Chương 3

Phúc đã khỏi hẳn bệnh, cô đi học đều đặn nhưng bà Thanh chưa cho cô làm việc gì nặng. Bà lo lắng vì sau đợt bệnh khá nặng này con nhỏ “Gỗ mun” như đằm tính lại.
Nguyên vẫn còn đến phụ Khải đẩy xe, tay Khải đã khỏi nhưng còn yếu. Dạo này bà Thanh bán được hàng, bà mua thêm nhiều mặt hàng nên xe nặng hơn trước.
Dưới mắt bà Thanh, Thơ và Mai thì Nguyên là một tên sinh viên nghèo muốn tìm việc gì đó để có thêm ít tiền còm trong sinh hoạt. Phúc biết Nguyên đang học điện tử. Nguyên chỉ là bạn chung trường với Khải chứ không chung khoa, nên Phúc cũng chẳng ngạc nhiên vì sao hồi giờ cô không nghe Khải nói về một người bạn nào như Nguyên.
Độ này Khải bơ phờ như một tên thất tình nặng. Anh có vẻ buồn và ít nói. Phúc nghĩ mà thương anh Khải và giận chị Thơ. Thuý là bạn học chung với Thơ. Khải quen Thuý qua những lần cô tới nhà Thơ. Lúc đầu Thơ có tạo điều kiện để Thuý và Khải gặp gỡ nhau nhưng đến lúc cô thấy ông anh mình có vẻ “lậm” rồi thì cô lại tỏ thái độ không đồng tình. Cô lớn tiếng chê bai Thuý là quê mùa, chậm chạp, không thể thích hợp với lối sống của gia đình cô. Và Thúy cũng ít đến nhà chơi hơn trước. Khải buồn nhưng không nói ra. Khải có lạ gì Diệp Thơ. Ích kỉ và độc đoán. Điều làm anh đau khổ là tự dưng Thuý cũng xa lánh anh. Muốn gặp Thuý không phải là chuyện dễ. Anh chỉ có Phúc là đồng minh. Cô nhiệt tình đưa thơ, liên lạc giùm hai người. Thúy có bà nội rất khó. Khải coi vậy mà cốt thỏ. Anh chưa dám đến nhà Thuý bao giờ. Cô hay giận lắm. Thuý sợ bà nội nên chưa bao giờ mời Khải. Mà người ta không mời mà đến thì đường đột quá. Nếu đến đón cô ở cổng trường thì thế nào cũng đụng “bà cô” Diệp Thơ. Khải không muốn ai động vào Ngọc Thuý, con chim non bé nhỏ của anh hết.
°

*

Khải ngồi với Nguyên dưới hiên nhà. Sáng nay chúa nhật. Sau khi đẩy hàng ra chợ cả hai đã đẩy xe không trở về. Diệp Thơ mời ở lại. Cô đã chuẩn bị buổi ăn sáng theo như côi nói “rất đặc biệt”. Nguyên lưỡng lự định về nhưng Khải nhất định kéo anh ở lại. Mới thân nhau đây thôi nhưng Khải rất quí Nguyên. Ở anh chàng này có một điều gì đó bí ẩn và quyến rũ, anh cùng giới mà cảm thấy Nguyên rất lôi cuốn, bởi vậy anh chẳng ngạc nhiên gì khi vào trường anh thường thấy chung quanh Nguyên bao nhiêu là bông hồng tha thướt. Cái dáng to cao của Nguyên toát ra một vẻ mạnh bạo đầy uy quyền với kẻ khác. Nói chuyện với Nguyên người ta dễ bị anh mê hoặc mặc dù lời nói của anh không phải là mệnh lệnh. Thế mà con nhỏ Phúc lại bĩu môi khi có lần Khải đã khen Nguyên…
Sáng nay hình như Nguyên đang trông đợi một cái gì đó. Anh cứ hướng cái nhìn xa xôi của mình lên những khóm hoa. Độ này vườn nhà Phúc có nhiều hoa lắm. Khải đã phụ Phúc mấy buổi chiều để cuốc đất, vun đất thành những hàng, những luống dọc ngang trong sân, rồi anh chở cô đi mua hoa về trồng. Hàng tường vi cũ kĩ già cỗi cũng được tỉa lá sau những cơn mưa đã xanh tốt. Phúc làm một hàng dậu nhỏ cho nó dựa lên trông rất dễ thương. Những bụi dương xỉ khác loại mọc lan đầy đất, rồi hoa mười giờ đủ màu nữa… Trong nhà mỗi người thích một loại hoa khác nhau. Thơ thì yêu hoa hồng đặc biệt là hồng vàng cam. Mai thì thích cúc đại đoá, còn Phúc thì lại thích những loài hoa be bé dễ thương như đồng thảo, xoan nhái, lài và thứ cúc tứ quí mong manh nhỏ bé nở từng chùm rũ xuống đất.
Buổi sáng, những khóm hoa còn ướt sương đêm trông rất tươi mát. Nguyên đứng dậy định bước đến gần những luống hoa thì nghe tiếng Tho:
- Mời hai người vào bếp thưởng thức món bánh ướt đặc biệt nha.
Khải sốt sắng hưởng ứng:
- Với Thơ thì thứ gì cũng có thể trở thành đặc biệt được hết. Tụi anh thì đói lắm rồi nên rất hoan nghênh cái đặc biệt của Thơ.
Nguyên lững thững bước theo sau Khải. Những buổi sáng đến đẩy xe, bà Thanh luôn bắt ép anh ăn sáng nhưng chưa bao giờ Nguyên nhận. Anh luôn từ chối một cách khéo léo, nhưng sáng nay Nguyên lại muốn ở lại.
Trên bàn, Mai đã xếp bánh ướt ra đĩa. Cô đang trét mỡ hành lên trên, tiếp đến là giá luộc, rau sống và dưa leo bầm nhỏ. Thơ bưng từ bếp qua một tô nước mắm vàng sẫm với những miếng ớt đỏ bầm nhuyễn nổi trên mặt.
Khải giả vờ hít hít mũi:
- Nhìn là đã thấy đặc biệt rồi. “Gỗ mun” đâu Mai? Kêu nó đi!
Thơ gắp những lá chả lụa trắng mịn để vào từng đĩa bánh. Cô mỉm cười:
- Anh Khải khéo lo. Muốn ăn thì lăn vào bếp. Đây là món ruột của nó mà.
Thơ vừa dứt lời thì cũng là lúc Phúc từ sau vườn bước vào bếp. Phúc đang hát to bài hát nghe vui tai:
“Em đi qua chuyến đoà thấy con trang đang nằm ngủ. Con sông là quán trọ, trăng tên lãng du…”
Cô chợt im bặt khi nhìn thấy Nguyên. Đôi môi cô cong lên nghịch ngợm cố hữu:
- Lâu ghê mới gặp anh Nguyên.
- Vâng! Mong rằng hôm nay Phúc không phải buồn vì tôi sẽ ăn bớt phần của Phúc đó.
- Ồ! Có sao đâu. Chị Thơ sẽ nhường cho em phải không nào?
Thơ cười rất tươi. Cái lúm đồng tiền trông dễ thương hết sức:
- Có nhường thì nhường cho người khác, không nhường cho Phúc đâu.
Vừa kéo ghế ngồi xuống kế Mai, Phúc vừa sôi nổi:
- Nếu vậy thì mình ăn đua đi!
Anh Khải “xì” một tiếng:
- Em lúc nào cũng đua, lúc nào cũng háo thắng. Liệu đấy!
Mai cầm đũa đưa cho Nguyên và Khải, cô nhỏ nhẹ:
- Bắt đầu được rồi. Thử xem nước mắm chị Thơ làm có ngon không nhé!
Nãy giờ Nguyên vẫn im lặng. Anh tự nhiên gắp một lát chả to bỏ vào đĩa Thơ ân cần một cách lộ liễu:
- Phần Thơ, người cực nhất trong buổi sáng nay.
Đôi mắt Nguyên sáng và sâu với tia nhìn ấm người. Thơ hồng đôi má khẽ liếc Nguyên. Cô nhỏ nhẹ ngồi ăn từng miếng, cắn từng tí như đang thẹn thò e lệ.
Phúc thấy hơi khó chịu:
- Chẳng hiểu họ đang đóng kịch gì với nhau.
Cô ăn vội vàng, hầu như không nghe rõ anh Khải đang kể chuyện gì rồi chọc chị Mai gì đó mà mọi người cười ồ lên. Cô đứng dậy trước tiên.
- Buồn quá. Mình đề nghị ăn đua mà chẳng ai hưởng ứng. Rốt cuộc về nhất cũng như về chót.
Phúc đến bên tủ lạnh lấy ra chai nước và mấy chiếc li nhỏ để trên bàn. Cô thong thả rót nước cho mọi người. Phúc có cảm tưởng mắt Nguyên đang lướt qua từng cử chỉ của cô. Phúc đặt li nước trước mặt Nguyên rồi nhìn anh. Phúc đã lầm. Nguyên không hề để mắt tới cô, anh đang cười rất tươi với chị Thơ.
Tim Phúc nhói lên một cái. Không ai hay cô đã bước ra sau vườn lòng trĩu nặng. Một nỗi buồn vô cớ đang len vào lòng cô. Trong nhà, người nào đó vừa mở to hết cỡ máy cassette.
Cô ngồi xuống chiếc ghế đá thân quen, hồn thả theo tiếng nhạc:
“Yêu người rồi không thôi, trầm mình trong thú thương đau người ơi… Gần người yêu dấu, mộng về xôn xao và hồn như chấp cánh bay về đâu…”
Cô nhắm mắt lại. “Hắn là cơn bão, hắn xuất hiện cùng với bão lớn thổi tạt đi những gì ta đã có xưa nay… Tại sao ta phải nghĩ đến hắn hoài vậy? Tại sao mỗi buổi sáng ta phải ngóng trông để được nghe tiếng xe ba bánh quen thuộc? Tại sao? Tại sao?”
Phúc thở dài. Có những câu hỏi chỉ mình trả lời với mình. Và có những câu hỏi cũng là câu trả lời… “Tại ta, tại ta chỉ là con bé láu táu xấu xí. Ta làm sao được xinh đẹp, sang trọng, dịu dàng, tinh tế và giỏi như chị Mai, chị Thơ… Mà chị Thơ sao lạ. Đã có anh Dương rồi còn gieo vào lòng người khác những hạt giống hi vọng để làm gì nhỉ?”
Cô nhớ đến đoá lài khô vẫn còn để trên bàn học. Đoá hoa trắng đã quắt queo và ngả màu nâu xấu xí. Rồi cô tự giày vò mình: “Rõ chủ quan, một nụ hoa chỉ có nghĩa là một nụ hoa, tại sao ta cứ muốn đi tìm cái ẩn ngữ gì bên trong của một hành động nào nhỉ. Để rồi thất vọng, để rồi xót xa. Hắn đưa mình đoá hoa lài, cũng có thể đã từng gửi chị Thơ hoa hồng, chị Mai hoa cúc và những người con gái khác những đoá hoa khác. Anh Khải đã nói hắn đào hoa lắm mà. Mình không muốn là một bông hoa mà hắn sẽ xâu thêm vào cái vòng hoa của hắn đâu. Hắn chẳng là gì cả. Rồi hắn sẽ biết “Gỗ mun”…”
Phúc không nghĩ tiếp được, mọi suy nghĩ hình như biến đâu mất khi cô phát hiện ra Nguyên đã ngồi xuống bên cạnh. Anh ta chẳng nỏi năng gì mà chỉ chống cằm nhìn nụ tỉ muội bé xíu xíu hồng hồng trong chậu gần đó.
“Người yêu rồi không nguôi. Trầm mình trong thương đau người ơi…”
Hắn hát nho nhỏ như chỉ để mình hắn và có chăng là cái nụ hoa đáng yêu kia nghe thôi. Phúc ngồi đó có cũng như không có.
“Hắn đang trầm mình trong thú đau thương? Chị Thơ đã làm hắn đau khổ sao? Nỗi cảm thông sâu sắc làm Phúc muốn nói đôi điều gì đó. Mà nói gì? Mình có là cái gì đâu mà nói?”
Phúc dợm bước đứng dậy đã nghe Nguyên gọi nhỏ:
- “Gỗ mun”! “Gỗ mun”! Hoa cũng có linh hồn nữa. Em thấy không? Nụ hồng này biết khóc khi nghe bài hát buồn quá. Nước mắt nó đây nè!
Phúc tò mò nhìn theo tay Nguyên. Một giọt nước nhỏ nằm giữa những cánh hoa hàm tiếu. Đang sắp rơi xuống.
Nguyên kéo tay Phúc để phía dưới nụ hoa vừa đúng lúc giọt nước bé xíu vào lòng tay cô. Ngỡ ngàng Phúc nhìn Nguyên. Cô chợt bàng hoàng, đôi mắt nâu thẫm cũng đang nhìn cô. Lạ lùng cái nhìn không giống như cái nhìn hắn nhị chị Thơ. Đỏ mặt, Phúc rụt tay mình lại. Giọt nước cũng nhoè ra tan mất trong lòng bàn tay cô đang nắm chặt.
Cô đứng lên định bước vội vào nhà để mặc Nguyên ngồi với nụ hoa với thú đau của hắn thì chị Thơ đã ra tới vườn. Gương mặt Thơ hồng lên một niềm vui khó tả. Có lẽ cô đang hài lòng vì bản thân mình, cô luôn là người nổi bật giữa đám đông, giữa những người con gái khác, dù những người con gái đó là những đứa em cô. Thơ nghĩ:
“Rồi anh chàng Nguyên này cũng sẽ quì luỵ cô thôi. Bề ngoài hắn trông hay hơn Dương nhiều, chỉ tội đi xe đạp và quần áo lúc nào cũng bạc phếch. Có thể hắn có chiều sâu hơn Dương, có thể có khó bắt nạt và điều khiển hắn nhưng cần gì. Hắn chỉ là một trong những tên con trai để cô trắc nghiệm khả năng thu hút của mình. Chồng cô phải là người giàu có, ít ra cũng phải như Dương hiện giờ.”
Cô bước đến bên cạnh Nguyên rồi bằng một cái nhíu mày của một người biết mình đẹp, Thơ nũng nịu:
- Thơ đâu có thích hoa hồng này. Thơ thích hoa hồng vàng kìa! Thứ hồng tỉ muội nhỏ bé này mong manh quá. Anh Nguyên xem những đoá hồng đàng kia kìa, mình đứng ở đây mà còn thấy rất là rõ.
- Những đoá hồng đẹp một cách kiêu kì và lộ liễu phải không Thơ?
Thơ nghiêng đầu:
- Đúng! Hoa như thế mới là hoa chứ?
Nguyên liếc Thơ một cái khá tình, anh tủm tỉm nói theo:
- Người như thế mới là người chứ…
Phúc thấy mình như thừa. Cô không muốn xem chị Thơ diễn kịch dù vai nào chị diễn cũng rất đạt. Phúc thầm nghĩ trong đầu “bên tám lạng bên nửa cân…”
Cô bực bội bước đến cây, ngắt một chùm dạ lí hương, những hoa trắng li ti như những ngôi sao đơn độc. Những ngôi sao ban ngày buồn bã không một chút hương thơm… Sao hắn mau thay đổi thế nhỉ? Mới thật nồng nàn sâu lắng bên ta, giờ đã lẳng lơ bên chị Thơ. Hắn là người thế nào nhỉ?
Tiếng anh Khải gọi cô trong nhà buộc cô phải bước đi, dù bây giờ cô lại muốn xem tiếp vở diễn kịch của hai người diễn viên này lắm.
Khải ngồi trong phòng khách, anh đang gác tay sau ót. Phúc ngồi xuống:
- Gì đây ông trời?
- Có cách gì cứu anh không? Hơn một tuần không gặp Thuý. Anh sắp điên lên.
- Điên thử em xem, có giống mấy kép hát cải lương giả điên không?
- Thôi mà, anh không giỡn nổi nữa…
Phúc chăm chú nhìn Khải:
- Anh Khải nè, anh thương chị Thúy thật tình hả?
- Trời ơi! Hỏi nhiều cái khờ hết biết.
- Tại em thấy anh nhát quá. Đã yêu thật thì phải liều mạng chớ.
Khải nhăn nhó:
- Liều mạng thì anh dư sức liều mạng anh, nhưng còn Thuý. Bà nội Thuý khó lắm, rầy rà tội nghiệp Thuý chớ.
- Chị Thuý nói vậy chớ ai biết bà nội chỉ khó cỡ nào?
Phúc nhịp nhịp tay trên ghế, cô nheo mắt:
- Hay hôm nay hai anh em mình đến nhà chị Thúy? Đi với em anh sợ gì?
Khải ngần ngừ:
- Anh mà sợ gì? Có con nhỏ Thơ, nó nói này nói nọ Thúy của anh…
- Đừng cho bà Thơ biết.
Khải cốc lên đầu Phúc một cái:
- Rồi! Anh cũng liều mạng luôn. Thay quần áo đi. Nếu em rủ được Thuý đi chơi thì em là số một la mã.
Phúc lên lầu thay quần áo. Đơn giản và gọn gàng. Phúc thích thế. Cô mặc chiếc áo bằng vải thô hồng nhạt, chiếc quần nhung nâu sậm. Đầu đội chiếc nón kết màu trắng quà sinh nhật của chị Mai. Cô bước xuống lầu với niềm vui sắp làm điều tốt. Bước ra đến sân, cô nghe giọng Nguyên:
-… Tôi sẵn sàng, chỉ sợ Thơ không quen ngồi xe đòn dong thôi.
Cô thầm nghĩ:
- Gì nữa đây…?
Cô hơi khựng lại, Khải cười rạng rỡ:
- Có Nguyên đi nữa Phúc. Phen này anh có nhiều đồng minh.
Tiếng Thơ nhẹ nhàng chì chiết:
- Anh Khải loại em ra khỏi danh sách ủng hộ phải không? Buồn năm phút. Dù không biết quí vị đi đâu cũng chúc đi vui vẻ nhé.
Phúc im lặng dắt xe đạp mình ra cổng. Cô đạp lùi phía sau nhường Nguyên và Khải đi trước. Ra đầu đường, Khải nói:
- Ê! “Gỗ mun”, anh phải về thay bộ đồ chiến chiến một chút. Bộ này giống phu xe thấy mồ.
Quay sang bên Nguyên, Khải cười:
- Nguyên, ghé nhà mình một tí, mình sẽ chọn cho ông một bộ đồ hết ý luôn.
Nguyên lắc đầu:
- Ông đến nhà người yêu chớ có phải tôi đâu. Lần này tôi và Phúc xung phong dọn đường, nhưng lần sau ông đi một mình, nhớ đừng quên tụi tôi nhé.
Khải cười hóm hỉnh:
- Yên trí, anh sẽ không quên hai em mà anh còn vun vào này nọ nữa chứ…
Phúc đỏ mặt:
- Ghét! Em cho anh đi một mình à nhe.
Đến nhà Khải, Phúc và Nguyên đứng đợi dưới sân nhà. Buổi sáng nhà Khải cũng chẳng có ai. Nguyên mở lời:
- Phúc nè! Tôi mặc quần áo xấu xí quá. Phúc đi với tôi có xấu hổ không?
Lại tự ti mặc cảm rồi đây. Phúc nghĩ thầm, hơi ái ngại, cô nhỏ nhẹ:
- Sao anh Nguyên lại hỏi vậy? Quần áo sang trọng quả làm người ta đẹp hơn nhưng cái cơ bản của con người, Phúc nghĩ đâu phải do quần áo… Mà Phúc biết anh Nguyên giả bộ hỏi vậy chớ anh đâu quan tâm đến bề ngoài của anh hay của người khác.
- Nếu đi một mình thì tôi chẳng bao giờ quan tâm.
- Đi với Phúc anh cũng đừng quan tâm.
Im lặng một lúc, giọng Phúc chợt cất lên doạ dẫm:
- Chắc những lúc đi với người yêu, anh Nguyên cũng phải điệu như anh Khải hôm nay thôi.
- Phúc nghĩ như vậy à?
Bặm môi, Phúc cười cười:
- Chớ sao. Con gái ai chẳng thích người yêu mình đẹp.
- Phúc cũng thế?
- Chưa hẳn. Còn tuỳ người yêu của Phúc nữa.
Khải ra tới sân, mặt anh hớn hở như con nít được kẹo.
Nguyên lắc đầu:
- Chưa gặp được người yêu mà cậu đã phấn khởi như vậy, đến lúc gặp chẳng biết cậu còn mừng đến cỡ nào.
Phúc vừa gác chân chống xe lên vừa nói:
- Vậy chứ trước mặt chị Thuý ảnh im re hà.
- Lại nói xấu. Nhớ đi. Anh thấy coi bộ cái búa tài sồi sắp ló dạng rồi. Liệu đấy.
Phúc le lưỡi trêu anh rồi đạp đi trước. Gần tới chợ, Phúc dừng xe. Cô bảo:
- Chờ em một chút.
Lát sau Phúc trở ra tay cầm một hộp trà nhỏ bọc giấy kiếng đỏ.
Khải ngạc nhiên:
- Gì vậy?
- Trà
- Chi vậy?
Phúc bĩu môi nhìn Khải:
- Dở thấy ghê luôn. Chắc chị Thuý không uống trà rồi.
Khải hớn hở:
- Em giỏi thật. Đúng là quân sư quạt mo.
Nhà Thuý là một ngôi nhà ngói nằm lọt trong một khoảng sân rộng có hàng dâm bụt bao quanh gần giống như nhà ở nông thôn. Phía bên cổng là một giàn thanh long tua tủa những chùm hoa trắng rũ xuống và những trái đỏ hồng trông thật đẹp.
Có tiếng chó sủa làm Khải hơi xìu. Phúc nhăn mặt trêu Khải:
- Đừng có khớp. Còn có em đây mà.
Thuý ra mở cổng. Cô đỏ mặt và bối rối thấy rõ. Kế bên cô là một con chó mực to lớn nhe răng trắng nhỡn nhọn hoắt.
Phúc nhõng nhẽo:
- Lâu dễ sợ chị Thúy không ghé nhà em nhe. Bữa nay em lại phá chị Thuý một lần nè. Mà thấy con kinô em sợ quá.
Thúy sực nhớ ra cô bẽn lẽn xuỵt chó, rồi mời mọi người vào nhà.
Sân trước nhà Thuý lát gạch tàu đỏ au, chắc xưa lắm rồi. Nhiều miếng gạch đã bị lõm, mòn vì dấu chân thời gian. Dọc lối vào nhà là hai hàng hướng dương đang nở, mỗi bông hoa như một mặt trời nhỏ rực rỡ tràn đầy sức sống.
Ngôi nhà hoàn toàn bằng gỗ dầy đã lên nước bóng loáng. Bước qua ngạch cửa để vào trong Phúc hơi buồn cười vì Khải đã bắt đầu lúng túng khi nghe tiếng Thuý bên trong:
- Dạ. Bạn học chung với con và anh nó ạ…
Khải nhìn quanh. Đây đúng là ngôi nhà xưa, cách bày biện cũng xưa. Giữa nhà là một tủ cẩn lớn. Hai cột tròn hai bên treo hai câu đối bằng gỗ mun đen cẩn xà cừ, sát hai bên vách là hai bộ ván gỗ dày không một tí bụi.
Thúy bước ra cùng với một bà cụ tóc bạc trông còn rất sõi. Hình như bà đang sửa soạn đi đâu. Tay bà cầm chiếc nón lá, một tay xách giỏ:
Như cái máy, cả ba đứng dậy chào. Thuý nói:
- Bà nội của Thuý muốn biết tên từng người.
Phúc mau miệng:
- Thưa nội, con là Phúc. Đây là hai anh con. Anh Khải, anh Nguyên.
Bà nội Thuý mỉm cười nhìn ba người. Nguyên cười mủm mỉm ngó mông lung trên những tấm tranh sơn mài treo quanh nàh. Khải ngồi im re. Phúc phá ngang bầu không khí im lặng:
- Bà nội của chị Thuý đẹp quá, giống bà tiên trong phim ghê. Bà nội ơi! Chắc hồi trẻ bà nội đẹp lắm…
Khải thót ruột nhìn Phúc. “Trời đất! Nó muốn nói gì thì nói hà!”
Bà nội Thuý chợt bật cười:
- Con nhỏ nói chuyện nghe thật ngộ. Tụi con ăn gì chưa mà đạp xe tuốt lên đây vật?
- Dạ. Tụi con ăn rồi.
- Thuý! Ra sau hái dừa cho mấy đứa uống.
Nguyên mau mắn:
- Nội để con phụ Thuý một tay.
- Ờ! Mấy đứa ra vườn chơi. Mùa này mận chín nhiều lắm. Nội bận đi đám. Mấy đứa ở ăn cơm chiều mát trời hãy về.
Phúc bước đến gần bà lễ phép:
- Nội ơi, tụi con gửi nội ít trà để nội uống…
- Con nhỏ này bày đặt ghê
Bà nội Thuý cười, bà bước ra sau hè, với tay lấy cái lồng dài đưa cho Khải.
- Tụi con ở chơi, nội đi.
Thuý vội đi theo bà ra cổng. Đóng cổng xong Thuý trở vào, gương mặt cô rạng rỡ.
Nguyên đã bước đến gốc cây dừa sát nhà. Anh ngước mặt lên nhìn ngọn:
- Khải! Hái dừa nè ông. Tập làm cho quen chỗ.
Thúy đỏ mặt nhìn Khải như muốn hỏi anh về Nguyên. Khải cười:
- Bạn anh đó Thuý.
- Vậy mà nãy giờ Thuý tưởng bạn của Phúc chớ.
- Em nghĩ vậy cũng tốt cho con nhỏ quậy đó.
Phúc nhìn Khải:
- Nói xấu gì em đó?
Rồi cô quay sang Thuý:
- Chị Thuý, bà nội đâu có khó gì đâu. Chị cứ hù anh Khải em hoài.
Thuý cười hồn nhiên:
- Từ hồi đó tới giờ Thuý chưa dám mời bạn trai tới nhà. Thuý sợ bị la lắm.
Khải lo lắng:
- Nhắm… hôm nay bị la không?
- Em đâu biết
Phúc hỏi:
- Hai bác đâu chị Thuý?
- Hôm nay đám cưới con cô Thuý. Ba má sang đó hồi sáng. Bà nội mới đi đó… Ra vườn chơi, Phúc.
Thúy giành cái lồng trên tay Khải. Cô bước đi trước, Khải theo sau. Phúc nhìn lại. Cô thấy mắt Nguyên rất sáng. Cô thản nhiên bước theo Khải. Cô buồn chân đá những trái mận chín rụng dưới đất. Khải và Thuý đang ríu rít hư hai chú chim sâu. Phúc đi dọc theo những cây mận ra tuốt phía sau vườn nhà Thuý.
Con sông sau vườn êm ả với những hàng dừa nước dọc hai bên. Phúc thích thú đến bên chân cầu ngồi ngâm hai chân xuống nước. Cuộc sống ngoại ô yên tĩnh quá.
Nguyên đem tới cho Phúc một chùm mận đỏ. Nhìn cô tự nhiên khuấy hai chân dưới nước anh anh vui lây với cái vui của Phúc. Cô ngắt một trán đỏ nhất, ngon nhất đưa lại cho Nguyên. Phúc chẳng hiểu vô tình hay cố ý, Nguyên cầm cả bàn tay cô. Phúc ngó lơ, để yên tay mình trong tay Nguyên. Bất ngờ, cô nắm lấy ngón tay trỏ của Nguyên bẻ ngoặt ra sau. Nguyên hơi nhăn mặt làm rơi trái mận xuống cỏ. Phúc cười thích thú:
- Lần sau nhớ cho kĩ khi nhận từ tay người khác vật gì nhé.
Nguyên nhìn Phúc rồi ngồi dựa vào một gốc dừa ngã ven bờ sông. Một thoáng xao động nhỏ trên mặt nước. Phúc thản nhiên bẻ trái mận khác ra làm đôi. Cô vứt hột mận xuống sông. Và nghe tiếng Nguyên khẽ ngâm nga:
Qua sông là một nhịp cầu
Qua tôi là một mối sầu vô chung
Tiếc rằng khúc sông này không có nịp cầu để nối mối sầu nào để mối sầu của ta chẳng ai thèm biết đến.
- Hắn đang ru ngủ gì đây?
Phúc vừa nhai mận vừa ngó Nguyên bằng cái nhìn cảnh giác. Cô sợ lòng mình phải xao xuyến trước đôi mắt của gã con trai ngồi đó lắm.
- Anh Nguyên làm thơ hả?
Nguyên khe khẽ lắc đầu:
- Tôi đọc thơ của người khác chớ tôi đâu có biết làm thơ.
Phúc vứt tiếp hột mận còn lại xuống sông:
- Vậy bờ sông đầy nắng này có gợi cho anh ý thơ nào của người ta nữa không?
- Có chớ! Phúc muốn nghe không?
- Muốn lắm. Anh Nguyên đọc đi.
Giọng Nguyên trầm xuống, vừa nhắn nhủ vừa khơi gợi xa xôi:
Nắng bờ sông như màu trang vở cũ
Thuở học trò em làm khổ ai chưa?
Một thoáng xao động nhỏ trong tim. Phúc đưa mắt nhìn xa xa rồi cô cười rất tỉnh:
- Anh Nguyên hỏi Phúc hả?
Nguyên vẫn tựa người vào gốc dừa, tay gác sau ót nhìn trời. Anh cười cười:
- Thi sĩ hỏi nàng thơ. Người yêu hỏi người yêu. Trái tim người này hỏi trái tim người kia.
Phúc bối rối. Hắn không phải ít lời như mình vẫn tưởng đâu. Cô lắc đầu:
- Sao mà rắc rối vậy? Ai mà biết được cái khổ của thi sĩ với nàng thơ, của người yêu với người yêu, của trái tim này với trái tim kia như thế nào.
- Muốn hiểu điều này thì dễ lắm Phúc à! Người ta phải có một tấm lòng.
- Để làm gì?
- Để cảm thông, để cảm nhận, để yêu và được yêu.
- Và để khổ nữa.
- Sao Phúc biết?
- Thấy anh Khải đủ khổ rồi…
Cả hai người cùng cười khúc khích. Nguyên ngắt cọng cỏ may xoay xoay trong bàn tay.
Phúc cầm nửa trái mận đưa Nguyên:
- Anh Nguyên nè, ăn nửa trái mận này đi. Ngọt dễ sợ.
Nguyên xoè bàn tay ra đợi Phúc đặt nửa trái mận vào. Anh chưa vội ăn ngay:
- Lần đầu trong đời. Có người chia ngọt với tôi đấy.
Lườm Nguyên một cái vờ cắn miếng mận đó để tìm lời đối đáp vì nói chuyện với người khác có bao giờ cô chịu thua đâu.
- Thế anh nghĩ thiên hạ có dư mật ngọt để chia cho người khác à?
Nguyên ngồi dậy. Anh nhìn Phúc đăm đăm:
- Dĩ nhiên là ngọt bùi lúc nào cũng dễ tìm hơn cay đắng. Nên tôi chỉ nhận ở Phúc nửa trái mận ngọt thôi đã thấy hạnh phúc rồi.
Phúc không chịu:
- Anh quan niệm hạnh phúc đơn giản quá.
- Hạnh phúc rất đơn giản nhưng không phải ai cũng có được. Như lúc này đây. Một bên tôi là bờ sông đầy nắng, một bên tô là một người con gái lạ lùng… Có hai người và chút ngọt ngào chia sẻ cho nhau. Đó không là hạnh phúc thì là gì?
Mắt Nguyên long lanh:
- Hồi nhỏ tôi hay nằm nhìn những đám mây bông gòn trên trời mà tha hồ thả rong trí tưởng tượng. Lúc đó tôi nghĩ rằng hạnh phúc phải là cái gì lớn lao, kì diệu và rất khác những cái tầm thường mà tôi đang có. Lớn lên rồi tôi mới chợt thấy rằng tất cả những suy nghĩ tưởng tượng của thời thơ dại đúng chỉ là những đám mây nó trôi đi hoặc tan thành những cơn mưa xuống đời rồi.
Mở to đôi mắt. Phúc cắn môi như để tìm lời. “Hắn đang nói cái gì mà lộn xộn thế?”
Phúc ấm ức buột miệng:
- Anh Nguyên à! Thứ hạnh phúc đó mau cũ lắm vì mật ngọt phút chốc cũng tan thôi. Đắng cay mới theo người ta suốt đời và làm người ta ray rứt đau đớn.
Xoay mình một vòng, Nguyên nằm sấp trên cỏ, tay tựa cằm anh nhìn Phúc.
Khải và Thuý khệ nệ bưng ra một rổ mận và một ca nhựa to đựng nước dừa. Khải hất hàm:
- À! Thì ra trốn ở đây. Phúc! Rót nước dừa ra.
Phúc liếc Khải một cái:
- Chà! Anh Khải oai thật ta.
Thúy cười nhẹ:
- Ngồi đây nhe! Thúy vào nấu cơm nếp.
Phúc đứng dậy:
- Em phụ với. Em ăn nhiều nhất.
Thuý xua tay:
- Phúc ngồi đây chơi. Chị làm nhanh lắm.
- Nhanh em cũng phụ nữa.
Rồi không đợi Thuý, Phúc lẹ làng bước vào trước.
Khải hồ hởi nhìn Nguyên:
- Ông thấy thế nào?
Nguyên nhìn trời:
- Dịu dàng, đảm đang và kín cổng cao tường.
Khải thích thú ra mặt:
- Đám bạn con Thơ tôi chấm được có một Ngọc Thuý thôi đấy.
Nguyên hỏi:
- Ông chọn theo tiêu chuẩn nào vậy?
Khải ngớ ra:
- Tiêu chuẩn à? Có tiêu chuẩn nào đâu? Trái tim mình chọn đó chứ. Ngay cả với tôi, tôi cũng không nhận ra ở Thuý có cái dịu dàng, đảm đang như ông vừa nói.
Nguyên cười to. Anh nhặt một hòn sỏi ném ra xa. Khải hất hàm:
- Còn ông! Con bé Hồng trông cũng hay. Ông chọn cô ta theo tiêu chuẩn nào vậy?
Nguyên lắc đầu:
- Hồi nào đến giờ tôi chưa chọn ai hết. Tôi toàn bị các cô ấy chọn không thôi.
Khải cười:
- Đào hoa thật! Thảo nào xung quanh ông, tôi thấy bao giờ cũng tấp nập…
Nguyên nhún vai:
- Hình thức thì trông rất khác nhưng nội dung thì y như nhau. Cô nào đến với tô cũng như nhau.
- Ông có nói quá đáng không?
Nguyên thở dài:
- Nói ra thì giống như mình tự cao. Nhưng nếu tôi yêu được một người như ông yêu Thuý thì thật hạnh phúc. Cái bất hạnh là tôi đã quen quá nhiều và quen quá sớm.
Khải nheo mắt:
- Bây giờ trái tim ông chai rồi hả?
- Không! Có yêu bao giờ đâu mà chai?
Nguyên nhìn Khải. Cả hai phá ra cười. Khải bất ngờ “đổi tông” đột ngột:
- Ông thấy gia đình má Út tôi thế nào?
Nguyên trả lời lơ lửng:
- Nếu gia đình mình được một phần nào như gia đình Phúc chắc mình không tệ như hôm nay… Ba cô em của ông cũng hay. Mỗi người một vẻ…
Phúc ra đến, trên tay cô cầm hai trái thanh long:
- Em thích ăn thanh long nhất.
Khải hỏi:
- Có hai trái làm sao chia?
Phúc lém lỉnh:
- Dễ ợt! Em nguyên trái. Anh với anh Nguyên chung một trái. Anh Nguyên thích được chia ngọt sẻ bùi lắm đó.
- Anh mà chia ngọt sẻ bùi với Nguyên thì hơi lạc điệu. Thôi, tôi nhường cho ông luôn trái đó.
Khải đứng dậy nhìn Phúc:
- Để anh vào xem Thúy nấu tới đâu rồi.
Nguyên nói:
- Phúc nói đúng, đâu phải “thiên hạ” ai cũng muốn chia ngọt sẻ bùi với tôi.
Phúc làm thinh. Cô cắt trái thanh long ra làm đôi
- Anh ăn đi! Nghĩ ngợi nhiều quá mất ngọt…
Nguyên cầm miếng thanh long lên:
- Dù sao tôi cũng nhớ mãi chút ngọt ngào mà Phúc đã chia.
Rồi mặc Phúc ngồi bên bờ sông lộng gió. Nguyên bỏ đi vào trong vườn. Phúc hoang mang nhìn theo. Tiếng Nguyên huýt gió nghe buồn làm sao. Cô cúi xuống nhìn hai ống quần mình, những bông cỏ may bám đầy. Cái thứ cỏ gì đến lạ, nó như những hạt buồn nhẹ nhàng ở đâu giờ bám chặt vào hồn cô.