Mùa gió

     ỗi buồn là không thể chịu nổi nữa rồi.
Lau nước mắt, làn da nhám sì vì gió nắng khắc nghiệt nham nhám tay, tôi quăng bút, đi ra đường.
Tôi nói với mình như bao lần tự nhủ: Mày đang chán nản. Như đã từng có lúc như vậy. Và mày đã vượt qua những lúc đó mà không ai biết. Bây giờ cũng như vậy thôi. Trời chuyển mùa, những cơn gió rít gào thốc bụi mù mịt, ai cũng mệt. Và mày mệt hơn tất cả vì cộng thêm nỗi nhớ nhà.
Nhớ nhà? Nhớ má... Những lá thư tự tay má viết nét chữ ngoằn ngoèo, sai chính tả “... con nhớ dữ dìn sức khẻo” và “... má nghe người ta nói ở đó có cây lá ngón làm thuốt độc, con đi chợ mua rau coi chừng mua lộn lá ngón”. Ôi má... lá thư nhắc tới lá ngón khiến một tuần tôi không dám mua rau. Không dám mà lòng thắc mắc. Người đàn bà bán rau nể cô giáo dạy con mình nên không dám cười to: “Cô giáo ơi,không thể nhầm lá ngón với lá rau được đâu vì nó khác hẳn”. Má vẫn không yên: “Con chủ quang lắm, cái tính của con má biếc quá mà”.
Má biết quá mà! Má biết bởi vì tôi có bao giờ giấu má cái gì đâu. Nhưng kể má nghe sao đây về lá thư dở dang trên bàn và tôi đang đi như điên giữa đường thôn vắng ngắt.
Nản. Chán ngán. Buồn. Và mệt mỏi. Chẳng làm gì cả mà mệt rũ người.
Ngày dạy ba tiết còn lại về nằm đọc sách rồi ngủ. Sao lại mệt đến thế này? Bốn năm đại học xa nhà bươn chải tự trang trải cho bản thân tôi có mệt như thế này đâu. Vì lúc đó không có thời gian để mà mệt!
Đúng vậy. Lý do hiện ra thật rõ ràng!
Tôi đứng khựng lại giữa đường. Nhìn quanh. Mùi khói và mùi phân gia súc oi oi. Trong bóng đêm, những căn nhà sàn trên những cái chân khẳng khiu như sắp bay lên vì gió lộng. Bọn học trò của tôi, những đứa con của những căn nhà sàn, chúng đang ở trong đó, chuẩn bị đi ngủ. Bây giờ là tám giờ. Sự tĩnh mịch như đã giữa khuya. Và người ta chuẩn bị đi ngủ. Ngủ, để mai còn đi nương. Ngủ, cũng là tiết kiệm chất đốt. Và ngủ, vì thức để làm gì? Tôi đây, tôi cũng chẳng biết thức để làm gì!
Va-li sách mang theo đã đọc đi đọc lại đến nhàu rồi. Và cũng thôi rồi những cuốn từ điển mang theo với hào hứng “Sẽ dịch những mẩu chuyện tiếng Anh mình thích sang tiếng Ê Đê, bọn học trò của mình sẽ có một tập truyện song ngữ Ê Đê - Anh”. Ôi... sự nhiệt tình thảm hại của tôi. Lẽ ra tôi phải nhận ra ngay từ đầu chứ không để tới lúc này. Lẽ ra tôi phải nhận ra ngay khi Y Miên nhìn quyển sổ trên tay tôi với nụ cười giễu không che giấu. Nụ cười của sự khẳng định rằng tôi sẽ bỏ cuộc như cô giáo đến đây trước tôi. Nụ cười rằng tôi sẽ ra đi ngay khi có cơ hội. Và những từ Ê Đê tôi ghi đầy trong quyển sổ chỉ là để làm kỷ niệm mà thôi.
Nụ cười làm tôi nổi giận. Y Miên không có quyền phán xét! Y Miên yên lòng ở lại đây vì nơi này chính là nhà của Y Miên, còn tôi và các bạn tôi, những người đã đi và những người sẽ đi, chúng tôi cũng muốn sinh sống và làm việc ở nơi mình sinh ra và lớn lên. Khác gì Y Miên đâu?
Cuộc trò chuyện đầu tiên giữa tôi và Y Miên trở thành cuộc đấu khẩu mà phần có lý nghiêng về phía tôi. Để chiến thắng trọn vẹn hơn, tôi thẳng thừng “Phòng giáo dục hứa sau ba năm dạy ở đây tôi sẽ được chuyển về thành phố. Tôi không xung phong. Tôi về đây là do phân công, tôi cũng sẽ làm hết sức mình”.

 

Quyển sổ dày đặc chữ, tôi đã dịch được một hai mẩu chuyện nhỏ. Hai mẩu vui cười. Tôi thích nghe tiếng học trò của mình cười. Không gì bằng cuối một tiết. Học trò và cô giáo cất tiếng cười vui. Nhưng không em nào dám cất tiếng cười cả. Tôi cũng không thể cười.
Bài kiểm tra lần thứ nhất, bài dễ nhất, không em nào được năm điểm. Và những bài kiểm tra kế tiếp càng thê thảm hơn. Ôi! Môn ngoại ngữ của học sinh vùng ven...
Như một người máy, tôi cầm những xấp bài kiểm tra bước vào phòng hiệu trưởng. Y Miên ngồi sau những cái bàn đầy sổ sách ngước nhìn tôi rồi cầm xấp bài kiểm tra lật từng tờ. Những ô điểm trống không.
Tôi không thể chấm điểm được - Tôi nuốt xuống, thấy nhục nhã khi phải đổ thừa lý do về phía khác nhưng thật sự là như vậy - các em đã mất căn bản trầm trọng, tôi có cảm tưởng là các em chưa biết gì về môn tiếng Anh cả, thưa hiệu trưởng.
- Trường chúng ta mới có giáo viên ngoại ngữ được hai năm nay thôi. Cô là người thứ hai.
Tôi không biết nói gì. Đôi mắt sáng trên làn da nâu nhìn tôi hun hút.
- Tôi biết là rất khó cho cô giáo. Nhưng cái gì cũng cần có khởi đầu.
Tôi vẫn không biết nói gì. Giọng nói có âm vực khỏe khoắn bất chấp của dân vùng cao vang bên tai tôi:
- Trong ba năm cô giáo dạy ở đây, tôi hy vọng sẽ có được vài em thi đậu cao đẳng sư phạm khoa ngoại ngữ. Và sau đó... Cô giáo biết không, ngôi trường có tám phòng học này trước kia chỉ là một gian nhà mái lá vách nứa. Hồi đó tôi chưa nói sõi tiếng Kinh.

 

Cái gì cũng cần có khởi đầu. Tôi dạy học trò lớp 12 từng chữ cái, từng câu đơn giản. Đơn giản đến nỗi tôi không biết làm gì cho hết thời gian. Ngày đã dài mà khoảng thời gian từ chiều đến đêm lại càng dài dằng dặc. Tôi hai mươi ba tuổi. Tôi không muốn mình như một bà già về hưu thế này. Chạm ánh nhìn của Y Miên, tôi quay mặt đi. Những cô giáo trong trường tị nạnh sao tôi được ưu ái. Đành phụ lòng Y Miên thôi. Tôi không sợ thiếu thốn, không sợ khổ, không sợ điện cúp đột ngột trong đêm, không sợ những cơn gió nghiến ken két rợn người, không sợ kiến vàng đùn lên cả ổ ngay dưới chân giường, không ớn những bữa cơm rao tập tàng hoài mãi... Tôi muốn được làm việc, thèm có thêm thời gian. Muốn ngủ gục bên bàn vì không xong việc. Muốn sáng ra hấp tấp khóa cửa để kịp giờ đến cơ quan. Muốn nghe lời thúc hối công việc phải xong trước giờ nào đó. Muốn được liếc nhìn thành công của người khác mà ghen tị. Muốn khuya ngả người ngủ vùi quên bỏ mùng, giấc ngủ say sưa của một kẻ hài lòng với kết quả công việc và sáng thức dậy là một kế hoạch mới...
Tôi lại bước vào phòng hiệu trưởng. Tôi không thể tiếp tục được nữa.
- Cô giáo nhất định đi sao?
Tôi gật đầu. Nước mắt trào ra:
- Tôi xin lỗi...
- Cô giáo đã có chỗ dạy ở thành phố?
- Vấn đề không phải là một chỗ dạy ở nơi khác thuận lợi và vui vẻ hơn - Tôi bùng lên qua làn nước mắt vì hổ thẹn nhớ lại tuyên bố của mình.
Cơn khóc vì hổ thẹn khiến tôi không thể nói năng được gì thêm. Tôi chạy ra khỏi phòng hiệu trưởng. Con đường độc đạo chạy dài từ đầu thôn đến cuối thôn tận cùng là dòng suối mà từ ngày chương trình nước sạch về buôn, nó trở thành nơi tập bơi của bọn nhỏ. Nhiều gia đình người Kinh đến đây sinh sống. Không thể phân biệt được đứa nào là Kinh đứa nào là Ê Đê vì tất cả đều đen nhẻm. Có một đứa đang tồng ngồng trên một tảng đá, nhìn thấy tôi vội quay mông lại và nhảy ùm xuống. Tôi bật cười, lau nước mắt. Nhảy ùm xuống, dòng nước sẽ trôi sạch tất cả và ngày mai sẽ làm lại từ đầu! Ý nghĩ vụt xuất hiện và tôi cố ghìm lại vì bộ áo quần đang mặc trên người, và vì Y Miên đang phía sau, lỡ Y Miên nghĩ tôi tự tử thì thật vô duyên.

 

Tiếng gõ cửa vang lên, tôi không ngạc nhiên. Chưa nghe tiếng người tôi đã biết là Y Miên. Bổn phận của một hiệu trưởng trong lúc này là nói lời chia tay và rất tiếc.
Tôi nhìn quanh. Nếu có thể nói Y Miên đợi mười phút để tôi kịp dọn dẹp đồ đạc đang bừa bộn cho một cuộc ra đi! Nhưng phải mở cửa ra ngay thôi.
Ánh mắt Y Miên quét quanh phòng khiến tôi đỏ mặt. Quả là tôi luôn xuất hiện trước Y Miên với vẻ chẳng ra gì. Lần đầu tiên là tuyên bố đầy thách thức, lần nữa là để chìa xấp bài kiểm tra với những ô điểm trống không, lần nữa là để khóc và lần này, lần cuối cùng, là của một kẻ thất bại bỏ chạy. Tổng kết những lần gặp Y Miên, tôi thấy mình không còn là mình nữa. Cuộc sống nơi này làm tôi xuống dốc thê thảm!
- Cô giáo nói cô giáo không sợ khổ?
Câu hỏi vào giây phút này để làm gì? Tôi cười để không trả lời rồi tiếp tục xếp đồ đạc.
- Công ty du lịch chọn nơi này làm một trong những điểm dừng chân cho những tour du lịch xanh. Họ nói họ cần một người nói được tiếng Anh. Cô giáo nghĩ sao?
-...
- Không quá thời hạn ba năm. Tôi sẽ không nài nỉ thêm cô giáo một ngày nào khi tròn đúng ba năm.
Giọng không hề giễu cợt như vẫn thường thấy ở Y Miên.

 

Không chỉ là cần một người nói được tiếng Anh. Khách du lịch đến từ bên kia bờ đại dương đòi hỏi nhiều hơn là những câu trả lời. Cơm lam, thịt nướng ông tre, canh lá giang, gỏi măng, nấm trộn... Những người đàn bà trong thôn tíu tít đốt củi lấy than để hong những món ăn dân dã đã trở thành đặc sản và được ghi tên trong sách du lịch.
Những người đàn bà nương rẫy nghiễm nhiên trở thành đầu bếp, và tôi, phụ bưng bê! Những ngón tay nương rẫy thô kệch không thể làm công việc bưng bê được. Phiên dịch kiêm bưng bê, tôi tình nguyện nhận công việc này bởi vì không muốn công sức cả ngày của mình bị mất điểm bởi một chi tiết nhỏ trong toàn bộ. Nhưng vậy chưa phải là xong. “Spring rolls”, những người đàn bà trong bếp mở to mắt trước cái tên của món ăn nghe rất lạ. Y Miên nhìn tôi, ánh nhìn khiến tôi không thể từ chối. Món chả ram này, khách du lịch Á Âu đều thích. Tôi xăn tay áo, bằm bằm xắt xắt cuốn cuốn để làm mẫu cho mọi người nhìn. Thoáng nụ cười trong mắt Y Miên. Nếu không phải là đang giữa những người vốn quen nương rẫy thì ánh cười kia sẽ bị đáp lễ đích đáng! Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ có ngày mình biểu diễn như một đầu bếp thực thụ. Tôi bận trong bếp, Y Miên cho gọi bọn học trò tới để bưng bê. Chủ nhật học bù! Thầy cô các bộ môn khác xôn xao.
Cái môn tiếng Anh trình bày trên giấy vụng về lủng củng nhưng đối diện khách Tây, miệng học trò mạnh dạn líu lo. “I want some...” “Yes, sir...”. Thầy hiệu trưởng bật đèn xanh cho học trò tham gia làm du lịch là để theo cô giáo mà học! Là để cô giáo không phải làm công việc bưng bê. Là để các em biết thôn buôn của mình đang chuyển mình như thế nào. Là để các em đóng góp công sức của mình... Một công đôi ba việc.
Thôn trưởng cười hể hả rồi lệnh đàn ông vào rừng chặt cây để dựng hẳn một cái nhà sàn treo bảng “restaurant”. Mai kia còn “hotel” nữa chứ. Mời khách ở lại đêm, nghe hát khan và uống rượu cần.
Bọn học trò thông minh hơn tôi tưởng. Hay trong lòng chúng cũng khát khao được làm gì đó? Công việc rối nùi của những ngày đầu tập làm du lịch đi vào nề nếp. Tôi trở lại công việc của mình.
- Nhờ cô giáo viết sẵn những câu đơn giản cho nhà bếp lỡ khi không có cô giáo ở đó thì họ cũng tự hiểu được khách muốn gì.
- Nhờ cô giáo dịch những bài hát khan.
Từ những câu đàm thoại ngắn ngắn mà đùng một cái tới bài hát khan dài suốt đêm! Tôi lật nát cuốn từ điển - Có những từ tôi mới thấy lần đầu! Xong bài khan này tôi trở thành dịch giả văn học mất thôi!
Mười giờ, học trò gõ cửa bưng vào một ly nước nghi ngút khói: “Thầy hiệu trưởng nói mang đến cho cô. Thức đêm nhiều mất sức lắm”.
Sao Y Miên biết tôi thức đêm?
Quả là tôi mệt nhoài. Tôi uống cạn ly nước màu vàng sóng sánh mà không cần thắc mắc nó là gì.
Khi người ta tin...

 

Nhưng không phải ai cũng tin. Lời xì xào ác ý “Đích thân hiệu trưởng chăm sóc cô giáo bộ môn tiếng Anh”... “Mượn cớ phát triển du lịch để...”...
Y Miên lo lắng “Cô giáo đừng nản lòng nhé”. Tôi phì cười - Tôi đâu dễ bỏ cuộc vì những lý do tầm phào như vậy. Nhưng nếu có cớ để ánh giễu cợt thấp thoáng trong mắt kia phải tắt đi thì cũng nên! Tôi làm mặt buồn.
Những ly nước không đến trong đêm nữa. Khuya, bên bàn ngổn ngang giấy tờ đầy nét gạch xóa, tôi giật mình nhận ra mình chờ mong tiếng gõ cửa. Thật vậy sao? Thư má gởi chuyển phát nhanh “... Xao con dại vậy hả? Nước lá lẩu là bùa mê đó con ơi...”.
Bùa mê?
Tôi buông bút đi ra đường. Thời gian nhanh quá. Ba năm sắp qua rồi mà bài hát khan còn dờ dang. Y Miên dịch từ tiếng Ê Đê sang tiếng Kinh và phần còn lại là của tôi. Phần còn lại... Mong muốn nồng cháy của Y Miên đã lây lan sang tôi rồi. Y Miên mong những người khách đến đây vừa lắng nghe điệu nhạc vừa hiểu được ý nghĩa bài hát, tôi muốn nó hoàn hảo hơn - trở thành tác phẩm văn học như nó vốn là vậy.
Y Miên mong có vài em thi đậu vào khoa tiếng Anh trường cao đẳng, tôi muốn các em vào khoa tiếng Anh của trường đại học kia! “Cô giáo ơi, những bậc thang của nhà sàn chúng tôi nhỏ hẹp”... “Nhưng mái của nó vút lên trời”... Y Miên và tôi hay đùa vậy.
Những ước mơ ngổn ngang và dở dang. Ba năm quá ngắn mà những giấc mơ thì dài.
Đôi chân đưa tôi đến trước restaurant, lợp mái tôn đề phòng mưa không bị dột nhưng phải dấu cái mái tôn giữa hai lớp mái tranh dày. Chủ nhật này cúng mừng nhà mới, dân trong thôn đang bàn tán ai xứng đáng là người đầu tiên đặt chân lên, trưởng thôn hay Y Miên? Căn nhà sàn thơm nồng mùi gỗ mới thấp thoáng ánh trăng lưỡi liềm đầu tháng hư hư mơ mơ - Khi tôi mới đến đây, nơi này là chỗ trùng, mùa mưa ngập bùn lầy, mùa khô đầy rác rưởi và phân bò..
- Nhờ cô giáo trình bày giúp thực đơn bằng hai thứ tiếng Anh và Ê Đê nhé.
Giọng nói vang lên sau lưng tôi, giọng dân vùng cao khi cất tiếng gọi nhau thì vang dội vách núi nhưng khi khe khẽ thì trầm ấm đến rùng mình.
Tôi quay lại. Mắt Y Miên sâu thăm thẳm. Người vùng cao có ánh mắt của mây trời mùa gió.