Người bạn chưa chồng

Cô bạn ở miền Đông Paris của tôi chưa có chồng. Cô này lại đầm. Ờ, có thế chứ, đi Tây thì phải có đầm, vậy mới ra ký sự. Để tránh cái nôn nao của người đọc, tôi xin đề cập thẳng đến chuyện này. Đúng ra thì đây là việc tôi phải làm từ lúc đầu, từ kỳ một đến kỳ hai chứ không nên đợi đến kỳ thứ sáu. Tại thường thì Tây sang hay vừa đi Tây về thì câu thứ nhất thứ nhì mà người ta ưa hỏi là “Có vui không, đầm ở bên đó thế nào?” Nghĩa là, ngắn gọn và súc tích, “Sao, đầm có vui không?” Nhưng câu hỏi đặt ra như vậy, nếu bạn trả lời cũng ngắn gọn và súc tích, chẳng hạn như là “Vui chứ”, thì chẳng ai vừa ý cả. Người đặt sẽ gợi thêm, rành mạch và rõ rệt “Nhưng mà, đầm nó có đẹp không?”
Tính tôi không ưa vặn ngược, vòng vo và bắt bẻ nhưng những câu như thế bao giờ cũng làm tôi phân vân. “Đẹp” là thế nào, tôi vốn lễ độ nên ít khi nào tôi hỏi lại nhưng trong đầu tôi không khỏi bối rối mà tự vấn. Đích xác hỏi tôi về một người nào tôi đã khó trả lời, thí dụ “Vợ anh có đẹp không?” tôi còn chưa biết nói sao. Cách nào mà tôi có thể phán xét thẩm mỹ về một cái chung chung vài chục triệu mống như là “đầm” được? Nhất là, vợ tôi còn có thể thiên vị, tôi còn có thể chủ quan mà bênh vực (hay tuỳ trường hợp, bi quan mà than thở). Nhưng “đầm” nói rộng thì khó quá, cần phải giới hạn lại tôi may ra mới có thể trả lời. Dĩ nhiên là với sự dè dặt cần phải có, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, một cách đại khái, tổng quát và tương đối. Vâng, thì đây: “Đầm có đẹp”.
Đàn bà thì, xứ nào mà chẳng đẹp. Ngay cả từng cá nhân nữa, nói trắng ra (hay nói đến cả đen), đàn bà thì, người nào mà chẳng đẹp. Trở lại thí dụ lúc nãy là vợ tôi, vợ tôi người xứ nào, vợ tôi đàn bà, vợ tôi, đẹp. Vậy mà cũng có người thấy xấu được. Bảo là xấu tôi không dám cãi, chỉ chữa nhẹ nhẹ “Ừ, thì xấu đi, nhưng mà có class”. Người ta vặn tôi “Tôi hỏi anh, class là gì?” Tôi vặn lại (cũng vẫn nhỏ nhẹ thôi, vì tính tôi nhát, ít khi nào dám to tiếng): “Nếu không biết class là gì mà em còn phải hỏi, thì cũng không có cách nào giải thích!” Tôi trả lời như vậy được, tôi thích lắm. Nhưng chuyện đời tư này của tôi, ăn nhập gì đến đầm xấu đẹp? Nó cũng vậy, như bây giờ lấy ra so với Mỹ, thì tôi thấy đầm có đẹp. Người ta có thể không đồng ý, cho là đầm xấu đi. OK, thì xấu đi, nhưng mà có class. Thật sự, nếu so đo từng chi tiết thì dân Cali, Florida có cái look healthy hơn nhiều dân Paris. Cân đối, nẩy nở hơn, lại chăm sóc kỹ càng, làm dáng một cách chải chuốt từ cái răng, sợi tóc, móng tay. Ăn đứt rồi chứ gì? Tôi thấy không. Thua là đằng khác, tôi thích đầm hơn. Thế tại sao người mẫu thời trang ở Paris có đến ba phần tư lại là người Mỹ? Đàn bà Mỹ cao ráo, da tốt vì uống toàn sữa, không uống rượu, lại cũng không hút thuốc, thức khuya, mắt không có quầng, sáng dậy sớm tập thể dục, không nằm dài trên giường uể oải, đi đâu tô son đánh phấn cẩn thận trong khi đầm mặt mày tái mét, vừa chồm dậy đã bò xuống café, lại ít khi chịu tới lui orthodontist để mà bắt kẽm vòng quanh răng cho nó đều. Thành ra làm người mẫu quảng cáo nụ cười làm sao được bóng bẩy. Theo một chuyên viên tìm người mẫu quốc tế thì con gái Pháp khó xài vì ít người được răng đẹp. Đây là thực tế. Nhưng riêng tôi thì thấy chuyện vạch miệng xem răng của ông này có vẻ lái ngựa ở hội chợ canh nông làm sao đó. Đàn bà Pháp buông thả hơn, ít giữ gìn, kỹ nghệ làm nail, làm tóc, thẩm mỹ ở bên Tây nhất định là không phát triển bằng ở Mỹ, nhưng mà không cần bàn dài tán rộng, ra Pier Santa Monica, Huntington mà đứng, ngồi ở vỉa hè St Germain mà nhìn, đàn bà Pháp, đầm, có “style” hơn là ở bên Mỹ.
Mỹ có rất nhiều người, chẳng qua là coi mát mắt, vậy thôi, nhưng đầm, lại có phần lôi kéo. Nói vậy, có khi tôi thiên vị nữa, chẳng khác gì trường hợp vợ tôi vậy. Có lẽ tại lúc bé, tôi bị bố mẹ bắt đi học trường Tây nên họ nhồi sọ, nếu bắt tôi học trường Anh Văn Nguyễn Ngọc Linh thì giờ biết đâu tôi nghĩ khác. Như vợ tôi tôi thấy đẹp, ai mà chê xấu thì người đó vô duyên. Đầm, đã hỏi thì tôi nói, thì có đẹp, không rõ là nhờ cái gì, nhờ sinh ra ở đây, nhờ đường lót bằng đá không trải nhựa, nhờ phố nhỏ từng căn nhà ôm nhau, nhờ mọi thứ, nhờ bánh mì baguette, nhờ mỗi ngày đọc Libé, nhờ mỗi tháng đọc Actuel, tôi không hiểu. Nhờ lối sống. Họ cũng mặc quần jean, không phải quần jean designer Vidal Sassoon, Oscar de la Ranta, Gloria Van der Bilt. Quần jean cày ruộng ở bên Mỹ, Levi’s 501. Bận quần jean nhưng mà không biết đi skateboard và năm nay thì váy ngắn màu đen màu sẫm, hai mươi phân trên đầu gối, vớ không nhiều hoa hoét nhưng có một đường chỉ couture chạy dọc ở đằng sau bắp chân. Nhập gia rồi dần dần cũng tuỳ tục, nói ra thế này thì mất lòng nhưng tôi là người cầm bút can đảm và tôn trọng sự thực, đặt sự thực lên trên cả chính quyền lợi cá nhân ích kỷ của bản thân.
Dưới mắt tôi (câu nói sau đây tôi phải nhịn thở mà viết thẳng một hơi) ngay cả đàn bà Việt Nam ở bên Pháp cũng có style hơn là đàn bà Việt Nam ở bên Mỹ. Ở đâu riết rồi thì cũng có phần giống đó, đàn bà Việt ở Pháp hình như trong cung cách cũng có gì khác hơn là đàn bà Bolsa, tuy là cả khu Ivry - Choisy 13, cả khu Belleville 19 tìm hoài không ra một thẩm mỹ viện Việt Nam và theo sự hiểu biết của tôi, chẳng bao giờ có tổ chức thi hoa hậu.
Hay tại tôi là đàn ông nên tôi chỉ thích đầm ở cái dễ dãi, cái buông thả tự nhiên và cóc cần lối sống ở bên kia. Thí dụ như cô bạn tôi đến thăm. Cô này chưa có chồng, đã trên ba mươi nhưng đừng gọi cô ta là gái già, tội nghiệp. Nếu cô ta sinh ra ở Mỹ thì phải kể là cô ta năm đời chồng và bốn lần ly dị. Nhưng cô ta ở Pháp, cho nên có lúc cô ở với anh này vài năm, không hợp cô đi ở với anh khác một cách giản dị. Không lấy nhau thì chẳng cần ly dị, rất tiện, tuy là bỏ nhau thì cũng phải dọn nhà mà nhà bên này thì khó kiếm. Thành thử ra còn có trường hợp ở chung nhà tạm trong khi chờ đợi, người cũ vẫn còn quanh quẩn đó và người mới cuối tuần mới đến qua weed-end. Không ai đánh ai cả, người Pháp có vẻ là một dân tộc biết điều. Cách đây một dạo, cô ta ở chung với một anh vui tánh. Anh này đàn nhạc New Wave rất dễ chịu. Tóc anh dựng đứng, nhuộm vàng, tai anh đeo vòng ở một bên, mắt anh kẻ chì hung hãn, style anh nửa punk destroy nửa rocker hard nhưng anh rất hiền lành. Bỗng dưng một anh khác đột nhập vào cuộc đời đang yên ấm của hai người, phá tan hạnh phúc của cái gia đình không giá thú. Anh thứ nhì này ban ngày đi làm cà vạt com lê cẩn thận, áo sơ mi hấp tẩy nỉ sẹc và đeo kính gọng vàng. Tối đến anh manage ban nhạc, nghĩa là anh cũng thuộc loại dân chơi tuy là anh có đứng đắn hơn. Tôi cũng được chứng kiến từ đầu đến cuối cái thời gian anh lại nhà cô này ve vãn một cách lịch sự nhưng công khai. Hình như cái lịch sự nó ở trong cái công khai thì phải, đúng luật giang hồ nên chẳng ai trách gì được ai. Câu chuyện như một màn đấu súng ngoài lộ chính, mỗi người bước mười bước quay lưng lại nhìn thẳng vào mắt nhau thủ thế. Nó có quy tắc của nó, cấm ăn gian, chỉ đọ tài, bắn chậm thì chết. Tựa như là hai nhà quý tộc gentlemen theo nhau ra ngoài đồng nhã nhặn mà thanh toán những khích hiềm. Dĩ nhiên hai anh này kình địch, phải có một sống một chết nhưng cả hai anh đều tự trọng, có nghĩa là cả hai anh đều tôn trọng lẫn nhau, hiệp sĩ mã thượng thời Trung cổ. Tôi đến nhà anh cua đào ở chung với anh, tôi xin đưa thiếp báo danh, anh giỏi thì giữ được, không thì tôi lấy mất. Vâng, xin mời anh.
Một ông Pháp thời xưa khi đánh giặc với Anh vào thế kỷ 17, 18 gì đó, ở trận Courcy thì phải, bất tử nhờ câu nói sau khi hai bên dàn quân ra xong xuôi súng đạn lăm lăm “Xin mời các ông người Anh nổ súng trước”. Chuyện này cũng vậy, làm tôi thích thú mà theo dõi. Tôi bàng quan ở đó như là nhân chứng trọng tài. Anh thứ nhì mua hoa mang đến nhà tặng nàng, anh thứ nhất ngày hôm sau đi kiếm một cái quà mang về ngay. Anh thứ nhì đến xem ngắm nghía, ờ quà khéo quá, nhiều ý nghĩa, tuần tới anh bày ra một trò còn hay hơn. Nếu hai anh này cùng cua một cô hàng xóm thì; ờ chỉ chuyện bình thường. Đằng này anh này đến nhà anh kia giành giật vợ không chính thức thì đàn bà (hay đàn ông cũng vậy) chẳng là sở hữu của một ai. Điều cần thiết là thành thật, theo quan niệm của bộ ba này. Họ Tây mà, tôi thấy cũng lạ. Tôi không lừa anh hay lén lút, anh không thể nào giận tôi. Và rồi, cũng chẳng ai giận ai, như hai võ sĩ quyền Anh sau khi thượng đài. Kết quả, nàng chọn anh mới, dọn nhà ra đi, để lại anh bồ cũ bơ vơ. Anh này bơ vơ đến nỗi, mỗi tuần thứ bảy chủ nhật anh buồn không biết đi chơi đâu lại bò đến nhà anh kia rủ cặp mới này đi chơi chung cho khuây khoả. Anh bò đến, ăn cơm tối, nằm coi T.V. nhưng không phải để công kích trở lại hay gỡ gạc gì, anh chịu thua rồi, rất là sòng phẳng. Anh kia tiếp đãi tình địch cũ rất là ân cần, hôm nào anh bận gì, để vợ ở nhà hay đi đâu chơi với anh kia mà không ngần ngại. Anh còn chắc bụng nữa là đằng khác, đó là thượng sách. Có năm, cặp này mướn cái du thuyền đi nghỉ hè, còn dắt cả cái anh kia theo, mặc dù anh ta chẳng có kinh nghiệm gì về lèo lái bằng buồm.
Cái quan hệ gái trai như thế tôi phục lắm. Dĩ nhiên là về sau, từ ngày nàng đổi ý, giữa cô này và anh bồ cũ chẳng còn tằng tịu nữa, nó trở thành bạn bè thuần tuý. Cho đến giờ nó vẫn vậy, càng ngày càng thêm thắm thiết vì bạn bè, càng lâu năm thì càng quý chứ sao. Đó là tôi không muốn nói đến những cảnh nằm trên du thuyền tồng ngồng, chỉ sợ có người bảo là tôi mượn cớ để mà luân lý giáo khoa. Không, nó như vậy ở trong nếp sống mà nếu đây là một trường hợp đặc biệt thì tôi đem ra kể lại làm gì. Nó điển hình thì đúng hơn. Ở lứa tuổi trên ba mươi ở Pháp, những cặp ăn ở với nhau không hôn thú giờ hình như là đa số theo lời báo động của những nhà đạo đức cổ truyền. Không có con cái với nhau ăn ở như vậy đã đành, nhiều cặp có con vẫn cứ thế. Con mang họ mẹ hoặc họ cha nhưng bố mẹ vẫn không là vợ chồng. (Luật bên này cho phép con mang tên mẹ hay tên cha, tuỳ ý, trong trường hợp vợ chồng có hôn thú hay là không). Tình trạng này được xã hội chấp nhận, bạn có thể xin chính quyền cấp cho một tờ giấy chứng chỉ sống chung để sử dụng trong những trường hợp như là vay nợ, thuê mướn, thuế má gì đó. Chữ “concubin”, “concubine” ngày càng thông dụng. Bạn đi làm, người sống chung cũng được hưởng bảo hiểm, trợ cấp hay những đặc quyền trước giờ chỉ dành cho người phối ngẫu có thành hôn chính thức, chiều hướng này ở Pháp có lẽ khó mà đổi ngược lại được, quốc hội kỳ này chắc sẽ thông qua một dự án hợp thức hoá tình trạng “concubinage”. Nhưng ở đây, chẳng phải là quốc hội bày ra một đạo luật cách mạng mà chính là xã hội đã đổi thay trong hai thập niên chót này đến độ dân luật, luật gia đình không còn đáp ứng được với thực thể khiến các nhà lập hiến cuối cùng cũng phải bấm bụng mà đuổi theo.
Cô bạn tôi, ngoài ba mươi tuổi chưa chồng mà bố mẹ cô cũng chẳng lấy gì làm lo lắng và cô ta vẫn bình thường, cám ơn. Cô ta có người em gái, cũng ở tình trạng “sống chung” trên (tình trạng thế này, như đã nói, ở Pháp thì nhiều lắm). Cô này làm tiếp viên hàng không cho hãng Pháp, domestic airline, và ưa than phiền. Hãng cô ta làm, công nhận “concubinage” và cho phép người sống chung với nàng hưởng discount trên giá vé để những cặp kiểu mới này tung tăng nghỉ mát với nhau như vợ chồng thứ thật. Giữa các hãng hàng không vẫn có trao đổi về phần quyền lợi này của nhân viên. Làm Air France chẳng hạn có thể xin vé trên đường bay American Airlines và ngược lại. Nhưng những hãng Mỹ về vấn đề luân lý mới này lại không được rộng lượng. Người sống chung, luật công ty Hoa Kỳ chưa bao giờ nghe nói đến, chỉ có vợ chồng từng nắm tay nhau trước mặt thẩm phán họ mới biết. In God we trust, idivisible we stand, in sickness or in health, til death do us part. OK, có đọc thần chú rồi, cho discount 0% cả hai để mà nay Jamaica mai Hawaii tay trong tay. Người em gái cô bạn lấy chuyện này làm bất bình, đi Casamance, Sénégal thì cô ta dắt ông bồ theo được, đường bay của hãng Mỹ thì họ không cho phép. Cô ta ngạc nhiên, ừ, nếu ở Iran Air Gulf Air, Saudi Arabian Airlines mà khắt khe như vậy thì cô ta còn hiểu chứ Pan Am, TWA sao lại có thể câu nệ thế này. Chậm tiến kém văn minh. Tôi vừa ở Mỹ sang, cô ta mang ra chất vấn.
Tôi chẳng phải là phát ngôn viên của Moral Majority, hôn nhân tập tục của Hoa Kỳ với đạo đức hãng hàng không tôi không rõ, tôi tìm cách chạy bằng một câu trả lời ngụ ngôn rất là ấm ớ. (Khi nào không biết nói gì, thì tôi hội tề lơ lửng mà ngụ ngôn). “Ở bên Mỹ, tao cũng biết người làm flight attendant như mày vậy, có chồng cẩn thận, hôn thú hẳn hòi, họ cho chính thức hưởng giá rẻ. Đi đâu được quyền dắt chồng theo, vậy mà nàng lại chẳng bao giờ dắt chồng theo cả, như thế nghĩa là thế nào, mày than phiền với tao làm chi, hỏi tại sao tao không biết. Bên Mỹ khác, bên Tây khác. Đó là khác biệt giữa hai nền văn minh Tây Mỹ”.
Kể thì, khác biệt giữa những nền văn minh và khoảng cách đó, muốn nhét gì vào thì nhét nên cũng tiện.