Chương 11

Tôi không thể biết tôi đứng ngây ở đó nhìn mặt Hồng Loan trong bao nhiêu lâu. Óc tôi như bị tê liệt vì kinh hoàng. Tôi không suy nghĩ được, không cử động được. Tôi chỉ nhận biết được một sự kiện. Hồng Loan đã chết, văn phòng này bỏ hoang không có ai tới làm việc nên trong ngày hôm nay không ai vào đây để thấy xác người đàn bà này, đêm qua khi tôi đấm nàng với ý định làm cho nàng ngất đi, gây ra thương tích nhẹ cho nàng để cảnh sát tin ở cuộc bắt cóc, tôi đã không đấm quá mạnh và khi ngã xuống, đầu nàng đập mạnh xuống sàn gỗ hoặc vào cạnh chân bàn và nàng đã chết vì thế…
Tôi choàng giật mình tỉnh cơn mê hoảng vì một tiếng động lạ ngoài kia. Tiếng động cơ của chiếc xe hơi chạy tới.
Tắt đèn bấm nơi tay, tôi lùi lại để nhìn qua cửa sổ ra rừng.
Có ánh đèn pha rọi sáng những thân cây ven con đường đất. Đúng là có xe hơi chạy tới. Rồi chiếc xe hiện ra giữa những hàng cây. Ánh đèn pha từ xe chiếu ra cho tôi thấy hình bóng của một chiếc xe Jeep. Xe cảnh sát. Cảnh sát tới. Tôi sẽ bị bắt quả tang ở đây. Với cái chết của Hồng Loan, tôi không làm sao có thể thoát khỏi chết. Bức thư tuyệt mệnh của Văn không giúp gì được tôi khi Hồng Loan chết.
Năng lực tiềm tàng trong bản thân tôi, một năng lực mà chính tôi cũng không ngờ là tôi có thể có, lúc đó phát hiện. Tôi không thể để cho cảnh sát bắt ở đây. Nhưng chạy ra cửa chính không còn kịp nữa. Ánh đèn pha xe Jeep đã chiếu thẳng vào khung cửa. Tôi bước tới ô cửa sổ đằng sau định mở để trèo ra ngoài rừng nhưng ô cửa kẹt cứng. Người ta đã dùng mấy cây gỗ đóng bít ô cửa sổ này.
Tôi y như một con chuột sa bẫy.
Xe dừng ngay trước cửa, chỉ còn vài giây đồng hồ nữa thôi, tôi sẽ bị họ bắt và còng tay lại.
Tôi nhìn quanh tìm một chỗ nấp. Trong góc phòng có bốn năm cái thùng gỗ. Tôi đi tới đó. Toàn là thùng không, tôi chui vô lòng cái thùng ở trong cùng. Tôi ngồi thụp xuống và cái thùng vừa vặn che kín tôi. Người đứng bên ngoài không nhìn thấy tôi nhưng nếu có ai bước tới nhìn vào thùng, người đó sẽ thấy tôi ngay tức khắc.
Tôi lúc này đúng là một con chuột chui vào bẫy. Chỗ nấp của tôi không mấy kín đáo nhưng tôi vẫn còn một chút hy vọng: nếu cảnh sảt không biết là có tôi hiện ở trong nhà này, họ không ngờ có tôi ở đây, họ sẽ không tìm kiếm, không sục sạo và may ra tôi vẫn có thể thoát.
Tôi vừa ngồi yên được trong thùng, bên ngoài có tiếng người nói lớn:
― Anh Tư ngồi coi xe. Cẩn thận lấy súng ra. Thằng Sắc vô đây với tao. Lấy đèn bấm trong xe mang vô. Anh Tư nhớ cứ cho xe chạy máy đều nghen...
Trái tim tôi đập loạn khi tôi nhận ra đó là giọng nói của Lê Huy.
Tôi nghe tiếng giầy của Lê Huy nặng nề bước lên thềm nhà gỗ rồi đi vào phòng. Trên trần nhà, tôi thấy có ánh đèn bấm quét qua. Rồi tiếng Lê Huy lại cất lên:
― Coi kìa.. Cửa sổ bị đập bể kiếng... Phong này hình như có người...
Và giọng của một người trẻ tuổi hơn đáp lại:
― Ông Cò... Nhà này bỏ không từ mấy tháng nay. Đâu có ai vô đây làm chi? Trừ mấy chú Việt Cộng vô ngủ nhờ một đêm... Nhà này đồ đạc cũng chẳng có gì đáng giá.
Lê Huy lại nói:
― Nếu đúng là họ bị bắt cóc thì họ có thể bị đưa vô đây... Đây đúng là đoạn đường xe họ dừng lại đêm qua mà...
Tôi ngồi rúm lại trong thùng. Có tiếng chân lệt sệt đến gần góc nhà có xác Hồng Loan nằm nhưng ánh đèn của họ chưa chiếu tới. Tôi lại nghe tiếng Lê Huy nói. Tiếng nói quá gần nghe y như hắn đứng ngay trên đầu tôi:
― Tao vẫn không tin là họ bị bắt cóc... Mẹ kiếp... Ở Việt Nam mình làm gì có nạn bắt cóc, nhất là lại bắt cóc người nhớn. Bắt cóc trẻ nít thì đôi khi cũng có nhưng bắt cóc người lớn với hy vọng đòi tiền chuộc mạng thì hiếm lắm. Bọn gian ở nước mình chưa đủ trình độ và điều kiện nghĩa là chưa có đủ tài nghệ để làm việc đó... Tao vẫn nghĩ rằng vợ chồng nhà nàng vì thiếu nợ quá nhiều trả không nổi, bày đặt ra chuyện lộn xộn để đánh lừa nhà chức trách, để đem nhau trốn đi đâu đó...
Rồi y tiếp, giọng bực dọc:
― Coi qua đây rồi đi về cho lẹ mầy...
Tôi nín thở. Ánh đèn quét tới gần chỗ tôi nấp rồi tiếng chân đến gần hơn. Tôi nghe rõ tiếng Lê Huy chửi thề:
― Mẹ kiếp... Chi vậy mày? Ai nằm đây? Phải chị vợ thằng cha Vũ Minh Văn không?
Tiếng gã trẻ tuổi có vẻ xúc động:
― Đúng bà đó rồi... Bả chết rồi... Người lạnh ngắt à
― Bà này chết dễ thường đã hơn mười hai tiếng đồng hồ rồi... Chết mẹ... Vụ này rắc rối đây...
― Vậy thì đúng là họ bị bắt cóc rồi... Không chừng xác ông Văn cũng bị giết bỏ đâu gần đây...
Giọng nói của Lê Huy có những âm thanh vừa lo âu vừa bực tức:
― Mày ở đây để tao ra xe gọi điện thoại về Tổng Nha, báo cho họ biết. Phải có nhiều người lên đây mới lục xoát được cả vùng này...
Tôi nghe thấy tiếng giầy Lê Huy chạy huỳnh huỵch trên nền nhà và sau đó tiếng y gào lớn trong máy điện thoại liên lạc ngoài xe. Người nhân viên trẻ tuổi ở lại trong phòng đánh máy lửa châm thuốc lá hút. Gã cầm đèn chiếu loạn trong phòng nhưng gã chỉ đứng im bên cạnh xác chết.
Mồ hôi tôi toát ra ướt đầm, tim tôi đập như muốn phá vỡ lồng ngực để nhảy ra ngoài. Tôi không nghe rõ Lê Huy nói những gì vào máy điện thoại nhưng tôi hiểu rằng chỉ nửa giờ nữa thôi, nơi này sẽ đầy nhóc những cảnh sát và nếu tôi muốn thoát khỏi bị bắt, tôi phải lọt khỏi nơi này trước khi những xe cảnh sát sắp tới đến nơi.
Vài phút sau, Lê Huy trở vào:
― Họ tới ngay. Mình cần có nhiều người để khám xét mấy căn nhà bên kia. Chú mày nói đúng. Rất có thể chúng còn giam Vũ Minh Văn ở đâu quanh đây...
Gã trẻ tuổi nói:
― Bà này có vẻ bị đau đớn nhiều trước khi chết. Sao không thấy có vết máu nào hết? Không biết bả vì sao mà chết/
Giọng Lê Huy cấm cẳn:
― Tao cũng làm sao biết được? Phải chờ bác sĩ luật y tới khám nghiệm tử thi mới có thể biết chắc được. Có điều tao lấy làm lạ là tại sao bà này lại bị trói tay chân vậy cà? Bà bị trói lúc còn sống chớ? Làm gì có thằng khùng nào đi trói chặt chân tay một người đã chết bao giờ. Tao thấy vụ này rắc rối, khả nghi hết sức. Dường như bọn làm vụ này không phải là bọn chuyên nghiệp. Nhà đó có một thằng thư ký tao ngờ hết sức. Coi bộ thằng đó gian xảo lắm.
― Có phải thằng tên là Quang không, ông?
― Chính nó. Tao có nhờ tìm “phít” coi nó có án tích hay bị nghi ngờ dính líu vào vụ bất hợp pháp nào không. Nhưng tao chưa nhận được kết quả. Thằng đó khả nghi lắm. Tao phải cho thằng theo dõi hành động của nó mới được.
― Ông Cò à. Theo tôi nhận xét thì... vụ Vũ Minh Văn đau ốm đúng là một vụ bày đặt. Cha nó vẫn mạnh như voi.
― Tao cũng nghĩ vậy. Rất có thể là họ âm mưu làm một “cú” gì đó. Cả chị đàn bà này cũng ở trong âm mưu đó. Chú mày coi. Dây trói này yếu quá. Đúng là trói giả vờ. Nếu trói thật sự mà dùng loại dây này, trẻ con nó cũng có thể tự làm đứt được...
― Nhưng bà... chết thì lại không có vẻ giả đò chút nào.
― Ừ...
Có tiếng người nói từ ngoài cửa vọng vào:
― Ông Cò. Tôi đã đi coi qua hai căn phòng bên kia. Hoàn toàn bỏ không. Không có gì khả nghi hết. Dường như đã lâu không có người vô đó.
Tiếng Lê Huy đáp ra:
― Được rồi. Anh ngồi xe coi họ có gọi gì cho mình không. Lúc nào xe họ tới thì nhớ bật đèn pha cho họ biết chỗ.
Yên lặng một lúc. Sau đó tôi lại nghe tiếng Lê Huy nói:
― Tao lại vừa nghĩ ra được một giả thuyết mới. Chỉ mới là giả thuyết thôi, chưa có bằng cớ nhưng tao thấy hợp lý lắm. Như vầy. Có thể bà này bị chính ông chồng là Vũ Minh Văn giết chết rồi trói lại, hắn muốn làm cho bọn mình tưởng là mụ vợ hắn bị bọn bắt cóc giết chết. Trong khi bọn mình bận tìm bọn bắt cóc thì hắn ung dung trốn đi...
― Nhưng tại sao hắn lại giết vợ chớ? Tôi sợ giả thuyết của ông không vững...
― Vợ chồng hắn sống với nhau không được êm đẹp. Tao nghe nói vợ hắn coi thường hắn và định bỏ hắn. Chị đàn bà này nguyên là một em chơi bời hạng sang ở Sài Gòn. Vũ Minh Văn lấy được nàng làm vợ nhờ có tiền và chưa có vợ. Bây giờ khi hắn khánh kiệt tài sản bị vỡ nợ, vợ hắn bỏ rơi hắn để đi lấy thằng khác là chuyện có thể xảy ra. Có thể hắn giết vợ vì hắn quá yêu vợ, hắn không muốn mất vợ. Cũng rất có thể là ý kiến đi Đà Lạt dưỡng bệnh là do vợ hắn đưa ra. Hắn bằng lòng đi dưỡng bệnh nhưng trên đường đi đêm qua, chợt hắn biết vợ hắn định cho hắn lên bệnh viện để dễ dàng cho hắn rơi nên hắn nổi giận. Hắn đánh nàng chẳng hạn rồi vì quá tay, hắn làm nàng chết. Hắn mới cho xe vô đây, tìm dây trói nàng lại, bỏ nàng nằm đây rồi một mình trốn về Sài Gòn với cái xe hơi.
― Có thể lắm. Ông xét đoán rất cừ…
― Thôi cứ để cho nàng nằm đây. Tao ra xe về Tổng Nha báo ngay cho ông sếp giả thuyết mới của tao coi ổng nghĩ sao. Chú mày chịu khó cầm đèn đi qua hai căn nhà bên kia soát lại lần nữa coi. Tao sợ anh Tư ảnh không quen, có gì lạ ảnh cũng không thấy. Bọn mình nên tìm trước đi. Để cho bằng chứng lù lù ra đó mà mình nói là không có gì, lát nữa anh em họ lại tìm thấy mắc cỡ.
Gã nọ sốt sắng:
― Ông yên trí. Để tôi qua coi…
Tôi nghe tiếng chân họ ra khỏi phòng. Họ đi ngang hai cây đèn bấm đi nên quanh tôi bống tối trở lại dầy đặc. Đây chính là lúc tôi thoát thân. Nếu lúc này mà tôi không ra thoát được đây thì tôi sẽ chẳng bao giờ thoát thân được.
Tôi chui ra khỏi thùng và tới ghé mắt nhìn qua khe cửa sổ.
Chiếc xe jeep đậu ngay trước cửa nhà. Cặp đèn pha chiếu vào rừng sáng rực một vệt dài. Máy xe vẫn nổ rì. Lê Huy đứng bên xe, y đang nói vào máy điện thoại gắn trong xe. Tôi bước mấy bước dài tới bên cửa ra vào. Tới đây rồi lại nép vào bên cửa nhìn ra. Lê Huy đứng quay lưng lại tôi. Người tài xế ngồi trên xe đang mải nhìn ra đường. Tôi mà bước ra khỏi cửa đúng lúc anh tài xế hay Lê Huy nhìn lại là đời tôi tàn…
Gã cảnh sát đang kiểm soát hai căn nhà bên cạnh cũng có thể trở lại và trông thấy tôi. Nhưng tôi không thể chờ đợi được lâu hơn nữa. Tôi lẹ chân bước ra hiên nhà và nhón gót đi xuống bãi cỏ đầu nhà.
Tôi đi nép vào vách gỗ của căn nhà. Bóng đêm bao trùm lấy tôi nhưng tôi vẫn chưa hết nguy hiểm. Vì cặp đèn pha của chiếc xe jeep chiếu thành hai vệt sáng dài cắt đôi đoạn đường tôi phải đi để về chỗ đậu xe mà tôi thì nhất định phải về được tới chỗ đậu xe trước khi những chiếc xe khác của cảnh sát tới, tôi mới có thể về thoát được tới Sài gòn.
Tôi biết rằng tính mệnh của tôi đêm nay hoàn toàn trông cậy vào may rủi, không còn có khéo hay vụng dại hoặc suy tính gì nữa, may thì tôi có thể về thoát được tới Sài gòn, không may thì tôi bị nhìn thấy. Tôi còn biết rằng nếu không bước chân đi ngay, tôi sẽ cứ đứng chết đi ở đây cho đến lúc bị họ bắt.
Vì vậy, không suy nghĩ gì nữa, tôi bước đi, những bước chân nặng như có đá đeo. Đầu cúi xuống, chân bước chậm, tôi cứ thế đi thẳng vào rừng cây trước mắt.
Cũng may là trời đêm không trăng sao. Ánh sáng của cặp đèn pha không đủ làm sáng tất cả cảnh vật quanh mấy gian nhà bỏ hoang. Vào tới rừng cây tôi cắm đầu chạy thẳng vào chỗ tôi đậu xe. Khi xe tôi đã chạy đàng hoàng trên đường về Sài gòn giữa mấy cái xe bé, tôi gặp ba chiếc xe cảnh sát chạy hết tốc lực ngược đường. Tôi bàng hoàng như người đang sống trong mơ. Tại sao tôi về được tới Sài gòn? Tôi cũng không biết nữa.
oOo
Chỉ khi về được tới vi la, vào tới căn phòng Thúy vừa ở và mới đổi cho tôi, tôi mới tỉnh lại và tôi mới nhận rõ được tình trạng nguy hiểm rùng rợn mà tôi vừa sa vào vì cái chết bất ngờ của Hồng Loan.
Trong căn nhà hoang giữa rừng hồi nãy, ngay sau khi tôi tìm ra được xác nàng và thấy nàng đã chết, những sự việc theo nhau dồn dập tới làm tôi không kịp suy nghĩ. Bây giờ tôi còn nguyên kinh ngạc trước sự việc thập phần hoàn hảo của tôi. Một cái chết bất ngờ. Điều nguy hiểm, rùng rợn và bất ngờ nhất là chính tôi đã giết nàng. Nàng bị chết vì tay tôi.
Tôi đã trở thành kẻ sát nhân.
Bức thư tuyệt mạng của Văn viết lại cho luật sư Thanh mà tôi còn giữ làm bùa hộ mệnh có thể bảo đảm cho tôi khỏi bị kết án là giết Văn, nhưng nó hoàn toàn xa lạ với cái chết của Hồng Loan.
Đêm qua, sau khi đấm hụt nàng cú thứ nhất, tôi đã hoảng loạn và đấm nàng cú thứ hai quá nặng tay. Nhưng tôi vẫn nhớ rõ là lúc đó nàng chưa chết ngay. Tôi vẫn thấy nàng thở đều sau khi ngất đi. Chắc là lúc nàng ngã, đầu nàng đạp quá mạnh xuống sàn, nàng có thể chết vì ngạt thở: tôi đã đút cái khăn tay của nàng vào miệng nàng. Rất có thể tôi đã đút khăn quá chặt.
Nằm rũ trên giường, tôi cũng giống như một cái xác chết. Tôi hối hận vì đã tham tiền mà dựng lên âm mưu này. Cũng giống như đa số những anh làm bậy ở cõi đời này, tôi chỉ thấy hối hận sau khi đã phạm tội, sau khi đã làm những việc không sao cứu vãn được. Và cũng như tất cả những âm mưu kế hoạch gian xảo khác, chỉ khi thi hành kế hoạch mới xảy ra, mới thấy có những bất ngờ hoàn toàn… bất ngờ. Đã có không biết bao nhiêu tay gian hùng bị chết trước tôi vì những bất ngờ ngoài dự tính đó…
Bây giờ tôi phải làm sao đây? Trong vi la này tôi còn một xác chết nữa, xác chết Vũ Minh Văn. Tôi không thể bỏ mặc xác Văn nằm mãi trong tủ lạnh… Nhưng kế hoạch của tôi dự tính có sự cộng tác của Hồng Loan. Bây giờ nàng đã chết rồi, số tiền bồi thường nếu được hãng bảo hiểm trả sẽ được trao cho bà chị của Văn, tôi không còn chút hy vọng nào có thể có bạc triệu.
Việc quan trọng của tôi bây giờ không còn là việc lấy tiền bảo hiểm nữa mà là việc chạy tội. Nếu tôi đem được xác Văn đi bỏ ở nơi nào đó có thể nào tôi thoát tội được không? Nếu tối làm cho cảnh sát tưởng rằng cả Văn và Hông Loan đều bị bọn bắt cóc giết? Trong bộ óc mệt mỏi rời nặng những tuyệt vọng của tôi bỗng lóe sáng một tia hy vọng tôi nghĩ đến chuyện đó.
Phải làm sao cho cảnh sát tưởng rằng vợ chồng Vũ Minh Văn đều bị bọn gian bắt cóc họ giết hại… Thanh tra Lê Huy có nghi ngờ tôi thật nhưng y chưa có qua một bằng chứng nào. Và bây giờ cả hai vợ chồng Văn đều cùng bị giết, y sẽ không còn có lý do ngờ tôi âm mưu với Hồng Loan nhất là cái chết của Hồng Loan. Tôi không còn là người hy vọng được chia tiền bồi thường bảo hiểm. Và tôi không có lý do nào để giết Hồng Loan. Giả thuyết vợ chồng Văn bị bắt cóc rồi sợ bị lộ, vì tra tấn lỡ tay, bọn gian đã làm chết cả hai vợ chồng đứng vững hơn.
Ngay lúc này, khi cảnh sát chưa tìm ra được tung tích Văn, họ đang nghi là chính Văn đã giết vợ, lỡ tay hoặc cố ý. Tôi đã nghe lỏm được Lê Huy nói ra sự nghi ngờ đó khi y tìm ra xác Hồng Loan…
Đang nằm tôi ngồi bật dậy khi tôi nghĩ ra được một cách có thể thoát chết: đổ hết tội lỗi cho Vũ Minh Văn.
Đổ lỗi cho kẻ đã chết bằng cách nào, như thế nào? Có thể được không? Những câu hỏi quay cuồng trong óc tôi làm cho tôi phải ra khỏi giường, đi đi lại lại trong phòng. Có thể được lắm… Văn đã tự tử bằng một viên đạn y tự bắn vào đầu. Bây giờ tôi cần mang xác y ra, đặt ở đâu đó với khẩu súng trong tay y, khi cảnh sát tìm thấy xác Văn, họ sẽ nghĩ rằng sau khi lỡ tay đánh chết vợ, Văn đã hối hận và tự tử. Cảnh sát sẽ không thể biết rằng Văn đã chết trước vợ cả tuần lễ. Đúng rồi. Tôi vẫn còn có thể thực hiện nốt phần cuối của kế hoạch định trước. Kế hoạch của tôi trước đây định làm giả Văn bị bọn bắt cóc giết để Hồng Loan nhận tiền bồi thường, giờ đây vì sự bắt buộc, phải đổi ra là Văn tự tử sau khi giết vợ. Tôi vẫn có thể thoát tội.
Điều dễ thực hiện nữa là nết làm giả Văn tự tử, tôi không cần phải vất vả đem xác Văn đi đâu xa, tôi có thể cho Văn chết ngay trong nhà này. Cảnh sát sẽ nghĩ rằng vì tuyệt vọng, vì hối hận, vì cùng đường, vì không còn nơi nào dung thân Văn trở về đây và y tự tử chết ngay trong nhà y, những kẻ chán đời tự tử thường có phản ứng trở về nơi mình đã sống những ngày sung sướng để chết như thế.
Càng nghĩ, tôi càng thấy tin tưởng trở về. Với cái chết bất ngờ của Hồng Loan, tôi gặp xui xẻo. nhưng tuy xui nhưng vẫn không phải là tuyệt lộ. Thúy không ngủ trên nhà này nữa, tôi càng rảnh tay hành động, tôi có thể bình tĩnh đem xác Văn ra khỏi tủ lạnh bất cứ lúc nào tôi muốn.
Tôi chỉ còn cần thì giờ để sắp đặt làm sao cho cảnh sát phải tin là Văn tự tử. Cứ kể thì cũng mỉa mai: Vũ Minh Văn chết vì tự tử, tôi đem dấu xác y đi để làm thành một vụ ám sát, bây giờ tôi lại phải vất vả dàn cảnh cho nó trở lại là một vụ…tự tử.
Nếu Văn tự tử bằng súng trong nhà này, phải có tiếng súng nổ và Thúy là người ở trong nhà này. Thúy phải nghe thấy tiếng súng nổ. Đó là việc mà tôi cần suy nghĩ kỹ để thực hiện. Việc đó cũng chẳng có gì khó lắm. Tôi tìm ngay ra được cách giải quyết. Tôi sẽ đem xác Văn ra khỏi tủ lạnh, đặt y vào phòng làm việc của y, chờ chừng mười phút cho xác y hết hơi lạnh rồi tôi cầm khẩu súng lục của y nổ một phát lên trời. Chắc chắn Thúy ngủ ở căn phòng trên ga-ra dưới kia sẽ nghe rõ tiếng nổ đó. Nổ súng xong, tôi nhét khẩu súng vào tay Văn rồi tôi sẽ hớt hải ra khỏi phòng để rồi cùng vào phòng Văn tìm xác Văn một lúc với Thúy.
Nghĩ như vậy xong, tôi lập tức đi sang phòng giấy của Văn lục tìm hộp đạn súng lục của Văn. Tôi cần ít nhất là một viên đạn để lắp thêm vào ổ đạn trong khẩu súng lục của Văn. Để tránh bại lộ, tôi dùng đèn bấm chứ không bật đèn điện. Tôi tìm thấy hộp đạn trong một ô kéo bàn viết của Văn sau vài phút tìm kiếm. Tôi chỉ lấy ra khỏi hộp một viên đạn bỏ vào túi áo.
Đêm nay tôi không còn gì để làm nữa ngoài việc nằm ngủ. Ngày mai tôi sẽ lấy khẩu súng lục ra khỏi tủ lạnh trước để tra thêm đạn. Đêm mai tôi sẽ đem xác Văn ra khỏi tủ lạnh và thực hiện ngay kế hoạch. Vào khoảng bốn giờ chiều mai tôi sẽ tắt điện tủ lạnh. Tới khoảng nửa đêm, xác Văn tuy nằm trong đó, nhưng vì không có hơi lạnh, sẽ trở lại gần như bình thường, sẵn sàng chờ được đem ra ngoài.
Tôi thay quần áo và vào giường nằm lúc 2 giờ sáng. Tôi lại cảm thấy dễ chịu. Người thông minh vẫn lợi thế hơn. Hồi mới khám phá ra cái chết của Hồng Loan, tôi bối rối, kinh hoàng tưởng chừng như phen này chết đến nơi, chết không còn chạy đi đâu được, chạy lên trời cũng không thoát. Nhưng chỉ sau một lúc bàng hoàng, rối trí, tôi lại sáng suốt và lại tìm được lối thoát. Nếu tôi thoát được lần này tôi sẽ không bao giờ còn làm bậy nữa. Có dử kẹo tôi cũng không còn dám… Tôi sẽ cố làm ăn lương thiện và tôi tin rằng nếu tôi thành thật, tôi sẽ có thể làm Thúy cảm động và tôi vẫn không mất nàng. Khi yêu nhau, người ta có thể làm được những việc mà người ta vẫn yên trí là không thể làm được.
Tôi nghĩ rằng cái chết của Hồng Loan cùng cơn kinh hoàng bất hủ vừa qua đối với tôi là một bài học hay, vô giá. Nó giúp tôi bỏ được lòng tham cứ thấy tiền là tối con mắt lại, là toan tính, mưu mẹo để chiếm được tiền cho bằng được. Nó cho tôi mở mắt thấy rằng kiếm tiền bằng cách bất lương là việc thật khó. Bất lương hay không làm mà mong có tiền thường chỉ hại thân mà tiền không có vẫn hoàn không có. Nếu cứ tham lam và giầu thiên hạ đã chẳng còn ai nghèo. Nếu cứ làm bậy mà không bị tù tội và những nhà tù trong thiên hạ đã chẳng có ma nào ra vô…
Tôi sẽ làm ăn chăm chỉ, cần mẫn và lương thiện để có điều kiện cưới Thúy làm vợ. Ở đất Sài gòn tiền rừng bạc biển này công việc làm ăn và cuộc sống thật dễ dàng. Ở Sài gòn chỉ cần người ta đừng chơi bời, đừng sa đọa, đừng cờ bạc, đừng lười biếng, chỉ cần chịu khó là bất cứ người nào cũng có thể trở thành giàu có. Giầu lớn thì không giầu nhỏ ở Sài gòn thật dễ. Tôi tin chắc như vậy.
Ý nghĩ lạc quan đó làm cho tôi ngủ đi êm ả, dù trước đó tôi vừa trông thấy xác người đàn bà chết vì tay tôi, đêm tôi ngủ vẫn không có ác mộng, cũng không hề phảng phất hình bóng nào của nạn nhân. Tôi còn ngủ ngon lành hơn những đêm trước nhiều.
oOo
Khi tôi thức dậy, sáng đã lâu. Nhìn đồng hồ, tôi thấy đôi kim chỉ 9 giờ sáng. Tôi nghe tiếng Thúy đi lại dưới nhà.
Tôi đi tắm, cạo mặt, bận quần áo mới. Khi xuống gặp Thúy, tôi hoàn toàn tỉnh táo và thấy có đủ khả năng đối phó với tất cả. Thúy làm sẵn bữa điểm tâm gồm cà phê với bánh mì trứng chờ tôi dậy. Tôi và nàng ngồi ăn sáng đối diện nhau trong tòa nhà vắng như một cặp vợ chồng trẻ nhà giàu. Khung cảnh buổi sáng thật thơ mộng và gợi cảm.
Gần Thúy, tôi thấy một sự kiện lạ. Đó là việc càng gần nàng tôi càng thấy tâm hồn tôi thêm thanh cao, nhẹ nhàng. Lẽ ra sống gần nàng riêng rẽ xa cách tất cả trong tòa nhà rộng này, dục vọng của tôi phải nổi lên chứ? Với những người đàn bà khác thì vậy nhưng với Thúy, tôi thấy tôi khác hẳn. Trong tôi không thấy có những ý nghĩ là bậy, không có những ham muốn, thèm thuồng về xác thịt. Cổ nhân nói:”gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” thật đúng. Gần Thúy tôi thấy tôi ngày một thêm trong sạch.
Nhưng tôi vẫn không quên những việc phải làm. Tôi muốn cho vụ này xong đi để tôi cùng Thúy đi nơi khác sống một cuộc sống khác. Tôi bảo nàng:
― 11 giờ này luật sư Thanh tới đây. Tôi nhờ Thúy giúp tôi. Chúng mình làm một bản tổng kê số tiền nợ của ông Văn đưa cho luật sư Thanh.
Hôm qua Thúy có nói tới ý định ra đi trong ngày hôm nay. Nếu để nàng đi hôm nay thì hỏng cả. Sự có mặt của Thúy trong nhà này cần thiết cho tôi hơn bao giờ hết. Tôi cần có một người làm chứng khi này có tiếng súng nổ. Tôi cần Thúy khai với cảnh sát rằng nàng nghe thấy tiếng súng nổ và đó chính là tiếng súng tự tử của Vũ Minh Văn.
Nhưng sáng nay Thúy không nhắc gì đến chuyện ra đi. Tôi tạm yên tâm. Chỉ cần Thúy ở lại trong vi la này đêm nay nữa thôi.
Ăn sáng xong, nàng vào phòng giấy của Văn cùng tôi. Chúng tôi bắt tay vào việc. Tôi lấy hết giấy tờ cùng những tập hồ sơ trong những ngăn kéo của Vũ Minh Văn đổ ra mặt bàn. Tôi và nàng cùng coi những giấy tờ đó. Tờ nào thấy cần thì để riêng qua một bên. Chúng tôi làm việc chừng nửa giờ chợt Thúy dừng lại, tay nàng cầm một phong bì dầy. Bì thư được dán kín bằng si đỏ trông cũng biết đó là một văn kiện gì quan trọng.
― Chi vậy Thúy? Tôi vội vã hỏi nàng.
― Anh coi nè…
Nàng đưa phong bì cho tôi. Trên mặt bì có viết mấy hàng chữ đậm nét. Tôi nhận ra đó chính là nét chữ của Văn:
Gửi Luật sư Lê Quí Thanh
Ý định cuối cùng và di chúc
của Vũ Minh Văn.
Tôi nhìn dòng chữ viết trên bì thư rất lâu. Không hiểu vì lý do gì cái bì thư này làm cho tôi lo sợ. Linh tính cho tôi biết trong bì thư này có chứa đựng một cái gì đó có thể gây tai hại cho tôi. Tôi cần bóc thư ra đọc di chúc của Văn trước khi trao nó cho luật sư Thanh, nhưng tôi không thế tự tiện bóc thư ra coi trước mặt Thúy.
Cười gượng, tôi đặt bì thư lên góc bàn:
― Lát nữa luật sư Thanh tới, mình sẽ đưa thư này cho ông ta. Theo tôi nghĩ Vũ Minh Văn có gì để lại đâu mà làm di chúc. Chắc trong thư này cũng chẳng có gì quan hệ.
Chính tôi, tôi cũng thấy trong giọng nói của tôi có những âm thanh kỳ lạ. Tôi vội lảng chuyện:
― Chúng mình nên làm lẹ cho xong đi…
Chúng tôi kiểm chưa hết chồng giấy tờ khi luật sư Thanh tới. Đến lúc đó tôi đã được biết gần đúng con số tiền nợ của Văn. Văn thiếu nợ thiên hạ trên dưới 10 triệu đồng. Với số tiền bán cái xe Mercury, tiền sang lại vi la này, người khéo xoay sở lắm cũng chỉ thâu được một số tiền 5 triệu đồng là tối đa.
Luật sư Thanh tới trong chiếc xe peugoer đen. Gần như chạy theo sát chiếc xe của Thanh là một chiếc xe xanh trắng hai mầu của cảnh sát.
Nhìn qua cửa sổ, tôi thấy luật sư Thanh ra khỏi xe và quay lại chào hỏi những người tới trong xe chạy sau. Lê Huy rồi Đăng từ chiếc xe cảnh sát bước ra. Theo sau là một người đàn ông lạ tôi chưa từng gặp hồi nào.
Gã đàn ông này có một vẻ đặc biệt làm tôi phải chú ý tới hắn. Hắn trạc từ 45 đến 50 tuổi, người tầm thước nhưng hai vai lớn, thân thể có cái vẻ chắc nịch của một võ sĩ Thái cực đạo huyền đai, mái tóc hắn dầy và đã bạc. Nước da hắn đen mai mái, mũi hắn lớn và bẹt. Đặc biệt đôi mắt hắn thật sắc và toàn khuôn mặt hắn toát ra một cái gì lạnh lạnh đầy đe dọa. Tôi nghĩ ngay tới Trần Tiến Vinh, nhân viên điều tra của công ty bảo hiểm, người mà Vũ Minh Văn đã nói trước là rất nguy hiểm. Tự nhiên tôi rùng mình và biết chắc rằng kẻ đó là Trần Tiến Vinh.
Trong xe còn một người đàn ông to béo nữa bước ra. Ông này có vẻ là thượng cấp của Lê Huy. Tôi thấy Lê Huy và Đăng đều lùi lại nhường cho người đàn ông to béo bước lên nói chuyện với luật sư Thanh. Ông này lại tỏ vẻ kính nể gã đàn ông lạ mặt. Ông ta nhường cho hắn vào nhà trước.
Tôi đứng yên nhìn họ vào nhà trong lúc tim tôi đập mạnh và hỗn loạn trong ngực tôi.
Luật sư Vinh giới thiệu tôi:
― Chắc Quí ông chưa gặp anh Quang. Anh Quang là thư ký riêng của ông Vũ Minh Văn.
Tôi tiến lên bắt tay hai người lạ. Tôi cảm thấy đôi mắt sắc lạnh của Trần Tiến Vinh nhìn tôi thật nặng trong khi bàn tay hắn, như một gọng kìm, siết chặt bàn tay tôi.
― Anh Quang _ Luật sư Thanh nói tiếp_ giới thiệu với anh đây là ông Trần Tiến Vinh, Trưởng ban điều tra của công ty bảo hiểm Trung Tín. Ông đây là Đặng Xính, Thanh tra Tổng nha cảnh sát…
Như mọi lần, Đăng dừng lại ở bên cửa. Lê Huy hôm nay lại nhũn như con chốt đen, y đứng yên một chỗ nhưng vẫn chăm chú chờ đợi những câu hỏi tới của ông sếp.
Trần Tiến Vinh có vẻ là người điều khiển cuộc gặp mặt hôm nay, y nói ngay:
― Thưa quí vị, tôi không có nhiều thì giờ… Tôi đề nghị chúng ta nói ngay vào chuyện… Chúng ta hãy ngồi quanh một cái bàn lớn…
Tôi đưa họ vào phòng khách. Nhà không có bàn lớn, họ ngồi quanh bàn salon. Trần Tiến Vinh trở thành trung tâm điểm của cuộc nói chuyện. Y trỏ hai chiếc ghế nói với tôi và Thúy:
― Hai người ngồi đây. Chúng tôi cần nhiều đến hai người…
Khi tất cả đã ngồi yên chỗ. Vinh nói:
― Tôi chưa được biết gì hết về vụ này ngoài nhưng sự kiện mà tôi biết là có thể không đúng với sự thực đăng trên các báo. Như các ông đã biết, ông Vũ Minh Văn là một thân chủ của hãng bảo hiểm chúng tôi. Ông Văn có một hợp đồng bảo hiểm nhân mạng ở hãng chúng tôi trị giá tới 16 triệu bạc. Số tiền đó đủ lớn để hãng chúng tôi phải mở một cuộc điều tra đầy đủ về sự vắng mặt đầy nghi vấn của thân chủ của chúng tôi. Tôi xin một vị nào trong cơ quan cảnh sát cho tôi biết rõ đầu đuôi nội vụ?
Thanh tra Đặng Vinh ra hiệu cho Lê Huy hẵng giọng, đổi kiểu ngồi và kể.
― Hồi 10 sáng chủ nhật vừa qua, chúng tôi được anh Quang đây gọi điện thoại tới báo tin ông Vũ Minh Văn dường như đã bị mất tích một cách bí mật. Theo anh Quang cho biết thì… Trong đêm thứ bảy rạng ngày chủ nhật vừa qua ông bà Vũ Minh Văn đã đưa nhau lên Đà Lạt bằng xe hơi nhà do chính bà Văn cầm lái. Bà Văn đưa ông Văn tới dưỡng đường La Santé ở Đà Lạt để dưỡng bệnh. Ông Văn đã bị đau chừng một tuần trước đó. Nhưng hai ông bà không đi tới nơi mà cũng không thấy trở về nhà. Họ bị mất tích giữa đường. Cùng trong đêm đó có một cảnh sát viên công lộ chạy xe máy đẩu trên quốc lộ đã gặp chiếc Mercury của ông bà Văn chạy trên khoảng đường sắp tới Định Quán. Theo lời khai của viên cảnh sát này có chiếc xe Mercury chạy về phía Định Quán và trên xe có hai người, một đàn ông và một người đàn bà. Vì xe hơi chạy nên viên cảnh sát qua mặt xe hơi. Dường như xe của ông bà Văn bị chặn lại trong khoảng đường đó.
Thanh tra Đặng Xính cất tiếng:
― Ông Văn đau bệnh gì mà phải lên tận dưỡng đường ở Đà Lạt?
Luật sư Thanh trả lời:
― Ông Văn bị chứng suy nhược và loạn thần kinh. Ông ta uống nhiều rượu quá. Trước đó bà Văn có nói với tôi về chứng bịnh của ông Văn và ý định đưa ông ta lên nghỉ nhiều ngày ở dưỡng đường La Santé trên Đà Lạt. Dưỡng đường đó của một bác sĩ người Pháp chuyên trị bệnh cho những ông bà giàu tiền. Tình trạng suy nhược của ông Văn cần nghỉ ngơi lâu mới có thể phục hồi và chỉ nghỉ ngơi ông Văn cũng có thể mạnh lại, nhưng bệnh trạng đó không thể chữa được trong vài ngày ở Sài gòn. Trong thời gian sau này công việc làm ăn của ông Văn lại không được trôi chảy lắm. Đó cũng là một nguyên nhân làm cho ông ta cần được tĩnh dưỡng. Anh Quang đây là một người bạn của ông Văn, anh Quang biết về tình trạng của Văn hơn ai hết…
Vinh nhìn tôi. Tôi có cảm giác như đôi mắt sắc của hắn như một lưỡi dao nhọn, đâm tôi thủng từ đằng trước ra đằng sau:
― Anh Quang làm ơn cho biết… những ngày sau này, tính tình ông Văn có gì đáng nói không? Ông ta có hay hung dữ, la hét, đập phá không?
Đúng như tôi đã nghĩ đêm qua―những suy nghĩ của tôi không phải là vô ích―những người này cũng đã nghi ngờ đến việc Vũ Minh Văn có thể giết vợ. Có nghi ngờ, họ mới hỏi tôi về tính tình của Văn. Tôi cần phải khôn khéo lắm mới được, phải làm sao cho họ thấy rằng đó là họ tìm ra chứ không phải tôi chỉ cho họ biết. Tôi đáp:
― Tôi không thấy ông Văn có vẻ gì là hung dữ cả. Suốt mấy ngày ở nhà, tôi chỉ thấy ông nằm ngủ li bì suốt ngày… Tôi có cảm giác như ông có sài …ma túy…
Lê Huy bật nhổm:
― Ma túy? Cái gì: ma túy? Lại có chuyện ấy nữa sao? Tại sao anh không nói cho tôi biết chuyện đó từ sớm?
― Tôi có nói với ông là tôi thấy ông Văn ngủ li bì suốt ngày.
― Ngủ li bì với sài ma túy là hai việc khác hẳn nhau.
Vinh ngắt ngang, hắn có vẻ sốt ruột:
― Ông Văn có bằng lòng đi nằm dưỡng đường không?
Tôi lặng thinh. Luật sư Thanh đáp:
― Theo tôi biết thì ông Văn bằng lòng. Chính bà Văn nói với tôi như thế. Bả đã phải thuyết phục nhiều mới được ông ta bằng lòng.
Vinh nói cộc lốc:
― Tôi hỏi anh Quang chuyện đó. Nếu ông Văn bằng lòng đi hay không, người biết rõ phải là anh Quang. Bà Văn muốn ông chồng đi dưỡng bệnh nên cố gắng thuyết phục. Nhiều khi ông Văn không bằng lòng, bà vợ cũng cứ cho là bằng lòng…
Đến lượt tôi phải nói:
― Về chuyện đó thì thật là tôi không được rõ. Như tôi đã nói lần nào vào phòng, tôi cũng thấy ông Văn ngủ. Tôi không hề nghe ông ấy nói gì về chuyện đi dưỡng bệnh ở Đà Lạt.
Yên lặng một lát, Vinh hất hàm về phía Lê Huy:
― Ông làm ơn kể tiếp…
Lê Huy lại hắng giọng:
― Theo như tôi thấy thì.. có thể vì ông Văn thiếu nợ quá nhiều.
Trần Tiến Vinh lại ngắt lời:
― Có ông nào viết đích xác số tiền nợ của ông Văn không?
Luật sư Thanh nhìn tôi, tôi nói:
― Tôi có làm một bản kê khai tiền nợ của ông Văn theo lời yêu cầu của luật sư Thanh. Tôi chỉ làm bảng kê khai hồi sáng nay nên chưa xong hẳn. Tôi thấy ông Văn thiếu nợ tất cả khoảng 12 triệu đồng… Có thê hơn…
Lại yên lặng một lát, rồi Lê Huy nói tiếp:
― Thoạt đầu tôi nghĩ rằng ông bà Văn có thể trốn đi vì thiếu nợ quá nhiều không thể trả được. Tôi lập tức cho lệnh tìm chiếc xe của họ. Vì là xe Huê Kỳ nên rất dễ tìm. Ngay sáng hôm sau, tức là sáng chủ nhật, chúng tôi tìm thấy chiếc Mercury bỏ ở bãi đậu xe sau trụ sở quốc hội ở đường Tự Do xe bỏ đó nhưng không ai trông thấy người mang xe về đó. Tôi có cho điều tra ở phi cảng nhưng không thấy dấu vết gì của vợ chồng họ. Căn cứ trên bằng cớ là chiếc xe bỏ ở Sài gòn, chúng tôi phỏng đoán rằng trong đêm thứ bẩy, xe của họ chưa đi tới Định Quán thì quay trở lại Sài gòn. Hoặc ít nhất trong hai vợ chồng cũng có một người trở lại Sài gòn cùng với chiếc xe. Cũng có thể là họ bị chặn bắt cóc giữa đường và trong trường hợp đó bọn bắt cóc họ đã mang xe về bỏ ở Sài gòn.
Tôi biết rằng sớm hay muộn, thể nào hôm nay họ cũng phải nói tới Hồng Loan và đến chuyện nàng chết trong căn nhà bỏ hoang giữa rừng. Tuy vậy tôi vẫn nóng ruột muốn nghe họ nói tới ngay. Tôi muốn được biết chắc Hồng Loan vì sao mà chết. Nếu nàng chết sau khi tôi bỏ nàng ở đó đi, tôi chỉ can tội ngộ sát, nếu nàng chết vì cú đấm của tôi ngay sau khi tôi đấm nàng, tôi can tội cố sát. Và ra trước tòa cố sát bao giờ cũng bị coi là nặng hơn ngộ sát.
Tôi phải cố gắng khủng khiếp mới giữ cho tôi ngồi yên hoặc không để lộ nét mặt tố cáo. Lê Huy nói tiếp:
― Suốt ngày chủ nhật, chúng tôi điều tra kỹ đoạn đường từ đầu xa lộ tới Định Quán. Chúng tôi biết chắc rằng nếu có chuyện gì xảy ra ở đoạn đường đó. Chúng tôi đã gặp viên cảnh sát công lộ chạy xe máy dầu và hỏi y thật cặn kẽ. Y xác nhận là chính y trông thấy bà Văn cầm lái xe và ông Văn ngồi bên. Trong xe không có ai khác…
Vinh hỏi ngay:
― Tại sao anh cảnh sát đó lại biết người đàn ông ngồi trong xe với bà Văn đêm đó là ông Văn? Biết đâu người đàn ông đó lại chẳng là một người nào khác? Tại sao lại nói chắc như thế?
Tim tôi đập hụt liền mấy nhịp khi Vinh hỏi câu đó.
Như đoán trước thể nào Vinh cũng hỏi câu dó, Lê Huy mỉm cười. Cái cười có thoáng vẻ ngạo mạn như muốn nói:”Chúng tôi không con nít quá như anh tưởng đâu. Chúng tôi có lý do mới nói chứ.” Y chậm rãi đáp:
― Chúng tôi biết người đàn ông đó là ông Văn vì người bạn đồng nghiệp của chúng tôi tả người đàn ông đó đội nón nỉ, bận áo paraverse màu nâu. Đó chính là bộ y phục ông Văn bận khi đi ra khỏi nhà. Cố Thúy đây là người chứng kiến lúc ông Văn ra khỏi nhà này đã thuật lại cho chung tôi biếy ông Văn ăn bận như vậy…
Vinh nghiêng đầu nhìn Thúy. Y như đến lúc này hắn mới nhìn thấy nàng và biết là trong phòng này có nàng.
― Cô trông thấy ông Văn lúc ông Văn ra khỏi đây?
― Vâng
― Cô biết rõ chứ? Cô đã nhiều lần nói chuyện với ông ấy?
― Thưa không. Tối đó là lần đầu tiên tôi trông thấy ông Văn.
Đôi lông mày rậm tì của Vinh nhíu lại. Y nhận thấy ngay có sự lạ:
― Sao vậy? Tôi nghe nói cô ăn ở luôn tại đây mà?
Càng nghe Vinh đặt câu hỏi, tôi càng thấy sợ hắn. Vũ Minh Văn nói không sai, Trần Tiến Vinh quả là người nguy hiểm.
― Vì tôi mới tới đây làm ― Thúy đáp ― Khi tôi tới, ông Văn đã đau nên nằm trong phòng. Tôi không được nói chuyện với ông lần nào…
― Lúc đó cô thấy ông Văn ra sao? Ông ta có vẻ đau nặng không?
― Tôi không được rõ. Tôi chỉ thấy bà Văn đỡ ông ấy xuống thang… Trông ông có vẻ rất yếu… Tôi đứng xa chứ không lại gần…
― Nghĩa là không nhìn rõ mặt ông Văn chứ gì?
Tim tôi đập mạnh đến nỗi tôi sợ bọn Vinh, Lê Huy nghe được tiếng đập của tim tôi.
― Thưa không.
Yên lặng nặng nề lại xuống. Rồi Vinh lại nói với Lê Huy.
― Ông làm ơn kể tiếp…
Lê Huy có vẻ bực bội ra mặt vì thái độ trịnh thượng y như thượng cấp của Trần Tiến Vinh.Y bị Vinh ngắt lời, bắt nói y như y chỉ là một đội viên thường. Với bọn thuộc viên, Lê Huy thường tỏ ra hách dịch nên lúc này y thấy rõ nỗi bực bội của kẻ không được nói năng theo ý mình. Nhưng vì lúc đó có mặt Thanh tra Đặng Xính một thượng cấp của Lê Huy và Đặng Xính lại tỏ ra kính nể Trần Tiến Vinh cho nên tuy bất mãn, Lê Huy cũng vẫn cứ phải làm theo lời.
― Rồi… chúng tôi nhận được tin có báo đã trông thấy ánh đèn xe hơi chiếu sáng trong đêm thứ bẩy ở gần một xưởng cưa trong rừng gần quốc lộ… Ánh đèn xe ở đây ban đêm là một sự khả nghi vì xưởng cưa này đã đóng cửa từ mấy tháng nay. Khi nhận được tin đó tôi lập tức lên ngay nơi đó coi. Khi tôi tới đó là đêm chủ nhật… Tôi tìm thấy bà Vũ Minh Văn trong căn nhà trước kia là văn phòng của xưởng cưa… Bà Văn đã chết…
Thúy thốt ra tiếng kêu khẽ, nàng nhìn tôi, đôi mắt mở lớn tràn đầy ngạc nhiên và sợ hãi. Nàng nhìn tôi như chờ đợi tôi nói với nàng là vừa nghe lầm hoặc người đàn bà mà cảnh sát tìm thấy chết đó là ai khác chứ không phải là bà Văn.
Tôi phải quay mặt đi giả vờ tìm đĩa gạt tàn thuốc để đừng ai nhìn thấy mặt tôi lúc đó.
Tiếng kể chuyện của Lê Huy vẫn vang đều bên tai tôi:
― Bà Văn bị trói chân trói tay, miệng bị nhét khăn, bỏ nằm trong nhà. Cửa vào văn phòng này rất lỏng lẻo vì bên trong chẳng có đồ đạc gì sợ bị mất trộm. Chỉ có mấy cái bàn rẻ tiền, mấy cái tủ gỗ ọp ẹp. Cửa có khóa nhưng đã bị gẫy chốt khóa. Căn cứ trên tình trạng xác nạn nhân, chúng tôi nghĩ rằng nạn nhân bị chết đã lâu, có thê là chết ngay sau khi gặp người cảnh sát công lộ ở ngoài đường.
Vinh đặt câu hỏi mà tôi chờ đợi:
― Bà Văn đã bị giết chết?
― Vâng
― Tại sao? Bị đâm, bị bắn, hay là…?
― Xác nạn nhân không có vết máu. Khám nghiệm sơ khởi cho thấy nạn nhân bị đánh mạnh vào mặt. Nơi mắt phải và dưới cằm nạn nhân có vết bầm tím. Dường như nạn nhân bị đấm quá mạnh nên ngã ra đằng sau và ót nạn nhân bị đập xuống sàn gỗ. Sọ nạn nhân bị vỡ. Nạn nhân chết ngay sau khi ngã…
Người tôi lạnh giá như một khối nước đá. Như vậy là tôi đã can tội cố sát. Dù đã biết rõ hơn ai hết chính tôi là người làm chết Hồng Loan, khi nghe nói đến lúc nàng chết, tôi vẫn kinh sợ như đây là lần đầu tôi nghe nói đến chuyện Hồng Loan chết. Lúc đó tôi lạnh đến run cả chân tay. May sao không ai chú ý đến tôi vì lúc đó Thúy từ từ ngả người vào tôi. Nàng chưa ngất nhưng nàng bị xúc động đến muốn ngất. Luật sư Thanh vội bảo tôi dìu nàng lên phòng cho nàng nằm nghỉ, nhờ vậy không ai thấy tôi run.
Tội nghiệp, Thúy xanh như tầu lá. Dường như linh tính đặc biệt của đàn bà báo cho nàng biết rằng với cái chết của bà Văn, tôi, người nàng vừa mới yêu thương, sẽ gặp nhiều rắc rối. Dường như nàng lờ mờ thấy rằng tôi có dính líu vào vụ án bí mật của cặp vợ chồng nhà này ― trước đây nàng đã chẳng nghi rằng Hồng Loan có tình ý với tôi là gì ― tuy nghi ngờ nhưng Thúy không biết phải nói gì với tôi. Tôi cảm động vì thấy nàng lo sợ cho tôi nhiều hơn là lo cho nàng. Khi tôi đặt nàng nằm xuống giường rồi, nàng nắm lấy tay tôi:
― Bà Văn chết thiệt rồi hả anh?
Nàng như một cô bé con chưa tin hẳn ở những gì mình nghe người lớn nói. Tôi lợi dụng dịp này để ngồi lại bên nàng một lúc, để tự trấn tĩnh và để cho chân tay tôi bớt run:
― Họ tìm thấy xác bà ấy. Chắc là bà ấy đã chết…
― Nhưng… nhưng tại sao? Ai đã giết bà ấy chứ?
― Làm sao mình biết được? ― tôi đáp ― Chắc là bà ấy bị bọn bắt cóc giết…
― Em sợ quá… Rồi… rồi bọn mình có làm sao không anh?
Tuy đang kinh sợ, tôi vẫn phải cố nói cứng:
― Thúy đừng sợ. Chúng mình sẽ bị họ điều tra, thẩm vấn, hỏi đi hỏi lại nhiều lần nhưng vì chúng mình không có tội, chẳng ai làm tội mình hết. Thúy cứ việc khai với bọn họ đúng những gì Thúy thấy, đừng thêm bớt gì để tránh bị rắc rối. Trong suốt mấy ngày vừa qua lúc nào chúng mình cũng ở bên nhau trong nhà này mà Thúy thấy chứ?
― Em sợ lắm…
Nàng ngập ngừng:
― Anh Quang nói thật với em
― Nói thật về chuyện gì?
― Quang… có… liên can gì đến vụ này không?
Tôi cười gượng:
― Không. Nhưng tại sao Thúy lại hỏi tôi vậy? Bộ tôi có thái độ gì làm cho Thúy nghi ngờ tôi ư?
― Không. Em chỉ sợ. Nếu anh nói là anh không liên can gì hết, em yên tâm.
― Thúy có thể yên tâm. Tôi không liên can gì hết. Với vợ chồng ông Văn, tôi cũng như Thúy vậy. Tôi có quen với ông Văn nhưng chỉ quen sơ thôi. Nếu là bạn, đời nào tôi lại làm thư ký cho ổng. Tôi không hề biết gì về đời tư của họ. Tôi không làm gì bậy…
Nét hồng hào trở lại trên má nàng:
― Em tin anh.
Khi tôi xuống tới phòng khách, câu chuyện họ nói đang đến hồi gay cấn. Lê Huy đỏ mặt nói văng có nước miếng:
― Thủ phạm chắc chắn không biết là bà Văn đã chết. Nếu biết đời nào y còn mất công trói chân, trói tay, nhét giẻ vào mồm nạn nhân làm chi?
Vinh cười nhạt:
― Biết đâu nó lại chẳng cố tình làm thế? Nó có thể là một thằng rất gian ngoan…
Lê Huy hùng hổ:
― Nhưng nó mất công để làm gì chứ? Bộ nó sợ xác chết nhỏm dậy chạy theo nó như quỷ nhập tràng sao?
― Để làm gì ư? ― Trần Tiến Vinh trả lời bằng một giọng khinh bỉ không cần che dấu― Để nếu sau này nó có bị các ông bắt, khi ra tòa nó có thể kêu rằng nó không cố ý giết người, chẳng may nó lỡ tay nên nạn nhân bị chết… Nó có thể viện bằng cớ nó đã trói chân tay nạn nhân lại vì nó không giết nạn nhân…
Lê Huy cứng lưỡi ngồi im. Y thấy y bị khinh quả là đúng. Có điều y hận nhất là y bị vạch rõ sự ngu dốt, sự không nhìn xa, thấy rộng ngay trước mặt Đặng Xính là thượng cấp của y. Nhưng không còn có thể bào chữa được gì được, y đành ngồi ngay đơ.
Vinh lại hỏi:
― Các ông còn thấy những dấu vết gì khác?
Lê Huy lại phải nuốt cay cú để đáp:
― Không một dấu vết nào đáng kể. Khăn tay nhét miệng chính là khăn tay của nạn nhân. Dây thừng trói nạn nhân là loại dây thừng rất thường, tiệm chạp phô nào cũng có bán. Dây đó cũng không phải là dây mới…
― Và các ông vẫn không có qua tin tức gì về Vũ Minh Văn?
Lê Huy quả quyết:
― Chưa nhưng chắc chắn hắn không thể thoát được…
― Tại sao lại không thoát? Các ông cho hắn ta phạm tội gì?
Đặng Xính mở miệng:
― Chúng tôi hiện coi Vũ Minh Văn là thủ phạm vụ án mạng này… Chúng tôi nghi chính hắn đã giết vợ và bỏ trốn sau khi lái xe về Sài gòn.
Yên lặng thật lâu. Vinh nhìn tôi đứng đó. Hắn có vẻ muốn hỏi tôi điều gì đó nhưng lại thôi. Tôi không sao bình tĩnh được trước cái nhìn sắc như dao của hắn. Hắn quay lại hỏi luật sư Thanh:
― Ông luật sư có tin rằng Vũ Minh Văn có thể giết vợ được không?
Luật sư Thanh lạnh lùng:
― Hắn nghiện rượu rất nặng. Hắn bị loạn thần kinh. Những người điên vì rượu có thể làm được tất cả mọi việc, kể cả việc giết vợ, giết con…
Lời nói tàn nhẫn của Thanh làm tôi ngạc nhiên. Y nói như y có thù hằn gì với Vũ Minh Văn vậy. Tôi chợt hiểu: Thanh bị Hồng Loan mê hoặc. Rất có thể trong thâm tâm Thanh đã thù ghét Văn từ lâu mà chính y cũng không biết. Y thù ghét Văn vì Văn giàu tiền hơn y, vì Văn thành công hơn y, vì y tuy học thức hơn Văn nhưng vì tiền, vẫn phải đem thân làm một thứ làm công cho Văn, một loại làm công trí thức. Có thể y thù ghét Văn nhất vì việc Văn lấy được Hồng Loan, Văn làm chủ một người đàn bà đẹp mà chính y cũng mơ ước. Bây giờ khi thấy Hồng Loan bị chết thê thảm, y thấy cần phải trả thù cho nàng.
Lê Huy lại nói:
― Chúng tôi được biết rằng vợ chồng Vũ Minh Văn sống không có hạnh phúc. Ông luật sư đây gần với họ, chắc ông có thể xác nhận chuyện đó?
Thanh gật đầu. Lê Huy nói tiếp:
― Từ lâu rồi, họ sống với nhau chỉ còn có cái bề ngoài là vợ chồng. Họ ngủ riêng mỗi người một phòng. Trong tình trạng đó chuyện người vợ đòi ly dị không phải là chuyện lạ. Người ta nói rằng sở dĩ Vũ Minh Văn chán đời tìm quên trong men rượu chính là vì vợ chồng không hạnh phúc, thêm vào đó sự làm ăn của hắn lại thất bại, mang công mắc nợ quá nhiều hắn lại càng chán đời hơn. Tôi thấy vụ này có nhiều bằng chứng để ta có thể nghĩ rằng việc đưa Vũ Minh Văn vào nằm dưỡng đường là ý muốn của bà vợ. Việc vào nằm dưỡng đường chính là một hình thức giam lỏng của những người giàu tiền. Vũ Minh Văn chắc đã hiểu hơn ai hết rằng một khi vào dưỡng đường với chứng bệnh đau thần kinh, còn lâu hắn mới lại có thể trở ra. Đồng thời, việc hắn vào dưỡng đường có thể tạm thời ngăn bọn chủ nợ đừng làm dữ và cũng có thể được bà vợ dùng làm yếu tố để đòi ly dị. Hắn biết vậy nhưng không sao chống lại được ý muốn của bà vợ. Tôi tin rằng có một cuộc cãi lộn cuối cùng để xảy ra trong lúc hai vợ chồng ngồi xe đi Đà Lạt. Và Vũ Minh Văn đã lỡ tay đánh chết vợ. Hắn trói chân tay bà vợ lại để làm cho cảnh sát tưởng rằng vợ chồng hắn bị bọn côn đồ bắt cóc, giết chết. Và hắn trốn đi, nấp kín một chỗ với hy vọng là cảnh sát sẽ tưởng là hắn đang bị bọn bắt cóc giam ở một nơi nào đó. Tôi tin rằng trong vài ngày nữa hắn sẽ trở về khai ra chuyện hắn bị bắt cóc, bịt mắt đem đi giam giữ ở một nơi nào đó. Tôi tin rằng trong vài ngày nữa, hắn sẽ khai ra chuyện hắn bị bắt cóc, đem đi ở một nơi nào bí mật mà hắn không thể nhận ra được lối để có thể lại. Hắn có thể nói rằng hắn được bọn côn dồ thả ra vì một lý do nào đó hoặc nhân cơ hội bọn giam giữ hắn sơ hở, hắn bỏ trốn thoát. Cảnh sát sẽ không có đủ yếu tố để chứng minh lời hắn khai là bày đặt…
Trần Tiến Vinh từ từ quay lại nhìn tôi. Trước đôi mắt sắc, lạnh ấy, tôi có cảm giác như tôi là một con thỏ đứng trước cặp mắt thôi miên của một con rắn. Con thỏ non sợ hãi, biết là sắp chết thê thảm nhưng vẫn không sao chạy được. Y hỏi tôi:
― Anh Quang… anh là người gần vợ chồng ông Văn nhất. Theo anh ông Văn có thể giết vợ được không?
Tiếng nói của tôi thoát ra khỏi vành môi khô một cách khó khăn:
― Tôi không thể biết chắc được khi uống say ông Văn cũng có khi tỏ ra hung dữ. Nhưng ông cũng chỉ hung dữ như tất cả những người đàn ông khác khi say rượu thôi. Không hơn, không kém. Tuy nhiên, tôi cũng tin rằng ông Văn có thể đánh bà ấy một khi ông ta bị trái ý, nhưng việc bà ấy bị chết có thể chỉ là một tai nạn. Có thể là lỡ tay.
Như vậy là Lê Huy đã nói đúng ý tôi muốn: đưa ra giả thuyết Vũ Minh Văn giết vợ. Tôi ôn hòa hơn nên chỉ nói là Vũ Minh Văn giết vợ vì lỡ tay. Lê Huy nhất định cho rằng Vũ Minh Văn chủ ý giết vợ. Càng tốt cho tôi.
Quả nhiên, Lê Huy cãi:
― Không thể lỡ tay được. Nạn nhân bị đánh mạnh lắm. Nếu không muốn đánh chết vợ, đời nào hắn đánh vợ nặng đến vậy. Mặt bà ấy bị sưng tím. Đàn ông mạnh khỏe mà bị đánh như vậy cũng phải chết, đừng nói gì đàn bà…
Kẻ vắng mặt Vũ Minh Văn đang bị kết tội. Vũ Minh Văn đã chết rồi, hắn sẽ không bao giờ còn có thể minh oan. Tuy nhiên khi nghe Lê Huy nói quả quyết như vậy, tôi thấy lạnh xương sống. Nếu một mai chẳng may họ tìm ra được sự thật, tôi sẽ không làm sao cãi được rằng tôi không có ý định giết Hồng Loan. Điều đáng sợ nhất là quả thực tôi không hề nghĩ đến chuyện giết nàng.
Đôi mắt sắc lạnh như dao thép của Vinh rời mặt tôi. Y hỏi trống:
― Bà Văn có biết việc ông chồng có bảo hiểm nhân mạng không?
Ngưởi trả lời câu hỏi trống không này là luật sư Thanh:
― Bà Văn biết nhưng không phải biết từ trước. Chính tôi nói chuyện bảo hiểm đó cho bà ấy biết. Tôi chỉ nói chuyện ấy cho bà ấy biết mới đây, trước ngày ông bà ấy đi Đà Lạt chừng một tuần. Anh Quang đây có thể làm chứng về việc ấy. Anh Quang có mặt ở đây, ngay trong phòng này, khi bà Văn hỏi tôi rằng tôi có biết gì về việc ông chồng bà ấy có bảo hiểm nhân mạng hay không?
― Bộ bà ấy trước đó không biết gì sao?
― Có thể bà ấy chỉ biết lờ mờ. Khi tôi nói, bà ấy mới biết rõ. Sở dĩ tôi nói ra việc đó là vì bà ấy tỏ ý lo sợ về khoản tiền nợ của ông chồng, tôi sợ nói rằng nếu cần tiền quá, ông có thể mượn tiền của công ty bảo hiểm để trả nợ căn cứ trên hợp đồng bảo hiểm trị giá tới hơn 15 triệu của ông ấy.
― Bà ấy nói gì sau khi được ông nói cho biết?
― Tôi chỉ nhận thấy bà ấy có vẻ mừng khi biết rằng có thể vay được tiền để trả bớt nợ. Theo tôi, thái độ của bà Văn rất đàng hoàng và đáng khen. Vì tôi có nói rõ cho bà ấy biết rằng nếu khi còn sống, ông Văn đã mượn tiền hãng bảo hiểm để trả nợ, khi chết, hãng sẽ không còn phải trả tiền bồi thường nữa, hoặc có trả thì cũng trả rất ít. Bà Văn không hề nghĩ gì đến quyền lợi của chính mình, bà ấy chỉ nghĩ đến việc làm sao có tiền trang trải công nợ cho chồng.
Thanh nói câu đó bằng một giọng thành khẩn. Có thể y tin rằng khi nói xong, những người có mặt đều phải thán phục người đàn bà đã chết. Y ngạc nhiên đến tức giận ra mặt khi thấy Trần Tiến Vinh ngửa mặt cười lên một tràng cười chế giễu, ngạo mạn không cần che dấu.
― Có cái gì đáng cười?
Anh chàng luật sư đa tình gằn giọng hỏi. Anh nổi giận vì bị người cười thì ít mà giận vì người đàn bà vắng mặt bị khinh khi thì nhiều.
Vẫn thản nhiên, Vinh lắc đầu:
― Tôi cười vì thấy ông không biết gì về con người thực của người đàn bà đó. Tôi nói ông không biết còn là nhẹ, tôi tưởng tôi có thể nói rằng ông đã bị nàng ta lừa. Nếu ông là người chơi bời ở Sài gòn hoặc quen biết nhiều với giới chơi bời thanh lịch, tôi chắc ông đã biêt cô Hồng Loan. Người vợ đẹp nhưng nhiều thủ đoạn của Vũ Minh Văn tên thật là Hồng Loan, một hoa khôi trong giới chơi bời thanh lịch của Sài gòn hoa lệ. Tôi thấy ông luật sư không phải là người chơi bời, do đó chuyện ông không hay biết gì về đời tư của cô Hồng Loan là sự thường. Còn tôi, tôi cũng không phải là người ăn chơi, xong sở dĩ tôi biết khá rõ về cô Hồng Loan là vì tôi làm nghề bảo hiểm mà cô Hồng Loan là người đã có dính líu tới ngành bảo hiểm của tôi một đôi lần.
Tôi đã làm bảo hiểm từ mười lăm năm nay, ngành bảo hiểm nhân mạng mới có ở xã hội ta mới đây. Người có hơn mười năm trong nghề như tôi ở Việt Nam đã là già lão lắm. Ở nước nào cũng vậy, cứ nói đến tiền bạc là có người lừa dối, lường gạt. Lấy tiền của bảo hiểm đối với những người tham lam, những người chỉ muốn làm ít mà ăn nhiều, dường như là một việc dễ làm. Lẽ cố nhiên đó là một sự tưởng lầm của người đời. Tiền bảo hiểm có dễ lấy không? Đó là chuyện khác. Tôi đã thấy rất nhiều vụ dàn xếp để đánh lừa bảo hiểm. Nhiều vụ thần tình đến nỗi tôi phải ngạc nhiên không hiểu trong trường hợp nào con người lại có thể nghĩ ra được cách đánh lừa hay đến như vậy. Tôi đã thấy có những ông già, bà cả suốt đời không nói dối, không lấy thừa của ai một đồng, bày ra những vụ tày trời để lấy tiền bảo hiểm. Tôi bị méo mó nghề nghiệp nên đâm ra nghi ngờ tất cả mọi người. Có điều đáng buồn là tôi nghi ngờ không mấy khi lầm. Tôi có thể nói chắc với các vị rằng cứ mười vụ thiệt hại đòi bồi thường phải có tới năm vụ bày đặt, cố ý. Trở lại nàng Hồng Loan của chúng ta hôm nay, tuy nàng đã chết nhưng chúng ta vẫn bắt buộc phải nhắc lại thành tích của nàng. Nếu nói rằng nàng không hay biết gì về việc ông chồng nàng có hợp đồng bảo hiểm nhân mạng tôi sợ đó là một sai lầm lớn. Tôi đoán chắc với các vị rằng nàng biết. Tại sao tôi lại quả quyết như vậy? Vì tôi có bằng cớ. Cô Hồng Loan đã có một lần có rắc rối với hãng bảo hiểm của tôi. Người chồng trước của nàng đã ký hợp đồng bảo hiểm nhân mạng với hãng tôi và ông ta đã chết một cách bí mật. Một cái chết nhiều nghi vấn: người đàn ông đó đã chết vì té từ cửa sổ tầng thứ sáu của một tòa nhà lầu xuống đất. Hãng tôi nghi đó là một vụ án mạng nhưng chúng tôi không tìm ra được bằng cớ để kết tội thủ phạm. Tuy vậy, chúng tôi vẫn còn hồ sơ vụ đó và vẫn theo dõi người mà chúng tôi nghi là thủ phạm. Vì sao? Vì kinh nghiệm cho thấy rằng người đời thường “quen mui thấy mùi ăn mãi”, thành công được một vụ gì con người thường quen tái phạm bổn cũ soạn lại khi cần đến. Chúng tôi vẫn theo dõi kẻ bị tình nghi để khi đương sự tái phạm, chúng tôi đã biết trước và có thể thẳng tay hơn. Tôi long trọng báo cho các vị biết rằng cô Hồng Loan, người đẹp của giời chơi bời thanh lịch Sài gòn, là một người đàn bà trong số những người đã từng lãnh tiền bồi thường của hãng tôi và bị hãng chúng tôi nghi ngờ, ghi tên vào sổ đen. Tôi cần phải nói rõ rằng người chồng chết bất đắc kỳ tử trước đây của cô Hồng Loan tên là Hồ Mậu. Hắn ta sau khi lấy được người đẹp Hồng Loan, cũng làm ăn thất bại, cũng say sưa hệt trường hợp của Vũ Minh Văn vậy.
Không khí trong phòng chứa đầy điện. Bọn Thanh tra Xính, Lê Huy mắc cỡ vì không biết rõ bằng Trần Tiến Vinh, luật sư Thanh vừa giận vừa ngượng không biết phải nói năng làm sao cho đỡ mất thể diện. Người nắm vững tình thế và hiển nhiên là người biết nhiều nhất là Trần Tiến Vinh.
Nghe Vinh nói về Hồng Loan, tôi thấy mừng thầm. Mừng vì Hồng Loan đã không còn sống nữa để nàng và tôi thực hiện nốt phần còn lại của kế hoạch vồ tiền hãng bảo hiểm. Tôi không ngờ và nàng cũng không ngờ là Vinh đã ghi tên nàng vào sổ đen, y đã chú ý đến nàng và nàng không thể nào trổ tài lường gạt y được.
Vẫn chưa chịu thua hắn, sau vài giây suy nghĩ, Thanh cất tiếng hỏi Trần Tiến Vinh:
― Ông nói như vậy có nghĩa là…ông nghi bà Văn là người giết chồng để lấy tiền bảo hiểm cái chết của chồng?
Vẫn bình thản, Vinh cười nhạt:
― Đúng thế. Tôi nghi như thế nhưng tôi chỉ chưa bắt được quả tang nàng mà thôi. Nhưng nếu nàng không chịu ngừng đi, cứ kiếm ăn mãi với trò lường gạt bảo hiểm, tôi tin rằng trước sau sẽ có ngày tôi bắt được nàng.
Với một dáng điều rất “quân tử Tầu” ― nhưng tôi tin rằng lúc đó luật sư Thanh bất mãn thực sự, ông ta không đóng kịch được khéo đến vậy ― luật sư Thanh thảng thốt:
― Bà ấy đã chết rôi. Yêu cầu ông tôn trọng người đã chết.
Vẫn tàn nhẫn, Trần Tiến Vinh nhún vai:
― Bà ấy chết rồi. Đúng. Với tôi thì đó là một điều đáng tiếc còn với bà ấy thì đó là điều đáng mừng. Đáng mừng vì như vậy là bà ấy sẽ không có ngày bị tôi làm cho rớt mặt nạ.
Đặng Xính cau có hạch hỏi thuộc cấp của mình là Lê Huy:
― Tại sao ông lại không biết gì hết về đời tư của người đàn bà ấy? Điều tra như thế là… sao? Để thiếu sót nhiều quá. Vậy từ sáng qua tới nay ông điều tra những cái gì?
Lê Huy vừa giận vừa sợ. Bộ mặt mọi khi vẫn gân guốc của y lúc này trở nên xanh tái:
― Tôi mới phụ trách điều tra vụ này từ sáng hôm qua, làm sao tôi có thể biết nhiều bằng người ta đã theo dõi người đàn bà đó cả mấy năm nay. Tôi chỉ có thì giờ chú ý đến đời tư của người đàn ông. Hau nữa, tôi đã chẳng tìm ra được xác chết là gì?
Đặng Xính bực dọc quay lại nói với Trần Tiến Vinh:
― Cô Hồng Loan khả nghi đó… dù sao… cũng không giết chồng lần này. Tôi muốn nói là cô ta không giết ông Văn.
Vinh cười khẩy:
― Làm sao ông nói chắc được chuyện đó? Vũ Minh Văn hiện lúc này ở đâu? Biết y còn sống hay đã chết rồi? Tại sao chúng ta lại không có quyền nghi ngờ rằng chính cô Hồng Loan đã giết chồng rồi bày đặt ra vụ bị bắt cóc để hy vọng lấy tiền bảo hiểm nhân mạng của chồng? Các ông nên nhớ rằng bảo hiểm nhân mạng của Vũ Minh Văn lớn lắm, số tiền hãng chúng tôi phải trả nếu quả thiệt đương sự bị cướp giết chết lên tới hơn 15 triệu đồng lận…
Bất chấp cả sự có mặt của thượng cấp, Lê Huy đập mạnh tay xuống bàn:
― Sao ông lại có thể nghi cho người ta làm cái việc ghê gớm ấy? Vô lý, bộ người đàn bà ấy có tài tự trói được cả chân lẫn tay rồi lại tự đánh mình đến nỗi đập đầu xuống sàn tới chết ư?
Đặng Xính và luật sư Thanh dường như cũng đồng ý với Lê Huy nên cũng lặng im chờ Trần Tiến Vinh trả lời. Vinh không thèm trả lời ngay. Y điềm tĩnh và chậm rãi rút bao thuốc lá Bastos luxe ra, lấy một điếu gắn lên môi rồi bật quẹt hút.
Thái độ của y thật điềm tĩnh và cử chỉ của y thật khoan thai. Gần y càng lâu, tôi càng thấy sợ y. Y đúng là một con cáo già trong nghề tìm tội lỗi của người đời. Y tế nhị tinh xảo chừng nào thì bộ đôi Đặng Xính, Lê Huy tỏ ra ngờ nghệch, chậm hiểu chừng ấy. Vậy mà mới hôm qua đây, khi mới gặp Lê Huy, tôi đã thấy hắn đáng sợ lắm rồi. Hôm nay, khi có Trần Tiến Vinh xuất hiện, Lê Huy mờ nhạt, vô nghĩa lý hẳn đi.
Tuy ngán sợ và có ác cảm với Vinh, tôi vẫn phải thầm phục tài y. Không cần hỏi nhiều, chưa cần có bằng chứng, y đã đoán được ra hết âm mưu và kế hoạch của tôi, cái kế hoạch mà tôi đã phải khổ tâm suy nghĩ trong giờ thao thức, trằn trọc không ngủ mới ra và cho tới trước khi y xuất hiện, tôi vẫn còn tin rằng sẽ không ai khám phá nổi.
Cũng như ba người kia, tôi cũng ngây người chờ đợi câu nói sắp tới của Trần Tiến Vinh. Tôi linh cảm thấy rằng những gì y sắp nói đây sẽ rất quan hệ tới đời sống và cái chết của tôi.
Y thở ra vài hơi khói xanh, lặng yên như suy nghĩ vài giây rồi mới nói:
― Không. Lần này thì cô Hồng Loan không giết chồng đâu. Nhưng nếu các ông kết tội Vũ Minh Văn giết vợ thì theo tôi, cũng hơi vội vã đấy… Tôi nghĩ rằng trước khi kết tội Vũ Minh Văn giết vợ, các ông nên mất công tìm cho ra kẻ đồng lõa của nàng trong vụ này. Vì tôi có thể đánh cá với các vị bất cứ cái gì rằng… thể nào cô Hồng Loan cũng có một tên đồng lõa. Một tên đồng lõa đàn ông chứ không phải là đàn bà. Cô Hồng Loan đa tình, nàng biết nhiều đàn ông trong đời nàng, các vị còn phải nhớ dùm một điều gần như là một định luật về đàn ông, người đàn bà đó chắc chắn đã có một đàn ông khác. Chỉ cần các vị tìm ra gã đàn ông hãy còn bí mật đó là các vị gần manh mối gỡ rối vụ này.