P2 - Chương 6

Cú sốc mùa Thu

Em không nghe mùa thu,
Lá thu kêu xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác,
Đạp trên lá vàng khô?
("Tiếng thu" - Lưu Trọng Lư)
Mùa thu là mùa êm đềm, lãng mạn. Nó gây cảm hứng cho biết bao nhiêu thi sĩ, nhạc sĩ, giúp họ sáng tác nên những vần thơ, ca khúc bất hủ, vượt thời gian.
Cuối hè vào thu năm 1973, tình hình kinh tế, quân sự tại miền Nam có bề tiến bộ. Tình hình tương đối lắng dịu. Ảnh hưởng cuộc tấn công mùa hè đỏ lửa coi như đã khắc phục được, công việc tái định cư đoàn người di tản từ vĩ tuyến đang tiến hành khả quan, tình trạng thoái trào kinh tế của năm 1972 có chiều hướng kết thúc. Nền kinh tế đang bắt đầu có những bước đi trên đường tiến tới tự túc tự cường. Chỉ tiêu quan trọng nhất là thóc gạo: sản xuất đã tới mức gần bảy triệu tấn, cao hơn mức 1966 tới 63%. Xuất cảng bắt đầu vươn lên, và ngân sách bắt đầu tăng nguồn thu nội địa. Bước sang thu, Miền Nam thấy có chút ánh sáng cuối đường hầm. Đùng một cái, chiến tranh Do Thái- Ả Rập đột nhiên bùng nổ. Chẳng khác gì một trận động đất lớn tới 8 độ Richter, sức rung chuyển của nó dữ dội. Nhưng Do-thái- Ả Rập ở xa Việt nam bao nhiêu ngàn dậm, đâu có vấn đề gì?
Ấy thế mà độ rung của nó lại thành ra cú "sốc" dữ dội, làm xiêu nhà đổ cửa, tan hoang điêu tàn.
Trận chiến Trung Đông
Ngày mồng sáu tháng 10, có tin giao tranh lớn tại Miền Trung Đông. Thoạt đầu ai cũng cho là chuyện không quan trọng. Từ bao nhiêu thế kỷ rồi, mấy anh em cùng một Tổ Phụ Abraham mà có thương yêu gì nhau đâu. Ngược lại còn xung khắc hết đời này sang đời khác. Chỉ khổ cho dân vô tội, nạn nhân của những cuộc tranh chấp. Sáu năm trước đó, vào tháng Sáu, 1967 cũng đã có trận lớn: Do Thái lấn chiếm vùng đất Sinai, Cao nguyên Golan (Golan Heights) để dạy cho Ai Cập một bài học. Nhưng trong trận này, ngoài khối Ả Rập, ít xứ khác bị ảnh hưởng vì cuộc chiến. Kể từ năm đó, quân đội Do Thái được tân trang, ngày một lớn mạnh, lại có Mỹ đứng sau. Do Thái bắt đầu ỷ y: khối A Rập đâu có dám gây hấn lớn nữa.
Thế nhưng, sự việc bất ngờ đã xảy ra. Vào ngày Yum Kippur, mồng sáu tháng 10, năm 1973, khối A Rập bất chợt tấn công. Yum Kippur là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Do Thái, ngày Lễ Đền Tội "Atonement", một ngày để ăn chay, suy ngẫm, cầu nguyện. Ngày đó, giống như Lễ Tro Lửa đạo Công giáo, là ngày nhắc nhở cho con người rằng mình chỉ là cát bụi và cũng sẽ trở về với cát bụi. Đúng giờ dân Do Thái đang cầu kinh, suy gẫm thì quân đội Ai Cập và Syria đồng loạt khai chiến. Từ phía Tây, Ai cập qua nhiều ngả, tràn sang kênh Suez, theo dọc từ Port Sait ven bờ Địa Trung Hải xuống tới vùng Vịnh, đánh vào miền Sinai (đất Do Thái chiếm năm 1967). Về phía Tây Bắc, quân đội Syria đánh bọc qua vùng phi quân sự, tiến vào Cao nguyên Golan (cũng là đất chiếm 1967) (1).
Dù đã có tình báo từ hè 1973 là khối A Rập chuyển quân về biên giới, Do Thái và Mỹ cứ tưởng là họ chỉ thao diễn tập dượt. Yếu tố bất ngờ làm Do Thái lúng túng ngày đầu khi Ai Cập lập được một phòng tuyến vào sâu trên năm dậm và Syria vào tới vùng Cao nguyên Golan (2).
Từ ngày thứ hai thì Do Thái bắt đầu phản công. Nhưng lần này khác với trận 1967: Ai Cập có hoả tiễn phòng không SAM do Nga Xô viện trợ. Trận chiến vừa bắt đầu thì có ngay cầu không vận tiếp tế cho Ai Cập và Syria. Chỉ trong một ngày, Do Thái thiệt 35 máy bay oanh tạc cỡ nặng và sau ba ngày, số tử thương đã lên tới 1.000 người trong khi cả cuộc chiến 1967 chỉ mất 700 mạng. Lực lượng thiết giáp tiêu hao mất gần một phần ba (3).
Do Thái cầu cứu Đồng minh
Tiện đây, để so sánh với trường hợp Việt nam cộng hoà yêu cầu Mỹ lúc lâm nguy vào mùa Xuân 1975, ta thử nhìn qua lịch sử xem Mỹ đã hành động như thế nào khi Do Thái bị tấn công.
Trước những thất bại không ngờ, bà Golda Meir, Thủ tướng Do Thái, vội vàng cầu cứu Hoa kỳ. Và Washington phản ứng ngay tức khắc. Tổng thống Nixon liền ra lệnh thay thế toàn bộ tổn thất cho Do Thái, và còn hơn thế nữa. Vào lúc đó, Nixon đang mất ăn mất ngủ về vụ Watergate, thế mà sao Hoa kỳ vẫn có thể hăng hái can thiệp? Đó là vì tuy bản thân ông Nixon đang bối rối nhưng đằng sau ông đã có Tổng trưởng ngoại giao kiêm Cố vấn an ninh rất tỉnh táo và vững mạnh (4). Ông Kissinger này lại vừa được giải thưởng Nobel Hoà Bình vì những thành quả ở Việt nam. Ngay trước mắt, Hoa kỳ dứt khoát phải chuyển vận thật gấp đạn dược sang cho Do Thái Thoạt đầu bên Ngũ Giác Đài còn ngần ngừ, định chỉ gửi có ba máy bay C-5A chở đạn sang cho quân đội Do Thái thôi. Tổng trưởng quốc phòng James Schlesinger không lấy gì làm hăng say, còn hững hờ là khác. Ông e ngại hậu quả không hay cho Mỹ vì chắc chắn khối A Rập-xô Viết sẽ trả đũa cách này cách khác để dạy cho Mỹ một bài học. Kissinger liền vào "méc" với Nixon về thái độ lừng chừng của Schlesinger. Nixon gởi liền cho ông này và chỉ thị lập cầu không vận ngay lập tức dể tiếp liệu cho Do Thái. "Tôi sẽ chấp nhận tất cả hậu quả, dù khối A rập có tuyệt giao và cắt cả nguồn cung cấp dầu lửa cho Mỹ đi nữa", Nixon trấn an Schlesinger (5).
Chỉ thị của Nixon là nếu không thuê đủ máy bay vận tải dân sự thì cứ dùng máy bay quân sự: "Làm cách nào thì làm, nhưng phải cho máy bay cất cánh, và ngay bây giờ".
Schlesinger lo ngại là nếu dùng máy bay quân sự thì có thể bị chỉ trích là nhảy vào vòng chiến. Dù có chỉ thị Tổng thống, bên Quốc phòng lại xoay con đường khác, đó là chỉ bàn cãi về việc phải dùng máy bay quân sự loại nào để chuyển vận.
Được biết chuyện này, Kissinger lại vào rỉ tai ông Nixon.
"Khốn kiếp" (Goddamn it), Nixon chửi thề, "hãy dùng bất cứ loại nào chúng ta có. Nói với họ là hãy gửi bất cứ cái gì có thể bay".
Hoa kỳ tiếp cứu
Thế là hồi ba giờ ngày 13 tháng 10, cầu không vận Mỹ-Do Thái bắt đầu: đủ loại phi cơ chuyên chở được sử dụng: C5-A, C-130, C-141. Mỗi ngày có tới 20 chuyến bay chở 1.000 tấn viện dược, quân cụ. Trong vòng mấy tuần, có tới 550 chuyến bay, một cuộc tiếp liệu còn lớn hơn cả cầu không vận Berlin trong thời gian 1948-69 (6).
Như vậy, Hoa kỳ đã thật hăng hái trong việc tiếp cứu Đồng minh Do Thái, dù rằng việc đó bị chỉ trích là gián tiếp dính líu tới chiến tranh. Nên nhớ lại là vào thời điểm đó, vụ Watergate đang bốc hoả như núi phun lửa, và chính Tổng thống Nixon đang bị điều tra. Quyền lực của Tổng thống đã xuống rất thấp.
Lúc đó đạo luật giới hạn "Quyền chiến tranh" của Tổng thống (War Power Act) lại đang được tranh luận sôi nổi và cuối cùng đã được thông qua vào ngày 7 tháng 11. Thế mà, Đồng minh Hoa kỳ của Do Thái thật là chung tình. Lúc có rối loạn, dù khó khăn cách mấy cũng cứ nhào vào cứu.
Với phương tiện ồ ạt, mau lẹ, Do Thái lên tinh thần và khởi thế công kịp thời. Chỉ hơn ba tuần sau khi chiến tranh bắt đầu, khối Ả Rập đã phải ký Hiệp định Ngưng Chiến.
Nhưng ngưng thì cứ ngưng, chứ hậu quả của chiến tranh vùng Vịnh lại chỉ mới bắt đầu.
Cú sốc nặng nhất lại rơi ngay Miền Nam
Khối A Rập lập tức trả đũa mạnh mẽ. Tổ Chức các Quốc gia xuất Cảng Dầu Lửa OPEC bỏ phiếu giảm hẳn mức sản xuất dầu thô cung cấp cho thế giới. Thế là giá xăng nhớt trên thị trường quốc tế bỗng nhảy vọt. Một thùng dầu thô đang từ 12 đô la, tăng gấp bốn. Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết. Các quốc gia khác, nhất là những nước hậu tiến đều phải gánh chịu hậu quả lớn lao. Bao nhiêu "Kế hoạch ngũ niên" phải vứt sọt rác. Vật giá leo thang, lạm phát lan tràn khắp nơi thì các nền kinh tế ngoài khối sản xuất dầu lửa đều bị ảnh hưởng lớn. Những thị trường không bị ảnh hưởng tức thời của giá dầu lửa là ở những nước có quan hệ với Nga Xô, kể cả Bắc Việt. Họ không bị khan hiếm vì Nga Xô vẫn chở sang lượng dầu như được ấn định hằng năm. Và vì phần lớn là dầu viện trợ nên nền kinh tế của họ ít bị ảnh hưởng vì khủng hoảng
Còn Miền Nam thì ngược lại, chịu cú "sốc" nặng nề, tương đối là nặng nhất thế giới. Không có nước nào bị thiệt thòi như Miền Nam. Thật khó hiểu. Tại sao lại như vậy?
Tại Bộ Kế hoạch năm đó, chúng tôi đã phân tích tình huống này hết sức rõ ràng. Có ba lý do chính được tóm tắt vắn gọn như sau:
thứ nhất: nền kinh tế Miền Nam lệ thuộc quá nhiều vào việc nhập cảng một số sản phẩm thuộc vào loại bị ảnh hưởng tăng giá nhiều nhất như xăng, nhớt, dầu khí, dầu diesel, gạo, phân bón, đường, xi măng, sắt thép, máy móc, thiết bị. Mấy mặt hàng này trung bình tăng giá 80%. Chúng lại là những hàng chiếm tới gần 40% tổng số nhập cảng của Việt nam;
thứ hai: các nước khác tuy phải mua xăng nhớt đắt trên thị trường quốc tế, nhưng còn có thể gỡ được phần nào khi chính họ xuất cảng vì giá hàng của họ cũng tăng lên theo. Còn ta thì lại khác. Đặc thù của mậu dịch Miền Nam lúc đó là nhập cảng gấp hơn nhiều lần xuất cảng. Trong suốt thời chiến chỉ có nhập là chính. Năm 1963 là năm cuối cùng xuất cảng được ít gạo (63.000 tấn), từ đó chỉ còn xuất lai rai chút ít như cao xu, trà, tôm cá, lông vịt, gỗ quý (xem Chương 3);
thứ ba: nhập cảng chiếm tới một phần ba tổng sản phẩm quốc gia. Có nghĩa là khi có cú "sốc" làm tăng giá nguyên liệu nhập cảng vào thì ảnh hưởng của nó sẽ lan tràn ra mọi lãnh vực sản xuất. Khi giá phân bón, thuốc trừ sâu nhập vào tăng lên, giá gạo phải lên theo; giá bông gòn nhập vào tăng lên, sẽ kéo theo giá vải vóc, rồi giá quần áo. Và cứ như thế mà theo nhau. Cuối năm 1973, trung bình, giá nhập cảng đã tăng lên gần 50%.
Ảnh hưởng sơ khởi của cú "sốc" là giảm ngay khối lượng nhập cảng còn 67% năm 1973 rồi 54% năm 1974. Mọi hàng từ xăng nhớt, phân bón, sắt thép, xi măng, vải vóc trở nên khan hiếm. Tình trạng này còn bị nặng nề thêm vì thị trường trong nước đã mất đi một số hàng hoá tiêu dùng quan trọng phát xuất từ hệ thống hợp tác xã PX Mỹ. Trong thời chiến, lượng hàng chui ra thị trường từ hệ thống PX không phải là nhỏ: từ thuốc lá, bia rượu, tới radiô, quạt máy, quần áo, vải vóc, thuốc men. Từ giữa năm 1973 khi quân đội Mỹ đã rút đi hệ thống PX ngưng hoạt động.
Thế là giá tiêu thụ tăng vọt lên 66%, phản ảnh mức lạm phát chưa từng có bao giờ. Hiện tượng này ảnh hưởng tới tinh thần nhân dân, đặc biệt là quân đội, một cách sâu đậm. Một người lính trung bình được lính 20.000 đồng Việt nam một tháng, sau khi mua gạo cho gia đình năm người ăn thì chẳng còn hao nhiêu để mua thức ăn, thuốc men, chi tiêu; chưa nói tới nhà cửa, giáo dục, giải trí.
Chạy gạo sống qua ngày
Từ cuối 1973, về mặt kinh tế, Chính phủ Việt nam cộng hoà chỉ lo giải quyết các vấn đề bức xúc hằng ngày là cũng mất hết thời giờ. Lấy một thí dụ: thóc gạo. Thóc gạo là rường cột của kinh tế Miền Nam. Sơ sơ mà nói thì có ba vấn đề sản xuất, phân phối, và giá cả.
sản xuất: ngoài sự bất ổn là thời tiết như lũ lụt, hạn hán là yếu tố chung cho nông nghiệp, còn vấn đề giá phân bón, thuốc sát trùng, xăng nhớt để bơm, rút nước. Giá mấy thứ này cứ vùn vụt mà tăng, gây khó khăn lớn cho nông dân, ảnh hưởng đến sản xuất. Ấy là chưa nói đến tình hình thiếu an ninh. Ở Miền Nam (và nhiều nước nhận viện trợ thực phẩm khác) lại còn vấn đề nhức đầu khác nữa về sản xuất: gạo Mỹ.
Mỹ viện trợ hàng năm một lượng gạo trong chương trình "Thực phẩm phụng sự hoà bình" (Food for Peace) tới mấy trăm ngàn tấn, trị giá cả trăm triệu đô la. Có gạo ăn là tốt chứ tại sao lại là vấn đề? ấy thế mà có vấn đề lớn đối với sản xuất. Gạo Mỹ chất lượng tốt vì kỹ thuật chế biến cao so với gạo nội địa. Chính phủ muốn đặc biệt nâng đỡ quân, công, cán, chính, nên khi bán gạo ra, giá gạo Mỹ có lúc lại rẻ hơn giá gạo nội địa. Như vậy thì làm sao nông dân cạnh tranh được với gạo Mỹ? Ảnh hưởng này tác động ngay vào sản xuất. Mà chính sách nhà nước lại đang khuyến khích tăng gia sản xuất, tự túc tự cường.
điều hoà giá cả: thị trường ở các nước hậu tiến đâu có "thông thương tự do" như các nước tiền tiến, nhất là ở trong hoàn cảnh chiến tranh. Khi giá dầu lửa lên vùn vụt thì lạm phát theo sát. Muốn yểm trợ người có đồng lương cố định như công chức, quân nhân thì Chính phủ phải kềm giá, tức là phải "kiểm soát giá cả". Kiểm soát tức là định ra giá. Mà làm sao định được giá! Nếu giá chính thức thấp hơn giá thị trường (giá thực) là nguồn chợ đen hoành hành bốn bề. Vậy phải mò theo thị trường mà định giá. Nhưng thị trường thay đổi hằng ngày.
Giá Chính phủ ngày hôm nay có thể là đúng nhưng mai là trật rồi. Ngoài ra, giá trên thị trường rối ren, có nhiều giá gạo chênh lệch cùng một lúc. Thí dụ như cuối 1973 đầu 1974, gạo Mỹ là 14.000 đồng một tạ, gạo nội địa Đồng Bằng Cửu Long: 18.000 các địa phương khác: 25.000 đồng. Khấu trừ đi phí vận chuyển cũng vẫn chưa hợp lý, là vì thị trường có nhiều tắc nghẽn, đầu cơ, tích trữ, làm giả.
Tình trạng này đòi phải điều chỉnh để cân bằng cung cầu. Nhưng mỗi lần điều chỉnh là có vấn đề khác: nâng lên thì gây bất ổn cho đời sống quân công; hạ xuống thì thiệt cho nông dân. Chưa xong, nếu điều chỉnh giá gạo thì phải điều chỉnh cả giá phân bón. Nguyên vấn đề "phân" cũng đã được báo chí bình luận không ít: nhập phân, chia phân, thiếu phân, giá phân, đầu cơ phân, và ăn phân của dân (tham nhũng).
Phân phối: có những lúc gạo bị cấm "xuất tỉnh" vì lý do an ninh. Nhưng như vậy là lưu thông bị tắc nghẽn, gây ra khan hiếm giả tạo, tăng thêm cơ hội cho đầu cơ, buôn chui. Ngoài tắc nghẽn lại còn có khó khăn do sự khác biệt giữa hai hệ thông thu mua. Một hệ thống của Chính phủ và một hệ thống của thương gia ngũ cốc. Tổng Cuộc thực phẩm là một cơ quan Chính phủ đảm nhận thu mua thóc gạo. Mục đích là tiếp tế cho quân đội và phần nào giúp điều hoà cung cầu ở thành thị. Đối với quân đội, phải bảo đảm cho mỗi người 21 ký gạo một tháng. Riêng đô thành Sài gòn-Chợ Lớn, nhu cầu là 25.000 tấn một tháng.
Một khi hệ thống Tổng Cuộc thực phẩm và thương gia ngũ cốc hoạt động cùng nhau nhưng với hai mục đích khác, Tổng Cuộc thực phẩm với mục đích xã hội còn hệ thống thu mua của thương gia với mục đích sinh lời, cho nên mỗi lần tăng giá gạo là có xáo trộn. Một số thương gia ngũ cốc làm ăn không lương thiện, mỗi lần nghe rục rịch tăng giá xăng nhớt là nâng giá gạo lên ngay cho chắc ăn vì chi phí vận tải sẽ tăng. Thêm vào đấy, mỗi lần được tin Tổng Cuộc thực phẩm sẽ thu mua gạo là họ tung tiền ra thu mua trước, tích trữ vào kho, tạo ra tình trạng khan hiếm giả tạo.
Khủng hoảng dầu lửa năm 1973 và tiếp theo vào năm 1974 đã làm yếu hẳn những tiềm năng còn lại của kinh tế Miền Nam sau một cuộc chiến khốc liệt kéo dài. Ngay tức khắc, nó làm mất 35% mãi lực thực sự của đồng tiền viện trợ. Những con số Tổng thống Thiệu nêu ra khi yêu cầu Tổng thống Nixon lúc ở San Clemente là tính theo mãi lực đồng đô la vào đầu năm 1972. Cuối năm 1973 thì nó mất nhiều ý nghĩa rồi.
Phải có 1,2 tỷ đô la mới mua được một lượng hàng hoá bằng 783 triệu như con số dự tính tại San Clemente. Mà rồi đâu có được viện trợ như hứa hẹn.
Thế là hầu hết các tính toán cho kinh tế hậu chiến đã thành nước lã ra sông. Chỉ còn lo cho cuộc sống hằng ngày.
Ảnh hưởng tới "Việt nam hoá"
Cú sốc dầu lửa còn ảnh hưởng tới mặt quân sự: làm mất đi phần lớn những kết quả của chương trình "Việt nam hoá".
Trong kế hoạch giải kết vai trò chiến đấu của Hoa kỳ (De-Americanization of the war) tại chiến trường Miền Nam, một chương trình gọi là "Việt nam hoá" bắt đầu được thực hiện vào giữa năm 1969. Chương trình này giúp canh tân quân lực Việt nam cộng hoà. Trước 1968, khả năng tác chiến của quân lực cộng hoà hết sức giới hạn. Người lính Miền Nam chỉ đủ lực trang bị phần nhiều là súng Garrand M1đã quá cổ vì dùng từ thế chiến II. Sau Tết Mậu Thân mới có súng M-16, tương đương với AK-47 quân đội Bắc Việt đã dùng từ trước.
Chiến xa M-48 và đại pháo 155 ly cũng chỉ được trang bị sau khi Bắc Việt đưa vào Miền Nam chiến xa T-54 và đại pháo 130 ly (8).
Chương trình Việt hoá này hết sức cần thiết để giúp Miền Nam đi đến chỗ tự bảo vệ lấy mình. Tuy nhiên nó có nhược điểm là việc canh tân quân lực Việt nam cộng hoà lại được phỏng theo mô hình quân đội Mỹ. Đó là đánh giặc kiểu nhà giàu. Theo mô hình này, quân lực Việt nam tiếp tục dựa vào hai yếu tố chính là hoả lực và di động tính (fire power and mobility). Và như vậy, về hoả lực, luôn cần bom đạn; và về di động tính, luôn cần xăng nhớt cho trực thăng. Đó là chưa kể những vật liệu bảo trì đại pháo, thiết giáp, oanh tạc cơ và trực thăng. Từ cuối 1973, giá bom, đạn, xăng nhớt tăng lên vùn vụt. Thế là cả hoả lực cả di động tính đều bị giảm (xem Chương 9).
Ở đây, còn phải kể tới số quân dụng quan trọng (đáng giá 750 triệu đô la) mà Hoa kỳ chuyển giao cho quân lực Việt nam cộng hoà trong một chương trình gọi là Enhance Enhance Plus vào cuối năm 1972. Số lượng chuyển giao là để bù đắp phần nào những tổn thất do Bắc Việt tấn công năm đó ("Mùa hè đỏ lửa"). Tuy nhiên, như tướng John Murray, viên chỉ huy cơ quan DAO ở Sài gòn, đã bình luận: "Ai cũng tưởng tin về vụ chuyển giao quân dụng cho Việt nam cộng hoà. Thật ra đó chỉ là những quân dụng hư hỏng hoặc cũ kỹ, lỗi thời. Phần lớn là đồ thặng dư, đòi hỏi phải bảo trì quá nhiều."
Với cú sốc dầu lửa, giá đồ phụ tùng cần thiết trở nên quá đắt, Việt nam cộng hoà không đủ tiền mua vật liệu bảo trì, nhiều quân cụ phải nằm ụ. Quân lực Việt nam cộng hoà phải ôm chúng như của nợ (9). Đầu năm 1975, trong một buổi họp viện trợ tại dinh Độc Lập, ông Thiệu ví von sự kiện này như có một xe Cadillac mà không mua được một cái bougie để thay thì chiếc xe chỉ là đống sắt, lại còn phải canh giữ cho khỏi mất trộm.
Mùa thu năm 1973 đã đến với nhân dân Miền Nam như một cơn ác mộng. Bên ngoài thì cứ cho là hậu chiến, nhưng bên trong thì rõ ràng là tiền chiến: sửa soạn cho một cuộc khủng hoảng đang ẩn hiện cuối chân trời.
Chẳng dính líu gì tới Do Thái, A Rập, thế mà khi con cháu dòng họ nhà Abraham nó choảng nhau, con cháu Lạc Long lại bị cú đấm xây xẩm mặt mày.
Chú thích:
(1) Henry Kissinger, Years of Upheaval, trang 476-478.
(2) Henry Kissinger, Years of Upheaval,
(3) Richard Nixon. Memmoiry trang 922.
(4) Henry Kissinger được tiến cử kiêm thêm chức Ngoại trưởng vào ngày 22 tháng 8, 1973, xem Richard Nixon, Memmoiry, trang 907.
(5) Richard Nixon, Memmoiry,trang 926-927.
(6) Henry Kissinger, A World Restored, trang 525-526; Nixon, Memoiry, trang 527.