lên giường rồi nằm lên ngủ tiếp, một lúc sau nước đã leo sấp sỉ mặt bàn, em độn trên cái bàn bằng mấy cái thùng. Nước lại dâng, rốt cuộc anh Ba biết sao hông? Cao riết rồi lỗ mũi của em đụng mái tôn, anh thấy đó em cứ cái nâng nền nhà lên tới trời.
Ông Ba cũng cười:
- Sao em không nâng mái nhà.
- Em quên, mà như vậy thì được cái là càng ngày em càng gần ông trời.
Con mèo nãy giờ cứ nằm yên, nó ngắm nhìn con chuột lắt nằm “chết cứng” trước mặt nó, con chuột chưa chết mà cũng không dám nhút nhít, nó tê dại trước cặp mắt thôi miên của con mèo. Cảnh nầy diễn ra thường xuyên, trong nhà bà Tư, con mèo già lạ thường, nó “ăn chay” không ăn thịt chuột, nó chỉ vui chơi, vờn chuột, mà lần nào ngày nào, cũng vẫn là con chuột tội nghiệp nầy.
Bà Tư đã trở về với bộ não trẻ con. Bà không nhận thức đúng hết tất cả mọi việc diễn ra chung quanh, kể cả chuyện con mèo gian ác với con chuột lắt, người đàn bà cô độc nầy lần hồi mất những khái niệm thời gian, không gian, lẫn hoàn cảnh hiện sống trong những câu chuyện hàng ngày bà hay kể, nhiều lúc bị “chinh” chuyện cũ mà với bà như là nó mới diễn ra mới đây. Nhà bà hoàn toàn thiếu tiện nghi, chỉ duy nhứt cái máy truyền hình Toshiba cà khổ cũ sì, của ông Ba đem tới hôm nào, là vật văn minh nhứt, nó nằm cạnh cái cà ràng đốt bằng lá dừa, cái nồi đất ám khói, màu gạch cua, gió từ dưới dòng kênh đen thổi lên mùi bùn sinh, buồn buồn, bỗng bà Tư buột miệng nói:
- Đêm đó thiệt là vui!
Trên tay bà vẫn còn cầm tấm hình của chị Phương, thật kỳ lạ bà chợt ngã người như né tránh những lưỡi dao, từ cõi nào xa xăm nó bay trở lại sáng lập lòe như những con đom đóm trong mắt bà. Tai bà nghe tiếng trống rè, tiếng kèn văng vẳng. Bà Tư run rẩy đưa hai bàn tay ốm nhom tới đàng trước, ông Ba cầm bàn tay em của ông, nó lạnh như một xác chết.
- Em tôi nói đúng, đêm đó vui thiệt, gió thổi tung mảnh vải trắng dùng chiếu phim, gió thì lúc nào cũng là gió không phân biệt thời gian, không già đi và lúc nào cũng vô tình. Trên những dòng sông mênh mông gió thổi về cái rạp hát nóng bừng nhộn nhịp nầy đây, người ta như điên dại rồi, bàn tay trái yếu ớt của tôi cố giữ cho vững tấm ván phóng dao. Bàn tay phải to lớn chai sần nhọc nhằn tật nguyền cũng của tôi, như bàn tay Quasimođo kéo chiếc chuông nặng trên gác nhà thờ, cố gắng đưa tới trước tấm ván, tìm và cố nắm chặt bàn tay em tôi, nó đã lạnh như bàn tay người chết.
Tôi nhìn thấy Mẹ tôi hớt hải chạy vô sân khấu bằng của hậu, tôi lại nhìn ra cửa trước, qua hàng ngàn chiếc đầu người, thoáng nghe tiếng súng nổ, những thứ tiếng lạ thường khó chịu như một cuộc tra tấn. Tôi thấy Điệp ngả nghiêng trong quá nhiều bóng đen vây quanh anh, trong lúc đó tiếng reo hò của khán giả kéo tôi trở lại với những gì đang diễn ra trên sân khấu. Tiếng “rền” chưa bao giờ lớn hơn, nó như được nhân lên gấp một triệu lần của sự khoái trá, những con cá bị kích động dữ dội, một số lớn quẫy đuôi nhảy con, một số khác dửng dưng...
Anh tôi cứ lau hai bàn tay của anh vào chiếc khăn, em tôi chuẩn bị thế đứng cuối cùng của tiết mục tệ tàn nầy. Thế đứng cúi đầu chịu mười hai lưỡi dao cắm chung quanh, chú Tài “say” run rẩy bên cạnh tôi làm cho người ta càng ngộ nhận đó là miếng giễu, tiếng cười góp lại thành một tiếng “rền” kinh hồn. Một thượng thọ hình của kẻ tử tội vô cùng hấp dẫn. Ở ngoài sau tấm ván, cơn điên của tôi trở về, lập tức trong tiềm thức tôi sống dậy những hồi kèn trận mạc, tôi nắm chặt cái cán dao, vẫn giắt trên thanh gỗ phía trên tấm ván. Cơn điên mà tôi sợ nhứt đã tới như cơn bão lớn, hai bên tai tôi lạnh băng, tôi ở trong một cơn sốt cao độ, người tôi nhẹ tênh lấm tấm mồ hôi, nỗi phẫn uất cuộc sống nghèo hèn, phẫn uất nỗi ngang trái, âm ỉ từ lâu trong tôi bộc phát. Tôi phát khóc lớn như đàn bà, tôi vừa là một kẻ nhu nhược gà chết, vừa là một tên hung bạo tiềm ẩn. Tròng mắt tôi giật ngược, cay xè, với bầy đom đóm lập lòe bay nhức nhối, tôi u muội chẳng còn là tôi, không còn là đứa con hiền lành của Cha Mẹ tôi nữa. Giờ đây tôi đang ở trên đỉnh phẫn nộ.
Điệp ngã té và cố gắng đứng lên nhưng mắt anh sưng vù, anh đã mù, từ đàng xa, vụt thoát ra khỏi rạp hát là những tiếng reo hò, anh Tùng với chị Phương đứng bên cánh gà, ngoài kia Điệp loạng choạng chạy, nhưng một cây ba phân vuông của kẻ hợm hĩnh nào trong bọn du đãng đập mạnh vào gáy anh, đám người sói lôi anh lên thành cầu, một tiếng súng đanh gọn, Điệp ngã từ thành cầu xuống dòng nước đang chảy xiết.
Chú Thành ngơ ngác trong vô thức, chú vẫn giữ nhịp trống trên mảnh da dê khô khốc, nó rên lên nhiều tiếng rè kỳ lạ, anh tôi bắt đầu phóng những lưỡi dao cuối cùng Ngay từ lưỡi dao thứ nhứt, nó đã không cắm vào tấm ván. Nó rớt xuống sàn ván, nếu như vậy, chỉ có thể nó chém vào một vật cách tấm ván, một khoảng cách bằng nửa đốt ngón tay, một vật mềm hơn, cái vai em tôi.
Con chuột vẫn nằm yên trước cặp mắt xanh rì lạnh lẽo như hòn bi của con Mèo, một chút gió nhẹ làm run run mấy sợi râu của nó, mọi thứ vẫn như nằm yên như vậy từ lâu trong nỗi chán chường. Bà Tư vẫn nói:
- Em cúi mặt xuống nhìn mảnh ván dưới sân khấu, biết bao nhiêu lần em vẫn nhìn xuống chân mình để khỏi thấy những lưỡi dao. Lần nầy em nhìn máu của em nhỏ xuống đó, một lưỡi dao chém vào bả vai, ban đầu em không thấy đau... mà ngạc nhiên, bởi gì em đâu ngờ như vậy. Sau đó trộn lẫn với cái đau và những giọt máu em mới cảm thấy mình buồn rầu làm sao. Trên thế gian nầy chắc chỉ có một mình em là có được nỗi buồn đó anh ơi.
Ở khoảng cách mười bước chân, từ chỗ đứng của người phóng cho tới chỗ lưỡi dao dừng lại, nó gặp một vật cản.
Lưõì dao có khá nhiều thời gian quay cuồng, mà khi phóng đi người phóng dao đã chồm tới nửa thân mình, như vậy lưỡi dao sẽ ở thế chém phập vô tấm ván. Có lẽ anh tôi tránh mũi nhọn, khi anh biết rằng mình mất tập trung Nhưng nếu như vậy, khi mà lưỡi dao bay lệch ở chiều ngang, vì gió tạt lập tức nó phải xê dịch qua những “ô vuông” luật thăng bằng. Chính xác, nó gặp cái đầu của em tôi, vật cản trước khi lưỡi dao đáng lý cắm vào tâm ván.
Tôi đã đứng suốt thời thơ ấu của tôi sau tấm ván phóng dao, hằng đêm tôi nhìn những lưỡi dao bay, rồi tôi tập phóng những lưỡi dao, trên những bờ sông vắng, để mà nhìn cho tỏ tường đường bay của nó. Chỉ cần lệch một chút thôi, thì chuyện sẽ khác hẳn, như tôi đã hết sức chứng minh, một con người, không cách nào tránh khỏi một vài lần vô ý phân tâm. Bây giờ ở ngoài trước tấm ván đã có người bị sát thương, với đám đông nhân chứng cuồng nộ, kẻ gây nỗi bất hạnh còn đứng đó, cơn giận trong tôi bừng lên như ngọn núi lửa. Tôi buông ngã tấm ván phóng dao, chú Tài “say” chồm người ôm em tôi chạy đi, nó quỵ xuống mặt sân khấu. Tôi thấy mình không cần ẩn trốn ngoài sau tấm ván làm gì nữa, tôi không chịu nổi ám ảnh của một tội ác, mà chính tôi cũng là kẻ tham gia.
Tôi đối diện với nỗi khao khát tột đỉnh của mình: hành động, tôi tiếc là đã không hành động ngay từ đầu, em tôi quỵ xuống ôm cái đầu nhỏ của nó, chút tóc lưa thưa bê bết máu, máu thấm đỏ chiếc áo sơ mi sa-ten trắng của nó, thấm xuống chân mang đôi giày ba-ta trắng tinh, cánh hoa lục bình trên tóc nó cũng nhuộm máu. Tôi thấy chị Phương từ trong cánh gà chạy nhanh ra ôm chầm lấy em tôi, chú Tư Trắng vội vàng kéo nhanh tấm màn nhung lại, nhưng điều đó làm cho đám đông trước tấm màn nhung thêm tò mò, họ hò nhau leo lên thềm sân khấu, làm đổ nhào cả dàn nhạc đệm. Kéo rách cả tấm màn nhung vốn đã rệu rã, ngoài sau tấm màn là một hoạt cảnh, nhiều con cá phẫn nộ xông thẳng vào anh tôi, anh Tùng ngăn họ lại, anh tôi như người mất hồn, anh đứng ngây người với hai hàng nước mắt. Trong lúc đó bàn tay phải của tôi cầm chặt cán dao, tôi nhìn thấy người đàn ông có đôi mắt cá chết, từ chiếc máy chụp hình cổ lổ của ông ta phát ra một ánh sáng loé mắt. Bất ngờ tới nỗi chính tôi cũng bàng hoàng, tôi cầm dao xông thẳng vào anh tôi... nhưng anh Tùng, chính là anh cầm thật chặt cổ tay tôi. Anh Tùng mạnh mẽ với đôi mắt biết nói, anh cố dìu tôi vào một góc sân khấu, vuốt cái đầu nóng hầm đầy mồ hôi của tôi. Gắng tước đi con dao, nhưng kỳ lạ làm sao, lúc nầy tôi mạnh hơn anh, tôi vẫn còn cầm chặt con dao và tôi cứa cái lưỡi bén ngót của nó vào cổ tay tôi, máu từ đó phun trào ra, tôi cụng cái đầu trọc của mình vào tường. Tôi cúi người đập cái đầu trọc của tôi xuống sàn sân khấu, tôi quỳ lạy tất cả mọi người chung quanh, tôi chỉ nói được hai tiếng: Trời ơi!
Em tôi được chị Phương, chú Tài “say” và Mẹ tôi đưa vào trong, vài con cá cũng phụ giúp, chú Thành với chú Bảy Hơn từ dưới sân khấu hốt hoảng chạy lên. Tôi thoáng thấy khuôn mặt của Cha tôi. Ông nhìn tôi ngạc nhiên và có vẻ giận dữ, còn Mẹ tôi ôm ngực ngất xỉu bên cạnh em tôi, tôi lại càng làm cho người ta hốt hoảng hơn, tôi nhào tới chém nát tấm ván phóng dao, tôi chém vào những hàng ghế ngồi, anh Tùng chạy theo tôi ôm tôi lại. Anh không thể làm gì khác hơn là trói tôi vào một cái ghế, anh lấy lưỡi dao ra khỏi tay tôi, tôi nghe tiếng anh khóc, trên mặt tôi đầy máu và nước mắt.
Con Mèo coi bộ chán cái cảnh phải nhìn con chuột, nó không thấy gì vui, cho nên lim dim ngủ, chú chuột lắt cũng nằm im một lúc. Bỗng nó thoát chạy nhưng con Mèo đưa chân giữ chuột lại, trong khi mắt nó vẫn nhắm, con chuột lại nằm im một chỗ, buồn hiu.
Bà Tư nhìn tấm hình ba anh em bà lúc còn nhỏ, anh Hai đứng cầm những lưỡi dao, anh Ba làm chú hề con, còn bà thì đứng trên cái thùng gỗ trước tấm ván phóng dao mỉm cười. Tấm hình chụp trong tiệm coi có vẻ hiền lành và làm dáng, nó đã được vẽ trên tấm panô quảng cáo, khác hẳn cái ác liệt khi biểu diễn trên sân khấu:
Hai anh em bỗng cười khan, bà Tư nói:
- Thôi quên đi để mà sống chớ, phải không, sau khi sống lại em nghiệm ra một vài chuyện hay. Cuộc sống nào tạo thành nhân cách đó, anh đã cư xử hung bạo nhưng ở trường hợp nầy em và chị Phương nói là đúng, mặc dù anh quá điên, nhưng nếu như anh, em cũng phải điên. Chúng ta là ruột thịt, điên vì lẽ đó, máu chảy ruột mềm. Anh đâu có biết, tối hôm đó trước khi mở màn, chị Phương cho anh Hai biết tin, chị có thai, Cha chị nói chị phải về nhà ngay lập tức. Ông muốn gả chị cho người khác một cách gấp rút, anh Hai mình phân tâm là đúng, nhưng tức cười sự phân tâm của người nầy lại ảnh hưởng nặng nề tới nhiều người khác. Hay là sự vô tình của ai đó trong một hoàn cảnh lớn hơn, lại vô cùng nguy hiểm cho tất cả. Em chỉ không hiểu, tại sao anh Hai lại cố gắng phóng thêm những lưỡi dao cuối cùng.
Chiếc xe đạp của ông Ba dựa hàng rào, bỗng nhiên ngoẻo đầu ngã đùng nằm ngang. Hai anh em ngầm hiểu đó là sự biểu lộ của vô tình, vô tình trong hàng ngàn sự vô tình của mỗi ngày qua và những ngày tới. Nó như gió làm rơi chiếc lá, hay là ngọn lửa thiêu đốt một cái gì lớn hơn.
Bà Tư mỉm cười:
- Căn nhà nhỏ nầy, đúng hơn là cái chòi nầy, là tất cả những gì mà em dành dụm mấy chục năm nay, sau ngày gánh hát của Cha rã, em thì sống một mình, chẳng có chồng con vướng bận. Anh nghe em thử tính như vầy coi được hay không, em tính bán căn nhà nầy, nghe nói sau khi phóng con đường lớn chạy ngang qua, nó sẽ có giá, em gởi anh Ba chút đỉnh hộ thân, anh già rồi mà trong tay không có gì hết, còn bao nhiêu em gởi Cha Mẹ mình, lúc tuổi già, phần em em sẽ vô sống trong tu viện với mấy dì phước.
Ông Ba nói:
- Anh có cần gì đâu.
- Phải có chút đỉnh với người ta, chẳng lẽ anh cứ sống một mình hoài, anh còn phải có vợ có con chớ.
Bà Tư nhìn người anh cõi trên của bà, bao năm rồi mà ông vẫn còn như đứa con nít, ông Ba mắc cỡ má ửng đỏ coi thấy thương, chống chế:
- Anh già rồi, ai thèm thương mà lấy.
Bà Tư lại hài:
- Tại anh vũ khí đá, nên chín héo, chưa già, có một người để ý thương anh mà anh không biết. Đó là Loan, con nhỏ bạn em, hồi đó nhờ anh viết dùm một cái truyện ngắn nhớ chưa.
Ông Ba giật mình, năm tháng trôi qua thiệt là mau, mà ông vẫn không có nổi một mái nhà hay một mối tình vắt vai... Loan... Ông cố nhớ mà vẫn mù mờ, à thôi rồi, một khuôn mặt lém lỉnh dễ, thương, bạn học của bà Tư. Ông nhớ Loan, nhớ cô bé ngày nào nhờ bà Tư nói ông giúp dùm một chuyện lạ lùng, có lẽ vì thấy ông suốt ngày đọc sách, viết viết vẽ vẽ, nên nghĩ rằng ông là một “nhà văn” ông bèn viết một câu chuyện... ma tặng Loan, từ đó Loan phát sợ và mất tăm.
- Anh đúng là “người cõi trên”. Thiệt ra, người ta muốn anh viết một lá thơ tình mà!
Ông Ba cười:
- Thôi vậy cũng được rồi.
Một hôm Loan lại tới, ngần ngừ một chút Loan nói:
- Anh Ba ơi, anh mà như vậy hoài chắc em phải... nhờ người khác!
Ông Ba cứ tưởng Loan muốn viết truyện ngắn, ông không thể ngờ trên đời nầy có một người con gái yêu nổi mình, cho nên ông nói: vậy cũng được? Sau đó Loan có chồng, sống biền biệt trên một hòn đảo, tức cười là cô ta vẫn giữ câu chuyện... ma ông viết cho mình, giờ mới là nghe bà Tư nhắc lại:
- Loan nó còn thương anh, nó sống không có hạnh phúc!
Chuyện tình yêu ngẫu nhiên nầy làm cho ông Ba “tươi” lên một chút nhưng không “tươi” lâu, ông héo đi như cũ. Ông vốn thụ động, nhút nhát, lại còn khắc kỷ tự ti, còn Loan, sau đó một thời gian, đã hơn hai mươi. Các cô gái tuổi cỡ đó khó thể ngồi chờ một kẻ sống mê muội dốt nát như tôi, mới sinh ra đã cười, lại là “người cõi trên”, nhiều cố tật vụng về, tôi không dám yêu ai ngoài Phương, dù yêu chỉ mỗi một mình. Tôi cũng không dám tin trên đời có người con gái điên khùng nào dám yêu tôi, trong tôi luôn phản kháng lại tất cả những gì thuộc về hạnh phúc. Nếu như tôi có một gia đình, chắc tôi cũng chẳng làm tròn trách nhiệm làm chồng làm cha, tôi luôn từ chối hơn là nhận lấy.
Bà Tư nhìn người anh lạ lùng của bà với nụ cười buồn, không chắc gì bà lại khá hơn dưới mắt ông anh mình, căn nhà nằm sâu trong hẻm cụt của bà như bì bỏ quên, con mèo nằm dim mắt làm bộ ngủ, con chuột chờ thời. Khi nào nó nghĩ rằng mình có cơ hội, nó vụt chạy thì lúc nào cũng có cái chân đầy móng vuốt của con mèo giữ lại, không một lối thoát thân. Hầu như tất cả đều bế tắc, trong cái vòng lẩn quẩn di truyền ác tính do di truyền hay do hoàn cảnh sống, cứ vẫn còn là một câu hỏi khó trả lời trong trường hợp như thế nầy làm cho người ta ngần ngại cả khi yêu, ám ảnh bệnh hoạn về tình dục. Sợ hãi chuyện hôn nhân, và canh cánh nỗi lo có những đứa con khác thường.
Ông Quản và vợ ông tới nơi thì có người nhìn thấy xác Điệp trôi vướng vào bụi gai ô rô cạnh gốc cây khô, ông vốn thân quen với các chức sắc, nhưng chỉ ở địa phương của ông. Rừng nào cọp nấy, chánh quyền sở tại còn nói về vụ chiếu phim chào cờ, khiến cho ông sợ liên luỵ, ông Quản nổi nóng:
- Gánh hát Sơn Đông mãi võ của ông là thứ gì mà tôi phải hùn hạp. Ông là cái giống gì mà tôi phải nói chuyện với ông, con chó tôi còn thương được, ông thì không.
Cha tôi cũng nóng, cả hai suýt đánh nhau vì chuyện anh Điệp chết và chuyện chị Phương với anh tôi. Mẹ tôi khóc mà Mẹ chị Phương cũng khóc, cuối cùng ông Quản đem máy chiếu phim lên xe, ông nói với anh Tùng phải tìm bắt Phương về luôn với ông...
Trong đêm đó, chị Phương ôm em tôi vào hậu trường, áo của chị vấy máu. Em tôi bị hai vết thương, một nơi bả vai và một sau gáy, vết chém ở bả vai chảy nhiều máu, còn vết sau gáy lại không. Bác sĩ nói vết nơi gáy gay go hơn, nó có thể biến chứng về não, em tôi nằm như xác chết, có lúc nó mở mắt nhưng không nhận ra ai, nhịp tim yếu, hơi thở không còn nghe thấy. Bịnh viện huyện nhỏ không đủ liều gây mê, khi khâu chỉ vết thương bả vai và sau gáy cho nó. Mẹ tôi ôm mặt khóc, bà vốn bị nhồi máu cơ tim, sau đó chính bà cũng nằm bịnh viện chung một phòng với em tôi.
Người ta phải còng hai tay tôi lại, cột cứng tôi trong hàng ghế dưới rạp vì sợ tôi lại nổi cơn điên, con chó cứ quanh quẩn bên tôi, nhưng cả hai không có gì để ăn, tôi không thấy đói khát gì, nhưng con chó đói cứ rên hư hữ. Tôi cứ gào lên từng cơn, cho tới khàn tiếng, lịm đi, khi tỉnh lại tôi thấy ai để bên cạnh mình một ổ bánh mì, nhưng rồi tôi cũng không ăn, cho tới khi ổ bánh mốc xanh, con chó cũng không ăn, vài ngày sau nó nằm chết bên cạnh tôi. Suốt đời tôi không có một người bạn chân thành nào như nó, cho tới khi nào tôi chết, tôi sẽ tìm con chó nhỏ mà tôi gặp được trong giấc chiêm bao, có lẽ vì vậy mà những ngày vừa qua nó... không có thật?
Người ta đem con chó đi hay nó biến mất lúc nào tôi không biết, đổi lại là lũ ruồi xanh, lũ ruồi vo ve đeo bám dai dẳng trên mắt mũi tôi. Trên khuôn mặt dị dạng của tôi, với hai bàn tay bị trói chặt, tôi không thể nào xua được chúng, anh tôi ngồi hoài trên một cái ghế, cứ ngồi như vậy nhiều ngày. Cha tôi bỗng nhiên khác hẳn, tóc ông bạc trắng, ông vốn vô lo lại không kham những chuyện khó, cho nên khi chuyện xảy ra nó quật ông ngã chúi. Nhứt là sau buổi nói chuyện với ông Quản. Cha tôi chợt nhớ rằng ông vẫn là một con người hèn kém, ông hiểu ra và tự trách mình lâu nay sao khinh bạc với đồng tiền, bởi lẽ ông khác người, ông thú vị và tự hãnh diện với vẻ nghèo đầy đau đớn của mình. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, ông vẫn không thể có cái ranh mãnh của kẻ kiếm được nhiều tiền, qua mồ hôi người khác như ông Quản.
Người ta cứ bỏ mặc tôi trong cái xó tối tăm muỗi mòng vào ban đêm và lũ ruồi xanh khi ngày lại tới, tôi không hiểu tại sao mắt tôi ráo hoảnh. Cha tôi khóc, lần đầu tiên tôi thấy ông khóc, ông uất hận vì mình nghèo, chị Phương nói:
- Thưa bác Hai, con không phân biệt ai giàu ai nghèo, kiếp nầy con không được làm vợ ảnh, được làm dâu của hai bác. Thế nào con cũng chết, con xin lạy bác một lạy nầy, bác chứng cho lòng thành của con...
Cùng đi với ông bà Quản còn có một người đàn ông, người nầy đã xin cưới chị Phương, trước khi ông trời xui khiến gánh hát trôi dạt của Cha tôi ghé ngang Tân Hiệp.
Người nầy tướng mạo nghiêm trang, coi xứng đôi với chị Phương. Nhưng cô con gái nhà giàu ưa đọc tiểu thuyết diễm tình, lại ngã lòng theo một chuyện tình lãng mạn hơn, màu sắc hơn, nhiều kịch tính hơn là sống với một người chồng khô khốc.
Lạ lùng thay người đàn ông nầy lại tỏ ra chú ý tới tôi. Anh ta hay nhìn về phía tôi hơn là ai khác. Trong một cuộn chỉ rối tung của quá nhiều chuyện hư hư thực thực tôi khó lòng biết hết, nhưng tôi nhìn thấy chị Phương lảng tránh người nầy, anh ta cứ đi thơ thẩn, bối cảnh gánh hát có vẻ lôi cuốn anh ta, từ những hàng ghế trơ trọi cho tới tấm màn nhung cũ rách, tôi thấy anh ta cứ ngước nhìn đàn dơi rồi lại nhìn tôi. Bỗng nhiên tôi thấy sợ tôi chợt khám phá có một cái gì gần như dối trá dưới đuôi mắt hắn và cả trong câu nói đầy nước mắt có vẻ ca kịch của chị Phương. Từ khi Điệp chết, gánh hát của Cha tôi bị tạm giữ, tôi lo lắng vì những dự cảm lúc nầy diễn ra đầy hình ảnh trong cái đầu quay cuồng của tôi hơn, nó cứ lập lại, không phải là giấc mơ vì tôi còn thức.
Anh tôi với hai tay bị trói như tôi, và anh đứng trước một số người tra hỏi anh, trong đó có một người mang máng như người đàn ông đang đi tới gần tôi.
Người đàn ông nầy... cười, cười khi đi trên đường chéo góc sân khấu, nơi những con dơi kêu chí chóe, và cười, cho tới lúc anh ta ngồi hẳn trên chiếc ghế bên cạnh tôi.
Chính chiếc áo sơ mi trắng ngắn tay của anh ta làm cho tôi sợ, nó gây cho tôi bất an, từ đường chỉ may cho tới nắp túi áo, dù không có cầu vai nó là chiếc áo cảnh sát.
Những tia nắng đan chéo, lóe mắt, từ trên trần rạp hát chập choạng cánh bọn dơi, vẫn không ngăn tôi kịp nhìn thấy nhiều người lạ, mặc thường phục lảng vảng đâu đó chung quanh con người nầy. Có hai người gác nơi cửa lớn, một người ngồi trên sân khấu, còn những người khác ẩn hiện đó đây như ma trơi.
Dự cảm báo cho tôi biết, người đàn ông với hai bàn tay móng cắt sạch, đang ngồi cạnh tôi là một thế lực. Vẻ chăm chú của anh ta khi nhìn mọi sự làm cho tôi chạnh lòng, lo cho anh tôi, tôi thấy một căn phòng u ám mà chú Tư Trắng có lần nói, nó chính là phòng tra tấn. Tôi độ là nếu như chị Phương cứ trốn tránh không chịu về nhà thì hệ luỵ đó sẽ thuộc về anh tôi.
Tôi đã không nói gì, hoặc tôi đã nói khác đi, tất cả mọi sự, nhứt là khi người nầy hỏi nhiều về Phương và anh tôi. Tôi tránh chiếc bẫy trong cái lưỡi của anh ta và lần đầu tiên, tôi nhìn nhận tôi không hề là người bị tâm thần, mặc dù tôi diễn vai ngây ngây dại đại... nhưng tôi tinh khôn hơn là tôi tưởng. Ngày chị Phương ra đi là ngày tôi chợt thấy mình tan biến như khói sương, tôi chỉ còn là trái tim tôi. Tôi cũng yêu Phương như anh tôi và tôi sợ là còn hơn hẳn như vậy, mặc dù khi chị khóc tôi mang máng nhìn ra có điều không thật! Năm tháng trôi qua tôi vẫn cứ yêu cái không thật đó, trời ạ, chính ra một chút thật một chút giả đã là thói đời, và tôi cũng quen đi tới nỗi không phàn nàn gì. Tôi lại là kẻ luôn lỡ hẹn, lỡ hẹn ngay chính với tôi, phải chi tôi sinh ra đẹp hơn, sớm hơn, bằng như tuổi Phương, dù sao cho tới khi tôi già đi tôi vẫn cứ là một thằng con nít, túi không có gì mà cũng không hề dám có một ước ao nhỏ bé, như hôn một người con gái.
Tôi nhận ra một cách thản nhiên và... muộn màng. Tôi đã không chọn mà có cuộc đời bất trắc và khổ ải cho mình, tuy nhiên điều đó thú vị thật, số vốn nầy quá lớn mà lại ít ai có! Ông tôi, Cha Mẹ tôi, anh em tôi, nào đã chọn, tất cả đều trong thế bị động. Cha tôi có một người em trai, một cha khác mẹ, người nầy sinh ra tại Lái Thiêu anh em tôi kêu chú là chú Út, tên thường gọi là Chạy, có người sinh ra và chết một nơi, cuộc đời phẳng lặng vô danh, chú Chạy là một người như vậy. Tôi lại nghĩ khi con người chết đi người ta không chết hẳn, mà còn sống trong hình hài của con cháu, chú Chạy giống hệt ông Nội tôi, tướng thanh mảnh, dong dỏng cao, da trắng xanh, mái tóc den dài. Cha tôi không giống ông tôi, nhưng sau đó anh tôi lại giống chú Chạy như khuôn đúc.
Cả nhà tôi ở lại Lái Thiêu sau đêm em tôi ngộ nạn, nhà của chú Chạy sau đình thần, bên cạnh khu nghĩa địa. Nơi đây hầu như bị người ta bỏ quên, và có lẽ không nơi nào tôi biết lại có nhiều cây cỏ không tên như ở đây, phần nhiều là dây leo nó sống chùm gởi trên thân cây đa, và bao trùm những ngôi mộ, nó có chùm trái nho nhỏ màu tím, khi nó chín lại trở màu đỏ bầm, chú Chạy nói nếu ăn nhầm một trái cũng đủ để chết. Mỗi đêm trong khu nghĩa địa từng bầy đom đóm hiện về với hằng hà ánh chớp tắt lân tinh, như ma trơi, còn ban ngày, đất nóng bốc hơi như thiêu như đốt. Tôi cứ nhìn những chùm trái của sự chết nầy một cách tò mò và thèm thuồng.
Ngoài ra toàn là cỏ, cỏ mọc cao hẳn đầu người, tràn lấp lối đi về, mỗi khi chiều xuống chậm chạp một cách chán chường cho tới hoàng hôn và trời tối đen kịt, tôi nhìn thấy một ánh đèn leo lét đàng xa trong lao xao cỏ dại, bên kia những vòm cây và những ngôi mộ. Anh em chú bác trong gánh hát đã bỏ đi, để sống, Cha tôi trở lại nghề nhổ răng, mỗi sáng ông bày một cái bàn nhỏ bên hông chợ, trên bàn có cái khay đựng đầy răng với những cái kềm hoen rỉ, tôi cứ nhìn cảnh Cha tôi vặn những cái răng khỏi xương hàm nhiều người, với máu đỏ rực trên miếng bông gòn nực nồng mùi cồn 90 độ, mà buồn, làm người nhổ răng và cả người bị vặn răng không có gì là sung sướng. Ông bầu gánh Nghệ Tinh đã không thân vinh, mà trên gương mặt đầy âu lo, vì tiền, nếu sống cho đủ tuổi để chết, thì khác với suy nghĩ của nhiều người, tôi e rằng kiếp người quá dài, như Cha tôi. Hạnh phúc thay cho con đom đóm lập lòe chỉ một đêm. Nhà của chú Chạy phân nửa của chú, còn nửa kia là của người chết, cánh cửa vào nhà là cửa nhà mồ, nó bằng những chấn song, cái bàn là tấm bia đá còn rõ nét chân dung một người đàn bà, với hàng số năm sinh và ngày tử. Một ổ mối đùn nơi chú đặt cái trang nhỏ, cắm nhang, chân nhang cũ và tro tàn vương vãi.
Tôi đói tới mức ngây dại và lần thứ hai, sau khi ăn cắp rượu của Chúa, tôi ăn cắp cơm cúng của người chết, chung quanh những ngôi mộ. Còn lần thứ ba, tôi ăn cắp một mẩu bút chì vụn, nó chỉ bằng đầu ngón tay, sau những hành vi nầy, tôi có một cảm giác mạnh, thấp thoáng chút lo sợ bị trừng phạt... Tuy nhiên, dù sao, tôi cũng vượt qua khỏi thân phận mình, một cái tôi thụ động và nhút nhát...
Sự trừng phạt “đáng kể” khi Cha tôi thấy trong túi áo tôi có mẩu bút chì vụn, không hiểu sao ông cứ nghĩ tôi luôn luôn là một thằng chẳng có gì trong túi. Mặc dù ông nghĩ... đúng và tôi là một kẻ cắp, tôi bị quỳ gối trên một miếng gai xơ mít, bỗng nhiên tôi cười, trong sự tủi thân tàn tệ. Rồi tôi nhớ, chính Cha tôi cũng quỳ trên miếng xơ mít khi ông Nội tôi trừng phạt Cha tôi, ở một hoàn cảnh bị động ngày nào, nay ông chủ động hơn... vì có tôi là con. Hoá ra nhục hình nầy là một thói quen nhiều đời, ít khi đem lại kết quả, nó tạo hờn oán, làm xa cách cha và con, sao người ta không ca hái, hay làm thơ để dạy dỗ những đứa con của họ. Tôi không khóc được, vì vậy mà tôi phải quỳ trên miếng xơ mít lâu hơn, ở trường hợp tôi lúc đó khóc là biểu lộ của sự hối cải, để Cha tôi nguôi ngoai, mà tôi làm khác đi một trong những ngộ nhận.
Lúc sau nầy Cha tôi hay ngồi trong sòng bài, ông bỏ tôi quỳ trên miếng xơ mít hối hả trở lại nơi đó, ông thích việc nầy, còn tôi có cái thích khác. Hai đầu gối tôi bị gai đâm lủng nhiều chỗ, lạ thay, nó mang lại khoái cảm, tôi hoàn toàn chưa thoả mãn lắm với cơn đau, mà tôi nghĩ rằng khó vượt qua, khá giống như tôi chịu tấm ván phóng dao nặng nề trên lưng, tôi đã quen với khổ nhục chăng.
Mẹ tôi ngồi nhìn tôi, bà ngạc nhiên sao tôi cứ quỳ hoài trên miếng xơ mít, khuôn mặt tôi nhớp nhúa mồ hôi. Mẹ cứ ngồi như vậy nhìn tôi, cho tới khi mặt trời xuống dần trên nghĩa địa, một thứ ánh sáng kỳ lạ bao quanh chúng tôi, long lanh lân tinh, tóc mẹ tôi có những đường viền ngộ nghĩnh, như là bà đang ngồi trong một tiệm chụp hình chân dung bia mộ.
Buổi chiều lại tới, mảnh trăng dần hiện trên nền trời màu tím, đó là một buổi chiều buồn trong chán chường cùng cực. Mọi thứ đều xấu đi, nhiều khi là vậy, nó hay có lúc nào mà não trạng không phấn chấn. Tôi đi lang thang trong nghĩa địa, tôi không muốn về nhà, nơi nầy với tôi xa lạ, nơi tôi câm nín khó giãi bày, cuối cùng tôi ngồi bên một ngôi mộ thấp lè lè, ngón tay trỏ của tôi cứ viết trên cát những dòng chữ ngoằn ngoèo rằng tại sao tôi không được sống bình thường như những người khác chung quanh tôi, tạt sao tôi dốt nát mê muội, tôi có quyền được sống làm người, được học hành, yêu thương và có hạnh phúc chứ.
Trong ánh chiều tà, màu đỏ đậm của thứ trái chết trong nghĩa địa khiến cho tôi chú ý. Người ta ăn để sống, tranh giành miếng ăn để sống, buồn cười, nơi nầy có thứ ăn để chết, nếu như có ai bên cạnh tôi lúc nầy, nói cho tôi nghe rằng sự sống rất tuyệt vời, dù cho là nói không thật, tôi cũng không ăn làm gì thứ trái nầy, vì vậy tôi đã ăn nó. Vị nó ngòn ngọt, sau đó chua dần làm tê lưỡi, một lúc sau, tôi không biết cái lưỡi của tôi còn trong miệng tôi hay không, và tiếp theo là mắt, nhìn bất cứ gì nó cũng biến dạng, tim như đã ngưng lại, thứ trái nầy chứa một chất gây tê liệt thần kinh khá mạnh, lòng tôi tràn đầy hối hận, lúc nầy... cuộc sống quả là đáng yêu, trước khi nhắm mắt. Tôi nằm úp mặt xuống đất chờ chết, có một câu mà ai, kể cả tôi, cũng hỏi thầm: lúc chết mình sẽ ra sao? Có khi nào tôi được tôi gần gũi đất, khá sớm, như hôm nay, nơi tôi trở về. Mùi đất dễ chịu hơn là mọi người tưởng, đất mát rười rượi hoà với nước mắt của tôi, thì ra tôi cũng là một thằng tham sống sợ chết như ai, lúc gần chết ai lại không nuối tiếc điều gì mình thương mình quý nhứt, mà chưa với tới được, lúc nầy tôi nhớ Phương với tất cả đam mê, và tôi lại khóc. Tôi cố nhìn sát mặt đất, sao mà nhiều đóm sáng lập loè, tôi nhìn thấy những hạt cát lớn dần lên, nó nâng tôi lên một cách không cưỡng lại được, gió lúc đó cuồn cuộn đùa với đất và cát, tạo hình một con người, khuôn mặt của Phương rõ dần, sau đó dưới tôi là Phương, Phương im lặng nhìn tôi như chờ đợi, lần đầu tiên tôi hôn một người con gái, chỉ một lần đầu tiên, rồi tôi chết đi, thân thể tôi nhẹ tênh trống rỗng như không còn gì, tôi bay bổng...
Và tôi thấy mình ở bên kia mặt trăng, lạ thường thay nó mỏng manh như chiếc đĩa thuỷ tinh, tôi hối hận việc làm vừa rồi với Phương, đàn ông có khi là vậy mặc dù rất ảo nhưng tôi đã biết hôn và trở thành đàn ông. Bên kia trăng là một vùng thinh lặng không màu sắc, vài áng mây có dáng một người khổng lồ đang đứng nghiêm khắc nhìn tôi, vài cánh chim về muộn bay ngang vai ông ta rồi xuống thấp dưới chân mây. Nơi xa xôi đó, có ngôi nhà trong nghĩa địa văng vẳng tiếng chuông chiều gọi tôi.
Đúng là có người gọi tôi, làm cho tôi mở mắt, tôi thấy khuôn mặt héo hắt của em tôi đang cúi xuống chăm chú nhìn tôi, đàng sau khuôn mặt nó tràn ngập ánh sáng tối, chớp tắt, xanh rờn, của những con đom đóm, một mảnh trăng lớn treo lơ lửng trên nền trời thâm thẫm. Em tôi cầm một chén cơm lạt và một bó nhang:
- Anh ăn đi cho đỡ đói.
Tôi ngồi dậy nhìn chén cơm, cõi âm mà tôi chạm chân chỉ ở trong tưởng tượng bệnh hoạn của tôi, chú Chạy cũng biết đùa dai, thứ trái đó không gây chết người như chú nói, nó chỉ làm tôi... quên đi vài phút sống, và cho tôi một nụ hôn. Em tôi ngồi xuống bên cạnh tôi, nó ngước nhìn trăng:
- Nhìn trăng em nhớ chị Phương, có đêm gánh hát chuyển bến bằng ghe, trăng khuya như trôi theo anh em mình, chị Phương hát dưới ánh trăng, không có ai hát buồn như chị, khi nào chị hát sông nước cũng buồn theo.
Em tôi đốt vài nén nhang cắm trước ngôi mộ thấp, có nhiều dây leo và những chùm trái... chết. Tôi nói theo kinh nghiệm vừa có mới đây, về cái chết, thường thì đì xa về hay nói dóc.
- Những người chết đi qua bên kia mặt trăng, nơi đó không có tiếng động, cũng không có màu sắc. Khi chết rồi, mọi sự đều không còn cần thiết, kể cả khói nhang hay chén cơm cúng.
Em nhìn tôi trách nhẹ:
- Lòng dạ mình nghĩ tới người khuất mày khuất mặt, khi sống đồng cảnh khổ như mình để khi mình nằm dưới nầy như những cô bác anh chị chung quanh, thì cũng còn có người nghĩ tới mình cho đỡ lạnh.
Trong cõi hoang vu nầy, gió về lạnh căm, bầy đom đóm đợi chết khi mặt trời lên, lũ côn trùng hát vang chung quanh chúng tôi. Giờ nầy mọi nhà đã lên đèn, với tiếng cười trẻ thơ đang quây quần bên cha mẹ, còn anh em tôi ngồi dây nhìn trăng, lũ côn trùng có khác gì thân phận anh Hai tôi. Tôi mơ ước như cánh chím bay về những tổ ấm, đâu đó trong cõi mênh mang vô cùng, lên đường về dù diệu vợi chúng cũng ríu rít gọi đàn. Côn trùng hằng đêm vẫn hát vang, những nghệ sĩ rong rêu nầy có muốn chết đâu. Tôi lắng nghe chúng hát, nhìn trăng bàng bạc trong mây, thấy lòng thanh thản hơn tôi nói:
- Những người đang nằm dưới lòng đất lạnh, có lẽ cũng có người tự huỷ mình. Bây giờ chắc là... ân hận, họ đánh mất đi những điều kỳ diệu nhất, một trong những điều kỳ diệu nhất là tình yêu.
Nhiều năm sau, tôi vẫn không biết tôi, hay ai khác trong tôi nói điều nầy, và nói với ai, cái tôi chính thức là tôi thật đâu có kinh nghiệm với tình, có lẽ... Vì khi sống lại tôi vẫn là một thằng con trai tân lù khù, mà lại vừa là một người đàn ông đã trải việc tính dục. Trăng và thứ trái chết đó gợi lên sự lãng mạn trong con người cộc cằn là tôi chăng.
Một giọt nước mắt long lanh trên má em tôi, đàng xa, lẫn trong lau sậy cỏ hoang có ánh đèn leo lét. Khuôn mặt còn dính đầy cát và đất của tôi chắc là tức cười còn trong cái đầu u mê của tôi lại sáng lên câu nói thật thà. Dại gì phai chết và dại gì không tìm lấy cho mình một cuộc đời khác. Thả sức bay khắp bốn phương trời. Tôi nhớ ngày mưa tháng nắng trên chiếc ghe nhỏ, trôi dạt. Tôi nhớ chuyện anh em tôi là những lưỡi dao, tôi muốn thoát ra và đem em tôi khỏi nơi đó. Nhưng lạ thay, ý tưởng đầy hưng phấn nầy lại không mang theo hình ảnh anh tôi và Cha tôi.
Em tôi vẫn không mất đi cách nói hóm hỉnh trời cho, vừa hài lại vừa siêu thực, dù rằng nó còn đau đớn vì những vết thương:
- Trong bịnh viện, có lúc em thấy những người đã chết đi qua đi lại, họ đi xuyên qua những bức tường vui thiệt. Em gặp những người quen và những người mới quen, tất cả đều vui tánh, lúc đó em đã chết còn bây giờ thì không biết sao.
Tôi cười lớn, làm cho những con dơi treo mình tên các cành cây giật mình vỗ cánh bay kêu chí choé:
- Anh cũng chết đi vài phút, chết thật sự, sau đó nghe tiếng em kêu, anh sống lại.
Tôi giấu cho riêng tôi nụ hôn... đất, nó có được do những trái chết. Nhưng cảm giác tuyệt vời khi hôn... Phương cho tới bây giờ tôi vẫn muốn được chết thêm một lần nữa...
Đó chính là những con ma?
- Không phải là ma đâu, đó là những người còn sống nhưng ở trong một thế giới khác, cũng có vui, có buồn, có nhớ có thương, như anh đi xa, thao thức nhớ quê hương xứ sở mình. Cũng có người muốn trở về, anh nói đúng, nhất là những người tự tử, họ hối hận vì đã làm cho thân xác mình đau, thân xác mình là của Cha Mẹ sanh thành, nuôi dưỡng, huỷ hoại nó là có lỗi. Những người em gặp nói với em, không có gì sung sướng cho bằng khi được sống trên trần gian, dù cho có người đang sống từ bỏ nó, chết là một nỗi buồn nặng ký lắm.
Em tôi... cũng có vài kinh nghiệm riêng, song cách nói của nó khó thuyết phục được tôi. Tuy nhiên có vài điều làm tôi sửng sốt, thiếu chút tôi lại ở trong số người tự tử lòng tràn đầy hối hận.
Bỗng nhiên em tôi nói qua một chuyện khác thường:
- Em đã chết nhiều lần, em nghe tiếng Mẹ khóc, nghe tiếng chị Phương khóc, em cố nói thật lớn là mình chưa chết, nhưng không có ai nghe riêng em. Em đi qua một một cầy cầu, rồi đi thêm một khoảng đường dài, em nghĩ là đi luôn, bởi vì trước sau gì cũng phải đi, nhưng cuối cùng em quay lại.
Tôi nhìn theo cánh chim, khi nghe em tôi vẫn nói:
- Em cố gắng hét lớn lên cũng không ai nghe, lúc đó em đang đứng trên một cây cầu khác, trên thành cầu, nhiều người đứng ngồi ăn cháo, có người em tôi cho em một tô cháo...
Con chim vút bay như ai vãi một nắm tro trong gió, tôi vẫn nghe em tôi nói:
- Người bên cạnh em nói: chị ăn cháo nầy để đi đầu thai...
Mắt tôi chăm chú nhìn theo con chìm lạ và thấy trên trời, xa tít có một vì sao rơi. Em tôi vẫn nói, nhưng khi tôi quay lại... thì nó không phải nói với tôi, mà nói với... những người chung quanh nó:
- Bà con, cô bác anh chị thương dùm, tôi muốn về nhà trước lạ sau quen, thế nào tôi cũng xuống ăn cháo mà.
Nó quay lại và phân trần với tôi:
- Mấy người bạn dưới đó lên đây hỏi thăm bà con trong xóm nầy (em tôi chỉ những ngôi mộ) rồi rủ nhau đi kiếm em. Ai cũng mến em hết (em tôi cười) đây là anh Ba của tôi. Anh ơi, đây là bà Chín còn con nhỏ nầy tên Mãnh, chị với anh Tám nầy là hai vợ chồng, thằng nhỏ nầy là con của anh chị Tám.
Dưới ánh trăng khuya thanh tịnh, anh em chúng tôi dạo quanh xóm nghèo. Cũng đúng, vì đó là những ngôi nhà sau cùng, nơi vĩnh hằng của những bà con sống bên kia thế giới lộn xộn nầy. Tôi vốn là một kẻ thiếu tin tưởng vào mọi việc, ngay cả có ma hay không, nhưng tôi tin em tôi có nhiều người bạn mới? Trong gió nhẹ đưa hình như thoang thoáng tiếng nói cười, mọi người ra trước sân nhà mình ngắm trăng. Tôi bật cười với nhiều ý nghĩ khác thường, ở chốn nầy chắc là không lo chuyện cơm áo gạo tiền, điện đóm xăng dầu chi, chắc là khi không còn những nhu cầu lớn nào... thì con người ta sẽ không có tranh cãi hay đánh nhau. Lập tức có một phản đề, nếu như không còn một nhu cầu tối thiểu trúc trắc nào... thì buồn biết bao nhiêu, như vậy không thể gọi là sống mà đã bị chết đi rồi còn gì...
Em tôi tiết lộ:
- Nhờ ở dưới đó một chút, em biết được nhiều chuyện, ở dưới đất thì lạnh mà nhiều người lại không có áo ấm. Em hứa hôm nào sẽ đan và gởi tặng, có người hỏi em làm nghề gì? Em nói em là cô đào đứng trước tấm ván phóng dao, họ nhăn mặt không muốn nghe. Nhiều người khác nói họ cũng có tới coi buổi diễn hôm đó và họ khóc.
Em tôi bị một nhát dao chém sau gáy, vùng “đồi” nơi chứa đựng nhiều ký ức, nhiều suy nghĩ nhất, giờ đây những ký ức đó khi còn khi mất, cũng như tôi, em đã chạm chân tới một cõi khác. Tới tận phiên chợ âm dương và đứng trên cây cầu mà người la ăn món cháo lú. Hay là tôi cũng một lần tới phiên chợ nầy rồi, vào buổi sáng tinh mơ ở Sài Đôi, phiên chợ leo lét ánh đèn nửa đêm về sáng, chợ nhóm họp một chút rồi lan, phiên chợ ma, mà trong vùng cho biết là chợ bán cháo lú cho cô hồn ăn.
Em tôi cười:
- Vui nhứt là nói chuyện với mấy ông bà già, họ chết tự nhiên thanh thản, có người chết khi ngồi ăn dưa, ăn nửa miếng dưa và lịm dần, không hay mình chết. Có người đang tắm chết không ai hay biết, còn có người không phải là chết, họ ngủ một giấc dài không thức dậy nữa. Khi em hỏi cô bác có muốn sống lại không thì ai cũng lắc đầu cười: Hát hết tuồng rồi mà, hình như đó là một kép hát, còn một người khác nói: Khi chết mình đã hết vốn sống. Cho nên ngại, sống mà thiếu vốn khó sống lắm, chết... cho rồi, hình như đây là một người làm nghề... viết tiểu thuyết.
Nơi nầy ngày đêm không rõ ràng, thường khi ngày đã chết thì chiều tới một cách vội vã để phân ưu, song cũng không ở lâu. Nhưng hôm nay chiều nán lại muộn hơn và trăng cũng tới sớm, sau đó, đêm xanh xao đổ ập xuống và những vì sao cũng gấp gáp hiện ra. Tất cả tạo thành một ngày không nắng, một đêm không lối, tuyệt hảo, vì không ngày, không chiều, và không phải là đêm.
Một màu xám trắng của tro tàn bao trùm khu nghĩa địa hoang vu, thấp thoáng bóng em tôi vừa đi vừa trò chuyện với bạn bè chung quanh những ngôi mộ đá ong, trải dài tới tận chân trời, rêu xanh cỏ dại và những dây leo chùm gởi đày chùm trái vị lai. Sao những người chết lại nhiều như vậy? Có người nói đó là luật cân bằng, do thiếu đất sống, để cân bằng thì có bệnh dịch, thiên tai bão lụt, và chiến tranh, không thiếu người chết khi ngủ, hay ăn dưa và tự huỷ, họ bằng nhau, cũng như mọi hành khách trên một chuyến bay, giàu nghèo hay khác quốc tịch đều bằng nhau sau tiếng nổ.
- Có nhiều người ở nơi khác “di dân” tới sống trong nơi “cư xá” nầy thật.
Tôi vừa nói vừa nhìn những ngôi mộ mà tôi gọi là khu “cư xá” dưới trăng, em tôi đang đứng phía bên kia một ngôi mộ, đó là một nấm đất vô danh không có bia: khi đứng ở nơi nầy mới thấy rõ, dưới một tàn cây lớn đen đủi, đàng xa có ngôi nhà nhỏ lợp tranh leo lét ánh đèn dầu. Nơi đây, ngoài gia đình tôi tới tạm trú, hình như có ai đến trước, sống chung với những người chết. Em tôi cứ nhìn về ngôi nhà đó, nó nói:
- Càng đau càng vui để sống, người nào sống không nỗi đau, sao giống như bức tranh không màu sắc. Đau khổ là một thứ tiền riêng dành cho anh em mình, mỗi người là chủ một ngân hàng lớn, đầy tiền.
Trước ngôi mộ vô danh có một cái chén nhỏ, nó chôn một nửa thân dưới đất, có lẽ khi nào đó, cái chén cũng có cơm cho người. Vài cây chân nhang ủ mục ngả nghiêng trong gió cát, tôi như cái chén không cơm, suốt đời không có cái gì trong túi, không nghề nghiệp không tương lai.
Bỗng nhiên tôi có một so sánh khác, chạnh lòng chúng tôi là những người giàu có, nhưng đồng tiền lương thiện chúng tôi có bằng máu lại khó mua được thứ gì, nó được coi như một thứ bạc giả, mà nhiều khi vì chúng, tôi có cơ trở thành một kẻ lập dị tội đồ.
Cây cỏ vô danh lao xao vây quanh chúng tôi, chúng là những kẻ đồng cảnh, gió nô đùa trên những ngôi mộ, mảnh trăng trên kia bị đám mây che khuất, chỉ còn một viền sáng chung quanh, trông lạ thường, bên kia trăng lại sáng hơn. Con người, dù cho có tới chạm chân vào mảnh trăng, hay là một hai vì sao, vẫn không thể biết nơi tận cùng nào của vũ trụ có một bức tường, hay là không hề có. Em tôi vẫn đứng bên ngôi mộ hoang, tiếng nó thoảng vọng lại mong manh:
- Chị Phương chết rồi?
Em gầy guộc trơ xương, ngoài sau gáy nó người ta đã cạo phăng một chỏm tóc để dễ khâu lại vệt chém, trên cổ em còn đeo mảnh vải thưa lôm đốm máu khô. Tôi chợt nhìn theo hướng mắt của em, nơi xa xăm kia có một vì sao băng, rơi xuống rồi tắt lịm, trên trời lúc đó là một dòng sông đầy sao, tôi nghe vẳng lại tiếng hát của Phương, rờn rợn u buồn, chân trời ửng dỏ như mắt ai khóc, ngày sắp tới và đêm qua có một người chết.
Phương mất lúc 19 tuổi, không hề tự tử mà chết do ngộ sát. Bà Tư sống mòn mỏi tới năm 43 tuổi, không chồng không con. Ông Ba sau đó trôi dạ theo những gánh hát rong, làm nghề vẽ bảng quảng cáo. Ông Hai “Hoàng tử” bị giam ở nhà lao Tân Hiệp một thời gian dài, sau đó mất tăm. Ông Sạc lô Trần trở lại Sài Gòn với chú Chín Chim và chú Tư Trắng sống bằng nghề cờ bạc trong khu Kim Chung, quân của hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đánh bại quân Bình Xuyên của Bảy Viễn, người Pháp rút khỏi Đông Dương, không còn khu cờ bạc Đại Thế Giới, ba ông già mỗi người đi một nơi.
Nhứt, con trai chú Tư Trắng, lớn lên, trở thành tay phóng dao nát rượu, nổi tiếng tàn bạo trong các gánh hát chui, Nhứt chết năm mới 18 tuổi. Ông Ba may mắn có một người vợ, bà là người Huế, ông bà có một người con gái tên Vy, sau nầy làm nghề phóng viên. Ông Hai “Hoàng tử” bị bắt trong vụ án cướp giết người, trên đường sông ở miệt Châu Đốc - Long Xuyên, ông bị xử bắn. Vy tìm người bác của mình để viết về vụ án Người Phóng Dao nhưng không còn ai còn biết nhiều. Những năm cuối đời ông Ba khi quên lúc nhớ, sống một mình trong bịnh viện tâm thần Biên Hoà, nhưng khi nào nhớ ông kể lại câu chuyện nầy, đó là nhân vật ở ngôi thứ nhứt xưng Tôi. Ông già kể lại theo kiểu của ông, nửa hư nửa thật. Tất cả câu chuyện sau Tấm Ván Phóng Dao bạn cầm trên tay sẽ ở trong một cuốn sách khác...
22-06-2003.

Xem Tiếp: ----