Chương 13 tt

Tới 9 giờ sáng, vi la trở lại vắng tanh. Lê Huy trở về sở nhưng y lại đặt một cảnh sát viên ở lại đề phòng có sự bất trắc xảy ra. Viên cảnh sát này còn có nhiệm vụ ở đây ngăn không cho tôi và Thuý ra khỏi nhà.
Tôi lên lầu, tắm cho tỉnh ngủ và cạo mặt, thay quần áo mới. Không buồn ngủ, không mệt, tôi cũng không thấy đói, tôi đi xuống nhà dưới và thấy người cảnh sát đang ngồi trên cái ghế đặt bên cửa chính. Trên cái ghế thứ hai đặt bên bàn, gã có một xị đế và hai mấy cái nem không hiểu gã nhờ ai mang về giùm.
Bảng tên gắn trên ngực gã cho tôi biết tên gã là Dậu. Thấy tôi, gã cười, để lộ một hàm răng nhiều răng vàng:
- Mới 9 giờ sáng đã nhậu tưng bừng như vậy – gã cười hềnh hệch - thiệt không phải chút nào. Song, đêm qua moa thức suốt đêm. Bây giờ mà không đổ tí rượu vào bao tử, moa chịu hổng nổi…
Mặc cho gã nhậu, tôi trở lại lên lầu thu xếp quần áo vào vali chờ sẵn giờ tôi vĩnh viễn cùng Thuý ra khỏi nhà này. Tôi mất tới một tiếng đồng hồ để tẩy sạch vết máu dính ở bộ quần áo tôi bận đêm qua khi tôi đem xác Văn từ tủ lạnh ra ngoài. Chợt nghe thấy tiếng người nói chuyện dưới nhà, tôi xuống coi ai. Một thanh niên bận thường phục mới tới, đang nói chuyện với Dậu:
Tôi hỏi gã mới tới:
- Anh phóng viên nhà báo hả? Sao đến muộn vậy? Đồng nghiệp của anh tới từ sáng nay rồi..
Gã nhìn lại tôi và hỏi:
- Bộ tôi có vẻ là… nhà báo nói láo ăn tiền… lắm sao, bồ?
- Không phải là nhà báo thì anh là cảnh sát ư? Tôi lại hỏi
Gã lừng khừng:
- Không cảnh sát mà cũng gần như là cảnh sát. Tôi là nhân viên của Me sừ Trần Tiến Vĩnh, trưởng ban điều tra của Công ty bảo hiểm Trung Nghĩa.
Tôi sững sờ:
- Nhân viên của Công ty bảo hiểm? Anh tới đây làm chi?
Gã đáp, giọng bí mật:
- Có lệnh. Tôi đến vì công việc, không phải đến chơi. Me sừ Sếp tôi cũng sắp đến đây bây giờ.
Người tôi lạnh ngắt đi.
°

*

Từ phút biết Trần Tiến Vĩnh sắp tới đây và y lại cho nhân viên tới trước như để canh chừng tôi, tôi lại sống trong một trạng thái bàng hoàng, nửa tỉnh, nửa mê, đáng sợ.
Tôi tưởng tôi đã thoát nạn, nhất là không còn phải chạm trán với con cáo già nguy hiểm đó nữa, nào ngờ y vẫn chưa chịu buông tha tôi? Y còn trở lại đây làm gì nữa kìa? Bây giờ cảnh sát đã tìm được Vũ Minh Văn và Vũ Minh Văn đã chết, cái chết của Hồng Loan đã được sáng tỏ. Tôi tưởng Vinh phải lấy làm mừng mới phải chứ? Mừng vì nếu Vũ Minh Văn tự tử chết, hãng bảo hiểm của y chiếu hợp đồng không phải trả tiền bồi thường nhân mạng, hoặc nếu phải trả thì chỉ trả rất ít. Dù có đoán sai về trường hợp án mạng của Hồng Loan, tôi nghĩ là Vinh đã hài lòng mới phải chứ? Vì quyền lợi của công ty – tôi thấy rõ Vinh đặc quyền lợi của Công ty bảo hiểm đã dùng y lại cố công chứng tỏ rằng Vũ Minh Văn bị ám sát để bắt công ty phải bồi thường cho thân nhân nạn nhân số bạc 16 triệu đồng.
Để tránh sự lo sợ, hồi hộp vô ích, tôi xuống ngồi nói chuyện với Dậu và Thành – tôi được biết tên gã thật vô tư. Họ nói chuyện với nhau, họ tranh luận đủ về vấn đề thời sự, chính trị, thời sự. Chỉ nội một đề tài cô đào cải lương nào là nữ danh ca số một hiện nay, Thanh, Nga, Mộng Tuyền hay Bạch Tuyết cũng làm cho họ cãi vã ồn ào, hăng say nửa tiếng đồng hồ nữa. Đề tài đàn ông nên lấy vợ đẹp hay vợ xấu làm tôi phải nghe họ cãi nhau trong nửa tiếng đồng hồ nữa. Cảnh sát viên Dậu chủ trương đàn ông nên lấy vợ xấu, xấu chút thôi, đừng có xấu quá! Cho yên trí và có quyền chơi bời ngoài nếu có tiền. Thành chủ trương nên lấy vợ đẹp rồi chỉ dốc lòng yêu vợ, bỏ qua tất cả đàn bà đẹp khác. Dậu chê Thành là quá khích, Thành chê Dậu là cổ hủ, là dại, viện lẽ sống như Dậu, đàn ông sẽ không có hạnh phúc. Vì vợ xấu, khi gặp đàn bà đẹp sẽ say mê, bỏ bễ gia đình. Dậu tự cho gã đúng, vì lẽ nếu lấy vợ đẹp, phải có nhiều tiền hơn người để phục vụ vợ cho đầy đủ, yếu tiền thì có thể mất vợ. Cứ ở nhà bo bo giữ vợ thì còn làm ăn gì được…?
Qua những lời gã phát biểu và qua kiểu người của Thành, tôi cho gã là một anh tay sai thường, không có sáng kiến gì và không có gì đáng sợ. Nhưng từ phút Trần Tiến Vinh bước chân vào vila, Thành có một vẻ khác hẳn. Gã như nhanh nhẹn hẳn lên, nhanh và tinh, và như là gã biết nhiều chuyện lắm vậy.
Vinh hỏi gã:
- Sao? Thành, chú thấy có gì lạ?
- Nhiều cái lạ lắm – Thành đáp - Nếu anh còn nhớ, cách đây chưa lâu bọn mình đã bị một cô giáo đánh lừa theo kiểu này và lần đó chúng mình chỉ còn thiếu chút nữa là bị mắc lừa. Lần đó, nhờ may mà chúng mình tìm ra sự thực. Vụ này tôi thấy cũng giống như vụ đó…
Khi nghe gã nhân viên điều tra mà tôi cho là hạng bét nói lên câu đó, một cái gì rất lạnh nổi lên ở trong gan ruột tôi. Và tôi lờ mờ nhận thấy trong thời gian quyết định vừa qua, đã có nhiều chuyện xảy ra ở quanh tôi mà tôi không biết, tôi không ngờ tới.
Nhưng cả Vinh và đàn em của y là Thành đều không nhìn tôi. Họ coi tôi như người ở ngoài cuộc. Đó mới là một thái độ đáng sợ.
Vinh ung dung hỏi:
- Có những sự kiện gì làm chú nghĩ vậy?
- Có nhiều chuyện, thoạt nghe có vẻ hợp lí nhưng xét kĩ thì thấy không sao có thể xảy ra được. Nhất là với tôi, kẻ đã thức suốt đêm qua nấp ở ngoài vườn cây nhà này. Anh không tin ở anh cớm cộc thật phải. Anh ta ở trong nhà, ảnh không sao có thể biết hết được mọi việc xảy ra. Muốn rõ những gì xảy ra ở trong nhà, thực sự người ta phải ở bên ngoài mới biết được. Và tôi đã nấp ở ngoài vườn cả đêm qua. Vì vậy, tôi thấy rõ việc Me sừ Văn từ bên ngoài trèo qua cửa sổ lẻn vào nhà này là vô lí, và đêm qua tôi không thấy có ai trèo vào nhà. Nếu hắn không thể ở bên ngoài lọt vào mà hắn vẫn có mặt ở trong nhà… thì hắn ở đâu ra?
Vinh đưa nhẹ một câu:
- Nếu vậy mình chỉ còn một cách duy nhất giải thích sự có mặt trong nhà của hắn là hắn đã có mặt ở trong nhà từ trước…?
Thành gật đầu:
- Đúng, chỉ có cách ấy… Nhưng cảnh sát đã khám xét vi la này rất kĩ. Và ở trong nhà có một viên cảnh sát. Trung sĩ Đặng có thể ngu đần ở nhiều điểm nhưng hắn không thể ngu đần đến nỗi ở trong nhà có người mà hắn lại không biết, nhất là hắn lại được lệnh đặc biệt để ý tìm người đó.
Vinh gật đầu:
- Được. Chú đã nhận xét được một điểm hay. Chúng ta chỉ cần tìm ra điểm hay đó và tìm câu trả lời. Khi trả lời xong là ta đã giải đáp xong bài toán đố. Sau đó, chú còn thấy gì hay nữa?
- Tôi đã từng thấy hàng chục vụ tự tử dùng súng bắn vào đầu. Chưa vụ nào tôi thấy người tự tử chảy ít máu bằng vụ này. Có quá ít máu…
- Như vậy nghĩa là…
- Nghĩa là… tôi nghĩ rằng xác nạn nhân đã được mang từ một nơi nào khác tới để ở đó. Có thể nạn nhân đã tự tử nhưng mà tự tử ở một nơi nào khác.
Vinh có vẻ suy nghĩ. Đôi lông mày rậm của y nhíu lại trên vùng mắt sâu:
- Ông y sĩ luật y nói sao khi khám nghiệm xác nạn nhân?
- ông y sĩ này là một y sĩ trẻ, ông chưa có nhiều kinh nghiệm về các vụ tự tử - Thành nhún vai – ông ta cũng công nhận là tử thi chảy quá ít máu. Nhưng ông vẫn cho rằng đó chỉ là một tình trạng đặc biệt. Ông thấy rằng nạn nhân quả đã tự tử và điều đó đã đủ với ông ta, ít nhất cũng đủ để ông ta yên tâm làm báo cáo. Cứ kể ra thì ông ta cũng không làm gì đáng trách. Một xác chết nằm đó với khẩu súng lục, vết thương có chảy máu tuy rằng hơi ít, đường đi của đạn bắn vào đầu nạn nhân đúng là đường đi của kẻ tự bắn vào đầu mình, xác chết có vẻ như mới chết trước đó chừng mười lăm, hai mươi phút. Xác chết ở trong một căn phòng đóng kín cửa, không một người nào trong nhà có thể ở gần nạn nhân trong lúc nạn nhân sắp chết. Từng ấy sự kiện đã đủ để một y sĩ kết luận là nạn nhân chết vì tự tử. Ông y sĩ đó chỉ cần nhún vai nói rằng ông không biết tại sao nạn nhân lại chảy quá ít máu như thế nhưng những trường hợp khó hiểu và không giải thích được như thế thường xảy ra luôn luôn trong địa hạt khoa học và con người ta chỉ có việc chấp nhận chúng. Ông ta chỉ có bổn phận xác nhận chúng, ông ta không cần phải giải thích.
Vinh nở một nụ cười ác ôn, nụ cười đó làm hàm răng nanh trắng của y lộ giữa đôi vành môi dày:
- Nhưng chúng ta thì chúng ta phải có bổn phận giải thích, hả? Chú mày có đồng ý với tao như vậy không?
Y quay lại tôi và bây giờ thì y nói với tôi:
- Anh Quang… hôm mới được gặp anh trong nhà này, nếu tôi nhớ không lầm thì dường như tôi có khoe với anh rằng tôi là người có chút ít kinh nghiệm về bọn làm bậy để lấy tiền bồi thường bảo hiểm. Tôi không quen khoe khoang hão. Khi tôi nói tôi có, tức là tôi có. Hôm nay tôi có dịp chứng minh cái tài và sự hiểu biết của tôi. Vì thế gian này có quá nhiều người bất lương, vì những người bất lương ấy quá gian ngoan nên tôi trở thành người đa nghi hơn Tào Tháo. Tôi dám nói là tôi còn đa nghi hơn cả Tào Tháo nữa, vì Tào Tháo còn tin ở những gì y nghe được, mắt y trông thấy. Vì tai y nghe được người nhà nói với nhau rằng (… trói lại mà giết…) y mới nghi là Lý Tả Xa định giết y và y mới lấy gươm nhảy vào giết cả nhà Lý Tả Xa. Còn tôi, tôi đa nghi đến nỗi tôi không tin vào những gì mắt tôi đã thấy, tai tôi nghe rõ…
Thành nói xen vào:
- Ông đa nghi thì chuyện đã đành, ai cũng biết rồi. Nhưng ông làm sao giải thích cho ổn tại sao Vũ Minh Văn không có ở trong nhà, không từ bên ngoài vào nhà mà vẫn nằm chết được ở trong nhà? Và tại sao y tự bắn vào đầu mà y lại tự chảy có ít máu đến thế, ông mới là người giỏi…
Vinh lại cười lần nữa làm hàm răng trắng của y lại nhe ra. Với tôi hàm răng đó lại đe doạ như hàm răng của bầy thú thích ăn thịt người:
- Thì tao sắp giải thích đây – y nói với Thành – tao tin rằng đến hôm nay tao đã đủ bằng cớ để giải thích hết mọi bí mật của vụ án này. Nhưng phải từ từ chớ. Từ từ và đều đều. Đó là phương châm của tao. Chú mày nhận thấy gì lạ nữa không, kể nốt đi…
- Chuyện lạ nữa là… hoàn toàn không có dấu tay. Ngay cả trên khẩu súng lục vẫn còn nằm trong tay của Me sừ Văn cũng không có dấu tay của ông ta. Ông Văn có để lại bức thư tuyệt mạng. Thư đánh máy. Trên cái máy đánh chữ cũng không có qua một vết tay nào của ông ta. Lại còn cái chai rượu. Theo sự dựng lại những gì đã xảy ra trong nhà này trước khi Me sừ Văn kê súng bắn vào đầu thì… tôi nói theo dự đoán vì một đương sự là trung sĩ Đặng vẫn còn hôn mê vì cú đập bể sọ, chưa nói năng kể lể gì được thì… Me sừ Văn có cầm cái chai liệng mạnh vào tường để đánh lừa trung sĩ Đặng. Me sừ Đặng không mang bao tay vậy mà ném cái chai đó, thủy tinh, như chúng ta đã biết là vật ghi dấu tay trung thành và rõ nhất cũng không có qua một dấu tay nào của Me sừ ta hết. Cả hai vật được me sừ ta sờ vào đó là cái chai và khẩu súng đều được lau chùi kĩ. Lau chùi trước khi nổ súng hay sau? Và ai lau chùi chúng? Tìm lời được câu hỏi đó là hêt thắc mắc…
Mồ hôi toát ra đầy trán tôi. Thật không ngờ gã coi có vẻ đần độn này lại tinh ý và nhận xét ghê gớm đến thế. Nội một vụ gã nấp cả đêm ở ngoài vườn mà tôi không biết cũng đã đủ chết rồi. Tôi rút khăn ra lau mồ hôi trán. Tôi chán chường và thất vọng đến nỗi tôi bất chấp chuyện hai kẻ này có thể nghi ngờ tôi về việc chùi mồ hôi hay không…
Nhưng hai gã vẫn không thèm chú ý gì đến tôi. Họ có vẻ nói chuyện với nhau nhiều hơn:
- Một chuyện lạ đáng kể nữa – Thành nói tiếp – Khi Me sừ Văn rời nhà này để lên Đà Lạt với bà vợ, ông ta bận bộ đồ comple nâu, đội nón nỉ, bên ngoài còn cái áo paraverse. Nhưng khi tìm được xác y nằm chết ở đây, ta lại thấy ông ta bận đồ hàng xám nhạt, đi giày đen…
Vinh đặt câu hỏi:
- Cò Lê Huy chắc chắn cũng phải nhận thấy sự lạ đó chứ? Hắn giải thích ra sao?
- Cò Huy nói rằng có thể ông Văn đã thay quần áo lấy trong cái va li nhỏ đem theo xe cái đêm ông ta đi
- Hết chứ?
- Tôi chỉ tìm thấy có vậy…
Vinh trầm ngâm một lát rồi nói:
- Có kẻ nào đó rất gian ngoan đã bày ra vụ này. Tao vẫn nghi rằng kẻ đó định bịt mắt chúng ta để lấy tiền bồi thường. Tao có bảo bọn Cò Huy nên tìm một người đàn ông không phải là Vũ Minh Văn nhưng hắn không chịu. Hắn không tin nên chúng mình phải tìm vậy.
- Ông nghĩ rằng vụ này có một người đàn ông khác nữa ư? – Thành hỏi – Như vậy có nghĩa là bà Văn có nhân tình ư?
- Tao tin chắc thế. Bà Văn tức là Hồng Loan có tên trong sổ đen của chúng ta, chắc chắn có nhân tình. Hai kẻ đó toa rập với nhau để ám sát Vũ Minh Văn lấy tiền bồi thường nhân mạng của Văn. Rất có thể không phải nàng Hồng Loan là người đầu tiên có ý định ấy. Tao nói thế vì Hồng Loan đã một lần chạm trán tụi mình, lần trước đây khi nàng định lấy tiền bảo hiểm, chút xíu nữa nàng bị đưa vào tù. Vì vậy nàng phải sợ… Nhưng nàng bị gã tình nhân thuyết phục. Vụ này được tổ chức tinh vi, gan dạ và khoa học lắm… Nhất định đó phải là sáng kiến của đàn ông chứ không phải đàn bà. Chỉ có kẻ nào là tình nhân của Hồng Loan mới có thể thuyết phục được nàng thôi…
Thành nhíu mày:
- Ông nghĩ rằng ông Văn bị ám sát sao? Nếu quả là ông Văn bị ám sát thì thiệt hại nhiều cho công ty mình. Vì theo hợp đồng công ty mình phải trả bồi thường cho ông Văn, trong trường hợp ông ta tự tử công ty mình mới không phải trả tiền thôi…
Gã nói đúng như câu tôi muốn nói cho Trần Tiến Vinh nghe. Nếu y sợ công ty tốn tiền mà công nhận ngay là Văn tự tử thì êm biết mấy. Tôi lắng nghe câu trả lời của y, tương lai của tôi nằm gọn trong câu trả lời ấy:
- Công ty bảo hiểm của chúng ta không bao giờ từ chối bổn phận. Khi cần trả tiền theo hợp đồng là ta trả tiền. Chúng ta bảo vệ quyền lợi của công ty nhưng cũng đồng thời bảo vệ quyền lợi của thân chủ. Ta chỉ không chịu trả tiền khi có sự lừa gạt. Nếu bây giờ thân chủ bị ám sát và bọn sát nhân hoá vụ đó ra tự tử, chúng ta cũng không chịu. Bổn phận của chúng ta là phải tìm bằng cớ chứng tỏ đó là một vụ ám sát để công ty ta được quyền… trả tiền cho thân nhân thân chủ theo đúng hợp đồng đã kí kết. Đó là bổn phận mà cũng là một vinh hạnh cho nghề của chúng ta…
Dù công ty có phải xuất ra vài chục triệu bạc, số tiền tuy lớn thật song công ty cũng không mất mát gì nhiều. Trái lại, việc đó sẽ đem lại danh tiếng tốt cho công ty. Thân chủ sẽ tin ta và rủ nhau tới đông hơn. Đâu vẫn hoàn đấy. Chú mày thấy điều lợi đó không?
Thành gật gật đầu chứng tỏ hiểu và thán phục trong lúc Vinh cao hứng nói tiếp:
- Gặp một vụ án mạng, chúng ta có bổn phận phải chứng minh đó là vụ án mạng và chỉ đích danh thủ phạm. Và nhiều khi tìm ra án mạng chưa chắc chúng đã phải trả tiền. Nhiều khi chính kẻ được hưởng hợp đồng lại là kẻ sát nhân. Trong vụ này, tao tin rằng bà Hồng Loan và nhân tình của bà ta, biết rằng nếu họ giết Vũ Minh Văn họ không có hi vọng lừa được chúng ta và lấy được tiền, nên họ bày ra vụ tự tử. Họ nghĩ rằng vì công ty không thiệt hại gì nên chúng ta sẽ nhắm mắt để cho họ thoát. Và họ thông minh, biết rành về luật lệ bảo hiểm để biết rằng, nếu công ty không trả tiền bồi thường, công ty vẫn trả lại số tiền mà thân chủ đã đóng góp cho công ty. Số tiền đó cũng lớn lắm. Như hợp đồng của Vũ Minh Văn chẳng hạn, công ty sẽ trả lại cho người được hưởng tài sản của ông Văn số bạc 1 triệu bảy trăm ngàn đồng. Đó là số tiền ông Văn đã đóng cho công ty ta từ nhiều năm nay. Vẫn biết ông Văn công nợ nhiều, nhưng họ biết nếu bán nhà, bán xe hơi đi, họ vẫn có thể trả đủ nợ cho người chết. Họ sẽ hưởng toàn bộ số bạc 1 triệu bảy trăm ngàn đồng do công ty trả lại một cách ngon lành và không nguy hiểm chút gì… kể ra số bạc 1 triệu bảy trăm ngàn đồng đó cũng ngon lành chứ?
Thành búng hai tay vào nhau đánh tách một tiếng:
- Hay lắm. Con ông cụ nói đến tiền trả lại của công ty thì tôi phục con ông vụ quá sá rồi. Chính tôi ăn tiền của hãng bảo hiểm từ bao nhiêu lâu nay mà tôi còn không nhớ đến điều kiện đó. Vậy thì đúng rồi. Nhưng con ông cụ giải thích sao về việc bà Hồng Loan lại bị đánh chết? Có chuyện gì xảy ra với bà đó vậy?
Vinh nhún vai:
- Về việc đó tôi chưa biết tại sao và tôi cóc cần biết tại sao. Có thể là họ cãi nhau, tôi chưa biết chính Vũ Minh Văn hay gã tình nhân đã giết cô ả đó. Cảnh sát có bổn phận phải tìm ra đầu mối vụ đó. Có điều tôi biết chắc chắn là ông Văn, thân chủ của ta, đã bị giết chứ không phải tự tử và tôi sẽ đem hết sức tôi ra ngăn cản không cho tên sát nhân thoát tội. Không ai có thể giết thân chủ của công ty mình mà thoát khỏi tội. Đó là lời quảng cáo hay nhất cho công ty mình…
Y đột ngột quay lại hỏi tôi:
- Sao anh Quang? Anh nghĩ sao về những chuyện chúng tôi vừa nói? Từ nãy tới giờ dường như anh không nói gì thì phải? Anh có ý kiến gì về gã nhân tình của bà Văn không?
Tôi biết rằng lúc này tôi đang phải chiến đấu, một cuộc chiến đấu tuyệt vọng. Tôi sẽ không thoát nếu tôi không tận dụng sự khéo léo và thông minh:
- Tôi không rõ ai là tình nhân của bà ấy – tôi đáp – nhưng có vài lần tôi thấy bà ấy với một người… Không biết người đó có phải là tình nhân của bà không?
Vinh cười với Thành:
- Chú mày thấy không? Tao đã nghi là có mà…
Y quay lại tôi:
- Anh thấy họ gặp nhau ở đâu, anh Quang?
- Lần thứ nhất tôi thấy hắn ngồi trong xe hơi đợi bà Văn ở đầu phố bên cạnh đây. Lần thứ hai tôi tình cờ thấy họ từ trong nhà hàng Bodega đi ra. Hắn trạc ba nhăm tuổi, ăn mặc rất sang, để ria mép… Tôi không biết tên hắn…
Vinh có vẻ trầm ngâm:
- Anh có nghĩ rằng hắn có quen cả với ông Văn không?
- Điều đó tôi không biết chắc…
- Hắn đi xe hơi? Xe của hắn hịêu gì, số bao nhiêu?
- Hai lần tôi thấy hắn, hắn đi hai hiệu xe khác nhau. Lần đầu, khi hắn chờ bà Văn ở đầu phố, tôi nhớ hắn ngồi trong chiếc Simca sơn nâu. Nhưng lần thứ hai khi tôi bắt gặp hắn cùng bà Văn ra khỏi nhà hàng ăn Bodega thì hình như tôi thấy hắn đưa bà Văn vào một chiếc Peugeout. Cả hai lần tôi đều đi lướt qua nên không chú ý tới số xe…
Vinh nói với Thành:
- Hai người đó có tới ăn ở nhà hàng Bodega. Chú thử tới hỏi coi.
Thành nhún vai:
- Mỗi ngày có ít nhất là vài chục cặp tình nhân thanh lịch đưa nhau tới nhà hàng đó ăn tối. Làm sao họ nhớ cơ chứ?
- Biết đâu đấy, mình phải thử mới được chứ? Chú cứ chịu khó tới nhà hàng Bodega hỏi coi…
Những giây phút đầy đe doạ cuối cùng kết thúc một cách bất ngờ nhất. Thành ngáp dài một cái rồi nói:
- Tôi thức trắng đêm qua, lại chịu một cơn mưa vùi hoa dập liễu nặng nề quá. Nếu chưa cần đi theo dấu anh chàng tình nhân có ria mép lắm, mong cho tôi về nhà ngủ một giấc…
Vinh vỗ vai hắn:
- Được rồi… Về nằm ôm vợ ngủ đi… Tao sẽ tới Bodega cho…
Y xiết chặt tay tôi rồi cả hai cùng ra vila một lúc…