Cửa hàng đồ chơi

     àng chú ý đến ông ngay lần đầu đến quán. Giữa những quầy hàng chất đầy những món nhỏ xíu cho em bé sắp ra đời cho đến thôi nôi, rồi quà cho bé tập đứng tập đi, cho bé tập dạo phố, cho bé tập đạp xe quanh sân... Quà sinh nhật ba tuổi cho đến khi không được gọi là trẻ con... Giữa những vị khách lăng xăng chỉ trỏ, ông nổi bật bởi chiều cao lênh khênh và ánh mắt tìm kiếm.
Nếu vắng khách, nàng đã hỏi han để biết đứa bé sắp nhận quà của ông là như thế nào để đề nghị với ông một món quà thích hợp, với những người khách không sành nàng thường luôn như vậy.
Nhưng hôm nay đông khách quá, ngày Quốc Tế Thiếu Nhi lại cũng là cuối tháng. Có nhiều người bế cả con theo, những đứa trẻ thích cái này không thích cái kia khiến mọi thứ lộn nhào cả lên, nhưng nàng hài lòng vì biết khi bố mẹ đưa con theo thì số tiền mua quà không dừng lại ở mức đã định trước. Bởi vậy nên nàng lắng nghe tất cả - Lời thở than về bệnh tật, biếng ăn... cho đến lời khoe bé mới mười bảy tháng hai mươi mốt ngày mà đã biết nói được một câu dài đến sáu từ “Mẹ ơi con muốn ăn bánh”...
Chắc ông ta tìm quà cho cháu nội sắp ra đời, nàng nghĩ vậy khi thấy ông chạm tay vào những cái lúc lắc treo bên trên, một chùm tiếng reng reng rung lên vui vẻ.
Nàng định với tay lấy cái lúc lắc trao cho ông nhưng một người khách đã đặt lên quầy một cái xe lửa và yêu cầu gói gấp để kịp dự sinh nhật. Tiếp đến gói đôi giày, rồi gói chú gấu lông xù... Ai cũng thúc hối. Khi nàng ngơi tay, quán đã vãn thì ông cũng không còn nữa. Nàng nhớ rõ ông chẳng mua gì.

 

Nàng không ngạc nhiên khi những lần sau ông ông đến và cũng như lần đầu ông chăm chú lắng nghe tất cả.
Người phụ nữ phàn nàn sắp đến ngày sinh rồi, chị rất muốn mua cái nôi này, chị tin chắc trong cái nôi màu xanh này con của chị sẽ có những giấc ngủ ngon. Nhưng ông chồng của chị lại muốn cho con nằm võng, võng mắc trên giường, đỡ choán chỗ vì phòng tập thể hẹp quá. Chồng chị có lý nhưng không mua được cái nôi này cho con thì chị không thể chịu nổi!
- Tôi có loại nôi nhỏ hơn, không choán nhiều chỗ lắm đâu - Nàng trả lời và gọi to - Mẹ ơi, mang dùm con cái nôi màu hồng.
Rõ ràng nàng là một chủ quán láu lỉnh. Rõ ràng nàng rất hiểu khách hàng của mình. Cái nôi màu hồng bằng y cái nôi màu xanh lơ, chỉ khác kiểu cách trang trí một chút.
Người phụ nữ bối rối gang tay đo quanh thành nôi. Nàng nhẹ nhàng buông một câu:
- Nằm võng lưng bé bị cong thì sao?
- Đúng rồi! - Vẻ bối rối trên mặt người phụ nữ biến mất, chị cười hớn hở vì đã tìm được lý do chính đáng để thuyết phục chồng.
Cứ như vậy, nàng ngồi sau quầy mà thu tiền của khách. Mẹ nàng từ nhà trong ra nhà ngoài, từ quầy này sang quầy khác, từ kệ dưới lên kệ trên.
Từ quầy này sang quầy kia thì được, nhưng từ nhà trong ra nhà ngoài thì hơi chậm, còn từ kệ dưới lên kệ trên thì phải dùng ghế cao. Rất bất tiện khi đông khách. Mà quán thì hầu như ngày nào cũng đông.
Còn phải nói. Nhưng đứa trẻ lớn lên từng ngày. Mới khăn lông tã lót đó đã thấy xúng xính áo quần, rồi áo quần mới đó đã chật đi rất nhanh. Những con búp bê nâng niu đó đã thấy đầu một nơi chân tay một chỗ khác. Mới xe nôi đó đã là xe tập đi rồi là xe ba bánh, rồi xe đạp có hai bánh phụ ở phía sau... Những ông bố bà mẹ luôn miệng than phiền rằng con họ sao cứ bôi bẩn quần áo và không biết giữ gìn đồ chơi. Than phiền một cách vui vẻ. Không có gì đáng lo ngại bằng bộ quần áo mong hoài không thấy chật và những món đồ chơi mãi mãi mới nguyên.
Mà nào chỉ có trẻ con. Ai cấm trẻ-đã-lớn tặng nhau một chú gấu bông êm ái?
Và hơn tất cả là cô chủ quán. Từ xa người ta đã thấy cô ngồi sẵn bên quầy, lúc nào sẵn sàng phục vụ quý khách không chút lơ là. Có khi chỉ ngang qua thôi nhưng rồi người ta cũng bước vào. Không bước vào sao được, những quán khác khách gọi đến ba lần mà chủ vẫn đang bận ngủ trưa.
Cứ như vậy, nàng cứ ngồi sau quầy mà thu tiền của khách. Mẹ nàng từ nhà trong ra nhà ngoài, từ quầy này sang quầy kia, từ kệ dưới lên kệ trên bằng một cái ghế chân cao.
Vóc dáng lênh khênh của ông thật thích hợp. Một việc làm thêm bù đắp cho lương hưu, chắc ông không từ chối? Và hơn cả là ông rất thích đến đây, đó là điều nàng chắc chắn.
Chưa kịp gợi chuyện thì ông đã nói với nàng, như giải thích về chuyện có mặt thường xuyên mà không mua gì cả:
- Tôi không có con. Tôi... từ thời trai trẻ đến giờ... Tôi đến đây có phiền gì không?
Ông nói bằng một giọng rụt rè và có gì đó rất khẩn khoản. Nàng lặng người. Tất cả khách hàng bước vào quán đều có con, thậm chí là tay bồng tay dắt. Hoặc họ đến một mình thì đứa con cũng hiện diện đầy quyền hành trong ánh mắt lục tìm cho được món đồ chơi - “Nó không thích cái này, nó muốn cái kia kìa”. Nó hiện diện trong đôi tay nâng niu gói quà bước ra khỏi quán.
Còn ông, ông đến đây một mình.
Đứng đâu đó giữa những người khách, ông im lặng lắng nghe. Khi khách hàng là những ông bố thì khuôn mặt ông rạng lên nỗi niềm chỉ mình nàng hiểu. Những ông bố ít khi mua váy đầm giày dép, những món này mang về chẳng bao giờ được vợ khen. Nhưng cái chính là đàn ông thường thích cái gì sâu sắc một chút. Ví dụ như là búp bê làm bác sĩ hay là búp bê vận động viên trong tư thế chiến thắng tay nâng cao chiếc cúp... Những món quà gợi đến những ước mơ. Và bố cũng hào hứng khoe khoang:
- Con của bố nói đi nào... Con mèo nó kêu làm sao?
- Meo meo... - Cái đầu nhỏ xíu lúc lắc.
- Thế con chó nó kêu làm sao?
- Gâu gâu... - Đôi bàn tay nhỏ xíu vung văng.
- Cháu mới hai mươi lăm tháng lẻ ba ngày thôi đấy. Nào, con chuột nó kêu làm sao?
- Ò ó o...!
Cả quán cười rộ.
Thích thú ngắm nhìn và lặng lẽ lắng nghe, ông trở nên quen thuộc với quán. Rất tự nhiên, như đứng không cũng buồn, ông cúi nhặt cái gì đó treo lên vị trí của nó ở bên trên, vặn lại ốc vít chiếc xe nôi hoặc đóng lại cây đinh trên giá... Ông làm mọi việc một cách chân thành và giản dị như mọi sự hẳn phải như vậy. Giữa nàng và ông là một sự thông hiểu chẳng cần lời. Nhất là sau mỗi khi đông khách, các quầy các kệ ngổn ngang những món đồ chơi bị xáo tung vì lựa chọn, ông giúp sắp xếp lại. Nàng nhận ra cách ông sắp xếp màu sắc bên nhau rất tươi tắn, rất rực rỡ và rất hoàn hảo. Như tất cả những gì thuộc về trẻ con là phải như thế - Tươi tắn rực rỡ và hoàn hảo.

 

Có một cậu bé không hoàn hảo cũng thường đến quán của nàng, cậu đi cùng với một cái nạng gỗ. Lần đầu tiên nghe tiếng “côm cốp” của cái nạng chống lên nền, nàng giật mình. Bước tập tễnh xiêu xiêu khiến cái quán như chao đảo. Nhưng không hề tự ti mặc cảm, cậu cũng khó tính lựa chọn và thích thú khi tìm được món như ý. Chỉ rụt rè một chút khi hỏi giá tiền rồi nụ cười mãn nguyện nở trên môi khi câu trả lời rất vừa với số tiền trong túi.
- Cô giống như cô tiên vậy. - Cậu bé nói khi đã là khách quen.
-...
- Cô nhìn xuyên qua túi áo của cháu.
-...
- Mỗi lần chọn quà xong, cháu cứ sợ không đủ tiền.
Giọng cậu bé hồ hởi hồn nhiên. Có thể đoán được rằng cậu cũng là khách quen của quầy bán truyện cổ tích. Nàng mỉm cười:
- Cháu có thể mua được cả thế giới.
Cậu bé cười hồn nhiên:
- Cháu chỉ thích mua tất cả máy bay của cô thôi.
Điều này thì nàng biết, ông cũng biết. Những món quà của cậu luôn là những chiếc máy bay.
- Cô cũng thích máy bay. Tất cả mọi người ai cũng thích máy bay - Nàng nói nghiêm trang.
Cậu bé mỉm một nụ cười ra ý “Cô không cần thuyết phục cháu như những khách hàng khác đâu”. Dáng vẻ của cậu khiến nàng và ông bật cười. Nàng lắc đầu:
- Bởi vì máy bay gợi đến những ước mơ đặc biệt.
- Cháu thích trở thành phi công lắm. - Cậu bé bật ra lời.
Giấc mơ quá đặc biệt! Nàng, cô chủ quán chưa bao giờ biết bối rối trước những khách hàng khó tính nhất, chẳng nói được gì. Nhưng cậu bé không cần những lời động viên suông, rõ ràng như thế. Cậu mím môi hít một hơi dài:
- Nhưng cháu không trở thành phi công được, cháu biết.
-... Trở thành bác sĩ, nhạc sĩ hay thương gia cũng hay chứ. - Nàng nói nho nhỏ.
Không chú ý đến câu nói của nàng, cậu bé tiếp tục như nói với chính mình:
- Mẹ cháu nói nếu cháu cố gắng, nếu cháu muốn, cháu sẽ trở thành Tổng thống.
Tổng thống? Nàng ngạc nhiên quá sức. Ông cũng vậy. Hai người lớn cùng chăm chú nhìn cậu bé ưỡn ngực trên chiếc nạng:
- Nước Mỹ từng có Tổng thống ngồi xe lăn mà điều hành được đất nước. Mẹ cháu nói vậy. Phải không cô?
Ừ, nước Mỹ từng có. Nàng mạnh mẽ gật đầu. Những khách hàng trong quán quay lại. Cậu bé đưa một ngón tay lên môi. Ông già cũng vậy. Nàng mỉm cười. Ước mơ này là bí mật của ba người! Đến một ngày, ông nói “Cháu đưa nạng đây ông đóng thêm cái đế cao su” thì họ trở thành bộ ba thân thiết. Đi học về, ngồi sau xe đạp của một người bạn trạc tuổi, cậu ngoái đầu nhìn lại cái quán. Nàng và ông nhìn ra, vẫy tay.
- Cháu mua quà cho cháu hay có tặng cho ai không? - Nàng hỏi khi cậu chọn cái máy bay giống hệt lần trước.
- Trời ơi, cô biết không... Lớp cháu có bao nhiêu đứa là bấy nhiêu lần sinh nhật. Mà cháu cũng thích...
Cậu cười bẽn lẽn. Tựa như là một yếu điểm khi người ta đã mười tuổi mà còn thích đồ chơi.
- Sinh nhật cháu ngày nào?
Cậu lắc đầu vùng chạy. Cái nạng gõ nhẹ những tiếng rất mềm.

*

Không ngừng lại ở xe đạp, nàng nhập về cả xe hơi. Ngay lập tức tất cả trẻ con dồn về quán. Hai chiếc xe hơi, một màu xanh một màu đỏ nằm chễm chệ trên sân. Xe có hai chỗ ngồi. Con làm tài xế nhé, bố chỉ là hành khách thôi. Nút khởi động gắn dưới chân bàn đạp bên trái nối liền với bình điện. Còn thắng là bàn đạp bên phải. Tay con đặt trên vô lăng... vi vu... vi vu... tằng tăng tăng... Quý khách đi đâu nào? Tài xế nhấn ga, chiếc xe chạy vòng vòng quanh sân. Khách vừa khen “Bác tài giỏi quá” vừa nhắc chừng chừng bác tài đạp thắng từ từ thôi kẻo lật xe. Tài xế cười dòn dã “Quý khách yên tâm đi mà”. Rồi chẳng biết làm sao xe lại lao sát mép sân, bác tài hoảng hồn đạp mạnh. Khách vội ôm lấy bác tài xế nhấc bổng lên trời giữa tiếng cười của bọn trẻ đứng quanh.
Chiếc xe màu đỏ được bán ngay trong ngày. Những ông bố bà mẹ nhìn chiếc xe màu xanh, tắc lưỡi “Giá cả đã đành, nhưng vấn đề là phải có một cái sân thật rộng”.
Cậu bé đến. Cũng như các cậu bé khác. Cậu nhìn chăm chăm vào cái xe trên sân. Rồi nỗi háo hức trong mắt cậu lặng dần... lặng dần...
- Cháu không thích xe à? - Nàng hỏi.
Không trả lời.
- Cháu làm sao vậy? - Ông ân cần hỏi. Rồi ân cần giải thích cách sử dụng - Có một bình điện bên dưới thùng xe. Chỉ cần điều khiển vô lăng cho khéo léo là được.
- Cháu có muốn ngồi vào xe chạy vài vòng không? - Nàng hỏi. Câu hỏi khiến những đứa trẻ gần đó thèm thuồng.
Cậu bé giật nảy người:
- Không!
Tiếng “không” tuyệt vọng đến nỗi tim nàng nhói lên. Cậu òa khóc:
- Cháu không đạp thắng được.

 

 

Món đồ chơi tuyệt vời khiến cậu bé thấm thía sâu sắc khiếm khuyết của mình. Cậu trở nên ủ rũ nhợt nhạt. Trưa đi học về cậu không ngoái nhìn vào quán nữa. Nàng hiểu ra để có vẻ tự tin trước đây cậu đã cố gắng đến nhường nào.
Bước vào quán cậu không còn vui vẻ chạy đến nơi trưng bày những chiếc máy bay. Mắt cậu trống trải nhìn quanh:
- Người ta không làm đồ chơi cho những đứa như cháu, phải không cô?
Câu hỏi thì thào đau khổ khiến nàng buốt cả ruột gan. Rồi chính nàng cũng nhìn quanh, những món đồ chơi quen thuộc chợt hiện ra dưới một góc độ mới. Phải, không có đồ chơi khuyến tật! Tất cả thật đẹp, thật rực rỡ và hoàn hảo! Tiếng ho của ông già khúc khắc vang lên. Ông đang đóng vài cây đinh trên tường để treo những chùm bong bóng hình con vịt, con gà, con thỏ... Tiếng búa gõ khô khốc. Cậu bé nhìn theo tay ông, một kiểu nhìn dửng dưng khiến ông dừng tay lại.
Chẳng ai có thể nói được gì. Lời an ủi suông chỉ thêm tủi thân. Những người khách đặt hàng lên quầy, nàng gói lại và cài nơ như một cái máy. Người khách cuối cùng rời quán, trời vừa sập tối.
- Cháu không về nhà sao? - Nàng hỏi khe khẽ.
- Cô cũng đuổi cháu...
- Đừng gây gổ với cô. Cháu không sợ mẹ lo lắng à?
Cậu lắc mạnh đầu. Nước mắt lấp ló. Nàng muốn ôm cậu vào lòng nhưng rồi vẫn phải ngồi im sau quầy.
- Hôm nay sinh nhật cháu... - Cậu bật ra.
Sinh nhật mà buồn đến thế kia. Nàng nhớ ra mình đã từng muốn biết ngày sinh nhật của cậu. Nhưng ánh sáng háo hức trong mắt cậu khi nhìn thấy máy bay đẹp không còn nữa.
-... Cháu nói không mà mẹ vẫn cứ tổ chức
- Tổ chức sinh nhật thì vui chứ.
- Cháu không thích. Cháu không thích nhận quà. Đó không phải là quà dành cho cháu.
Nước mắt ướt nhòe và toàn thân cậu thổn thức run run trong tuyệt vọng. Ông già gõ khan búa vào tường. Nàng thấy lòng đau đớn và đồng thời trào lên cơn giận dữ. Nàng không thích nhìn cậu yếu ớt như thế này. Ước mơ Tổng thống đâu rồi?
- Người ta nói những kẻ như cháu chẳng bao giờ làm được gì cả.
- Ai nói? - Nàng quát.
Tiếng quát bất ngờ khiến cậu bé giật mình im bặt. Ông già lo lắng bước đến gần. Cả mẹ nàng cũng từ trong chạy ra. Hai tay nàng run bần bật trên quầy. Chẳng biết điều gì sẽ xảy ra nếu người phụ nữ không xuất hiện. Chị đi như chạy vào quán, tóc rối tung, chị thở hổn hển. Nhìn thấy cậu bé, chị dừng lại đặt tay lên ngực:
- Mẹ tìm con khắp nơi...
Cậu bé nhảy lùi lại “Con không về”. Cái kệ sau lưng cậu đổ ập xuống, gấu bông búp bê thỏ mèo chó... tung tóe khắp nơi, cả cậu cũng lăn nhoài ra. “ Con không về”, cậu lặp lại trong nước mắt, hai vai co rút đơn độc - “ Mẹ đừng đến gần con”, mười ngón tay xòe ra từ chối đau khổ.
Người phụ nữ sựng lại, môi phập vào nhau.
Mẹ nàng nhìn người phụ nữ. Bà nhìn thấy suối nước mắt chảy xiết trong lòng người mẹ trước mặt. Hơn ai hết, bà đã hiểu điều này, bà đã từng...
Ông chăm chăm nhìn cậu bé. Biết rằng càng chú ý càng làm cậu thêm tủi thân nhưng không thể bứt mắt ra khỏi cơ thể nhỏ bé trước mặt. Những người khách đến đây, ông chỉ là người bên lề. Ông lắng nghe, không được mời và cười vui, không được san sẻ. Còn với cậu, ông được dự phần dù đó là buồn đau. Đơn độc là điều đáng sợ nhất. Ông hiểu rõ ràng điều này, hơn ai hết.
Nàng giữ cho đôi bàn tay mình trên quầy đừng run rẩy quá. Nỗi tuyệt vọng này... Cậu bé như nàng đã từng. Tổng thống Mỹ quá xa vời, mà sợ hãi thì rất gần, cô đơn rất gần. Hơn ai hết nàng hiểu nỗi cô đơn này.
Nàng chống tay đứng dậy rời khỏi cái ghế cao được đóng dính liền vào quầy. Mẹ nàng mở to mắt. Mỉm một nụ cười, nàng rời khỏi quầy. Bằng từng bước tập tễnh, nàng bước đến gần cậu bé.

HẾT


Xem Tiếp: ----