Chương 3

Bận bộ quần áo ngủ mới lấy từ tiệm giặt ủi về, điếu Lucky gắn trên môi, tôi nằm dài trên giường, suy nghĩ…
Căn phòng riêng trên ga-ra này có cửa sổ mở ra vườn cửa sổ ở ngay trên đầu tôi. Không gian mát và tĩnh mịch. Phòng này mà có một dàn máy quay băng Akai, một cô vợ trẻ, không cần là vợ, chỉ cần là một cô tình nhân, một thiếu nữ xinh, thơm…là nhất. Tôi nằm lơ mơ, khói thuốc tỏa bay lên trần, mơ đến những gì tôi được hưởng nếu tôi làm chủ 16 triệu đồng.
Từ lúc được đọc qua tờ thư của Công Ty bảo hiểm trong tủ của Vũ Minh Văn, số tiền 16 triệu cứ lởn vởn trong óc tôi. Tôi đã bị số tiền đó ám ảnh mặc dù đó không phải là tiền của tôi, tôi biết chắc là tôi sẽ không bao giờ được chạm tay vào số tiền ấy dù cho Vũ Minh Văn có chết.
Tôi không thể được hưởng số tiền bồi thường nhân mạng đó nếu Vũ Minh Văn chết đi, nhưng tôi biết Hồng Loan, với tư cách là vợ chính thức có hôn thú hợp pháp của Văn, sẽ được lãnh số tiền đó.
Từ vài năm nay, xã hội Việt Nam ta đổi mới theo Âu Mỹ rất nhanh. Cùng với những tiện nghi vật chất của văn minh như thang máy, máy thâu băng, điện thoại, TiVi, máy giặt, xà bông bột, thuốc xịt muỗi, thuốc trừ hôi nách và thuốc ngừa thai…, một số người Việt có tiền đã biết đến chuyện bảo hiểm. Người ta mất tiền bảo hiểm xe hơi, nhà, hàng hóa và người ta bảo hiểm cả tính mạng. Tuy chưa được hiểu rành lắm về vấn đề bảo hiểm và cũng chưa bao giờ mất đồng bạc nhỏ nào đóng cho các hãng bảo hiểm, tôi cũng biết rằng chuyện bảo hiểm cũng như việc mua đồ chịu, trả tiền dần – là một chuyện rất quen thuộc với người Âu Mỹ. Người Âu Mỹ khi còn sống, còn làm ra tiền, nghĩ trước đến chuyện để dành tiền cho vợ con, họ mua bảo hiểm. Khi họ chết, hãng bảo hiểm sẽ lại đóng trả cho vợ những số tiền lớn nhỏ tùy theo số tiền họ đóng hàng năm trước đây. Vũ Minh Văn cũng làm như thế. Chắc số tiền hắn đóng phải lớn lắm nên hợp đồng bảo hiểm mới chịu trả số bạc 16 triệu đồng cho thân nhân hắn khi hắn chết.
Có một sự trùng hợp mà tôi cần khai thác: đó là chuyện Hồ Mậu, anh chồng cũ của Hồng Loan, cũng có bảo kê nhân mạng. Hồng Loan đã được bồi thường một lần. Nay nàng kết hôn với Vũ Minh Văn, anh chồng thứ hai cũng có bảo kê nhân mạng và anh ta đang sa vào một cuộc say sưa dài, chưa biết anh ta sẽ chết lúc nào. Lẽ tự nhiên anh ta phải chết vì tai nạn, vợ anh mới được hãng bảo hiểm đền tiền.
Chết vì tai nạn?
Say sưa như Vũ Minh Văn hiện nay, việc hắn chết vì tai nạn quá dễ. Hồng Loan có thể giết hắn rồi hóa trang cho vụ ám sát đó trở thành tai nạn. Nhưng tôi biết nghĩ vậy thì cảnh sát, nhất là nhân viên bảo hiểm, cũng biết như thế. Họ còn biết nhiều hơn tôi nữa, vì đó là nghề của họ. Nếu Vũ Minh Văn ngã lăn ra chết bây giờ dù cho hắn chết vì tai nạn hẳn hoi đi nữa, người bị nghi ngờ trước nhất vẫn là Hồng Loan. Vì nàng được lợi vì cái chết đó. Nếu không khéo, nàng có thể bị tù chung thân thay vì được lãnh tiền bồi thường.
Hồng Loan không thể giết được chồng, nhưng nếu nàng có người giúp. Một người như tôi chẳng hạn.
Khi suy nghĩ hoặc gặp chuyện gì lo âu, tôi vẫn quen hút thuốc lá liên miên, hết điếu này đến điếu khác.
Bỗng dưng, tôi choàng tỉnh. Y như tôi tỉnh lại từ một cơn mê, tôi nhổm dậy. Tôi tự hỏi tại sao tôi lại suy nghĩ đến một chuyện không hề dính líu gì tới tôi? Hồng Loan là vợ của Vũ Minh Văn, nếu chồng nàng chết, nàng có quyền lãnh tiền bồi thường. Việc Văn đóng bảo hiểm chỉ cốt để khi hắn chết, vợ hắn có tiền sống. Từ lâu rồi, có một lần, tôi đọc thấy một câu trong một cuốn tiểu thuyết loại truyện có án mạng, có cướp trộm, có những hàng động hung dữ được gọi là roman noir của Pháp thường chứa đựng nhiều luân lý, nhiều và rõ hơn cả những bộ sách dày cộm dạy về luân lý - một câu mà tôi cho là chí lý: đừng bao giờ thèm muốn cái gì không phải là của mình. Đồng tiền của Vũ Minh Văn không phải là tiền của tôi, tại sao tôi lại ước ao, xây mộng về nó?
Nhưng sự tỉnh thức ấy chỉ thoáng hiện rồi mất đi ngay. Vì tôi biết Hồng Loan đang muốn làm cho chồng nàng chết để nàng hưởng số tiền bồi thường, và tôi biết dư rằng cứ để một mình Hồng Loan thực hiện âm mưu nàng sẽ thất bại. Bọn bảo hiểm sẽ lột trần thủ đoạn của nàng ngay lập tức dù cho nàng có khôn khéo đến đâu. Nhưng nếu nàng có tôi giúp thì may ra.
Tôi suy nghĩ đến vai trò của tôi trong vụ này.
Mười sáu triệu đồng bạc. Chia đôi ra, tôi sẽ có 8 triệu đồng.
Tám triệu đồng bạc! Cuộc đời tôi sẽ thay đổi hoàn toàn. Số vốn đó sẽ là cái đà đẩy tôi đi trên đường thành công. Tôi có đủ cả điều kiện thành công với đời, để giàu sang, tôi chỉ thiếu có mỗi một điều kiện tiền. Với số tiền 8 triệu bạc làm vốn, tôi sẽ có nhà lầu, có xe hơi, những chiếc xe đẹp như chiếc Mercury của Vũ Minh Văn. Ngồi lái chiếc xe đó với tư cách là ông chủ trẻ tuổi, tôi sẽ làm cho nhiều kẻ xám mặt đi vì ghen tức. Tôi sẽ mở hãng xuất nhập cảng riêng, sẽ có những em nữ thư kí con nhà lành, có tú tài toàn phần, thơm như mít làm việc cho tôi, kính cẩn gọi tôi là ông chủ, xưng em và em nào cũng sẵn sàng cho tôi hưởng tất cả những gì quí nhất của em với hi vọng được tôi yêu thương và trở thành bà chủ.
Hoặc không cần tôi phải giúp đỡ Hồng Loan, chỉ cần tôi chú ý nắm giữ được một hai bằng cớ có thể kết tội được nàng giết chồng, tôi cũng có thể bắt buộc nàng phải chia cho tôi một nửa số tiền nàng được hưởng.
Sự náo nức của tôi dịu dịu đi nhiều khi tôi nghĩ đến quí anh cảnh sát. Nếu Văn chết vì bị ám sát, một cuộc điều tra sẽ được mở ngay và bị nghi ngờ trước nhất là Hồng Loan. Các anh cảnh sát sẽ dư thông minh để hiểu rằng một mình Hồng Loan không thể giết chồng êm thấm và hóa trang vụ ám sát đó bằng tai nạn được, nàng phải có đồng lõa giúp sức. Từ điều phán đoán đó tới việc tìm ra tôi và nghi ngờ tôi không mấy xa. Nạn nhân càng giàu tiền, cảnh sát càng ra sức tìm thủ phạm. Nhưng tôi vẫn không nản lòng. Nếu khôn ngoan, người ta vẫn có thể qua mặt được cảnh sát. Lẽ tất nhiên là việc này sẽ có nhiều khó khăn nhưng số bạc lớn đó xứng đáng để tôi liều. Nếu không liều, không chịu chạm trán với nguy hiểm làm sao tôi có thể làm chủ được bảy, tám triệu bạc?
Tôi ngủ thiếp đi trong ý nghĩ lạc quan đó.
Tôi trở lại tiệm thuốc phiện tìm Minh Tâm. Lần này, quanh bàn đèn có nhiều người. Khi bước chân lên cầu thang, tôi đã nghe thấy tiếng người đang nói, đang cãi và đang cười.
Đúng hẹn – Minh Tâm bao giờ cũng đúng hẹn nếu anh hẹn ai gặp anh ở bàn đèn – Minh Tâm đang nằm đó. Người bị đời công kích, chế giễu là một ông già, lẽ tự nhiên ông già này cũng là một khách hút, trông ông đen như cái cột nhà cháy và gầy khẳng khiu như cái cây khô. Bao nhiêu nhựa sống và năng lực của ông đều được đốt cháy trên đầu đèn dầu lạc. Tôi chưa từng gặp ông già này bao giờ nhưng chỉ ngồi dưới chân Minh Tâm, nghe lỏm câu chuyện, tôi cũng biết ông là người đang bị đời chỉ trích, chế nhạo. Số là ông già - một tay chơi ba mươi năm về trước ở Hà Nội, giao du với đoàn Công Sứ Tây, Tổng Đốc, Tuần Vũ Ta, nhảy đầm và ăn ngủ với đầm chính cống, lái xe tu bin đít vịt, bận quần gôn cầm súng hai nòng đi bắn vịt trời…Ông là bố đẻ của năm anh con trai. Nhờ ông nuôi dạy, năm anh con bây giờ đều đã đỗ đạt, thành những ông lớn giữ những địa vị cao trong xã hội này. Năm nay hai anh con ông đã làm bác sĩ, hai anh là kĩ sư – kĩ sư điện tử đàng hoàng, chỉ còn anh con út là còn đang đi học. Trong số hai anh con lớn làm bác sĩ, một anh làm giám đốc bệnh viện công lớn nhất của nhà nước, một anh làm chủ một dưỡng đường tư, hai anh kĩ sư đều làm lớn, lương bạc trăm ngàn cho những nhà Shell, Esso..Các anh xe hơi, nhà lầu, vợ đẹp, con khôn, bổng lộc vào như nước, nhưng ông bố già của các anh thì nghiện, rách và di chuyển trong Sài gòn-Chợ lớn đều bằng xe lam và xe buýt. Khổ một nỗi là bị các con khinh rẻ, bỏ đói, ông bố vẫn kiêu hãnh vì lũ con, vẫn cứ hay mang con ra khoe. “Nhà tôi có hai bác sĩ, hai kĩ sư. Thằng nhỏ sắp ra dược sư. Các con tôi thằng nào cũng thông minh. Cũng brilliant. Thành tài hết.” Điều đáng kể là ông già không nói dóc, lũ con trai ông ta quả thật đều đã đỗ đạt cao, đều giàu tiền như vậy.
- Khổ lắm! Cụ cứ lôi các ông quí tử của cụ ra khoe làm cái quái gì. Người nào không biết rõ cụ, người ta yên trí là cụ nói phét.
Khi Minh Tâm đả kích ai, anh nói rất đau, phũ phàng và tàn nhẫn. Tôi chưa thấy ai phũ phàng một cách tỉnh táo như Minh Tâm. Tôi tưởng tượng nếu tôi làm anh phật ý điều gì đều bị anh đả kích, chắc tôi sẽ bỏ chạy ngay không dám ngồi nghe.
- Cụ khoe các con cụ giàu có, sang trọng, sao các ông ấy lại nỡ để cho cụ vất vả thế? Các ông ấy thừa tiền, các ông dư sức tậu cho cụ cái ô tô cũ cho cụ đi hít. Đằng này chúng tôi thấy cụ quanh năm đi buýt với xe lam. Thấy cụ vất vả như vậy, các ông ấy phải biết chứ?
Ông già có con bác sĩ, kĩ sư thộn mặt ra:
- Tôi có nhờ vả gì chúng nó đâu. Tôi vẫn còn sức kiếm đủ ăn.
- Khổ lắm! Ai bảo cụ không kiếm được đủ ăn. Cụ ăn hít thì bao nhiêu. Nhưng cái luật chung không cho phép các ông con cụ đối xử tàn tệ với cụ như thế.
Các ông ấy xe hơi, nhà lầu mà để cụ đứng chờ xe buýt, dầm mưa dãi nắng, đến tuổi này cụ còn phải đi làm thêm, đi làm công cho người ta để kiếm miếng ăn là bậy. Tôi hỏi cụ chứ mình vất vả nuôi con cho chúng nó ăn học làm cái gì? Đến khi mình già yếu, hết lộc, chúng nó thành người chúng nó có bổn phận phải phụng dưỡng mình chứ.
- Chúng nó còn vợ con chúng nó.
- Ai ở đời này mà lại không có vợ con? Bộ chỉ có mấy ông quí tử của cụ là mới có vợ con nuôi thôi hay sao? Phải chi như cụ có tiền nhiều kia thì không sao đằng này cụ lại rách. Các ông ấy có bổn phận phải biết là cụ hằng ngày đứng chờ xe buýt, phải đi bộ nắng mưa chứ? Đúng là các ông ấy coi cụ như người dưng rồi còn gì.
Ông già tần ngần:
- Tại mình mang cái tật nghiện. Các con tôi chúng không muốn tôi hút.
Bực quá. Minh Tâm ngồi nhổm dậy, nước miếng của anh văng ra cả bàn đèn:
- Không muốn kệ mẹ chúng nó chứ. Mình làm ra tiền mình ăn hút, chúng nó là con chúng nó có cái quyền gì? Mẹ kiếp. Không có mình ăn hút, kiếm tiền nuôi chúng nó ăn học thì bây giờ chúng nó đi đẩy xe rác, đi làm bồi. Đâu chúng nó có thành được ông nọ, ông kia.
Minh Tâm nằm xuống và phang câu cuối cùng:
- Xin lỗi cụ, tôi mạn phép cụ mà nói một câu rằng… bọn con trai cụ là bọn bất hiếu. Chúng nó có bố già mà không biết thương, để bố phải vất vả. Tôi chắc chúng nó mắc cỡ vì bố chúng nó nghiện hút. Cụ chẳng nên đem các con cụ ra khoe. Người ta thấy con cụ là bác sĩ, kĩ sư mà để cụ đói rách, vất vả như thế người ta cười cụ, người ta cho gia đình cụ vô phúc.
Mặt ông già có nhiều con làm lớn cứ dài ra. Trông thật tội nghiệp nhưng rồi sau khi thấy ông ta không nói gì, người ta cũng tha cho ông ta. Cái lỗi của ông là thỉnh thoảng lại đem con làm lớn ra khoe làm cho thiên hạ ngứa tai.
Đả kích chán ông già nọ rồi, kí giả Minh Tâm mới nói chuyện với tôi:
- Quang! Tao đã tìm được đủ tài liệu mày cần rồi đây.
Anh trao cho tôi mấy tờ giấy có ghi những hàng viết bằng bút nguyên tử lớn như những con gà mái của anh. Anh có tật hay quên nên anh quen ghi chép. Những dòng chữ gà mái đó cho tôi biết gần hết vai trò của Hồng Loan tức người đẹp Hélène Loan, trong cái chết của nha doanh thương Hồ Mậu.
---
Buổi trưa, sau khi đưa Văn từ văn phòng Pacific về nhà, tôi được phép để chiếc Mercury lại nhà và đi ăn. Văn hẹn tôi tới ba giờ trở lại đưa y đi làm.
Hai giờ ba mươi phút, về đến vi la vắng, tôi không thấy chiếc Dauphine nằm bên chiếc Mercury trong nhà xe. Hồng Loan vắng nhà. Nghĩ rằng Văn có thể hãy còn ngủ say, tôi lên nhà trên.
Tới trước cửa phòng riêng của Văn, tôi ghé tai vào cửa, lắng nghe. Im lặng. Một lúc lâu không nghe thấy tiếng động gì, tôi khẽ đẩy thử cánh cửa. Chỉ khép hờ. Tôi thò đầu nhìn vào.
Văn nằm dài trên giường. Y bận áo sơ mi, quần tây, chân còn đi nguyên đôi giầy. Trên mặt bàn ngủ bên giường, có một chai rượu Courvoisier chỉ còn một nửa rượu trong chai, một cái ly đầy rượu. Văn ngoảnh mặt nhìn tôi. Mặt y nặng và hai mắt y đỏ rực.
Y cầm trên tay một khẩu súng lục. Y đang mân mê, nâng niu khẩu súng đó như một vật gì thật đẹp. Không ngờ có tôi đột ngột mở cửa phòng nhìn vào, Văn bỡ ngỡ mất vài giây mới giấu khẩu súng xuống dưới gối.
Y gắt, giọng hằn học:
- Mầy không biết gõ cửa sao, mầy?
Lần đầu tiên tôi thấy Vũ Minh Văn tỏ ra thô lỗ cục cằn.
Tôi cũng bỡ ngỡ vì tôi không ngờ lại thấy y cầm súng nằm trên giường. Phải chăng y cũng biết là Hồng Loan đang muốn cho y chết, đang tìm cách cho y chết để hưởng tiền bồi thường, nên y đề phòng? Phải chăng y để sẵn khẩu súng ở đó để tự vệ khi cần đến?
Những ý nghĩ đó dồn dập tới làm tôi đứng ngây ra tới vài giây mới ấp úng trả lời được:
- Tôi xin lỗi. Tôi tưởng ông ngủ nên tôi chỉ hé cửa nhìn vào. Nếu thấy ông còn ngủ, tôi không muốn làm ông thức.
Câu trả lời của tôi có vẻ làm Văn hài lòng. Vẻ bực tức của y biến đi.
Y dịu giọng:
- Hôm nay, tôi không đi làm. Hơi mệt.
Và y nhổm dậy, gật đầu:
- Quang, vô đây. Chúng mình nói chuyện chơi một lúc.
Con người cô đơn nào cũng cần nói chuyện, đặc biệt là nói với người cùng giống với mình, đàn ông cô đơn thích nói, thích tâm sự với đàn ông. Tôi không rõ đàn bà phản ứng làm sao khi họ bị cô đơn, chắc cũng thế. Điều đó chứng minh tại sao có những cặp bạn gái giang hồ rất thân yêu nhau.
Tôi vào phòng, khép cửa lại và tới gần giường Văn nằm. Bây giờ con người của Vũ Minh Văn trước mắt tôi như có một hình thể khác hẳn. Bây giờ y có giá trị tới 16 triều sáu bảy trăm năm mươi ngàn đồng bạc VN.
Văn giơ tay chỉ cái ghế cho tôi và cầm ly rượu:
- Bà vợ moa đi vắng, phải không?
Y xưng hô “toa moa” với tôi. Y đã trở lại thành người bạn tôi đã cứu cho thoát chết vì mìn đêm nào trong nhà hàng Hoàng Hoa.
- Tôi chắc thế - tôi đáp, giọng nói của tôi vẫn lễ độ, y có thể thân mật với tôi vì bây giờ y đã là ông chủ của tôi. Dù sao, trên nhiều phương diện, tôi vẫn là người làm công cho y. Nhất là lúc này, tôi cần lấy cảm tình của y nhiều hơn trước – Vì tôi không thấy xe Dauphine ở nhà.
- Toa có biết em đi đâu không?
- Thưa không. Tôi cũng vừa mới đi ăn về. Về đến nhà đã không thấy xe của bà ở nhà.
Y cười khẩy:
- Toa cứ gọi en là en…Bà chủ, bà chiếc mẹ gì. Toa nên luôn luôn nhớ rằng toa ở trong nhà này với tư cách là bạn moa. Moa không muốn nhắc nhiều đến chuyện toa cứu moa, nhưng thực sự là moa không coi toa như một thằng người làm tầm thường của moa. Moa không bảo toa suồng sã với vợ moa nhưng đừng coi nàng là bà chủ. Toa có quyền coi Hồng Loan là bạn của một thằng bạn toa.
Tôi nghĩ thầm: “Hay lắm! Thế thì còn gì bằng nữa. Nhưng bà vợ anh ác liệt, hắc búa bỏ mẹ. Tôi coi nàng là bà chủ nàng còn chưa chịu, bây giờ tôi lại nghe lời anh, “toa, toa, moa, moa” với nàng, để nàng có lí do đuổi tôi ra khỏi nhà này gấp. Tôi chưa muốn đi khỏi nhà này. Tôi còn muốn ở lại để coi nàng cho anh “đi suốt” ra sao.
Vẫn lễ độ tuy giọng nói có vẻ thân mật hơn, tôi nói:
- Không biết anh có biết không. Bà Hồng Loan không muốn tôi ở đây. Bà ấy đã công khai đuổi tôi hai lần từ ngày anh đưa tôi về nhà này.
- Hai lần rồi kia à?
Tôi gật:
- Hai lần. Lần đầu, en đưa cho moa 10 ngàn đồng, nói là tiền…
Tôi muốn nói đến “tiền bồi thường” nhưng hai tiếng “bồi thường” bỗng dưng làm cho lưỡi tôi cứng lại. Hai tiếng đó đối với tôi đã trở thanh hai tiếng cấm kỵ, hai tiếng mà tôi phải tránh nói đến. Tôi vội tìm tiếng khác:
- Nói là tiền trả ơn tôi đã cứu mạng anh và tiền giúp tôi sống được ít ngày để đi tìm việc làm nơi khác. Lần thứ hai, nàng đưa cho tôi 20 ngàn.
- En tăng giá lẹ như vậy ư?
Y cố gắng nói như đùa nhưng vẻ mặt y lộ rõ sự suy nghĩ nội tâm:
- Cứ kể thì việc làm của nàng cũng chẳng có gì lạ lùng lắm đâu. Moa hiểu. Nhưng moa vẫn còn là chủ nhà này.
- Tôi cũng nghĩ thế.
- Đừng để ý gì đến những lời nàng nói cả, có gì lôi thôi nữa, Quang cứ nói cho tôi biết. Tôi muốn Quang ở đây, Quang đã có vợ con chưa?
Tôi lắc đầu:
- Nhân tình thì có nhưng chưa lần nào sống chung với chị đàn bà nào tới quá nửa năm. Với chị đẹp nhất, đa tình nhất cũng vậy.
- Vậy là khôn.
Y uống một hớp rượu và nằm dài trên giường:
- Uống không? Chịu khó đi lấy ly rót rượu mà uống.
- Anh mặc tôi.
Y “đi một đường” tâm sự:
- Toa đừng bao giờ lấy vợ cả. Đàn bà nó hại mình. Đàn bà càng đẹp, càng đa tình chừng nào nó càng hại mình nặng chừng ấy. Cậu cứ trông tôi đây thì thấy. – Y phát một cử chỉ mơ hồ bằng tay – Nàng đẹp, nàng đẹp lắm phải không cậu? Đẹp như nàng là đẹp nhất Saigon này rồi. Nàng có đủ đức tính và đặc tính để một thằng đàn ông như chúng mình có thể mơ ước. Nhưng chắc cậu chẳng thể tưởng tượng được rằng một người đàn bà đẹp, trông đa tình như nàng lại có thể lạnh lùng như đá với chồng? Hả…Lạnh như một băng sơn. Có một danh từ mới được phát minh để gọi loài đàn bà như nàng: loại thạch nữ, phụ nữ lạnh như đá. Lạ thật. Người như nàng mà lại không thích ái tình thật là lạ. Khó hiểu. Nàng chỉ chú ý đến có một vật trên đời.
Y nói huyên thuyên như người say nói chuyện một mình. Đột ngột, y hỏi:
- Quang. Toa có thích tiền không?
- Tôi thì cũng thích tiền như tất cả mọi người. Tôi đáp.
- Lẽ tự nhiên là như vậy rồi. Ở đời này ai mà chẳng thích tiền, nhưng có người thích nhiều người thích ít. Vì không có tiền, chúng ta khổ. Vì chúng ta không muốn khổ hoặc vì chúng ta sợ khổ nên chúng ta thích có tiền. Xong, có kẻ thích tiền đến độ dám làm tất cả mọi việc, những việc mà người khác không thể làm được để ra tiền. Chẳng hạn như chuyện giết người. Toa có dám giết người với mục đích để ra tiền không?
Tôi thận trọng lắc đầu.
Văn uống một hớp rượu lớn.
- Hồng Loan. Nàng dám giết người nếu việc giết người có thể làm nàng có tiền, ít nhất trong lúc này, nàng cũng đang muốn cho moa chết. Vì moa chết nàng sẽ có tiền, có nhiều tiền.
Y cười khẩy như chuyện y vừa nói là một cái gì khôi hài, mỉa mai và không thể là sự thật:
- Nàng tưởng, nàng yên chí rằng moa chết, nàng sẽ có tiền.
Tôi không thể tưởng tượng Hồng Loan nghĩ sao, có phản ứng gì khi nàng nghe tiếng cười khẩy chế nhạo đó của Văn, riêng tôi, tôi cảm thấy ngượng.
- Nhưng nàng sẽ thất vọng – Văn nói tiếp – Nàng sẽ ngạc nhiên, ngạc nhiên đến không ai còn có thể ngạc nhiên đến như nàng. Cứ tưởng bở. Ước gì moa còn đó để nhìn bộ mặt nàng khi nàng thất vọng. Nhưng không sao, moa có thể tưởng tượng được. Biết rằng nàng sẽ thất vọng lắm là đủ rồi. Cười ra nước mắt. Moa tịch đi rồi, moa đi tầu suốt, tất cả những gì mà nàng được thừa hưởng ở moa sẽ là một lô giấy nợ. Giấy nợ với những tên chủ nợ tàn nhẫn nhất thiên hạ. Chỉ có nợ là nợ. Không có một xu teng.
Tôi không nói gì hết, tôi chỉ lắng nghe. Những gì Văn đang nói đến đây đều có liên hệ quan trọng đến Hồng Loan và đến thái độ của tôi trong vụ này. Văn đã chủ tâm đánh lừa vợ y về khoản bảo hiểm nhân mạng chăng? Sau khi y chết sẽ chẳng có hãng bảo hiểm nào tới trình diện và đề nghị trả tiền chăng? Có thể lắm. Những tờ giấy về bảo hiểm của Văn có thể chỉ là những giấy giả, do y chế ra để đánh lừa vợ, để thử lòng vợ? Hoặc cũng có thể là Văn đã không đóng đủ tiền bảo hiểm như hợp đồng và hợp đồng bảo hiểm của y đã bị hủy bỏ?
Đột nhiên, Văn chợt hiểu rằng y đã nói với tôi quá nhiều. Và những gì lỡ nói đó có hại cho y, y nghiêm mặt:
- Đi ra. Không có việc làm thì đi chùi cái xe cho sạch đi. Lần sau, có vào phòng người ta thì phải nhớ gõ cửa.
Làm theo lời y, tôi lùi ngay ra cửa:
- Sáng mai, ông đi tới sở như thường lệ?
Ừ, mai hãy hay.
Những lời Văn thổ lộ trong cơn say và buồn phiền này giúp cho tôi có chất liệu suy nghĩ nhiều về thái độ tôi phải có trong thời gian tới.
---
8 giờ 30, Vũ Minh Văn xách cặp ra khỏi nhà.
Sáng nay, y ăn bận chỉnh tề: complet xám nhạt, cravate màu đỏ cặn rượu trông nổi bật, giầy daim nâu nhạt, trông y như một nhà kinh doanh trẻ tuổi chịu chơi, một businessman – playboy trong những phim Mỹ. Tôi chịu Văn nhất ở khoản y ăn diện được lắm. Nếu tôi có tiền, tôi cũng chỉ ăn diện đến bằng y là cùng.
Trông y sáng nay không có vẻ say hay còn khó chịu vì cơn say như chết đêm qua, y chỉ có vẻ mặt mệt mỏi và tiều tụy. Mặt y hốc hác, đôi gò má nhô cao, đôi mắt trũng sâu, hai quầng đen hằn rõ quanh mắt.
Tôi đánh chiếc Mercury tới trước cửa và đứng trong cửa chờ y đúng điệu một chú tài chờ ông chủ đưa cặp cho xách ra xe và mở cửa xe cho ông chủ.
Văn đi chậm chậm. Y như người mệt đến nỗi đi không vững. Ngồi vào xe, y bảo tôi:
- Tôi không đến sở, chú đưa tôi ra phi trường.
Y sắp đáp phi cơ đi đâu kìa? Tôi chỉ thấy xách theo cái cặp Samsonite ngày thường. Nếu y không mang theo valy, chắc là y đi đâu không lâu. Từ đó lên tới phi trường, y không nói với tôi tiếng nào. Và tôi cũng cố giữ không hỏi y đi đâu.
Tới phi trường, khi xe ngừng, y mới bảo tôi:
- Chiều nay, tôi về thẳng văn phòng. Năm giờ chú tới văn phòng đón tôi về.
Y chưa xuống xe ngay, đặt cái cặp lên đùi, y hỏi:
- Hôm nọ, tôi mới đưa cho chú có mấy ngàn, phải không nhỉ?
- Thưa vâng – Tôi đáp – Năm ngàn.
Không nói gì, y mở cặp, lấy ra tập ngân phiếu đặt lên cặp và rút cây viết Parker 75 vàng óng ánh ra viết, ký. Sau khi xé tờ ngân phiếu, y còn cầm trên tay, giơ lên chưa đưa cho tôi ngay. Nụ cười nở trên môi y tràn đầy cay đắng:
- Chú ra băng lãnh tiền ngay đi. Chắc còn đủ số tiền trả chú đó. Để chậm hết ráng chịu, đừng có kêu nghen. Tôi trả tiền chú 4 tháng lương đấy. Ba tháng chú làm cho tôi, một tháng đưa thêm để chú đi tìm việc khác.
Trao tờ phiếu cho tôi y dặn tôi một câu đầy mơ hồ:
- Chú cố ở lại với tôi cho tới ngày cuối cùng nhé. Chắc không còn lâu nữa đâu. Tôi không muốn chú bỏ rơi tôi.
Lịch sự, tôi gập ngay tấm ngân phiếu bỏ vào túi. Văn lại mở cặp lấy ra tấm giấy máy bay đưa cho tôi:
- Tôi vào Bar ngồi, chú đem vào ghi chỗ cho tôi rồi đem ra Bar cho tôi.
Tôi đưa vé vào quầy Hàng Không Việt Nam. Những em tiếp viên bay trên phi cơ đa số đều dễ thương và những em tiếp viên chuyên tiếp khách dưới đất đa số đều khó thương. Em tiếp viên ngồi quầy sáng nay cũng không ra ngoài thông lệ ấy. Tấm vé cho tôi biết Văn đi Đà Nẵng. Đi về ngay trong ngày.
Văn ngồi trong Bar trên lầu tòa nhà phi cảng. Khi tôi đến trao trả y tấm vé, y đang ngồi trầm tư trước ly cà phê. Y gật đầu:
- Cám ơn. Ngồi đây Quang. Uống với moa ly cà phê.
Tôi và y giây phút này lại thành bạn. Tôi biết y đang buồn thật buồn, buồn đến nỗi không còn muốn ngồi một mình nữa. Tôi cũng gọi cà phê. Tôi thấy thương hại Văn, tôi muốn nói lời gì, làm cử chỉ gì cho y nguôi bớt buồn phiền mặc dầu tôi biết rằng tôi không có khả năng làm cho y bớt buồn phiền.
Tôi giả vờ vui:
- Từ đây về, tôi sẽ đến băng lãnh “séc” của anh ngay, nhưng chắc anh nói chơi thế chứ? Anh làm gì đã đến nỗi bi lắm?
Không cười, y đáp:
- Bịp toa làm chi? Bi đến cùng rồi, không còn ai có thể bi hơn được nữa. Moa vỡ nợ rồi. Để moa nói cho nghe. Chỉ còn có mấy ngày nữa thôi, moa không còn là giám đốc công ty Pacific nữa. Moa vừa phạm một lỗi lớn, nói cho đúng ra thì không hẳn là lỗi của moa, tên nào gặp trường hợp của moa cũng chết. Chắc toa cũng biết sơ qua việc làm ăn của những hãng xuất nhập cảnh như Pacific muốn khá được là phải có tay chân trong chánh quyền. Chánh phủ moa có nhiều kẻ cộng tác làm ăn từ lâu vừa mới đổ. Một nhóm khác lên thay, họ bắt buộc phải vơ quyền lợi về phe nhóm họ. Một vụ chuyển ngân phi pháp do moa chủ động bị khám phá. Vụ này chỉ được ỉm đi và moa tránh đi tù với điều kiện là moa phải nhường chức giám đốc lại cho người khác. Một số người khác bỏ tiền ra mua lại cổ phần của công ty và moa ra khỏi đó tay trắng. Nếu còn làm giám đốc, moa vẫn còn có thể xoay sở được. Mất chức đó là moa mất hết. Moa nợ nhiều lắm. Nợ ngập đầu, ngập cổ. Cái nhà, cái xe Mercury mà toa thích đó sẽ bị chủ nợ tịch biên nếu moa không kịp bán nó trước. Khi moa còn làm giám đốc công ty Pacific, bọn chủ nợ của moa còn yên trí là moa sẽ có áp phe lớn ra tiền trả chúng. Khi thấy moa mất chức, bọn chúng sẽ ào tới và moa sẽ vỡ nợ.
Một nụ cười mỉm, loại cười người ta gọi là cười nửa miệng, nở trên làn môi khô của Văn. Tôi thấy y có vẻ kiêu ngạo và chửi đời:
- Moa đã từng đi Tây, đi Đức, đi Nhật. Những thủ đô lớn nhất thế giới, những nơi ăn chơi cừ nhất thế giới moa đều đã được đặt chân tới. Moa ở nhà lớn hơn nhà Tổng trưởng, moa đi xe hơi hách hơn ông Tướng, moa lấy người đàn bà đẹp nhất Saigon làm vợ. Nhiều tên làm lớn tranh nhau Hồng Loan với moa nhưng moa là kẻ thắng. Moa đã hưởng thụ nhiều. Đủ rồi. Bây giờ đến lúc moa phải trả nợ. Nợ thì trả, có sao. Moa chẳng ăn bận gì hết.
Y nhún vai:
- Nhưng nói trả nợ là một chuyện mà trả được bao nhiêu nợ lại là một chuyện khác. Thiên hạ cứ việc chạy theo moa mà hy vọng lấy được tiền của moa, Hélene sẽ là một trong số những kẻ chạy theo đó.
Chưa bao giờ tôi nghe thấy Văn gọi Hồng Loan bằng cái tên Hélene. Y nói với tôi nhưng tôi có cảm giác y đang nói chuyện một mình:
- Cho nàng chạy. Nàng làm khổ moa nhiều, moa chỉ có cách ấy để trả thù nàng. Nàng thích có tiền, moa làm cho nàng không có tiền. Đáng lẽ ra nàng có tiền khi moa chết, moa làm cho nàng mất hết mặc dầu moa vẫn chết. Bây giờ moa mới tin hẳn là nàng không yêu moa. Khi đàn bà không yêu ai, họ hoàn toàn dửng dưng với người đó, nhất là khi kẻ đàn ông khốn nạn, đáng thương đó lại sống gần họ là chồng họ và có quyền trên đời tư họ. Moa đã thử hết cách rồi. Moa không làm sao có thể làm nàng rung động, dù chỉ là một rung động nhỏ. Vậy mà moa biết chắc nếu nàng yêu ai, nàng sẽ rung động kinh khủng lắm. Người như nàng đa tình ra mặt. Nói nàng lạnh lùng, không thích tình yêu là vô lý. Nàng chỉ lạnh lùng vì nàng không yêu. Nếu yêu, nàng khác. Khi lấy nàng, moa hy vọng làm nàng thay đổi. Moa cũng dại dột và ngu đần như tất cả những thằng đàn ông vô duyên đáng thương ở trên cõi đời này. Những thằng yêu, biết đàn bà không yêu mình nhưng cứ lấy làm vợ, hy vọng họ sẽ yêu mình sau. Tình yêu đến là đến ngay, không cần phải có thời gian. Tình yêu không đến là không bao giờ đến. Những thằng đàn ông như moa, yêu vợ mà không được vợ yêu lại, thật đáng thương.
Văn trầm ngâm. Tôi cũng yên lặng. Những lời Văn vừa nói làm tôi bàng hoàng, mặc dầu trước đó tôi đã biết rằng Hồng Loan không yêu y. Có thể là nàng chưa bao giờ yêu ai. Nàng chỉ yêu có tiền.
Có tiếng loa phóng thanh mời hành khách đáp phi cơ đi Đà Nẵng ra cổng phi cảng để lên phi cơ. Không nói với tôi một tiếng nào nữa, Văn đứng lên, xách cặp đi về phía có em tiếp viên áo xanh đứng chờ.
Tôi lên xe. Tôi rút tấm ngân phiếu ra coi. Tôi được trả một tháng 10.000 đồng. Ngân phiếu đề con số 40.000 đồng. Vũ Minh Văn chi tiền thật bảnh. Nếu y có tiền chắc chắn y là một chủ nhân ông hào phóng nhất đời.
Việc làm đầu tiên của tôi khi về đến trung tâm Sài Gòn hôm nay là việc đến ngân hàng lãnh tiền. Nét mặt u buồn của Văn ám ảnh tôi, làm cho tôi mất vui. Tôi cố nghĩ đến số bạc 16 triệu đồng nhưng tôi không còn thấy hào hứng như trước nữa.
Về đến trung tâm thủ đô. Những đường phố đông vui, những tà áo màu, những chiếc minijupe làm cho tôi vui hơn. Tôi tạm quên được bộ mặt u sầu của Văn, ít nhất việc tôi từ chối số tiền của Hồng Loan cũng đã đem lại cho tôi một mối lợi. Nhờ từ chối, hôm nay tôi có gấp đôi số tiền Hồng Loan đưa cho tôi.
Trong lúc chờ đợi kiểm ngân phiếu, tôi hơi lo một chút. Nếu trương mục của Vũ Minh Văn còn ít hơn số tiền y trả tôi thì hơi phiền, nhưng tôi còn nhiều may mắn - mấy ngày gần đây, kể từ đêm cứu sống được Vũ Minh Văn, tôi nhận thấy là “serie noire” của tôi đã bắt đầu giảm dần và may mắn đã từ từ trở lại với tôi.
Lấy được số bạc 40 ngàn đồng rồi, tôi mang tiền sang một nhà băng khác cũng ở gần đó. Trước kia, tôi có mở trương mục ở đây nhưng vì tiêu hết tiền nên trương mục đã bị đóng. Việc tôi mở lại trương mục ở đây không có gì khó khăn. Nhờ quen với người thư ký giữ việc phát sổ ngân phiếu, tôi lấy ngay được một tập phiếu mới toanh đề tên tôi. Việc có tập chi phiếu trong túi làm cho tôi thích thú. Đã lâu rồi tôi không có chi phiếu để mà ký trả tiền cho thiên hạ.
Vào lúc 1 giờ trưa, tôi mang xe về nhà sau khi đã ăn cơm trưa. Tôi về phòng nằm ngủ. Trước đây tôi thường có tật ngủ trưa thẳng một giấc đến tối. Nhưng đó là thời gian tôi hay thức đêm đánh bạc kia. Từ ngày về làm tài xế cho Vũ Minh Văn, vì ăn đều, ngủ đều nên tôi không ngủ trưa được lâu hơn hai tiếng đồng hồ.
Tôi trở dậy, đun nước pha cà phê uống cho tỉnh. Rồi ngồi buồn, tôi đẩy cái máy xén cỏ trong ga-ra ra xén cỏ trong vườn. Công việc này chẳng có gì nặng nhọc. Chỉ đẩy cái máy đi trên cỏ như đẩy cái xe trẻ con là những lưỡi kéo tự động xén cỏ, đều, nhanh và đẹp. Tôi vẫn khoái làm vườn, trồng hoa. Nếu có tiền, tôi sẽ mua một miếng đất ở Đà Lạt làm thành một vườn trồng hoa.
Tôi cởi trần, bận quần Jean bạc màu. Mồ hôi toát ra trên lưng, trên ngực làm tôi cảm thấy khỏe và dễ chịu. Vừa xén cỏ tôi vừa nghĩ đến chuyện đi ăn chơi đêm nay. Tôi sẽ chia một khoản tiền vào việc đi nhẩy. Tôi sẽ chọn gặp lại một em ca-ve có cảm tình trước với tôi. Cần em có nhà riêng có thể đưa tôi về ngủ đêm. Đưa em về đây không tiện. Hồng Loan có thể vịn vào cớ tôi mang gái điếm về nhà để đuổi tôi. Hai nữa, tôi không muốn để cho nàng thấy tôi gần một em rẻ tiền.
Trong lúc tôi đang tưởng tượng trước đến cuộc ái ân đêm nay, trong khi ghì chặt em ca-ve rẻ tiền trong vòng tay, tôi sẽ tưởng tượng ra em là Hồng Loan, Hồng Loan hiện ra trên.
Như sợ nàng đoán được ý nghĩ của tôi, tôi chăm chú cúi mặt xuống máy xén và đẩy máy xén đi ra góc vườn xa. Có lẽ nàng đứng đó nhìn tôi hơi lâu vì một lúc lâu sau, tôi mới thấy nàng bước tới chỗ tôi.
- Tối nay nhờ Quang lái xe đưa tôi đến nhà hàng Phượng Hoàng, được không?
Tôi sốt sắng:
- Thưa được chứ ạ. Nhưng nếu tối nay ông Văn không đi đâu.
- Nếu ông Văn không đi chơi đêm nay, Quang đưa tôi đi nhẩy nhé?
Giọng nói của nàng đêm nay có một âm thanh lạ - âm thanh tôi chưa hề bao giờ nghe thấy phát ra từ miệng nàng – làm tôi phải ngước lên nhìn. Nàng cười duyên. Như một sự lạ lùng, một chuyện khó tin nhưng có thật, Hồng Loan đang cười. Từ ngày nhìn thấy nàng, tôi chỉ thấy mặt nàng lạnh lùng, tôi đã tưởng là nàng không biết cười, tôi tin rằng ít nhất, nàng cũng sẽ không bao giờ cười với tôi.
Nhưng hôm nay, nàng cười. Nàng đứng đó: áo sơ mi xanh nhạt, quần chẽn xanh đậm, chân đi dép da. Mái tóc nàng chải vén gọn lên sau đầu để lộ cần cổ trắng ngần. Tôi vẫn ưa đàn bà vén tóc để lộ cái ót không vướng vít tóc như thế. Nhất là trong những cuộc ái ân, tôi thích rờ tay vào những cái ót đàn bà gọn và trắng ngần.
Nhìn nụ cười nở trên môi Hồng Loan, tôi hiểu tại sao đàn ông lại dễ chết vì đàn bà. Đàn ông sẵn sàng làm đủ mọi chuyện tai hại để được thấy nụ cười nở trên môi người đàn bà mình yêu. Tôi biết chuyện nàng Bao Tự ngày xưa trong chuyện cổ Trung Hoa cả năm không cười đến nỗi ông vua yêu nàng phải bày ra trò bắt cung nữ xé lụa để nàng cười là có thật. Dù đó chỉ là nụ cười giả tạo. Dù ta biết rõ người đàn bà đó chỉ giả vờ vui, ta cũng cứ hài lòng như thường.
Hồng Loan thay đổi thái độ với tôi. Vẻ hằn học, ghét bỏ đã biến đi hết. Nàng vui tươi, dịu dàng với tôi như với một người bạn mà nàng có cảm tình.
Nàng cố tình muốn đi chơi với tôi đêm nay hay sao đây? Nàng có chiếc Dauphine và nàng vẫn lái xe kia mà? Nàng cần gì đến tài lái xe là tôi?
Như biết tôi nghĩ như vậy, nàng tiếp:
- Nhà hàng Phượng Hoàng mới khai trương. Nghe nói nhạc ở đó hay lắm. Ở đó có nhiều giới trẻ tới nhẩy. Đêm nay Loan muốn đi nhẩy.
Rõ ràng quá rồi, nàng muốn đi nhẩy với tôi đêm nay. Nàng toan tính chuyện gì đây, tôi chắc chắn cuộc đi chơi đêm nay phải có một âm mưu gì, nhưng không sao. Cứ để nàng giở thủ đoạn. Tôi thừa sức đối phó với nàng. Tôi đã gần đàn bà đủ để biết mỗi khi đàn bà muốn giở thủ đoạn. Nàng xưng “Loan” với tôi, nàng cười với tôi. Ít nhất, tôi cũng đã tiến đến gần nàng hơn nhiều bước.
Nàng đi trở vào nhà, tới gần cửa, nàng dừng lại và quay đầu nhìn tôi. Trái tim tôi đập mạnh khi thấy nàng vừa liếc tình vừa cười tình. Vũ Minh Văn nói rằng nàng là “thạch nữ” nàng lạnh như một cây nước đá, nhưng nhìn nụ cười tình nở trên môi nàng, nhìn tấm thân thiếu phụ trên đầy nhựa sống của nàng, tôi không tin nàng là “thạch nữ”.