P2 - Chương 7

 Làm thế nào để bớt lệ thuộc?

Từ trên cao nguyên Tây Tạng, con sông Cửu Long hiền hoà chảy xuống đồng bằng Nam Bộ, và mỗi khi "nước sông dâng lên", lại có "cá lội vô bờ." Về sản xuất, nó giúp cho Miền Nam trù phú, tưới nước cho vựa thóc của cả nước. Thế nhưng, về chuyên chở nó lại gây nên một ách tắc vì chiều ngang con sông rộng mênh mông, có chỗ lên tới nửa cây số. Vận chuyển thóc gạo, hành khách, bằng phà qua sông thật là khó khăn. Từ mấy năm rồi, Chính phủ đã có kế hoạch xây một cây cầu lớn qua sông để khai thông tắc nghẽn.
Nhưng sao mãi không thấy khởi sự?
Một hôm trong buổi họp với bộ Công Chánh, chúng tôi có hỏi lý do gì mà chưa xây được chiếc cầu? Nhiều vấn dề như kỹ thuật, ngân sách, an ninh được viện dẫn để giải thích. Sau cùng, một nhân viên tại bộ phát biểu: "Thưa ông, mặc dầu cây cầu mang tên "Mỹ Thuận" nhưng Mỹ có bao giờ thuận đâu mà xây". Câu nói do một thanh niên trẻ tuổi đã tóm gọn sự lệ thuộc của nền kinh tế Miền Nam thời đó.
Khi chiến tranh leo thang, kinh tế khó phát triển, nhiều lãnh vực lại còn tụt hậu, cung ứng cho nhu cầu của nhân dân từ ăn, ở, mặc, y tế, giáo dục, tới vận chuyển, xây cất, phần rất quan trọng được đáp ứng từ "viện trợ Mỹ" (xem Chương 19).
Vì lệ thuộc vào viện trợ quá nhiều như vậy, nền kinh tế Miền Nam tất phải gắn liền với những gì xảy ra cho nền kinh tế Mỹ. Nấu kinh tế Mỹ khó khăn là sẽ có áp lực giảm viện trợ cho Miền Nam.
Đúng như Tổng trưởng quốc phòng Mỹ James Schlesinger tiên đoán, khi chiến tranh Trung Đông bùng nổ và Mỹ bắt đầu lập cầu không vận tiếp cứu Do Thái, là có vấn đề ngay. Những thành viên A Rập trong Tổ chức các Nước Xuất Cảng Dầu Hoả OPEC quyết định giảm sản xuất tới mức làm cho giá dầu thô tăng gấp bốn lần. Và chỉ trong vòng mấy ngày, các nước Abu Dhabi, Libya, Saudi Arabia, Algeria và Kuwait lại áp dụng lá bài cấm vận (embargo), cùng nhau đồng loạt cắt đứt xuất cảng dầu sang Mỹ.
Khủng hoảng dầu lửa và kinh tế Mỹ
Khí giới dàn khoan thật là bén nhạy. Vào mùa đông rồi mà xăng nhớt, dầu khí bỗng trở nên đắt đỏ, khan hiếm. Chính phủ phải áp dụng những biện pháp khắt khe. Ngoài những biện pháp kinh tế, tài chính như thuế má, lãi suất, tín dụng có tính cách động lực để thúc đẩy sản xuất, Chính phủ Nixon còn khích lệ phát triển các nguồn năng lượng khác như mặt trời, sức gió, than củi. Ngay trước mắt, Tổng thống Nixon đem ra một loạt chính sách nhằm giảm thiểu mức tiêu thụ (1): độ sưởi trong tất cả các cao ốc Chính phủ Liên bang xuống từ trên 70 độ xuống 65-68 độ; khuyến khích đi xe chung (car- pool); ấn định tốc độ lái xe 55 dậm một giờ; đổi giờ lại thành giờ mùa hè (daylight-saving time); cấm bán xăng ngày Chúa Nhật; giảm thiểu dùng đèn chiếu sáng ban đêm; và tuyên bố sẽ cắt giảm 15% số cung dầu.
Chưa bao giờ phải dùng những biện pháp như thế này.
Lòng người dân bất mãn, hoang mang. Nhiều trạm xăng chỉ cho mỗi xe mua năm đồng. Xe nọ nối xe kia sắp hàng mua xăng. Người nào lẩn thẩn, mua xong rồi mà cứ đếm mấy đồng xu để trả tiền, hay đã ngồi vào xe rồi mà cứ tà tà sắp xếp, chưa chịu lái đi ngay là bị mọi người bóp còi inh ỏi. Để làm gương tiết kiệm xăng nhớt, số bóng đèn trang hoàng cây Giáng Sinh sau toà Bạch Ốc năm đó còn bị giảm 80%. Để thuyết phục nhân dân, chính Tổng thống Nixon và phu nhân đã bay sang California bằng hàng không dân sự thay vì dùng Air-force One (2).
Theo lịch sử kinh tế, khi có lạm phát cao thì thường có nhiều công ăn việc làm. Nhưng từ trận Yom Kippur thì lại sinh ra một tình huống mới. Kinh tế học gọi nó là "lạm phát đình trệ" (stagflation): giá cả tăng lại kéo thất nghiệp lên theo.
Lạm phát đang từ 3.2% (1972), lên 6.2%, (1973) tăng gần gấp đôi rồi lên trên 9%, gần gấp ba (1974). Đang khi đó thất nghiệp lan tràn. Trong thời gian từ cuối 1973 tới 1975, thất nghiệp tăng từ 5% tới 8,5%%. Ở mức này, gần tám triệu người Mỹ thất nghiệp.
Hậu quả của lệ thuộc
Giá cả Mỹ leo thang, giá cả ở Miền Nam cũng theo luôn. Trước hết là giá gạo. Với cùng một số tiền viện trợ thực phẩm, số gạo Tổng Cục Thực Phẩm mua được từ Louisiana tất bị giảm cùng mức. Rồi đến cắt viện trợ. Trong tình huống kinh tế khó khăn, Quốc hội Mỹ không những không tăng lại còn cắt thêm: trong lúc nhân dân chúng tôi cũng đang liểng xiểng, còn tiền đâu mà giúp cho mấy ông!
Ngoài ra Quốc hội còn bị "ảo tưởng hoà bình" (illusion of peace) (3). Sau khi quân đội Mỹ đã rút hết và tù binh được thả về, các nghị sĩ, dân biểu cho rằng Miền Nam nay đã có hoà bình tức có điều kiện phát huy tiềm năng của mình, đâu có cần nhiều viện trợ kinh tế như trước nữa. Thế là vừa bị cú số dầu lửa choáng váng lại có cú số viện trợ tiếp theo.
Quốc hội Mỹ không cần để ý tới sự kiện là tuy có thể tiến tới tự túc, tự cường nhưng miền Nam còn cần yểm trợ trong thời gian chuyển tiếp. Cuộc chiến kéo dài, mức sản xuất tiêu hao, nền kinh tế đã biến thành kinh tế lệ thuộc, làm sao có thể chuyển sang độc lập ngay sau khi Mỹ rút?
Viễn tưởng viện trợ kinh tế "hậu chiến" bất chợt trở nên bấp bênh. Ngoài ra vì vật giá leo thang, tới năm 1974 thì mãi lực viện trợ đã giảm đi trên 50%. Tia hy vọng loé sáng lúc "hậu chiến" trở thành ánh điện leo lét. Vừa phấn khởi đi được một bước, con đường đã bị khứng lại.
Tổng thống Nixon giữ lời hứa, ông yêu cầu Quốc hội chấp thuận ngân khoản 780 triệu. Thế nhưng Quốc hội nào còn tha thiết gì nữa. Số viện trợ chuẩn chi cho Đông Dương năm đó, sau khi trừ đi khoản cho Kampuchia và Lào, chỉ còn 313 triệu cho Miền Nam. Tính vào số này, còn phải trừ đi mấy mục nữa, sau cùng chỉ còn 226 triệu cho chương trình nhập cảng (CIP), nghĩa là mức thấp nhất kể từ khi Mỹ tham chiến năm 1965.

Tài khoá

1966-67

1972-73

1973-74

1974-75

Triệu

400

313

226

285

(Nguồn: USAID)
 Mỹ rút, chi tiêu đô la cũng rút luôn Trong những năm chiến tranh, ngoài số tiền viện trợ lại còn có nguồn thu đô la quan trọng thứ hai, đó là số đô la thu được do nhu cầu đổi sang tiền đồng Việt nam của nguồn ngoại tệ Mỹ vào gồm quân đội, toà đại sứ, các công ty xây cất, dịch vụ Mỹ. Bây giờ thì quân đội Mỹ về hết rồi, các cơ quan hành chính Mỹ thu nhỏ lại, và các hãng ngoại quốc cũng ra đi. Số đô la mua được từ nguồn này đã giảm từ mức 300-400 triệu một năm xuống còn 96 triệu (1973), và 97 triệu (1974):
Số tiền đô la đổi sang tiền đồng VN thu được

Tài khoá

1965/66

1971/72

1972/73

1973/74

1974/75

triệu đô la

333

213

96

97

97

(Nguồn: USAID)
 Tình hình nhập cảng đen tối
Vì xuất cảng chẳng có bao nhiêu, tài trợ cho nhập cảng là do bốn nguồn. Ngoài hai nguồn chính trên đây, còn hai nguồn khác: "viện trợ thực phẩm phụng sự hoà bình (FFP) và "viện trợ dự án". Nhìn vào cả bốn nguồn, tình hình thật là khó khăn:
Kết toán tài trợ nhập cảng tài khoá 1973/74 (triệu đô-la)
Viện trợ thương mại CIP, 226 triệu + Thực Phẩm (FFP)/(S)8 triệu + Viện trợ dự án, 22 triệu + Tiền đô la đổi ra tiền đồng, 96 triệu = 532 triệu.
So với tài khoá 1971/72 (849 triệu), nó đã giảm trên 37%. Nên nhắc lại, số tiền này chỉ là mệnh giá trên danh nghĩa (nominal). Mãi lực thật chỉ bằng một nửa tức chỉ là 266 triệu. Như vậy có nghĩa là thực sự, chỉ còn khả năng nhập một lượng hàng hoá bằng nửa những năm trước.
Thắt lưng buộc bụng
Để đối phó, nhu cầu nhập cảng phải giảm xuống ngay tức khắc. Ngoài những biện pháp thuế má, tỷ giá, Chính phủ còn phải cấm không được dùng tín dụng ngân hàng để tài trợ cho nhập các loại trong hai danh sách "C" và "D". Nếu gồm tất cả những mặt hàng trong hai danh sách này lại, đã gần 80% các loại hàng được coi là "không cần thiết". Cho dù cần thiết như đường cũng phải giới hạn: năm 1973 nhập là 60 triệu; năm 1974 thì phải ngừng hẳn. May mà lúc đó còn một lượng đường tồn kho để giúp giải quyết tạm thời. Muốn giảm tiêu thụ, giá đường được nâng ngang giá quốc tế. Ngành nước ngọt và bia bị ảnh hưởng, dân chúng phải giảm ngay tiêu thụ. Tuy nhiên, vì giá đường lên cao, nhân dân đổ xô trồng mía. Các nhà máy đường cải tiến, sản xuất lên cao. Dự phóng là với tiêu thụ giảm đi, đồng thời tăng số cung nội địa, dứt khoát là từ 1976 sẽ không cần nhập cảng đường nữa (4).
Riêng về dầu lửa, năm 1973 nhập một lượng với số tiền là 82 triệu. Năm 1974, nếu muốn nhập cùng một lượng đó thì phải chi ra 200 triệu. Tiền cạn rồi, lấy đâu ra 200 triệu? Chính phủ phải đặt ra mục tiêu giảm tiêu thụ xăng nhớt 25%. Giá dầu xăng đã tăng 47% vào tháng 1 1, 1973, Chính phủ lại phải tăng giá lên từ 66% tới 140% vào tháng Giêng 1974, làm giá xăng cao vào hàng nhất thế giới hồi đó. Giá dầu hôi lên 140 đồng VN một lít, ngoài tầm tay của số đông gia đình. Tuy nhiên, cũng có cái hay là (giống như trường hợp mía đường), phong trào đun nấu bằng củi, gỗ, than được phát trên mạnh, giúp cho giải pháp lâu dài.
Dầu cặn diesel tăng từ 95 đồng lên 125 đồng, cao hơn tất cả các nước láng giềng. Ảnh hưởng là 11 chiếc tầu đánh tôm vừa mới tân trang hầu như phải ngưng hoạt động. Ngư dân với những thuyền mắc máy đuôi tôm lượn trên sông rạch nay đã thưa thớt. Khi giá các loại dầu, xăng tăng, thì trực tiếp hay gián tiếp, phí tổn sản xuất mọi mặt hàng phải tăng, nâng giá hàng hoá cao hơn nữa. Bị ảnh hưởng nặng nhất là những người có đồng lương cố định như quân, công, cán, chính.
Nhập cảng xuống là tăng thu ngân sách xuống theo. Ở các nước hậu tiến, nguồn thu chính cho ngân sách Chính phủ không phải là thuế trực thu đánh vào tiền lương như ở Mỹ, mà thuế gián thu. Quan trọng nhất là nguồn thu thuế nhập cảng Quan thuế cung cấp. Bây giờ ngân sách đã đến lúc kẹt vì giảm viện trợ, nguồn thu từ Quan thuế lại giảm vì nhập cảng giảm. Làm sao đáp ứng được nhu cầu chi tiêu cho ngân sách đang tăng vì lạm phát? Bộ Tài Chánh tìm cách "tăng thu". Nhìn đi nhìn lại chỉ còn Chợ Lớn. Dù biết thế lực của giới thương gia người Tầu rất mạnh, Tổng trưởng Tài Chánh Châu Kim Ngân cũng vẫn cho rà soát, xông vào mà kiểm tra kế toán, thu thêm cho ngân sách.
Trong bối cảnh "lạm phát đình trệ", vừa lạm phát, vừa trì trệ rất khó giải quyết nhiều vấn đề bức thiết. Giá sản xuất làm kinh tế đình trệ, thất nghiệp tăng. Thêm vào đó còn tước đi một số công ăn việc làm quan trọng. Quân đội Mỹ rút đi đã để lại một lỗ hổng lớn. Trong thời chiến, sự có mặt của Đồng minh giữ mức thất nghiệp ở thành thị tương đối thấp.
Một cách gián tiếp, chi tiêu của họ sinh ra công ăn việc làm, đặc biệt trong lãnh vực dịch vụ. Một cách trực tiếp, các căn cứ quân đội, cơ quan và hãng Mỹ cũng đã tuyển dụng một số nhân công không phải nhỏ. Riêng số người làm việc cho các cơ quan và hãng Mỹ là 160.000 năm 1969. Số này chỉ còn vẻn vẹn trên 17.000 vào cuối năm 1973.
Với một tình trạng kinh tế khó khăn như vậy, ở nhiều nước hậu tiến khác là đã có bất ổn chính trị to rồi. Ở miền Nam, đa số nhân dân cứ kiên cường, cắn răng mà chịu. Đó là nhận xét của cơ quan viện trợ USAID (5).
Đi tìm những nguồn viện trợ khác
Làm sao bớt lệ thuộc? Ngay trước mắt là cần có những nguồn tài chánh để thay thế phần nào cái túi viện trợ và chi tiêu của Mỹ đang dần dần bị thắt lại. Một điều may hiếm có: trong thời chiến, do viện trợ dồi dào, Việt nam cộng hoà không phải đi vay. Trong khi các nước hậu tiến khác nợ nần như chúa chổm, thì mức nợ nước ngoài của Việt nam cộng hoà hầu như không đáng kể. Vì vậy, từ 1973 có thể đi vay Ngân hàng thế giới (Ngân hàng thế giới) và các quốc gia khác.
Gõ cửa Ngân hàng thế giới
Đầu tiên, tôi nghĩ ngay đến Ngân hàng thế giới và cho đây sẽ là nguồn chính. Tài trợ cho tái thiết là mục đích ban đầu của ngân hàng này mà tên thật là Ngân hàng tái thiết và phát triển thế giới (International Bank For Reconstruction and Development, hay LBRD; còn gọi là World Bank). Nó được thành lập sau Thế chiến II để giúp tái thiết các nước, đặc biệt là Âu châu trong khuôn khổ Kế hoạch Marshall. Vào năm 1974 thì Ngân hàng thế giới đã cho các quốc gia hậu tiến vay một lượng tiền lớn.
Miền Nam chưa vay một xu nào dù đã là một thành viên kỳ cựu của Ngân hàng thế giới từ năm 1956; ngoài ra lại có danh chính ngôn thuận: vào thời điểm đó, Miền Nam đang bắt đầu công cuộc tái thiết nền kinh tế bị tàn phá vì một cuộc chiến kéo dài. Việt nam cộng hoà đã cố không vay mượn gì của Ngân hàng thế giới khi còn viện trợ Mỹ, để dành nguồn này cho lúc tái thiết.
Về phương diện cá nhân, tình cảm, lại còn một dữ kiện khác: Chủ tịch Ngân hàng thế giới là người quá quen thuộc với dân quân Miền Nam: đó là cựu Tổng trưởng quốc phòng Robert S. Mcnamara. Người ta nhớ nhiều lần ông hay phát âm trật: "Vit Nam" (Vịt Nằm) thay vì "Việt nam". Tôi yêu cầu gập ông để bàn về nhu cầu tái thiết và vai trò của Ngân hàng thế giới. Mcnamara không còn dính dáng gì đến Việt nam nữa, nhưng hy vọng ông còn chút ít tình cảm đối với nhân dân Miền Nam. Ông là người có trách nhiệm đem nửa triệu quân Mỹ vào Việt nam và điều khiển việc leo thang chiến tranh. Chính ông là người đã cho trắc nghiệm chương trình khai quang bằng chất hoá học da cam (agent orange) ở Việt nam, gây không biết bao tai hại! Cũng dưới thời này, chiến thắng của quân đội Hoa kỳ được đo lường một cách hết sức máy móc, bằng xác địch quân và những bảng liệt kê vũ khí chiếm được. Sau bao nhiêu sai lầm, ông ngang nhiên bỏ cuộc. Xin làm Chủ tịch Ngân hàng thế giới.
Vì cái dĩ vãng đó, tôi chắc lương tâm ông này còn chút dằn vặt. Gõ cửa Ngân hàng thế giới qua ông thì chắc ăn rồi. Bước vào thang máy trụ sở Ngân hàng thế giới, bấm lầu 12 để lên bàn giấy ông chủ tịch, tôi tính toán trong óc một số dự án tái thiết và hy vọng vào mức độ thông cảm của ông cựu Tổng trưởng quốc phòng Mỹ.
Vừa ngồi xuống nói xong vài câu chào hỏi, Mcnamara bắt đầu ngay: "Thưa ông Tổng trưởng, tôi có thể làm gì để giúp được ông?" Vì nghĩ rằng Mcnamara có thể còn nhạy cảm không muốn nghe tới chiến tranh Việt nam, nên tôi cũng cố tránh và chỉ coi ông như chủ tịch một cơ quan quốc tế mà Việt nam cộng hoà là một thành viên kỳ cựu, để đề nghị vay một ngân khoản như những thành viên khác. Tôi trình bày tóm gọn nhu cầu tái thiết thời "hậu chiến", và hỏi ý kiến ông về khả năng vay khoảng 50 triệu cho đợt đầu.
Nghe tôi nói xong, ông không đả động gì đến vấn đề kinh tế khó khăn mà Việt nam cộng hoà đang gặp. Chậm rãi ông lại phàn nàn về việc Quốc hội Hoa kỳ không chịu tăng ngân khoản đóng góp cho Ngân hàng thế giới: "Tôi muốn giúp "nước ông" lắm chứ, nhưng nếu Quốc hội không chấp thuận ngân khoản cho Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) thì tôi cũng đành chịu bó tay". IDA là một cơ quan của Ngân hàng thế giới giúp các nước nghèo. Tôi nhắc ông rằng Việt nam cộng hoà là một trong những thành viên kỳ cựu nhất của Ngân hàng thế giới và chưa hề vay mượn đồng nào của cơ quan này trong gần 20 năm qua.
Tiếp tục trình bày, tôi còn tránh không nói tới việc xây dựng lại hạ tầng cơ sở bị tàn phá bởi chiến tranh và chỉ nói tới nhu cầu phát triển canh nông của Miền Nam. "Vâng, vấn đề canh nông bao giờ cũng hấp dẫn đối với tôi". Mcnamara trả lời, ngân hàng đang có một vài dự án quan trọng về gạo Thần Nông". Nói xong, ông đứng dậy đi tới bàn giấy của ông, lấy một hộp pha lê đựng gạo mẫu thần nông rồi đưa cho tôi xem. "Thưa ông, hiện nay, Việt nam cộng hoà là quốc gia duy nhất trên thế giới cần đến chương trình tái thiết thời hậu chiến", tôi cứ tiếp tục đầu đề chính của buổi họp. Mcnamara lại quay về câu chuyện "Thần Nông" và nói tới tiềm năng phong phú ở miền Nam. "Chúng tôi đang cho trắc nghiệm phát triển loại lúa này, đây là lúa Thần Nông IR-3". Ông không nhìn tôi nữa mà cứ nhìn vào hộp gạo, bình luận về năng suất cao của gạo thần nông, điều kiện kỹ thuật trong việc trồng cấy và nông dân miền Đồng Bằng Cửu Long chắc sẽ thu hoạch được lợi tức cao nếu trồng được nhiều loại lúa này. Đến đây thì tôi đã thấy rõ thái độ của ông này rồi. "Cám ơn ông Chủ tịch, tôi đã nhìn thấy cả loại IR-8 rồi, còn tốt hơn IR-3". Thấy tôi không chú ý tới đề tài của mình nữa, ông ngừng và mời tôi uống ly cà phê để sẵn trên bàn. "Cám ơn ông chủ tịch, tôi nghĩ trước hết chúng tôi còn phải giải quyết vấn đề "hoá học da cam" (agent orange) trước khi có thể mở rộng diện tích canh tác lúa thần nông", tôi đứng dậy, chào ông và ra về. Xuống cầu thang máy, tôi thật chán nản, không hiểu tại sao Mcnamara lại có thể "thờ ơ, lãnh đạm đến thế"? Lúc này, chắc ông muốn quên hẳn Việt nam đi và chỉ muốn dồn tiền bạc của Ngân hàng thế giới vào những nước mà Mỹ đang còn o bế như Trung Cộng, Ấn Độ, Pakistan. Sau này tôi mới biết là dưới thời Tổng thống Johnson, ông đã hăng say về chiến tranh Việt nam để chiều ý Tổng thống, với hy vọng được lên chức chủ tịch Ngân hàng thế giới (xem Chương I).
Nhìn về Paris
Sau Ngân hàng thế giới, Miền Nam nhìn vào nước "Bảo hộ" cũ, cố hàn gắn mối giây liên lạc ngoại giao giữa hai nước đã bị sứt mẻ từ năm 1966. Pháp gửi ông Jean Marie Mérillon tới Sài gòn nhận chức Đại sứ sau bảy năm cắt quãng. Ngoài ra để bày tỏ thiện chí và đánh dấu mối bang giao mới giữa hai nước, Pháp đề nghị cho Việt nam cộng hoà vay một số tiền dài hạn với lãi suất thấp. Để tượng trưng cho một hình ảnh mới, Chính phủ gửi một phái đoàn gồm toàn chuyên gia thượng hạng lại trẻ trung, sang Pháp, trong đó có Nguyễn Xuân Nghĩa, Lê Văn Phúc và một số anh em khác xuất thân từ các đại học lớn ngoại quốc, đày đủ kiến thức để thương thuyết với các quan chức cao cấp Pháp. Phái đoàn do tác giả hướng dẫn.
Tại Paris, chỉ sau một ngày làm việc đã nhận ra là thể thức viện trợ Pháp không có đơn giản. Tuy nói là Chính phủ cho vay dài hạn và với lãi suất ưu đãi, nhưng luật lệ lại đòi là mỗi một đồng quan (franc) viện trợ của Chính phủ phải kèm theo một đồng quan của ngân hàng tư, do Hiệp Hội Ngân hàng COFACE điều hành. Mới nghe thì thấy có vẻ hợp lý vì có sự tham gia của lãnh vực tư. Nhưng có bắt tay vào việc mới thấy đây là một trở ngại lớn cho quốc gia nhận viện trợ. Trở ngại đó là: tiền của Chính phủ Pháp thì cho vay dài hạn và lãi suất thấp, nhưng tiền của các ngân hàng tư thì lại ngắn hạn và lãi suất cao. Tính ra thì "phần tặng dữ" hay cho không (grant element) rất thấp.
Cho nên xét cho kỹ thì mô hình này không hấp dẫn như ta tưởng. Ngoài ra, còn một điều kiện khác nữa: quốc gia nhận viện trợ phải mua hàng của Pháp. Bởi vậy, trong thực tế, chính mấy ông chủ ngân hàng tư mới là người chấp hành viện trợ. Theo nguyên tắc, họ đã có một nửa quyền quyết định rồi, chỉ cần sắp xếp với Chính phủ của họ và xoay xở chút đỉnh "cà phê, cà pháo" với phía nhận viện trợ, bằng cách này hay cách khác, thế là xong rồi. Số tiền Pháp cho Việt nam cộng hoà vay sau cùng là 130 triệu quan Pháp (khoảng 26 triệu đô la). Lúc thi hành, bộ Kế hoạch muốn dùng khoản tiền này vào chương trình canh nông, chế biến, để giải quyết thất nghiệp. Đặc biệt là các công trình nạo vét kênh rạch sình lầy như khu Thị Nghè, cầu Công Lý, hồ nước Than Thở Đà lạt. Thế nhưng, phía Pháp lại cứ áp lực mua máy nhiệt điện, hệ thống phát sóng tối tân cho đài truyền hình, điện thoại, xe đạp Peugeot. Miền Nam còn biết bao nhiêu ưu tiên khác, một miếng khi đói bằng gói khi no, đồng tiền quý giá, làm sao mà lại nhập truyền hình, điện thoại được? Vì phía Việt nam không đồng ý, nên viện trợ bị khứng lại. Thế là Đại sứ Merillon vào đặt ngay vấn đề với Tổng thống là nếu viện trợ có sẵn còn không thi hành được thì làm sao nói đến viện trợ năm tới?. "Anh liệu dàn xếp xúc tiến mọi việc cho ổn thoả; lúc này mình đang cần từng đồng xu", ông Thiệu gọi tôi vào dặn.
Nước giàu có Á Châu
Sau Pháp là Nhật. Tuy thể thức cho vay của Nhật bớt chặt chẽ hơn, và là cho vay dài hạn, nhẹ lãi, nhưng Nhật cũng đòi phải mua hàng hoá của Nhật. Họ muốn dùng một phần tiền viện trợ để giúp "nhập cảng thương mại", nói trắng ra là gồm cả các loại hàng không cần thiết. Sài gòn đã có cái biệt hiệu báo chí ngoại quốc gọi là Hondaville, bây giờ chắc phải nhập thêm đồ phụ tùng cho xe Honda. Trong một bữa chiêu đãi tại Tokyo, quan chức bộ Ngoại giao, Tài Chánh còn nói tới thuỷ điện Đa Nhim, cần được làm lớn lên. Khi tôi trình bày là tình hình an ninh chưa cho phép vì dây dẫn điện bị cắt luôn luôn, họ bác đi ngay. "Nếu bây giờ xăng nhớt đắt, máy nhiệt điện làm sao đủ nhiên liệu mà phát điện? Vậy các anh phải đặt ưu tiên cho thuỷ điện. Và nếu cho ưu tiên rồi thì việc tăng an ninh cho tuyến tải điện phải được giải quyết".
Các nguồn viện trợ song phương khác
Viện trợ của các nước khác cũng chỉ nhỏ giọt, dăm ba triệu đô la và hướng về viện trợ nhân đạo như y tế, giáo dục. Trong các nguồn này, chỉ có triển vọng sẽ vay được của hai quốc gia một số tiền tương đối lớn: đó là nguồn cho vay từ Iran và Saudi Arabia. Nguồn tài chính từ Saudi Arabia hết sức đặc biệt và sẽ được đề cập tới ở cuối chương này (và Chương 12). Nguồn từ Iran khoảng 100 triệu là do Quốc vương Shah đề nghị giúp đỡ. Iran có thể cho Việt nam cộng hoà vay ngay khoản tiền để yểm trợ nhập cảng hàng hoá. Chính phủ Iran cho biết là nếu Việt nam cộng hoà không có khả năng hoàn trả bằng tiền bạc thì có thể trả bằng sản phẩm, thí dụ như rau cỏ, hoa quả Đà Lạt. Phía Việt nam cứ đi thu mua, rửa sạch, đóng vào giỏ tre, giỏ mây, sẽ có máy bay vận tải bay thẳng từ Teheran, Iran sang Đà Lạt hằng tuần để chở về. Sân bay Liên Chương ở Đà Lạt sẽ được sửa chữa lại. Kế toán sổ sách theo giá quốc tế, không có vấn đề gì. Đây là một sáng kiến rất tốt, nhưng nó đòi thời gian để tổ chức, phát triển sản xuất, thu mua, nới rộng sân bay, không thể thi hành ngày một ngày hai được.
Cũng vẫn chỉ có Mỹ
Xoay mấy thì xoay, đi vay đã là khó khăn. Có vay được lại khó nuốt. Như vậy, ngay trước mắt, cũng vẫn chỉ còn trông nhờ viện trợ Mỹ. Nhưng lúc trông mong nhất lại là lúc ít hy vọng nhất: Quốc hội Hoa kỳ đã thắt cái túi tiền nhập cảng lại gần chật rồi: ngân sách viện trợ nhập cảng CIP cho Miền Nam tài khoá 1975/76 chỉ vỏn vẹn 145 triệu! Và đây cũng chỉ là con số danh nghĩa. Nếu điều chỉnh theo lạm phát mà tính ra mãi lực thật của nó thì là dưới 70 triệu. Đồng thời, viện trợ thực phẩm bị cắt từ 165 triệu tài khoá 1971/72, xuống 46 triệu, chỉ còn một phần tư.
Đến mức này thì coi như cạn kiệt. Bầu không khí mỗi khi họp hành để bàn định về kinh tế sao nó u buồn thế. Nhưng lo thì để trong lòng. Vào thời điểm đó, chớ có đem những tin tức chi tiết về viện trợ kinh tế ra mà công bố. Những số liệu so sánh như trên đây phải được giữ kín. Đang lúc mọi người lo ngại về tình hình quân viện, nếu lại phổ biến tình hình đen tối về kinh viện, chắc chắn là quân, dân còn hoang mang hơn nữa.
Tia sáng phụt tắt
Sau cùng, vào cuối năm 1974, một tia sáng loé lên. Có ông vua dầu lửa người xứ Arabia chiếu cố đến Miền Nam. Vua Sau al Faisal cho biết ông có rất nhiều thiện cảm với nhân dân Miền Nam và đã bí mật đồng ý trên nguyên tắc cho Miền Nam vay một số tiền mấy trăm triệu đô la.
Thật là cơ hội quý báu. Đang lúc nguy kịch lại có nhà hảo tâm đến cứu. Vua Faisal bằng lòng cho vay dài hạn, lãi suất nhẹ. Khi nào Miền Nam đào lên được dầu lửa thì mới phải trả. Điều kiện viện trợ nhẹ nhàng, thủ tục thi hành đơn giản. Ký xong là có tiền ngay (hay cho vay bằng dầu lửa). Bao nhiêu hy vọng tràn trề. Họp lên họp xuống, nhất thiết là phải thực hiện ngay kế hoạch này để tới 1975/76 còn giữ được một phần lượng nhập cảng những hàng thiết yếu. Đặc biệt là dầu, xăng, thực phẩm, thuốc men, và phân bón. Nếu quá thiếu những sản phẩm này thì chắc chắn sẽ có khủng hoảng lớn.
Nhưng đúng là "hoạ vô đơn chí". Những cái rủi ro nó bay theo nhau mà đến. Đang lúc sửa soạn đàm phán chi tiết với Chính phủ Saudi để sớm có giải ngân thì đùng một cái, vua Faisal bị chính cháu mình sát hại.
Chính phủ Miền Nam chưng hửng, Tổng thống Thiệu gửi điện chia buồn cùng Hoàng gia, nói tới nghĩa cử cao đẹp của Ngài Faisal, cầu xin cho Allah sớm đưa Ngài về nơi cực lạc. Vì tình cảm cao đẹp ấy, Việt nam cộng hoà yêu cầu Hoàng gia tiếp tục thực hiện công cuộc yểm trợ Miền Nam như Ngài đã hứa.
Thế nhưng, trong lúc tang gia bối rối, tình hình quốc nội xáo trộn, Hoàng gia Saudi đâu còn thời giờ hay tinh thần mà để ý đến chuyện nước khác.
Vua Faisal đã nằm xuống ngày 25 tháng Ba 1975, vào đúng ngày quân lực Cộng hoà rút lui khỏi cố đô Hoàng Triều Huế.
Chú thích:
(1) Richard Nixon, Memoiry, trang 984-985.
(2) Richard Nixon, Memoiry, trang 984-985.
(3) Henry Kissinger, Years of Upheaval, trang 328.
(4) Số liệu; VNCH, Bộ kế hoạch, 1974-75.
(5) Tài liệu nội bộ, USAID.